Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khổ Pháp

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH KHỔ PHÁP  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cù Sư La, tại nước Câu Diệm Di.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thánh đệ tử đa văn thấy biết như thật, đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly. Thấy ngũ dục như hầm lửa. Sau khi quán sát ngũ dục như vậy rồi, ở nơi ngũ dục mà dục tham, dục ái, dục niệm, dục trước vĩnh viễn không còn che đậy tâm. Biết hành xứ và trụ xứ của dục tâm kia mà tự phòng hộ.

Sau khi hành xứ, trụ xứ đã được phòng hộ, đóng chặt cửa rồi, pháp ác bất thiện và tham ưu thế gian không tùy theo hành xứ và trụ xứ kia mà lọt vào tâm mình.

Thế nào gọi là Thánh đệ tử đa văn thấy biết như thật đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly?

Thánh đệ tử đa văn biết như thật về khổ Thánh đế này. Biết như thật về khổ tập này, về khổ diệt này, về khổ diệt đạo tích Thánh đế này. Đó gọi là Thánh đệ tử đa văn biết như thật tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly.

Thế nào gọi là Thánh đệ tử đa văn thấy năm dục như hầm lửa, cho đến các pháp ác bất thiện và tham ưu thế gian vĩnh viễn không còn che đậy tâm nữa?

Thí như bên cạnh thôn xóm có một cái hầm sâu đựng đầy lửa, không có khói và lửa ngọn. Khi ấy có một người không ngu si, thông minh trí tuệ, ưa lạc, chán khổ, ham sống, sợ chết.

Ông tự nghĩ: Ở đây có cái hầm đựng đầy lửa, nếu ta rơi vào trong đó chắc chắn phải chết không còn nghi nữa. Người kia phát sanh sự tránh xa, nghĩ tránh xa, muốn tránh xa. Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn thấy ngũ dục như hầm lửa cho đến pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, vĩnh viễn không còn che đậy tâm.

Nếu hành xứ, trụ xứ mà được phòng hộ trước, biết trước cho đến các pháp ác bất thiện tham ưu thế gian không còn lọt vào tâm.

Thí như bên cạnh thôn xóm có khu rừng nại nhiều cây gai nhọn. Khi ấy có người vào rừng có công việc. Sau khi vào rừng, thấy trước sau, phải trái, trên dưới hoàn toàn là gai nhọn.

Bấy giờ người kia chánh niệm mà đi, chánh niệm tới lui, chánh niệm mở mắt sáng, chánh niệm nhìn thẳng, chánh niệm khom người.

Vì sao?

Vì không để gai nhọn làm tổn thương thân mình. Thánh đệ tử đa văn cũng lại như vậy. Nếu y tựa nơi làng xóm, thành ấp. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào xóm khất thực, phải khéo nhiếp hộ thân và giữ gìn tâm mình, chánh niệm an trú, chánh niệm mà đi, chánh niệm mở mắt sáng, chánh niệm quán sát.

Vì sao?

Vì không để cho gai nhọn làm tổn thương đến chánh pháp luật.

Thế nào là gai nhọn làm tổn thương đến chánh pháp luật?

Là sắc vừa ý, đáng yêu, đáng nhớ. Đó gọi là gai nhọn làm tổn thương đến Thánh pháp luật.

Thế nào là sắc vừa ý, đáng yêu, đáng nhớ, lại làm tổn thương đến Thánh pháp luật?

Đó là năm công năng của Dục. Mắt nhận thức thấy sắc sanh ra yêu, nhớ, nuôi lớn dục lạc. Tai nhận thức nghe tiếng. Mũi nhận thức ngửi mùi. Lưỡi nhận thức nếm vị. Thân nhận thức tiếp xúc sanh ra yêu, nhớ, nuôi lớn dục lạc. Đó gọi là sắc đáng yêu, nhớ, làm tổn thương đến chánh pháp luật.

Đó cũng gọi là Thánh đệ tử đa văn phòng hộ trước và biết trước chỗ hành xứ và trú xứ, cho đến không để các pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian lọt vào tâm.

Hoặc khi Thánh đệ tử đa văn mất chánh niệm, sanh ra giác ác bất thiện, nuôi lớn tham dục, sân nhuế, ngu si. Đó là Thánh đệ tử đa văn thuộc độn căn.

Tuy khởi tập, diệt nhưng bị dục che đậy tâm. Giống như hòn sắt nóng đỏ rực, dùng vài giọt nước nhỏ xuống liền khô mất. Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn độn căn sanh niệm cũng liền diệt mất như vậy. Thánh đệ tử đa văn đi như vậy, đứng như vậy.

Nếu Quốc Vương hay đại thần đến chỗ họ dùng bổng lộc để mời dụ rằng: Này người nam, cần gì phải cạo bỏ râu tóc, mang đồ sành, thân mặc áo Cà Sa, đi xin ăn từng nhà?

Sao bằng an úy hành ngũ dục lạc, bố thí làm phước.

Thế nào, Tỳ Kheo, Thánh đệ tử đa văn có vì bổng lộc mời dụ của các thân tộc, đàn việt, đại thần, Quốc Vương mà họ sẽ hoàn giới thoái giảm không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không!

 Vì sao?

Vì Thánh đệ tử đa văn đã thấy biết như thật đối với tất cả pháp khổ, tập, diệt, vị, hoạn, ly. Thấy ngũ dục như hầm lửa, cho đến pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, vĩnh viễn không còn che đậy tâm nữa, nhờ đã phòng hộ trước và biết trước những hành xứ và trú xứ của phiền não, cho đến các pháp ác bất thiện, tham ưu thế gian, không còn lọt vào tâm mình.

Nếu Quốc Vương, đại thần hay thân tộc dùng bổng lộc mời dụ người ấy hoàn giới thoái giảm thì điều này không thể có được.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Lành thay! Lành thay! Thánh đệ tử đa văn từ lâu tâm xuôi về, rót về, đổ dốc về, hướng đến viễn ly, hướng đến ly dục, hướng đến Niết Bàn tịch tĩnh xả ly, vui nơi Niết Bàn. Ở nơi hữu lậu đã được dập tắt, được làm mát nguội.

Nếu bị Quốc Vương, gia chủ hay thân tộc dùng bổng lộc mời dụ để hoàn giới thoái giảm, chịu khổ lớn khác, thì điều này không thể có được. Giống như Sông Hằng luôn luôn xuôi về, rót về, đổ dốc về phương Đông.

Có nhiều người ngăn nó, muốn nó xuôi về, rót về, đổ dốc về phương Tây thì có được không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không thể.

Vì sao?

Vì dòng nước Sông Hằng đã lâu ngày chảy về phương Đông mà muốn nó chảy về phương Tây thì không thể được.

Những người kia, họ sẽ chịu khổ cực! Cũng vậy, Thánh đệ tử đa văn đã lâu ngày tâm xuôi về, rót về, đổ dốc về, hướng đến viễn ly, cho đến muốn khiến thoái giảm, thì điều này không thể có được, họ phải chịu khổ cực mà thôi.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường