Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT HÀNH PHƯƠNG TIỆN
CẢNH GIỚI THẦN THÔNG BIẾN HÓA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN HAI
Lúc bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại chúng nhóm họp nơi đây đều thanh tịnh, trước có hạnh lành thường, cúng dường, giúp việc cho các Đức Phật đời quá khứ, được bạn lành che chở, khéo giữ căn lành tịnh tín, cung kính giáo pháp giải thoát, xuất thế, khéo biết tâm thanh tịnh, rốt ráo, khéo hiểu những lời dạy tốt lành. Các chúng đều nhóm họp ở đây, có khả năng hiểu biết được pháp này.
Lành thay, bạch Đức Thế Tôn! Giờ đây xin Thế Tôn giảng nói để che chở làm lợi ích cho các chúng sinh!
Rồi Văn thù nói lại bằng bài kệ rằng:
Nhiều chúng sinh đây cầu pháp lợi
Khéo hiểu biết rõ pháp tánh này
Điều Chư Phật quá khứ tu hành
Cho nên Đấng Điều Ngự nói pháp,
Thảy đều cung kính chắp tay đứng
Chiêm ngưỡng ngắm nhìn Điều Ngự Sư
Điều Ngự vì thế sinh thương xót
Nguyện xin Đại Giác nói pháp mầu,
Nay con đều thỉnh với Vua pháp
Nguyện xin giảng nói pháp thắng diệu
Vì lợi ích che chở Bồ Tát
Nguyện Nhân Tôn mở kho Pháp tạng.
Văn Thù Sư Lợi thỉnh như vậy rồi, Đức Phật liền khen ngợi: Lành thay, lành thay! Văn Thù Sư Lợi! Ông hỏi Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri ý nghĩa như vậy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nay ông đều biết tất cả pháp hạnh. Đối với các pháp không có nghi ngờ, ông khéo biết phương tiện trí tuệ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ông có nhiều công hạnh làm lợi ích cho các chúng sinh.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ông làm vầng ánh sáng lớn cho các Bồ Tát ở đời vị lai.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bây giờ ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ giảng nói Kinh Bồ Tát Sở Hành Phương Tiện Cảnh Giới Thần Thông Biến Hóa.
Văn Thù Sư Lợi và các vị Bồ Tát bạch: Xin vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ dốc lòng lắng nghe!
Phật nói: Này thiện nam!
Nếu có người đầy đủ mười hai pháp công đức thì thiện nam, thiện nữ này sẽ phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, mười hai pháp gồm:
Có tánh khéo hiểu lìa hạnh hạ giải.
Có tánh hành từ bi phát sinh bạch tịnh.
Có tâm chuyên tu hành thọ trì vững vàng, pháp vô vi.
Có thiện trang nghiêm tu tập hạnh lành lâu đời.
Có tâm lành cung kính cúng dường các Đức Phật, nhóm họp các pháp bạch tịnh.
Có thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không tạo tác, dứt bỏ tất cả điều ác.
Xa lìa bạn xấu, gần gũi bạn lành.
Lời nói đi đôi với việc làm, không có nịnh hót, lừa dối.
Khéo hiểu biết các pháp, chẳng tham đắm mùi vị, ăn uống tiết chế.
Được Như Lai che chở không bị ma lôi cuốn.
Thường đối với tất cả chúng sinh sinh tâm từ bi, cung không buông bỏ tất cả chúng sinh, tâm cũng chẳng tham.
Có năng lực nhân duyên công đức trang nghiêm.
Này thiện nam! Đó là đầy đủ mười hai pháp công đức.
Thiện Nam, thiện nữ phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, tâm lợi ích này có công năng đem đến sự an vui cho tất cả chúng sinh, tâm thương xót không làm các việc ác.
Tâm đại bi có khả năng gánh vác các chúng sinh. Tâm đại từ tiêu diệt tất cả các đường ác. Tâm bạch tịnh chẳng cầu các thừa khác. Tâm không ái nhiễm lìa tất cả kết sử vẩn đục.
Tâm thanh tịnh này tánh chất nó thanh tịnh. Tâm như huyễn thì không có vật. Tâm vô sở hữu thì lìa bỏ sở hữu. Tâm vững chắc thì không lay động. Tâm không thoái chuyển thì đạt được các pháp. Tâm độ tất cả chúng sinh thì thực hành như lời nói.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Nếu có Phật Tử khéo tu hành
Pháp mầu thanh tịnh đầy trong tâm
Tất cả chúng sinh tâm từ bi
Tâm mềm mỏng vì đạo bồ đề
Vốn trước tiên xa lìa bạn xấu
Gần gũi bồ đề và bạn lành
Thề nguyện tinh tấn quả bồ đề
Sinh tâm bồ đề luôn hiểu biết
Thường chẳng sinh tâm mệt mỏi chán
Điều tu hành đúng như bản tể
Giống như Kim Cang không thoái tâm
Như vậy cùng sinh tâm bồ đề
Có từ bi tâm với chúng sinh
Đặt các chúng sinh vào chỗ vui
Xa lìa tất cả các điều ác
Hãy cùng chóng phát tâm bồ đề
Người tuệ chẳng cầu các thừa khác
Suy nghĩ bồ đề công đức mầu
Tịnh tâm không bẩn, cũng không ái
Như thế đều muốn tâm bồ đề
Lìa vật, phi vật không có ái
Tánh nó giống như lằn chớp huyễn
Lìa tất cả vật không có tướng
Phật nói tâm bồ đề cũng vậy
Lìa tất cả sử, mọi điều ác
Không nhơ sáng rõ như hư không
Tất cả văn tự không thấy được
Đây nói tâm bồ đề thanh tịnh.
Là gốc bồ đề, hạnh thắng diệu
Cũng là các biện Đà La Ni
Cung là các căn cùng vẻ đẹp
Đây là đầy đủ công Đức Phật.
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Bồ Tát an trụ thấy mười hai công đức như thế phải tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Mười hai công đức gồm:
Thấy đạo bồ đề an hòa thích hợp thì tinh tấn tu hành pháp.
Thấy được sự giàu sang thì tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy sinh trong dòng họ đáng yêu thì tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy lìa được sự bẩn của bỏn sẻn thì tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy tâm bố thí đầy đủ thì tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy đóng bít cửa quỷ đói thì tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy của cải chung nhiều muốn cầu bền chắc thì phải tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy các thứ cần dùng đầy đủ, tự tại thì tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy tu tập thực hành xả bỏ tất cả thì tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy lìa tham tiếc, xả bỏ tất cả vật thì tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy ta sẽ đầy đủ Đàn Ba la mật thì phải tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Thấy nên cẩn thận thực hành lời dạy bảo của Đức Như Lai thì phải tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Tất cả sự bố thí đều hồi hướng về đạo A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Này thiện nam! Đó gọi là Bồ Tát thấy mười hai công đức như thế mà tinh tấn tu hành pháp Đàn Ba la mật.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ tụng:
Thí cầu trí nhất thiết vô đẳng
Tay, chân, hai mắt, đầu, xương, tủy
Chẳng tiếc trong ngoài, bỏ tất cả
Sau không tham, tiếc, thêm công đức
Sẽ thành giàu đẹp, sinh nhà tốt
Hàng phục tham cấu, bồ đề tăng
Sau thêm bồ đề, bỏ nhơ tham
Được tự tại, đầy đủ đàn độ
Tất cả các Phật đều khen thí
Tuệ kiến là các công đức lợi
Ta sẽ tu hành, bỏ tất cả.
Lại nữa, này các thiện nam! Nếu Bồ Tát thấy mười hai việc công đức như vậy thì phải siêng năng tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Mười hai công đức gồm có:
Vì thấy mình phải giữ gìn giới pháp đầy đủ nên tinh tấn tu hành thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải hướng về đạo Bồ Tát nên tinh tấn tu hành thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải cởi mở sự ràng buộc của kết sử nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải ra khỏi tất cả đường ác nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải diệt trừ tất cả đường ác nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải thành tựu việc thân, miệng, ý không tạo nghiệp nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải làm cho người có trí tuệ chẳng quở trách nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải tu tập chẳng để buông lung nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải bố thí cho tất cả chúng sinh sự không sợ hãi nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải ngăn ngừa lỗi của thân, miệng, ý thì phải tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải đối với các pháp được tư tại nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Vì thấy mình phải tu học giới luật của Đức Như Lai Vô thượng nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật.
Này người thiện nam! Đó là Bồ Tát thấy muời hai việc công đức nên tinh tấn tu hành pháp thi Ba la mật. Công đức tu hành giới này hồi hướng về nhất thiết trí.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:
Ta sẽ được cởi mở kết sử
Ta phải đóng bít cửa đường ác
Ta phải nghĩ đến việc tốt đẹp
Như trâu giữ đuôi, ta giữ giới.
Ta phải an trụ như Phật dạy
Ta phải được người trí khen ngợi
Ta phải giữ gìn, thường không lìa
Ta phải an trụ giới công đức.
Thân, miệng ta phải được vô tác
Ta sẽ hành pháp ý vô tác
Ta phải khéo giữ thân, miệng, ý
Ta phải không đi trong đường ác,
Nếu không buông lung được
Phật khen tất cả các gốc nghiệp lành này
Ta phải thường an trụ trong đó
Dứt bỏ tất cả các buông lung.
Ta phải hành thi Ba la mật
Ta phải đầy đủ các Phật Pháp
Ta phải thanh tịnh giới Như Lai
Tất cả giới này đều vô thượng,
Không hy vọng cầu công đức này
Nếu như Bồ Tát cầu thắng đạo
Giữ giới như trâu yêu đuôi nó
Phải được tất cả công đức lợi.
Lại nữa, các thiện nam! Bồ Tát nhớ nghĩ mười hai hạnh này, tu hành nhẫn.
Mười hai hạnh gồm có:
Tất cả hành không nên tu hành nhẫn.
Không được chấp ngã nên tu hành nhẫn.
Chẳng được chúng sinh nên tu hành nhẫn.
Chẳng thiên vị ta, người nên tu hành nhẫn.
Rốt ráo không giận tức nên tu hành nhẫn.
Vì bị kết sử che lấp nên tu hành nhẫn, dứt hẳn tham, sân nên tu hành nhẫn.
Vì thành tựu tướng tốt nên tu hành nhẫn.
Muốn sinh Cõi Phạm nên tu hành nhẫn.
Lìa sự áp bức của kẻ khác nên tu hành nhẫn.
Vì muốn được trí vô tận, trí vô sinh nên tu hành nhẫn.
Vì muốn hàng phục các ma nên tu hành nhẫn.
Vì muốn thấy biết thân Như Lai vô biên nên tu hành nhẫn. Hồi hướng công đức nhẫn nhục này về trí nhất thiết.
Này thiện nam! Đó là Bồ Tát thấy mười hai hạnh tu nên hành nhẫn nhục.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ tụng:
Pháp này không, vô hữu
Cầu không được chúng sinh
Biết rõ ràng pháp này
An trụ công đức nhẫn
Xa lìa cả hai bên
Ta, người không có giận
Người trí tu sức nhẫn
đại bi dạy như vậy
Rốt ráo không có sân
Tiến tu nhẫn, không lo
Biết rõ đến tận cùng
Tu nhẫn kết sử dứt
Tướng tốt, sắc trang nghiêm
Là sinh nơi Cõi Phạm
Bền tiến gần sức nhẫn
Ưa suy nghĩ điều nhẫn
Không có sức đại nhẫn
Khiến sức ma chẳng sức
Tất cả đức chưa đủ
Vậy nên tu diệu nhẫn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Sanh Bồ đề Tâm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Năm Phật đảnh Tam Muội đà La Ni - Phẩm Hai - Phẩm Nhập Tam Ma địa Gia Trì Hiển đức
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Tham Pháp Cú
Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết - Phẩm Ba - Phẩm Quán Không
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Bảy - Pháp Hội Bảo Kế Bồ Tát - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Ba Mươi Mốt - Tri Kiến Bất Sanh
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Sáu - Phẩm Tượng Hộ