Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thực Hành Phương Tiện - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT THỰC HÀNH PHƯƠNG TIỆN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN HAI
Này thiện nam tử! Như vậy đó có tên là Bồ Tát thấy mười hai việc tu hành nhẫn nhục.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới nói lời rằng:
Pháp này chẳng không có
Tìm chẳng được chúng sanh
Hiểu rõ bởi pháp này
An trụ nhẫn công đức
Lại xa rời nhị biên
Mình người chẳng có sân
Kẻ trí tu nhẫn lực
Lòng từ hiển bày ra
Cứu cánh chẳng có sân
Tiến tu nhẫn chẳng lo
Hiểu biết đến cuối cùng
Tu nhẫn xa kiết sử
Tướng tốt sắc trang nghiêm
Sanh vào nơi Phạm Cung
Tiến đến gần nhẫn lực
Vui tư duy nhẫn hay
Chẳng lực nhẫn nào bằng
Lực ma cũng chẳng có
Tất cả đức sẽ đến
Cho nên tu nhẫn vậy.
Lại nữa các thiện nam tử! Bồ Tát lại có mười hai loại trang nghiêm để tu tiến.
Thế nào là mười hai trang nghiêm?
Hiểu biết tất cả Phật Pháp, khuyên tu hành đến chỗ trang nghiêm.
Đến tất cả các xứ Phật, khuyên tu hành đến chỗ trang nghiêm.
Cung cấp cho tất cả các Đức Như Lai, khuyên tu hành đến chỗ trang nghiêm.
Giáo hóa tất cả chúng sanh, khuyên tu hành tiến tới chỗ trang nghiêm.
An trụ tất cả chúng sanh vào trong Phật Pháp, khuyến tấn tu hành đến chỗ trang nghiêm.
Nếu có những chúng sanh vô minh cũng khuyến tấn đến chỗ trang nghiêm.
Cho chúng sanh trí tuệ của Phật, khuyến tấn tu hành đến chỗ trang nghiêm.
Làm cho các Quốc Độ của Phật thanh tịnh, khuyến tấn tu hành đến chỗ trang nghiêm.
Cho đến những kiếp rốt sau này tu Bồ Tát hạnh không biết mỏi mệt, khuyến tấn tu hành trang nghiêm.
Muốn chỉ trong một cái khoảng móng tay thì đến Thế Giới của Phật, khuyến tấn tu hành đến chỗ trang nghiêm.
Tất cả các Thế Giới của Phật, thành vô thượng đạo, chuyển pháp luân vi diệu, khuyến tấn tu hành đến chỗ trang nghiêm.
Này các thiện nam tử! Đây có tên gọi là Bồ Tát mười hai loại trang nghiêm khuyến tấn tu hành.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:
vô thượng dũng tiến không giải đãi
Là Phật Tử hướng tới Bồ Đề
Qua nhiều nước Phật như chẳng dứt
Nơi nào cũng chẳng biết mỏi mệt
Vì độ chúng sanh nên siêng năng
Đến trăm ngàn ức kiếp khổ vui
Thường hay khuyến tấn khuyên giải đãi
Thí cho chúng sanh những niềm vui
Ta nguyện tu tịnh từng nơi Phật
Tận hiểu tất cả các Pháp Phật
Ta trong Thế Giới làm bánh xe
Chuyển hóa nhiều ức chúng sanh ấy
Một niệm nơi tâm tới giác ngộ
Để mà điều phục các chúng sanh
Phật Tử thường hay qua bờ kia
Hiện thân trang nghiêm vì chúng sanh.
Lại nữa chư thiện nam tử! Bồ Tát thực hành mười hai phép thiền định.
Thế nào là mười hai?
Làm cho mất đi các phiền trược, rốt cuộc không sanh nữa.
Ở tâm thanh tịnh, không lệ thuộc cảnh giới.
Không nương vào nơi không chỗ nương.
Lìa xa Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới.
Ra khỏi thế gian. Dùng lực định để hàng phục Thánh Nhân và phàm phu vậy.
Làm cho tăng trưởng tâm vô ngã.
Sau đó thiền định làm phân biệt các loại thiền.
Làm việc không sở hữu, lìa sự nhớ nghĩ.
Làm việc không biên giới, có thể đến biên giới của thiền tam muội.
Đó là định, là tịch diệt vậy. Làm việc điều tâm, chẳng phải không biết.
Làm việc thanh tịnh, hộ trì các căn.
Làm việc phương tiện cảnh giới là Bồ Tát tu thiền.
Không bỏ, không hoại, không huệ, không mạn, chẳng thấy, chẳng yêu, chẳng nghĩ đến vậy.
Đây gọi là Bồ Tát hàng phục tất cả những người tu thiền vậy.
Này chư thiện nam tử! Đây là Bồ Tát thấy mười hai việc tu hành thiền định vậy.
Lúc ấy Đức Thế Tôn nói lại lời rằng:
Thiền định này rất tốt
Để cho Bồ Tát làm
Tiêu hết thảy kiết sử
Cứu cánh chẳng phát sanh
Chuyên tu thiền yên lặng
Chẳng tu theo cảnh giới
Nếu có chẳng trụ tâm
Khuyến khích ở nơi định
Tu chẳng nương chỉ thiền
Nơi ấy chẳng nương vào
Dục, Sắc, Vô Sắc Giới
Tư duy không chướng ngại
Là Thiền siêu thế gian
Đây Bồ Đề biết đủ
Vì vậy nên tất cả
Chẳng phải thánh định vậy
Thực hành các thứ thiền
Sẽ được tự tại vậy
Đây gọi là xả thiền
Sanh ra nơi Dục Giới
Tăng ích làm việc lành
Kẻ trí huệ tu thiền
Đó vô ngã tâm thiền
Vì Bồ Tát mà nói
Vô lượng vô biên hành
Tu hành tối thượng thiền
Đó là phần thiền ít
Chiếu sáng và hàng phục
Trí huệ phương tiện đủ
Tu Thiền tiếng gọi lớn
Cả hai đều chẳng chứng
Hướng về hạnh thanh tịnh
Lại chẳng nương vào đâu
Lại chẳng ở nơi vật
Người tu thiền trí huệ
Xa rời các hình tướng
Làm những việc như thế
Người tu thiền trí huệ
Là Duyên Giác tự tại
Cho nên gọi chẳng làm.
Này các thiện nam tử!
Bồ Tát có mười hai việc làm để vào bát nhã Ba la mật.
Thế nào là mười hai?
Việc đã làm xong, không gì vướng bận.
Làm đuốc sáng, chiếu trừ tất cả các kiết sử.
Phóng trí tuệ ra lìa vô trí vậy.
Làm cho vô minh mất đi, lợi ích cho mọi người.
Phá trừ lưới ái, làm chất kim cương, giống như phá núi vậy.
Làm ánh mặt trời, chiếu phá chỗ bùn lầy.
Làm lửa lớn, thiêu cây cối.
Làm Ma Ni quý, không mê cảm vậy.
Đó là không hành, chẳng có vật gì cả.
Vô tướng hành, không có tướng nào cả.
Vô ngại hành, ra khỏi tam giới vậy.
Này thiện nam tử! Đây là Bồ Tát làm mười hai việc để vào bát nhã Ba la mật.
Lúc ấy Đức Thế tôn liền nói kệ rằng:
Huệ này hơn thế gian
ánh sáng soi chỗ tối
Lửa sáng thật thanh tịnh
Chiếu đến các kiết sử
Huệ ấy diệt vô minh
Biết rằng phá hoại yêu
Phá tất cả kiết sử
Chủ trời chày Kim Cương
Phá hoại A Tu La
gồm thâu các chúng ma
Chiếu sáng chỗ tối tăm
Huệ ấy sáng như đèn
Như trời chiếu chỗ ướt
Huệ ấy như mặt trời
Độ qua bờ bên kia
Giống như thuyền qua nước
Chặt phá cây không trí
Như dao cắt cây vậy
Được chẳng mê mờ thảy
Cả không vật tánh tướng
Thường lìa các giác quan
Chẳng nương vào các đường
Hay phá hoại nghi hoặc
Hay luận nói các lời
Là sanh tử chẳng lo
Thị hiện cảnh Niết Bàn
Huệ này điều thế gian
Hiện ra tướng chẳng mê
Vì huệ Bồ Tát lập
Xa tối làm giác ngộ.
Này thiện nam tử! Đây là mười hai cảnh giới thị hiện phương tiện của Bồ Tát.
Thế nào là mười hai?
Này thiện nam tử! Đây gọi là Bồ Tát đến cảnh giới Niết Bàn.
Phương tiện thị hiện sanh tử cảnh giới.
Đến cảnh giới thanh tịnh.
Phương tiện thị hiện nơi chỗ ồn ào, đến cảnh giới Thiền.
Phương tiện thị hiện nơi hậu cung là một dâm nữ, đến vô tác cảnh giới, phương tiện thị hiện các cảnh giới có động tác.
Đến cảnh giới vô sanh, phương tiện thị hiện cảnh giới sanh tử, lìa bốn cảnh giới của ma, phương tiện thị hiện hàng phục các ma để đến cảnh giới Thánh Nhân.
Phương tiện thị hiện gần cảnh giới không phải thánh, xa rời cảnh giới thế gian, phương tiện thị hiện cảnh giới thế gian, được cảnh giới trí tuệ. Phương tiện thị hiện cảnh giới phàm phu.
Thấy rõ cảnh giới thực tế.
Phương tiện thị hiện không đọa vào cảnh giới Thanh Văn, Duyên Giác cảnh giới, đạt được pháp giới vô tướng.
Phương tiện thị hiện tướng hảo nghiêm thân, vì hóa độ chúng sanh mà nhập vào cảnh giới Phật.
Phương tiện thị hiện cảnh giới ma.
Này chư thiện nam tử! Đây gọi là mười hai cảnh giới phương tiện thị hiện của Bồ Tát thấy biết vậy.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ rằng:
Là cảnh giới phương tiện
Bồ Tát cùng chúng sanh
Ở nơi cảnh giới ấy
Hiện tất cả cảnh giới
Chứng cảnh giới Niết Bàn
Phương tiện hiện hữu vi
Lại đến cảnh giới này
Không hai chẳng ô nhiễm
Chứng được xứ yên ổn
Phương tiện hiện nơi ồn
Cả hai không dính mắc
Không mắc vào việc làm
Thị hiện thân người nữ
Trong cung vui ăn uống
Thế nhưng cũng tịnh yên
Hộ người đức phương tiện
Chẳng lui nơi thiền định
Phương tiện hiện loạn tâm
Thấy việc nào cũng nhẫn
Phương tiện trí thị hiện
Lại cũng chẳng cung kính
Chẳng vọng tưởng hý luận
Chẳng vọng tưởng cảnh giới
Phương tiện trí thị hiện
Chẳng sanh lại chẳng chết
Không sanh pháp tốt đẹp
Thị hiện nơi sanh tử
Phương tiện trí dũng kiện
Ra ngoài cảnh giới ma
Ở nơi uy Đức Phật
Mà hiện cảnh giới ma
Đây Phật Tử phương tiện
Đến đỉnh thánh công đức
Phương tiện làm phàm phu
Và trí lực chúng sanh
Phương tiện trí biến hóa
Tất cả pháp không cùng
Biết rằng gốc vẫn không
Chẳng cầu nơi diệt độ
Đây phương tiện hay làm
Tất cả pháp vô tướng
Đạt chỗ không chẳng có
Vì hóa độ chúng sanh
Thị hiện tướng tốt này
Là phương tiện cảnh giới
Đại uy đức Phật Tử
Làm Phật Tử ở yên
Thị hiện nhiều biến hóa.
Này các thiện nam tử! Nay hãy biết rằng, Như Lai phương tiện đã làm cho mười hai công đức được thành tựu.
Tinh cần tu luyện nơi nước Phật để thành được con đường chân chánh rồi.
Thị hiện lúc kiếp trược, chúng sanh trược, kiến trược, phiền não trược, mệnh trược.
Hiện ra những thừa sai biệt, thị hiện nước Phật nơi chỗ ô nhiễm.
Hiện ra chúng sanh và thuyết pháp khác nhau.
Hiện chúng sanh khác nhau, hiện ra sự tranh cãi khác nhau.
Hiện ra nghiệp của ma quỷ, chẳng qua chỉ là tất cả đều do phương tiện của Như Lai mà thôi.
Khi Phật nói lời ấy rồi, Ngài Văn Thù Đồng Tử bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn: Ngài đã nói mười hai công đức để thành tựu tinh luyện nơi nước Phật.
Các Đức Thế Tôn vì công đức này mà trang nghiêm Quốc Độ, thành được đạo vô thượng chánh chân.
Văn Thù Sư Lợi nay thuần thục nơi Quốc Độ Phật, đã nhiều kiếp tinh luyện thành tựu đầy đủ, không rời bỏ những công đức tinh luyện này.
Các Đức Thế Tôn ở đâu thì được thành đạo vô thượng chánh chân ở đó.
Đó gọi là tinh luyện Phật độ. Khi tinh luyện thì thành tựu đầy đủ, không xa lìa mất mát những hành pháp, gọi là tinh luyện nơi nước Phật, cũng có thành tựu tinh luyện cho chúng sanh nữa.
Cũng chẳng phải không biết pháp mà tinh luyện Phật độ.
Cũng tinh luyện phước điền thành tựu, gọi là thiện diệu tịnh.
Đó cũng gọi là tinh luyện nước Phật. Cũng làm cho chúng sanh được thành tựu nơi nước Phật, không chậm trễ vậy.
Đó gọi là tinh luyện nơi nước Phật. Cũng có tinh luyện bộ phái được thành tựu đầy đủ và ra khỏi các bộ phái vậy.
Đó gọi là tinh luyện nơi nước Phật. Cũng có việc tinh luyện thành tựu diệu địa, không có vật gì làm chướng ngại.
Đó gọi là tinh luyện nơi nước Phật. Có việc tinh luyện thành tựu diệu địa, thì tất cả không ngoài việc làm của đạo pháp vậy.
Đó gọi là tinh luyện nơi nước Phật. Có sự tinh luyện công đức được thành tựu, không có việc dua nịnh nhỏ nhoi.
Đó gọi là tinh luyện nơi nước Phật. Có việc tinh luyện của tâm với cảnh thành tựu.
Đây gọi là tánh trong sạch của chúng sanh vậy.
Đó gọi là tinh luyện Phật độ. Lại có sự tinh luyện thánh Nhân thành tựu, phước điền không phải là không có.
Đó gọi là tinh luyện nước Phật. Cũng có sự tinh luyện Đạo Tràng thành tựu, từ xưa đã đến trước nơi đất Phật.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đây có tên là mười hai loại công đức thành tựu tinh luyện Phật độ vậy.
Ở đây tất cả các Đức Phật Như Lai đã thành đạo vô thượng thánh Nhân.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ngươi hãy nên biết! Nơi này ta không an trụ các Thanh Văn, Duyên Giác.
Vì sao vậy?
Vì Như Lai đã lìa bỏ các tướng khác.
Văn Thù Sư Lợi! Nếu Đức Như Lai có muốn nơi chúng sanh thành đại thừa, hoặc muốn chúng sanh ở nơi tiểu thừa, tất cả đều làm cho tâm của Như Lai không thanh tịnh, không có tâm bình đẳng, còn chấp trước, vẫn còn tâm thương yêu phân biệt, cũng còn suy nghĩ khác, cũng còn tiếc thương.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ta nếu vì chúng sanh mà thuyết pháp, chỉ một mực nơi giác ngộ và nơi đại thừa, vào nhất thiết trí và đến được nhất thiết trí. Đây là nghĩa chính vậy. Không có thừa nào khác dừng lại nơi này.
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu không có thừa nào khác ở nơi đây thì vì sao Như Lai muốn nói ba thừa cho chúng sanh mà nói pháp?
Đây là Thanh Văn thừa. Đây là Duyên Giác thừa. Đây là đại thừa.
Phật dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Thừa là dừng lại một nơi. Như Lai vì sự an ổn mà dừng lại chỗ thấy nghe, chứ chẳng có thừa nào dừng lại một nơi cả.
Cũng chẳng có tướng nào làm cho an ổn và dừng lại cả. Như Lai vì người làm sự an ổn mà dừng lại vậy.
Nếu sự trang nghiêm ít so với sự trang nghiêm nhiều là an ổn và dừng lại. Đây gọi là thừa không sai biệt pháp giới vậy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai đã nói về pháp môn không chướng ngại, thứ lớp đến chỗ dừng lại.
Này Văn Thù Sư Lợi! Cũng giống như người mới học, từ vị thầy đầu đến vị thầy sau, có nhiều phương tiện khác nhau, tùy theo các đệ tử muốn học cái gì cho nên mới dùng đến trí phương tiện, thị hiện nhiều loại khác nhau để khuyên bảo dạy dỗ. Đây là một trí tuệ quyền biến vậy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai Thế Tôn cũng lại như vậy. Ta là thầy của phương tiện, là tất cả trí, nói ra ba loại.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như ngọn lửa nhỏ có thể đốt cháy trong nhiều kiếp.
Văn Thù Sư Lợi! Trí tuệ ấy cũng lại như vậy. Dần dần tăng trưởng, cho đến chứng được đại trí của Như Lai. Trí tuệ sáng suốt, đốt cháy tất cả những ràng buộc của chúng sanh.
Văn Thù Sư Lợi! Tu Di Sơn Vương cũng không thể phân biệt được. Nếu có chúng sanh nào đến nơi đó, tất cả cùng một màu, đó là màu vàng.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đó là trí tuệ vô thượng của Như Lai như núi Tu Di. Cũng giống như vậy không thể phân biệt được. Nếu quán về pháp tánh của Như Lai cũng giống một màu như vậy. Nghĩa là nhất thiết trí.
Này Văn Thù Sư Lợi! Dụ như màu xanh biếc của Đại Ma Ni Bảo ở nơi nào, thì trong cảnh giới ấy có nhiều màu sắc ánh sáng có nhiều loại và nhiều hình tướng khác nhau. Đây là nhờ uy đắc lực của Ma Ni Bảo vậy, làm cho tất cả đều một màu. Đó là màu xanh.
Văn Thù Sư Lợi! Như Lai có vô lượng màu xanh biếc cũng giống như vậy. Nếu có chúng sanh nào tiếp xúc với ánh sáng của Như Lai thì có được tất cả là một màu và một màu trí tuệ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Dụ như biển lớn, tuy rằng có nhiều cửa ngõ để nước chảy vào. Nhưng khi vào rồi chỉ còn một vị. Đó là vị mặn và hay ở cùng vậy.
Này Văn Thù Sư Lợi! Đại hải kia cũng giống như trí tuệ của Như Lai, nhiều loại nước chảy vào như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, khi đã vào rồi, đều cùng một vị. Đó chỉ là một thừa không còn phân biệt được nữa.
Văn Thù Sư Lợi! Đây là phương tiện! Nên biết Như Lai an ổn không hư dối, chỉ có tên để phân biệt chỉ dẫn làm chỗ an nghỉ, chứ thật ra khi đã vào trong pháp của Như Lai rồi thì được ở yên vậy.
Như Lai đã thị hiện và trước sau nhập vào trong Phật Pháp cả. Làm cho trang nghiêm ít hay nhiều trang nghiêm đều an trụ nơi Phật Pháp vậy. Đây là phương tiện trí huệ của Như Lai vậy. Biến hóa nhiều loại khác nhau khi xuất thế. Chỉ có một nghĩa, một thừa và không có hai.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ở mỗi nước Phật! Nếu có những người ngoại đạo xuất gia thì Như Lai sẽ ở trong đó mà thị hiện phương tiện và hộ trì chỉ dẫn cho họ.
Vì sao vậy?
Này Văn Thù Sư Lợi! Vì lẽ Như Lai hay có khả năng hàng phục những sự trái nghịch đó. Vì Như Lai không có gì ngăn ngại cả.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thiện Pháp Kiến Lập
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Bốn - Kinh Nguyệt Thực đánh Chó
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn - Phẩm Công đức
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Nhất Thiết Như Lai Pháp Nhãn Biến Chiếu đại Lực Minh Vương - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Hai - Kinh Pháp Cú - Chương Mười Sáu - Phẩm hỷ ái
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Năm - Pháp Hội Thiện đức Thiên Tử