Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Bốn - Bồ Tát Từ đất Vọt Lên
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI BỐN
BỒ TÁT TỪ ĐẤT VỌT LÊN
Khi ấy, ở Thế Giới khác, có tám hằng hà sa Bồ Tát Đại Sĩ phục sức kỳ lạ, đi đến chỗ Phật, cúi đầu sát đất, quỳ thẳng, chắp tay bạch với Thế Tôn: Bọn thô lậu chúng con vội vàng đến Thế Giới Kham Nhẫn này muốn nghe Kinh này, thọ trì, phúng tụng, biên chép, tinh tấn cúng dường, phụng trì như pháp.
Cúi xin Đại Thánh rủ lòng thương xót chúng con, sau khi Như Lai diệt độ, chúng con sẽ đem Kinh Chánh Pháp Hoa này truyền bá khắp nơi.
Đức Thế Tôn bảo: Thôi đi, thiện nam! Các ngươi không nên phát khởi ý nghĩ đó. Nay đây, ở Thế Giới Kham nhẫn này tự có tám hằng hà sa Đại Sĩ và mỗi Đại Sĩ đều có Bồ Tát Đại Sĩ quyến thuộc nhiều đến sáu mươi ức hằng hà sa. Sau này vào thời mạt thế, họ đều sẽ thọ trì, tuyên nói rộng rãi Kinh này.
Khi ấy, tại Thế Giới của Phật này, ở khắp nơi, vô số trăm ngàn ức chúng Bồ Tát tự nhiên vân tập, dung mạo đẹp đẽ khác thường, sắc thân vàng rực ba mươi hai tướng trang nghiêm thân thể, ở cõi dưới nhiếp hộ địa giới và nhân dân. Đạo hạnh đều nương nhờ vào Thế Giới Kham nhẫn này, nên nghe tiếng Phật xiển dương Kinh Pháp Hoa, từ cõi dưới vụt hiện lên.
Mỗi vị Bồ Tát đều có sáu mươi ức hằng hà sa Bồ Tát tùy tùng, cùng một tâm niệm, một việc làm không sai khác. Hoặc có vị có nửa phần hằng hà sa gồm trăm ngàn Bồ Tát đến, hoặc bốn mươi phần hằng hà sa, hoặc năm mươi phần hằng hà sa, hoặc trăm phần hằng hà sa, hoặc năm trăm phần hằng hà sa, hoặc ngàn phần hằng hà sa, hoặc trăm ngàn phần hằng hà sa, hoặc ức trăm ngàn phần hằng hà sa Bồ Tát đều là bạn bè cùng đến.
Hoặc lại có vô số ức trăm ngàn Bồ Tát quyến thuộc đến, hoặc có hai trăm ngàn người tu hành đạo Bồ Tát, hoặc có trăm ngàn vị đều có quyến thuộc, hoặc có ngàn quyến thuộc, hoặc năm trăm quyến thuộc, hoặc bốn trăm quyến thuộc, hoặc ba trăm quyến thuộc, hoặc hai trăm quyến thuộc, hoặc một trăm quyến thuộc, hoặc năm mươi quyến thuộc, hoặc bốn mươi quyến thuộc.
Hoặc ba mươi quyến thuộc, hoặc hai mươi quyến thuộc, hoặc mười quyến thuộc, hoặc năm quyến thuộc, hoặc bốn quyến thuộc, hoặc ba quyến thuộc, hoặc hai quyến thuộc, hoặc một quyến thuộc, hoặc đi đến một mình, số lượng nhiều không kể xiết, khó thí dụ được, từ đất hiện lên, hoặc từ trên xuống, hoặc bốn phương lại, tất cả đến Thế Giới Kham nhẫn này, trụ giữa hư không.
Chúng Bồ Tát thấy Thế Tôn đã diệt độ là Đa Bảo và Đức Đại Thánh Năng Nhân cùng ngồi trên Tòa Sư Tử, dưới cây bảy báu, liền cúi đầu đảnh lễ hai Đấng Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đi quanh bên phải ba vòng, lui đứng một bên.
Có các Bồ Tát dùng biết bao phẩm vật tốt đẹp kỳ lạ cúng dường, khen ngợi hai Đức Thế Tôn, xưng dương Chư Phật từ vô thủy đến nay. Giả sử đầy đủ cả năm mươi trung kiếp cũng không thể nói hết sự tu hành cần khổ của Đức Phật Thích Ca, các Đức Phật khác cũng như vậy. Bốn bộ chúng trong Pháp Hội không nói gì khác nên cũng im lặng.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn liền hiện thần túc như sắc tượng, khiến bốn bộ chúng đều được nhìn thấy. Lại khiến nhớ biết Thế Giới Kham nhẫn này. Các vị Bồ Tát ở trên hư không, mỗi vị đều nhiếp hộ trăm ngàn cõi Phật. Các chúng Bồ Tát đều đầy khắp trăm ngàn cõi Phật.
Lại nữa trong đại chúng ấy có bốn vị Bồ Tát được coi là thượng thủ.
Tên của họ là: Bồ Tát Chủng Chủng Hạnh, Bồ Tát Vô Lượng Hạnh, Bồ Tát Thanh Tịnh Hạnh, Bồ Tát Kiến Lập Hạnh.
Đối với vô lượng Bồ Tát số nhiều như vi trần vân tập tại đại hội này, các ngài là trên hết.
Khi ấy, bốn vị Đại Sĩ Bồ Tát cùng với đại chúng nhiều không thể nghĩ bàn, cùng loạt đứng yên trước Đức Thế Tôn, chắp tay thưa: Đại Thánh Thế Tôn!
Thánh thể khỏe mạnh chăng?
Dứt hết các bệnh chăng?
Sở hành an lạc chăng?
Chúng sinh đều tuân hành tốt Giới luật chăng?
Ở trong sự thoải mái, không phiền bực chăng?
Muôn loài không bị rơi vào hầm hố nguy hiểm chăng?
Khi ấy bốn vị Đại Sĩ Bồ Tát dùng kệ khen ngợi:
Thế hùng chiếu ánh sáng
Sở hành an ổn chăng?
Cứu thoát người hiện tại
Các hành không hoạn chăng?
Chúng sinh gây nhân lành
Quyết hưởng quả thanh tịnh
Không còn sinh mệt mỏi
Vâng thọ mệnh Thế Tôn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo đại chúng Bồ Tát trong hội: Các thiện nam! Sở hành của Phật an ổn, không tật bệnh, không hoạn nạn, mọi người đều tuân theo giới luật, khéo học đạo giáo, không dám chán nản, muốn được nghiêm tịnh.
Vì sao?
Vì chúng sinh này vào thuở xa xưa giác ngộ như nhau, việc làm của họ là việc Thanh Văn, tin ưa pháp của ta, nhập vào Phật tuệ.
Lại nữa, họ đều là người học đạo ba thừa, trụ Thanh Văn thừa, ta đều giáo hóa đưa vào trí tuệ lớn của Phật.
Khi ấy các Bồ Tát hoan hỷ nói bài tụng:
Hay thay, Đức Thế Tôn
Chúng con đều khuyến trợ
Mới khiến một chúng sinh
Hành tốt luật vi diệu
Muốn được nghe Đại Thánh
Dạy con điều thâm yếu
Nghe rồi hoan hỷ tin
Để vào pháp cúng dường.
Bấy giờ Đức Thế Tôn khen ngợi các Bồ Tát trong hội: Hay thay, hay thay! Các thiện nam, đúng như các ông nói. Điều Như Lai dạy đều tùy theo quyền nghi, không trái tôn chỉ.
Khi ấy Bồ Tát Di Lặc và tám ức hằng sa Bồ Tát cùng cất tiếng khen, tụng:
Từ xưa đến nay
Chưa từng nghe thấy
Điều mới có này
Chúng Đại Bồ Tát
Từ đất vọt lên
Trụ trước Thế Tôn
Cung phụng nương tựa
Số Bồ Tát kia.
Từ đâu mà đến?
Di Lặc biết tâm niệm của tám ức hằng sa Bồ Tát, liền chắp tay dùng bài tụng hỏi Phật rằng:
Chưa từng thấy Bồ Tát
Vô số ức trăm ngàn
Dù tính đến ức năm
Không thể hết số lượng
Đến chỗ Lưỡng Túc Tôn
Vì sao nhiều như thế?
Từ đâu đến nơi đây?
Thần thông, thân cao lớn
Tất cả chí kiên cường
Là Đại Thánh dũng mãnh
Đoan chính đáng kính mộ
Nay từ đâu đến đây?
Thế Tôn thấy tất cả
Chư Bồ Tát trí tuệ
Cùng quyến thuộc vô số
Ví như cát Sông Hằng
Số ấy hơn cát sông
Đủ Phật pháp giáo hóa
Bồ Tát và quyến thuộc
Đều đạt đạo Chánh Giác
Hạng tinh anh như vậy
Vân tập lễ Đại Thánh
Đầy đủ cả sáu mươi
Trăm ngàn hằng hà sa
Số này còn hơn nữa
Quyến thuộc vô số kể
Năm trăm hằng hà sa
Hoặc bốn, hoặc ba trăm
Hoặc hai trăm hằng sa
Số đông cũng như thế
Số kia so số này
Hơn năm hoặc mười lần
Tất cả các quyến thuộc
Đệ tử bậc Đại Thánh
Chúng đó từ đâu tới?
Đi đến chỗ Đạo Sư
Hoặc bốn, hoặc ba, hai
Hoặc một hằng hà sa
Tất cả đều đi đến
Bạn lữ đều khéo học
Số nhiều không kể xiết
Trừ số ở trên không
Trong trăm ngàn ức kiếp
Không thể nhóm tụ hết
Nửa phần hằng hà sa
Ba, hai mươi hoặc mười
Đầy đủ chúng lập hạnh
Chúng Bồ Tát minh triết
Đều trụ ở trên không
Số hạn không thể lường
Hiện rõ không ngăn cách
Ức kiếp hành thanh tịnh
Và vô lương bộ khác
Cùng vô số quyến thuộc
Ức ức lại hơn ức
Hoặc có bộ nửa ức
Hoặc hai mươi, hoặc mười
Hoặc năm, bốn, ba, hai
Các vị cùng quyến thuộc
Không thể tính toán hết
Ai nấy tự tu hành
Tịch tĩnh ưa mến đạo
Lặng lẽ như hư không
Một mình đến cũng nhiều
Dù trải hằng sa kiếp
Không ai tính đếm được
Ở tinh xá, tịnh thất
Từ khắp phương đi đến
Tất cả Thiên, Thần Thánh
Đều vì Thế Tôn đến
Chư Bồ Tát dũng mãnh
Từ đâu bỗng đến đây?
Ai vì họ thuyết Kinh?
Ai kiến lập Phật Đạo?
Hiển bày giáo nghĩa gì?
Kiến lập hạnh Phật gì?
Tế hạnh đều đáng kính
Từ khắp bốn phương lại
Nhờ vào thiên nhãn thông
Đại tuệ bỗng nhiên hiện
Ở Thế Giới trống không
Năng nhân khiến đầy đủ
Các Bồ Tát nhân hiền
Chư vị tự nhiên đến
Từ khi sinh đến này
Chưa thấy việc như thế
Xin nói quốc độ họ
Đại Thánh nêu hết tên
Từ mười phương đến đây
Đều sẵn mười tám pháp
Con chưa từng được thấy
Các Bồ Tát như thế
Con là đệ tử đầu
Chưa nghe thấy điều này
Nay đây bao nhiêu chúng
Xin Năng Nhân nói rõ
Các Bồ Tát vô số
Trăm ngàn ức khó lường
Các ngàn ức vô lượng
Nguồn gốc ở nơi đâu?
Các Bồ Tát dũng mãnh
Ý chí chẳng thể lường
Các hạnh như thế đó
Xin Đại Hùng nói cho.
Bấy giờ ở các Thế Giới phương khác, vô số trăm ngàn ức các Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác từ khắp mười phương đến chỗ Đức Phật Năng Nhân khuyến khích thuyết pháp. Các Ngài đều ngồi trên Tòa Sư Tử, dưới cây bảy báu.
Các vị thị giả của chư Như Lai ấy thấy vô lượng Bồ Tát hàng hàng lớp lớp biến hóa ở trong đại hội, từ đất vọt lên, đều đứng lên hỏi Đức Phật của mình: Chư Bồ Tát Đại Sĩ này từ đâu đến đây mà nhiều vô lượng vô biên như vậy?
Khi ấy các Đức Phật kia đều bảo thị giả: Thiện nam! Hãy đợi trong chốc lát có Bồ Tát tên là Di Lặc đã được Đức Như Lai Năng Nhân thọ ký sẽ đạt đạo vô thượng chánh chân thành bậc Tối Chánh Giác, tự hỏi Năng Nhân điều kỳ lạ ấy rồi, Đức Phật sẽ phân biệt rành rẽ ý nghĩa quy hướng.
Tất cả hãy yên lặng, nhất tâm lắng nghe.
Bấy giờ Đức Phật bảo Đại Sĩ Di Lặc: Hay thay, A Dật! Điều mà ông hỏi vi diệu vô cùng, sâu xa khó lường. Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, ta sắp nói đây!
Tất cả Bồ Tát và chư vị trong Pháp Hội này đều có năng lực mạnh mẽ vững chắc đối với tâm bồ đề, sẽ thấu đạt tuệ kiến vô cùng sâu xa của Như Lai. Chư Đại Thánh ấy kiến lập cảnh giới vô lượng, thiền định, trí tuệ tự tại theo sở thích, không thể nào nêu ra hết để mà phân tích diễn nói, phương tiện giáo hóa cũng không hạn lượng.
Khi ấy Phật nói bài tụng:
Các thiện nam Tử
Lắng nghe Phật Đạo
Nay ta sắp nói
Trí tuệ an lạc
Nếu người thấu rõ
Lấy làm thích thú
Trí tuệ Như Lai
Không thể nghĩ bàn
Đều phải vững ý
Giữ tâm kiên cố
Kiên lập ý chí
Nhất tâm bình đẳng
Đại Thánh khó gặp
Thương xót thế gian
Nay hãy nghe thọ
Pháp chưa từng có
Phật sẽ kiến lập
Tất cả các ông
Thảy đều không được
Sinh tâm hồ nghi
Lời Đạo Sư dạy
Không có gì khác
Trí tuệ bình đẳng
An ổn không riêng
An trú trị liệu
Pháp rất sâu xa
Tâm chẳng suy được
Không thể hạn 1ượng
Nay sẽ giảng nói
Nhân duyên vô cùng
Tất cả đều nghe
Biết chỗ hướng đến.
Thế Tôn nói tụng rồi, bảo Ngài Di Lặc: Này A Dật! Ta nói cho tất cả biết vô lượng chúng Đại Sĩ Bồ Tát không thể nghĩ bàn, từ dưới đất vọt lên mà trước chưa thấy có mặt ở Thế Giới kham nhẫn này là do ta, khi mới đạt đạo quả vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác, đã khuyến khích họ an trụ địa vị không thoái chuyển, khiến họ thành đạo lớn, truyền trao, giáo hóa an lập.
Này thiện nam! Chúng Bồ Tát Đại Sĩ ấy ở phương Dưới và ở trong cõi đó, có sự cứu hộ, phúng tụng, tán dương Kinh Điển, tư duy thiền định, tinh chuyên quán sát chỗ hướng về, hân hoan vui vẻ, ưa hạnh vô vi.
Các thiện nam! Tánh khí họ điềm đạm, không phân xa gần. Ở Cõi Trời và người đời thường chuyên tu tập, chuyển pháp luân vô vi khó nghĩ bàn, ưa thần thông thâm sâu, lấy pháp lạc làm niềm vui, chí nguyện tinh tấn, cầu trí tuệ Phật.
Khi ấy Đức Thế Tôn nói tụng:
Nay đây vô số
Các chúng Bồ Tát
Chẳng thể nghĩ bàn
Không thể hạn lượng
Tạo hạnh vô số
Không thể tính đếm
Phát triển thần túc
Rộng mở trí tuệ
Ta đều khuyến dụ
Ở đạo Đại Thánh
Nay tất cả Phật
Đều thọ ký cho
Các Bồ Tát này
Là đệ tử Phật
Đều trụ nơi đây
Quốc độ của ta
Xả bỏ xa lìa
Các chỗ ở trước
Ở khắp mọi nơi
Vắng lặng giải thoát
Các Phật Tử này
Thực hành vô vi
Tinh tấn tu học
Theo đạo cao cả
Chư Thánh triết này
Ở tại phương Dưới
Nay đến nơi đây
Giữ gìn cõi nước
Ngày đêm tinh tấn
Không phóng túng, mạn
Tích lũy đức hạnh
Phân biệt Phật Đạo
Luôn siêng tu hành
Kiến lập tuệ lực
Thảy đều vững chắc
Không đo lường được
Ý chí dũng mãnh
Tư duy Kinh Pháp
Đều là con ta
Đã đạt thanh tịnh
Khi ta mới thành
Đạo quả giác ngộ
Hoặc ở trong thành
Cũng như tại rừng
Cũng đều diễn giảng
Pháp luân vô thượng
Khuyên họ lập chí
Phật đạo tôn quý
Điều Phật nói đây
Chí thành vô lậu
Nghe Phật khen ngợi
Đều nên tín thọ
Khai hóa phát khởi
Các tinh hoa này
Từ lâu đến nay
Kiến lập chánh đạo.
Bấy giờ Đại Sĩ Di Lặc nghe Phật nói về số trăm ngàn ức chúng Đại Bồ Tát không thể tính biết ấy, tâm sinh ngạc nhiên, quái lạ chưa từng có.
Liền bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn! Khi Thế Tôn còn là Thái Tử tại cung vua dòng họ Thích ở Ca Duy La Vệ, vứt bỏ ngôi báu và thú vui thể nữ để xuất gia.
Ngồi dưới cội cây tại Đạo Tràng, chứng đắc đạo vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác, từ đó đến nay không lâu, mới bốn mươi năm, nhưng tại sao số vị được giáo hóa và độ thoát lại vô lượng?
Lại mở mang cảnh giới Chư Phật, khuyến hóa quá nhiều, thiết lập quyền tuệ không thể nghĩ bàn. Chúng Đại Bồ Tát trong Pháp Hội hôm nay đều do Như Lai khai dẫn, tầng tầng lớp lớp chúng nhiều vô lượng tu phạm hạnh đã lâu, trồng gốc phước đức, cúng dường vô số trăm ngàn Chư Phật.
Giả sử muốn tính đếm sự thành tựu đó phải trải qua vô số kiếp.
Di 1ặc lại bạch tiếp: Con muốn nêu một thí dụ nhỏ: Ví như có một thanh niên tuổi hai mươi lăm, đầu tóc đen mướt, dung mạo tươi trẻ, trang phục đẹp đẽ, đàng hoàng sạch sẽ, lòng luôn lo lắng, thấy người trăm tuổi tự cho mình là cha, bảo rằng: thiện nam, hãy đến đây! Ngươi là con của ta. Người trăm tuổi kia cũng cho người hai mươi lăm tuổi là cha của mình.
Người cha xem biết tự miệng nói là con của ta. Đức Thế Tôn cũng vậy, người thế tục không tin điều ấy mà làm cho họ tin. Phật cũng như thế, thành Phật chưa lâu mà nay có bao nhiêu trăm ngàn ức số Bồ Tát từng tu phạm hạnh, từ lâu xa đã nương theo đạo tuệ, giáo hóa vô lượng chúng.
Hiện tại thấu suốt thiền định, kiến lập phương tiện, thành đại thần thông, thông minh trí tuệ, an trụ Phật địa, tu tập Phật tuệ, kiến lập Phật lực, ở đời ít có. Xưa kia Thế Tôn cũng lại giáo hóa các hàng như thế, dẫn dắt kiến lập Bồ Tát địa, sẽ thành đạo vô thượng chánh chân, đạt quả Chánh Giác, hành mọi phương tiện, việc làm đã xong.
Nay con ghi nhận, tin tưởng là đúng sự thật, tìm hiểu thấu suốt đã qua sự phán đoán, phân tích về ý nghĩa này. Nhưng kính bạch Như Lai, Bồ Tát mới học lòng còn do dự, không biết rõ điều đó nên sau khi Như Lai diệt độ, nghe Kinh Điển này nhất định không tin.
Và vì có sự do dự nên không tuân theo pháp này, cũng không ưa thích, sẽ gặt hái tội báo.
Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin nói rõ điều này cho những người có sự hồ nghi về Kinh Điển này, để ở tương lai vào thời mạt pháp, những vị học đại thừa giả sử nghe Kinh này khiến họ không ngờ vực.
Khi ấy Đại Sĩ Di Lặc ở trước Thế Tôn nói tụng khen ngợi:
Ví như có người
Hiện sinh con già
Năng Nhân chí thánh
Sinh vào vương cung
Vứt bỏ ngôi vua
Mà được Phật đạo
Vừa làm Đạo Sư
Đồ chúng ít ỏi
Chư vị nơi đây
Là bậc không thoái
Đã vô số kiếp
Cứu độ chúng sinh
Sức lực thần túc
An trú bất động
Tu học trí tuệ
Thảy đều thâm nhập
Nay đến nơi đây
Khai thông tại chỗ
Như sen trong nước
Toàn không nhiễm trước
Oai thần tột bực
Chí vượt thế gian
Tất cả chắp tay
Nghiêm chỉnh đứng yên
Các chúng Bồ Tát
Hình dáng như vậy
Là như thế nào
Ai tin việc ấy?
Cúi xin Đại Thánh
Xót thương chỉ bày
Phân biệt rành rẽ
Ý nghĩa chân thật.
Ví như có người
Đang lúc tráng niên
Tuổi hãy còn nhỏ
Tóc đẹp và đen
Tuổi của người ấy
Mới hai mươi lăm
Mà có thể sinh
Người già trăm tuổi,
Dưỡng nuôi, tắm rửa
Tùy thời ăn mặc
Cho là con ta
Cưng quý hết mực
Tất cả thế gian
Không có ai tin
Tuổi con đang trẻ
Sinh con lớn tuổi.
Thế Tôn cũng vậy
Nếu con không lầm
Vô số Bồ Tát
Tụ hội nơi đây
Dũng mãnh, trí tuệ
Không gì sợ sệt
Vô số ức kiếp
Sở học vững chắc
Ý chí minh triết
Thông đạt mục đích
Oai thần cao vợi
Hiện tướng đẹp đẽ
Tâm ý dũng mãnh
Hiểu rõ pháp luật
Là Thế Hùng Sư
Người thấy thăm hỏi
Nên ẩn núi cao
Tịnh tu giải thoát
Như cõi hư không
Không gì vướng mắc
Thiền định tinh tấn
Là bậc an trú
Tâm chí mong cầu
Đạt thành Phật Đạo
Nhưng mà người nào
Sẽ tin lời này
Nếu Đấng Đạo Sư
Sau khi diệt độ
Con đối điều này
Không còn hồ nghi
Hiện diện trước Phật
Bồ Tát được nghe
Ngay ở nơi này
Sơ học hoang mang
Để không Bồ Tát
Đọa vào ác đạo
Khuyên bảo thế nào
Hóa độ bọn họ
Cúi xin Thế Tôn
Giảng giải rành mạch.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Tám - Pháp Hội Thắng Man Phu Nhân - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Tám - phẩm Thành Biện
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Sáu Mươi - Kinh Bóng Vàng đáy Nước
Phật Thuyết Kinh Chuyển Pháp Luân Tồi Ma Oán địch Pháp