Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH NHÂN QUẢ TRONG ĐỜI
QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng
Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống
PHẦN HAI
Lúc ấy Đức Phổ Quang Như Lai bảo: Quý hóa thay! Lành thay Tỳ Kheo!
Râu tóc của Thiện Tuệ tự rụng, Cà Sa mặc lên thân mà thành Sa Môn. Lúc ấy có hai ông lão nghèo, mỗi người này đều có một trăm người thân đi theo dự hội.
Hai ông lão thấy Phật tướng tốt, oai đức nghiêm trang, tự thấy khổ tâm vì quá nghèo không có gì để cúng dường Phật. Đức Phật từ bi biết được tấm lòng chí thành của họ nên biến vùng đất phía trước trở nên đầy cỏ rác dơ bẩn. Hai ông lão nhìn thấy rất vui mừng phát tâm dọn quét, rưới nước sạch sẽ.
Đức Như Lai Phổ Quang liền thọ ký cho họ: Trong vô lượng kiếp về sau, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện tại thế gian, hai vị sẽ là bậc Thanh Văn đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật ấy.
Phật thọ ký cho hai ông lão nghèo xong liền cùng với tám vạn bốn ngàn Tỳ Kheo và Vua Đăng Chiếu cùng tất cả dân chúng đi vào thành Đề bá bà để. Vào thành xong Vua Đăng Chiếu cùng quyến thuộc phụng sự cúng dường Phật và tám vạn bốn ngàn vị Tỳ Kheo đủ các nhu cầu cần thiết.
Đến năm bốn vạn tuổi, Nhà Vua nhường ngôi cho con rồi cùng quyến thuộc của Vua và phu nhân gồm tám vạn bốn ngàn người cùng đến xin Phật xuất gia tu đạo và đều đạt được các Tam Muội, Đà La Ni.
Tỳ Kheo Thiện Tuệ cũng đi theo Phật nhận sự cúng dường của Nhà Vua cho đến bốn vạn năm đốì với các pháp đều đạt được Tam Muội sâu xa, hóa độ vô số chúng sinh. Một hôm Thiện Tuệ thưa với Đức Phật: Bạch Thế Tôn, trước đây, khi con còn tu trong núi đã thấy năm giấc mộng, xin Đức Thế Tôn Giải thích cho con hiểu.
Tỳ Kheo Thiện Tuệ liền kể rõ năm giấc mộng.
Phật dạy: Lành thay! Nếu ông muốn hiểu ý nghĩa của các điềm mộng đó, ta sẽ nói rõ cho ông. Thấy nằm trong biển cả tức là ông sẽ ở trong biển lớn sinh tử. Thấy nằm gối lên núi Tu Di là điềm báo rằng ông sẽ ở trong sinh tử đạt Niết Bàn. Thấy chúng sinh trong biển lớn chui hết vào thân ông tức là nhờ ông mà chúng sinh trong bể sinh tử sẽ được Quy Y đạo pháp.
Thấy tay cầm Mặt Trời tức là ông sẽ đạt trí tuệ, hào quang chiếu khắp Thế Giới. Còn thấy tay cầm Mặt Trăng tức là ông sẽ đi vào cõi sinh tử dùng các pháp phương tiện mát dịu hóa độ chúng sinh, khiến chúng sinh thoát khỏi khổ não. Các giấc mộng ấy đều báo trước tương lai ông sẽ thành Phật.
Tỳ Kheo Thiện Tuệ nghe Phật dạy xong, lòng vui thích vô cùng liền cung kính đảnh lễ Phật rồi lui ra. Sau đó một thời gian ngắn, Đức Phổ Quang Như Lai nhập Niết Bàn, Tỳ Kheo Thiện Tuệ giữ gìn chánh pháp trong suốt hai vạn năm, dùng giáo lý Tam Thừa hóa độ, đem lại lợi ích cho chúng sinh nhiều không kể xiết. Sau khi mạng chung, Tỳ Kheo Thiện Tuệ sinh lên Cõi Trời làm một trong bốn vị Thiên Vương, cũng dùng pháp Tam Thừa hóa độ Thiên Chúng.
Hết thọ mạng ở Cõi Trời thì sinh xuống nhân gian làm Chuyển Luân Thánh Vương trị bốn châu thiên hạ, có đủ báy thứ báu: Một là bánh xe báu bằng vàng, hai là voi trắng, ba là ngựa báu lông xanh, bốn là viên minh châu báu, năm là ngọc nữ báu, sáu là vị thần cai quản các kho báu ở thế gian, bảy là vị thần tướng thống lãnh thần binh.
Vua có một ngàn người con đều rất mạnh mẽ oai hùng, có thể hàng phục mọi đoàn quân thù địch.
Vua cai trị bằng chánh pháp, khiến nhân dân không ai phải lo buồn, thường đem mười điều thiện giáo hóa nhân dân. Sau khi Vua qua đời được sinh lên Cõi Trời Đao Lợi làm vị Thiên chủ nơi này. Khi hết thọ mạng trở lại làm Chuyển Luân Thánh Vương, sau đó lại sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên thứ bảy.
Cứ thế, có lúc sinh lên Trời làm Thiên vương, khi lại sinh ở thế gian làm Vua Thánh, trải qua ba mươi sáu lần như thế, rồi có lúc làm tiên, có lúc làm ngoại đạo lục sư, có lúc sinh vào dòng Bà La Môn, có lúc làm vị Vua nước nhỏ, cứ thế luân chuyển không thể kể xiết.
Khi đầy đủ công hạnh đạt quả vị Thập địa, là Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ, gần đắc Nhất thiết chủng trí, Bồ Tát Thiện Tuệ sinh sang cung Trời Đâu suât, có tên là Thánh Thiện Bạch. Bồ Tát giảng nói chánh pháp hóa độ các vị Thiên chủ và Chư Thiên khiến họ biết được hạnh nguyện của vị Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ. Bồ Tát cũng hiện vô số thân ở các Quốc Độ mười phương tùy duyên thuyết pháp độ sinh.
Đến khi sắp hạ sinh để tu tập thành tựu Phật quả, Bồ Tát đã xem xét năm điều: Một là xem chúng sinh căn tánh đã thành thục chưa, hai là đã đến lúc giáng sinh chưa, ba là xem quốc thổ nào phù hợp, bốn là xem các dòng họ nào cao quý, năm là xem nhân duyên trong quá khứ ai thật xứng đáng là cha mẹ mình.
Xem xét năm điều ấy rồi, Bồ Tát suy nghĩ: Những chúng sinh hôm nay chính là những chúng sinh mà khi ta mới phát tâm đã nguyện độ, nay căn tánh họ đã thành thục có thể thấu hiểu và tu theo pháp vi diệu thanh tịnh. Trong Tam thiên Đại Thiên Thế Giới chỉ có Vương thành Ca Tỳ La ở cõi Diêm Phù Đề là trung tâm, trong các dòng họ thì họ Thích Ca là dòng họ đứng đầu trong dòng dõi của Thánh Vương Cam Giá ngày xưa.
Lại xét các đời quá khứ của Vua Bạch Tịnh và phu nhân đều rất đoan chính, thật xứng đáng làm cha mẹ của Ngài. Bồ Tát lại xem xét về thọ mạng dài hay ngắn của Ma Da phu nhân thì thấy phu nhân mang thai Thái Tử đủ mười tháng, sau khi sinh Thái Tử, bảy ngày sau qua đời.
Bồ Tát lại nghĩ: Nếu ta giáng sinh ngay bấy giờ thì Chư Thiên sẽ không được nhiều lợi ích, nên liền hiện năm tướng để Chư Thiên biết đã đến lúc Bồ Tát sắp hạ sinh tu hành thành Phật: Một là mắt Bồ Tát máy động, hai là hoa trên đầu héo đi, ba là áo dính bụi, bốn là dưới nách mồ hôi xuất ra, năm là vui thích rời tòa của mình.
Bấy giờ, Chư Thiên thấy Bồ Tát hiện ra những tướng lạ nên lòng rất kinh sợ, các lỗ chân lông trên người xuất huyết như mưa cùng nói với nhau chắc không bao lâu nữa Bồ Tát sẽ xa chúng ta.
Bồ Tát lại hiện ra năm điềm lành:
Một là phóng hào quang lớn chiếu khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới.
Hai là Địa Cầu hiện ra mười tám tướng chấn động, núi Tu Di, nước biển, các cung Điện của Chư Thiên đều rung động.
Ba là cung điện, nhà cửa của chúng Ma Vương đều biến mất.
Bốn là Mặt Trời, Mặt Trăng cùng các vì sao không sáng được.
Năm là tám bộ chúng Trời, Rồng… thân thể đều rung động không tự kiềm chế được.
Lúc ấy Chư Thiên ở cung Đâu Suất thấy Bồ Tát hiện năm tướng lạ, rồi nhìn ra bên ngoài lại thấy năm điều lành hy hữu nên cùng nhau đến trước Bồ Tát đảnh lễ, thưa: Thưa Tôn Giả, hôm nay chúng tôi thấy những điều lạ, thân thể rung động không tự chủ được, xin Bồ Tát giảng giải cho biết điều gì đã xảy ra.
Bồ Tát đáp: Này các thiện nam tử, mọi vật ở đời đều vô thường. Ta không bao lâu nữa sẽ rời khỏi cung Trời giáng sinh ở cõi Diêm Phù Đề.
Chư Thiên nghe thế buồn bã khóc lóc, lòng rất lo phiền, toàn thân ửng đỏ như hoa Ba La Xà. Có vị không còn ưa thích chỗ ngồi của mình nữa, có vị bỏ hết tất cả đồ trang sức, có người lảo đảo ngã ra đất mê man, có người than thở cho nỗi khổ vô thường.
Lúc đó có một Thiên Tử nói kệ:
Bồ Tát ở nơi đây
Cho chúng tôi pháp nhãn.
Nay sắp đi xa rồi
Chúng tôi như mù mắt
Cũng như muốn qua sông
Bỗng dưng mất cầu thuyền
Chẳng khác nào trẻ thơ
Bỗng mất đi mẹ hiền
Chúng tôi cũng như vậy
Không còn nơi tựa nương
Trôi dạt theo sinh tử
Mãi không được xuất ly
Chúng tôi trong đêm tối
Chìm đắm trong ngu si
Mất Bậc Đại Y Sư
Chúng tôi, ai sẽ cứu
Nằm trên giường vô minh
Mãi trầm trong biển ái
Hết nghe được giáo ngôn
Biết bao giờ giải thoát.
Bồ Tát thấy Chư Thiên buồn thảm ảo não, lại nghe bài kệ bày tỏ lòng lưu luyến như thế, nên dùng giọng từ bi vỗ về Chư Thiên: Này các Thiện Nam, con người có sinh phải có chết. Yêu thương, hội họp phải có ngày xa cách.
Từ Cõi Trời Sắc Cứu Cánh đến địa ngục vô gián, tất cả chúng sinh đều bị lửa vô thường thiêu đốt, do vậy các vị không nên chỉ vì ta mà sinh quyến luyến thảm sầu. Nay ta và các vị chưa thoát khỏi lò lửa sinh tử, mọi người dù giàu nghèo, sang hèn cũng đều không thoát khỏi điều đó.
Bồ Tát liền nói kệ:
Các hành vô thường
Là pháp sinh diệt
Hết sinh diệt rồi
Tịch diệt là vui.
Bồ Tát bảo với Chư Thiên: Bài kệ này chính là lời của tất cả Chư Phật trong quá khứ đã nói. Tánh tướng của các hành đều như vậy, các vị chớ có buồn rầu. Ta đã ở trong cõi sinh tử vô lượng kiếp đến nay, chỉ còn một lần sinh tử nữa, không lâu ta sẽ thoát khỏi các hành.
Các vị nên biết nay là lúc phải độ thoát cho chúng sinh nên ta xuống nước Ca Tỳ La nơi cõi Diêm Phù Đề, sinh vào dòng họ Cam Giá thuộc họ Thích Ca của Vua Bạch Tịnh, sau đó lìa xa cha mẹ, vợ con, bỏ ngôi Chuyển Luân Vương xuất gia học đạo, siêng năng tu tập khổ hạnh, hàng phục ma quân, đạt Nhất thiết chủng trí, giảng nói diệu pháp mà tất cả thế gian Trời người, chư ma cũng không thể giảng nói được.
Lại theo cách thức Chư Phật quá khứ đã làm để đem lại lợi ích cho tất cả Trời, người, dựng lên ngọn cờ chánh pháp, bẻ gãy cờ ma đạo, làm khô cạn biển phiền não, đưa chúng sinh đi vào tám đường chánh, dùng các pháp ấy khai ngộ cho họ, lập đại pháp hội mời Chư Thiên Nhân đến, lúc ấy các vị cũng sẽ có mặt trong pháp hội ấy, được ăn cơm pháp. Do nhân duyên ấy các vị không nên buồn rầu nữa.
Bồ Tát lại nói kệ:
Trong thời gian ngắn nữa
Ta xuống cõi Diêm Phù
Tại thành Ca Tỳ La
Nơi cung Vua Bạch Tịnh
Xa song đường thân quyến
Bỏ ngôi vị Luân Vương
Xuất gia tìm học đạo
Đạt Nhất thiết chủng trí
Cờ chánh pháp dựng cao
Biển phiền não sẽ cạn
Đóng kín cửa ác đạo
Mở rộng tám đường chánh
Lợi ích cả Trời người
Nhiều không sao kể xiết
Vì những nhân duyên ấy
Các vị chớ sầu khổ.
Khuyên nhủ xong, Bồ Tát từ các lỗ chân lông phóng ra luồng hào quang rực rỡ. Chư Thiên vừa nghe lời kệ lại thấy hào quang nên hết sức vui mừng, tiêu tan mọi buồn khổ. Mọi người đều nghĩ không lâu Bồ Tát sẽ thành Bậc Chánh Giác.
Bấy giờ Bồ Tát thấy thời điểm giáng trần đã đến, liền cưỡi voi trắng sáu ngà rời cung Đâu Suất, có vô lượng Chư Thiên tấu các loại nhạc, thắp các loại hương quý, rải các thứ hoa đi theo Bồ Tát tràn đầy hư không, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương. Đúng ngày tám tháng tư, khi sao mai vừa mọc, Bồ Tát liền giáng thần nơi thai mẹ.
Lúc ấy Ma Da phu nhân trong giấc điệp, mộng thấy Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà từ không trung đến nhập vào hông bên phải, thân hiện ra như ngọc lưu ly, thân thể phu nhân an ổn khoan khoái như uống nước cam lộ, nhìn lại thân mình thấy sáng rực rỡ như có mặt trời, mặt trăng chiếu rọi, trong lòng vô cùng vui mừng.
Thấy điềm mộng xong phu nhân giật mình tỉnh giấc cho là giấc mộng hiếm có, liền đến cung Vua Bạch Tịnh thưa với Nhà Vua: Thiếp vừa nằm mộng thấy một giấc mơ thật lạ lùng.
Vua nói: Ta cũng mơ thấy có một luồng ánh sáng lớn, lại thấy phu nhân dung mạo khác hẳn ngày thường. phu nhân hãy nói về giấc mộng của mình xem sao.
Phu Nhân dùng lời kệ nói về giấc mộng của mình cho Vua nghe:
Thấy người cưỡi voi trắng
Trong sáng như Trời trăng
Đế Thích và Phạm Thiên
Đều cầm những cờ báu
Thắp hương rải hoa Trời
Lại tấu các Thiên nhạc
Đầy rẫy khắp không trung
Quây quần mà giáng trần
Đi vào hông phải thiếp
Giống như ngọc lưu ly
Nay trình với Đại Vương
Điềm gì xin bày tỏ.
Nghe phu nhân kể về các điềm tướng tốt đẹp trong giấc mộng, Vua Bạch Tịnh vui vẻ vô cùng, liền truyền sai người mời một vị Bà La Môn giỏi thuật tướng số đến cúng dường hương hoa, trai thực. Sau khi cúng dường xong, Vua và phu nhân thuật lại các điềm lành đã thấy trong giấc mộng của hoàng hậu.
Vua nói với vị Bà La Môn: Xin Ngài giải thích xem giấc mộng đó có gì lạ thường?
Vị Bà La Môn nghe qua giác mộng liền thưa: Hoàng hậu đang mang thai một Thái Tử có các tướng tốt không thể nói hết. Nay chỉ nói sơ lược cho Đại Vương rõ. Đại Vương nên biết vị Thái Tử mà phu nhân đang mang thai trong bụng kia chắc chắn sẽ làm vẻ vang cho dòng họ Thích của Ngài. Khi nhập thai có ánh sáng rực rỡ.
Lại có Đế Thích, Phạm Thiên quây quần đưa tiễn, đó là điềm lành của Bậc Chánh Giác. Nếu không xuất gia, Thái Tử sẽ là một vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ, bảy thứ báu tự đến, có đủ một ngàn người con.
Vua nghe lời đoán của thầy tướng tự cảm thấy mình thật là may mắn, hạnh phúc vui vẻ cùng cực, liền dùng vàng bạc, châu báu, voi ngựa, xe cộ cúng dường và ban một thôn ấp cho vị thầy tướng Bà La Môn. Ma Da phu nhân cũng ban cho vị ấy các thể nữ và đồ châu báu của mình.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Ba Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Phương Quảng - Phần Mười Hai - Tâm Giải Thoát
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai - Phát Tâm Bồ đề
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Lõa Hình Phạm Chí
Phật Thuyết Kinh Lâu Các Chánh Pháp Cam Lộ Cổ
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Ba - Phẩm Tương ưng - Phần Một