Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP BA
Nếu không biết khổ này
Lại cũng chẳng quán xét
Người ấy giống như dê
Tham lạc Trời cũng thế.
Ham ăn uống dục lạc
Loài dê cũng thích vậy
Chư Thiên nếu như thế
Chẳng khác gì loại dê.
Nhờ tâm lực thù thắng
Nghiệp quả cũng thù thắng
Bỏ công đức của nghiệp
Thì không được thù thắng.
Trời vì vui chẳng sợ
Nên sống trong sự chết
Khi thần chết gõ cửa
Mới biết là quả xấu.
Tâm ý suốt một đời
Không hề bị tán loạn
Sáng suốt thích chánh pháp
Và tùy thuận pháp hành.
Mọi thân mạng đều mất
Những hoan lạc cũng hết
Ân ái có chia ly
Thần chết sắp đến nơi.
Chết là kẻ ác nhất
Đường đưa đến đồng trống
Tất cả không như pháp
Hãy tùy thuận pháp hành.
Có pháp khác làm chết
Chính là tâm phóng dật
Phóng dật trước phá hoại
Sau mới phải chịu chết.
Nhờ chánh pháp được vui
Nên nói: Pháp hay nhất
Chánh pháp không phóng dật
Là Đạo Sư Cõi Trời.
Xem lợi hại chẳng khác
Trói mở cũng như vậy
Phóng dật, không phóng dật
Phước tội đều như nhau.
Vì tâm ngu si ấy
Nên Chư Thiên không biết
Cùng kẻ thù vui chơi
Người trí đã xa lánh.
Chim Đế kiên đã quan sát, chê trách tội lỗi của Thiên Tử nhưng Thiên Tử chẳng hay biết, vì bị tâm phóng dật che lấp, tham đắm cảnh giới, thọ hưởng công đức nơi năm dục, không biết chân đế nên không biết đang thoái đọa. Như vậy Cõi Trời cũng vô thường, tất cả thế gian đều vô thường, nhưng họ không hay biết.
Lại nữa, Thiên Tử ấy ngồi trên hoa sen ở trên núi Hoạt cao, rời khỏi tòa sen mà thân không lay động, đi đến ao rộng. Ở đó có năm trăm cung điện được trang trí bằng bảy báu xen lẫn, lan can vây quanh. Lại có các Chư Thiên khác đang hưởng lạc ở đó nên không cho vào.
Lại ở trên lầu cao nữa cũng có rất nhiều Chư Thiên vui chơi. Trong cung điện có đầy thức ăn uống, y phục, giường nệm. Họ yêu mến nhau, không ganh ghét tổn hại nhau, luôn dạo chơi ăn uống, lúc nào cũng có năm âm nhạc. Thiên Tử, Thiên Nữ thọ diệu lạc như vậy. Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà ngồi trên đài sen, Thiên Chúng đi theo đến ao rộng đó.
Thấy Thiên Vương đến đây, có người xuống lầu, có người ra khỏi hoa sen, có người ra khỏi cung điện, lan can, tất cả đều vui mừng cung kính ra đón Thiên Vương. Thấy Thiên Vương ở trên hư không, Chư Thiên chắp tay kính lễ. Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà đứng trước, Chư Thiên theo sau ca múa đến gần ao đó.
Ở đấy có đủ mọi công đức, cung điện xinh đẹp, chim chóc rộn ràng, cây cối rực rỡ sáng hơn ánh sáng của trăm ngàn Mặt Trời, vô lượng Thiên Chúng thường ở đây thọ hưởng hoan lạc. Thiên Vương cõi Dạ Ma vừa vào, Thiên Chúng đều vui vẻ ca ngợi.
Thiên Vương dùng lời hay đẹp an ủi họ rồi vào cung điện Kiến tâm lạc thắng của ao này. Cung điện này toàn bằng châu báu sáng rực, có vô lượng công đức thù thắng, tất cả Thiên Chúng vây quanh. Vào đến nơi, Thiên Vương lên Tòa Sư Tử bằng bảy báu sáng rực. Thiên Vương ngồi trên tòa này rất thích ý. Các Thiên Tử trú ở chốn cũ vây quanh, vô số Thiên Nữ ca múa.
Sau đó Thiên Tử trú ở chốn cũ tuần tu hỏi Thiên Vương: Ngài cỡi hoa sen từ đâu đến đây?
Chúng tôi từ lâu chưa từng gặp Thiên chủ. Nói xong Thiên Tử trú ở chốn cũ hết lòng kính trọng Thiên Vương.
Thiên Vương đáp: Ta thấy trong đài sen có việc lạ, nên vào đó, Chư Thiên cùng Thiên Nữ đều vào, mọi người đều thấy việc lạ. Thiên chủ liền nói hết mọi việc mình đã thấy cho Thiên Tử trú ở chốn cũ nghe nhưng Thiên Tử trú ở chốn cũ đã từng thấy nghe việc ấy nên không ngạc nhiên.
Thiên Tử trú ở chốn cũ liền nói pháp xưa cho Thiên Vương nghe: Xin Thiên Vương hãy lắng nghe, tôi đã từng nghe oai lực lớn của hoa sen. Trong hoa sen này có oai lực mà ta muốn gì được nấy. Khắp cõi Dạ Ma này ngoài nó ra không còn nơi nào hơn.
Trước kia, tôi nghe rằng: Có vị Thế Tôn tên Ca Na Ca Mâu Ni là bậc Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư xuất hiện ở đời. Giáo pháp Ngài giảng trước, giữa, sau đều thiện, lời lẽ, ý nghĩa đều thiện, là pháp thanh tịnh tối thượng đầy đủ.
Ngài giảng pháp: Đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt, đây là đường đến sắc diệt. Nghe pháp xong có trăm ngàn người đạt kiến đế, có người đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, có người đạt Tứ Thiền, Tam Thiền, Nhị Thiền, Thiền thứ nhất. Đức Phật ấy đã an trụ những người như vậy, lại làm cho những người khác trụ trong pháp mười thiện, tùy thuận pháp hành, khiến cho trăm ngàn người tạo nghiệp lành.
Sau đó Đức Phật quan sát: Ta nên điều phục những người nào nữa?
Rồi Đức Phật dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy cõi Dạ Ma là nơi sẽ điều phục. Thiên chủ cõi Dạ Ma lúc đó tên là Nhạo Kiến. Ông ta có chủng tử lành nhưng thân sống phóng dật. Xung quanh Thiên chủ có vô số Thiên Chúng thiện căn thuần thục nhưng ham phóng dật, sống phóng dật. Vì thương xót họ nên Đức Ca Na Ca đã đến cõi Dạ Ma tạo lợi ích cho Chư Thiên, đoạn trừ khổ não, trừ sự phóng dật.
Lúc ấy có năm ngàn Tỳ Kheo lậu tận cùng theo đến cõi Dạ Ma. Ánh sáng chiếu khắp nơi. Lúc bấy giờ các Thiên Chúng, có người đã thấy Phật, có người chưa thấy Phật nên nói Phật là Thiên Tử thù thắng Cõi Trời. Họ ngạc nhiên, không biết là Đức Phật. Song, sắc thân của Phật thù thắng nhất trong Chư Thiên, đầy đủ công đức không gì sánh bằng, ánh sáng chiếu khắp Cõi Trời.
Thấy các Thanh Văn đi cùng Phật, Chư Thiên ấy cũng ngạc nhiên, tự nghĩ: Đây là những người gì, có thân hình đẹp đẽ như vậy, lại đi theo và vây quanh vị Trời này?
Khi ấy, Chư Thiên cầm hoa sen đẹp đến chỗ Thế Tôn Ca Na Ca. Thấy họ đến, Đức Phật bay lên hư không, hiện vô lượng thần thông, vô số công đức, trên thân nước vọt ra đầy đủ sắc hương vị xúc mà nước Cõi Trời này không bằng một phần mười sáu.
Trên đầu phóng ra lửa đủ các ánh sáng sắc xanh, vàng, đỏ, tía lan khắp hư không. Lại hiện những thần thông biến hóa khác, một thân thành nhiều thân, hoặc biến thành hàng ngàn thân, trăm ngàn thân, ức thân, ánh sáng chiếu khắp Cõi Trời, rồi biến nhiều thân thành một thân.
Đức Thế Tôn lại hiện thần thông, mỗi tay nắm hết vườn rừng, ao, núi, sông suối cõi Dạ Ma ném vào hư không, vượt xa tầm mắt nhìn. Sau đó lại đưa về chỗ cũ. Đức Phật lại ném núi, sông, ao, hồ cùng Thiên Nữ vào hư không mà chẳng biết đến đâu. Sau đó lại trả về chỗ cũ, Chư Thiên lại không biết mình bị di chuyển. Thế Tôn lại hiện ra vô số màu sắc, chủng loại, hình tướng, công đức, thế lực làm cho Chư Thiên đều thấy khác nhau.
Có người thấy Phật ở trên núi, có người thấy Phật đi trong cung điện, ở dưới gốc cây, trong ao, vui chơi trong vườn, ở trên các cõi thiền, ở trong hư không tọa thiền, ngồi trên tọa cụ trong hư không, hoặc ngồi thiền, đi kinh hành, đi kinh hành lại ngồi thiền.
Đức Thế Tôn lại hiện thần thông nói pháp hay hơn năm âm nhạc cõi Dạ Ma. Âm thanh của cõi Dạ Ma so với âm thanh đó giống như tiếng chim quạ cõi người, tất cả Cõi Trời đều không bằng. Nghe tiếng ấy Chư Thiên đều bỏ tâm cao ngạo về tiếng ca của mình. Thế Tôn lại biến ra các Thiên Chúng, Thiên Nữ ở trong hư không xinh đẹp hơn cõi Dạ Ma. Các Thiên Nữ cõi Dạ Ma so với các Thiên Nữ đó giống như ánh lửa đom đóm.
Hình sắc, phục sức, vườn cảnh mà Phật biến ra đều đẹp hơn. Thấy Hóa Thiên, Chư Thiên ấy đều hổ thẹn, thấy sắc thân dục lạc của mình chẳng khác gì cỏ cây. Biết được căn tánh thuần thục, tin sâu nhân quả, không còn chướng ngại nên Đức Thế Tôn dùng tâm đại Bi tạo lợi ích cho thế gian.
Đức Thế Tôn liền đến chỗ Thiên Vương cõi Dạ Ma hiện thần thông gấp trăm ngàn lần trước. Lúc ấy Thiên Vương cõi Dạ Ma bỏ tâm kiêu mạn. Thiên Vương Nhạo Kiến hồi đó cũng ngồi trong hoa sen vui chơi thọ lạc như Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà.
Thị hiện thần thông xong, Đức Thế Tôn nói với Chư Thiên cõi Dạ Ma: Những gì các vị thấy hôm nay đều do cảm ứng của Thiên Vương Nhạo Kiến mà có, Thế Tôn hiện hóa để các vị bỏ tâm kiêu mạn khiến các vị thấy được sông núi ao hồ, cung điện cảnh giới vui chơi và các điều khác.
Thiên Vương Nhạo Kiến bỏ tâm kiêu mạn, Đức Thế Tôn liền vào hoa sen hóa hiện tất cả. Lúc ấy, trước mặt Thiên Vương Nhạo Kiến lại có hoa sen trăm ngàn cánh, Đức Như Lai ngồi trên đài sen, các Thanh Văn ngồi trên cánh hoa biến hiện đủ mọi thần thông. Có người bay lên hư không rồi trở về hoa sen lại biến hiện những loại thần thông khác.
Lúc này, Thiên Vương Nhạo Kiến Cõi Dạ Ma tự nghĩ: Đây là người nào, tạo nghiệp lành gì, do thần lực gì mà biến hóa những việc lạ như vậy?
Ánh sáng hình sắc của ta ít nhiều đều thua xa họ.
Biết rõ tâm ý của Chư Thiên đã được điều phục thuần thục, Đức Thế Tôn bảo các Thanh Văn dùng sức Thiên nhãn điều phục họ.
Các Thanh Văn nói với Nhạo Kiến: Thiên Vương nên biết!
Đức Phật Thế Tôn là Thầy của hàng Trời, Người, Ma, Sa Môn, Bà La Môn, A Tu La. Đức Thế Tôn thấy biết tất cả, thường nói pháp cho mọi loài.
Pháp ấy trước, giữa, sau đều thiện, tối thượng, viên mãn, thanh tịnh, ý nghĩa lời lẽ đều thiện, là pháp xuất thế tịch tĩnh, đạt được Niết Bàn. Đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt, đây là đạo sắc diệt. Hôm nay, vì Đức Thế Tôn muốn thuyết pháp cho Chư Thiên cõi Dạ Ma nên đến đây, vì muốn đem lại an lạc, lợi ích nên đến đây.
Nghe vậy, Thiên Vương Nhạo Kiến kêu lên: Đại Tiên! Hôm nay tôi đến chỗ Phật Thế Tôn nhưng không biết cúng dường như thế nào?
Các Thanh Văn đáp: Thiên Vương Nhạo Kiến nghe đây. Khi đến chỗ Phật Thế Tôn, nên bỏ mũ xuống, điều phục tâm lành thanh tịnh các căn, nhất tâm chánh niệm, trạch áo vai trái, gối phải chạm đất, cúi đầu đảnh lễ, chắp tay hướng về Đức Phật.
Nghe vậy, Chư Thiên đều làm theo. Đức Thế Tôn ngồi trên hoa sen, các Thanh Văn vây quanh, giống như các ngôi sao vây quanh Mặt Trăng, lại như các ngọn núi bao quanh núi chúa Tu Di, lại như các sông đều chảy về biển. Như tám vạn tiểu vương vây quanh Chuyển Luân Vương, như ánh sáng bao quanh Mặt Trời. Đức Thế Tôn ngồi trên tòa sen oai đức rực rỡ, thần sắc thù diệu không sao nói hết.
Bấy giờ, Thiên Vương Nhạo Kiến, chủ cõi Dạ Ma mặc pháp y, trịch một vai chắp tay hướng về Đức Phật, đứng qua một bên.
Đức Thế Tôn bảo: Ông hãy trừ bỏ phóng dật.
Khi Nhạo Kiến ngồi vào chỗ, Đức Thế Tôn Ca Na Ca cất tiếng dũng mãnh, vô úy, vang khắp cõi Dạ Ma, bảo Chư Thiên: Này Nhạo Kiến! Hôm nay, Như Lai thuyết pháp trước, giữa, sau đều thiện, ý nghĩa lời lẽ đều thiện, là pháp thanh tịnh tối thượng, viên mãn các ông hãy lắng nghe, suy xét kỹ. Ta nay khéo vì các ông mà nói.
Nhạo Kiến thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con rất muốn nghe.
Đức Thế Tôn Giảng: Có chín nguyên nhân gây ra phóng dật, phóng dật phá hoại kẻ phàm phu ngu si ở đời, sau khi chết đọa vào đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do nhân duyên đọa này chịu nhiều khổ não, trói buộc trong vòng sinh tử, không được diệu lạc Niết Bàn an ổn, không được lợi ích.
Chín nhân duyên đó là: Nguyên nhân thứ nhất là: Thích phóng dật, sống phóng dật, luôn luôn sống phóng dật, không gần gũi Bậc Thánh, không điều phục được nghiệp thân, khẩu, ý. Thân, khẩu, ý không chân chánh, lại chạy theo cảnh giới bất thiện, thích nghe pháp bất thiện, không thích chánh pháp của Phật. Đó là nguyên nhân tạo ra phóng dật. Chúng sinh vì ngu si, sống phóng dật, thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác.
Vì thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác nên huân tập nghiệp ác. Kẻ ngu bị phóng dật dối gạt, sau khi chết đọa vào đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu bỏ phóng dật là trượng phu tài trí. Ai muốn việc lành nên bỏ phóng dật. Đó là nguyên nhân tạo ra phóng dật.
Lại nữa, này Nhạo Kiến! Nguyên nhân thứ hai tạo ra phóng dật hủy hoại căn lành: Tâm loạn động, không xét kỹ, mắt thấy sắc thì phân biệt, luôn nghĩ nhớ suy xét, ham thích sắc đẹp, không duyên cái khác, luôn làm ác, không nghĩ thiện, tâm ý tán loạn. Kẻ ấy vì phóng dật nên sau khi chết đọa vào đường ác địa ngục.
Nguyên nhân thứ ba tạo ra phóng dật: Thấy biết không đúng hay chưa hề thấy, chỉ suy tưởng tâm sinh phân biệt, sống bằng dục vọng ngu si, suy nghĩ thế này thế nọ tâm luôn duyên dựa, không suy nghĩ kỹ về chánh pháp, tự làm loạn tâm ý. Đó là nguyên nhân thứ ba tạo ra phóng dật trói buộc, dối gạt chúng sinh làm cho thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác, sau khi chết đọa vào đường ác địa ngục.
Nguyên nhân thứ tư tạo ra phóng dật làm cho chúng sinh phóng dật, sau khi chết đọa vào đường ác địa ngục. Này Nhạo Kiến! Nguyên nhân ấy là thích ngắm nhìn người nữ, thích nhìn sắc đẹp trang sức giả dối, thấy người nữ ca múa sinh tâm phân biệt ca ngợi.
Do phân biệt như vậy nên thân, khẩu, ý tạo nghiệp ác. Kẻ phóng dật ấy sau khi chết đọa vào đường ác địa ngục. Lại nữa những kẻ thích vườn rừng, ao sen, cây hoa, thích vui chơi ở những nơi ấy, không nghĩ việc lành, tâm ý không chân chánh. Do sống phóng dật, bị phóng dật dối gạt nên sau khi chết đọa vào đường ác địa ngục.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba