Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bốn Mươi Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP BỐN MƯƠI SÁU
Người tu hành có năm nhân duyên được du hành trong nhân gian.
Những gì là năm?
Đó là:
Vì đi tìm thuốc và đồ dùng cho người bệnh.
Vì làm lợi ích cho thầy, tổ.
Vì sửa chữa Tháp Phật và nhà cửa bị hư hoại.
Vì tạo lợi ích cho chúng sinh.
Vua khác phá hoại nước mình, vì muốn giáo hóa Vua kia để cứu mạng muôn dân.
Vì những nguyên nhân như vậy thì được đi du hành trong nhân gian. Nếu không do năm nguyên nhân này, mà đi rong trong nhân gian là đi một cách hư dối, phế bỏ việc tọa thiền, đọc Kinh. Người đi như vậy không thể thoát được già, bệnh, chết, buồn khóc, kêu gào, rầu, khổ, áo não.
Sa Môn ác ấy làm Sa Môn, xuất gia một cách hư dối, vì vậy nếu Tỳ Kheo nào muốn đoạn trừ ái dục, tâm nên quan sát chân chánh để làm tịch tĩnh các căn, nương cậy vào sư trưởng, gần gũi Tam Bảo, thâu giữ tâm mà đi. Nhờ nương vào Tam Bảo mà có thể chặt đứt tất cả phiền não và các gốc rễ kết sử.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Ca Diếp nói kệ:
Lìa bỏ nghiệp thiền tụng
Chỉ tham vị thức ăn
Chẳng phải là Tỳ Kheo
Tâm họ như ngạ quỷ.
Bỏ thiền thì không vui
Bậc trí nói như vậy
Lìa thú vui thiền định
Thì không còn gì vui.
Người ngu bỏ vui trên
Chỉ tham đắm các vị
Người ngu ác như vậy
Sẽ gặp việc buồn bực.
Người nào thích cảnh giới
Thường vui theo cảnh giới
Làm tăng pháp bất thiện
Chết đọa vào đường ác.
Người nào lìa thiền, tụng
Bỏ trì giới, bố thí
Hung ác khó điều phục
Tuy sống mà như chết.
Ai hành động thuận pháp
Không chết ở thế gian
Lìa pháp thường ngu si
Tuy sống mà như chết.
Tuy là mang hình người
Ngu si giống súc sinh
Do ánh sáng đèn trí
Không chiếu vào tâm họ.
Người nào giữ gìn giới
Mới được gọi là người
Tất cả người phá giới
Thì giống chó không khác.
Nếu tham không bố thí
Làm ác không sửa đổi
Thì không gọi là người
Mà xếp vào ngạ quỷ.
Người nào không giới trí
Lại không báu bố thí
Người ấy tuy còn sống
Mà không khác gì chết.
Nếu hành giới, thí, thiền
Giữ gìn niệm tam muội
Người ấy chính là người
Đáng được Chư Thiên lễ.
Có công đức là người
Không công đức giống dê
Công đức, biết công đức
Người ấy chính là Trời.
Người có công đức phải biết công đức ấy.
Người có công đức ở đâu cũng vui.
Nếu không có công đức thì thường chịu khổ.
Vì vậy Tỳ Kheo đã nghe công đức thù thắng như vậy rồi, thì không nên tham mùi vị. Pháp thứ mười này làm chướng ngại việc tọa thiền, tụng Kinh. Sa Môn nào sợ việc sinh tử phải nên xa tránh nó.
Lại nữa, pháp chướng ngại thứ mười một làm Tỳ Kheo phế bỏ việc tọa thiền, tụng Kinh cho nên Sa Môn phải xả bỏ.
Pháp thứ mười một là gì?
Đó là Tỳ Kheo ngu si, do tâm ngã mạn không học hỏi người khác, bên trong không mở mang trí tuệ, bên ngoài nói với người khác: Tôi là bậc Nhất thiết trí, tôi có Nhất thiết trí, nên tôi có thể nói, có thể giải nghĩa, có thể đọc tụng tất cả các pháp tụ, tôi nắm giữ ý nghĩa của trăm ngàn pháp, tôi dạy đệ tử, không ai có thể sánh với tôi!
Tỳ Kheo tự giữ ý nghĩ đó trong tâm lại nói với người khác như vậy. Người ấy chỉ có trí tăng thượng mạn mà thật chẳng phải là trí. Người ấy thường nói công đức của mình với tất cả mọi người. Vì vậy, tất cả những người thế gian đã nghe họ nói đều quý trọng người ấy.
Tất cả người đời đều nói: Đó là Tỳ Kheo hoàn hảo, đủ nhất thiết trí. Tỳ Kheo này không ai sánh kịp. Tất cả người đời nói như vậy.
Nhưng Tỳ Kheo ấy thật sự không biết gì, bên trong trống rỗng không biết gì, trong tâm không chứa gì cả giống như thùng rỗng hoặc như mây mùa thu, lìa bỏ việc tọa thiền, đọc tụng.
Nơi mà những người có chút ít trí tuệ muốn cúng dường là người tu thiền, đọc Kinh, giữ giới, bố thí, siêng năng tu hành, vin theo pháp lành, trí tuệ, giới luật để sửa chữa, làm trang nghiêm, sống yên trong Phật Pháp, siêng năng không ngừng nghỉ, dùng đại bi xông ướp tâm đó là những pháp mà Sa Môn nên làm.
Còn Tỳ Kheo ác ấy bên trong hoàn toàn không trí, nghĩ như vậy: Nay nếu ta gặp Tỳ Kheo ấy, Tỳ Kheo ấy sẽ khinh chê ta, nhà Đàn việt ấy thường cúng dường ta, nếu đến học với vị ấy thì Đàn việt kia sẽ không cúng dường ta nữa, khinh chê ta. Vì vậy nay ta sẽ theo chỗ hiểu biết của mình mà diễn nói cho họ có hiểu hoặc không hiểu. Ta không thể đến học với người kia được.
Bên trong trống rỗng như vậy, sợ người khinh chê, do tâm ngạo mạn, đã tự mình không hiểu, lại không thưa hỏi người khác vì sợ người khinh chê.
Người nói vọng ngữ với tâm ngạo mạn như vậy đánh mất năm học xứ.
Những gì là năm?
Một là vọng ngữ. Do người khác chưa biết nên người ấy nói dối với họ. Đó là người ấy đã phá học xứ đầu tiên.
Kế đó người ấy phá học xứ thứ hai là trộm cắp. Người ấy không nên nhận đồ cúng dường của người khác, vậy mà người Đàn việt lầm tưởng rằng người ấy có trí nên đem đồ cúng dường, nhưng người ấy ngu si, ít trí tuệ mà nhận vật cúng dường. Người ngu si như vậy liền trở thành ăn trộm. Như vậy gọi là phá học xứ thứ hai.
Kế đến là phá học xứ thứ ba.
Đó là Tỳ Kheo lúc mới xuất gia, thọ nhận học xứ, sống dựa vào việc trì giới, nương theo việc trì giới phát khởi tâm như vậy: Ta đã xuất gia! Nhưng Tỳ Kheo ấy nếu không học hỏi thì biết trì giới như thế nào, lại còn nói với người khác là ta biết nhiều. Như vậy là phá học xứ thứ ba.
Kế tiếp là phá học xứ thứ tư. Đó là khi có ai hỏi điều gì, sợ bị họ khinh rẻ nên hủy báng pháp và thuyết phi pháp, bảo rằng đó là pháp. Đây là phá học xứ lớn nhất. Như vậy gọi là phá học xứ thứ tư.
Tiếp theo là phá học xứ thứ năm.
Đó là do người ấy không biết pháp, nên đối với chánh pháp người đồng phạm hạnh đã thuyết lại bảo là phi pháp và nói: Các ông không biết chút gì về pháp sâu xa, những điều các ông thuyết chẳng phải là điều Phật đã thuyết…
Người ấy hủy báng Chúng Tăng khác như vậy và nói: Chỉ ta mới có thể biết, tất cả Chúng Tăng các ông đều không biết gì!
Hủy báng tăng như vậy, do sợ người khác khinh, người ấy nói với Chúng Tăng là: Các ông thuyết phi pháp, nhưng pháp Chúng Tăng thuyết thật đúng là pháp.
Tỳ Kheo ác ấy đánh mất công đức chánh pháp như vậy, vọng ngữ bậc nhất, khi chết bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục vì không thưa hỏi người khác nên gây nhân ác.
Không thưa hỏi người khác lại có lỗi lớn là tâm ngã mạn.
Do tâm ngã mạn, họ không vào trong rừng, sợ người khinh chê nên không thưa hỏi với bậc Đạo Sư về cách hành đạo, thế nào là duyên của tâm, thế nào là duyên của trần, thế nào là quên mất, thế nào là thâu giữ tâm?
Đối với việc ấy, do tâm ngạo mạn, họ không thưa hỏi người khác nên không thể đắc đạo.
Họ sinh tâm mệt mỏi, vừa ngồi kiết già liền đứng ngay dậy, nghĩ: Pháp này hư dối, các Tỳ Kheo ấy hiểu sai lầm về việc này!
Nên cho rằng đây chẳng phải là đạo, thật không có thiền, không có định cũng không có kết quả của thiền, không có kết quả của định.
Do ngã mạn, sợ người khác khinh chê, họ đã phỉ báng như vậy.
Người tà kiến ấy khi qua đời bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Ca Diếp nói kệ:
Biết thời lìa ngã mạn
Thưa hỏi bậc tôn trưởng
Tỳ Kheo siêng tinh tấn
Mau đạt được Niết Bàn.
Học hỏi được điều gì
Đều chỉ cho người khác
Tự biết lìa ngã mạn
Tỳ Kheo ấy biết chắc.
Lìa ngã mạn, đại mạn
Biết đạo, biết phi đạo
Biết mình, người như vậy
Là Tỳ Kheo biết đủ.
Tâm ngã mạn, cố chấp
Sợ sệt và ngu dốt
Mong của cải cúng dường
Thì không được tịch tĩnh.
Vì không chịu thưa hỏi người khác, tâm ngã mạn càng thêm chắc nên họ không thể tọa thiền, đọc Kinh.
Tỳ Kheo này thường ăn thức ăn của người khác để bảo tồn tánh mạng, người ấy chỉ có hình dáng và tên gọi Tỳ Kheo, khi chết bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục, do tâm ngạo mạn không thưa hỏi người khác. Vì vậy, người học hễ còn sống thì phải thường thưa hỏi người khác. Tỳ Kheo này như thế, tâm thường an lạc, khi chết sinh vào đường lành là Cõi Trời. Sinh ở chỗ ấy rồi, họ dần dần tiến đến Niết Bàn, nhờ lìa ngã mạn.
Lại nữa, pháp ác chướng ngại thứ mười hai ngăn cản Tỳ Kheo tọa thiền, tụng Kinh. Pháp thứ mười hai đó là thích nhiều bạn bè, có tiếng nhiều bạn bè, làm việc không lợi ích.
Tỳ Kheo như vậy chỉ tăng thêm tham ái. Tỳ Kheo nào có nhiều trở ngại, loạn động. Do làm nhiều việc tâm ý bị ngăn ngại, rối loạn. Do tâm ý rối loạn nên không thể tọa thiền, tụng Kinh.
Người xuất gia xem kẻ oán, người thân đều bình đẳng, vì vậy không nên thân cận một người bạn, huống gì là có nhiều người bạn hay sao?
Người bê trễ chỉ có tên là Tỳ Kheo, do đến nhà người, lúc mắt thấy sắc, tâm loạn động, nhãn thức thay đổi, tâm không nương theo pháp tịch tĩnh, không suy nghĩ, không quan sát, tâm không ngay thẳng, nói chuyện rất nhiều. Gặp bạn bè rồi kế đó nghe tiếng, tâm liền loạn động, có sự quan sát khác, tâm không tịch tĩnh, do không tịch tĩnh nên không quán sự tịch tĩnh, có chỗ nương theo, nếu gặp bạn bè trong thời gian một niệm cũng bị ngăn ngại, huống chi là gặp bạn bè trong thời gian lâu.
Vì vậy, Sa Môn không được có một người bạn huống gì là nhiều người bạn. Nếu có Tỳ Kheo gần gũi bạn bè, đi vào nơi đông người, từ chỗ đông người đến chỗ đông người, đi chơi như vậy mà không biết mạng đang chấm dứt trong từng niệm liền mất phần tốt đẹp. Nếu mất phần tốt đẹp là tự lừa dối mình nhiều nhất, đến nỗi không thể tọa thiền, tụng Kinh trong khoảng một niệm.
Thế nên Tỳ Kheo biết việc ấy tăng ái nhiễm như vậy nên không thân cận người bạn thế tục.
Lại nữa, nếu là người bạn Đạo Sư, chỉ đường Niết Bàn, khiến ta được an ổn trong đời vị lai, cùng ta tọa thiền thì ta nên thân cận.
Người mà ta nên đi chung là người đã diệt trừ tất cả phiền não, đến thành Niết Bàn. Đó là người bạn tốt nhất. Những người bạn còn lại thì là oan gia, chẳng phải bạn chân thật. Do không chân thật nên không phải là bạn. Nếu gặp gỡ, cùng nói chuyện, cùng đi, cùng làm việc, thì sẽ cùng làm phế bỏ nghiệp lành.
Người nào tạo được năng lực như thế trong đời vị lai mới gọi là bạn, hoặc là chỉ bày phạm hạnh, hoặc khiến tu hành, hoặc dạy bảo lo lắng cho đời sau, hoặc khiến cho lo sợ bị sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Đó gọi là bạn lành. Còn nếu ai khiến cho thân, khẩu, ý gây ra việc ác, đi vào đường ác thì chớ gần họ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Vô Nhi Bình đẳng Tối Thượng Du Già đại Giáo Vương - Phần Mười Sáu
Phật Thuyết Kinh Bổn Sư - Phẩm Hai - Phẩm Pháp Hai - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tứ Chủng điều Phục
Phật Thuyết Kinh A Hàm Khẩu Giải Mười Hai Nhân Duyên
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai - Thiện Quyền - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tín Lực Nhập ấn Pháp Môn - Phần Bốn