Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP HAI MƯƠI TÁM  

Khi ở Cõi Trời, thân sắc và hình tướng đều thù thắng. Do giữ giới nghiêm túc họ được sống một cách hạnh phúc như vậy. Với nghiệp lực như thế, do trì giới, họ được quả báo lớn.

Còn nếu ở trong Cõi Trời Dạ Ma mà làm việc phóng dật thì tất cả các nghiệp lành tích tụ lúc làm người đều hết sạch. Tâm chúng sinh do nghiệp trói buộc về sau sẽ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì vậy, ta phải siêng năng tinh tấn, cho đến khi nào thấy được đạo.

Nếu tinh tấn như thế thì tâm sẽ được tự chủ, còn nếu phóng dật thì lúc bị thoái đọa, vị Thiên ấy sẽ sinh tâm hối tiếc, bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh do nghiệp thiện đã hết. Vì vậy ta cần phải lìa bỏ sự phóng dật. Như vậy, hạng Ưu Bà Tắc tốt đẹp thứ tư này được an lạc trong hiện tại. Nếu có thể không ngừng tinh tấn theo thứ lớp thì liền đạt đến Niết Bàn.

Trên đây, ta đã nói về một loại thọ giới, đó là Ưu Bà Tắc đệ tử của Phật.

Còn thế nào là Ưu Bà Di đệ tử của Phật?

Ưu Bà Di gồm có mấy hạng?

Ưu Bà Di gồm có bốn hạng:

1. Có lòng tin.

2. Có chủng tánh thuận theo thứ lớp.

3. Hạnh điều phục.

4. Hạnh cận trụ.

Hạng có lòng tin là những người có tâm tánh như sau: Đó là tâm nhu hòa và được tu tập khéo léo. Ưu Bà Di ấy chỉ cần nghe một ít lời Phật dạy liền có thể hiểu, hiểu rồi liền có thể nếm được vị ngọt của chánh pháp. Nếm rồi liền vào được chánh pháp. Đó gọi là đã đi vào pháp luật. Ưu Bà Di này sống với tâm lành sau đó mới thọ giới.

Người này không bị câu chấp vào tâm của người nữ và khi nghe những lời dạy của ngoại đạo, họ không chấp nhận và không xả bỏ Phật Pháp. Thậm chí họ không nói chuyện với ngoại đạo và chỉ sinh tâm trong sạch đối với Phật, Pháp, Tăng, thọ đủ năm giới. Đây là Ưu Bà Di có lòng tin.

Thế nào là Ưu Bà Di có chủng tánh tùy thuận theo thứ lớp?

Đó là người bản tánh hiền lành, tùy thuận theo chánh pháp, nhập vào chánh pháp, tin pháp được pháp cứu giúp, quy về chánh pháp, bản tánh thuận với pháp và kiên trì với chánh pháp, không tạo nghiệp ác. Luận sư ngoại đạo không thể phá hoại được, được sinh trong dòng họ của Ưu Bà Tắc, thường hết sức tin tưởng đối với Phật Pháp.

Trong dòng họ này, nếu sinh người nữ thì người nữ ấy liền có thể thuận theo thứ lớp từ lúc mới sinh, thường được nghe lời Phật dạy và thường cúng dường Sa Môn. Ưu Bà Di này thường nghe điều nghĩa. Trong tất cả các thời, tâm họ được huân tập liên tục về chuyện thọ giới, giữ giới. Đây gọi là Ưu Bà Di có chủng tánh tùy thuận theo thứ lớp.

Ưu Bà Di hạnh điều phục là người vốn không tin Phật, Pháp, Tăng. Nếu được gần bạn lành làm cho tin Phật Pháp hoặc nhờ một nhân duyên khác làm cho tin Phật Pháp, do thấy người kia có đầy đủ công đức trì giới nên người này cũng thường xuyên giữ giới. Đó là Ưu Bà Di hạnh điều phục.

Ưu Bà Di hạnh cận trụ là như có người nữ thường gần gũi ngoại đạo, biết pháp của ngoại đạo và quan sát oai nghi của họ, biết oai nghi của họ rồi, sau đó người này mới thân cận Sa Môn, đệ tử của Phật, quan sát oai nghi của họ, theo họ nghe pháp quan sát hình tướng, cách đi đứng, ăn uống cử động tới lui, thân mặc áo Ca Sa, đi lại yên lặng.

Thấy như vậy rồi, sau đó họ mới từ từ lìa bỏ ngoại đạo và tin tưởng Phật, Pháp, Tăng. Do gần gũi nên được điều thuận rồi theo họ thọ giới cho nên được gọi là Ưu Bà Di hạnh cận trụ.

Bốn chúng Ưu Bà Di và bốn chúng Ưu Bà Tắc như vậy lược nói như thế này: Đó là có sự tin hiểu, do tâm tương tục, do nhân duyên khác, do tuần tự thân cận. Như chúng Ưu Bà Tắc đã nói ở trước, có nhân duyên gì thì chúng Ưu Bà Di nhập vào chánh pháp cũng như vậy.

Như chúng Ưu Bà Di có nhân duyên gì, chúng Ưu Bà Tắc cũng lại như vậy. Do tâm nối tiếp nhau, chúng Ưu Bà Tắc và chúng Ưu Bà Di đã thực hành tất cả điều thiện thuộc chánh kiến, chánh hạnh không khác nhau.

Do tâm họ đều có các bậc thượng, trung, hạ nên khi chết đều được sinh vào đường lành là Cõi Trời. Có người sinh vào Cõi Trời Dạ Ma như sự tập khởi về giới và chánh hạnh không đồng nhau, quả báo của họ cũng khác nhau. Như vậy được sinh trong các Cõi Trời khác là do khéo giữ giới và công đức đã tích tụ thích ứng với nơi đó.

Được sinh lên Cõi Trời rồi, sống phóng dật, do không siêng năng tinh tấn những người chưa được đắc Thánh quả đều hết phước nên sinh trở lại trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh do hết phước đức vì phóng dật.

Nếu có Chư Thiên không làm việc phóng dật, người đó sẽ đến nơi rất vui, do họ giữ giới và khéo tu tập. Vì vậy không nên khởi tâm phóng dật. Việc phóng dật ấy không khác gì chất độc.

Tất cả kẻ phàm phu ngu si ở thế gian, bị tham dục lừa dối nên làm tất cả việc làm không lợi ích, do đó bị đường sinh tử trói buộc không lìa. Vì vậy hàng Trời, người nên từ bỏ phóng dật. Nếu hàng Trời, người mà giữ giới chắc chắn được sinh ở chỗ tốt đẹp nhất, còn nếu phóng dật thì sẽ hết phước đức.

Người này do tự lừa dối quá nặng nên bị đọa vào đường ác hoặc trôi lăn trong sinh tử theo thời gian rất lâu. Với tâm thiện, Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà dạy Thiên Chúng bản kinh chép trên bảng ở trong tháp Phật và nói: Vì thương xót chúng sinh và muốn tạo lợi ích cho Chư Thiên nên Đức Phật dùng thần thông biến hóa ra. Chư Thiên nghe rồi, với một tâm tốt đẹp nhất, họ chán ghét sinh tử, lìa bỏ sự phóng dật như lìa bỏ chất độc không khác.

Trên đây đã nói về hai hạng đệ tử là Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.

Thế nào là hai loại quyến thuộc Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni?

Họ gồm có mấy loại, có công đức gì, có những hạnh gì, giữ giới thế nào, có mấy loại giữ giới?

Sa Môn này là đệ tử của Đức Thế Tôn, hoặc là Tỳ Kheo, hoặc là Tỳ Kheo Ni, cầu hạnh Niết Bàn, siêng năng tinh tấn, không kể ngày đêm, có thể khiến cho đám quyến thuộc của ma kinh sợ. Tỳ Kheo Ni ấy có trí tuệ sáng suốt, hành động chân chánh, thực hành đúng pháp luật, tâm không có lo sợ, hướng đến thành Niết Bàn, tìm cầu chân đế. Do tìm cầu chân đế, họ trì giới không vi phạm nên có thể vào thành Niết Bàn.

Họ tu những hạnh gì và tương ưng với công đức gì?

Tất cả người nữ ưa dục, gần dục. Hai công đức này được xem là tất cả việc thiện. Ban đầu quan sát một cách chân thật thân của người nam hoặc là thân mình, thấy thân nam ấy hoặc là bằng thân mình, hoặc lớn hơn thân mình. Thấy như vậy rồi mới tưởng rằng đó là anh em, cha mẹ… phải tu tâm như vậy. Dục lạc là gốc của người phụ nữ này.

Nếu gần gũi nhau thì ý thường trông mong. Hoặc ngày, hoặc đêm, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc làm việc khác, hoặc trẻ, hoặc già, hoặc là trung niên, hoặc ở nơi bình yên, hoặc ở nơi ác độc, hoặc khổ, hoặc vui, hoặc bệnh hoặc không bệnh, hoặc ủng hộ hoặc không ủng hộ, hoặc cấm hoặc không cấm.

Hoặc sinh trong dòng quý tộc, hoặc sinh trong dòng dõi hèn kém, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc đứng ngồi bên đường, hoặc ở trong nhà, hoặc ở nơi xóm làng, hoặc ở chỗ đồng trống, hoặc oai nghiêm, hoặc không oai nghiêm, hoặc bị ở trong địa ngục, hoặc không ở trong địa ngục, hoặc được chồng yêu thích, hoặc không được yêu thích.

Hoặc ở gần bậc tôn trưởng, hoặc ở gần kẻ hèn hạ, hoặc gần người nhỏ tuổi, hoặc gần người lớn tuổi, tất cả phụ nữ trong hết thảy các thời thường bị dục buộc tâm. Dục ở trong tâm cũng như lửa nóng, như sự cứng của đất, như sự lay động nhẹ nhàng của gió, như sự ẩm thấp của nước, đối với tự tướng ở trong bốn đại, đều không điên đảo, trong tất cả thời đều không tự lìa, người nữ thường bị dục trói buộc như vậy chưa từng tạm lìa.

Người nữ lại có hai sự cấu bẩn là ganh và ghét. Hai điều cấu bẩn này lại có những cấu bẩn khác cùng sinh không lìa nhau, đó là vu khống và nịnh hót. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không rời đó là dối trá. Nó lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là kiêu mạn. Nó lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là suy não.

Suy não là gần gũi người nam giàu có và cùng nhau hành dục. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là sự xao động, tâm thường không yên. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là sự lừa dối, vu khống bạn thân thiết và anh em quyến thuộc. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là làm mất oai nghi khi ở chỗ đông người. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là nói hai lưỡi.

Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo sát, đó là nói lén việc riêng của người. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là tham ăn. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là làm những việc ham muốn không nên làm.

Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là sự không tin tưởng. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo sát, đó là hay nói việc mất oai nghi của người phụ nữ khác. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo sát, đó là sự tranh nhau tham ái.

Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo sát, đó là sự hủy nhục người. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo không lìa, đó là sự gây rối loạn khiến các làng xóm bị rối loạn. Chúng lại có sự cấu bẩn đi theo sát, đó là do gần người nữ này mà bị đọa vào địa ngục. Người phụ nữ này như là phân, như thuốc độc, như dao bén, như là rớt từ trên bờ cao hiểm trở, hoặc ở trong cánh đồng lửa lớn, như rắn độc dữ và tất cả những sự tương tự. Tâm của mọi người phụ nữ đều như vậy.

Người phụ nữ có tâm như vậy, đã gặp Tam Bảo, khen ngợi xưng tụng, nghe lời Phật dạy, tâm người phụ nữ ấy liền trở nên nhu hòa. Họ lại có pháp hy hữu để đối trị tâm cấu uế ngang ngược, chắc chắn như vậy. Pháp đối trị có hai loại là từ tâm sinh ra hoặc là nhờ người khác dạy.

Người xuất gia do lòng tin đó là người đối trị bằng pháp do tự tâm sinh ra, do điều lành xông ướp tâm. Người do người khác dạy là người gần gũi bạn lành được họ nói cho nghe các tội lỗi tích tụ từ vô thỉ đến nay, nếu biết nghe theo họ thì có thể hết tội.

Ban đầu họ xuất gia mong làm Tỳ Kheo Ni, gần gũi bạn lành.

Vì sao?

Vì pháp đối trị tâm cấu uế như đã nói, biết cách để nói, khiến họ khéo an trụ và có thể cởi mở sự trói buộc của khổ não, khiến được giải thoát, sống an lạc.

Bạn lành là người vỗ về, chỉ dạy cho ta những điều mờ ám từ vô thỉ đến nay và khiến cho chúng bị diệt trừ, chỉ cho ta con đường lành, nhổ cây gai ác dục từ vô thỉ đến nay, cứu ta thoát khỏi chỗ ác độc của ái dục, chỉ cho ta thấy chỗ an ổn, không sinh, không tử, không già. Nay ta nói pháp đối trị những điều cấu uế đó.

Tất cả cấu uế như vậy, nếu dùng pháp đối trị này theo trình tự đã dạy thì có thể được yên tĩnh. Tất cả việc như vậy và sự ganh ghét của phụ nữ đều hơn người nam nên phải dùng pháp đối trị thuận hoặc nghịch, kia hoặc đây để thoát ly sinh tử.

Do người nữ nhiều dục nên đối trị bằng pháp bất tịnh như là quan sát sự thật của thân. Thân là kho chứa bệnh tật, là nơi tụ tập điều bất thiện, là chỗ đựng tất cả đồ bất tịnh như phân, nước tiểu.

Đối với thân của mình hoặc của người, như tự tướng của nó, người ấy quán xét như vậy, quan sát nội tạng của nó xem thân này vốn từ chỗ nào sinh ra. Người ấy thấy tinh huyết dơ bẩn hòa hợp tụ tập như giọt nước. Giọt nước nhơ bẩn của cha mẹ hợp làm một thân. Như vậy thân này là do hạt giống bất tịnh sinh ra.

Lại nữa, người nữ ấy quan sát thân này. Nếu thân này sinh ra từ hạt giống bất tịnh thì trong thân này không có một chút pháp trong sạch. Tỳ Kheo Ni ấy lại quán kỹ chín loại ung nhọt, nhơ bẩn từ thân chảy ra. Như thân phụ nữ, thân người nam cũng vậy, phụ nữ và người nam đều có chín loại ung nhọt phát sinh.

Thân phụ nữ có ba lỗi lớn.

Những gì là ba?

Đó là nữ căn rộng lớn và hai vú có nước dịch chảy ra. Đó gọi là ba loại.

Lại nữa, nam nữ đều có các loại ung nhọt phát sinh như nhau, trong hai lỗ mũi đều có nước mũi chảy ra, hai mắt chảy ra nước mắt, trong hai lỗ tai hoặc có cứt ráy, hoặc có máu, hoặc có mủ chảy ra. Trong miệng hơi hôi hám, hoặc do ăn uống nên hôi, nước bọt chảy ra. Trong phần dưới thì có hoặc phân hoặc nước tiểu, máu… nhơ bẩn.

Quan sát như thật về các thứ bất tịnh của thân này rồi, hành giả nhớ nghĩ như vậy: Trong toàn thân ấy, không có một vật trong sạch nhỏ như hạt bụi, tất cả đều là vật bất tịnh.

Thân như vậy, vật gì ở trong đó, vật gì nương tựa?

Nếu có vật trong sạch đến gần thân này, thân vẫn bất tịnh. Do thân bất tịnh, vật trong sạch như vậy cũng bất tịnh theo. Những vật vốn trong sạch mà đi theo nó, nếu đụng vào thân liền bị bất tịnh, mặc dù vật ấy vốn trong sạch. Nếu ăn thức ăn trong sạch bậc nhất, thức ăn đó vào thân liền thành phân. Thân này uống đồ trong sạch vào thân thì thành nước tiểu.

Vật bên ngoài chạm vào thân, do thân này, tất cả vật trong sạch đều bị bất tịnh. Những vật trong sạch như là áo thơm nếu mặc vào thân mồ hôi đổ ra liền hôi hám.

Lại nữa, nếu đem hoa là gốc của tất cả mùi thơm đeo vào thân thì nó sẽ héo và bốc mùi hôi.

Tỳ Kheo Ni này lại quan sát thân, thân này từ đâu đến?

Nó vốn ở trong thân mẹ.

Thân mẹ thế nào, tịnh hay bất tịnh?

Tỳ Kheo Ni ấy quan sát bản tánh của mẹ mình cũng là một loại bất tịnh như vậy.

Tỳ Kheo Ni ấy lại quan sát thân. Thân ấy sống ở đâu, đi ở đâu, nơi ấy là sạch hay nhơ. Quán như vậy rồi, Tỳ Kheo Ni ấy thấy biết đúng như thật về tất cả các chỗ thanh tịnh dù ở nơi nào, nếu như thân này hoặc sống hoặc chết mà ở nơi đó, nơi đó liền có trùng bụi, tóc, lông xương… khiến cho nơi đó rất hôi. Đó là do thân bất tịnh như vậy ở tại nơi ấy.

Vì muốn đoạn trừ dục, Tỳ Kheo Ni ấy lại quan sát thân. Thân như vậy bị loài gì ăn, làm sao để quán xét, thấy nó như thật. Đó là thức ăn của La sát, quỷ ác, là các loài bất tịnh chứ không phải là thức ăn của thiên nga, uyên ương là loài chúng sinh trong sạch.

Tỳ Kheo Ni ấy quan sát đúng như thật về thân này rồi, liền thấy thân này chỉ thuộc về tà vạy, phân biệt điên đảo, không xem xét chân chánh, hiện đang bị mờ mắt, người nam đến gần, tâm liền bị trói buộc, không thấy bất tịnh. Do như vậy, người ấy quyết định quan sát cái dục kiên cố đã tích tụ từ vô thỉ đến nay khiến chúng được diệt trừ hoặc giảm bớt.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần