Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Hỏi Về Phát Sinh Thừa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM HỎI VỀ PHÁT SINH THỪA  

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như điều ông hỏi thì Đại Bồ Tát, từ trong thừa phát sinh ra cái gì và trụ vào nơi nào?

Tu Bồ Đề bạch Phật: Kính xin Đức Thế Tôn Giảng nói.

Phật dạy: Nên ra khỏi ba cõi trụ vào trí nhất thiết mà không có chấp trước.

Vì sao?

Vì đại thừa và trí nhất thiết bình đẳng như nhau, không sai biệt, không đồng nhau, không hình tướng, chẳng thấy được cũng chẳng ngăn ngại. Sự bình đẳng ấy gọi là vô tướng.

Vì sao vậy?

Tu Bồ Đề, pháp vô tướng ấy không ra khỏi cũng chẳng phải không ra khỏi.

Tu Bồ Đề! Nếu ra khỏi pháp vô tướng thì tánh pháp cũng ra khỏi sự sinh. Giả sử như vậy thì chân như cũng ra khỏi sự sinh. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là vì muốn ra khỏi sự sinh của tánh chẳng thể nghĩ bàn. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của diệt tận.

Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là vì muốn ra khỏi sự sinh của thể diệt tận. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của không sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Vì sao vậy?

Vì cái không của sắc không ra khỏi ba cõi cũng không trụ vào trí nhất thiết. Cái không của thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Đối với sắc, sắc tự là không. Đối với thọ, tưởng, hành, thức tự cũng là không. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi cái không của nhãn, muốn ra khỏi cái không của ý. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi cái không của sáu trần và mười hai nhân duyên.

Vì sao?

Vì cái không của sáu trần cũng không ra khỏi ba cõi và không trụ vào trí nhất thiết. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng muốn ra khỏi sự sinh của mộng, huyễn, sóng nắng, tiếng vang, bóng của ánh sáng. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của pháp được Như Lai biến hóa.

Vì sao?

Vì mộng huyễn, sóng nắng, tiếng vang, bóng của ánh sáng và pháp biến hóa của Như Lai cũng không ra khỏi ba cõi, không trụ vào trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì mộng lấy mộng làm không. Sóng nắng, tiếng vang, bóng của ánh sáng cho đến pháp được Như Lai biến hóa đều tự chúng là không. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của bố thí Ba la mật. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền định Ba la mật. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Tu Bồ Đề! Sáu pháp Ba la mật cũng không ra khỏi ba cõi, không trụ vào trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì sáu pháp Ba la mật tự nó là không. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của cả trong ngoài không. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi hữu không và vô không.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Vì cả trong ngoài không cho đến hữu vô không, tự chúng là không, nhưng cũng không ra khỏi và không trụ vào trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì cả trong ngoài không cho đến hữu vô cũng hoàn toàn không. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám chánh đạo.

Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của mười tám pháp. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của A La Hán, Bích Chi Phật, cho đến Như Lai, Bậc Chánh Đẳng Giác.

Vì sao?

Vì từ La Hán, Bích Chi Phật đến Phật cũng không ra khỏi ba cõi, không trụ vào trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì đối với La Hán thì La Hán là không. Với Bích Chi Phật thì Bích Chi Phật cũng là không. Với Phật thì Phật cũng là không. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật và quả Phật.

Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của trí nhất thiết. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của danh tướng. Muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sự sinh của sự thành lập và dạy bảo pháp số.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Danh là không và thiết lập giáo pháp hành cũng là không.

Vì sao?

Vì danh hoàn toàn không, nên muốn ra khỏi sự sinh của pháp vô tướng là muốn ra khỏi sinh của không chỗ sinh, không chỗ diệt, không chỗ chấp trước, không chỗ đoạn và không có sở hữu.

Này Tu Bồ Đề! Vì thế đại thừa từ ba cõi phát sinh ra và trụ vào chỗ bất động của trí nhất thiết.

Tu Bồ Đề! Như điều ông hỏi thì thừa trụ vào chỗ nào?

Nay Phật dạy rằng: Thừa không có chỗ trụ.

Vì sao?

Giống như các pháp cũng không có chỗ trụ, chỗ trụ của thừa cũng như không có chỗ trụ. Giống như pháp tánh không trụ và không có chỗ trụ. Thừa ấy không trụ cũng không không trụ. Không có chỗ sinh cũng không trụ và không không trụ. Không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không thật có cũng không trụ và không không trụ. Thừa cũng như vậy.

Vì sao?

Vì sự pháp giới không trụ cũng không không trụ. Sự pháp giới tự nó là không, cho đến vô sở hữu tự nó cũng là không.

Này Tu Bồ Đề! Thừa không có chỗ trụ.

Vì sao?

Vì các pháp không trụ mà trụ nên bất động như điều ông hỏi: Cái gì sẽ ra khỏi thừa?

Không có cái gì từ trong thừa phát sinh ra.

Vì sao vậy?

Tu Bồ Đề! Vật có thể ra khỏi thừa và người có thể ra khỏi thừa cũng không có sở hữu, không thể thấy được, các pháp không thể thấy được thì sẽ không từ chỗ nào mà ra.

Vì sao?

Vì cái ngã không thể thấy được, cho đến thọ mạng, tri kiến từ gốc trở đi rốt ráo thanh tịnh. Từ ngã, nhân cho đến tri kiến và pháp tánh không thể thấy được, chân như không thể thấy và chân tế cũng không thể thấy cho đến rốt ráo thanh tịnh. Không thể nghĩ bàn về giới, ấm và nhập đều không thể thấy được. Sáu pháp Ba la mật cũng không thể thấy được cho đến rốt ráo thanh tịnh.

Cả trong ngoài không cho đến hữu vô không cũng không thể thấy được và không có chỗ để thấy. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo và mười tám pháp bất cộng không thật có cũng không thể thấy được.

Từ Tu Đà Hoàn đến Phật đều không thật có và không thể thấy: Từ Tu Đà Hoàn đạo đến Phật Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Giác không thật có và không thể thấy, không sự sinh, không thể thấy được cho đến không có. Từ không thật có đến không thật có không thể thấy.

Vì sao vậy?

Này Tu Bồ Đề! Vì không thật có nên không thể thấy. Khi trụ ở Sơ Địa cũng không thể thấy, đến trụ ở Thập địa cũng không thật có nên không thể thấy. Không thật có không thể thấy cho đến rốt ráo thường thanh tịnh.

Những gì là sơ trụ địa, diệt tịnh địa, chủng tánh địa, đệ bát địa, kiến địa, bạt địa, trừ cấu địa, sở tác dĩ tác địa, Bích Chi Phật địa, Bồ Tát địa và Phật Địa?

Đối với cả trong ngoài không cũng không thấy. Từ Sơ Địa không thấy cho đến cả trong ngoài không, hữu vô không, cũng không thật có. Trụ ở địa thứ hai, địa thứ ba, địa thứ tư cho đến địa thứ mười. Từ cả trong ngoài không, hữu vô không cho đến địa thứ mười cũng không có thấy.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Từ địa thứ nhất đến địa thứ mười không thật có, không thấy có, cho đến rốt ráo thanh tịnh. Từ cả trong ngoài không, đến hữu vô không trong đó chúng sinh thanh tịnh không thật có cho đến rốt ráo thanh tịnh.

Từ cả trong ngoài không cho đến hữu vô không trong đó Cõi Phật thanh tịnh, không thật có cho đến rốt ráo thanh tịnh. Cả trong ngoài không, hữu vô không, trong đó năm loại mắt không thật có cho đến rốt ráo thanh tịnh.

Này Tu Bồ Đề! Như vậy là Đại Bồ Tát dựa vào việc không lệ thuộc khiến cho các pháp nhờ vào đại thừa mà phát sinh trí nhất thiết.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần