Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP MỘT  

Lại nữa, này các Tỳ Kheo! Đã biết quả báo của nghiệp, siêng năng tu tập không ngừng, quan sát trên Cõi Trời Tam Thập Tam còn có Cõi Trời nào thù thắng tự tại hơn Cõi Trời ấy không?

Dùng văn tuệ biết trên Cõi Trời Tam Thập Tam còn có nơi chốn tất cả đều thù thắng, quả báo, ánh sáng đều thù thắng, đó là Cõi Trời Dạ Ma. Nhờ ba loại giới được sinh lên cõi Dạ Ma. Đó là ba giới không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm.

Tu tập ba giới này không thiếu, không thiếu sót, rơi rớt, không hủy phạm. Đó là giới mà chư Thánh khen ngợi, luôn được mát mẻ, dần dần đạt được Niết Bàn, giống như bạn lành. Giới như cầu vượt qua biển sinh tử. Ai có cầu giới này sẽ qua khỏi biển sinh tử đến bờ giải thoát. Người tu hành lại suy xét kỹ, thấy vị Tỳ Kheo quan sát bảy chi giới, quan sát quả báo của nghiệp có thượng, trung, hạ như đã nói ở trước.

Sau đó quan sát cõi Dạ Ma trên núi Tu Di, có những nơi nào?

Cao bao nhiêu, có ánh sáng gì?

Quan sát như vậy, với tri kiến mình biết được chúng sinh không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, tự giữ giới, dạy người giữ giới, tạo lợi ích cho cả mình và người thì được sinh lên Cõi Trời kia. Với tri kiến biết được cõi Dạ Ma cao sáu vạn do tuần, cao gấp hai lần tầng trên cùng của núi Tu Di.

Cõi Dạ Ma có bao nhiêu trực xứ, cao bao nhiêu, mặt đất bằng gì?

Với tri kiến biết được cõi Dạ Ma có ba mươi hai trụ xứ, cao năm ngàn do tuần. Cõi Dạ Ma ở giữa hư không như đám mây, nhờ gió nâng đỡ, bên dưới nhờ nước nâng đỡ. Nước nhờ gió nâng đỡ, đó là gió Diễm ba, nâng đỡ cõi Dạ Ma như nâng đỡ đám mây.

Ba mươi hai trụ xứ đó là:

1. Thế lực.

2. Thừa xứ du hành.

3. Vân xứ du hành.

4. Tích phụ.

5. Tâm tướng.

6. Sơn thọ cụ túc.

7. Quảng bác hành.

8. Thành tựu.

9. Thắng quang minh.

10. Chánh hạnh.

11. Thường lạc.

12. Tăng trưởng pháp.

13. Nhất hướng lạc.

14. Lạc hành.

15. Chủng chủng tạp.

16. Tâm trang nghiêm.

17. Phong xuy.

18. Sùng cao.

19. Mạt tuyền hành.

20. Bách quang minh ngạn.

21. Sơn tụ hành.

22. Nguyệt kính.

23. Ức niệm lượng.

24. Già thi ca.

25. Giải thoát thiền.

26. Mạn thượng mạn.

27. Hạ nhập.

28. Giai hành.

29. Tự thân kính.

30. Mạn thân quang minh.

31. Thượng hành.

32. Lâm quang minh.

Đó là các trụ xứ của Cõi Trời Dạ Ma. Vị Vua cõi Dạ Ma tên là Mâu Tu Lâu Đà, như Thiên Vương Đế Thích chủ Cõi Trời Tam Thập Tam tên là Kiều Thi Ca. Thiên Vương cõi Dạ Ma thuận hành chánh pháp, thần thông, diệu lạc của Thiên Vương ấy gấp ngàn lần Đế Thích.

Thân của Mâu Tu Lâu Đà cao năm do tuần, sáng rực thù thắng, còn thân của Đế Thích chỉ cao một cư xa. Oai lực phần thân của Mâu Tu Lâu Đà gấp trăm ngàn lần Đế Thích. Quả báo của Thiên Vương cũng vậy.

Quan sát xong, Tỳ Kheo nói kệ:

Như người mang vật nhẹ

Qua biển không bị chìm

Người ít tạo việc ác

Lên trên không xuống nước.

Như cánh chim vững chắc

Bay lượn trong hư không

Người giữ giới kiên cố

Sẽ được sinh lên Trời.

Tỳ Kheo đã quan sát nhân quả của Cõi Trời Dạ Ma.

Cõi này có bốn núi lớn cao một vạn do tuần, đó là: Thanh tịnh, Vô cấu, Đại thanh tịnh, Nội tượng. Còn có những ngọn núi khác đủ các chủng loại, màu sắc, hình tướng, công đức. Như vậy có hơn ngàn ngọn núi khác trang sức các thứ hoa Trời. Cõi Dạ Ma được trang trí như vậy.

Trong ba mươi hai trụ xứ của cõi này có các ngọn núi, dòng sông, ao sen, vườn rừng vây quanh, được trang trí đủ hình tướng, hương sắc, mùi vị. Cây hoa có đủ các vị như sông núi, cây cối, ao vườn của Cõi Trời Tam Thập Tam. Cây cối, ao vườn, cảnh vật ở đó đẹp hơn cả cảnh vật xinh đẹp nhất của cõi người. Những sự thù thắng của Cõi Trời Tam Thập Tam không sao sánh kịp cõi Dạ Ma.

Vì sao?

Vì nhân quả nhiều, cõi ấy có vô lượng phước đức của nghiệp thiện, có trăm thứ nhân quả công đức do nghiệp thiện hóa sinh thật không sao nói hết.

Vì sao không thể nói hết?

Vì oai lực của các nghiệp lưu chuyển nhiều. Nghiệp quả ấy nơi tất cả chúng sinh cũng không thể nói hết. Nhờ nghiệp thiện nên được sinh lên Trời. Cõi Dạ Ma có đủ những thứ mà không thể nói hết. Trong ngàn phần quả báo của Cõi Trời ấy ta chỉ có thể nói được một phần.

Vì sao?

Vì người giữ giới sẽ được quả báo. Giờ đây xin nói rõ. Người giữ giới nghe được thì siêng năng, người tu trí tuệ thì càng siêng năng gấp mười lần.

Vì sao biết người giữ giới có sự sai khác như thế?

Vì người giữ giới được sinh lên Trời kia, người tu trí thì đạt Niết Bàn. Như vậy ta đã nói về công đức của giới và trí.

Những ai đã biết quả báo của giới và trí thì nên nghĩ: Giữ giới còn như vậy huống gì là tu trí. Ta đã nghe thế nên siêng năng tu tập. Nếu ai nói như vậy sẽ được quả báo bậc trung.

Lại do nhân duyên mà nói pháp khác. Vị Trời ấy thọ hưởng hoan lạc lâu không gì ngăn ngại nhưng vẫn vị thoái đọa, không còn quyền lực, huống gì dục vọng cõi người có nhiều tội lỗi, chút ít vị vui, lưu chuyển không ngừng, không được an ổn, thường phá hoại, đủ sự khổ đau, lo sợ giặc cướp.

Ta sẽ nói những nhân duyên khác nữa. Ngoại đạo cho rằng tất cả đều do Ma Hê Thủ La tạo ra, không phải do nghiệp. Con người thì không biết được. Vì muốn ngăn chận ngoại đạo nên nói nhân quả.

Thấy có nhân quả, thật có duyên sinh, không phải do ai tạo ra, không phải không nhân, tất cả nghiệp nhân phải có quả tương xứng, không phải do nhân này mà chịu quả khác, không có nghiệp thiện mà sinh vào địa ngục, không có nghiệp ác sinh lên Trời. Người do tu nghiệp thí, giới, trí nên được sinh lên Trời. Hai sự khổ vui đó không sao nói hết. Diệu Lạc Cõi Trời không thể ví dụ được một phần nghiệp của người ấy. Giờ đây chỉ nói một ít.

Lại nữa, này các Tỳ Kheo! Đã biết quả báo của nghiệp, hãy quan sát trụ xứ của Cõi Trời Dạ Ma. Dùng văn tuệ biết cõi ấy có trụ xứ tên là Thế lực.

Do những nghiệp gì chúng sinh được sinh lên cõi này?

Dùng văn tuệ biết người giữ giới, sợ từng việc ác nhỏ như vi trần, tâm ngay thật không dối gạt, không gây hại người khác, chánh kiến không tà vạy, không ngu si, quan sát thế gian là vô thường, khổ, vô ngã, Niệm Phật, Pháp, Tăng, không sát sinh, không trộm cướp như đã nói ở trước không tà dâm, tâm thích xa rời, không gây tạo, ngay cả loài chim hành dục cũng không xem, trong giấc ngủ không nhớ đến dục, bản thân như vậy, còn dạy người khác.

ói nghiệp quả cho người khác: Đừng làm như vậy, nếu làm sẽ đọa vào địa ngục. Người này hiểu đúng nghiệp quả, không xâm phạm vợ người, lo sợ nghiệp. Nhờ nghiệp thiện được sinh lên cõi này. Ở đây có trăm ngàn Thiên Nữ vây quanh. Vừa thọ sinh, Thiên Nữ liền trổi nhạc ca hát, người này chợt nghe như vừa tỉnh ngủ, thích nghe tiếng ấy. Người này sinh bằng sự biến hóa.

Nghe tiếng nhạc, suy nghĩ: Tiếng ca ấy có đủ tám công đức:

1. Ngôn ngữ.

2. Khen ngợi.

3. Ngọt ngào.

4. Khéo hòa hợp.

5. Tương ưng.

6. Sâu xa.

7. Ai cũng thích.

8. Nghe xa trăm ngàn do tuần không trở ngại.

Lời nói tương ứng với pháp, thanh tịnh không nhơ. Tiếng ca đủ tám phần công đức đó giác ngộ người thiện. Thân phóng ánh sáng chiếu năm do tuần, xanh, vàng, đỏ, trắng như cầu vòng Cõi Trời. Lúc Thiên Tử thọ sinh đã có vòng ánh sáng như vầng mặt trời, mặt trăng. Người ấy vừa đứng lên là có trăm ngàn Thiên Nữ vây quanh nên rất vui mừng.

Thiên Tử, Thiên Nữ cùng nhau vào rừng Quang minh. Cõi ấy có loài hoa không héo tên là hoa Nhãn cam lộ, hoa Hương bất hoại, hoa Thiện sắc hương, chỉ nghe tên hoa đã vui. Hoa ấy có năng lực như vậy, đâu đâu cũng khen về hoa ấy. Trong hư không có hoa tên Nguyệt thắng, hoa Thường chuyển hành. Khi Chư Thiên nghĩ đến hoa liền phát ra tiếng, di chuyển theo Chư Thiên.

Thiên Tử muốn đến đâu là cây hoa đưa đến đó, giống như đi trên cung điện thứ hai nơi Cõi Trời Tam Thập Tam. Thiên Tử cõi Dạ Ma đi trong hoa sáng rực, Thiên Tử thường nhìn xuống xem xét các nơi. Trong chốc lát đã thấy hết mọi nơi mà không mỏi mệt. Cõi ấy lại có cây tên Lạc ái.

Trong cây ấy, chỗ nào cũng đáng yêu, vào đó sẽ được diệu lạc Cõi Trời. Trong ao sen có cây tên Tùy thuận nhất thiết niệm. Thiên Tử cõi Dạma muốn gì là được mọi vật tốt đẹp. Đó là do oai lực của cây. Ở trong cây thọ hưởng hoan lạc, nghe được tám loại âm nhạc không sao khen ngợi hết. Cõi ấy có cây tên Hương phiêu, Thiên Tử muốn ngửi hương là cây thoảng ra mùi hương.

Lại có cây tên Hoa hương, ở trong cây ấy như ở trong hý trường, có vườn đẹp, ao sen. Thiên Tử ở đó thọ hưởng diệu lạc. Cây đó có đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, tía sáng rực và có đủ hương thơm. Chư Thiên vừa vào là có đủ sắc đẹp, thân Thiên Tử cũng có đủ màu sắc ấy. Màu sắc trên y phục của Thiên Tử biến mất chỉ còn màu sắc của cây. Lại có cây tên hư không hành. Chỉ trong chốc lát đã đi được trăm ngàn do tuần, tùy ý đi lại.

Ánh sáng của cây giống như mặt trời. Thiên Tử ngồi trên cây ấy đi lại trong hư không, trăm ngàn Thiên Nữ vây quanh, xoa thân bằng hương thơm, thân Thiên Tử sáng rực. Trước mặt Thiên Tử lại có các Thiên Nữ trang sức xinh đẹp, ca múa vui chơi, tiếng ca vang khắp vô số do tuần. Thiên Tử tuấn tú song hành Thiên Nữ.

Giờ chỉ nói một phần nhỏ. Do nghiệp thiện thân Thiên Tử giống như mặt trăng giữa các ngôi sao. Song Thiên Tử lại có trăm ngàn công đức thù thắng. Họ trổi nhạc ca múa vui chơi cùng đi vào rừng thơm. Trong rừng có đủ các loại chim, dòng sông, ao sen xinh đẹp đáng yêu.

Tất cả sáng rực hơn ánh sáng của ngàn mặt trời, đó là chỉ nói một phần nhỏ thôi. Còn như sông suối, ao sen, vườn cảnh xinh đẹp của cõi người không bằng một phần mười sáu Cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương. Vườn rừng cõi Tứ Đại Thiên Vương không bằng một phần mười sáu Cõi Trời Tam Thập Tam.

Cũng vậy, vườn rừng Cõi Trời Tam Thập Tam không bằng một phần mười sáu cõi Dạ Ma. Nhờ nghiệp thiện thù thắng mà có như vậy. Dù là người có trí tuệ biện tài khéo léo trong tất cả chúng sinh, chuyên tâm chú ý cũng không sao nói được một phần vườn rừng đáng yêu của cõi ấy.

Vì sao?

Vì không phải là cảnh giới của con người, không phải là cảnh giới mà tâm con người suy nghĩ được. Dù cho cả Cõi Trời Tam Thập Tam thứ hai cùng Đế Thích trải qua trăm ngàn năm cũng không thể nói được sự thọ hưởng diệu lạc trong một trụ xứ của cõi Dạ Ma.

Vì sao?

Vì không phải là cảnh giới của họ, họ chưa từng thấy nghe nên không thể nói được. Chỉ cần một phần nghiệp thiện của cõi kia cũng không thể nói được, không thể suy nghĩ được nghiệp thiện thọ lạc của cõi kia, chỉ có thể nói được một phần diệu lạc mà cõi kia thọ hưởng.

Ví như tất cả họa sư và đồ đệ của họ vẽ mặt trời, mặt trăng trên vách tường, nhưng họ không tạo ra ánh sáng và oai lực của chúng được, không thể làm chúng luân chuyển hay chiếu soi, không làm cho nóng mát được, họ chỉ có thể vẽ được vòng tròn thôi. Cũng vậy, không thể biết được thế lực ánh sáng, vườn cảnh, oai đức, ca nhạc, thân hình xinh đẹp, cảnh giới hoan lạc, vòng ánh sáng, sự gần gũi Thiên Nữ, tất cả mọi thứ chỉ có thể nói được một phần nhỏ.

Thiên Tử ấy ở nơi vui chơi thọ hưởng mọi dục lạc, vui chơi ở vườn cảnh xinh đẹp. Quan sát xong, cảnh giới năm dục lôi kéo tâm làm cho tâm không đứng yên, lưu chuyển phân biệt theo nhiễm ô, trôi nổi trên sông ái. Mọi thứ thấy được đều đáng yêu. Xem xong, Thiên Tử lại đến rừng Vô lượng dục cụ túc.

Trong ao sen có nhiều hoa đẹp, nghe được vô lượng tiếng chim. Đến đó Thiên Tử thấy hết mọi thứ mà mình chưa từng thấy, Thiên Tử cùng Thiên Nữ đến nơi vui chơi. Trong ao sen có cát bằng chân châu, chim bằng vàng bạc, cánh bằng ngọc xanh, trên bờ ao có nhiều cây đẹp. Thiên Tử vui chơi thọ lạc ở đó. Sau đó Thiên Tử lại đến rừng Bảo ngạn, các Thiên Nữ cùng Thiên Chúng vây quanh.

Rừng ấy có đủ bảy báu sáng rực, khắp nơi đều có núi sông, ao suối, hoa sen đẹp, có trăm ngàn vạn ngọn núi, có nhiều vật báu. Do sức nơi nghiệp thiện, Thiên Tử cùng Thiên Nữ vui chơi hưởng lạc. Do nghiệp thiện được quả tương xứng. Họ thọ hưởng mọi thứ dục lạc nhưng Thiên Tử thọ nhận dục lạc thù thắng hơn.

Sau đó họ lại đến nơi tên là Thích Ca thuyết giảng để thọ hưởng dục lạc, bị tâm tham ái nơi cảnh giới lôi kéo, do sức phân biệt mê hoặc tâm, họ thấy cảnh giới không ngừng nên tâm họ như con vượn, ăn trái vui Cõi Trời bị say mèm. Thấy Thiên Nữ sinh tâm tham ái, tâm biến đổi không ngừng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần