Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP TÁM MƯƠI BA  

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa đã thuyết bảy pháp trong hai mươi hai pháp. Nay Bồ Tát thuyết pháp thứ tám.

Nếu có Sa Môn, Bà La Môn và các thiện nhân khác tư duy: Có những pháp gì là pháp điều phục có thể trang điểm cho tất cả pháp?

Tất cả sự điều phục tương ưng với giới luật. Nếu Sa Môn, Bà La Môn và người khác, tại gia, xuất gia, già hoặc trẻ, tương ưng với điều phục lấy điều phục để trang điểm thì có thể làm họ ngay thẳng. Ai lìa sự điều phục thì giống như cáo, quạ, chim cắt, chim thứu.

Người xuất gia làm cách nào để điều phục?

Người xuất gia ban đầu lấy áo ca sa để tự điều phục.

Phải thực hành bảy việc: Nhận y phấn tảo theo phép nước. Khi ở bất cứ nước nào cũng đều đắp y do người tại gia liệng bỏ. Nếu ở gò mả có y của người mới chết bị tử thi đè lên thì không nên lấy. Nếu lượm được y rách ở gò mả thì có thể dùng. Đó là pháp điều phục bằng áo Ca Sa.

Lại nữa, sự điều phục thứ nhì là: Nếu vào xóm làng thì phải nhìn xa một tầm về phía trước, nhớ tưởng hình ảnh của Phật, nhất tâm chánh niệm các căn không loạn, đếm hơi thở ra vào, buộc tâm niệm thân, khi vào thôn xóm không ngắm nhìn các thứ mình cần và các loại đồ vật.

Không ngắm nhìn các màn giăng xinh đẹp, không nói chuyện với người nữ, không ẵm bế trẻ con, không rung đùi, không vung vẩy tay, ngồi vào ghế thì không gãi đầu, không thường sửa y, không vung vẩy áo ca sa, không xoa bóp tay, không khảy móng tay. Đó là pháp điều phục thứ hai.

Sự điều phục thứ ba là: Vào nhà thí chủ, lúc ăn cơm phải rửa tay, sắp bát, khi ăn không buông xuôi hai tay mà phải đưa tới trước một khủy tay, không ngậm thức ăn đầy miệng, cũng không ngậm quá ít, lúc ăn không đùa cợt, cười giỡn, không tham ăn, làm mất lòng tin trong sạch của người làm cho họ khinh thường, phải quan sát tâm của người khác, vò viên thức ăn không lớn, không nhỏ.

Không há miệng lớn, không để phát ra tiếng động khi nhai thức ăn, không thở hào hển, chỉ ăn hai phần ba so với nhu cầu của mình và biết vừa đủ, không nhìn bát của người khác sinh tâm tham, nhận thức ăn uống không làm hư hoại tâm người khác.

Nhìn vào bát mà ăn không ngó hai bên, ăn xong rời khỏi bát và rửa tay súc miệng cho sạch, giữ gìn các căn, chánh tâm nói pháp, xét kỹ tâm niệm, nói pháp không mau, không chậm, không cong, không thẳng, không nói phi thời, không nhiều, không ít, giữ gìn tâm của thí chú, không phá hoại lòng tin của họ. Đó là pháp điều phục thứ ba.

Lại nữa, sự điều phục thứ tư là: Lúc ăn ở xóm làng, thành ấp, không nhớ tưởng thức ăn đã thấy lúc trước, không nói nhiều, không mong cầu được giường nằm, chỉ thọ nhận như pháp, không mong cầu đồ ăn ngon. Đó là pháp điều phục thứ tư.

Pháp điều phục thứ năm là làm mọi việc không ỷ lại, không vướng mắc, không tiếc thân mạng, không tích chứa nhiều dụng cụ, không đi ở nơi biên giới nguy hiểm, không ăn mặc khác lạ, không thích được mời mọc, không ưa tới lui một nhà. Đó là pháp thứ năm.

Pháp điều phục thứ sáu là không chặt cây cỏ, không đào đất, không mang giày da nhiều màu và mặc y áo sặc sỡ, không hủy báng rao truyền người phá giới, không mong cầu thức ăn của Vua, không gần những Tỳ Kheo thích đấu tranh. Đó là pháp điều phục thứ sáu.

Pháp điều phục thứ bảy là nếu có Tỳ Kheo cùng một ý nghĩ, cùng tu một pháp thì nên gần gũi, lợi ích để cùng tiến bộ.

Muốn bỏ cảnh giới của ma thì phải điều phục, tịch diệt, giữ gìn các căn, Tỳ Kheo này nên ở nơi hang núi, khe núi, dưới gốc cây, nơi đất trống, thường tu hành pháp không, vô tướng, vô nguyện. Đó là pháp điều phục thứ bảy. Tỳ Kheo nào thực hành như vậy thì có thể xả bỏ tất cả sự trói buộc để được giải thoát. Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ cho Chư Thiên nghe.

Tương ưng pháp điều phục

Tu hành cảnh giới trí

Sợ hãi lỗi sinh tử

Thì xuất gia không uổng.

Không hủy phạm học giới

Không nhớ thú vui ác

Thường quan sát các ấm

Sống trong rừng yên tĩnh.

Người tịch diệt, ái ngữ

Hiện đời đạt Niết Bàn

Giữ giới trang điểm thân

Tương ưng với xuất gia.

Ai không bị mê hoặc

Nơi pháp mình và người

Nghiệp báo, phi nghiệp báo

Cũng như đạo, phi đạo.

Không sống theo nghiệp ác

Không lo sợ khổ vui

Giải thoát khỏi gia đình

Các khổ không trói buộc.

Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói vô lượng công đức của pháp điều phục làm cho Chư Thiên đều tin hiểu và chú ý lắng nghe. Bồ Tát Khổng Tước Chúa liên tục nói pháp cho Chư Thiên ở Trời Dạ Ma và Trời Đâu Suất Đà. Biết Chư Thiên kính trọng pháp, Bồ Tát nói tiếp pháp trong sạch thứ chín.

Pháp đó là: Nếu Sa Môn, Bà La Môn và những người khác tin nghiệp báo thì sẽ được pháp lớn. Người này có thể biết nghiệp ác của thân, không làm cho nó tăng thêm, không ưa, không thích vì quả báo của nó là cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đối với nghiệp ác của miệng và ý họ không cho nó tăng thêm, không ưa không thích vì quả báo của nó là chịu khổ ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Nếu Sa Môn, Bà La Môn trước đây đã tạo nghiệp ác rồi hối hận không tái phạm nữa và gần gũi Sư Trưởng để nghe pháp.

Làm sao để thoát khỏi quả báo của nghiệp ác?

Nếu như Sư Trưởng có trí tuệ điều phục đem nhân duyên, phương tiện nói với họ làm cho họ hối hận thì các nghiệp ác trong quá khứ đều bị diệt hết. Do nhớ nghĩ nghiệp lành, họ không gây nghiệp ác. Họ quan sát xem nghiệp phát sinh từ đâu.

Nhờ quan sát như vậy, họ không tạo nghiệp ác, làm cho tất cả các nghiệp bất thiện dần dần bị tiêu diệt hoặc làm cho các nghiệp ác của thân, miệng, ý mới gây trong hiện tại được mỏng bớt. Do tâm nhẹ nhàng, sau khi phạm tội họ liền hối hận không dám làm nữa. Nhờ hối hận như vậy, tất cả các nghiệp ác đã thành tựu đều bị tiêu diệt.

Nếu Sa Môn, Bà La Môn và những người khác biết nghiệp như vậy và suy nghĩ: Do đã quen làm ác, ta đang tạo nghiệp bất thiện nơi thân, miệng, ý, lúc quả báo này chín mùi, ta sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Lúc nghiệp ác chưa sinh, họ dùng phương tiện chân chánh làm cho nó không sinh, nếu Sa Môn, Bà La Môn tin nghiệp quả quả báo như vậy, giả sử có nghiệp địa ngục thành tựu sẽ phải ở trong địa ngục, chịu khổ trong thời gian dài thì quả báo đó sẽ mỏng bớt hoặc bị tiêu diệt.

Lại nữa, nhờ siêng năng tinh tấn, nếu có nghiệp ác phải đọa vào ngạ quỷ, chịu nỗi khổ đói khát trong thời gian dài thì hoặc chỉ chịu quả báo ấy trong thời gian ngắn, hoặc quả báo ấy bị tiêu diệt hết.

Sa Môn, Bà La Môn và những người khác siêng năng tinh tấn như vậy thì nếu có nghiệp ác sẽ phải làm súc sinh ăn nuốt lẫn nhau trong thời gian dài thì hoặc chịu quả báo ấy trong thời gian ngắn, hoặc nó bị tiêu diệt hết chỉ trừ nghiệp đã chắc chắn thành tựu, phải đọa vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì nhất định phải chịu quả báo.

Lại nữa, tin quả báo của nghiệp, tư duy về những nghiệp quả vi tế khó hiểu, sám hối về ba nghiệp ác đã tạo không còn tái phạm thì do nghiệp bất định sẽ sinh vào súc sinh. Nhờ tư duy như vậy, nếu có nghiệp địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì chỉ mong thân súc sinh vì tâm sám hối trong sạch có thể phá trừ nghiệp nặng. Do tâm lực, nghiệp báo bị tiêu diệt hết hoặc giảm bớt.

Nếu có nghiệp ác phải mang thân súc sinh thì nhờ tâm sám hối và nghiệp lành quả báo đó có thể bị tiêu diệt, không còn phải mang thân súc sinh lâu dài, không chịu khổ lớn, hoặc do tâm thù thắng có thể đoạn trừ nghiệp ác. Do đó phải tin nghiệp quả.

Sa Môn, Bà La Môn và những người khác tin quả báo của nghiệp thì có thể vượt qua bờ kia.

Vì sao?

Vì tất cả năm đường sinh tử do nghiệp và quả báo thiện, ác mà có vì vậy nên tin ở quả báo của nghiệp. Tất cả chúng sinh đều do nghiệp quả mà có. Vì vậy, người nam, người nữ phải siêng năng tinh tấn ngày đêm suy nghĩ về quả báo của nghiệp, là nhà tù chắc chắn nhất trong đường sinh tử.

Pháp thứ mười mà Sa Môn, Bà La Môn và người khác nên tư duy là: Sự tai hại do chỗ ở gây ra. Sa Môn, Bà La Môn và người khác, người ít trí tuệ bị nơi ở làm hại, tâm họ tham đắm, lưu luyến không thể xả bỏ những nơi như Tăng già lam, tăng trụ xứ, xóm làng, đất nước, thành ấp và những nơi khác…

Họ thường biếng nhác, thích nơi phi xứ, không đến chốn A Lan Nhã yên tĩnh, không đi nơi khác, không thể gọi họ là tại gia hay xuất gia, trọn đời họ sống nơi phi pháp. Do đâu người này xuất gia mà không chịu đến những nơi cần đến như núi rừng, A Lan Nhã mà suốt đời lại ở nơi phi pháp.

Để tu thiền họ đi xuất gia vậy mà không chịu vào núi rừng vắng vẻ lại sống ở nơi phi xứ. Sa Môn, Bà La Môn nào sống ở nơi phi xứ thì bị các thí chủ khinh chê, không thích gần gũi cúng dường, không thích thấy mặt. Nếu ở nơi phi xứ thì tội lỗi hiện rõ, bị các kẻ phàm tục chê cười.

Những người ấy nói với nhau: Sa Môn, Bà La Môn ấy và những người khác thích ở nơi phi xứ không biết nên gọi họ là tại gia hay xuất gia.

Họ không thích chốn núi rừng, A lan nhã, chỉ thích tích chứa của cải, thích gặp người thế tục, gần người tại gia giống như tôi tớ, bị các cư sĩ khinh chê, vì vậy không thể gọi người này là tại gia hay xuất gia.

Do sống nơi phi xứ, giả sử không có lỗi lầm bị người khác phỉ báng đi nữa thì cũng bị thí chủ khinh chê về việc họ ở nơi phi xứ, họ thường gặp người bạch y, người tại gia, tuy không bị khinh thường thì cũng mắc tai họa khác. Sa Môn, Bà La Môn nào sống nơi phi pháp thì không được lợi ích.

Vì vậy, Sa Môn, Bà La Môn không nên sống ở nơi làm hại mình mà phải thường thích trụ xứ, thường thích sống một mình, thích ở bên gốc cây, nơi gò mả, nơi yên tĩnh để tu thiền hoặc suốt đời sống một mình trong hang núi, nên tránh xa phi xứ, xả bỏ tất cả nơi phi pháp để có thể được giải thoát. Người ở nơi phi xứ thì không thể giải thoát.

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ:

Tỳ Kheo sống phi xứ

Bị xem như đứa ở

Coi khinh như cỏ rác

Mất sự tự lợi ích.

Tỳ Kheo sống phi xứ

Không tại gia, xuất gia

Tâm họ không ưa thích

Việc tọa thiền tụng kinh.

Tỳ Kheo sống phi xứ

Tích chứa nhiều của cải

Tâm tham đắm của báu

Không biết giờ chết đến.

Mạng diệt trong từng niệm

Mà không thể hay biết

Không biết việc mình làm

Lãnh quả báo đời sau.

Tỳ Kheo sống phi xứ

Thường thích gặp người đời

Thường sống nơi phi xứ

Chết liền vào đường ác.

Tâm không chút tham đắm

Không mong cầu thứ gì

Thoát khỏi mọi tham lam

Đó gọi là Sa Môn.

Hoặc ở bên gốc cây

Thường tu tập thiền định

Liền được trí thanh tịnh

Xa lìa mọi lỗi lầm.

Lìa bỏ mọi tham đắm

Không bị cảnh mê hoặc

Liền diệt được phiền não

Như lửa đốt củi khô.

Tỳ Kheo tu một mình

Giữ gìn hết năm căn

Biết như thật thân tướng

Liền đạt được Niết Bàn.

Thường niệm siêng tinh tấn

Xa lìa mọi lỗi lầm

Người ấy đến Niết Bàn

Như đến nơi vui chơi.

Thường mong cầu Niết Bàn

Thường sợ hãi sinh tử

Tâm trong sạch như vậy

Thì không thích phi xứ.

Tỳ Kheo này sống ở nơi phi xứ thì mắc nhiều lỗi lầm. Vì vậy, Tỳ Kheo nên lìa bỏ phi pháp. Nếu có Tỳ Kheo sống ở nơi phi xứ thì không khác người phàm tục. Người tại gia nào sống nơi phi xứ còn mắc vô số điều ác huống gì là Sa Môn. Do gần người tại gia, họ làm trái với tất cả pháp lành. Vì vậy, nên xa lìa tất cả phi xứ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần