Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP TÁM MƯƠI HAI  

Lúc đó, Khổng Tước nói kệ:

Do nhân duyên thuyết pháp

Được Niết Bàn yên ổn

Cắt tất cả dây trói

Đạo Sư của chúng sinh.

Do thuyết pháp tịch tĩnh

Phá bỏ lưới ngu si

Đạo Sư thù thắng này

Chỉ đường cho chúng sinh.

Pháp nào giúp chúng sinh

Vượt khỏi các biển hữu

Pháp đó rất thù thắng

Thế pháp không theo kịp.

Người nào hay cúng dường

Bốn loại phước điền này

Người ấy được quả thiện

Đạo Sư nói như vậy.

Đã được đủ các căn

Lại được nghe Phật Pháp

Nếu thực hành phi pháp

Sau hối hận không kịp.

Sinh tham đắm khắp nơi

Thường mong cầu dục lạc

Thường tham ái vợ con

Không biết thần chết đến.

Tâm nghĩ nhiều điều ác

Bị lỗi làm rối loạn

Chúng sinh bị tâm trói

Dắt vào ba đường ác.

Ác này khó điều phục

Thường làm hại Trời, người

Tâm này không tin được

Giặc dữ của chúng sinh.

Do khéo nghe khéo thấy

Tu tập vô số cách

Dùng pháp điều phục tâm

Như ngựa có dây cương.

Các người nên cúng dường vào ruộng phước sâu dày có đầy đủ công đức đó. Do nguyện lực, Bồ Tát Khổng Tước Chúa đã sinh vào Cõi Trời này thuyết pháp đó, thuyết nghiệp đạo, tôn trọng, ngợi khen Pháp Sư thuyết pháp để làm lợi ích cho Chư Thiên.

Sau khi nghe pháp, tâm Chư Thiên được thanh tịnh, chú ý nghe lời Bồ Tát dạy rồi nói: Lời dạy của Khổng Tước Chúa tương ưng với lời dạy của Thiên Vương Tịch Tĩnh Trời Đâu Suất Đà không khác.

Họ tư duy về pháp này, thấy đó là pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, trong sạch bậc nhất, pháp lành bậc nhất, an ổn bậc nhất, làm lợi ích cho tất cả hàng Trời, người, khiến họ được tịch diệt.

Nghe Chư Thiên ở Cõi Trời Đâu Suất nói, Khổng Tước Chúa rất hoan hỷ. Với lòng thương xót, Bồ Tát làm cho Chư Thiên được an ổn, giải thoát, đạt được Niết Bàn. Bồ Tát lại nói pháp môn thù thắng thứ sáu, có thể dẫn ta vào Niết Bàn.

Pháp môn này là pháp an ổn tối thắng bậc nhất, mọi người yêu thích. Đó là lòng từ bi, thương yêu tất cả mọi người, làm cho họ tin tưởng, vỗ về chúng sinh đang sợ hãi sinh tử, làm cho người không an ổn được an ổn, cứu giúp những người không được ai cứu. Ai có tâm từ bi người đó cách Niết Bàn không xa. Người ấy có tâm từ bi nhu hòa, không có tâm lừa dối, hung ác, thô lỗ, có thể trừ bỏ tâm sân hận do từ bi thấm nhuần tâm.

Tâm từ bi chính là vật trang sức tốt nhất. Nếu phát sinh tâm thương xót chúng sinh trong năm đường thì có thể dẹp trừ sân hận, khổ não.

Làm sao để thương xót chúng sinh ở địa ngục?

Vì sao chúng sinh này bị tự nghiệp lừa dối?

Do những việc của giặc tâm gây ra, họ chịu đủ loại khổ lớn không thể ví dụ như là nạn móc mắt, chày sắt, nước đồng sôi thiêu đốt, bị trùng dữ ăn thịt, bị dòng sông lớn chảy xiết nhận chìm và cuốn trôi, bị chim cắt, chim thứu mổ ăn, họ phải vào rừng kiếm và sông tro chịu đủ loại khổ, không thể nói hết.

Đó là ở những nơi như địa ngục Hoạt, Hắc Thằng, Hợp, Hoán, Đại Hoán, Nhiệt, Đại Nhiệt, cho đến địa ngục A tỳ và một trăm ba mươi sáu địa ngục thuộc các địa ngục đó, chúng sinh đọa vào nơi ấy bị xé nát, mổ xẻ, chặt, cắt, thiêu đốt. Họ bị tâm lừa dối, bị lưới nghiệp trói buộc, bị lửa ái thiêu đốt không ai cứu giúp, không nơi nương tựa.

Họ chạy khắp nơi để cầu được tha thứ giúp đỡ. Khi nào ta mới vượt được biển khổ não lớn như vậy. Ta phát sinh tâm thương xót đối với chúng sinh này. Ai gieo trồng hạt giống tâm từ bi như vậy liền làm Vua Trời hoặc làm Chuyển luân Thánh Vương được mọi người thương yêu kính trọng.

Người có tâm từ bi thì ưa thích nghiệp lành, nhờ quan sát chúng sinh trong địa ngục đang chịu nỗi khổ lớn mà tâm từ bi phát sinh và vô lượng phước lành được tăng thêm.

Lại nữa, Sa Môn, Bà La Môn và thiện nhân khác làm lợi ích cho chúng sinh, quan sát các ngạ quỷ sẽ phát sinh tâm từ bi.

Vì sao chúng sinh bị đọa làm ngạ quỷ chịu đói khát, tự đốt thân mình như đốt rừng cây, chạy khắp bốn phía, xô lấn lẫn nhau, bị lửa đốt, khắp thân thể bừng cháy, không ai cứu giúp, không nơi nương tựa. Chúng chạy khắp nơi để cầu được cứu giúp nhưng không có ai cứu. Đến lúc nào, các chúng sinh này mới thoát khỏi khổ não, mới hết nỗi khổ đói khát. Đó là quan sát nỗi khổ của ngạ quỷ mà phát sinh tâm thương xót.

Nếu Sa Môn, Bà La Môn và người khác quan sát súc sinh thì phát sinh tâm Bi. Súc sinh có vô số khổ não. Chúng giết hại lẫn nhau.

Súc sinh ở ba nơi là: Trên không, dưới nước và trên đất liền luôn giết hại lẫn nhau, ăn nuốt lẫn nhau. Lúc nào các chúng sinh này mới thoát nỗi khổ đó. Đó là quan sát nỗi khổ của Súc Sinh mà lòng Bi phát sinh. Ai có thể sinh ra ý nghĩ như vậy thì được sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên nhờ đem tâm bi nhớ nghĩ, thương xót chúng sinh đang chịu khổ não trong ba đường ác.

Sau khi phát khởi tâm Bi đối với nơi chịu quả báo của nghiệp ác rất lớn, ta lại phát sinh lòng thương xót đối với chúng sinh ở sáu Cõi Trời dục giới. Họ hưởng thú vui Cõi Trời không thể ví dụ, như hưởng dục lạc ở đủ loại hang núi, ngọn núi, vườn cây, cùng Thiên Nữ đi chơi hưởng trăm ngàn thú vui ở rừng hoa sen.

Đã hưởng thú vui rồi, khi nghiệp hết bị thoái đọa, họ phải sinh vào nơi khổ, chịu khổ não lớn, bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nơi sinh tử này đùa cợt chúng sinh. Họ bị vòng tham ái trói buộc, chạy khắp Đông Tây. Do mê lầm không biết nên họ chịu khổ não lớn. Đó là quan sát nỗi khổ của Chư Thiên mà sinh ra tâm thương xót.

Lại nữa, hoặc Sa Môn, Bà La Môn và các người khác quan sát loài người mà phát sinh lòng Bi. Do đủ loại nghiệp, họ sinh làm người, nhận quả khổ vui, gồm các bậc thượng, trung, hạ, tạo đủ loại nghiệp có đủ loại tâm tánh, đủ loại hiểu biết, tin tưởng, có người nghèo khổ sống nhờ người khác, bị ganh ghét làm trở ngại, sợ bị người khác khinh chê, tìm kiếm việc làm sinh sống.

Do quan sát người thế gian, họ phát sinh lòng bi. Lòng bi là bạch pháp bậc nhất có thể giúp ta đạt được Niết Bàn. Người nào quan sát năm loại khổ của chúng sinh trong năm đường rồi phát sinh tâm bi thì sẽ được rất an ổn và đạt được Niết Bàn.

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ mà Đức Phật Ca Ca Thôn Đà đã dạy:

Người nào tâm nhu hòa

Tâm thương xót trang nghiêm

Được tất cả ủng hộ

Được mọi người khen ngợi.

Tâm dịu dàng như vậy

Các căn thường vui vẻ

Người chánh kiến hiền thiện

Cách Niết Bàn không xa.

Ai có lòng thương xót

Là Trời trong loài người

Người nào không thương xót

Thì thường bị nghèo nàn.

Ai có tâm mềm dịu

Điều phục như vàng ròng

Lòng thương xót trong tâm

Là của báu vô tận.

Người nào thường tinh tấn

Siêng tu tập chánh pháp

Tâm trí người ấy sáng

Giống như ngọn đèn lớn.

Người nào suốt ngày đêm

Tâm thường trụ nơi pháp

Suốt ngày đêm người ấy

Không lìa tâm thương xót.

Tâm người ấy thanh tịnh

Lợi ích các chúng sinh

Đã hưởng an lạc rồi

Sau đạt được Niết Bàn.

Thương xót ao nước trong

Được Mâu Ni khen ngợi

Trừ được mọi lỗi lầm

Của thương xót vô tận.

Là công đức thù thắng

Trừ hết các tội lỗi

Phật thấm nhuần thương xót

Nên đến nơi bất diệt.

Ở đâu lòng thương cũng

Như mật hòa với sữa

Sân hận và khổ não

Không có nơi người ấy.

Đã lên bè lòng thương

Tâm thương xót mạnh mẽ

Vượt qua khỏi biển hữu

Chứa đầy nước ba độc.

Chứa đầy ngập công đức

Không bằng tâm thương xót

Được người thiện yêu mến

Nên gọi là tâm bi.

Bồ Tát Khổng tước nói cho Chư Thiên nghe pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, tương ưng với tịch diệt, tất cả Chư Thiên đều thích tập hợp lại lắng nghe và ghi nhớ.

Đức Phật ấy lại nói pháp thứ bảy.

Những pháp gì tương ưng với pháp ấy để được giải thoát, trừ bỏ phóng dật phải nhờ những nghiệp gì?

Đó là dùng tâm nhu hòa trừ bỏ lỗi chao động, thâu giữ các công đức. Người nào có thể làm cho tâm nhu hòa, lìa bỏ mọi thứ cấu uế thì quả Niết Bàn giải thoát như ở lòng bàn tay. Người có tâm nhu hòa giống như sáp. Họ tu tập nghiệp lành và được mọi người tin tưởng.

Tâm hung ác thô lỗ như đá kim cương, họ thường không quên tâm thù oán, không chịu điều phục, bị mọi người ghét không ưa, không tin. Nếu phát sinh tâm ác thì họ giữ chặt không lìa bỏ, tâm không an lạc, không thích tọa thiền đọc kinh, không gần bạn lành.

không sinh pháp lành, như ruộng muối không sinh hạt giống, trong cát không sinh dầu mè, cũng vậy người có tâm hung ác không sinh pháp lành như sữa trong sừng, sự ấm áp của mặt trăng, con của người nữ bằng đá, hoa đốm trên hư không, người có nghiệp ác hung dữ, lừa đảo vô trí, dối mình dối người, bị năm hữu nhận chìm, gần người bất thiện, xả bỏ Tam Bảo.

Người mù từ lúc mới sinh này không thấy mặt trời trí tuệ sáng suốt, không thấy chánh pháp, rất đáng thương xót. Họ bị sinh, lão, bệnh, tử làm buồn rầu khổ não, là nơi chứa nhóm các khổ. Họ vào đồng trống lớn chịu vô số khổ, lìa bỏ vị cam lồ mềm mại. Người ác này chìm trong biển khổ xa cách Niết Bàn.

Vì sao?

Vì họ không thực hành nhân của Niết Bàn nên thường không được an vui. Người nào có thể làm tâm dịu dàng thì nhất định sẽ đạt được Niết Bàn. Như tánh của mè là chảy ra dầu, mặt trời thì sáng, mặt trăng thì lạnh, lửa nóng, đất cứng, gió lay chuyển, nước ẩm ướt, mỗi đại đều giữ tự tướng, không đảo lộn. Người có tâm nhu hòa tự điều phục, tin tưởng chánh pháp, tinh tấn không thấy điên đảo, tin vào nhân quả thì Niết Bàn ở trước mặt.

Khi ấy, Khổng Tước Chúa nói kệ trong Kinh Phật:

Người nào tâm nhu hòa

Giống như là vàng ròng

Người ấy trong ngoài thiện

Mau thoát khỏi các khổ.

Ai tâm khí điều thuận

Tất cả đều nhu hòa

Người ấy sinh giống lành

Giống như ruộng lúa tốt.

Tất cả các chúng sinh

Không làm cạn kho này

Phá bỏ được nghèo nàn

Và nhiều sự dối trá.

Người lợi căn, tịch tĩnh

Thường tu tập thiền định

Không đắm cảnh phóng dật

Lìa xa các khổ não.

Lúc Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ này, Chư Thiên Trời Dạ Ma và Trời Đâu Suất Đà nghe không biết chán.

Vì muốn nghe pháp, họ chấp tay cung kính thưa: Xin bậc đại Thánh thuyết đủ hai mươi hai pháp cho chúng con nghe. Vì muốn tạo lợi ích cho người khác, chúng con sẽ chú ý lắng nghe.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần