Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP TÁM MƯƠI TÁM
Lại nữa, Sa Môn, Bà La Môn và những người khác khi mũi ngửi mùi thơm làm sao sinh ra thức. Do hương thơm tiếp xúc với mũi nên tỷ thức phát sinh. Nếu có niệm bất thiện sinh thì biết đó là niệm bất thiện.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn nghĩ rằng: Nếu ta sinh ra niệm bất thiện thì không được lợi ích, không được an lạc, nay phải diệt trừ nó, nếu quan sát như thật thì có thể diệt trừ ý niệm bất thiện.
Nghĩ xong, họ quan sát như thật về mùi hương làm ý niệm thiện phát sinh. Do ý niệm thiện phát sinh nên ta diệt trừ được tham ái sinh chung với sự ưa thích. Sau khi quan sát như vậy, họ không còn tham đắm tất cả hương thơm và được an lạc. Nhờ biết như thật về cảnh giới ta liền đạt được nơi an ổn như thật. Nếu có thể quan sát như thật về hương thơm như vậy thì tuy mũi ngửi mùi hương nhưng không phát sinh ưa thích.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn khi dùng lưỡi nếm mùi vị mà sinh tham dục bất thiện phải suy nghĩ và biết như thật là do lưỡi tiếp xúc với mùi vị mà sinh ra thiệt thức. Lúc nghĩ như vậy, ta sẽ không ưa thích, tham đắm mùi vị và biết như thật về thiệt thức. Nếu biết thiệt thức ưa thích mùi vị ta phải thoát khỏi thức để được thú vui bậc nhất. Cứ như vậy, ta biết như thật về cảnh giới mà được thú vui vô thượng, không bị sự ưa thích phá hoại.
Sau khi quan sát như thật về mùi vị của lưỡi, ta lại quan sát sự xúc chạm của thân. Do thân tiếp xúc với vật bên ngoài nên sinh ra thân thức. Có ba pháp hòa hợp sinh ra từ xúc là thọ tưởng tư.
Nếu Sa Môn, Bà La Môn quán như thật về xúc thì thấy xúc này vô thường, bại hoại, biến đổi, nếu sinh cảm giác bất thiện thì ta sẽ không được lợi ích, không được an lạc. Biết như thật về xúc, dùng niệm lành để quan sát thì ta không bị sự ưa thích làm não loạn không thích cảnh giới.
Sau khi dùng các phương tiện quán cảm xúc của thân, ta lại quán xem ý pháp nhờ đâu mà sinh. Do ý duyên với pháp mà ý thức phát sinh hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký. Nếu ý duyên với điều ác sinh ra niệm ác thì ta biết như thật là ta đang duyên với điều ác mà sinh ra ý thức. Nếu ưa thích điều ác đó thì sẽ không được lợi ích, bị não loạn, bất an. Sau khi tư duy quan sát sự sinh diệt của pháp, ta sẽ sống thuận theo pháp.
Do sống thuận theo pháp, ta sẽ thấy như thật về tự tướng, đồng tướng của tất cả các pháp, không bị sự khát ái, làm não loạn được giải thoát khỏi sự trói buộc của tham ái. Nhờ giải thoát khỏi tham ái, ta được thú vui bậc nhất và biết tất cả các pháp đều sinh diệt. Do quan sát các cảnh giới như vậy, ta liền sinh chánh trí, có thể diệt trừ tất cả kết sử phiền não.
Nhờ hết phiền não, ta đạt được trí vô lậu. Do tương ưng với trí vô lậu ta đạt được nơi bậc nhất. Vì vậy, Sa Môn, Bà La Môn đừng nên tin cảnh giới. Tất cả cảnh giới đều như kẻ thù, như rắn độc. Ai chưa đạt trí tuệ vô lậu đừng nên tin cảnh giới, cảnh giới xoay chuyển giống như giặc thù giả làm người thân. Cảnh giới này có thể trói buộc tất cả chúng sinh.
Khi ấy, Khổng Tước Chúa nói kệ:
Ai thật biết cảnh giới
Như giữ bằng móc sắt
Do tán loạn lay động
Tạo các việc bất lợi.
Mong cầu mê cảnh giới
Thích thú tâm phân biệt
Lưới tử thần sắp hết
Chặt đứt mạng chúng sinh.
Bị cảnh giới dắt đi
Làm tâm ta rúng động
Bị ngu si lừa dối
Mà không hề hay biết.
Cảnh giới không chắc thật
Như thành Càn Thát Bà
Làm tăng thêm các khổ
Là nhân duyên địa ngục.
Bị lửa cảnh giới thiêu
Tham dục ngu si lừa
Luân chuyển không dừng nghỉ
Không biết thân bị thiêu.
Do niệm nên dục sinh
Do dục sinh sân hận
Sân hận che lấp tâm
Chết liền vào địa ngục.
Vì vậy người có trí
Lìa dục diệt sân hận
Sớm xa lìa ngu si
Liền đến được Niết Bàn.
Biết cảnh giới như giặc
Ngăn nó, không ưa thích
Người trí ghét cảnh giới
Nhất định đến Niết Bàn.
Đó là bài pháp của Phật dạy được Bồ Tát Khổng tước thuyết cho Chư Thiên nghe.
Lại nữa, pháp thứ hai mươi hai giúp ta được lợi ích lớn là: Không được tin tâm. Sa Môn, Bà La Môn và những người khác trọn đời không nên tin tâm. Tâm này xao động khó thâu giữ, tánh nó cong vẹo không dừng ở một cảnh, thích cảnh khác nhau. Do tâm này mà tất cả phàm phu lưu chuyển trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Không ai có thể làm bạn với tâm này vì nó lăng xăng duyên với cảnh mà mê hoặc tất cả phàm phu ngu si làm họ thường xuyên trôi lăn ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mà không biết nhàm chán. Do thói quen ác này, họ ở mãi trong đường sinh tử, chịu khổ não lớn.
Vì vậy, nếu ta chưa được thánh ấn ấn chứng, chưa đắc quả Tu Đà Hoàn, đóng cửa đường ác thì không nên tin tâm ác này. Nếu không làm như vậy thì ta sẽ đi khắp các nẻo đường, chịu mọi thứ khổ, bị mọi thứ trói buộc, hòa hợp với kết sử, rất khó điều phục. Vì thế Sa Môn, Bà La Môn không nên tin tâm.
Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ:
Rất mau, không ngăn ngại
Biến khắp các chúng sinh
Tâm này giống như Vua
Lưu chuyển các thế gian.
Khó thấy rất đáng sợ
Lăng xăng gây nghiệp ác
Ai có thể thâu tâm
Liền đến đệ nhất đạo.
Nó dắt đến đường lành
Cũng dẫn đến đường ác
Ai điều phục, trong sạch
Liền đến được Niết Bàn.
Tâm tạo ra khổ vui
Thế lực tâm lưu chuyển
Tạo nên đủ loại nghiệp
Điều phục liền được vui.
Vì vậy cần giữ tâm
Giữ tâm thì được vui
Ai đối với cảnh giới
Các căn, tâm vắng lặng
Thoát sinh tử sầu bi
Liền đến nơi vô trụ.
Khổng Tước Chúa đã nói pháp của Như Lai Ca ca thôn đà cho Chư Thiên nghe.
Khi đó, Chư Thiên đều hoan hỷ, vây quanh Bồ Tát với tâm kính trọng và thưa: Lành thay! Lành thay! Bậc Đại Sĩ thích nói diệu pháp đầu, giữa, cuối đều lành. Bồ Tát đã thuyết pháp để giúp Chư Thiên đến được Niết Bàn.
Khi ấy, Khổng Tước Chúa lại bảo Chư Thiên: Ta đã nghe Đức Như Lai Ca Ca Thôn Đà nói hai mươi hai pháp có ý nghĩa làm lợi ích, an lạc hàng Trời, người, giúp họ đạt được Niết Bàn. Vì pháp này làm lợi ích cho Chư Thiên nên ta đã nói ra.
Chư Thiên hoan hỷ ca ngợi, chấp tay lễ lạy, cúng dường Bồ Tát Khổng Tước. Sau khi lễ bái, Chư Thiên Trời Dạ Ma vào trong rừng hoa sen vui chơi, thọ lạc, Chư Thiên Trời Đâu Suất bay lên Hư Không trở về Trời Đâu Suất.
Lúc ấy, Chư Thiên Trời Dạ Ma vui chơi thọ lạc ở trong vườn cây cho đến khi hưởng hết nghiệp lành và theo nghiệp đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu có nghiệp lành còn sót lại, họ sinh làm người thuộc dòng họ lớn, thường sống đúng pháp, nhan sắc xinh đẹp, giàu có, làm Vua hoặc đại thần ở đất nước tốt đẹp. Đó là nhờ nghiệp còn sót lại.
Biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy lại quan sát nơi Chư Thiên Trời Dạ Ma cư trú và thấy có vùng tên Lạc hành.
Do nghiệp gì chúng sinh sinh vào nơi này?
Vị ấy thấy, người nào có tâm rộng lớn thực hành việc thiện, giữ giới với tâm ngay thẳng, không sát sinh, không trộm cắp như đã nói ở trước, lại xa lìa việc tà dâm, nếu thấy tranh vẽ người nữ xinh đẹp họ không liếc ngó, thấy người khác vẽ bức tranh như vậy họ khuyên người ấy xả bỏ việc đó và giúp người ấy giữ giới, họ thường thuyết pháp cho chúng sinh nghe giúp họ sống trong chánh pháp.
Họ còn nói cho chúng sinh nghe về lỗi lầm của việc tà dâm, về quả báo của nghiệp. Người nào tà dâm thì rất thấp hèn, khi chết đọa địa ngục. Do nghiệp báo này, khi chết họ chịu khổ não lớn.
Sau khi quan sát như vậy, ta không nên tà dâm, đừng để về sau phải hối hận. Ai mắc tội tà dâm sẽ chịu quả báo rất khổ. Họ nói cho chúng sinh nghe pháp này để giúp chúng sinh sống chân chánh và khỏi đọa vào đường ác.
Người này làm lợi mình, lợi người, giữ giới, y cứ nơi giới, trọn đời giữ giới, không khiếm khuyết, không thất thoát, không có nạn ngoài thật trong hư. Khi chết người này sinh vào vùng Lạc hành ở Cõi Trời Dạ Ma. Sau khi sinh vào nơi ấy, họ hưởng vô số thú vui.
Ở đó có một ao lớn tên Lạc hành ngang dọc năm trăm do tuần. Ao này rất trong mát, yên tĩnh, lại có cây thức uống ngon ngọt tên Ma thâu. Khắp nơi đều có cây bằng Tỳ Lưu Ly, lá bằng vàng ròng, cành bằng ngọc báu xanh vây quanh ao này khắp năm trăm dotuần. Có hoa sen phủ kín ao. Hoa sen có lá bằng vàng ròng, thân bằng Tỳ Lưu Ly, tua bằng lưu ly.
Lại có hoa sen bằng bảy báu. Các loại hoa sen che khắp ao nước. Trong ao có các con chim bằng bảy báu cất tiếng hót rất hay, có vô số Thiên Tử và Thiên Nữ vây quanh ao này, mỗi Thiên Tử có vô số Thiên Nữ làm quyến thuộc và cùng với Thiên Tử vui chơi, thọ lạc.
Do nghiệp lành, ở bên bờ ao lại có rừng bảy báu tên Tâm lạc. Rừng này được trang nghiêm bằng đủ loại chim, một trăm dòng suối và vô số châu báu. Ở trong ao hoặc trong rừng này Thiên Tử và Thiên Nữ hưởng thú vui cảnh giới bằng cả năm căn. Họ sinh đến Cõi Trời này do nghiệp lành. Bị lôi cuốn bởi tiếng ca nên họ hướng đến ven rừng.
Lúc ấy có các vị Thiên khác vừa thoái đọa khỏi Cõi Trời này. Các Thiên Nữ y áo xinh đẹp thấy các Thiên Tử mới sinh liền chạy vội đến để mong cầu sự chu cấp. Các vị Thiên này không sát sinh, trộm cắp, tà dâm nên sinh vào Cõi Trời này nhờ quả báo của nghiệp lành. Do không tà dâm nên trọn đời họ không bị các Thiên Nữ bỏ rơi để đến với vị Thiên khác và chỉ khi họ thoái đọa các Thiên Nữ mới bỏ đi.
Trời Tứ Thiên và Trời Tam Thập Tam không lìa bỏ tà dâm nên khi chưa thoái đọa đã bị Thiên Nữ phản bội bỏ đi như ta bỏ đèn vào ban ngày. Họ đi đến các vị Thiên khác vui chơi ca múa với các vị Thiên mới sinh.
Khi ấy các Thiên Tử đó sắp qua đời, thấy các Thiên Nữ phản bội đi với người khác họ sinh lòng ghen ghét và chịu nỗi khổ lớn như là nỗi khổ ở địa ngục. Do tâm sân hận, họ bị đọa vào địa ngục. Ở Trời Dạ Ma thì không có quả báo này vì họ lìa bỏ tà dâm. Do nhân duyên đó các Thiên Nữ của Thiên Tử đã thoái đọa đều đến vây quanh Thiên Tử mới sinh và đi vào rừng lớn, hướng về phía Thiên Chúng để hưởng dục lạc.
Lúc ấy thấy Thiên Tử mới sinh, Thiên Chúng đều hoan hỷ cùng với vạn ức Thiên Nữ đi vào vườn cây. Trong vườn được trang nghiêm bằng cây như ý và vô số loại cây. Khắp ao có vô số ngỗng, vịt, uyên ương. Nơi đó có vô số ao công đức to lớn. Ở ao này, Chư Thiên tấu nhạc Trời, hưởng năm thứ dục lạc.
Sau một thời gian dài hưởng lạc, họ vẫn không biết nhàm chán đối với cảnh giới và lại cùng Chư Thiên mới sinh hướng đến núi Phổ Quang Minh vui chơi hưởng lạc, ca múa vui cười ở từng ao hoa, dòng suối, ngọn núi, sườn núi, khe núi, bụi cây, rừng hoa, dòng sông, hang núi, rừng như ý, cành cây, cung điện do bóng râm tạo thành.
Tất cả Chư Thiên nghe năm loại âm nhạc, hưởng năm thứ dục lạc không thể ví dụ. Do nghiệp của chính mình, tất cả đều đến núi Phổ Quang Minh ca múa vui cười, đùa giỡn với nhau, không biết nhàm chán đối với thú vui cảnh giới. Tất cả đều hoan hỷ hưởng đầy đủ dục lạc và hướng về núi Phổ Quang Minh.
Khi ấy, trong núi có các vị Trời đã đến ở từ trước. Nghe tiếng ca vị này sinh tâm thán phục quan sát Thiên Chúng. Chư Thiên liền bay lên núi Phổ Quang Minh. Các vị Trời đã ở đó từ trước đều rất hoan hỷ.
Chư Thiên mới đến đều bay lên hư không để chiêm ngưỡng sắc đẹp, oai đức và ánh sáng của nhau. Tất cả Chư Thiên thọ hưởng hoan lạc ở ngọn núi đáng yêu, sông suối, ao hoa, vườn cây, cung điện xinh đẹp bằng bảy báu tỏa ra ánh sáng, rừng cây xinh đẹp, các nơi vui chơi…
Từ ao hoa, bờ sông, rừng cây, rừng như ý hoặc ở trên hư không họ bay đến nơi khác. Họ ca múa, được vô số các Thiên Nữ vây quanh, uống thức uống thượng vị Cõi Trời, không có tai họa say sưa, rối loạn. Sau khi uống thức uống thượng vị xong, họ càng thêm hoan hỷ và bị lửa cảnh giới thiêu đốt làm tiêu mất hoan hỷ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nói Về Pháp Bố Thí
Phật Thuyết Kinh Tưởng Pháp Hạnh Thiền
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Bốn - Phẩm đến Chỗ Vua Nghiêm Sí
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Chín - Trưởng Lão Ni Kệ - Phẩm Mười Ba - Tập Hai Mươi Kệ
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Hai Mươi Ba - Kinh Gấm Bọc áo Cũ