Phật Thuyết Kinh Chứng Khế đại Thừa - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH CHỨNG KHẾ ĐẠI THỪA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Địa Bà Ha La, Đời Đường  

PHẦN BẢY  

Lúc ấy, Đức Phật hiện ra Cõi Phật tên là Vô Biên A tăng kỳ công đức bảo cái bất khả tư nghì trang nghiêm, cõi ấy rộng lớn có ức triệu hằng hà sa Cõi Phật nhiều như số vi trần của tam thiên đại thiên Thế Giới, mỗi một Thế Giới đều nhập vào vô biên, vô số lọng báu, công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn trong Cõi Phật chủ, trong Cõi Phật chủ ấy, có núi Di Lâu, núi Tu Di, núi Đại Di Lâu và các núi Hắc.

Những dòng sông, biển khơi, dòng suối, đồi núi hiểm trở, đất đá, gạch ngói, phân nhơ, các côn trùng, bùn lầy ô uế không sạch, cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Diêm Ma, Quỷ, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân và Cõi Phật cũ trang nghiêm thảy đều trừ bỏ, đất bằng phẳng như bàn tay, do ngọc lưu ly làm thành.

Trong Cõi Phật chủ đất báu xanh biếc, từ Kim Cang tế khởi, có hoa báu đẹp đẽ tối thượng trang nghiêm, thọ vương Bồ Đề vô ưu, thể bằng bảy báu, thẳng đứng, đẹp đẽ rực rỡ, cao vô lượng hằng hà sa Thế Giới như vi trần của Cõi Phật, chiều rộng cũng như vậy, đủ các loại lá báu, hoa báu, trái báu trang nghiêm, cành nhánh gốc rễ tươi tốt, đều bằng báu xinh đẹp, ánh sáng của ngọc Ma ni.

Nhụy báu đều phát ra, chuỗi ngọc, dây lụa, lưới linh treo rủ xuống, phát ra ánh sáng của điện chớp, ánh sáng tràng hoa, ánh sáng vàng, ngọc ma ni đế thanh pha lê, mặt trời, mặt trăng, lại xuất ra mùi thơm như Trầm thủy, Đa già ha hắc trầm, Đa ma la diệp, Ca la nô ba lợi, chiên đàn Long trinh, chiên đàn Ngưu đầu và đủ các loại mùi thơm thắng diệu vừa ý đầy khắp Cõi Phật.

Các âm nhạc hòa theo âm thanh vang khắp tất cả Thế Giới, mưa xuống các báu.

Phía Đông cây Bồ Đề có ao Bồ Đề chúa tên là Vô cấu tối thượng thanh tịnh. Ao ấy rộng lớn bằng vô lượng hằng hà sa Thế Giới nhiều như vô số vi trần của tam thiên đại thiên Thế Giới, thể bằng bảy báu, có tám nhánh nước tràn đầy, cát vàng Diêm phù đàn trải khắp đáy ao, bốn góc, bốn thềm đều trang sức bằng các báu, đủ các thứ giường báu, lan can chung quanh, sắp xếp thẳng hàng.

Trong ao Bồ Đề có hoa sen Bồ Đề chúa tên là Diệu khai phu diện, rộng lớn bằng vô lượng hằng hà sa Thế Giới nhiều như số vi trần của tam thiên đại thiên Thế Giới, cánh hoa sen ấy bằng vô lượng ức triệu trăm ngàn thứ báu trang nghiêm.

Cánh hoa mềm mại sáng bóng, hương thơm tinh khiết vi diệu, trên đài hoa sen có cung điện Bồ Đề chủ tên là Vô biên trang nghiêm, cao rộng bằng vô số hằng hà sa Thế Giới nhiều như sớ vi trần của tam thiên đại thiên Thế Giới, thể bằng bảy báu, hiển hiện thần thông vi diệu đẹp đẽ vô cùng, hơn cung điện báu trang nghiêm trước ức ức lần.

Ví như ánh sáng đóm đóm so với mặt trời, cung báu trang nghiêm đối với điện Bồ Đề, các ánh sáng không hiện được, cũng như vậy, điện Bồ Đề chúa có vô biên ánh sáng thần thông trang nghiêm thù thắng rực rỡ nên ánh sáng của mặt trời, mặt trăng ngưng chiếu, màu sắc không còn oai lực.

Ánh sáng của tất cả Đế Thích, Phạm Thiên, Trời Tịnh Cư… đều bị che lấp, không hiện ra được.

Trong điện Bồ Đề có tòa chúa Sư Tử đại Bồ Đề, tên là Diệu quang minh bất không nhụy nghiêm. Tòa ấy cao rộng bằng nhau, như Thế Giới nhiều như số vi trần của vô lượng, triệu hằng hà sa Thế Giới, ánh sáng màu sắc rất đẹp, đủ loại bảy báu trang nghiêm xung quanh. Các loại lụa Trời đẹp đẽ như Ca Thi Ca, Tỳ Đà Ha, Kiều Xà Da… đều che rủ xuống.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hiệu là Như Lai Vô Cấu Quang Minh Công Đức Hoa Ly Nhiễm Nguyệt Chiếu Bội Lô giá na Tạng Tràng Tỳ lưu ly Tràng Trang Nghiêm Viên Quang Diệu Tướng Công Đức Thần Thông Tháng Tạng Nhật Nguyệt Trí Quang Vương, ngồi trên tòa Sư Tử Bồ Đề, thân to lớn như tam thiên đại thiên Thế Giới nhiều như số vi trần của ức trăm hằng hà sa Cõi Phật, thân thể đầy đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp.

Vòng hào quang trang nghiêm trên đỉnh không ai có thể nhìn thấy, ánh sáng thanh tịnh vi diệu giống như ánh sáng của mặt trời chiếu vào gương sáng, không phải thân Ca La La bằng máu thịt xương tủy, nên có ánh sáng rất vi diệu thanh tịnh, đỏ, như vàng Diêm phù đàn, ánh sáng rực rỡ trong suốt như ngọc báu Tỳ Lưu Ly, đế thanh…

Diệt trừ tất cả tập khí vi tế, Đại Giác Thế Tôn là bậc thầy đầy đủ tất cả sự tối thắng nhất thiết trí, đối với tất cả pháp tự tại vô ngại, hiểu biết tất cả, vượt qua tất cả, là bậc đại bi tối thượng, là bậc Trượng phu tối thượng, là bậc Sư Tử trượng phu, dứt sạch dòng lậu, thân như Kim Cang.

Trăm phước trang nghiêm, đầy đủ mười lực của Phật, công đức lớn, bốn vô sở úy và mười tám pháp bất cộng của Phật, rống tiếng rống Sư Tử, sống lâu vô lượng, vô biên không có già yếu, ở cõi thanh tịnh, chứng đắc Chánh Đẳng Giác, nên có được ánh sáng tự thân chân thật, hóa sinh vô lượng chúng Đại Bồ Tát vây quanh cúng dường.

Các Bồ Tát đó đều dùng sắc tướng của mình, ngồi trên tòa Sư Tử dưới cây báu trong cung điện báu đài hoa sen nơi ao báu, mỗi Bồ Tát đều tự trang nghiêm như Phật đã ứng hiện trang nghiêm. Thế Giới của Phật này công đức trang nghiêm, thanh tịnh thù thắng.

Thân Phật, đồ chúng đều thanh tịnh thù thắng vi diệu, kiếp thanh tịnh thắng diệu, kiếp tên là Đại kiếp vương, mức độ của kiếp và sự trang nghiêm của kiếp ấy đều không thể nói, giới hạn Cõi Phật giống như cảnh giới của Như Lai, siêu vượt ngôn ngữ, không có nơi chốn, như vậy là chứng Chánh Đẳng Giác, gọi là trụ vào ngôi vị của Như Lai.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông: Này Chánh Sĩ! Ông thấy việc lớn ấy của Như Lai không?

Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông thưa: Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Bạch Thiện Thệ! Con đã thấy.

Đức Phật nói: Này Chánh Sĩ! Thật là sâu xa tối thắng khó hiểu, trí tuệ sáng suốt rộng lớn làm ngôi vị thứ nhất của Như Lai, Phật trụ vào ngôi vị này thì thần thông như vậy.

Giống như hôm nay Như Lai hiện thần thông, Đức Như Lai Quyết Định Nguyện Trang Nghiêm Công Đức Sí Tràng Nhất Cái Âm Tự Tại Oai Vương Bảo Tích Bội Lô Giá Na Tạng Thắng Tướng Khởi Đảnh Bối Thanh Tịnh Diện A Súc Vô Gián Quang, ở Thế Giới Hoan hỷ cũng hiện thần thông lớn như vậy, được Trời, người cung kính phụng sự.

Lại có Như Lai Thắng Oai Đức Liên Hoa Sinh Chúng Đức Thắng Trang Nghiêm Ma ni Quang Vương, Như Lai Vô Biên Quang, Như Lai Liên Hoa Khai Phu Túc Vương Thần Thông Na già Tự Tại Vương, Như Lai Bảo Tích, các Đức Phật như vậy và Chư Phật hiện tại, tương lai ở trong nước Thắng diệu thanh tịnh, nên biết sẽ trụ vào ngôi vị của Đức Phật ấy.

Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông bạch: Bạch Thế Tôn! Chư Phật hiện tại và tương lai, ở trong đời ác năm trược thành Bậc Đẳng Chánh Giác, lẽ nào không được ngôi vị của Như Lai chăng?

Đức Phật nói: Này Chánh Sĩ! Chư Phật Bồ Tát dùng phương tiện đại bi, thấy các chúng sinh chìm sâu nơi ba cõi, ở trong màn vô minh tối tăm, dây ai trói buộc tà kiến điên đảo, tín căn khuyết giảm rơi vào trong vô biên cõi khổ, qua lại nơi sáu nẻo, các chúng sinh bị trôi lăn trong dòng sinh tử từ vô thủy không biết rõ nguồn gốc của mình, không biết Phật.

Không biết pháp Phật, không biết pháp Bồ Tát, không biết như thật đạo xuất ly. Chư Phật, Bồ Tát thương xót những chúng sinh ấy, cho nên bằng hóa thân xuất hiện ở cõi ác, hoặc hiện sự diệt, thiên chuyển, hoặc hiện vào bào thai sinh ra ở trong cung, lớn lên thọ hưởng sự vui chơi, hoặc hiện sự nhàm chán xuất gia tu khổ hạnh.

Đến nơi Đạo Tràng hàng phục ma quân chứng thành Chánh Giác, chuyên thỉnh giảng pháp, chuyển bánh xe pháp lớn, bẻ gãy luận thuyết của ngoại đạo, phá tan pháp tà kiến, người theo đường ác đều làm cho trở về đường chánh, cho đến thị hiện mạng sống ngắn ngủi nhập Đại Bát Niết Bàn, dùng oai lực Tam Muội đập nát chi phần nơi thân giống như hạt cải, xây cất vững chắc ức triệu trăm ngàn tạng Xá Lợi.

Vô lượng Trời, rồng cho đến nhân và phi nhân… đặc biệt chí thành tôn trọng cúng dường, hoặc dạy thọ nhận giáo pháp xuất gia tu hành, hoặc gieo trồng quả Phật vượt thoát biển sinh tử.

Này Chánh Sĩ! Pháp tánh vi diệu của Chư Phật như vậy, nhằm cứu giúp vô biên, vô số chúng sinh bị lưu chuyển trong biển khổ sinh tử, dùng phương tiện thần thông thị hiện sinh ra cõi uế trược này, hoặc Bồ Tát dùng phương tiện thần thông để hóa thân, thị hiện Bồ Tát và chúng Bồ Tát.

Bồ Tát Hải Thắng Trì Thâm Du Hý Trí Thần Thông bạch: Bạch Thế Tôn! Như Lai có mấy thân?

Đức Phật đáp: Này Chánh Sĩ! Nói tóm lược thì Như Lai có ba thân. Đó là mãn tư dụng thân, hóa thân, tự tánh thân.

Bạch Thế Tôn! Mãn tư dụng thân của Như Lai như thế nào?

Đức Phật nói: Này Chánh Sĩ! Nay ông nhìn thấy ta, đó là mãn tư dụng thân của Như Lai. Ngoài ra, Chư Phật ở nước thanh tịnh đã chứng đắc Chánh Đẳng Giác, hiện đang chứng đắc và sẽ chứng đắc. Gọi là Báo Thân Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là hóa thân Như Lai?

Đức Phật nói: Này Chánh Sĩ! Như Phật Lực Siêu Dũng, Phật Phá Ma, Phật đại bi tư và Chư Phật khác, hiện ở cõi uế chứng thành Chánh Đẳng Giác, đã chứng đắc, hoặc sẽ chứng đắc, hoặc thị hiện tịch diệt, hoặc thị hịên trụ các pháp như chánh pháp, tượng pháp, thậm chí thị hiện tất cả pháp Phật diệt tận.

Này Chánh Sĩ! Ông chớ cho là thật.

Vì sao?

Vì các pháp này, ông nay nên biết, đều là phương tiện đại bi như như cầu mà hóa hiện.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là pháp thân Như Lai?

Đức Phật đáp: Này Chánh Sĩ! Pháp thân là không màu sắc, không hiển hiện, không ngăn ngại, không tương tợ, không biểu thị, không an trụ, không nương dựa, không chấp thủ, không diệt, không sinh, không thể ví dụ.

Này Chánh Sĩ! Như thế thì thân tự tánh của Như Lai không thể nói bàn, thân của Như Lai là thân pháp, thân trí, thân vô đẳng, thân vô đẳng đẳng, thân bội Lô Giá Na, thân hư không, thân bất đoạn, thân bất hoại, thân vô lượng, thân tối thượng, thân chân thât, thân không ví dụ, thân tự tánh.

Bạch Thế Tôn! Thân tự tánh Như Lai là vô sắc không hiển hiện cho đến không thể nói bàn, há không phải là tướng đoạn dứt sao?

Đức Phật đáp: Này Chánh Sĩ!

Ý ông thế nào?

Cõi hư không là đoạn dứt chăng?

Hay là có tướng chăng?

Bạch Thế Tôn! Cõi hư không, chẳng phải đoạn, chẳng phải có.

Vì sao?

Vì cõi hư không nếu là đoạn thì chướng ngại, có tác dụng, nếu là có, thì tích chứa màu sắc vật thể.

Bạch Thế Tôn! Vì thế nên cõi hư không, không phải đoạn, không phải có, mà cùng khắp tất cả.

Đức Phật khen: Lành thay! Lành thay! Này Chánh Sĩ! Đúng vậy! Đúng vậy! Thân tự tánh của Như Lai không phải đoạn dứt không phải có.

Vì sao?

Này Chánh Sĩ! Vì thân tự tánh của Như Lai nếu là đoạn diệt thì không có Phật xuất hiện ở đời, thị hiện vô lượng thần thông làm lợi ích lớn, còn nếu là có thì phải có chỗ tích chứa, có thể nắm bắt thì có khác gì tất cả phàm phu…, không có trước sau đồng cùng thành Phật, thế nên thân tự tánh của Như Lai chẳng phải đoạn chẳng phải có cùng tất cả chúng sinh làm Phật sự.

Bạch Thế Tôn! Cúng dường thân tự tánh, thân Mãn tự dụng, thân biến hóa của Như Lai, phước lớn như thế nào?

Đức Phật nói: Này Chánh Sĩ! Nếu cúng dường một thân Như Lai tức là cúng dường tất cả thân Như Lai.

Vì sao?

Vì tất cả ánh sáng chiếu soi trừ hết tối tăm, không có ánh sáng nào cùng tồn tại với bóng tối.

Này Chánh Sĩ! Như thế, các thân của Như Lai tùy thuận sự cúng dường, đều là căn lành lớn, diệt trừ tất cả bóng tối vô minh, mở bày con đường Niết Bàn giải thoát, tất cả tối tăm không còn tồn tại.

Bạch Thế Tôn! Xin chỉ dạy ngôi vị thứ hai của Như Lai.

Đức Phật nói: Này Chánh Sĩ! Ông có thể nhìn thấy chăng?

Bạch Thế Tôn! Mong được nhìn thấy.

Lúc đó, từ một lỗ chân lông của Phật phóng ra ánh sáng vô tánh và chiếu khắp các Cõi Phật không thể nói, không có tất cả sắc, phàm vết có tướng đều không hiện.

Đức Phật bảo các Bồ Tát: Hôm nay các ông đã nhìn thấy như thế nào?

Khi ấy, các Bồ Tát đều bạch: Bạch Thế Tôn! Chúng con chỉ thấy ánh sáng, còn không thấy gì hết.

Đức Phật hỏi: Các ông đã thấy ánh sáng, vậy ánh sáng ấy như thế nào?

Các Bồ Tát thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con chỉ nhìn thấy một làn ánh sáng chiếu khắp Cõi Phật nhiều như số vi trần của vô lượng hằng hà sa ức triệu trăm ngàn Cõi Phật.

Chư Bồ Tát nói: Như vậy rồi, Đức Phật thu nhiếp ánh sáng ở các Cõi Phật trở lại.

Đức Phật bảo các Bồ Tát: Các ông đối với ngôi vị thứ hai của Như Lai, còn không thể biết, không hiểu rõ, huống là có thể nói, có thể nhìn thấy ngôi vị thứ ba cho đến ngôi vị thứ mười của Như Lai.

Này các Chánh Sĩ! Ví như mặt trời, mặt trăng, chúng sinh dựa vào ánh sáng ấy để nuôi sống mình, do mặt trời, mặt trăng xoay chuyển mà có ngày đêm, lấy thời gian tính làm năm, tháng cố định, phân khí hậu thời tiết để chúng sinh biết được, nhưng các chúng sinh chỉ nhìn thấy tướng ánh sáng của cung mặt trời, mặt trăng, chớ không nhìn thấy đầy đủ sắc tướng của mặt trời, mặt trăng.

Này các Chánh Sĩ! Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác nuôi dưỡng tất cả chúng sinh, nhờ Như Lai cho nên chúng sinh biết rõ pháp thiện, pháp thế gian và xuất thế gian, pháp hữu lậu và vô lậu.

Các chúng sinh biết rồi tu hành chân chánh, vượt qua các con đường sinh tử khổ đau, nhưng các chúng sinh không thể nhìn thấy đầy đủ hình sắc thân Mãn tư dụng của Như Lai, chỉ nhìn thấy thần lực đại bi phương tiện ứng hóa của Như Lai.

Này các Chánh Sĩ! Nên biết ngôi vị của Như Lai vượt hết tất cả âm thanh ngôn ngữ, nay ta chỉ dùng danh tự để nói thôi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần