Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Tinh Tấn Ba La Mật đa - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM CHÍN

PHẨM TINH TẤN BA LA MẬT ĐA  

TẬP NĂM  

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát phải nên tu tập địa vị không thoái chuyển, cho đến phát khởi nhất tâm, thể nhập vào vô lượng vô biên tâm hạnh sai biệt của tất cả hữu tình trong quá khứ, vị lai, hiện tại.

Nếu các hữu tình nhiều tham, sân, si… tất cả phiền não mà lại hồi nhập tâm của Bồ Tát, lúc đó, Bồ Tát dùng sức trí tuệ, thí dụ, ngôn từ mỗi mỗi tìm cầu, phát khởi dũng mãnh như vậy, thấy sắc tướng này, tất cả hữu tình bị tham, sân, si… thiêu đốt.

Lúc đó, Bồ Tát dùng các phương tiện khiến hữu tình dứt hết tất cả phiền não, cũng như tro tàn tan mất không còn sót gì. Lại khiến hữu tình tu tập hướng đến Niết Bàn, ta cho rằng, Bồ Tát này hành tinh tấn không thoái lui.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát tu hạnh tinh tấn không thoái chuyển, thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, cho đến tinh tấn tất cả Ba la mật đa. Thân, miệng, ý không lìa sự tu tập, nhưng đối với ba nghiệp phát sinh tinh tấn ý là tối thắng.

Sao gọi là ý nghiệp tinh tấn tối thắng?

Tức là không phân biệt và có phân biệt.

Sao gọi là không phân biệt?

Tức là tâm bồ đề.

Sao gọi là có phân biệt?

Tức là khởi tâm đại bi đối với tất cả hữu tình.

Sao gọi là không phân biệt?

Nghĩa là đối với nhẫn trí ngộ lý vô ngã.

Sao gọi là có phân biệt?

Tức là có thể nhiếp thọ tất cả hữu tình.

Sao gọi là không phân biệt?

Là tuy có thể nhiếp thọ tất cả hữu tình, nhưng không chấp trước.

Sao gọi là có phân biệt?

Tức là nhàm chán luân hồi.

Không phân biệt là đối với ba cõi đều không sở đắc. Có phân biệt là có các của báu vui vẻ bố thí. Không phân biệt là bố thí không chấp tướng. Có phân biệt là trì giới có sự tích tập. Không phân biệt là trì giới không chấp tướng. Có phân biệt là có thể nhẫn chịu khổ.

Không phân biệt là sát na tâm không chỗ trụ. Có phân biệt là phát khởi các pháp thiện căn. Không phân biệt là thường vắng lặng. Có phân biệt là đối với thiền định có sự tích tập. Không phân biệt là tâm thường quyết định an trụ không lay động. Có phân biệt là tu văn tuệ không biết nhàm chán.

Không phân biệt là trong tâm chuyên chú khéo léo. Có phân biệt là đối với văn tuệ rộng nói các pháp. Không phân biệt là đối với pháp tánh không có ghi nhớ. Có phân biệt là đối với trí tuệ có sự tu tập trau luyện. Không phân biệt là đối với các pháp lìa mọi hý luận. Có phân biệt là tích tập tu hoc các phạm hạnh. Không phân biệt là đối với các tánh tuệ đều hay xa lìa. Có phân biệt là có thể viên mãn năm thần thông.

Không phân biệt là dứt hết các hữu lậu. Có phân biệt là đối với quán tưởng thường hay suy nghĩ. Không phân biệt là trong tâm luôn chánh niệm. Có phân biệt là khéo léo đối với bốn chánh đoạn. Không phân biệt là có thể siêu việt các thiện căn. Có phân biệt là chấp trước tướng văn tự muốn cầu xuất ly.

Không phân biệt là phước báo to lớn bao trùm vô tướng. Có phân biệt là thông đạt các căn và sự thích nghi của các hữu tình. Không phân biệt là có thể quán sát các pháp thiện căn, nhưng không sở đắc. Có phân biệt là có sự tu tập đối với các lực. Không phân biệt là đối với chỗ này, không có tổn giảm. Có phân biệt là có thể phát sinh bồ đề pháp phần.

Không phân biệt là đối với các pháp lìa trí phân biệt. Có phân biệt là đối với chánh đạo có khả năng cầu tiến. Không phân biệt là quán các thần biến cũng như hư không. Có phân biệt là có thể tích tập định môn. Không phân biệt là trụ Xa Ma Tha nhưng chỉ một cảnh. Có phân biệt là đối với Tỳ Bát Xa Na có tích tập.

Không phân biệt là khéo nhập vào pháp tánh. Có phân biệt là có thể hiểu rõ các pháp nhân duyên. Không phân biệt là có thể biết rõ pháp không phải nhân duyên. Có phân biệt là đắm trước tiếng thắng nghĩa. Không phân biệt là thực hành hạnh chánh pháp. Có phân biệt là trang nghiêm Pháp Thân.

Không phân biệt là lìa mọi trang nghiêm Pháp Thân. Có phân biệt là trang nghiêm lời nói. Không phân biệt là nương tựa vào cac Bậc Thánh có thể thường yên lặng. Có phân biệt là nương vào ba cửa giải thoát môn mà sinh ra lạc dục. Không phân biệt là ngã không tăng thượng. Có phân biệt là có thể lìa bốn việc ma. Không phân biệt là có thể vưt bỏ thói quen chủng tử phiền não. Có phân biệt là có thể biết rõ phương tiện khéo léo.

Không phân biệt là thấy biết trí tuệ như thật. Có phân biệt là lìa mọi cái thấy theo phan duyên. Không phân biệt là lìa mọi cái thấy siêu việt. Có phân biệt là có cái thấy tưởng niệm. Không phân biệt là thấy ý nghiệp. Đây là ý nghiệp tinh tấn, tinh tấn là tối thượng thù thắng. Ta cho rằng Đại Bồ Tát này thực hành tinh tấn không thoái.

Lại nưa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát khi thực hành tinh tấn không thoái, thực hành năm pháp tối thượng cực diệu, mau chóng chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Sao gọi là năm pháp tối thượng cực diệu?

1. Thường nhớ nghĩ Phật xuất hiện ở thế gian.

2. Hay thân cận các bậc thiện tri thức.

3. Thường gặp thời tốt.

4. Thường tích tập các pháp thiện căn kiên cố.

5. Theo học giới cụ túc của Đại Bồ Tát đều được viên mãn.

Đây là năm pháp tối thượng cực diệu khiến Bồ Tát mau chóng chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Tử lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát lìa năm pháp tối thượng cực diệu này thì có thể chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác không?

Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Nếu các Bồ Tát không thường nhớ nghĩ Phật xuất hiện thế gian, không thân cận các trí thiện thức, nếu không gặp thời tốt, không thể tích tập các pháp thiện căn không khiến kiên cố, không thể theo học giới cụ túc của Đại Bồ Tát không được viên mãn.

Nếu xa lìa năm pháp cực diệu tối thượng như vậy, thì không thể mau chóng chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác. Nếu ai trái với năm pháp này mà chứng đắc thì không thể có.

Này Xá Lợi Tử! Sao gọi là Bồ Tát tại gia xa lìa năm pháp?

Nghĩa là như Vua, đại thần ở trong đại chúng, dựa vào oai thế khủng bố nhiều người, lại nói với mọi người rằng: Ta có thể làm bất cứ việc gì đến với các ngươi, chỉ vì khi dối mà thật không làm. Cho đến nói những lời nói khi dối như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Do khi dối như thế nên không thể sinh vào Chư Thiên nẻo thiện, hành tướng như vậy cũng không thể gặp được thời tốt.

Này Xá Lợi Tử! Hành tướng này Bồ Tát tại gia chỉ đủ nuôi sống chính mình chứ không thể lợi tha, cũng không gặp Phật xuất thế, cho đến không thể chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Bồ Tát tại gia ở trong thành ấp có các chướng ngại thường hay quấy nhiễu não hại.

Thế nào là trong thành ấp có các chướng nạn?

Này Xá Lợi Tử! Có các Đức Như Lai xuất thế thành Đẳng, Chánh Giác, nói pháp giáo hóa các hàng Trời, Người, A Tu La… đầu, giữa, cuối đều thiện, ý nghĩa sâu xa, lời nói khéo léo, đầy đủ tướng thanh bạch phạm hạnh và được bốn bộ chúng vây quanh cung kính.

Tuy Bồ Tát thân cận cúng dường lễ bái Bí Sô, Bí Sô Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, nhưng lại ở chung trong xóm làng thành ấp ngõ hẻm, nhân dân, quốc vương, đại thần, Trưởng Giả, Cư Sĩ, cho nên giới uẩn không thể đầy đủ thanh tịnh. Vì thế ta nói trong thành là chướng nạn. Nếu Bồ Tát tại gia đắm trước năm dục như vậy không thể nhớ nghĩ Phật xuất thế, cho đến không thể mau chóng chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Bồ Tát tại gia tự tuyên nói pháp luật hiện hành, lại càng nhiều chướng nạn. Nghĩa là cha, mẹ, trai, gái, vợ, con, nô tỳ, chị, em, anh, em, bạn bè, quyến thuộc trong nhiều kiếp bị chướng nạn.

Này Xá Lợi Tử! Pháp như vậy hay gây chướng nạn cho Bồ Tát tại gia, cũng lại không thích Phật xuất thế, cho đến không thể mau chóng chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Bồ Tát tại gia đối với Khế Kinh hành tướng như thật của Như Lai lập ra, tuy nghe rồi nhưng không thích đa văn, đối với hạnh thiểu dục không thích tu tập, cũng không tin thọ các Khế Kinh đồng loại, đối với giáo pháp đại thừa của Như Lai lại sinh hủy báng. Những hạng người như vậy đều đọa vào đường ác.

Sao gọi là các đường ác?

Đó là Diệm Ma La Giới, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, biên địa, các ác luật nghi, dù làm được thân người nhưng không đầy đủ, cấu uế chướng nặng, đủ mọi tà kiến.

Này Xá Lợi Tử! Chỗ đáng nhàm chán như vậy, Chư Phật, Bồ Tát đều xa lìa không thích sinh vào nơi ấy, cho đến không thể mau chóng chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử!

Bồ Tát tại gia thích dựa vào những người có thế lực lớn như: Quốc Vương, đại thần và các nhân dân giàu có hào kiệt, như vậy thì càng thêm sân nhuế. Hễ nói ra điều gì phần nhiều là sự dối trá, tích tập việc ác, mê hoặc người khác, hay sinh khinh chê. Người này dùng lời bất thiện nhất định đọa đường ác, thân thể ốm gầy, đủ các tướng ác.

Này Xá Lợi Tử! Đó là năm pháp của Bồ Tát tại gia. Vì lý do đó cho nên không thể gặp Phật xuất thế, không thể thân cận bạn tốt, không thể gặp thời tốt, thiện căn đã được tích tập đều bị hủy hoại, không thể theo học với Đại Bồ Tát trì giới, cho đến không thể mau chóng chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Nếu ai thực hành theo năm pháp

Thì không thể tăng trưởng thắng tuệ

Mà lại xa lìa Bậc Điều Ngự

Không thể mau chóng thành Chánh Giác.

Khi dối hết tất cả hữu tình

Như Vua, đại thần, các nô tỳ

Đều đoạn tất cả sức thiện căn

Không thể gặp được Phật xuất thế.

Hoặc lại kinh bố các hữu tình

Ra lịnh trói bắt và đánh đập

Làm các nghiệp ác như vậy rồi

Lại thường xa lìa Bậc Vô Thượng.

Đối với Bí Sô, Bí Sô Ni

Phá các tịnh giới sinh bệnh khổ

Sát na không gặp được thời tốt

Thường luôn xa lìa các Đức Phật.

Cha, mẹ, vợ, con các quyến thuộc

Mãi luôn theo học hạnh phi pháp

Ngược lại không thích nghe chánh pháp

Đọa vào si mê khó ra khỏi.

Giá như gặp Phật cầu thân cận

Trong khoảng sát na không thể được

Hoặc có lúc ham thích xuất gia

Bị các chướng nạn luôn ập đến.

Hoặc lúc nghe chánh pháp này rồi

Rồi tùy theo chỗ nói chân thật

Hữu tình càng sinh tâm sân nhuế

Cho rằng đây là phi chánh pháp.

Gây ra các chướng nạn như vậy

Trong mười sáu phần chưa bằng một

Do nhân hủy báng chánh pháp này

Đời đời mù lòa không thể thấy.

Thế nên không thấy Bậc Chánh Giác

Dù thấy không sinh tin thanh tịnh

Sẽ được thân người không đầy đủ

Sau đọa vào tất cả bàng sinh.

Nếu người quy hướng Phật Bồ Tát

Và sinh ham thích với bồ đề

Tất cả chướng nạn đều tiêu trừ

Khéo hay tu tập hạnh chân chánh.

Tất cả cha mẹ và quyến thuộc

Cùng với tất cả hữu tình khác

Hướng dẫn ai nấy đều xuất gia

Mau chóng nhiếp thọ về chánh đạo.

Trước hết hướng dẫn mẹ mình rồi

Lại hay khen ngợi khiến xuất gia

Cùng nhau đi đến Bậc Thiện Thệ

Phát tâm khai ngộ đại bồ đề.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Bồ Tát xuất gia có năm pháp như vậy, xa lìa các bạn lành, Chư Phật xuất thế dù chỉ trong khoảng sát na cũng không thể gặp, sức thiện căn đã được tích tập cũng đều bị phá hoại, không thể theo học với các Đại Bồ Tát trì giới, cho đến không thể mau chóng chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Năm pháp đó là gì?

1. Do suy nghĩ tà vạy cho nên phá các tịnh giới.

2. Do không tin nên hủy báng chánh pháp.

3. Đắm trước lợi dưỡng và thích danh tiếng.

4. Chấp trước ngã kiến vào các hiểm nạn.

5. Hay sinh tật đố đối với hạnh thiện của người khác.

Này Xá Lợi Tử! Bồ Tát xuất gia đủ năm pháp như vậy nên xa lìa bạn lành, không thể gặp Phật xuất thế. Nói tóm lại, cho đến không thể mau chóng chứng đắc Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Xá Lợi Tử! Vì nghĩa đó, cho nên giống như chó đói ốm o tiều tụy, da dính liền xương, bỗng thấy xương khô liền sinh tưởng muốn ăn.

Tưởng thế, nó ngoạm lấy khúc xương khô đó mang đến chỗ vắng, ra sức liếm gặm, gặm đến nổi miệng bị tổn thương, máu chảy lên khúc xương, nhưng nó không biết đó là máu của mình mà cứ vọng sinh ham thích, muốn ăn no nê nhưng không thể được. Lúc đó, có Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ từ xa đi đến, thấy con chó đói này đang gặm xương khô liền than thở.

Thấy những người này đến, con chó đói tự suy nghĩ: Các người kia đến nhất định cướp mất thức ăn ngon của ta. Nghĩ thế, nó liền sủa dữ tợn, mắt nhìn lườm lườm, nhe răng hừ hừ.

Này Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao?

Khi thấy khúc xương khô không có máu thịt gì, các người kia có cướp đoạt không?

Xá Lợi Tử thưa: Dạ không, thưa Thế Tôn! Dạ không, thưa Thiện Thệ!

Đức Phật hỏi: Này Xá Lợi Tử! Như vậy thì tại sao con chó kia lại khởi tưởng như thế?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Là vì con chó quá đói, nên gặp xương khô nó coi như là vị cam lồ, vọng sinh tham ái, nên sủa dữ tợn, mắt nhìn lườm lườm, nhe răng hừ hừ, sợ các người kia đến cướp khúc xương.

Đức Phật hỏi: Này Xá Lợi Tử! Như sau khi ta diệt độ, có các Bí Sô đối với các chủng tộc, cho đến tiện lợi bất tịnh, tâm sinh đắm trước, bị nó trói buộc. Hành tướng như vậy, trong khoảng sát na muốn thành tựu Phật sự cũng không thể được.

Ta cho rằng, các Bí Sô ở trong pháp Phật cũng như con chó đói kia, nên bị Như Lai quở trách. Nếu các hữu tình thấy hành tướng của các Bí Sô này cũng lại hủy báng cũng như con chó đói kia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần