Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Tám - Phân Biệt Hành Tướng - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM TÁM

PHÂN BIỆT HÀNH TƯỚNG  

TẬP BỐN  

Bài tụng rằng:

Người quen thói ngu si

Các căn chẳng hoàn bị

Sinh trong loài trâu, dê

Sau đọa vào địa ngục.

Nếu mà người tu học

Nguyện vượt đường ác này

Muốn thoát khỏi tăm tối

Nên quán mười hai duyên.

Nếu người nhiều dâm, nộ nên thực hiện hai việc: Quán bất tịnh và hành tâm từ.

Nếu nhiều dâm, si thì nêu giảng hai việc: Rỗng không và từ, nếu nộ si mạnh, thì nói hai việc: Dẫn dắt dùng lòng từ và hiểu rõ gốc si.

Bài tụng rằng:

Hành từ, quán bất tịnh

Đối trị dâm, nộ, si

Dạy người ngu chẳng rõ

Sắc nơi mười hai duyên.

Nếu người sân giận mạnh

Và si quá tăm tối

Vì họ giảng tâm từ

Gốc mười hai nhân duyên.

Nếu có người miệng dâm mà tâm dục, thì vì họ mà nói ý nghĩa vô thường, tịch tĩnh. Còn tâm nộ mà miệng sân thì chỉ giảng nhân từ. Miệng si, tăm tối thì giảng về mười hai duyên.

Ngoài ra, bốn loại đầy đủ các bệnh:

Một là miệng dâm, tâm ôm ba độc.

Hai là miệng đầy đủ nộ, dâm, sân, si.

Ba là miệng ngu, trong chứa ba cấu.

Bốn là người thuần chứa ba độc, thì vị Pháp Sư nên giảng giải cho họ vì họ mà nói pháp giáo hóa, khiến tĩnh lặng, quán gốc nhân duyên.

Vì sao?

Vì nơi họ phiền não cấu uế dày đặc, chứa nhiều tội lỗi, tự trói buộc mình. Tuy là gặp pháp, nhưng chẳng thấy Thánh Đế, chỉ nên dạy họ tụng đọc, khuyến khích tinh tấn. Nhờ vậy, nên chuyên vào việc đọc tụng mà phiền não trở nên cạn mỏng. Tuy chẳng đắc đạo nhưng có thể sinh Thiên.

Bài tụng rằng:

Có người hành phạm dâm

Mà tâm sân hận, si

Nên dạy đọc tụng Kinh

Và khuyên làm việc phước.

Thì phiền não tuy mạnh

Nhưng nhờ đó trừ tội

Bởi do phương tiện ấy

Mà mau được sinh Thiên.

Ví như có người chăm sóc vườn cây, san bằng gò đống cao, thấp, tưới tẩm đúng thời, nhổ bỏ gai gốc. Cỏ dại, lau lách, cành nhánh cong queo, đâm ngang không hàng lối đều phát chặt hết, đem bỏ bên ngoài bờ rào, khiến khu vườn quang đãng.

Cây cối không vướng, rễ xanh lá tốt, đều được giữ gìn, khiến không gãy ngã. Vì vậy nên cây cối lớn nhanh, hoa quả trĩu cành. Người tu hành nhận lãnh lời dạy của thầy diệt trừ các thứ uế dục, tưởng dâm, nộ, si. Vì vậy cho nên sự tu hành càng tăng tiến, cho đến lúc đắc đạo.

Bài tụng rằng:

Cây cối mọc cong, quẹo

Đâm chĩa chẳng thẳng hàng

Gai gốc, các thứ dơ

Dọn sạch, khiến ngay ngắn.

Dùng bao nhiêu phương cách

Sửa soạn mới thành được

Tu hành chăm cây pháp

Theo Kinh cũng như vậy.

Trừ các dâm, nộ, si

Nhân trăm ngàn lời thầy

Diệt bỏ các tội lỗi

Như người chăm sóc cây.

Pháp Sư thuyết pháp xem xét bốn việc:

1. Học rộng mà được đến với đạo.

2. Mang lòng tin đến với đạo, đối với chỗ học vấn thì không thể luận bàn nghĩa lý.

3. Học rộng mà đạo đức chưa thành tựu.

4. Không hiểu biết, không đạo đức.

Lại có bốn pháp:

1. Ban đầu do Pháp Sư, thọ nhận lời dạy của Pháp Sư mà biết nghĩa, hiểu pháp.

2. Tuy hiểu nghĩa nhưng chẳng thể đạt được chỗ nhiệm mầu.

3. Phân biệt được pháp cạn chứ chẳng thể đến chỗ sâu xa.

4. Chẳng biết ý nghĩa, cũng chẳng hiểu rõ.

Học pháp như thế là đã tập hạnh khổ sở vô ích. Ví như hai người đều chẳng biết bơi lội bị rơi vào chỗ nước sâu, muốn cứu nhau thoát khỏi, nhưng lại bị chết chìm.

Ví như người mù dắt người đui muốn đến nơi nào đó, giữa đường mờ mịt, chẳng tới nơi được. Người chẳng biết nghĩa, cũng chẳng thông tuệ mà muốn thuyết pháp, muốn cứu độ người, cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Ví như người học rộng

Điều thiện nhiều vô số

Đã đạt Ba la mật

Như người vượt biển lớn.

Nếu người như thật tịnh

Nhưng không có trí tuệ

Chỉ nắm được điều chính

Chẳng thể đạt nghĩa sâu.

Nếu người tập vào đạo

Tùy thuận chẳng trái luật

Luôn luôn kính thọ giáo

Như vậy có tỉnh thức.

Như gần bậc tôn quý

Chắc chắn được lợi nhiều

Người học đạo tu hành

Mà cầu hiểu biết nghĩa.

Thì chỉ hiểu nghĩa thôi

Chẳng thể đạt thâm diệu

Như người ăn canh không

Chẳng có hạt cơm nào.

Như theo thầy học nghĩa

Chẳng rõ biết lý mầu

Chẳng thể hiểu đại đạo

Chẳng đạt tuệ chân chánh.

Giả sử chẳng vào đạo

Chẳng thể phân biệt nói

Chẳng hiểu rõ trí tuệ

Không nghĩa, chẳng biết gì.

Như mù muốn dẫn đui

Chẳng thể đi đâu được

Không nghĩa cũng không trí

Cũng giống như vậy thôi.

Người tu hành có ba hạng:

1. Thân hành đạo mà tâm chẳng làm theo.

2. Tâm hành đạo nhưng thân chẳng theo.

3. Thân tâm đều hành đạo.

Thế nào là thân hanh đạo mà tâm chẳng theo?

Giả sử người tu hành ngồi kiết già ngay ngắn, như cây đứng yên chẳng từng dao động, tuy biểu hiện tướng này, nhưng nội tâm buông thả, luôn nghĩ về sự trơn láng, mịn màng của sắc, thanh, hương, vị, điều cần sửa đổi thì chẳng sửa đổi, mong cầu tất cả, tâm buông lung, chẳng được tự tại.

Ví như thây chết vất ở bãi tha ma, hổ lang, cầm thú, chim, chó, cáo, tranh nhau ăn thịt, thân định, tâm loạn, cũng giống như vậy. Đây là hạng người tu hành đạo đức mà thân định, tâm loạn.

Bài tụng rằng:

Kiết già, ngồi ngay thẳng

Bất động như Thái Sơn

Nhưng trong tâm mê loạn

Giống như voi sa vực.

Người tu hành như vậy

Thân định mà tâm loạn

Giống như hoa trái mùa

Không tạo quả mà rụng.

Thế nào là người tu hành có tâm hợp với đạo mà thân chẳng theo?

Thân chẳng ngồi thẳng mà thành tựu bốn ý chỉ, bốn niệm xứ khi ấy tâm tuy định mà thân chẳng ngồi yên.

Bài tụng rằng:

Nếu như tâm tánh tự điều hòa

Trụ bốn ý chỉ, không tướng khác

Khi ấy gọi là bốn ý chỉ

Tuy thân chẳng định tâm chẳng loạn.

Thế nào gọi là người tu hành, thân tâm đều định?

Than ngồi ngay thẳng, tâm chẳng buông thả. Các căn đều tĩnh lặng, chẳng giong ruổi theo các duyên bên ngoài. Ngay khi ấy, thân tâm đều định, hoàn toàn chẳng lay động, do đó biết là thân tâm đều định.

Bài tụng rằng:

Thân và tâm đều định

Trong, ngoài chẳng buông thả

Tĩnh lặng, ngồi kiết già

Như trụ vững, khó lay.

Thấy sự thật sinh tử

Như nước xoáy vây bờ

Thân và tâm tương ưng

Mau thành đạo, đắc quả.

Người tu hành chuyên cần tinh tấn, tu đạo không động chuyển, như vậy mau đạt đến Niết Bàn tịch tĩnh.

Bài tụng rằng:

Giảng thuyết bao nhiêu nghĩa chính yếu

Như sữa, mật trộn vào thức ăn

Người không dua nịnh, thường theo pháp

Dùng giáo pháp Phật tự điều hòa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần