Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Sáu - Pháp Hội Thiện Trụ ý Thiên Tử - Phẩm Thứ Năm - Phẩm Bồ Tát Thân Hành

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA MƯƠI SÁU

PHÁP HỘI THIỆN TRỤ Ý THIÊN TỬ  

PHẨM THỨ NĂM

PHẨM BỒ TÁT THÂN HÀNH  

Bấy giờ Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi nguyện thỉnh Văn Thù Sư Lợi làm cho chúng tôi xem thấy Chư Đại Bồ Tát. Vì Chư Đại Sĩ ấy khó được gặp gỡ vậy.

Đức Phật phán bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Ông nên biết nay đại chúng cũng đều khát ngưỡng muốn thấy thập phương vân tập Chư Đại Bồ Tát. Hiện đã phải lúc ông nên hiển hiện.

Tuân lời Phật dạy, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo Chư Đại Bồ Tát mười phương vân tập đến như là Pháp Luân Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát, Hàng Ma Bồ Tát, Diệu Âm Bồ Tát, Ly Cấu Bồ Tát, Tịch Diệt Bồ Tát, Tuyển Trạch Bồ Tát, Pháp Vương Hống Bồ Tát, vô lượng Bồ Tát như vậy rằng: Chư Đại Sĩ! Nay các Ngài đều nên ở tại cung điện tự hiện thân mình rõ ràng đúng như hình trạng tại Bổn Quốc của các Ngài.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát phát xuất lời ấy xong, Chư Đại Bồ Tát từ tam muội dậy đều hiện bổn thân khiến tất cả đại chúng đều thấy: Hoặc có Bồ Tát thân cao lớn như Tu Di Sơn Vương hoặc có Bồ Tát thân lớn tám vạn bốn ngàn do tuần, hoặc trăm ngàn do tuần, hoặc chín mươi ngàn do tuần nhẫn đến có mười ngàn do tuần.

Nhẫn đến có một trăm do tuần, nhẫn đến có mười do tuần, chín do tuần, tám do tuần đến một do tuần lần lượt cho đến hoặc có Bồ Tát thân hình lớn nhỏ rộng hẹp bằng thân người ở Ta Bà Thế Giới này. Lúc này đại chúng đầy chật cả Đại Thiên Thế Giới không còn một chỗ trống bằng đầu gậy.

Tất cả chúng Đại Bồ Tát ấy đều là công đức nguy nguy tri huệ sâu xa đầy đủ oai lực thành tựu thần thông phóng đại quang minh chiếu khắp mười phương vô lượng trăm ngàn Phật Độ.

Nhẫn đến Chư Thiên đại oai đức cùng Chư Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân, Chư Đại Vương, Chư Tiểu Vương đều đông đủ.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đứng dậy chỉnh y phục trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay hướng Phật mà bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Nay tôi muốn thưa hỏi Đức Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác chút ít để giải quyết lòng nghi, chẳng biết Đức Thế Tôn có thương cho phép chăng?

Đức Phật phán: Cho phép ông hỏi, Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác sẽ giải thích quyết dứt lòng nghi cho ông khiến ông vui mừng.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát, Nói Bồ Tát ấy có những nghĩa gì?

Đức Phật phán dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Ông hỏi thế nào là Bồ Tát và Bồ Tát có nghĩa gì?

Do vì hay giác liễu tất cả pháp nên gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát vậy!

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp mà Bồ Tát giác liễu đó là ngôn thuyết.

Này Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp?

Những là giác liễu nhãn nhĩ tỷ thiệt thân và ý. Bồ Tát giác liễu nhãn căn v.v… bổn tánh là không, giác liễu như vậy rồi trọn chẳng sanh niệm rằng tôi hay giác tri.

Giác liễu nhãn v.v… như vậy rồi, Bồ Tát lại giác liễu sắc thanh hương vị xúc và pháp bổn tánh tự không. Giác liễu như vậy rồi Bồ Tát cũng chẳng phân biệt rằng tôi hay giác tri. Đây là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp vậy.

Này Văn thù Sư Lợi!

Bồ Tát giác liễu ngũ ấm thế nào?

Bồ Tát xem thấy ngũ ấm thể tánh vốn tự không.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô tướng.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô nguyện.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô dục.

Vì giác liễu như vậy nên quán tịch tĩnh.

Vì giác liễu như vậy nên quán viễn ly.

Vì giác liễu như vậy nên quán sở hữu.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô thiệt.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô động.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô sanh.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô diệt.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô lai.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô khứ.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô chân.

Vi giác liễu như vậy nên quán vô chủ.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô chứng.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô tri.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô kiến.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô nhân.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô tưởng.

Vì giác liễu như vậy nên quán bất khả thuyết.

Vì giác liễu như vậy nên quán đản hữu danh.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô ngã.

Vì giác liễu như vậy nên quán phân biệt khởi.

Vì giác liễu như vậy nên quán tùng duyên sanh.

Vì giác liễu như vậy nên quán như huyễn.

Vì giác liễu như vậy nên quán như hóa.

Vì giác liễu như vậy nên quán như mộng.

Vì giác liễu như vậy nên quán như cảnh tượng.

Vì giác liễu như vậy nên quán như thanh hưởng.

Vì giác liễu như vậy nên quán như ba tiêu.

Vì giác liễu như vậy nên quán bất cửu trụ.

Vì giác liễu như vậy nên quán bất lao cố.

Vì giác liễu như vậy nên quán hư vọng.

Vì giác liễu như vậy nên quán vô vật.

Vì giác liễu như vậy nên gọi Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại này Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Đại Bồ Tát giác liễu tham sân si?

Bồ Tát giác liễu tham dục, kia nhân vì phân biệt mà khởi, giác liễu sân khuể kia nhân vì phân biệt mà khởi, giác liễu ngu si kia nhân vì phân biệt mà khởi nhưng cũng giác liễu phân biệt kia không, vô sở hữu, vô vật, vô hý luận, vì bất khả thuyết bất khả chứng vậy. Đây là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại này Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát giác liễu Tam Giới?

Bồ Tát giác liễu Dục Giới không ngã nhân. Sắc Giới vô sở tác, Vô Sắc Giới không vô hữu. Giác liễu Tam Giới đều viễn ly vậy. Đây là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại này Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Thế nào là Bồ Tát giác liễu chúng sanh hành?

Bồ Tát giác liễu chúng sanh này tham dục hành, chúng sanh này sân khuể hành, chúng sanh này ngu si hành, chúng sanh này đẳng phần hành. Giác liễu như vậy chứng tri như vậy, vì chúng sanh mà giảng thuyết như vậy giáo hóa như vậy khiến được giải thoát như vậy. Đây là Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại này Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Thế nào là Bồ Tát giác liễu chúng sanh?

Bồ Tát giác liễu chúng sanh chỉ có văn tự, rời lìa văn tự ấy, thì không có chúng sanh riêng, thế nên tất cả chúng sanh tức là một chúng sanh, một chúng sanh tức là tất cả chúng sanh. Chúng sanh như vậy tức là phi chúng sanh. Nếu ai có thể vô phân biệt như vậy đó là Đại Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Lại giác liễu tất cả pháp thế nào?

Có thể giác liễu Bồ Đề Đạo như vậy đó là Đại Bồ Tát giác liễu tất cả pháp.

Thuyết minh lại nghĩa này, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Giác liễu nhãn với nhĩ

Tự thể thường không tịch

Chẳng nói tôi hay giác

Thì gọi là Bồ Tát

Quán tỉ cùng với thiệt

Bổn tánh vô sở hữu

Chẳng phân biệt tôi giác

Thì gọi là Bồ Tát

Trí huệ quan sát thân

Cũng giác ý tự nhiên

Giác rồi nói dạy người

Thì gọi là Bồ Tát

Sắc thanh hương vị xúc

Ý chỗ thích trần cảnh

Giác tri bổn tánh không

Thì gọi là Bồ Tát

Giác sắc cùng thọ tưởng

Hành ấm và thức tâm

Tất cả đồng như huyễn

Thì gọi là Bồ Tát

Ngũ ấm tụ như mộng

Giác nó không một tướng

Chẳng phân biệt tôi biết

Thì gọi là Bồ Tát

Chẳng sanh cũng chẳng xuất

Không tác cũng không nói

Chỉ có danh tự thôi

Danh ấy cũng không vật

Giác tham dục sân khuể

Đều do phân biệt khởi

Phân biệt ấy không thể

Cứu cánh trọn tự không

Si cũng phân biệt sanh

Phân biệt nhân duyên sanh

Duyên đây sanh kiến chấp

Kiến chấp bất khả đắc

Giác sát Tam Giới không

Tất cả không chân thật

Nơi kia bất khả động

Nên gọi là Bồ Tát

Dục Giới chẳng thành tựu

Đều do phân biệt khởi

Sắc Giới Vô Sắc Giới

Tất cả chẳng bền vững

Sở hành của chúng sanh

Người trí đều biết rõ

Tham dục cùng sân khuể

Và ngu si kia thảy

Tất cả các chúng sanh

Tức là một chúng sanh

Trí giả không sở giác

Chẳng niệm chúng sanh kia

Các pháp được sanh khởi

Đều nhân điên đảo sanh

Giác liễu điên đảo ấy

Biết chân tướng điên đảo

Trí huệ rất vi diệu

Chẳng lấy các âm thanh

Giác rồi vô sở trước

Nên gọi là Bồ Tát

Hay xả thịt thân mình

Cũng trọn không y chỉ

Giác chân thật như vậy

Mới gọi là Bồ Tát

Trì giới đến bỉ ngạn

Cũng chẳng niệm bỉ ngạn

Giác liễu giới hạnh như

Không sanh cũng không tận

Từ tâm khắp chúng sanh

Chẳng được tướng chúng sanh

Giác liễu chúng sanh tế

Chỉ do giả ngôn tuyên

Dũng mãnh đại tinh tiến

Thâm tâm chán hữu vi

Thấy Tam Giới không hư

Chứng Vô Thượng Đẳng Giác

Thường nhập thiền vi diệu

Vô trước vô sở y

Không trụ không phan duyên

Trí giả định như vậy

Hay dùng dao bén trí

Dứt trừ các dây kiến

Quan sát tánh pháp giới

Không dứt cũng không tổn

Nếu người chân giác liễu

Tất cả pháp như thiệt

Liền đó lợi chúng sanh

Mới gọi là Bồ Tát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần