Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BA MƯƠI TÁM
PHÁP HỘI ĐẠI THỪA PHƯƠNG TIỆN
PHẦN BA
Bấy giờ vợ chồng Trưởng Giả, cha và mẹ của nàng Đức Tăng tìm gặp thân con gái buồn khổ kêu khóc mắng trách Tỳ Kheo.
Đức Phật dùng thần lực khiến Đức Tăng Thiên Tử đến chỗ cha mẹ khuyên can chớ giận mắng Tỳ Kheo để rồi phải thọ khổ nhiều lâu và bảo cha mẹ rằng: Nàng Đức Tăng ấy sau khi chết liền sanh lên Cung Trời Đao Lợi rời thân nữ được thành Thiên Tử ánh sáng chói lọi.
Nay cha mẹ nên đến chỗ Đức Thế Tôn sám hối tâm giận ác trước. Nếu ngoài Đức Như Lai Chư Phật Thế Tôn thì không còn người nào đáng Quy Y. Đức Tăng Thiên Tử dùng tâm vô úy khuyên bảo cha mẹ.
Được nghe danh Phật tức thì cha mẹ cùng nhau đồng đến chỗ Phật đầu mặt kính lạy sám hối tâm sân hận trước và bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào cúng dường Phật Pháp và Tăng?
Thế nào tu tập hạnh lành?
Duy nguyện Đức Thế Tôn thương xót chỉ dạy, chúng tôi sẽ chuyên tâm tu hành.
Biết tâm quyết định của hai người, Đức Phật phán: Này thiện nam tử, thiện nữ nhân! Nếu người muốn cúng dường Chư Phật thì nên nhất tâm kiên cố phát tâm bồ đề. Cha mẹ nàng Đức Tăng và quyến thuộc năm trăm người nghe lời Đức Phật dạy đồng phát tâm bồ đề và lập đại nguyện.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Này A Nan! Nay ông lắng nghe, công hạnh của Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, vô thượng trí huệ cùng các phương tiện chẳng thể nghĩ bàn.
Ái Tác Bồ Tát kia thường phát nguyện: Nữ nhân thấy tôi mà phát lòng dục thì liền được lìa khỏi thân nữ thành nam tử mọi người mến trọng.
Này A Nan! Ông xem sức oai đức của Bồ Tát như vậy. Người khác nếu phạm tội phải đọa ác đạo. Còn Đại Sĩ làm đó thì phá hoại ma chúng khiến kia sanh Thiên được làm Thiên Nhân. Nay Thiên Tử Đức Tăng này cúng dường ta cung kính phát tâm bồ đề.
Thiên Tử này sẽ cúng dường vô lượng Thế Tôn đời sau thành Phật Hiệu Thiện Kiến Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác. Vợ chồng Trưởng Giả và năm trăm người đã cúng dường và phát tâm bồ đề đây cũng sẽ thành Phật làm bậc Thiên Nhân Sư.
Này A Nan! Phật có oai đức như vậy ai mà chẳng cung kính cúng dường. Ở nơi Đức Phật có lòng thâm tín thì được vô lượng phước lạc.
Này A Nan! Chẳng phải một nữ nhân, chẳng phải hai ba nữ nhân, mà vô lượng trăm ngàn na do tha ức nữ nhân thấy Ái Tác Bồ Tát phát tâm dâm dục liền chết chết được thành nam tử.
Này A Nan! Bồ Tát Y Vương có đại danh xưng như vậy ai chẳng tôn kính. Thấy Bồ Tát sanh lòng dâm dục còn được phước lạc huống là sanh lòng cung kính đối với Bồ Tát.
Tôn Giả A Nan bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ví như núi Tu Di, nếu các vật tạp sắc đến bên núi thì đồng một kim sắc. Nếu có chúng sanh đến bên Bồ Tát, hoặc tâm dục tâm sân hoặc tịnh tâm, tất cả đều đồng một tâm nhất thiết trí. Từ nay với chư Bồ Tát, tôi sanh lòng tôn trọng xem như núi Tu Di vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Ví như thuốc Dược Vương tên là Tất Kiến. Người sanh tâm người tịnh tâm nếu uống thuốc ấy đều được lành cả, thuốc ấy hay trừ tất cả độc. Cũng vậy, người sân tâm người tịnh tâm đến chỗ Bồ Tát đều có thể trừ sạch tất cả bệnh tham sân si.
Đức Thế Tôn khen rằng: Lành thay, lành thay, này A Nan! Đúng như lời ông nói.
Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thật chưa từng có, Đại Bồ Tát tối tôn đệ nhất, Chư Đại Bồ Tát tu thiền định, tu thiền định xong trở vào Dục Giới giáo hóa chúng sanh.
Dầu Bồ Tát hành không vô tướng vô tác dùng đó để giáo hóa chúng sanh khiến họ thành Thanh Văn Duyên Giác, mà do đại từ bi nên tự mình trọn chẳng rời nhất thiết trí tâm.
Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát hành phương tiện bất khả tư nghị, dầu thọ sắc thanh hương vị xúc mà không ái trước trong ấy. Nay tôi dùng lạc thuyết biện tài nói chút phần công đức của Bồ Tát.
Bạch Đức Thế Tôn! Ví như chầm hoang đói rộng lớn có tường cao đến Vô Sắc Giới, chỉ có một cửa ngõ, trong chầm ấy có đông chúng sanh. Cách chầm chẳng xa có một thành lớn giàu có vui sướng tịnh diệu trang nghiêm, nếu có ai vào trong thành ấy thì không già bệnh chết. Con đường từ chầm hoang vào thành ngay chỉ rộng một xích.
Chúng nhân trong chầm có một người trí thông thái bỗng khởi tâm đại từ bi muốn lợi ích an lạc tất cả chúng sanh, liền to tiếng xướng rằng: Mọi người nên biết cách đây không xa có một thành lớn giàu vui an ổn, nếu ai vào trong thành ấy thì không già bệnh chết và cũng hay nói pháp lìa già bệnh chết. Mọi người nên cùng đi đến thành ấy, tôi sẽ là người dẫn đường.
Trong chầm hoang ấy, có những chúng sanh hạ liệt sanh lòng hi vọng, muốn được tìm hiểu, họ nói rằng nếu có thể khiến tôi ở trong chầm này tôi sẽ thọ giáo, còn muốn khiến tôi ra khỏi chầm này thời tôi chẳng nhận.
Có những chúng sanh hạng thượng nói: Tôi sẽ cùng Ngài đến thành ấy. Có những chúng sanh bạc phước nghe lời xướng trên chẳng tin chẳng theo người trí.
Bạch Đức Thế Tôn! Bấy giờ người trí ra khỏi tường chầm trông bốn phía thấy chỉ có một con đường thẳng rộng một xích quá nhỏ hẹp hai bên là hố lớn sâu trăm ngàn thước.
Người trí dùng ván be hai bên đường, người đi phải bò mà tiến chẳng ngó hai bên kể oán tặc khủng bố phía sau, người bò đi cũng chẳng ngoái nhìn lại, dũng nhuệ chẳng sợ lần lần qua được đường hẹp thấy thành lớn.
Đã thấy thành rồi không còn bố úy liền đi vào thành. Sau khi vào thành không già bệnh chết cũng làm lợi ích lớn cho vô lượng chúng sanh vì họ mà nói pháp lìa già bệnh chết.
Bạch Đức Thế Tôn! Chầm lớn hoang đói ấy là sanh tử vậy. Tường cao lớn đến Vô Sắc Giới ấy là vô minh hữu ái vậy. Nhiều chúng sanh ở trong chầm ấy là tất cả phàm phu sanh tử vậy. Đường thẳng hẹp dẫn đến thành chỉ rộng một xích ấy là nhất chi đạo vậy. Người trí trong chầm ấy là Đại Bồ Tát vậy.
Chúng sanh hạ liệt hy vọng dục giải ở yên bất đông ấy là Thanh Văn Duyên Giác vậy. Những chúng sanh hạng thượng nói sẽ cùng đi đến đại thành ấy là chư Bồ Tát khác vậy.
Những chúng sanh bạc phước chẳng tin ấy là tất cả ngoại đạo tà kiến và các đệ tử họ vậy. Ra khỏi chầm hoang ấy là siêng tu nhất thiết trí tâm vậy.
Đường chật hẹp một xích ấy là môn pháp tánh vậy. Hai bên đường có hố lớn sâu trăm ngàn thước ấy là Nhị Thừa Thanh Văn và Duyên Giác thừa vậy.
Lấy ván be hai bên đường hẹp ấy là trí huệ phương tiện vậy. Bò mà đi tới ấy là Bồ Tát dùng tứ nhiếp pháp nhiếp lấy chúng sanh vậy.
Phía sau có oán tặc theo khủng bố ấy là ma và ma dân chúng sanh khởi sáu mươi hai kiến chấp và kẻ khinh báng Bồ Tát vậy. Chẳng ngoái ngó lại phía sau ấy là Nhẫn nhục Ba La Mật chuyên tâm trọn vẹn vậy.
Chẳng nhìn hai bên ấy là chẳng khen nhị thừa vậy. Thành lớn ấy là nhất thiết trí tâm vậy. Lần lần qua khỏi thấy thành lớn lòng không bố úy ấy là Bố Tát thấy Phật và chỗ sở hành của Phật nhất tâm kính ngưỡng trí huệ oai đức của Phật, khéo học bát nhã Ba la mật phương tiện lần lần tùy nghi gần gũi tất cả chúng sanh không có nghi nan vậy.
Vào trong thành rồi không già bệnh chết ấy là Bồ Tát lợi ích vô lượng chúng sanh lìa già bệnh chết vậy. Người Thuyết Pháp ấy là Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi kính lễ tất cả Bồ Tát. Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp nói lời này rồi, có mười ngàn Trời, người phát tâm Vô Thượng bồ đề.
Đức Thế Tôn khen rằng: Lành thay, lành thay, này Ma Ha Ca Diếp!
Ông hay khuyến phát Chư Đại Bồ Tát, ông hay thành tựu vô lượng công đức. Nếu là việc làm hay tự hại và hại người thì Đại Bồ Tát trọn chẳng làm. Hoặc lời nói có thể tự tại hại tha Đại Bồ Tát cũng trọn chẳng nói.
Bấy giờ Đức Tăng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu là việc làm hay lời nói có thể tự hại hại tha tất cả Bồ Tát đều trọn chẳng làm, thì tại sao xưa kia, thời Đức Phật Ca Diếp, Đức Thế Tôn còn làm Bồ Tát đạo thừa một đời làm phạm chí tên Thọ Đề nói rằng: Đạo bồ đề rất là khó được, đâu có kẻ trọc mà làm nên việc ấy, tôi chẳng muốn thấy.
Bạch Đức Thế Tôn! Thuở xưa Thọ Đề phạm chí nói như vậy là có nghĩa gì?
Đức Phật dạy: Này Đức Tăng! Đối với Như Lai và Bồ Tát ông chớ nên nghi ngờ. Vì Phật và Bồ Tát thành tựu phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Phật và Bồ Tát an trụ các thứ phương tiện giáo hóa chúng sanh.
Này Đức Tăng! Ông nên lắng nghe khéo suy nghĩ, có kính tên Phương Tiện Ba La Mật, ta sẽ nói cho ông. Bồ Tát từ thuở Phật Nhiên Đăng đến nay lần lần học phương tiện, nay cũng sẽ vì ông mà khai thị phân biêt phần ít.
Này Đức Tăng! Lúc Đại Bồ Tát thấy Phật Nhiên Đăng liền được vô sanh pháp nhẫn từ đó đến nay không có sai lầm chơi cười mất chánh niệm, cũng không có tâm bất tịnh, trí huệ chẳng tổn giảm.
Này Đức Tăng! Đại Bồ Tát như bổn nguyện của mình được vô sanh nhẫn rồi sau bảy ngày thì có thể được thành Vô Thượng bồ đề, nếu muốn trăm kiếp cũng có thể được thành.
Vì chúng sanh mà Đại Bồ Tát thọ tất cả thân, tùy ở chỗ nào, do dùng trí lực nên tùy theo chỗ mong cầu đều được trọn sở nguyện rồi sau mới thành Vô Thượng bồ đề.
Này Đức Tăng! Đại Bồ Tát dùng sức phương tiện trong vô lượng kiếp ở các Thế Giới cũng không ưu sầu vì chẳng chán lìa vậy. Đây gọi là Bồ Tát hành phương tiện.
Lại nữa, này Đức Tăng! Bao nhiêu thiền định nếu người Thanh Văn nhập thân tâm bất động bèn tự cho là đã nhập Niết Bàn, còn Bồ Tát nhập thì thân tâm tinh tiến không có giải đãi dùng tứ nhiếp pháp nhiếp lấy chúng sanh do đại bi nên dùng Lục Ba La Mật Giáo hóa chúng sanh. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Lại nữa, này Đức Tăng! Như bổn nguyện mình, Bồ Tát ở Đâu Suất Thiên Cung hay được Vô Thượng bồ đề để chuyển đại pháp luân chẳng phải là không được.
Nhưng Bồ Tát ở Đâu Suất Thiên Cung suy nghĩ rằng: Người Diêm Phù Đề không thể lên Thiên Cung để nghe lãnh giáo pháp, còn Chư Thiên Đâu Suất có thể xuống Diêm Phù Đề nghe pháp. Do đây Đại Bồ Tát bỏ rời Đâu Suất Thiên Cung mà ở Diêm Phù Đề thành Phật. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Lại nữa, này Đức Tăng! Như bổn nguyện của mình, Đại Bồ Tát từ Đâu Suất hạ Diêm Phù Đề chẳng vào thai mẹ cũng có thể thành Phật.
Nhưng nếu không vào thai mẹ sẽ có các chúng sanh nghĩ rằng: Bồ Tát này từ đâu đến, là Trời, là Rồng, là Quỷ Thần, là Càn Thát Bà hay biến hóa ra?
Nếu họ nghi ngờ thì họ chẳng thể nghe lãnh giáo pháp chẳng thể tu hành để dứt phiền não. Thế nên Đại Bồ Tát chẳng phải chẳng vào thai mẹ mà thành Phật. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Chớ quan niệm Bồ Tát thật ở thai mẹ, vì Đại Bồ Tát thật chẳng ở thai mẹ.
Tại sao?
Vì Đại Bồ Tát nhập vô cấu định, chẳng xuất định ấy mà rời Đâu Suất Thiên xuống Diêm Phù Đề nhẫn đến ngồi cội bồ đề. Chư Thiên Đâu Suất cho rằng Bồ Tát đã mạng chung chẳng còn trở lại đây. Nhưng lúc ấy Bồ Tát ở Đâu Suất Thiên Thiệt tự bất động mà hiện vào thai thọ ngũ dục hoặc xuất gia và khổ hạnh.
Tất cả chúng sanh cho đó là thiệt, nhưng với Bồ Tát đều là sự biến hóa cả. Bồ Tát biến hóa vào thai thọ ngũ dục hiện tự vui thú xuất gia khổ hạnh, tất cả đều là Bồ Tát biến hóa làm ra.
Tại sao, vì Bồ Tát bấy giờ sở hành thanh tịnh chẳng còn nhập thai, vì từ lâu đã chán lìa. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà hiện thân tợ bạch tượng sáu ngà vào thân mẹ?
Này Đức Tăng! Trong tam thiên đại thiên Thế Giới này, Bồ Tát tối tôn nhất vì Ngài đã thành tựu pháp bạch tịnh nên hiện tợ bạch tượng vương vào thai mẹ, không có Thiên, Long, Quỷ Thần nào làm như vậy mà nhập thai mẹ. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát ở thai mẹ đủ mười tháng rồi sao mới xuất thai?
Vì có các chúng sanh hoặc cho rằng chẳng đủ mười tháng thì thân đồng tử chẳng đầy đủ. Vì thế nên Bồ Tát hiện ở trong thai đủ mười tháng, từ lúc mới vào đến mãn mười tháng, thời gian giữa ấy thường có Chư Thiên đến bên mẹ lễ kính đi nhiễu, bấy giờ Chư Thiên thấy Bồ Tát ở lầu cao bảy báu trang nghiêm hơn cả Cung Trời.
Thấy cảnh tốt ấy, có hai vạn bốn ngàn Thiên Tử phát tâm Vô Thượng bồ đề. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát từ hông hữu của mẹ mà nhập thai?
Hoặc có chúng sanh nghi rằng Bồ Tát do tinh huyết cha mẹ mà sanh. Vì dứt sự nghi ấy và hiện hóa sanh nên từ hông bên hữu mà vào.
Đã từ hông mẹ vào rồi không có vết vào, và Ma Gia Phu Nhân thân tâm khoái lạc từ trước chưa từng có. Đây gọi là Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát khi sanh ra ở tại vườn vắng vẻ chớ chẳng sanh tại trong nhà và trong thành?
Từ trước đến giờ Bồ Tát thường ưa thích chỗ vắng vẻ và tán thán chỗ vắng vẻ, tán than chỗ núi rừng nhàn tĩnh và hành pháp tịch diệt. Nếu Bồ Tát sanh tại trong nhà thì Chư Thiên, Long, Quỷ Thần, Càn Thát Bà chẳng mang hoa hương kỹ nhạc đến cúng dường.
Nhân dân thành Ca Tỳ La Vệ hoang mê phóng dật tự cao chẳng có thể cúng dường Bồ Tát. Vì thế nên Bồ Tát sanh tại chỗ vắng vẻ mà chẳng ở nhà và trong thành. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà mẹ Bồ Tát ngước vịn cành cây vô ưu mà sanh Bồ Tát?
Hoặc có chúng sanh nghi lúc sanh Bồ Tát, Ma Gia Phu Nhân cũng đau đớn khổ não. Như các nữ nhân khác, nên thị hiện thọ khoái lạc lúc sanh Bồ Tát, vì thế mà Ma Gia Phu Nhân ngước vịn cành cây vô ưu mà sanh Bồ Tát. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà lúc sanh, Bồ Tát từ hông bên hữu của mẹ chánh niệm xuất hiện mà chẳng từ thân phần khác?
Trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, Bồ Tát tối tôn tối thắng, chẳng nhân nữ căn trụ, chẳng nhân nữ căn xuất. Đây là nhất sanh bổ xứ Bồ Tát thị hiện như vậy, chẳng phải các người phạm hạnh khác. Vì thế mà Bồ Tát từ hông bên hữu xuất hiện. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát lúc sơ sanh được Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhân dùng bảo y hứng lấy mà chẳng phải Thiên Nhân khác?
Thích Đề Hoàn Nhân xưa phát nguyện này: Bồ Tát lúc sơ sanh tôi sẽ dung bảo y hứng lấy. Do Bồ Tát thiện căn vi diệu nên tăng lợi ích Chư Thiên Tín kính cúng dường. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì lúc vừa sanh ra Bồ Tát đi bảy bước mà chẳng sáu chẳng tám?
Quyết định Bồ Tát có đại thần lực cần tinh tiến đại trượng phu tướng, muốn thị hiện cho chúng sanh mà người khác chẳng thị hiện được như vậy. Nếu do bảy bước lợi ích chúng sanh thì Bồ Tát đi sáu bước, nếu do tám bước lợi ích chúng sanh thì Bồ Tát đi bảy bước.
Vì thế nên không ai đỡ dắt Bồ Tát tự đi bảy bước chẳng phải sáu chẳng phải tám. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì Bồ Tát đi bảy bước rồi xướng lời như vậy: Ở trong Thế Giới ta tối tôn tối thắng lìa già bệnh chết. Lúc bấy giờ trong chúng hàng Đế Thích, Phạm Vương và Chư Thiên Tử có lòng kiêu mạn tự cho mình là cao quí nhất trong Thế Giới, rồi họ cao ngạo không lòng cung kính.
Bồ Tát nghĩ rằng các Thiên Tử này có tâm kiêu mạn, do kiêu mạn họ sẽ mãi mãi thọ khổ đọa ba ác đạo.
Vì thế nên Bồ Tát phát lời nói trên: Trong Thế Giới ta tối tôn tối thắng lìa già bệnh chết. Lúc Bồ Tát xướng như vậy âm thanh vang khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Hoặc có Chư Thiên Bồ Tát chưa tập họp nghe tiếng cõi xướng ấy đều vân tập đến.
Lúc ấy Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc chắp tay cung kính hướng Bồ Tát mà hành lễ, đều bảo nhau rằng: Chưa từng có. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên có gì mà Bồ Tát đi bảy bước rồi cười lớn?
Bồ Tát chẳng do ham muốn mà cười, chẳng do khinh mạn mà cười.
Bấy giờ Bồ Tát suy nghĩ rằng: Các chúng sanh này trước kia có tham sân si và các phiền não nay cũng có như vậy. Trước kia ta đã khuyên họ phát tâm bồ đề, nay ta đã thành mà các chúng sanh ấy biếng lười nên vẫn ở trong sanh tử khổ não chưa dứt được phiền não.
Các chúng sanh này xưa cùng ta đồng thời phát tâm bồ đề, nay ta đã thành vô thượng bồ đề mà các chúng sanh này vì biếng lười nên còn ở trong sanh tử khổ não. Các chúng hạ liệt này vì lợi dưỡng mà chẳng siêng tu tinh tiến cầu nhất thiết trí.
Các chúng sanh này nay còn cung kính lễ bái cúng dường ta. Thuở ấy ta sanh tâm đại bi nay ta đã mãn sở nguyện. Do duyên cớ này mà Bồ Tát cười lớn. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà lúc sơ sanh thân thể Bồ Tát sạch sẽ không cấu uế, mà Đế Thích và Phạm Vương còn tắm rửa Bồ Tát?
Vì muốn cho Đế Thích, Phạm Vương dâng cúng dường và cũng do thế pháp anh nhi sơ sanh phải tắm rửa nên dầu thân sạch sẽ không dơ mà Bồ Tát khiến Thích, Phạm tắm rửa. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà lúc ở chỗ không nhàn, Bồ Tát chẳng liền đến Đạo Tràng mà trở lại vào cung?
Vì bồ Tát muốn các căn đầy đủ nên hiện ở Cung Điện tự vui ngũ dục rồi sau đó bỏ thiên hạ mà đi xuất gia. Lại muốn khuyến hóa người rời bỏ ngũ dục cạo râu tóc mặc pháp phục xuất gia nên thị hiện trở về cung điện mà chẳng ở chỗ không nhàn liền đến Đạo Tràng. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát vừa sanh được bảy ngày, Ma Gia Phu Nhân mạng chung?
Đây là thọ mạng của Phu Nhân hết chẳng phải lỗi nơi Bồ Tát. Trước kia lúc ở cung Trời Đâu Suất, Bồ Tát dùng thiên nhãn thấy Ma Gia Phu Nhân mạng căn mãn mười tháng rồi còn lại bảy ngày, Bồ Tát dùng phương tiện biết Phu Nhân thọ mạng sắp hết mà đến thọ sanh, chẳng phải lỗi do Bồ Tát. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát học các kỹ nghệ sách luận bắn cung cỡi ngựa hành quân mưu lược?
Vì học thế pháp vậy. Trong tam thiên đại thiên Thế Giới không một sự việc gì mà Bồ Tát chẳng biết. Hoặc kệ hoặc từ biện ứng biện, hoặc chú thuật, hoặc hí tiếu, hoặc ca vũ đánh nhạc, hoặc công xảo, lúc sanh ra Bồ Tát đã biết giỏi tất cả. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát nạp Vương phi thể nữ quyến thuộc?
Bồ Tát chẳng vì lý do ái dục.
Tại sao?
Vì Bồ Tát là ly dục trượng phu. Lúc ấy nếu chẳng thị hiện có vợ con, hoặc có chúng sanh sẽ bảo Bồ Tát chẳng phải nam tử trượng phu, nếu nghi như vậy thì chúng sanh sẽ mắc vô lượng tội. Vì muốn dứt sự nghi ấy nên cưới Thích chủng nữ thị hiện có La Hầu La.
Chớ cho rằng La Hầu La là cha mẹ hòa hiệp sanh ra. Chính La Hầu La từ Thiên Cung mạng chung xuống nhập thai chẳng phải do cha mẹ hòa hiệp. Lại do vì La Hầu La có bổn nguyện làm con trai của Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát.
Còn nàng Cù Di thì thuở Phật Nhiên Đăng lúc trao bảy cành hoa sen cho Phạm Chí có nguyện rằng: Từ đây về sau, nhẫn đến Nhất Sanh Bổ Xứ, phạm chí này sẽ luôn là chồng tôi, tôi là vợ của y.
Phạm Chí nhận bảy cành hoa sen ấy rồi nói rằng: Dầu tôi chẳng nhận mà nay sở nguyện của thiện nữ nhân này. Nguyện như vậy rồi chẳng lìa thiện căn bảy hoa sen, vì thế nên Bồ Tát nạp nàng Cù Di làm vợ. Lại nhất sanh Bồ Tát thành tựu thị hiện ở trên cung điện thể nữ. Lúc ấy Bồ Tát thành tựu diệu sắc Chư Thiên cúng dường, thành tựu xuất gia.
Thích chủng nữ đều thấy các sư đầy đủ như vậy tâm nàng chuyên nhất lập nguyện phát bồ đề tâm nguyện tôi có đủ các sự vi diệu như vậy.
Vì khiến Cù Di phát tâm nguyện ấy mà Bồ Tát nạp nàng làm vợ. Lại còn có đại tâm chúng sanh cư gia thọ ngũ dục lạc. Vì khiến họ xả ngũ dục xuất gia nên Bồ Tát thị hiện ở cung điện giàu sang thọ ngũ dục lạc rồi bỏ quyến thuộc đi xuất gia.
Chúng sanh ấy thấy vậy nghĩ rằng: Bồ Tát thọ ngũ dục tối diệu vô thượng mà còn có thể bỏ được đi xuất gia. Lại nữa, vợ con quyến thuộc ấy vốn đều là lúc Bồ Tát hành đạo dùng thiện pháp hóa độ họ, mà họ cũng từng phát nguyện thường làm quyến thuộc của Bồ Tát nhẫn đến Nhất Sanh Bổ Xứ.
Vì muốn tăng ích pháp bạch tịnh cho các người ấy nên Bồ Tát thị hiện cùng họ làm quyến thuộc.
Lại nữa vì muốn giáo hóa bốn vạn hai ngàn thế nữ cho họ phát tâm bồ đề và cũng làm cho nhiều kẻ khác chẳng đọa ác đạo mà Bồ Tát thị hiện ở cung điện với quyến thuộc.
Lại nữa, tất cả nữ nhân đều bị lửa dục thiêu đốt, nếu họ thấy Bồ Tát liền lìa dâm dục. Lại nữa, Bồ Tát biến hóa nhiều thân nhan mạo như nhau. Các nữ nhân kia cùng vui với Hóa Bồ Tát mà đều tưởng là thiệt Bồ Tát.
Lúc ấy Bồ Tát thường tại thiền định tu an lạc hạnh. Như Hóa Bồ Tát thọ ngũ dục không có tưởng dục, cũng vậy, thiệt Bồ Tát từ thuở Nhiên Đăng Phật đến nhất sanh đã rời lìa dâm dục. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện. Xa Nặc và Kiền Trắc bổn nguyện cũng như vậy.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát ngồi dưới cội cây Diêm Phù Đề tư duy?
Đó là vì muốn hóa độ bảy ức Chư Thiên. Lại cũng muốn cha mẹ biết Bồ Tát tất định cạo bỏ râu tóc pháp phục xuất gia.
Lại cũng muốn thị hiện tăng ích trí huệ, bóng cây Diêm Phù Đề theo che mát là vì muốn cho thiện căn chúng sanh tăng ích. Do những cớ ấy mà Bồ Tát ngồi thiền tư duy dưới cây Diêm Phù Đề! Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát chẳng thích ngũ dục xuất thành du quán?
Vì Bồ Tát muốn thị hiện thấy người già bệnh chết vậy. Vì khiến quyến thuộc biết Bồ Tát do sợ già bệnh chết mà xuất gia học đạo, chẳng phải vì cống cao tổn giảm quyến thuộc mà xuất gia, chính vì muốn lợi ích quyến thuộc mà Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát thấy lỗi họa tại gia nên xuất gia.
Nhưng Bồ Tát vì hiển bày khổ già bệnh chết của tất cả chúng sanh nên thị hiện chẳng ưa ngũ dục xuất thành du quán. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà giữa đêm Bồ Tát vượt thành xuất gia?
Vì muốn lợi ích thiện căn cho chúng sanh, Bồ Tát tùy ở chỗ nào đều tăng ích thiện căn cho chúng sanh. Cũng vì pháp bạch tịnh nên xả lìa ngũ dục chẳng bảo quyến thuộc mà đi xuất gia, rời lìa những hoan lạc mà chẳng lìa pháp bạch tịnh, vì các lẽ trên đây mà Bồ Tát nửa đêm vượt thành xuất gia. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát dùng giấc ngủ trùm che cung nhân thể nữ rồi mới đi xuất gia?
Vì muốn mọi người đổ lỗi xuất gia cho Chư Thiên.
Bồ Tát nghĩ rằng: Sau khi ta đi xuất gia, trong hàng thân thuộc hoặc có người sanh lòng sân hận, họ sẽ gây tội đọa ác đạo nên muốn họ tưởng do Chư Thiên khiến cung nhân thể nữ ngủ say rồi mở cửa thành dẫn đường bay trên không mà đi, do đây đối với Bồ Tát họ càng sanh lòng kính tin.
Vì thế mà Bồ Tát thị hiện dùng giấc ngủ che trùm cung nhân thể nữ rồi đi xuất gia. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát sai Xa Nặc dắt bạch mã mang bảo y anh lạc đưa về cung?
Vì muốn quyến thuộc biết Bồ Tát chẳng tham tại gia danh y thượng phục và những châu ngọc anh lạc. Bồ Tát cũng muốn người khác học theo bỏ rời những sở hữu mà xuất gia trong Phật Pháp trì hạnh tứ thánh chủng, duy chẳng được đi xuất gia nếu cha mẹ chẳng cho phép. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Do duyên cớ gì mà Bồ Tát lấy dao tự cắt tóc?
Trong tam thiên đại thiên Thế Giới không có Thiên, Long, Quỷ Thần, Càn Thát Bà, Nhân Phi Nhân nào có thể đương cận oai đức của Bồ Tát huống là có thể kham cắt tóc của Bồ Tát. Lại muốn cho chúng sanh thâm tín rằng vì muốn xuất gia mà Bồ Tát tự cầm dao cắt tóc mình.
Lại vì hộ niệm cho Tịnh Phạn Vương: Vua Tịnh Phạn Vương sanh ác tâm tự thị oai quyền mà truyền rằng ai cạo tóc Thái Tử con trai ta sẽ bị tru lục. Lúc Vua nghe tin Thái Tử tự cầm dao cắt tóc mình, ác tâm của Vua liền dứt. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Này Đức Tăng! Ông nên lắng nghe, do duyên cớ gì mà Bồ Tát khổ hạnh sáu năm?
Đây chẳng phải do túc nghiệp dư báo mà Bồ Tát thọ khổ ấy. Vì muốn cho các chúng sanh ở trong tất cả ác nghiệp báo hay sanh lòng lo sợ mà quy hướng Bồ Tát.
Lại thuở Phật Ca Diếp, Bồ Tát có thốt lời như vậy: Tôi chẳng muốn thấy đạo nhân đầu trọc ấy, đâu có người trọc mà có thể được bồ đề, đạo bồ đề thậm thâm khó được. Việc này cũng là phương tiện của Bồ Tát nên biết ý nghĩa của nó.
Do duyên cớ gì mà Bồ Tát phát lời thô ác ấy?
Này Đức Tăng! Thuở Phật Ca Diếp xuất thế, Bà La Môn tử tên Thọ Đề có năm thân hữu đều là con trai của đại Bà La Môn trước đã học Đại Thừa rồi vì lâu ngày thân cận ác tri thức mà mất tâm bồ đề.
Năm người này phụng sự ngoại đạo chẳng tin Phật Pháp, hiểu ngoại đạo ngữ chẳng hiểu Phật ngữ, hiểu ngoại đạo pháp chẳng hiểu Phật Pháp.
Ngoại Đạo Sư, thầy của năm người này được năm người phụng sự, tự nói ta là Phật Thế Tôn là nhất thiết trí, ta cũng có đạo bồ đề.
Lúc ấy Bà La Môn Tử Thọ Đề muốn dùng phương tiện dẫn dụ năm thân hữu trở lại thành bảo khí chuyển đổi tà tâm ngoại đạo của họ, nên đến nhà nga sư nói rằng: Nay tôi muốn thấy đạo nhân đầu trọc, đâu có người trọc mà có thể được bồ đề, đạo bồ đề thậm thâm khó được. Ít lúc sau, thọ Đề cùng năm thân hữu cùng ở chỗ vắng, ngõa sư đến hướng Thọ Đề tán thán Phật Ca Diếp Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, và bảo Thọ Đề cùng đến chỗ Phật.
Thọ Đề suy nghĩ rằng năm thân hữu này thiện căn chưa thục, nếu tôi khen Phật mà chê ngoại Đạo Sư thì họ sẽ nghi ngờ, vậy chưa nên đến chỗ Phật.
Suy nghĩ rồi Thọ Đề vì tự hộ bổn nguyện, vì bát nhã Ba la mật báo hành phương tiện nên nói với ngõa sư rằng: Tôi chẳng muốn thấy Đạo Nhân đầu trọc ấy, đâu có người trọc mà có thể được bồ đề, đạo bồ đề thậm thâm khó được.
Này Đức Tăng! Thế nào là bát nhã Ba la mật báo?
Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không có niệm tưởng bồ đề không có niệm tưởng Phật, bấy giờ chẳng thấy Phật chẳng thấy bồ đề, cũng chẳng ở trong thấy bồ đề cũng chẳng ở ngoài thấy bồ đề, cũng chẳng ở trong ngoài thấy bồ đề như vậy biết rằng bồ đề không, không có pháp.
Vì Thọ Đề biết tất cả pháp không có vì hành phương tiện nên nói: Tôi chẳng muốn thấy Đạo Nhân đầu trọc, đâu có người trọc mà có thể được bồ đề, đạo bồ đề thậm thâm khó được.
Này Đức Tăng! Lúc khác, Thọ Đề cùng năm người đến bên sông, do thần lực của Phật để hóa độ năm người nên ngõa sư đến hướng Thọ Đề nói: Ông nên cùng tôi đồng đến chỗ Phật cúng dường lễ bái tôn trọng tán thán, Phật xuất thế rất là khó gặp. Thọ Đề chẳng chịu đi. Ngõa sư liền nắm tóc Thọ Đề kéo đi theo mình thẳng đến chỗ Phật.
Năm thân hữu thấy vậy nghĩ rằng: Theo quốc pháp nếu ai bị người nắm tóc kéo mà cáo quan thì người nắm tóc kéo bị tử tội. Nay Đức Phật ấy có công đức gì mà khiến ngõa sư chẳng kể tử tội nắm tóc Thọ Đề kéo đến chỗ Phật. Vì suy nghĩ như vậy, nên năm người khuynh tâm đi đến chỗ Phật, đã thấy Phật rồi bổn nguyện liền phát sanh lòng kính tin.
Sanh lòng kính tin rồi liền ở trước Phật trách Thọ Đề: Đức Thế Tôn đây có oai đức như vậy, trước anh đã nghe sau chẳng có lòng kính tin. Năm người ấy thấy oai Đức Phật lại nghe thuyết pháp nên trở lại phát tâm vô thượng bồ đề.
Phật Ca Diếp vì họ mà nói Bồ Tát tạng Bất Thối Chuyển Luân Đà La Ni kim cương cú vô sanh pháp nhẫn. Năm người ấy nghe pháp liền được vô sanh pháp nhẫn.
Này Đức Tăng! Thuở ấy nếu Thọ Đề tán thán Phật Ca Diếp mà chẳng tán thán ngoại Đạo Sư thì năm người thân hữu ấy sẽ chẳng chịu đến gặp Phật huống là sanh lòng kính tin.
Này Đức Tăng! Vì giáo hóa năm người ấy cho họ học Đại Thừa nên Thọ Đề dùng bát nhã Ba la mật quả báo thật hành phương tiện mà nói rằng: Tôi chẳng muốn thấy Đạo Nhân đầu trọc, đâu có người trọc mà có thể được bồ đề, đạo bồ đề rất sâu khó được.
Này Đức Tăng! Bất thối bồ đề đối với Phật không nghi, đối với bồ đề không nghi, đối với Phật Pháp không nghi. Đây gọi là Đại Bồ Tát hành phương tiện.
Lại nữa, Bồ Tát vì giáo hóa năm người và tự hiển thị nghiệp báo do nghiệp chướng nên hiện khổ hạnh sáu năm. Chẳng phải như những chúng sanh khác chẳng thấy chẳng biết dối với Sa Môn Bà La Môn trì giới nói lên lời ác ngôn như vậy.
Hoặc biết chẳng biết, hoặc hiểu chẳng hiểu, những chúng sanh ấy mãi mãi thọ khổ chẳng được lợi ích, phải đọa ba ác đạo.Vì những chúng sanh ấy tự hiện tạo nghiệp cũng tự hiện thọ báo nên Đức Như Lai thị hiện thọ báo ấy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba