Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BẢY

PHÁP HỘI MẶC GIÁP TRANG NGHIÊM  

PHẦN BẢY  

Đức Phật phán tiếp: Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát ở nơi cảnh giới vô biên giáp trụ, cảnh giới vô biên đại thừa và cảnh giới vô biên đại đạo mà hướng đến.

Tại sao vậy?

Vì có thể tùy nhập tất cả xứ vậy.

Vì Chư Đại Bồ Tát muốn tùy nhập tất cả pháp vậy.

Vì mặc đại giáp trụ là muốn tùy nhập tất cả pháp vậy.

Vì ngồi nơi đại thừa là muốn tùy nhập tất cả pháp vậy.

Vì an trụ đại đạo này ở nơi tất cả pháp được bình đẳng mà hướng đến vậy.

Nhưng ở giáp trụ này chẳng có được chút ít pháp nào hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc xa hoặc gần, hoặc quá khứ hiện tại vị lai, hoặc hữu vi vô vi, hoặc trụ. Hoặc chẳng trụ.

Nơi tất cả pháp, nếu giáp trụ này chẳng tuyển trạch được, chẳng quyết liễu được chẳng biết khắp được, chẳng tùy nhập được, chẳng tác chứng được, chẳng siêu quá được, thì chẳng thể gọi là mặc đại giáp trụ.

Nơi tất cả pháp, nếu giáp trụ này tuyển trạch được, quyết liễu được, biết khắp được, tùy nhập được, tác chứng được, siêu quá được thì mới được gọi là mặc đại giáp trụ.

Lại đại thừa này không có chút pháp nào hoặc trong hoặc ngoài, nhẫn đến hồi hướng nhất thiết chủng trí, biết khắp, tùy nhập tác chứng và siêu quá được nên gọi thừa này là đại thừa, là pháp thiện xảo thừa, là Niết Bàn thừa, là vô thượng thượng thừa, là vô đẳng đẳng thừa.

Lại đại đạo này cũng không có chút pháp nào hoặc trong hoặc ngoài, nhẫn đến có thể ở nơi tất cả pháp hành chánh đại đạo mà hướng đến.

Đạo bình chánh này không có chút pháp nào mà chẳng biết khắp, thế nên đạo này gọi là vô thượng đạo, vô số lượng đạo, vô đẳng đẳng đạo.

Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát mặc đại giáp trụ, các Ngài có thể khắp tùy nhập trong hiện hành tâm và tâm sở của tất cả chúng sanh, có thể khắp làm sạch hết tạp nhiễm phiền não của tất cả chúng sanh.

Các Ngài ngồi nơi đại thừa làm thêm lớn căn lành cho tất cả chúng sanh. Các Ngài an trụ đại đạo này khuyến hóa chúng sanh với tất cả pháp lành.

Này Vô Biên Huệ! Vì mỗi mỗi chúng sanh mỗi mỗi tâm hành cùng tận mé sanh tử mãi mãi lưu chuyển, nên Chư Đại Bồ Tát cầu thuốc trí huệ, chẳng rời bỏ giáp trụ mà có thể kiên cố mặc đại giáp trụ, mặc vô lượng giáp trụ, mặc nan tư giáp trụ, mặc thanh tịnh giáp trụ, mặc vô biên giáp trụ, mặc vô thủ giáp trụ.

Mặc giáp trụ biết tâm tưởng của chúng sanh, mặc giáp trụ biết không có chúng sanh, mặc giáp trụ biết không có ngã, mặc giáp trụ biết tự tánh của chúng sanh, mặc giáp trụ tùy giác tự tánh của chúng sanh, mặc giáp trụ biết tự tánh của ngã, mặc giáp trụ tùy giác tự tánh của ngã.

Mặc giáp trụ biết tự tánh bên trong, mặc giáp trụ tùy giác tự tánh bên trong, mặc giáp trụ biết tự tánh bên ngoài, mặc giáp trụ tùy giác tự tánh bên ngoài, mặc giáp trụ biết tự tánh trong ngoài, mặc giáp trụ tùy giác tự tánh rtong ngoài, mặc giáp trụ biết tự tánh các pháp, mặc giáp trụ tùy giác tự tánh các pháp, mặc giáp trụ biết tất cả pháp vô sở đắc.

Mặc giáp trụ biết tự tánh các pháp vô sở đắc, mặc giáp trụ biết rõ tất cả pháp, mặc giáp trụ vô biên, mặc giáp trụ vô trung, mặc giáp trụ vô trung biên, mặc giáp trụ chẳng quá khứ, mặc giáp trụ chẳng vị lai, mặc giáp trụ chẳng hiện tại, mặc giáp trụ vô tác, mặc giáp trụ không tác giả.

Này Vô Biên Huệ! Với giáp trụ ấy, Chư Đại Bồ Tát cũng không có mặc, cũng chẳng tùy giác, cũng chẳng quyết liễu, cũng chẳng xuất ly, cũng chẳng hiện chứng.

Vì không giáp trụ mà mặc giáp trụ. Vì chẳng tùy giác mà hay tùy giác. Vì chẳng quyết liễu mà hay qưyết liễu. Vì chẳng xuất ly mà hay xuất ly. Vì chẳng hiện chứng mà hay hiện chứng.

Vì không có thừa mà ngồi đại thừa. Chẳng ở nơi đại thừa mà có thi thiết. Không có chỗ thi thiết mà làm thi thiết. Nhưng ở nơi đại thừa không có chút thi thiết.

Nếu có thi thiết thì là chẳng phải thi thiết vì nơi thi thiết kia bất khả đắc vậy.

Vì bất khả đắc nên cũng không có thừa, dùng thừa để an trụ, dùng vô sở đắc mà an trụ đại thừa, rời xa hướng đến, chẳng tới cứu cánh, chẳng tới Niết Bàn.

Vì bất khả đắc nên chẳng phải đạo làm đạo, hướng đến nơi đạo do vì bình chánh. Đạo bình chánh ấy không chỗ thi thiết, ai làm thi thiết, chỗ nào thi thiết, từ đâu thi thiết.

Cũng không có tác, không có tác giả. Cũng chẳng phải hòa hiệp, chẳng phải chẳng hòa hiệp. Tất cả đều nhàm rời, tất cả đều chẳng cầu.

Tại sao vậy?

Đạo bình chánh ấy với tất cả pháp chẳng dị chẳng đồng. Vì chẳng tương ưng nên chẳng sanh khởi cảm tưởng pháp, rời tất cả pháp, không cấu không tịnh. Pháp tánh cũng vậy không cấu không tịnh. Vì thế nên đạo ấy gọi là đạo vô nhiễm. Dùng bất khả tiến mà làm tiến lên, dùng bất khả nhiếp mà làm nhiếp thủ.

Đạo ấy thậm thâm: Không sanh không khởi, không xuất không tác, không đắc không hành, không xứ không trụ, không chướng không sự. Nơi tất cả sự mà có thể hiển hiện rõ ràng. Nơi tất cả sự mà không sai biệt. Chẳng xoay chuyển theo sự. Do vì vô sự mà đến chỗ vô thượng.

Này Vô Biên Huệ! Nơi giáp trụ ấy, thừa ấy, đạo ấy, Chư Đại Bồ Tát phải biết như vậy. Nhưng giáp trụ ấy, thừa ấy và đạo ấy không chỗ thấy được, không chỗ biết được.

Vì bất khả đắc vậy. Ai mặc giáp trụ, ai ngồi thừa ấy, ai làm đạo ấy, cũng chẳng thấy được, cũng chẳng biết được, cũng chẳng thể được.

Này Vô Biên Huệ! Nếu Chư Đại Bồ Tát nghe pháp ấy rồi mà chẳng kinh chẳng sợ, đọc tụng tuyên nói, nơi pháp lý thú không có sai trái, tùy thuận tu hành mà sanh lòng ưa thích, nhập vào thắng giải. Vì pháp ấy mà phải siêng năng tinh tiến.

Nếu ở nơi pháp ấy mà quyết định lý thú phương tiện khôn khéo có kham năng, thì là mặc giáp trụ ấy, ngồi nơi thừa ấy, hành ở đạo ấy.

Vì ở nơi thâm pháp vô sở đắc ấy mà hướng đến, nên hết bờ sanh tử, là bậc Chánh Giác, có thể dùng vô biên công đức trang nghiêm để xuất hiện ở thế gian.

Này Vô Biên Huệ! Ở trong pháp ấy, Chư Đại Bồ Tát phải sanh lòng ưa thích phát khởi đại tinh tiến mà không phóng dật.

Ở nơi pháp sâu xa này, nếu có chúng sanh nào vừa sanh lòng ưa thích, ta bảo người ấy được lợi, ích rất lớn. Huống là người có thể siêng năng tinh tiến chẳng phóng dật giới hạnh thanh tịnh mà hướng đến.

Này Vô Biên Huệ! Ông xem pháp ấy bao nhiêu là rộng lớn, bao nhiêu là thù thắng, bao nhiêu là thanh tịnh! Ta ở nơi pháp ấy ân cần khen ngợi muốn khiến chúng sanh phát lòng ưa thích, họ sẽ được mãi mãi an ổn khoái lạc lợi ích. Vì là nhàm lìa, vì là tịch diệt, vì là biết khắp vậy.

Này Vô Biên Huệ! Ông lại nên xem pháp ấy có thể trao cho đầy đủ sự an lạc thế gian và xuất thế gian. Có bao nhiêu chúng sanh thiếu thốn, vì họ ở nơi thâm pháp ấy mà thối thất, nên họ rời xa tất cả sự đầy đủ an vui thế gian và xuất thế gian vậy.

Này Vô Biên Huệ! Ông lại xem nơi Đức Như Lai hiện tiền Pháp Bảo thậm thâm ấy, bao nhiêu là đầy đủ lợi ích, bao nhiêu là dễ được! Nay ở nơi pháp thậm thâm ấy ông phải siêng tu tập. Lúc ta diễn nói Pháp Bảo ấy, có những hạng ngu phu còn chẳng muốn nghe huống là có thể thọ trì. Đức Như Lai hiện tiền Pháp Bảo đầy đủ lợi ích, họ chẳng thích lắng nghe, chẳng muốn thưa hỏi.

Nếu ở thời kỳ mạt thế năm trăm năm sau, lúc chánh pháp diệt, Đức Phật và Pháp Bảo cùng người trì pháp cả ba ngôi báu đều chẳng còn, họ làm sao có thể thích nghe muốn hỏi được.

Này Vô Biên Huệ! Mặc dầu vậy nhưng lúc sau ấy, nếu người được Đức Như Lai khéo gia trì, cũng làm cho họ được Pháp Bảo thậm thâm ấy.

Này Vô Biên Huệ! Thời kỳ bố úy kia, Pháp Bảo thậm thâm ấy thiệt không có tổn giảm cũng không diệt tận, chỉ vì ở nơi pháp ấy không có ai lắng nghe, không có ai thọ trì.

Ngoại trừ những người ở trước Đức Phật khát ngưỡng lắng nghe mặc giáp trụ, đến thời kỳ ấy họ sẽ có thể ưa thích lắng nghe thọ trì Pháp Bảo ấy.

Thời kỳ sau ấy, chúng sanh nào nghe pháp ấy rồi có thể sanh lòng tin thanh tịnh, ta bảo người ấy sẽ được thành tựu Pháp Bảo quảng đại ấy. Huống là những người hiện nay ở trong Pháp Bảo ấy mà có thể sanh lòng tin thanh tịnh siêng tu hành.

Này Vô Biên Huệ! Lúc mặc giáp trụ vô thượng vô lượng tối đại, Chư Đại Bồ Tát phải nghĩ rằng: Tôi vì tất cả chúng sanh thiếu thốn, đó là những kẻ thiếu giới, thiếu nghe, thiếu huệ, thiếu giải thoát, thiếu giải thoát tri kiến, nên đem Pháp Bảo lớn này để làm cho họ được đầy đủ.

Do vì Pháp Bảo lớn này làm cho đầy đủ, nên tất cả chỗ thiếu thốn của họ đều được rời bỏ. Làm cho họ được đầy đủ những tài sản giới, văn, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Làm tắt hết những lửa tham sân si. Làm lành tất cả bệnh tật.

Thuốc hay vô thượng làm cho họ được uống. Nhờ uống thuốc ấy mà các bệnh đều tiêu trừ được đại an lạc, rời hẳn hữu dư mà chứng thanh lương tánh vô thượng Niết Bàn. Không còn thừa những tư duy quán sát, chẳng cầu tất cả hữu vi vô vi.

Tại sao vậy?

Bởi Niết Bàn này là tối thượng an lạc, tất cả chỗ đáng cầu đều không còn thừa vậy. Chỗ cầu đã thôi hẳn đã dứt hết vậy.

Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát mặc đại giáp trụ như vậy rồi lại vì thương xót nhiếp thủ tất cả các chúng sanh mà ngồi đại thừa ấy. Với đại thừa ấy, Chư Phật quá khứ đã ngồi mà xuất ly, Chư Phật vị lai sẽ ngồi mà xuất ly, Chư Phật hiện tại hiện đang ngồi mà xuất ly, không có người đi, cũng không có thừa, cũng không có xuất ly.

Tại sao vậy?

Vì là không, là vô tướng, là vô nguyện, là vô sanh, là không tác giả vậy. Chẳng phải đã xuất ly, chẳng phải nay xuất ly, chẳng phải sẽ xuất ly.

Người ngồi thừa ấy xuất ly như thế, là khéo xuất ly mà không chấp trước, với tất cả pháp chẳng phải có hòa hiệp, chẳng phải không hòa hiệp, không lai không khứ. Lúc thừa ấy ở nơi đạo mà xuất ly cũng chẳng phải hòa hiệp chẳng phải chẳng hòa hiệp, không lai không khứ.

Lúc thừa ấy, đạo ấy ở nơi đại giáp trụ mà xuất ly, cũng chẳng phải hoà hiệp chẳng phải chẳng hòa hiệp, không lai không khứ, vì bất khả đắc vậy.

Này Vô Biên Huệ! Chư Đại Bồ Tát dùng giáp trụ ấy, thừa ấy và đạo ấy mà hướng đến vô thượng bồ đề. Lại lúc dùng giáp trụ ấy, thừa ấy, đạo ấy mà hướng đến, Đại Bồ Tát chẳng nghĩ hoặc pháp phàm phu, hoặc pháp Thanh Văn, hoặc pháp Duyên Giác, hoặc pháp Chư Phật, những pháp ấy đối với tôi hoặc xa hoặc gần.

Đại Bồ Tát cũng chẳng nghĩ hoặc pháp không, hoặc pháp vô tướng, hoặc pháp vô nguyện, hoặc pháp vô sanh, hoặc pháp vô tác, những pháp ấy đối với tôi hoặc xa hoặc gần.

Đại Bồ Tát cũng chẳng nghĩ hoặc pháp yểm, hoặc pháp ly, hoặc pháp diệt, nhẫn đến Đại Bát Niết Bàn, những pháp ấy đối với tôi hoặc xa hoặc gần.

Này Vô Biên Huệ! Đại giáp trụ ấy, thừa ấy và đạo ấy, tất cả Bồ Tát, tất cả Duyên Giác, tất cả Thanh Văn và tất cả chúng sanh chẳng làm động được mà hướng đến vô thượng bồ đề.

Này Vô biên Huệ! Chư Phật Thế Tôn ở nơi giáp trụ ấy, thừa ấy và đạo ấy được bất động rồi các Ngài Bát Niết Bàn.

Tại sao vậy?

Vì tất cả các pháp chẳng thể động được. Vì tất cả pháp tánh, tướng của pháp tánh, tướng của viễn ly vậy, tướng thanh tịnh vậy, khắp thanh tịnh vậy. Chẳng thể dùng tướng mà làm quan sát, làm thắng quan sát, làm khắp quan sát.

Tất cả Pháp Tướng, tánh của Pháp Tướng, chẳng thể dùng tánh mà làm quan sát, làm thắng quan sát, làm khắp quan sát. Tất cả các pháp không tánh không tướng chẳng hiển bày được, chẳng nói phô được. Đây là tánh tướng chân thiệt của các pháp.

Này Vô Biên Huệ! Cũng vậy, giáp trụ ấy, thừa ấy, đạo ấy, tướng chân thiệt của nó chẳng thể hiện bày chẳng thể nói phô được. Vì khiến chúng sanh sẽ biết rõ để tăng trưởng ánh sáng tất cả pháp, nên ở nơi giáp trụ ấy, thừa ấy, đạo ấy, ta giả thi thiết mà nói lược.

Nay nếu ông muốn ở nơi giáp trụ ấy, thừa ấy, đạo ấy theo nghĩa mà thật hành, ông chớ dùng thi thiết, chớ dùng hiển bày, chớ dùng nói phô, mà phải tùy theo nghĩa để thật hành. Theo nghĩa để thật hành ấy không có chút gì phải thật hành cũng không có chút gì tùy theo thật hành.

Nếu là phi nghĩa thì chẳng nên tùy theo thật hành. Nếu là thị nghĩa thì phải tùy theo thật hành. Lúc tùy theo nghĩa thật hành, chẳng theo tiếng sẽ thật hành, chẳng theo chữ để thật hành, chẳng theo lời để thật hành, chẳng theo hành giả, cũng chẳng theo nó mà chuyển.

Những gì là nghĩa?

Đó là bí mật thuyết vậy. Ở nơi bí mật thuyết phải theo đó mà tỏ ngộ, phải dùng lòng tin mà thật hành. Dùng lòng tin thật hành thì ở trong thị nghĩa không có phân biệt. Nơi vô phân biệt mới nên tùy theo thật hành. Nên tùy theo thật hành đây chính là chẳng thật hành cũng chẳng tùy theo thật hành.

Tại sao vậy?

Ờ trong thị nghĩa không có chút thật hành, không có chút tùy theo thật hành, không có chút khắp thật hành.

Vì rời xa thật hành nên chẳng nên tùy theo thật hành:

Chẳng tùy theo chỗ tương ưng với bồ đề mà thật hành, chẳng tùy theo chỗ tương ưng với lưu chuyển mà thật hành.

Ở nơi tương ưng và chẳng tương ưng ấy đều chẳng phải tác ý, đều chẳng phải chánh niệm, vi niệm thanh tịnh vậy. Vì thế nên chẳng nên tùy theo thật hành.

Này Vô Biên Huệ! Ở trong thị nghĩa, ông nên tùy hành chớ có tùy hành khác. Nếu tùy hành khác thì la quên mất mà theo dõi âm thanh, theo dõi văn tự, theo dõi ngôn ngữ. Nơi ngôn ngữ ấy chẳng rời bỏ được.

Biết khắp âm thanh, siêu quá văn tự, giác ngộ ngôn ngữ thì chẳng theo nó mà hành, thì chẳng lưu chuyển.

Ở trong thị nghĩa, tùy hành như vậy, tùy nhập như vậy thì không có chút hành, vì hành đã dứt hết vậy.

Này Vô Biên Huệ! Lúc ở nơi thị nghĩa mà hành thì chớ có lấy hành mà hành nơi nghĩa. Nếu chẳng lấy hành mà hành nơi nghĩa thì là chẳng đến cũng chẳng lui về.

Nếu được chẳng đến chẳng lui thì ở nơi giáp trụ ấy, thừa ấy, đạo ấy được tùy thuận hướng đến vô thượng bồ đề mà làm lợi ích lớn cho chúng sanh.

Này Vô Biên Huệ! Nếu ở nơi pháp ấy nói như vậy, tùy theo nghĩa mà hành, có thể tùy nhập được thì tâm chẳng điên đảo không có nghi hoặc, thành tựu thắng giải. Ở nơi giáp trụ ấy, thừa ấy, đạo ấy, nếu chưa nhiếp thủ thì được nhiếp thủ chóng sẽ hướng đến.

Nếu có ai chưa mặc giáp trụ ấy thì sẽ chóng đuợc mặc. Nếu có ai chưa ngồi nơi thừa ấy thì sẽ chóng được ngồi. Nếu có ai chưa an trụ nơi đạo ấy thì sẽ chóng được an trụ.

Vô Biên Huệ! Những chúng sanh ấy sẽ nhiếp lấy phước đức tư lương rộng lớn, được Chư Phật Thế Tôn hộ niệm, với pháp không sai trái, đồng hàng với Chư Tăng.

Này Vô Biên Huệ! Ông đã nhiếp thủ vô lượng thiện căn, ở thuở mạt thế sau, ông sẽ dùng pháp ấy nhiếp lấy chúng sanh, ông sẽ vì chúng sanh mà gánh vác lấy gánh nặng, được phước đức vô lượng, khó nói kể được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần