Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Ba - Pháp Hội Phổ Minh Bồ Tát - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT 

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI BA

PHÁP HỘI PHỔ MINH BỒ TÁT  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe một lúc Đức Phật ở thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật cùng Chúng Đại Tỳ Kheo tám ngàn người câu hội. Đại Bồ Tát vạn sáu ngàn người đều là bậc bất thối chuyển từ các Phật Độ đến họp, đều là bậc nhất sanh thành Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp: Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn pháp thối thất trí huệ.

Một là chẳng tôn trọng pháp chẳng kính Pháp Sư.

Hai là được thọ thâm pháp bí ẩn chẳng nói hết.

Ba là có người ưa thích pháp thì làm chướng nạn nói các nhân duyên làm trở hoại lòng họ.

Bốn là kiêu mạn tự cao ti hạ người khác.

Đây là Bồ Tát bốn pháp thối thất trí huệ.

Lại này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn pháp được đại trí huệ:

Một là thường tôn trọng pháp cung kính Pháp Sư.

Hai là tùy theo pháp được nghe dùng tâm thanh tịnh mà rộng giảng nói cho người chẳng cầu tất cả danh văn lợi dưỡng.

Ba là biết rằng từ đa văn mà sanh trí huệ nên siêng cầu chẳng lười như cứu cháy đầu.

Bốn là nghe Kinh tụng trì thích như thuyết thật hành chẳng theo ngôn thuyết.

Đây là Bồ Tát bốn pháp được đại trí huệ.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn pháp mất tâm bồ đề:

Một là khi dối sư trưởng chẳng cung kính Kinh Pháp đã thọ.

Hai là chỗ không có nghi hối mà làm người khác nghi hối.

Ba là người cầu đại thừa mắng rầy chê bai bêu xấu họ.

Bốn là dùng tâm siểm khúc mà tùng sự nơi người.

Đây là Bồ Tát bốn pháp mất tâm bồ đề.

Lại này Đại Cá Diếp! Bồ Tát bốn pháp đời đời chẳng mất tâm bồ đề nhẫn đến lúc ngồi Đạo Tràng tự nhiên hiện tiền:

Một là dầu là nhân duyên mất mạng cũng chẳng vọng ngữ huống là chơi cười.

Hai là thường dùng trực tâm tùng sự cho người rời lìa siểm khúc.

Ba là đối với Chư Bồ Tát tưởng là Phật hay xưng dương danh hiệu các Ngài khắp bốn phương.

Bốn là tự mình chẳng yêu thích pháp tiểu thừa có giáo hóa ai đều khiến họ an trụ vô thượng bồ đề.

Đây là Bồ Tát bốn pháp chẳng mất tâm bồ đề nhẫn đến Đạo Tràng tự nhiên hiện tiền.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn pháp mà pháp lành đã được sanh phải mất chẳng tăng trưởng:

Một là dùng tâm kiêu mạn đọc tụng tu học Kinh Lộ Già Gia.

Hai là lòng tham lợi dưỡng đến nhà Đàn Việt.

Ba là ghét và hủy báng Bồ Tát.

Bốn là với Kinh chưa nghe thì trái nghịch chẳng tin.

Đây là Bồ Tát bốn pháp làm mất chẳng tăng trưởng pháp lành đã sanh.

Lại này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn pháp mà pháp lành được sanh tăng trưởng chẳng mất.

Một là bỏ lìa tà Pháp cầu chánh Kinh Điển Lục Ba La Mật Bồ Tát Pháp Tạng.

Hai là lòng không kiêu mạn đối với chúng sanh khiêm ti Hạ Hạ.

Ba là như pháp được bố thí biết vừa biết đủ lìa các tà mạng an trụ Thánh chủng.

Bốn là chẳng bêu tội lỗi hư thiệt của người chẳng cầu chỗ dỡ của người.

Nếu ở các pháp lòng mình chẳng thông đạt thì nghĩ rằng:

Phật Pháp vô lượng tùy chỗ thích của chúng sanh mà thuyết pháp cho họ, chỉ có Phật biết chẳng phải chỗ hiểu của tôi, lấy Phật làm chứng mà chẳng sanh lòng trái nghịch.

Đầy là Bồ Tát bốn pháp mà pháp lành đã sanh thì tăng trưởng chẳng mất.

Này Đại Ca Diếp! Có bốn tâm siểm khúc mà Bồ Tát phải xa lìa:

Một là ở trong Phật Pháp thì sanh lòng nghi hối.

Hai là đối với chúng sanh thì kiêu mạn sân hận.

Ba là với lợi dưỡng của người thì sanh lòng tật đố.

Bốn là mắng chửi Bồ Tát bêu tiếng xấu các Ngài.

Đây là bốn tâm siểm khúc mà Bồ Tát phải xa lìa.

Lại này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn tướng trực tâm:

Một là có phạm tội không phú tàng mà phát lộ với người lòng không phiền muộn.

Hai là nếu mất nước thân mạng tài sản, gặp lúc sự việc gấp ấy cũng chẳng vọng ngữ chẳng nói khác.

Ba là tất cả sự ác hủy báng mắng nhiếc đánh đập trói buộc, lúc bị các sự khổ nạn như vậy chỉ tự trách mình tự y theo nghiệp báo chẳng giận hờn ngươi.

Bốn là an trụ tín lực nếu nghe Phật Pháp thậm thâm khó tin thì tin mình thanh tịnh có thể đều thọ trì cả.

Đây là Bồ Tát có bốn tướng trực tâm.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn tướng bại hoại:

Một là đọc tụng Kinh Điển mà sanh hý luận chẳng thật hành theo pháp.

Hai là chẳng có thể cung kính phụng thuận Sư Trưởng khiến lòng các Ngài vui đẹp.

Ba là làm tổn sự cúng dường của người tự trái bổn thệ mà thọ tín thí.

Bốn là Bồ Tát tốt thì khinh mạn bất kính. Đây là Bồ Tát có bốn tướng bại hoại.

Lại này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn tướng thiện thuận:

Một là Kinh chưa được nghe, nghe rồi tín thọ thật hành như lời y chỉ nơi pháp chẳng y theo ngôn thuyết.

Hai là tùy thuận sự giáo hay biết ý chỉ dễ dàng cùng thưa nói chỗ làm đều hay giỏi chẳng sai ý Sư Trưởng.

Ba là chẳng thối giới định dùng tâm điều thuận mà thọ cúng dường.

Bốn là thấy Bồ Tát tốt thì cung kính yêu thích tùy thuận người lành bẩm thọ Đức Hạnh.

Đây là Bồ Tát có bốn tướng điều thuận.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn tướng sai lầm:

Một là với người chẳng tin được mà đồng ý với họ.

Hai là với chúng sanh phi khí mà thuyết pháp thậm thâm.

Ba là với người thích đại thừa lại tán thán tiểu thừa cho họ.

Bốn là lúc bố thí chỉ cho người trì giới người lành mà không cho người ác.

Đây là Bồ Tát có bốn tướng sai lầm.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn chánh đạo:

Một là đối với chúng sanh có tâm bình đẳng.

Hai là khắp giáo hóa chúng sanh đồng dùng Phật huệ.

Ba là đối với chúng sanh bình đẳng thuyết pháp.

Bốn là khắp làm cho chúng sanh đồng an trụ chánh hạnh.

Đây là Bồ Tát có bốn chánh đạo.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn chẳng phải thiện tri thức chẳng phải thiện đẳng lữ:

Một là người cầu Thanh Văn chỉ muốn tự lợi.

Hai là người cầu Duyên Giác vui thích ít sự.

Ba là đọc ngoại điển Lộ Già Gia Tỳ văn từ nghiêm sức.

Bốn là người được thân cận chỉ thêm thế lợi chẳng lợi ích chánh pháp.

Đây là Bồ Tát có bốn phi thiện tri thức phi thiện đẳng lữ.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn thiện tri thức bốn thiện đẳng lữ:

Một là người đến cầu xin cầu học là thiện tri thức vì là nhân duyên Phật Đạo.

Hai là người hay thuyết pháp là thiện tri thức vì sanh trí huệ.

Ba là người hay bảo người khác khiến xuất gia là thiện tri thức vì tăng trưởng thiện pháp.

Bốn là Chư Phật Thế Tôn là thiện tri thức vì tăng trưởng tất cả Phật Pháp vậy.

Đây là Bồ Tát bốn thiện tri thức bốn thiện đẳng lữ.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn phi Bồ Tát mà tợ Bồ Tát:

Một là tham cầu lợi dưỡng mà chẳng cầu pháp.

Hai là tham cầu danh xưng mà chẳng cầu phước đức.

Ba là tham cầu tự vui mà chẳng cứu chúng sanh để diệt pháp khổ.

Bốn là thích tụ họp đồ chúng mà chẳng thích xa lìa.

Đây là bốn phi Bồ Tát mà tợ Bồ Tát.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn chân thiệt Bồ Tát:

Một là hay tin hiểu không mà cũng tin nghiệp báo.

Hai là biết tất cả pháp không có ngô ngã mà đối với chúng sanh khởi tâm đại bi.

Ba là rất thích Niết Bàn mà đi trong sanh tử.

Bốn là thật hành sả thí đều vì chúng sanh mà chẳng cầu báo.

Đầy là bốn chân thiệt Bồ Tát.

Này Đại ca Diếp! Bồ Tát có bốn Đại Tạng:

Một là nếu Bồ Tát được gặp Chư Phật.

Hai là hay nghe Sáu Ba La Mật và nghĩa giải ấy.

Ba là dùng tâm vô ngại nhìn người thuyết pháp.

Bốn là thích hạnh viễn ly tâm không giải đãi.

Đây là Bồ Tát có bốn Đại Tạng.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn pháp hay quá ma sự:

Một là thường chẳng bỏ rời tâm bồ đề.

Hai là đối chúng sanh lòng không giận hại.

Ba là biết rõ các tri kiến, bốn là lòng chẳng khinh tiện tất cả chúng sanh.

Đây là Bồ Tát bốn pháp hay vượt khỏi ma sự.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn pháp nhiếp các thiện căn:

Một là ở tại chỗ không nhàm rời lìa tâm siểm khúc.

Hai là ở trong các chúng sanh hành bốn nhiếp pháp mà chẳng cầu báo.

Ba là vì cầu pháp nên chẳng tiếc thân mạng.

Bốn là tu các thiện căn lòng không chán đủ.

Đây là Bồ Tát bốn pháp nhiếp các thiện căn.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát có bốn vô lượng phước đức trang nghiêm:

Một là dùng tâm thanh tịnh mà thật hành pháp thí.

Hai là ở nơi người phá giới sanh lòng đại bi.

Ba là ở trong các chúng sanh ca ngợi tuyên dương tâm bồ đề.

Bốn là đối với những kẻ hạ liệt thì tu tập nhẫn nhục.

Đây là Bồ Tát có bốn vô lượng phước đức trang nghiêm.

Lại này Đại Ca Diếp! Gọi là Bồ Tát ấy chẳng phải chỉ danh tự là Bồ Tát mà người hay thật hành pháp lành thật hành tâm bình đẳng thì gọi là Bồ Tát.

Lược nói người thành tựu được ba mươi hai pháp thì gọi là Bồ Tát:

Một là thường vì chúng sanh thâm cầu an lạc đều làm cho họ được an trụ trong Nhất Thiết trí.

Hai là lòng chẳng ganh ghét trí huệ của người.

Ba là phá hoại kiêu mạn.

Bốn là rất thích Phật Đạo.

Năm là yêu kính không luống thân hậu cứu cánh.

Sáu là ở trong oán thân tâm mình đồng đều đến nơi Niết Bàn.

Bảy là lúc nói thường mỉm cười để ý thăm hỏi trước.

Tám là công việc được làm chẳng nghỉ giữa chừng.

Chín là khắp vì chúng sanh mà bình đẳng hành đại bi lòng không nhàm mỏi.

Mười là đa văn không chán, mười một là tự tìm lỗi mình chẳng nói lỗi người.

Mười hai là dùng tâm bồ đề hành các oai nghi.

Mười ba là ban ơn cho người chẳng cầu báo đáp.

Mười bốn là chẳng y nơi chỗ sanh mà hành trì giới.

Mười lăm là ở trong các chúng sanh hành vô ngại nhẫn.

Mười sáu là vì tu tất cả thiện căn mà hành tinh tiến.

Mười bảy là rời lìa sanh cõi vô sắc mà phát khởi thiền định.

Mười tám là hành phương tiện huệ ứng dụng bốn nhiếp pháp.

Mười chín là với chúng sanh thiện hay ác đều từ tâm vô úy.

Hai mươi là nhất tâm nghe pháp, hai mươi mốt là tâm an trụ viễn ly.

Hai mươi hai là tâm chẳng thích ham các sự thế gian.

Hai mươi ba là chẳng tham tiểu thừa.

Hai mươi bốn là ở trong đại thừa thường thấy lợi ích lớn.

Hai mươi lăm là lìa ác tri thức thân cận thiện hữu.

Hai mươi sáu là thành bốn phạm hạnh.

Hai mươi bảy là du hí thần thông.

Hai mươi tám là thường y chân trí.

Hai mươi chín là ở nơi chánh hạnh được các chúng sanh thật hành đều chẳng vứt bỏ.

Ba mươi là lời nói thường quyết định.

Ba mươi mốt là quí pháp chân thiệt.

Ba mươi hai là tất cả việc làm đều lấy bồ đề làm đầu.

Nếu người có ba mươi hai pháp này thì gọi là Bồ Tát.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát phước đức vô lượng vô biên nên dùng thí dụ nhân duyên để rõ biết.

Ví như Đại Địa, tất cả chúng sanh thọ dùng mà không tâm phân biệt chẳng cầu họ báo đáp. Cũng vậy, Bồ Tát từ sơ phát tâm đến ngồi Đạo Tràng, tất cả chúng sanh đều nhờ lợi ích, mà Bồ Tát tâm không phân biệt chẳng cầu báo đáp.

Ví như thủy chủng, tất cả lúa mạ cỏ cây đều được tăng trưởng. Cũng vậy, Bồ Tát vì tự tâm thanh tịnh nên từ bi trùm khắp tất cả chúng sanh đều khiến tăng trưởng tất cả pháp lành.

Ví như hỏa chủng đều có thể thành thục tất cả trái hột của lúa cây. Cũng vậy, trí huệ của Bồ Tát đều có thể thành thục tất cả pháp lành.

Ví như phong chủng có thể thành lập tất cả thế giới. Cũng vậy, Bồ Tát phương tiện đều có thể thành lập tất cả Phật Pháp.

Ví như mặt nguyệt từ lúc sơ sanh ánh sáng hình sắc của nó ngày ngày tăng trưởng. Cũng vậy, Bồ Tát tịnh tâm tất cả pháp lành ngày ngày tăng trưởng.

Ví như mặt nhật lúc mới mọc đồng thời phóng quang chiếu sáng khắp nơi cho chúng sanh. Cũng vậy, Bồ Tát phóng trí huệ quang đồng thời chiếu khắp tất cả chúng sanh.

Ví như sư tử thú vương đến chỗ nào cũng chẳng kinh chẳng sợ. Cũng vậy, Bồ Tát trì giới thanh tịnh trí huệ chân thiệt ở chỗ nào cũng đều chẳng kinh chẳng sợ.

Ví như tượng vương khéo điều thuận thì có thể làm xong việc lớn nặng mà thân chẳng mệt nhọc. Cũng vậy, Bồ Tát vì khéo điều tâm nên có thể vì chúng sanh làm lợi ích lớn tâm không mỏi nhọc.

Ví như các hoa sen sanh trong nước mà nước chẳng dính được. Cũng vậy, Bồ Tát sanh giữa thế gian mà pháp thế gian chẳng ô nhiễm được.

Ví như có người đốn cây vì còn gốc nên lại mọc. Cũng vậy, Bồ Tát vì có sức phương tiện nên dầu đoạn kiết sử mà còn có thiện căn ái nên lại sanh trong Tam Giới.

Ví như những dòng nước các phương chảy vào biển thì đều thành một vị. Cũng vậy, Bồ Tát dùng nhiều pháp môn họp các thiện căn hồi hướng Vô Thượng bồ đề đều thành một vị.

Ví như núi Tu Di, Chư Thiên Trời Đao Lợi và Trời Tứ Thiên Vương đều nương đó mà ở. Cũng vậy, tâm bồ đề của Bồ Tát làm chỗ nương ở cho Nhất Thiết trí.

Ví như có có đại Quốc Vương do sức các quan mà xong việc nước. Cũng vậy, trí huệ của Bồ Tát do sức phương tiện nên đều thành tựu được tất cả Phật Sự.

Ví như lúc tạnh sáng sạch không có mây mù ắt không có tướng mưa. Cũng vậy, trí huệ của Bồ Tát do sức phương tiện nên đều thành tựu được tất cả Phật Sự.

Ví như lúc tạnh sáng sạch không có mây mù ắt không có tướng mưa. Cũng vậy, Bồ Tát quả văn không có tướng pháp vũ.

Ví như lúc trời đầy mây âm u ắt có thể mưa xuống đầy đủ cho chúng sanh. Cũng vậy, Bồ Tát từ mây đại bi khởi mưa đại pháp lợi ích chúng sanh.

Ví như Chuyển Luân Vương xuất hiện nơi nào thì có Thất Bảo. Cũng vậy, lúc Bồ Tát xuất hiện thì ba mươi bảy phẩm trợ đạo xuất hiện thế gian.

Ví như châu như ý bảo ở chỗ nào thì có vô lượng kim ngân trân bảo. Cũng vậy, Bồ Tát xuất hiện ở nơi nào thì có trăm ngàn vô lượng bảo Thanh Văn, Duyên Giác.

Ví như Chư Thiên Trời Đao Lợi vào vườn đồng đẳng thì chỗ thọ dụng đều đồng đẳng. Cũng vậy, vì Bồ Tát tâm chân tịnh nên ở trong chúng sanh bình đẳng giáo hóa.

Ví như sức Chú thuật và thuốc làm cho độc chẳng hại người. Cũng vậy, do sức trí huệ mà Bồ Tát kiết độc chẳng đọa ác đạo.

Ví như vật dơ uế phế thải trong đại thành mà đem đổ vào ruộng mía ruộng nho thì có lợi ích. Cũng vậy, Bồ Tát kiết sử còn thừa đều là nhân duyên lợi ích Nhất Thiết trí.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát thường muốn học Kinh Đại Bảo Tích này thì phải thường tu tập chánh quán các pháp.

Thế nào là chánh quán?

Đó là chân thiệt tư duy các pháp. Người chân thiệt chánh quán thì chẳng quán ngã nhân chúng sanh thọ mạng. Đây gọi là trung đạo chân thiệt chánh quán.

Lại này Đại Ca Diếp! Người chân thiệt quán thì quán sắc chẳng phải thường chẳng phải vô thường, quán thọ tưởng hành và thức chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường. Đây gọi là trung đạo chân thiệt chánh quán.

Lại này Đại Ca Diếp! Người chân thiệt quán thì quán địa chủng chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường, quán thủy hỏa và phong chủng chẳng phải thường cũng chẳng phải vô thường. Đây gọi là trung đạo chân thiệt chánh quán.

Tại sao vậy?

Vì thường là một bên, vô thường là một bên, còn giữa thường và vô thường thì không có sắc không có hình không có danh không có trí giác, đây gọi là trung đạo thiệt quán các pháp.

Ngã là một bên, vô ngã là một bên, còn giữa ngã và vô ngã thì không có sắc không có hình không có danh không có tri giác, đây gọi là trung đạo thiệt quán các pháp.

Lại này Đại Ca Diếp! Nếu tâm có thiệt thì là một bên nếu tâm phi thiệt cũng là một bên, nếu không có tâm thức cũng không có tâm số pháp, đây gọi là trung đạo thiệt quán các pháp.

Như thế thì pháp thiện và pháp bất thiện, pháp thế gian và pháp xuất thế gian, pháp có tội và pháp không có tội, pháp hữu lậu và pháp vô lậu, pháp hữu vi và pháp vô vi, nhẫn đến pháp có cấu uế và pháp không có cấu uế cũng đều như vậy, rời lìa hai bên mà chẳng thể thọ được cũng chẳng thể nói được, đây gọi là trung đạo thiệt quán các pháp.

Lại này Đại Ca Diếp! Hữu là một bên, vô cũng là một bên, còn giữa hữu và vô thì không có sắc không có hình không có danh không có tri giác, đây gọi là trung đạo thiệt quán các pháp.

Này Đại Ca Diếp! Thập nhị nhân duyên đã được ta thuyết pháp:

Vô minh duyên hành, hành duyên thức.

Thức duyên danh sắc.

Danh sắc duyên lục nhập.

Lục nhập duyên xúc.

Xúc duyên thọ.

Thọ duyên ái.

Ái duyên thủ.

Thủ duyên hữu.

Hữu duyên sanh.

Sanh duyên lão tử ưu bi khổ não.

Nhân duyên như vậy chỉ là họp lại thành, là khối đại khổ. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt mà khối đại khổ diệt.

Minh cùng vô minh không có hai không có khác. Biết rõ như vậy thì gọi là trung đạo thiệt quán các pháp. Như thế thì hành và phi hành, thức và sở thức, danh sắc thấy được và chẳng thấy được, các lục nhập xứ và lục thần thông, xúc và sở xúc, thọ và thọ diệt, ái và ái diệt, thủ và thủ diệt, hữu và hữu diệt, sanh và sanh diệt, lão tử và lão tử diệt, đều không hai không khác. Biết rõ như vậy thì gọi là trung đạo thiệt quán các pháp.

Lại này Đại Ca Diếp! Người chân thiệt quán, chẳng do vì không khiến các pháp không mà pháp tánh tự không, chẳng do vì vô tướng khiến các pháp vô tướng mà các pháp tự vô tướng, chẳng do vì vô nguyện khiến các pháp vô nguyện mà các pháp tự vô nguyện, chẳng do vì vô khởi vô sanh vô ngã vô thủ vô tánh khiến các pháp vô khởi đến vô tánh mà các pháp tự vô khởi đến vô tánh. Người quán như vậy gọi là thiệt quán.

Lại này Đại Ca Diếp! Chẳng phải vì vô nhân nên gọi là không mà không có tự không: Tiền tết không hậu tế không trung tế cũng không. Nên y nơi không chớ y nơi nhân. Nếu do được không bèn y nơi không thì nơi Phật Pháp là thối đọa vậy.

Vì thế nên, này Đại Ca Diếp! Thà khởi ngã kiến chứa bằng núi Tu Di mà chẳng lấy không kiến khởi tăng thượng mạn. Tại sao vậy, vì tất cả kiến chấp do nơi không mà được thoát, nếu khởi không kiến thì chẳng thể trừ được.

Ví như y sư cho thuốc khiến bệnh chuyển động, thuốc ấy ở trong thân người bệnh mà không ra ngoài, này Đại Ca Diếp, ý ông thế nào, người bệnh ấy được lành chẳng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không lành, thuốc ấy chẳng ra ngoài thì bệnh càng tăng.

Này Đại Ca Diếp! Cũng vậy, tất cả kiến chấp duy không là có thể trừ diệt, nếu khởi không kiến thì chẳng trừ được.

Ví như có người sợ hư không kêu khóc đấm ngực mà la lên rằng: Tôi bỏ hư không.

Này Đại Ca Diếp! Ý ông thế nào, hư không ấy có bỏ được chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không bỏ được.

Này Đại Ca Diếp! Nếu ai sợ pháp không thì ta bảo người ấy cuồng loạn thất tâm. Vì họ thường đi trong pháp không mà lại sợ pháp không vậy.

Ví như hoạ sư tự tay họa tượng quỷ Dạ Xoa, rồi thấy tượng quỉ lại kinh sợ mê muội té xuống đất. Cũng vậy, tất cả phàm phu tự tạo sắc thanh hương vị xúc nên qua lại sanh tử thọ các khổ não mà chẳng tự hay biết.

Ví như huyễn sư tự hóa người huyễn rồi trở lại tự tàn hại. Cũng vậy, Tỳ Kheo có pháp được quán đều không đều tịch không có kiên cố, quán ấy cũng không.

Ví như hai khúc gỗ cọ nhau có lửa phát sanh trở lại đốt cháy khúc gỗ ấy. Cũng vậy, do chân thiệt quán nên sanh thánh trí, thánh trí sanh rồi trở lại đốt tiêu thiệt quán.

Ví như thắp đèn thì tối tăm tự không có, tối ấy không từ đâu lại đi cũng không đến đâu, chẳng phải từ phương Đông lại đi cũng chẳng đến Nam Tây Bắc tứ duy trên dưới, chẳng từ kia lại đi cũng chẳng đến đâu. Ánh sáng đèn này không có quan niệm tôi hay diệt tối.

Chỉ vì đèn sáng mà không tối. Sáng và tối đều không vô tác vô thủ. Cũng vậy, lúc thiệt trí sanh thì vô trí diệt. Trí và vô trí đều không vô tác, vô thủ.

Ví nhà tối suốt ngàn năm chưa từng thấy ánh sáng, nếu lúc thắp đèn, này Đại Ca Diếp, ý ông thế nào, bóng tối ấy chừng có quan niệm rằng tôi ở đây đã lâu chẳng muốn đi chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không, nếu lúc thắp đèn, tối ấy vô lực ắt phải diệt mất.

Này Đại Ca Diếp! Cũng vậy, trăm ngàn vạn kiếp đã kiết nghiệp từ lâu, dùng nhất thiệt quán sát thì liền tiêu diệt. Ánh sáng đèn kia là thánh trí vậy, bóng tối kia là kiết nghiệp vậy.

Ví như hột giống mà ở hư không thì chẳng bao giờ sanh trưởng được. Cũng vậy, Bồ Tát thủ chứng thì chẳng bao giờ tăng trưởng Phật Pháp được.

Ví như hột giống mà ở tại ruộng tốt thì hay sanh trưởng. Cũng vậy, Bồ Tát có các kiết sử rời lìa thế gian pháp có thể tăng trưởng Phật Pháp.

Ví như đất khô cao nguyên chẳng sanh hoa sen. Cũng vậy Bồ Tát ở trong vô vi chẳng sanh Phật Pháp. 

Ví như trong bùn nước ướt thấp sanh hoa sen. Cũng vậy Bồ Tát ở trong sanh tử tà định chúng sanh hay sanh Phật Pháp.

Ví như có bốn đại hải, trong ấy, đầy sanh tô. Cũng vậy, Bồ Tát hữu vi thiện căn nhiều vô lượng.

Ví như chẻ sợi lông ra làm trăm phần, lấy một phần lông chấm một giọt nước trong biển. Cũng vậy, tất cả hành Thanh Văn thiện căn hữu vi cũng rất ít như vậy.

Ví như lỗ rỗng trống của một hột cải nhỏ. Trí huệ hữu vi của tất cả hành Thanh Văn cũng nhỏ như vậy.

Ví như khoảng không gian mười phương vô lượng vô biên. Bồ Tát hữu vi trí huệ năng lực cũng vô lượng như vậy.

Ví như Đại Vương dòng Sát Lợi có đại phu nhân thông dâm với kẻ bần tiện mang thai sanh con trai, này Đại Ca Diếp, ý ông thế nào, có phải là Vương Tử chăng?

Bạch Đức Thế Tôn! Không phải.

Này Đại Ca Diếp! Cũng vậy, Chúng Thanh Văn của ta dầu đồng chứng do pháp tánh sanh mà chẳng gọi là chân thiệt Phật Tử của Đức Như Lai.

Ví như Đại Vương dòng Sát Lợi thông dâm với thể nữ có thai sanh con trai, cầu ra từ họ hèn hạ mà được gọi là Vương Tử.

Cũng vậy, sơ phát tâm Bồ Tát dầu chưa có đủ phước đức trí huệ lại qua sanh tử tùy lực thế của mình mà lợi ích chúng sanh. Đây gọi là Như Lai chân thiệt Phật Tử.

Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có ngàn con trai chưa có một người có tướng Thánh Vương, trong ngàn con trai ấy Chuyển Luân Thánh Vương chẳng nghĩ tưởng là con trai mình.

Cũng vậy, dầu có trăm ngàn vạn ức Thanh Văn quyến thuộc vây quanh mà không có Bồ Tát trong đại chúng ấy, Đức Như Lai chẳng nghĩ tưởng là Phật Tử.

Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có đại phu nhân mang thai bảy ngày, đứa con trai ấy có tướng Chuyển Luân Vương Chư Thiên tôn trọng hơn các con trai khác đã có đủ thân thể sức lực.

Tại sao?

Vì Vương Tử trong thai non ấy chắc sẽ nối ngôi tôn quí kế làm giống Thánh Vương. Cũng vậy, sơ phát tâm Bồ Tát dầu chưa đủ Bồ Tát căn nhưng được Chư Thiên Thần Vương hết lòng tôn trọng hơn bậc đại A La Hán đủ bát giải thoát.

Tại sao?

Vì Bồ Tát ấy được gọi là nối ngôi tôn quý chẳng dứt giống Phật. Ví như một viên lưu ly châu hơn cả tòa núi thủy tinh. Cũng vậy, Bồ Tát từ lúc mới phát tâm đã hơn chúng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Ví như ngày phu nhân của Đại Vương sanh con trai, các Tiểu Vương Quần Thần đều đến bái yết. Cũng vậy, Bồ Tát lúc sơ phát tâm, Chư Thiên thế nhân đều nên lễ kính. 

Ví như trong núi Tuyết sanh dược thảo không thuộc về ai không có phân biệt, tùy bệnh uống dùng đều hay chữa trị. Cũng vậy, Bồ Tát chức họp trí huệ không chỗ phân biệt bình đẳng cứu hộ khắp tất cả chúng sanh. 

Ví như mặt nguyệt sơ sanh được mọi người ái kính hơn mặt nguyệt tròn. Cũng vậy, người tin lời Phật thì ái kính Bồ Tát hơn Đức Như Lai.

Tại sao?

Vì do nơi Chư Bồ Tát mà sanh ra Đức Như Lai vậy. Ví như kẻ ngu bỏ mặt nguyệt mà lễ thờ tinh tú.

Người trí thì chẳng như vậy, chẳng bỏ lìa người tu hạnh Bồ Tát để lễ kính hàng Thanh Văn. Ví như tất cả thế gian dầu Trời hay người giỏi rồi sửa viên ngọc giả cũng chẳng thể làm thành lưu ly bảo châu được.

Cũng vậy, người cầu Thanh Văn dầu trì tất cả giới thành tựu thiền định cũng trọn chẳng thể được ngồi Đạo Tràng thành Vô Thượng bồ đề. Ví như rồi sửa lưu ly bảo châu hay xuất sanh vô lượng trân bảo.

Cũng vậy, giáo hóa thành tựu Bồ Tát hay xuất sanh vô lượng Thanh Văn, Bích Chi Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần