Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Chín - Pháp Hội đại Thừa Thập Pháp - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ CHÍN

PHÁP HỘI ĐẠI THỪA THẬP PHÁP  

PHẦN BA  

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam thiện nữ được nghe hạnh Bồ Tát như đây mà sanh lòng vui mừng, người ấy đã từng trồng căn lành từ quá khứ.

Tại sao vậy?

Nếu người nào nghe pháp môn này nhẫn đến một thời gian chừng khoảng khảy ngón tay mà sanh lòng hi hữu, người ấy được Chư Phật thọ ký rồi.

Tại sao vậy?

Vì người ấy nghe pháp môn này mà chí tâm lắng nghe kỹ vậy.

Đức Phật phán: Đúng như vậy. Như lời ông nói. Lúc nói pháp môn ấy, có năm trăm Tỳ Kheo được tâm vô lậu.

Được tâm vô lậu rồi các Ngài đứng dậy chỉnh y vai hữu, gối hữu chấm đất chắp tay bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chư Bồ Tát đáng được cung kính, phải nên lễ kính Chư Bồ Tát.

Đức Phật phán: Đúng như vậy.

Này thiện nam tử! Chư Đại Bồ Tát quán pháp thuận pháp như vậy thì gọi là Bồ Tát quán pháp thuận pháp.

Vì hiển thị nghĩa ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Phải kính đại trí huệ

Phải kính đại vô úy

Phải kính người chánh phục

Phải kính người Phật sanh

Vì dùng sức phương tiện

Vì trí huệ thiện xảo

Vượt quá hàng Thanh Văn

Bồ Tát có trí lớn

Biết rõ năm ấm hư

Vì sanh diệt bất định

Thấy thế gian lửa cháy

Nên chẳng chứng Niết Bàn.

Lại này thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát rời lìa mạn đại mạn?

Này thiện nam tử! Mạn được nói đó là người sanh tâm như vậy: Nay tôi chỗ có những nhà cửa, dòng họ, hình sắc, sức lực và những thứ vàng bạc, châu báu, hoặc tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh v.v… chẳng kém người khác. Nếu có người sanh tâm kiêu mạn như vậy thì gọi là mạn, vì họ chẳng có lòng kính nể người khác vậy.

Này thiện nam tử! Thế nào gọi là đại mạn?

Nếu có người quan niệm rằng: Thân thể dòng họ tài sản của tôi nhẫn đến bốn binh chủng của tôi hơn người khác. Do đó mà không có lòng kính nể người khác. Đây gọi là đại mạn.

Này thiện nam tử! Kiêu mạn và đại mạn ấy, Đại Bồ Tát đều đã rời bỏ. Đây gọi là Bồ Tát rời lìa mạn đại mạn.

Vì tuyên bày nghĩa ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Rời mạn lìa đại mạn

Thường hành tâm từ bi

Vì dùng đó nhuần tâm

Ở Đời chẳng phóng dật

Dầu làm việc khất thực

Đại sự của Bồ Tát

Thuyết Pháp làm lợi ích

Cho trời và cho người.

Lại này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát kiểu giáo pháp bí mật của Đức Như Lai?

Này thiện nam tử! Những gì là giáo nghĩa thâm mật của Đức Như Lai?

Này thiện nam tử! Đức Phật thọ ký cho hang Thanh Văn được vô thượng bồ đề. Việc ấy chẳng nên vậy.

Như Đức Phật bảo A Nan: Lưng ta đau nhức. Việc ấy chẳng nên vậy.

Như Đức Phật phán với Chư Tỳ Kheo: Nay ta già suy, các ông vì ta mà tìm thị giả. Việc ấy chẳng nên vậy.

Như Đức Phật bảo Đại Mục Kiền Liên: Ông nên đến hỏi y Vương Kỳ Bà, bệnh của ta phải uống thứ thuốc nào?

Việc ấy chẳng nên vậy. Như Đức Phật theo đuồi các nhà ngoại đạo nhiều nơi để luận nghĩa tranh thắng họ. Việc ấy chẳng nên vậy.

Như gai khư đà la đâm chân ta. Việc ấy chẳng nên vậy. Như Đức Phật thường nói Đề Bà Đạt Đa là kẻ oan cừu đời trước của ta, ông ấy thường theo tìm dịp hại ta mãi. Việc ấy chẳng nên vậy.

Như Đức Phật ngày trước vào thành Xá Vệ trong thôn Xa Lê Gia Bà La Môn khất thực khắp nơi rồi đi ra với cái bát không. Việc ấy chẳng nên vậy.

Như nàng Chiên Giá Ma Na Tỳ Tôn Đà Lê dùng gáo gỗ độn bụng để vu báng Như Lai. Việc ấy chẳng nên vậy. Như ngày trước Đức Phật nhận lời thỉnh an cư ba tháng tại nước Tỳ Lan Đa của Tỳ Lan Nhã Bà La Môn mà ăn cơm lúa mạch. Việc ấy chẳng nên vậy.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Lời nói vừa rồi đó phải nhận lấy thế nào?

Cớ chi Đức Thế Tôn thọ ký cho hàng Thanh Văn được vô thượng bồ đề?

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Ta thọ ký cho hàng Thanh Văn được vô thượng bồ đề đó là ta thấy họ có Phật Tánh vậy.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Hàng Thanh Văn ấy dứt hữu lậu rời ba cõi phần thọ sanh đã đoạn, mà vì họ có Phật Tánh nên được Đức Như Lai thọ ký vô thượng bồ đề, việc ấy như thế nào?

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Nay Ta vì ông mà nói ví dụ.

Này thiện nam tử! Ví như Quán Đảnh Chuyển Luân Thánh Vương có đủ ngàn Vương Tử, cứ theo Vương Tử nào lớn nhất sẽ truyền ngôi Vua. Nhưng vì Vương Tử ấy căn tánh ngu độn nên đáng lẽ sơ giáo lại trung giáo, đáng lẽ trung giáo lại hậu giáo tất cả những sự nghề nghiệp chú thuật. Vương Tử ấy vì ngu độn nên đáng lẽ sơ học thì trung học, đáng lẽ trung học thì hậu học.

Này thiện nam tử! Ý của ông nghĩ sao?

Vương Tử ấy học như vậy xong há lại chẳng phải là Chánh Tử của Luân Vương ư?

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Là Chân Vương Tử vậy.

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Cũng vậy. Có Bồ Tát vì căn tánh chậm lụt nên đáng sơ học lại Trung Học, đáng Trung Học lại hậu học, y theo pháp quán năm ấm của chúng sanh dứt diệt phiền não. Diệt phiền não rồi sau mới được vô thượng bồ đề.

Này thiện nam tử! Hàng Thanh Văn ấy do nhân duyên như vậy mà được vô thượng bồ đề, há lại có thể nói rằng hàng Thanh Văn chẳng được thành Chánh Giác ư?

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi chẳng bao giờ thấy có ai, là người hay Trời, là Ma Vương hay Phạm Vương mà có thể nói hàng Thanh Văn chẳng được thành Chánh Giác. Không bao giờ có người nào nói được. Chỉ trừ hạng nhất xiển đề.

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Nay ta lại vì ông mà nói ví dụ.

Này thiện nam tử! Bồ Tát căn tánh bén nhạy trụ địa thứ mười trừ hai thứ vô ngã mà ngồi Đạo Tràng.

Đó là trừ rồi ngồi, hay là chẳng trừ mà ngồi ư?

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đã trừ rồi ngồi vậy?

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Bồ Tát lợi căn ấy do nhân duyên như vậy há lại chẳng thành Chánh Giác ư?

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Được thành Chánh Giác vậy.

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Trường hợp lời nói trên đây cũng như vậy.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Cớ chi Đức Thế Tôn ngày trước bảo ông A Nan rằng: Lưng ta đau nhức?

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Ta quan sát thương sót chúng sanh đời sau mà nói rằng lưng ta đau nhức. Khiến các người bệnh biết rằng thân Đức Phật là thân Kim Cương mà còn có đau lưng huống là chúng ta và những người khác. Vì cớ ấy nên ta mới có lời nói như vậy. Mà các ngu nhân lại cho là thiệt, là Đức Phật có bệnh đau lưng v.v… như vậy là họ tự hại và làm hại người khác.

Này thiện nam tử! Như ngày trước ta bảo chư Tỳ Kheo rằng nay ta già yếu, các ông nên vì ta mà tìm thị giả. Ta nói như vậy cũng là vì thương xót đời sau các Thanh Văn đệ tử già yếu phải cần người chăm sóc cung cấp để khỏi thối chuyển. Mà những ngu nhân lại cho rằng thiệt, họ cho rằng Đức Phật già yếu cần thị giả.

Này thiện nam tử! Ngày trước ta bảo Đại Mục Kiền Liên đến hỏi y vương Kỳ Bà về cách uống thuốc. Ta nói như vậy cũng là vì thương xót đời sau hàng Thanh Văn đệ tử, người có bệnh cần phải dùng thuốc, họ nhớ rằng Đức Phật là thân Kim Cương mà còn phải uống thuốc huống là tôi và các người khác. Mà những ngu nhân lại cho là thiệt, họ cho rằng thân Đức Phật là thân bệnh hoạn.

Này thiện nam tử! Lúc Đại Mục Kiền Liên vâng lời ta đến hỏi thuốc nơi Kỳ Bà y vương.

Kỳ Bà không mặt mũi nào dám chỉ thuốc cho Như Lai nên chẳng đáp thẳng mà chỉ nói rằng: Chỉ nên ăn tô, chỉ nên ăn tô. Đó là Đức Như Lai thị hiện nghiệp báo để cho hàng Thanh Văn đệ tử đời sau nhớ biết mà chẳng thối chuyển.

Này thiện nam tử! Ngày trước Đức Như Lai đuổi theo các nhà ngoại đạo khắp nơi như Ni Kiền Tử v.v… để luận nghĩa tranh thắng. Đó là vì ta quan sát thương xót các chúng sanh đời sau. Khiến các chúng sanh ấy nhớ biết rằng Đức Phật Như Lai chánh chân Chánh Giác mà còn có oan gia huống là chúng ta và những người khác. Mà các ngu nhân lại cho là thiệt, họ cho rằng Đức Phật Như Lai thiệt có oan gia.

Này thiện nam tử! Chuyển Luân Thánh Vương do chút ít phước mà còn không có oan gia, huống là Đức Như Lai đã thành tựu vô lượng vô biên công đức.

Này thiện nam tử! Ngày trước gai khư đà la đâm chân như Lai. Đó là ta vì thương chúng sanh đời sau mà thị hiện nghiệp báo, cho họ nhớ biết rằng Đức Như Lai thành tựu vô lượng vô biên công đức mà còn có nghiệp báo huống là chúng ta và các người khác, do đó mà họ tránh bỏ nghiệp. Mà những ngu nhân lại cho là thiệt, họ cho rằng Đức Như Lai bị gai đâm chân.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Có phải Đề Bà Đạt Đa là oan cừu từ đời trước của Đức Phật, ông ấy tìm dịp để hại Phật?

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Nếu không có thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa thì trọn chẳng biết được Đức Như Lai vô lượng vô biên công đức.

Này thiện nam tử! Đề Bà Đạt Đa là Thiện tri thức. Ông ấy tranh thắng với ta mà thị hiện oan gia để hiển bày vô lượng công đức của Như Lai.

Này thiện nam tử! Ông bạn lành Đề Bá Đạt Đa ở trong cung nội nói với Vua A Xà Thế làm hại Đức Như Lai. Lúc ấy nhà Vua cố ý thả voi Hộ Tài để đạp ta.

Đức Như Lai thấy voi liền điều phục nó. Vô lượng chúng sanh thấy Đức Như Lai điều phục được voi Hộ Tài đều sanh lòng kính ngưỡng mà phát tâm tin mến Quy y Tam Bửu, đó là Phật Bửu, pháp Bửu và Tăng Bửu.

Do cớ sự như vậy nên biết Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức từ lâu theo làm oan gia của Phật. Mà các ngu nhân lại cho đó là thiệt, họ nói Đề Bà Đạt Đa hại Đức Phật, là oan gia của Đức Phật.

Này thiện nam tử! Cho đến từ quá khứ trong năm trăm đời sanh chỗ nào, Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức má thị hiện làm oan gia để hiển bày chư Bồ Tát và Như Lai có vô lượng công đức. Mà các ngu nhân lại cho là thiệt, họ cho rằng Đề Bà Đạt Đa là kẻ hại Phật, là oan gia của Phật.

Do sự nhận định bất thiện ấy, nên các ngu nhân ấy phải đọa trong tam đồ: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, những xứ khỗ não.

Tại sao vậy?

Này thiện nam tử! Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức. Ông ấy đã khéo tu vô lượng công đức thù thắng, khéo tu căn lành, gần gũi Chư Phật gieo trồng cội công đức, tâm hướng về Đại Thừa, thuận về Đại Thừa, đến bờ Đại Thừa, đã gần vô thượng bồ đề. 

Vì các ngu nhân kia hủy báng ông ấy nên đời vị lai họ sanh vào trong các ác đạo: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

Ngài Tịnh Vô Cấu Bửu Nguyệt Vương Quang Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Còn việc Đức Thế Tôn vào khất thực trong thôn Xa Lê Gia Bà La Môn tại thành Xá Vệ mang bát không mà ra là thế nào?

Đức Phật phán dạy: Này thiện nam tử! Việc ấy cũng là vì thương xót chúng sanh đời sau mà hiện ra như vậy.

Để cho người đời sau nhớ biết rằng: Đức Phật đầy đủ vô lượng công đức còn mang bát không mà đi ra, huống là chúng ta và các người khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần