Phật Thuyết Kinh Tịnh Phạn Vương Bát Niết Bàn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tự Cừ Kinh Thanh, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
TỊNH PHẠN VƯƠNG BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tự Cừ Kinh Thanh, Đời Lưu Tống
Nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá cùng với các vị Đại Tỳ Kheo hội đủ.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn hiện ra ánh sáng rực rỡ giống như Mặt Trời mọc, chiếu rõ khắp thế gian. Khi ấy, Quốc Vương nước Xá Di tên là Tịnh Phạn, từng trị nước bằng chánh pháp, lễ đức và nhân nghĩa gồm đủ, thường hành tâm từ, lúc này đang bị bệnh nặng.
Bốn đại trong thân cùng lúc tạo khởi làm suy giảm thân sắc, chi thể như muốn rã rời, hơi thở không ổn định, gấp như ngựa phi, nước chảy. Quan phụ tướng truyền lệnh cho những ai am hiểu về thuốc thang trong nước đều tập họp lại để xem bệnh cho Vua, tùy tình hình bệnh trạng mà kê đơn bốc thuốc.
Nhưng tất cả các phương pháp trị liệu đều không thể làm bệnh tình của Nhà Vua thuyên giảm, cả dấu hiệu cho thấy cái chết không còn xa. Lúc ấy, Nhà Vua buồn đau, trăn trở không thôi, như cá thiếu nước.
Phu Nhân và các thể nữ trông thấy như thế lại càng thêm đau buồn.
Lúc này, các Vua như Bạch Phạn, Hộc Phạn, Đại Xứng… và các quan cùng lên tiếng nói: Nay nếu Vua băng hà thì sẽ mất hẳn sự chở che, giúp đỡ, nước nhà sẽ suy yếu.
Thân thể Vua run rẩy, môi miệng khô héo, tiếng nói như muốn đứt, nước mắt đọng ở mi.
Khi ấy, các vị Vua kia tâm ý hết mực cung kính, đồng quỳ xuống, khoanh tay và cùng thưa: Bản tánh của Đại Vương xưa nay vốn không thích làm điều dữ, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Đại Vương cũng luôn tích đức không chán, lo bảo vệ, nuôi dưỡng muôn dân nên không người nào là không được yên ổn, tiếng tốt ấy truyền khắp mười phương, ngày nay Đại Vương vì cớ gì mà buồn đau?
Vua Tịnh Phạn bỗng cất tiếng nói với các Vua: Giờ ta có qua đời cũng không lấy gì làm khổ, chỉ xót xa là không được gặp con ta là Thái Tử Tất Đạt. Lại tiếc vì không gặp được con trai thứ là Nan Đà đã dứt được tham dục ở thế gian.
Lại cũng tiếc là không gặp được con của Vua Hộc Phạn là A Nan Đà, người chuyên giữ gìn pháp tạng của Phật, một lời không mất. Lại cũng tiếc không gặp được cháu nội là La Vân, tuổi tuy còn nhỏ nhưng thần túc gồm đủ, giới hạnh không thiếu. Nếu ta được gặp mặt các con cháu, bệnh ta tuy nặng, chưa thoát được sinh tử, ta cũng không cho là khổ.
Các người đứng vây quanh Vua nghe những lời ấy không ai là không kêu khóc, nước mắt như mưa.
Khi ấy, Vua Bạch Phạn lên tiếng đáp lời Vua Tịnh Phạn: Tôi nghe Đức Thế Tôn hiện đang ở tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, cách đây khá xa, độ năm mươi do tuần. Nay Vua bị bệnh, giả sử như có phái sứ giả đi thỉnh Phật, nhưng đường sá xa xôi, e sẽ trễ nãi không có ích gì thêm, xin Đại Vương chớ có sầu lo, mong nhớ cháu con.
Vua Tịnh Phạn nghe những lời ấy, rơi nước mắt đáp lời Vua Bạch Phạn: Những con cháu của ta tuy có ở xa nhưng tâm ý mong mỏi không bao giờ dứt.
Vì sao?
Vì con ta đã thành Phật, với tấm lòng đại từ, đại bi, thường dùng những thần thông như thiên nhãn xem thấu mọi nơi, thiên nhĩ nghe rõ xa gần để cưu độ những chúng sinh nào đang cần cứu độ. Như có trăm ngàn muôn ức chúng sinh bị chìm đắm trong dòng nước, Phật do tâm từ bi thương xót tức làm thuyền bè để cứu độ những kẻ ấy, hoàn toàn không bao giờ mệt mỏi.
Ví như có người bị giặc bao vây, hoặc gặp kẻ oán địch nên lo sợ không biết làm thế nào, không hy vọng tự thoát ra được, chỉ chí thành mong cầu được cứu giúp, nương tựa vào uy lực của Phật, muốn từ trong oán nạn mà được giải thoát. Ví như có người lúc lâm bệnh nặng, mong muốn có được thầy thuốc giỏi để được lành bệnh, so với ta hôm nay mong mỏi được gặp Đức Thế Tôn cũng lại như thế.
Sở dĩ như vậy là vì Đức Thế Tôn thường suốt ngày đêm ba thời luôn dùng thiên nhãn xem xét chúng sinh trong thế gian, những kẻ nào cần được hóa độ, vì Phật với tâm từ bi thương xót chúng sinh khác nào người mẹ luôn thương nhớ con.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở tại núi Linh Thứu, do thiên nhĩ thông, Phật nghe từ nơi thành Ca Duy La Vệ xa xăm kia, Vua cha đang lo lắng và lời của các Vua bàn luận, bèn dùng thiên nhãn xa thấy Vua cha lâm bệnh đang nằm ở giường, thân thể tiều tụy, sự sống như đang sắp hết, lại cũng biết Vua cha đang khao khát được gặp con cháu.
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói với Tôn Giả Nan Đà: Vua cha là Tịnh Phạn, một vị Vua hơn hẳn các vị Vua trong thế gian, là cha của chúng ta nay đang lâm bệnh nặng, nên ta phải về thăm. Hiện sự sống của Vua chỉ còn ngắn ngủi, thời điểm nghiêm trọng sắp đến, chúng ta nên trở về thăm cho kịp khi người còn sống để được gặp nhau lần cuối, ngõ hầu ý nguyện của Nhà Vua được thỏa mãn.
Tôn Giả Nan Đà vâng lời dạy, quỳ xuống đảnh lễ: Kính bạch Thế Tôn! Vua Tịnh Phạn là Phụ Vương của chúng ta, nhờ tạo phước đức đặc biệt nên đã sinh được Thánh Tử làm lợi ích cho cả thế gian, nay nên về thăm để báo đền ơn nuôi dưỡng.
Tôn Giả A Nan chắp tay đến trước Phật thưa: Con theo hầu Đức Thế Tôn thường được trông thấy nhau. Vua Tịnh Phạn là bác của con, thấy con xuất gia làm đệ tử của Phật, được Phật dạy dỗ nên con cũng muốn về thăm.
La vân cũng đến trước Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Người là cha của con, rời bỏ đất nước để cầu đạo, con nhờ được ông nội nuôi dưỡng lớn khôn và được xuất gia nên con cũng muốn về để viếng thăm ông nội.
Phật nói: Tốt lắm, tốt lắm, nên biết lúc này cần làm cho Nhà Vua mãn nguyện.
Lúc này, Đức Thế Tôn liền dùng thần túc thông, tựa như Vua nhạn, thân vọt lên hư không, chốc lát hiện ra nơi thành Ca Duy La Vệ rồi phóng ra ánh sáng lớn.
Dân chúng trong nước thấy Đức Phật từ xa đến, họ đều cùng cất tiếng nói trong nước mắt: Nếu Đại Vương băng hà thì tiếng tăm của nước Xá Di ắt là hết rồi.
Dân chúng trong thành đều hướng về Đức Phật khóc lóc, thưa: Bạch Thế Tôn! Hồi đó, khi Thái Tử rời cung thành đến dưới bóng cây Lam Tỳ, an tọa, để tư duy, Vua cha thấy liền cúi đầu kính lễ. Vị Đại Vương đã đối xử như thế, hôm nay sự sống của người không còn bao lâu sẽ dứt, cầu mong Như Lai nên đến kịp lúc để được trông thấy nhau.
Dân chúng trong nước lăn lộn đau xót tự đánh vào mình, nghẹn ngào kêu khóc. Có người tự dứt bỏ chuỗi ngọc nơi mình, có người tự xé rách quần áo, có người tự bứt tóc, có người dùng tro bụi bôi lên thân, họ tỏ ra đau đớn đến thấu xương tủy, giống như những người điên cuồng.
Phật thấy thế liền khuyên dân chúng: Vô thường lìa biệt xưa nay đều như thế, các vị nên suy xet. Sinh tử là khổ, chỉ có đạo pháp là chân thật. Phật dùng mưa pháp rưới nhuần tâm hồn muôn dân, lại dùng các pháp để mở bày cho họ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tức dùng mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng cua Chư Phật phóng ra ánh sáng lớn. Lại dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, phóng ra ánh sáng lớn. Lại từ công đức mà Phật đã tạo trong vô lượng A tăng kỳ kiếp, phóng ra ánh sáng lớn.
Ánh sáng ấy chiếu rực rỡ, trong ngoài đều thấu tỏ, rọi tỏa cùng khắp cõi nước, chiếu đến thân thể của Vua, khiến những đau khổ được yên ổn.
Vua lấy làm lạ, hỏi: Ánh sáng ấy từ đâu đến?
Là của Mặt Trời, Mặt Trăng, hay của Chư Thiên?
Ánh sáng ấy chạm vào thân ta có tác dụng như cây Chiên đàn quý khiến thân thể ta với bao nhiêu bệnh khổ đều dứt. Ta ngờ ánh sáng ấy không ngoài ánh sáng của con ta là Tất Đạt Đa hiện tới. Trước khi về đến, đã hiện ra ánh sáng, đó là điềm lành.
Khi ấy, Vua Đại Xứng từ bên ngoài đi vào cung, thưa với Vua Tịnh Phạn: Đức Thế Tôn đã về tới, người có đem theo các đệ tử là A Nan, Nan Đà và La Vân… các vị ấy đều từ trên hư không đến, vậy Đại Vương nên vui mừng, bỏ hết những sầu khổ trong lòng.
Vua nghe Phật về, lòng kính yêu càng phấn chấn, bất giác Vua ngồi dậy. Chỉ trong chốc lát, Phật đã vào đến cung.
Vua thấy Phật vào liền đưa hai tay ra sát gần tới chân, nói: Cầu mong Như Lai chạm tay lên thân này, khiến tôi được an ổn. Bệnh tật làm khốn khổ, như ép dầu mè, đau đớn không chịu nổi. Sự sống của tôi sắp hết, đâu có thể trở lại được. Hôm nay cuối cùng tôi được gặp Đức Thế Tôn, nỗi đau đớn như đã dứt trừ.
Phật biết rõ Phụ Vương lâm trọng bệnh, thân thể gầy ốm, sắc diện đổi thay, khó biết, không thể nhận ra dáng vẻ ngày trước.
Phật nói với Nan Đà: Xem Vua ngày xưa thân tướng cao lớn, dáng vẻ oai nghiêm, tiếng tăm vang khắp, nay lâm bệnh nặng, khiến không thể nhận ra. Hình tướng uy nghiêm nổi tiếng là khỏe mạnh giờ đâu còn nữa.
Lúc ấy, Vua Tịnh Phạn chắp tay, một lòng khen ngợi Đức Thế Tôn:
Nguyện ước Ngài thành tựu
Cũng thỏa nguyện chúng sinh
Nay tôi lâm bệnh nặng
Mong Phật cứu độ tôi.
Dòng Cồ Đàm nghiêm trang
Người là rất đặc biệt
Mạt thế nói chánh pháp
Không giúp mà thành giúp.
Pháp Vương dùng pháp vị
Rưới nhuần khắp chúng sinh
Như Thánh Vương sau này
Con ta rất từ hiếu.
Rất quý trong loài người
Tiếng vang cõi Đại Thiên
Trên đến trời Tịnh Cư
Một mình không ai bằng.
Phật nói: Kính mong Phụ Vương chớ có lo buồn. Là vì Nhà Vua vốn có đạo đức thuần hậu, đầy đủ không hề thiếu giảm.
Khi ấy, Đức Phật từ trong lớp Ca Sa đưa cánh tay màu vàng ròng, bàn tay như hoa sen, Phật đặt bàn tay mình lên trán Phụ Vương. Nhà Vua là người từng giữ giới hạnh thanh tịnh, tâm đã lìa mọi cấu uế nên nay liền được vui vẻ, không còn phiền não.
Cần suy nghĩ chín chắn về những pháp nghĩa nơi các Kinh, ở chỗ không kiên cố đạt được ý chí bền vững là nhờ vun trồng căn lành, cho nên Đại Vương phải vui mừng, mạng sống tuy sắp hết nhưng tự mình có thể mở rộng lòng.
Lúc này, Vua Đại Xứng, đem tâm cung kính thưa với Vua Tịnh Phạn: Phật là con của Đại Vương có đầy đủ thần lực không ai bằng được.
Người con thứ Nan Đà cũng là con của Đại Vương, đã vượt qua được biển ái dục nơi cõi sinh tử, bốn pháp tu hành không gì ngăn ngại. Con Vua Hộc Phạn là A Nan Đà đã thấm nhuần pháp vị, pháp Phật nói ra khác nào biển cả, nhưng một câu cũng không quên, nên đã thâu giữ đầy đủ.
Cháu của Đại Vương là La vân, đạo đức tinh thuần vẹn toàn, đạt được các bậc thiền định, thành tựu bốn đạo quả. Bốn người con, cháu ấy đã phá được lưới ma.
Vua Tịnh Phạn nghe những lời ấy, vui mừng hết mực, đến nỗi không thể dằn được, liền đưa tay cầm lấy tay Phật đặt lên tim mình, rồi từ thế nằm, Vua ngửa mặt chắp tay bạch Phật: Tôi chiêm ngưỡng Như Lai mắt không hề chớp, nhìn hoài không chán. Mong ước của tôi đã thỏa, tâm ý phấn chấn, từ đây xin từ biệt Bậc Như Lai Chí Chân, đã đem lại nhiều lợi ích cho chúng sinh.
Người nào được thấy Như Lai, nghe lời Như Lai dạy thì đều là những người từng có nhiều công đức lớn. Ngày nay, Đức Thế Tôn là con của tôi, gần gũi tham khá lâu, không nỡ rời bỏ.
Vua từ nơi giường bệnh, chắp tay, với tâm cung kính lễ xuống chân Phật. Khi ấy, bàn tay Phật chưa rời khỏi người Vua thì phút vô thường đã đến, sự sống của Nhà Vua đã hết, hơi thở liền dứt.
Những người lớn nhỏ thuộc dòng họ Thích, lên tiếng kêu than khóc lóc, tự đập vào thân mình, hoặc vỗ hai tay lên đất, đầu tóc rối bời cùng cất tiếng than: Mãi mãi mất đi người che chở cho chúng ta.
Trong số họ có người tự giật đứt xâu chuỗi ngọc quý. Có người tự xé rách y phục. Có người tự lấy tro bụi bôi lên thân. Có người tự giật bức tóc mình.
Người thì nói: Vua trị nước bằng chánh pháp không làm khổ nhọc muôn dân.
Có người lai nói: Các tiểu quốc cũng mất đi người che chở, bảo hộ. Bậc Vua đáng tôn đáng kính nhất trong hàng các Vua nay đã băng hà, đất nước mất đi bậc thần lực uy dũng.
Lúc này, các người trong họ Thích dùng nước các loại hương thơm để tắm rửa thi thể Nhà Vua, dùng vải kiếp ba, vải bông, tơ lụa quấn quanh nhục thân rồi liệm vào áo quan.
Bày Tòa Sư Tử, trang trí bằng bảy báu, châu ngọc kết làm màn lưới buông rũ chung quanh, rồi đưa linh cữu đặt lên Tòa Sư Tử, có rải hoa đốt hương. Phật và Tôn Giả Nan Đà đứng nghiêm trang, cung kính nơi trước linh cữu. Tôn Giả A Nan, La vân đứng ở phía cuối.
Tôn Giả Nan Đà quỳ xuống bạch Phật: Phụ Vương đã có ơn nuôi dưỡng, vậy cho con được khiên linh cữu của người.
Tôn Giả A Nan chắp tay đến trước Phật bạch: Xin cho con được phép khiên linh cữu bá phụ.
La vân cũng đến trước Phật thưa: Nay cho con được phép khiên linh cữu ông nội.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì nghĩ đến đời có kẻ bạo nghịch, hung ác, không tưởng nhớ đến việc đền đáp công ơn của cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng, đó là những kẻ bất hiếu.
Nhằm chỉ dạy cho chúng sinh nơi đời vị lai nên Phật lập ra lễ pháp: Như Lai muốn đích thân khiên linh cữu Phụ Vương. Tức thì, tam thiên đại thiên Thế Giới hiện đủ sáu cách chấn động, hết thảy những ngọn núi cao lớn đều trồi lên sụt xuống như thuyền đi trên sóng nước.
Khi ấy, tất cả Chư Thiên ở Cõi Dục cùng vô số trăm ngàn quyến thuộc đều đến viếng tang. Thiên Vương Tỳ Sa Môn ở phương Bắc dẫn theo hàng trăm ngàn ức chúng quỷ thần Dạ Xoa cùng đến viếng tang.
Thiên Vương Đề đầu lại trá ở phương Đông với ức trăm ngàn chúng quỷ thần kỹ nhạc cùng đến viếng tang. Ở phương Nam Thiên Vương Tỳ Lâu Lặc Xoa đem theo hàng trăm ngàn ức quỷ thần Cưubàn đồ cùng đến viếng tang.
Ở phương Tây Thiên Vương Tỳ Lưu Bác Xoa cùng với hàng trăm ngàn ức chúng Rồng, Thần cùng đến viếng tang. Tất cả đều bày tỏ lòng thương xót rồi cất tiếng than khóc.
Bấy giờ, bốn vị Thiên Vương bàn riêng với nhau khi nhìn thấy Đức Thế Tôn, vì để răn dạy những người con bất hiếu với cha mẹ trong đời sau, nên Phật đã đích thân khiên linh cữu Phụ Vương.
Bốn vị Thiên Vương cùng quỳ xuống và bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn cho phép chúng con được khiên linh cữu của Phụ Vương, vì chúng con cũng đều là đệ tử của Phật, cũng từng theo Phật nghe pháp và đã được lãnh hội, đạt được pháp nhãn thanh tịnh, chứng quả Tu Đà Hoàn, vì cớ ấy nên chúng con xin được khiên linh cữu Phụ Vương.
Đức Thế Tôn bằng lòng cho phép bốn vị Thiên Vương cùng khiên linh cữu Nhà Vua. Lập tức bốn vị Thiên Vương hiện ra thân người, dùng tay đỡ linh cữu lên ngang mày. Lúc này dân chúng trong nước và hết thảy đại chúng không ai là không than khóc.
Khi đó, Đức Thế Tôn uy quang càng hiển hiện rực rỡ như muôn Mặt Trời cùng lúc hiện ra. Tự thân Như Lai tay nâng lư hương đi trước linh cữu, đến nơi hỏa táng.
Bấy giờ, trên núi Linh Thứu có một ngàn vị A La Hán dùng diệu lực của thần túc từ hư không đến dự đám tang, đến nơi các vị ấy đồng đảnh lễ nơi chân Phật và bạch: Kính mong Đức Thế Tôn sai khiến chúng con những công việc gì đó.
Phật liền nói với các vị A La Hán: Các vị hãy mau đi đến nơi bãi biển lớn, lấy về các loại gỗ thơm ngưu đầu chiên đàn.
Các vị A La Hán liền vâng lời và chỉ trong khoảng thời gian ngắn công việc được Phật giao phó đã hoàn thành. Phật cùng đại chúng chồng xếp các củi thơm thành dàn hỏa rồi khiêng linh cữu đặt lên trên ấy để hỏa táng.
Hết thảy đại chúng thấy ngọn lửa bốc cao, đều hướng về Đức Phật, rồi vật vã khóc lóc, buồn thương. Những người đã đắc đạo thì đều mừng cho sự may mắn. Những người chưa đắc đạo thì tâm hốt hoảng, lo sợ, lông tóc dựng đứng.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói với đại chúng: Cõi đời là vô thường, là khổ, là không, là phi thân vô ngã, không có chút gì là bền chắc, nó như huyễn, như hóa, như lửa lúc bốc cao, như ánh trăng trong nước, mạng sống không dài lâu, các người chớ thấy ngọn lửa cháy này mà cho là đau khổ. Lửa của các dục còn bức bách gấp hơn nhiều lần. Do đó, các người nên tự khuyên răn mình để vĩnh viễn xa lìa cái khổ sinh tử, đạt được sự an ổn lớn.
Khi hỏa thiêu thân xác Vua Tịnh Phạn xong, các vị Vua kia mỗi người đem đến năm trăm bình sữa để rưới tắt lửa. Lửa tắt rồi, các vị cùng nhau thu lấy tro xương đặt vào hộp bằng vàng, trên nền đất ấy cho xây tháp có treo giăng cờ phướn, lọng báu, các loại chuông nhỏ để cúng dường.
Lúc ấy, đại chúng cùng bạch Phật: Đại Vương Tịnh Phạn nay đã qua đời, thần thức của người sinh về cõi nào, xin Đức Thế Tôn nói cho chúng con được rõ?
Đức Thế Tôn bảo đại chúng: Vua Tịnh Phạn, Phụ Vương của ta la người thanh tịnh, nên được sinh lên Cõi Trời Tịnh Cư.
Đại chúng nghe được lời ấy liền dứt hết những sầu khổ trong lòng.
Phật giảng nói kinh này xong, Chư Thiên, Long, Thần, các vị Tứ Thiên Vương cùng đám quyến thuộc, dân chúng trong thế gian cùng tất cả đại chúng đồng lễ Phật và lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Một - Một Pháp - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Chủng Tử
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Bảy