Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Bảy - Phẩm Thi La Ba La Mật - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI
PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
PHẨM THỨ BẢY
THI LA BA LA MẬT
PHẦN SÁU
Bồ Tát ấy được tin Đức Phật nhập Niết Bàn liền ngã xuống chết ngất, giây lâu tỉnh lại nói kệ rằng:
Đấng huệ nhật soi đời
Đến bờ kia các pháp
Ta ở chỗ phóng dật
Tại sao tự khi dối
Trăm ngàn câu chi kiếp
Phật xuất thế một lần
Mà ta chẳng phụng thờ
Lấy ai để cứu nương
Như ta tự suy nghĩ
Mẹ ta chẳng biết thương
Sao mẹ chẳng cho hay
Để ta sớm thấy Phật
Cha cũng chẳng biết thương
Vùi ta trong ngũ dục
Bị đó giam cầm rồi
Chẳng gần thờ Như Lai
Chẳng được nghe lời Phật
Sáu mươi âm thanh diệu
Đời sống mất lợi lành
Vì chẳng phụng thờ Phật
Đấng đại bi cứu đời
Đến bờ kia các pháp
Ta bị kiêu dật nắm
Chẳng gần thờ Thế Tôn
Ngàn ức do tha kiếp
Khó thấy được Chư Phật
Ta chẳng lo cúng dường
Nhập diệt rồi mới đến
Nay ta lại suy nghĩ
Cha mẹ đều chẳng tốt
Lúc ta vừa lớn khôn
Sao chẳng nhắc đến Phật
Cho ta được thấy Phật
Thường gần kề Như Lai
Để luôn luôn cúng dường
Và được nghe chánh pháp
Đức Như Lai tuyên dương
Sáu mươi âm thanh diệu
Mà ta chưa được nghe
Nhập diệt rồi mới đến
Nay ta mất lợi lành
Niết Bàn rồi mới đến
Không ai nói diệu pháp
Như Phật trước đã nói.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Đắc Niệm đi đến bên giường Đức Tối Thắng Chúng Như Lai nhập Niết Bàn khóc than thảm thiết đi nhiễu bên hữu giường Như Lai trăm ngàn vòng rồi đứng qua một phía mà nói kệ rằng:
Phật là Đấng Quần Sanh tôn quí
Hiển dương pháp nhiệm mầu vô thượng
Nay ta phát khởi tâm chí thành
Để được bồ đề tối thắng ấy
Nay ta kính lễ chân như Lai
Đấng trí huệ lớn lời chân thật
Nguyện ta sẽ được trí huệ ấy
Đồng như trí huệ Phật đã được
Xưa ta hèn kém không trí huệ
Đọa trong phẩm loại hàng ma ngoại
Ở nhà ở cung nhiều ép buộc
Chẳng được gần Phật để phụng thờ
Ta đã từng tu phước thắng diệu
Do đó được tạm thấy Như Lai
Nhưng chưa được Phật rộng dạy truyền
Nên nay ta phải khổ sầu lớn
Nay ta đối trước Chúng Thiên Long
Phát nguyện chí thành lời chân thật
Nếu ta kỳ vọng mà chân thật
Sẽ đúng như lời đều toại nguyện
Nguyện ta sẽ ở đời vị lai
Chư Phật Như Lai hiện ra đời
Thấy nghĩa thậm thâm dụng rộng lớn
Tuyên nói chân thật pháp vô thượng
Ta chẳng sanh nhằm các chướng nạn
Đối với ngũ dục chẳng ham gần
Tự tại với sắc chẳng bị chuyển
Xô sập nhà giam của quân ma
Đời Đời thường được thấy Chư Phật
Hiện tiền được nghe pháp vô thượng
Thầy Phật sanh lòng tin thanh tịnh
Sanh lòng tin rồi tu các hạnh
Nếu nguyện chí thành của ta phát
Quyết sẽ thiệt được không hư luống
Khiến Đức Như Lai lại ngồi dậy
Như đương ngủ say bỗng thức giấc.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Đắc Niệm phát lời chí thành xong, Đức Tối Thắng Chúng hiện nằm nhập Niết Bàn thoạt ngồi dậy. Bấy giờ trăm ngàn câu chi Chư Thiên đem y thượng diệu rải lên cúng dường.
Bồ Tát Đắc Niệm vui mừng bay bọt lên hư không nói kệ rằng:
Đấng đại từ bi soi sáng đời
Đấng đại Đạo Sư đại thần thông
Đấng đại giác ngộ thế gian nương
Đấng tuyên chánh pháp diệu vô thượng.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Đắc Niệm nói kệ ca ngợi Đức Phật rồi lại muốn cho đại chúng càng thêm vui mừng nên ở trước Đức Phật nói kệ rằng:
Ta ở đời sau sẽ là Phật
Xuất thế độ sanh như Thế Tôn
Đại chúng phải nên bắt chước học
Sắm đủ mọi thứ cúng dường Phật
Đấng đời dựa nương khó nghĩ bàn
Có ai thấy Phật chẳng kính mến
Phật thương chúng ta và chúng sanh
Đã nhập Niết Bàn lại ngồi dậy.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát Đắc Niệm ấy ở trong chánh pháp của đức Tối Thắng Chúng Như Lai sắp đặt cúng dường to lớn tròng các gốc lành. Do sức thiện căn ấy, sau khi mạng chung sanh lên các Cõi Trời, trải qua hai mươi câu chi đại kiếp chẳng đọa ác đạo, lại trải qua hai mươi câu chi đại kiếp chẳng thọ dục lạc.
Trong thời gian ấy, Bồ Tát Đắc Niệm gần gũi cúng dường bảy ngàn Đức Phật. Vì cầu vô thượng Bồ Đề nên thường tu phạm hạnh.
Ở kiếp sau cùng trong thời kỳ mạt thế cảm được thân thắng thượng từ sức thiện căn phát khởi thành Đẳng Chánh Giác hiệu là Ta La Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, thọ hai mươi câu chi năm, cùng các đệ tử hai hội thuyết pháp.
Hội thứ nhất có hai mươi câu chi đệ tử đại Thanh Văn.
Hội thứ hai có bốn mươi ngàn đệ tử đại Thanh Văn. Tất cả đều là đại A La Hán hết phiền não có thế lực lớn tâm được tự tại đã đến bờ kia. Sau khi Đức Phật Ta La Vương nhập Niết Bàn, Xá Lợi lưu bố xây Tháp cúng dường. Chánh pháp ở đời đủ mười ngàn năm.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Xá Lợi Phất nên biết
Bồ Tát Đắc Niệm ấy
Hai mươi câu chi kiếp
Chẳng sa đọa ác đạo
Lại bằng thời gian ấy
Chẳng gần các tham dục
Trong khoảng thời gian ấy
Gặp bảy ngàn Đức Phật
Ưa thích các Phật Pháp
Thường tu hạnh thanh tịnh
Sau cùng chứng bồ đề
Hiệu Ta La Vương Phật
Chứng vô thượng giác rồi
Lợi ích các chúng sanh
Hai mươi câu chi năm
Tuyên rộng pháp vi diệu
Chúng hai mươi câu chi
Hội thứ hai bốn vạn
Đều là đại La Hán
Thánh Đệ Tử của Phật
Sau khi Phật nhập diệt
Xá Lợi rộng lưu bố
Xây sàu vạn câu chi
Linh tháp để cúng dưởng
Chánh pháp trụ tại thế
Đủ mưởi ngàn năm trọn
Người nghe Phật chánh giáo
Sanh lòng tin thanh tịnh
Đức Phật nói chánh pháp
Người trí chẳng nghi ngờ
Trọn chẳng đọa ác đạo
Mau chứng đại Niết Bàn.
Lại này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát do thật hành Thi La Ba la mật nên giới tụ thanh tịnh, với chúng sanh tưởng là cha mẹ. Đại Bồ Tát nghĩ rằng xưa kia ta vì tâm tham mà bỏ ý tưởng là mẹ, vì tâm sân mà bỏ ý tưởng là cha.
Nay ta thật hành Thi La Ba la mật an trụ nơi giới thanh tịnh, nơi ngũ dục kia luôn có ý tưởng nhàm chán xa rời. Do có chánh tư duy như vậy nên Đại Bồ Tát có thể biết rõ tướng ngũ dục, lại hay biết rõ ngũ dục đáng chán đáng rời.
Những gì là tướng ngũ dục và nhàm lìa?
Gọi là dục tức là tham ái.
Với nhãn thức tham, những sắc bị biết thì gọi là dục.
Với nhĩ thức tham, những âm thanh bị biết thì gọi là dục.
Với tỷ thức tham, những hương bị biết thì gọi là dục.
Với thiệt thức tham, những vị bị biết thì gọi là dục.
Với thân thức tham, những xúc bị biết thì gọi là dục.
Nếu có tham ái thì có chấp trước.
Xét về chấp trước thí gọi là kết.
Kết gọi là phát khởi.
Phát khởi gọi là trói.
Lại cũng gọi là hí luận chẳng thiệt.
Này Xá Lợi Phất! Tất cả chúng sanh đều bị hí luận chẳng thiệt ấy nó trói, nó quấn, nó trói khắp, nó tăng thượng trói khắp mà chẳng giải thoát được.
Này Xá Lợi Phất! Tất cả chúng sanh bị những gì trói cột mà gọi là bị trói?
Đó là bị sắc nó trói, bị thanh hương vị và xúc nó trói nên gọi là bị trói.
Lại những gì là sắc nó trói?
Đó là ở nơi tự thân chỗ có những hình sắc vọng sanh ý tưởng là ngã, là mạng giả, là hữu tình, là thường hằng, là chẳng biến dị, là thiệt, là toàn, là hiệp nhất. Những ý tưởng ấy gọi là sắc nó trói.
Này Xá Lợi Phất! Những gì gọi là sắc trói?
Đó là ở nơi tự thể tướng ngã đã được phát khởi ấy rất mến, rất quí trọng sanh ngã ái lớn, với thê thiếp quyến thuộc luyến ái chẳng thôi. Đây gọi là bị sắc trói.
Này Xá Lợi Phất! Các chúng sanh ấy đã được thọ dụng các dục lạc rồi tạo nên các nghiệp bất thiện, chẳng biết được đúng thiệt lỗi lầm của ngũ dục.
Này Xá Lợi Phất! Tất cả ngũ dục không thứ nào là chẳng phải tội lỗi. Thế nên đối với các tội lỗi, người trí chẳng nên tham dục. Nhưng đọa ác đạo là lỗ nặng của tham dục, Phật sẽ khai thị tướng ấy cho ông.
Này Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là hay đọa ác đạo là lỗi nặng của ngũ dục?
Này Xá Lợi Phất! Người quen gần gũi dục thì chẳng có chút ác nào mà chẳng gây tạo. Lúc nó chín mùi thì chẳng có chút khổ nào mà chẳng gánh chịu.
Vì thế nên, này Xá Lợi Phất! Đức Phật xem thấy tất cả chúng sanh trong Thế Giới, oán hại lớn của họ không gì hơn thê thiếp nữ sắc các tham dục.
Nấy Xá Lợi Phất! Xét về trí tức là Như Lai. Nói là người vô trí tức là chúng sanh vậy. Nếu là chỗ bị quở trách của người trí thì gọi là chân thật. Nếu là những sự nhiếp thọ của người vô trí thì chẳng chân thật.
Này Xá Lợi Phất! Người vô trí nhận chịu những gì?
Đó là nhiếp thọ những pháp hữu vi, nhiếp thọ thê thiếp con cái. Những người vô trí ấy trở lại bị thê thiếp con cái nhiếp thọ. Cứ mãi xoay vần nhiếp thọ nhau như vậy thí chẳng nhiếp thọ Thánh đạo.
Này Xá Lợi Phất! Vì bị trói buộc nơi thê thiếp vợ con nên người vô trí ấy sanh nhiều chướng ngại nơi pháp lành.
Chướng ngại những gì?
Đó là chướng ngại xuất gia, chướng ngại Thi La, chướng ngại tĩnh lự, chướng ngại Thiên Đạo, chướng ngại Niết Bàn, lại hay chướng ngại các pháp diệu thiện.
Này Xá Lợi Phất! Người vô trí ấy nhiếp thọ thê thiếp nữ sắc con cái như vậy, nói tóm lược là nhiếp thọ oán thù, là nhiếp thọ địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ các ác đạo, là nhiếp thọ các pháp ác bất thiện, mà chướng ngại tất cả pháp Hiền Thánh. Vả lại nhiếp thọ thê thiếp nữ sắc như vậy còn chướng ngại cả sự ăn ngon huống là những thắng pháp khác.
Này Xá Lợi Phất! Tóm lược mà nói về chướng ngại ấy, đó là chướng ngại thấy Phật, chướng ngại nghe pháp, chướng ngại phụng Tăng, chướng ngại lòng tin đối với Phật, pháp và Tăng, chướng ngại được vô hạn, chướng ngại bảy Thánh tài: Tín, giới, văn, xả, huệ, tàm và quý.
Này Xá Lợi Phất! Nếu nhiếp thọ những sắc dục thê thiếp nam nữ tức là nhiếp thọ bất tín, ác giới, tà văn, xen lẫn và tà kiến cùng vô tâm vô quý, lại cũng nhiếp thọ bệnh ung, tên độc, khói lửa, rắn độc.
Này Xá Lợi Phất! Nếu thích ở nhà mê say chẳng rời bỏ tức là thích mồ mả. Thế nên Phật nói ở tại gian hư gò mả, như ở đồng hoang không chỗ dựa nương liền mất tất cả pháp trắng sạch.
Này Xá Lợi Phất! Nếu say đắm nơi sắc dục nam nữ thê thiếp, phải biết đó chíng là say đắm ngòi nổ của trái pháo, là say đắm mũi nhọn của dao bén, là say đắm hòn sắt nóng đỏ lớn, là say đắm nằm giường sắt nóng, là say đắm ngồi ghế sắt nóng.
Này Xá Lợi Phất! Nếu say đắm trang điểm vòng hoa hương xoa, chính là say đắm vòng sắt nóng cứt đái xoa thân.
Này Xá Lợi Phất! Nếu nhiếp thọ nhà cửa để ở, đó là nhiếp thọ chum sắt nóng lớn. Nếu nhiếp thọ tôi trai tớ gái công nhân, đó là nhiếp thọ quỉ tốt ác địa ngục. Nếu nhiếp thọ gia súc, đó là nhiếp thọ chó sắt, ngựa đen ở địa ngục, lại là nhiếp thọ trăm ngàn lính cấm vệ địa ngục. Nếu nhiếp thọ nữ sắc thê thiếp, phải biết đó là nhiếp thọ tất cả khối sầu lo buồn khổ.
Này Xá Lợi Phất! Thà gá nằm trên giường sắt nóng rộng ngàn Na do tha, chớ chẳng dùng lòng ái nhiễm xa nhìn các nữ sắc thê thiếp của cha mẹ cung cấp, huống là gần kề ôm ấp.
Này Xá Lợi Phất! Phải biết phụ nhân là gốc các sự khổ, là gốc chướng ngại, là gốc sát hại, là gốc trói buộc, là gốc ưu sầu, là gốc oán đối, là gốc sanh manh.
Phải biết phụ nhân diệt mất Thánh huệ nhãn. Phải biết phụ nhân như hoa sắt nóng đỏ rải trên đất chân dẫm lên đó. Phải biết phụ nhân lưu bố tăng trưởng các tánh tà ác.
Này Xá Lợi Phất! Cớ gì gọi là phụ nhân?
Chữ phụ ấy có nghĩa là mang gánh nặng.
Tại sao?
Vì hay khiến chúng sanh mang gánh nặng.
Vì hay khiến chúng sanh chịu lấy gánh nặng.
Vì hay khiến chúng sanh khốn nơi gánh nặng.
Vì hay khiến chúng sanh khốn nơi gánh nặng.
Vì hay khiến chúng sanh giữ lấy gánh nặng mà đi.
Vì hay khiến chúng sanh vác gánh nặng đi khắp nơi.
Vì hay khiến chúng sanh lòng khổ nhọc đối gánh nặng ấy.
Vì hay khiến chúng sanh bị gánh nặng ấy nung bức.
Vì hay khiến chúng sanh bị gánh nặng thương tổn vậy.
Này Xá Lợi Phất! Chữ phụ ấy lại có nghịa là chỗ mà chúng sanh thua thiệt.
Chỗ trôi chìm của mọi tham ái.
Chỗ nộp thuế của kẻ thuận theo vợ.
Chỗ mê hoặc của vợ đẹp.
Chỗ quy đầu của vợ hơn.
Chỗ roi vọt của kẻ sợ vợ.
Chỗ phóng túng của vợ tự do.
Chỗ khổ mệt của kẻ làm mọi vợ.
Do các cớ ấy nên gọi những chỗ như vậy là phụ.
Lại này Xá Lợi Phất! Chúng sanh trong đời vì cớ vợ chẳng bỏ nên gánh nặng chẳng bỏ.
Những gánh nặng gì?
Đó là Ngũ Uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Phụ nhân trong đời có thể làm cho chúng sanh chẳng bỏ gánh nặng ngũ uẩn như vậy, nên gọi ngũ uẩn là phụ.
Này Xá Lợi Phất! Lại cớ gì người đời gọi vợ là cố đệ nhị?
Vì nữ nhân ấy là bạn thứ hai phạm Thi La, là bạn thứ hai phạm oai nghi, là bạn thứ hai phạm chánh kiến, là bạn thứ hai khi uống ăn, là bạn thứ hai đi đến địa ngục, bàng sanh, quỉ đạo, là bạn thứ hai làm chướng Thánh huệ, làm ngại vui Niết Bàn nhiếp lấy tất cả khổ vậy. Vì thế nên người đời gọi vợ là cố đệ nhị.
Này Xá Lợi Phất! Lại cớ gì người đời gọi vợ là mẫu chúng?
Vì nữ nhân sanh nhiều lỗi lầm vô biên sự ào dối, nên gọi là mẫu chúng. Nếu ai đeo theo mẫu chúng tự do thì nên biết là sa vào trong tay quân ma tự do làm ác.
Phải biết tất cả nữ nhân trong đời sanh nhiều lỗi lầm vô biên ảo dối, lòng họ nhiều tháo động, nhiều lưu đảng nghiêng úp chẳng dừng, lòng họ như khỉ như vượn, họ khéo thuật hiện bày ảo dối, vì thế nên gọi nữ nhân là mẫu chúng.
Này Xá Lợi Phất! Nói mẫu chúng tức là thôn mẫu ảo, cũng gọi là thành ảo, là ấp ảo, là thủ đô của ảo Vương, là nhà trọ của ảo khách, là quán xá của ảo nhân, là ảo quốc, ảo thôn, ảo xứ, ảo phương, là thế gian ảo, thế giới ảo, vô biên ảo, quảng đại ảo, vô lượng ảo, bất tư nghị ảo, quảng đại ảo, vô lượng ảo, bất tư nghị ảo. Do vì là lỗi nặng dục lạc hay đến ác đạo nên hiệu nữ nhân là thôn mẫu ảo.
Thí như nhà ảo thuật học giỏi ảo thuật ở giữa công chúng hiện ra nhiều sự ảo dối. Cũng vậy, mẫu ảo thôn học giỏi thuật ảo dối của nữ nhân, có thể khiến người chồng hoặc thấy hoặc nghe hoặc rờ hoặc chạm đều bị trói buộc.
Nữ nhân lại giỏi cách mê hoặc, do đó họ có thế lực nhiều. Phàm họ có động tác như ca vũ cợt cười khóc than, hoặc đi đứng ngồi nằm đều khiến người chồng chẳng tự chủ mà bị trói buộc sai sử.
Thí như trong đời ruộng lúa chín bị mưa đá phá nát ngập lụt. Cũng vậy, mẫu ảo thôn như mưa đá tuôn vào ruộng người chồng phá nát tất cả pháp lành lúa tốt.
Này Xá Lợi Phất! Phu nhân có bao nhiêu là lỗi nặng thẳng đến ác đạo mà phàm phu ngu si bị họ mê hoặc chẳng hay biết là lỗi nặng, trở lại nhiếp thọ thê thiếp nữ sắc rồi mê say trong ấy.
Này Xá Lợi Phất! Vì Đại Bồ Tát trí huệ thật hành Thi La Ba la mật nên ở nơi các dục lạc biết rõ là lỗi bèn y theo chánh pháp phát khởi hai ý tưởng: Đó là với hàng ngu phu có ý tưởng là ác nhân, với Chư Phật và Bồ Tát có ý tưởng là thiện nhân. Có ý tưởng ấy rồi, Đại Bồ Tát ấy nghĩ rằng nay ta phải đến chỗ thiện nhân mà không nên đến chỗ ác nhân.
Ta không nên đến chỗ địa ngục, bành sanh ngạ quỉ. Ta không nên đến chổ phá Thi La, chỗ phạm luật nghi. Ta phải đến chỗ tối thắng vô thượng vô chướng ngại rời lìa hẳn các pháp ác trược.
Ta phải đến chỗ Chư Phật Như Lai đại trí huệ. Ta phải ngược dòng mà đi, không nên thuận dòng. Ta phải như sư tử rống, chẳng phải như cheo kêu. Ta phải hiển hiện thế lực như Kim Sí Điểu Vương, chẳng nên hiển hiện sức mọn của côn trùng nhỏ.
Ta phải làm người hiền lương, chẳng nên làm người hiểm ác hư hỏng. Ta phải ăn món ăn hiền lương thắng thượng trong sạch, chẳng nên ăn món vô lương, hạ tiện nhơ bẩn. Ta phải tu hành tĩnh lự vi diệu, tĩnh lự tối thắng, tĩnh lự thù đặc, tĩnh lự đệ nhất, chẳng nên tu hành các tĩnh lự hạ liệt không phải các loại tĩnh lự trên.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nghĩ rằng ta phải du hí trong tĩnh lự Chư Phật, chẳng nên du hí trong các tĩnh lự của Thanh Văn, Độc Giác phàm phu.
Ta phải tu hành tĩnh lự không y dựa, chẳng nên tu hành tĩnh lự y dựa nơi sắc, y dựa nơi thọ tưởng hành thức, chẳng nên tu hành tĩnh lự y dựa nơi địa thủy hỏa phong, cũng chẳng tu hành tĩnh lự y dựa Dục Giới Sắc Giới Vô Sắc Giới, cũng chẳng tu hành tĩnh lự y dựa nơi đã thấy đã nghe đã nhớ đã biết đã được đã chạm đã chứng.
Ta phải tu hành tĩnh lự không y dựa. Do tu tập như vậy nên chẳng tổn mình cũng chẳng tổn người cũng chẳng cùng tổn. Ta phải cần cầu viên thành Phật trí há lại nên cầu các dục lạc thế gian.
Này Xá Lợi Phất! Lúc tu hành Thi La Ba la mật có chánh quán như vậy rồi, Đại Bồ Tát lại phải phát khởi bốn thứ chán lìa:
Một là có thể đối với các dục lạc mà sanh chán lìa.
Hai là đối với các cõi có thể sanh chán lìa.
Ba là đối với các chúng sanh chẳng biết ơn hay sanh chán lìa.
Bốn là đối với tất cả chỗ làm những khổ não hay sanh chán lìa.
Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát quan sát các Hữu Tình ở nơi ác đạo thấy nữ sắc đẹp sanh lòng tham thì phải phát khởi bốn ý tưởng chán lìa, đó là những ý tưởng thối thất, té ngã, đi cầu tiêu và mủ chảy cứt thúi dơ.
Này Xá Lợi Phất! Các Hữu Tình ở ác đạo mà có hiểu biết, thấy nữ sắc đẹp còn phải có bốn ý tưởng như trên huống là loài người.
Này Xá Lợi Phất! Các Thiện Nam Tử ở Đại Thừa, những người chán lìa tất cả pháp hữu vi khi thấy nữ sắc đẹp phát khởi bốn ý tưởng: Thối thất, té ngã, đi cầu tiêu, mủ cứt, nếu còn sanh lòng tham thì lại phải phát sanh ba ý tưởng thân thuộc, nếu bằng mẹ thì tưởng là mẹ, bằng chị em thì tưởng là chị em, bằng con cháu thì tưởng là con cháu.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nghe Phật giảng dạy mà khéo hiểu được thì phải tùy thuận Kinh Điển Thi La Ba la mật như vậy.
Tại sao?
Vì khó có chúng sanh nào từ đời lâu xa đến nay mà chẳng phải đã từng làm cha mẹ ta. Nếu gần kề thê thiếp nữ nhân đó là gần kề người mẹ đời quá khứ vậy.
Này Xá Lợi Phất! Nghe Phật giảng dạy rồi, Đại Bồ Tát vì được thanh tịnh nên phải siêng tu học như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Ngu phu trong đời trái nghịch chẳng tin chánh pháp ấy. Bồ Tát thì tùy thuận chánh pháp không trái nghịch. Nếu ai đã tu hành chánh quán ấy mà tâm tham vẫn còn, thì phải theo đúng lý để quán sát tâm tham ấy thấy gì mà phát sanh.
Nếu do nơi nhãn căn mà khởi tâm tham, lại phải theo đúng lý quán sát: Ta do nhãn căn mà phát khởi ái nhiễm, vậy ai thấy được nhãn căn?
Có phải là nhãn căn thấy nhãn căn chăng, thế thì tự nó thấy nó chăng?
Tại sao?
Kia cũng là nhãn căn mà đây cũng là nhãn căn, đều do tứ đại tạo thành, lại do đại chủng sanh ra. Chẳng phải do tự thể kia ở nơi tự thể này mà sanh nhiễm ái, lại chẳng phải nơi tự thể ta mà sanh nhiễm ái.
Tại sao?
Vì kia tức là đây vậy. Nếu ở nơi kia sanh nhiễm ái thì phải ở nơi đây sanh nhiễm ái.
Tại sao?
Vì không sai khác vậy. Phàm phu trong đời ngu si cùng chung trong tham ái, ta phải cầu những pháp khác biệt họ.
Tại sao?
Vì những cảm giác ái dục đều vô sở đắc vậy.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Lẫn nhau đồng một thể
Đều không tánh sai khác
Do trái lý tà chấp
Phát khởi tâm tham ái
Sao do tứ đại sanh
Lại nhiễm được đại tạo
Các pháp dường như ảo
Không gì khởi tham ái
Ngu phu nhận biết sai
Vọng sanh lòng tham ái
Kẻ bất hiếu sanh tham
Người hiền thiện không ái
Khắp cả mười phương cõi
Không tìm được tham thiệt
Chỉ do nhận biết sai
Nên sanh lòng tham ấy.
Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát quán sát như vậy rồi mà lòng tham ấy vẫn còn, lại phải tùy thuận Kinh Điển như vậy: Nhãn căn như khối bọt nước chẳng bốc nắm được.
Tại sao?
Vì khối bọt nước chẳng bốc nắm được.
Tại sao?
Vì khối bọt nước ất cũng như tất cả pháp đều không có ngã cũng không có tình, không có thọ giả, không tri giả, không kiến giả, không nhân giả, không ý sanh, không tác giả, không thọ giả.
Ở trong tất cả pháp vô tác vô thọ như vậy thì ai nhiễm ái được và nhiễm ái chỗ nào?
Này Xá Lợi Phất! Nhãn căn như bóng nước chẳng cứng chắc.
Tại sao?
Vì bóng nước cũng như tất cả pháp vốn không có ngã, không có tình, không thọ giả, không tri giả, kiến giả, không có nhân, không tác giả, không thọ giả.
Ở trong những pháp không tác không thọ như vậy ai nhiễm ái được, nhiễm ái chỗ nào?
Này Xá Lợi Phật! Nhãn căn như dương diệm do khát ái sanh như cây chuối chất chẳng cứng chắc, như cảnh mộng chẳng thiệt, như vang do các duyên, như bóng y nghiệp mà hiện, như áng mây bay tan, như chớp xẹt liền mất, như hư không rời ngã ngã sở, như cỏ cây đất đá vì là vô tri.
Như máy chuyển động theo gió, như đống rác mục mau thúi rã, như giếng trên gò luôn già khô, nhãn căn chẳng còn lâu rồi sẽ chết hư vốn không ngã, không tình, không mạng, không tri giả kiến giả, không nhân, không tác giả thọ giả, ai nhiễm ái và nhiễm ái chỗ nào?
Như nhãn căn, quán sát những căn những trần tất cả các pháp cũng theo đúng lý như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Lúc Đại Bồ Tát quán sát đúng lý như vậy mà còn bị các tham ái kéo dắt thì không bao giờ có. Đại Bồ Tát chánh quán như vậy, phải biết là rời hẳn tham ái đối với các pháp. Đây gọi là lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát diệt các tham ái trọn vẹn thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Thật hành Thi La Ba la mật như vậy, Đại Bồ Tát chẳng là những nghiệp hại chúng sanh, dầu cho lúc mạng sống của mình bị đe dọa cũng chẳng làm tổn hại tất cả chúng sanh, chẳng làm những nghiệp trộm cướp, tà hạnh, vọng ngôn, ác khẩu, ly gián, ỷ ngữ, chẳng sanh lòng tham, lòng sân, tà kiến. Dầu cho mạng sống của mình bị đe dọa cũng chẳng phạm các điều ác ấy. Đây gọi là Thi La thanh tịnh.
Này Xá Lợi Phất! Do thật hành Thi La Ba la mật nên Đại Bồ Tát đầy đủ vô lượng vô biên Phật Pháp.
Do thật hành Thi La Ba la mật nên Đại Bồ Tát đầy đủ thành tựu Thi La chẳng khuyết, vì chẳng gần kề kẻ vô trí vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La chẳng lủng, vì hay xa rời pháp bất bình đẳng vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La chẳng lem, vì chẳng gần kẻ ác và các phiền não vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La chẳng ô nhiễm, vì chỉ do pháp lành làm tăng trưởng vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La Ứng Cúng, vì làm như sở nguyện vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La khen ngợi, vì chẳng bị người trí quở trách vậy.
Đầu đủ thành tựu Thi La khéo giữ gìn, vì viên mãn chánh niệm và chánh tri kiến vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La chẳng chê, vì các lỗi lầm chẳng sanh vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La khéo hộ trì, vì khéo phòng vệ các ăn vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La cao rộng, vì được Chư Phật nhớ biết vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La thiểu dục, vì biết lường vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La tri túc, vì dứt vui mừng vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La chánh hạnh, vì thân tâm xa rời vậy.
Đầy đủ thành tựu Thi La tịch tĩnh, vì chán phiền rộn vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La thánh chủng thiện hỷ, vì chẳng mong chẳng đoái nhan sắc vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La công đức ít sự việc, vì tự tại sanh trưởng các thiện căn vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La làm đúng như lời, vì chẳng dối trới người thế gian vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La đại từ, vì chẳng hại mạng sống của tất cả vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La đại bi, vì nhịn chịu tất cả sự khổ vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La đại hỷ, vì chẳng thối giảm nơi pháp lạc vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La đại xả, vì tất cả tham sân dứt sạch vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La thường xét lỗi mình, vì nội tâm thường khéo có soi xét vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chẳng chê người kém khuyết vì khéo thuận hộ tâm chúng sanh vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La thành thục chúng sanh, vì rốt ráo hay đến thí Ba la mật vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La khéo thủ hộ, vì rốt ráo hay đến giới Ba la mật vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La không lòng ghét hại, vì rốt ráo đến nhẫn Ba la mật vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La định phần viên mãn, vì rốt ráo đến tĩnh lự Ba la mật vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chánh văn chẳng nhàm, vì rốt ráo đến đại huệ Ba la mật vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La thân cận thiện hữu, vì khéo tu tập bồ đề phần tư lương vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La xa rời ác hữu, vì vứt bỏ đạo bất bình đẳng vậy.
Thánh tựu đầy đủ Thi La chẳng đoái luyến thân thể mình, vì hằng quán sát vô thường vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chẳng đoái luyến mạng sống mình, vì chẳng thường bảo thủ chỗ sở trọng của mình vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chẳng sanh lòng ăn năn, vì lòng khéo thanh tịnh vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chẳng dối hiện, vì phương tiện khéo thanh tịnh vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chẳng não nhiệt, vì ý tăng thượng khéo thanh tịnh vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chẳng bồn chồn, vì rời xa các tham ái vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chẳng cao mạn, vì hòa nhu chất trực vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La chẳng ngang ngược, vì tánh hiền thiện vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La khéo điều phục, vì không giận hờn vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La tịch tĩnh, vì tánh an nhiếp vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La thiện ngữ, vì đúng như lời đã nói không trái nghịch vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La thành thục hữu tình, vì thường chẳng bỏ rời các nhiếp pháp vậy.
Thành tựu đầy đủ Thi La thủ hộ chánh pháp, vì chẳng tự làm hư Thánh Pháp tài vậy.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát trí huệ thanh tịnh giới tụ như vậy, thành tựu đầy đủ Thi La Ba la mật, vì vô thượng bồ đề nên có thể khéo tu hành Bồ Tát diệu hạnh. Đây gọi là Đại Bồ Tát Thi La Ba la mật.
Nếu Chư Đại Bồ Tát chuyên cần tu hành Bồ Tát hạnh này, thì tất cả chúng ma, ma dân, Thiên Ma chẳng nhiễu loạn được, lại chẳng bị dị đạo hay tha luận đè bẹp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Trượng - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bảy - Pháp Hội Bất Khả Thuyết Bồ Tát - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Mười Tám - Phẩm Pháp Thứ Lớp Cúng Dường
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Tám - Nói Về Thành Tựu