Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH TUỆ ẤN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẦN HAI  

Như người ở ba cõi

Sinh ra rồi lớn lên

Tất cả đều gánh vác

Chịu đựng vô số kiếp

Thân ấy chẳng biết mệt

Không than van khổ nhọc

Đều chịu đựng như thế

Không bằng hiểu tam muội.

Như người sinh cùng khắp

Lại ở nhiều kiếp số

Trăm kiếp cát Sông Hằng

Tất cả dùng làm số,

Không bằng sớm tối gắng

Hành ấn tam muội ấy

Phước ấy muốn thí dụ

Không thể sánh bằng tuệ.

Người trí như thế đó

Làm y như lời nói

Ở trong vô số kiếp

Ví như một hạt bụi,

Chắc chắn rõ ràng là

Bậc Tuệ Ấn tam muội

Phước ấy muốn thí dụ

Như một giọt nước biển.

Chớ đem sắc tướng tốt

Quen tưởng muốn gặp Phật

Chớ như người chấp có

Muốn gặp Đa Đà Kiệt,

Phải như người giác ngộ

Người thấy là thấy Phật

Thấy Phật như thế rồi

Tất cả không ba ngàn.

Này Xá Lợi Phất La! Đó là Đa Đà Kiệt Tuệ Ấn tam muội. Các Đại Bồ Tát ở khắp mười phương, không bị ngăn ngại đều mong được gặp Chư Phật, muốn vậy trong lòng phải chí thành, sớm tối thực hành tam muội này.

Đã thấy có vô ương số Bồ Tát khắp mười phương, thực hành môn tam muội, trụ ở pháp không chỗ chướng ngại và đạt được pháp môn nương tựa Đà La Ni. Từ đó thành tựu tướng của mình. Thành tựu sự tốt đẹp cho mình. Người thực hành như thế thì các tội lỗi được tiêu trừ, vượt qua tất cả các việc ma.

Lời Phật nói ra đều rõ ràng chắc chắn. Nơi ở và lời nói của Phật, không trống rỗng hay khiếm khuyết mà đều đầy đủ. Việc làm của thân không có tỳ vết, mọi ý tưởng nhớ nghĩ đều sạch không nhơ. Nếu muốn rõ những gì Phật đã làm, muốn hiểu rõ ý của mọi người, Phật sẽ khiến cho đạt được sở nguyện.

Người muốn khởi nguyện thành tựu ở Cõi Phật đó, thì phải thực hành tam muội ấy. Người muốn được ánh sáng trong đảnh của Phật, người muốn làm Tỳ Kheo tăng, người muốn trang nghiêm cõi nước mình. Tự tại với điều mình muốn, làm những điều mình cần làm, thì phải phụng hành tam muội ấy.

Vì sao?

Ví như tất cả cây thuốc, dù ở đâu, nếu muốn tìm, thì đều có đầy đủ. Tam muội ấy cũng như thế, Bồ Tát ở trong tam muội này, mong cầu những điều gì cũng đều được đầy đủ.

Đức Phật liền nói kệ:

Tuệ vô thượng là Vua của tuệ

Tuệ có thể phá mê đắm dục

Tuệ cao tột vào cửa trí tuệ

Đó là ấn Kinh vô lượng tuệ.

Ở trí địa biết căn, hành, trụ

Trí không ngại, trí trừ tối tăm

Trí thuyết pháp, trí diệt mê đắm

Kinh như mặt trời chiếu ba cõi.

Luôn bình đẳng thực hành tam muội

Mọi dính mắc chắc chắn dứt trừ

Giữ gìn các tam muội tuệ ấn

Chư Phật bình đẳng với tất cả.

Muốn được của báu Độ vô cực

Nguyện cầu phước tướng, phước thần túc

Chí thành nguyện chi, đều được cả

Chư Phật vui với tam muội ấy.

Vua yêu nước và cả thần dân

Như Lai là báu trên các báu

Tiêu trừ sạch ham muốn, giận, nhơ

Tam muội quý báu nói là Kinh.

Theo ta học, hết lòng kính thuận

Giữ thanh tịnh, trừ bỏ chấp ngã

Tuệ dũng mãnh phá tan sinh tử

Trì pháp vững vàng, đắc tam muội.

Tuệ đáng nói, đều cần phải nói

Trì tuệ này, trí càng thêm nhiều

Tuệ có thể phóng ánh sáng khắp

Kinh ấy là cánh cửa trí tuê

Có khả năng dẹp hết chấp ngã

Sáu mươi hai tà kiến nghi hoặc.

Đến cửa Phật, không còn sợ hãi

Từ pháp này đủ tướng tốt đẹp

Ba ngôi báu, Phật đứng hàng đầu

Có khả năng nói bảy giác ý.

Vì biếng nhác, chỉ bày phương tiện

Tam muội ấy, không bao giờ hết

Tất cả pháp sẽ nói rộng ra

Vào Đà La Ni không ngằn mé.

Mang pháp ấy vào khắp mười phương

Đà La Ni thí như biển cả

Ở trong đó thành tựu bố thí

Trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn

Thiền định, trí tuệ, không cùng tận

Trụ Kinh ấy, thành tựu vô cực

Chẳng sợ hãi với bao tội lỗi

Cùng các ma chướng và ác đạo.

Hành tam muội không thể bị hại

Như điều mong cầu được thành Phật

Bồ Tát trụ ở trong pháp ấy

Lấy cả mười phương để chứng minh.

Người nào đến mong cầu pháp khí

Gìn giữ Kinh ấy được pháp trụ

Như Phật quá khứ, Kinh là mẹ

Chư Phật vị lai cũng thế thôi

Chư Phật hiện tại từ đó ra

Người thực hành đúng là con Phật.

Tội lỗi diệt trừ, hạnh không lay

Vượt qua đệ thất, trụ pháp khứ.

Có ai trú ở nơi Kinh ấy

Mới đầy đủ báu của Chư Phật.

Khi Đức Phật nói pháp ấy, có các vị Bồ Tát, nhiều như ba mươi số cát Sông Hằng, đều đạt được tam muội ấy. Có sáu mươi tám na thuật Bồ Tát khác, các tội chướng đều tiêu trừ và trụ ở địa vị không thoái chuyển và đều đắc Bất khả tận sở nhập thanh Đà La Ni.

Có sáu mươi ức Trời và người, từ xưa đến nay, chưa từng khởi tâm Bồ Tát, nay đều phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và đều nguyện muốn được nghe tam muội ấy. Sau khi nghe xong, liền trụ ở địa vị không thoái chuyển và sẽ được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Đức Phật liền thọ ký cho những Bồ Tát ấy. Về sau, trải qua ba mươi ức trăm ngàn kiếp đều sẽ được thành Phật, hiệu là Ly ư khủng bố. Các Bồ Tát đều tự phát nguyện, liền đắc Vô sở tùng sinh pháp nhẫn. Sau đó, ở cõi nước các vị sẽ được thành Phật và đồng một chữ.

Bấy giờ, Đức Phật nhìn khắp pháp hội, bảo Văn Thù Sư Lợi: Vì lẽ đó, này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát nào, muốn giữ gìn pháp ta, phải làm sao trụ được vào vô sở trước, phải biết hối, phải giữ gìn, phải thuyết giảng, luôn luôn ở một mình nơi thanh tịnh, không nên có chỗ ỷ lại nương vào!

Văn Thù Sư Lợi, liền từ chỗ ngồi, đứng dậy, sửa sang y phục, đảnh lễ Phật sát đất, rồi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con có khả năng hộ trì pháp vô sở trước ấy, đối với đạo Bồ Tát, không có ngã và ngã chấp, không có, cũng chưa từng có, không thấy cũng không nghe, không được cũng không mất.

Bấy giờ, trong chúng hội, ba mươi ức Bồ Tát đều chắp tay đứng dậy, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con có khả năng ủng hộ hạnh Bồ Tát, trải qua vô số A tăng kỳ kiếp.

Các vị Bồ Tát đều đem y trên người, cúng dường Đức Phật và phát nguyện.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Nếu như nhớ lại hạnh nguyện thuở xưa, thì về sau phải giữ gìn pháp này.

Lúc đó, trong ba mươi ức Bồ Tát, chỉ có tám ngàn Bồ Tát, có khả năng giữ gìn pháp này mà thôi. Còn những Bồ Tát khác đều hời hợt không thể giữ gìn pháp. Về sau pháp ta sẽ bị nhầm lẫn, cũng không hối, cũng không giữ gìn!

Này Di Lặc! có bảy việc, phát tâm Bồ Tát, đó là:

1. Phát tâm Bồ Tát.

2. Khi pháp sắp diệt hết, thì phát tâm Bồ Tát để giữ gìn pháp, không cho đoạn mất.

3. Phát tâm Bồ Tát, khởi lòng thương xót nhân và phi nhân khắp mười phương.

4. Thấy Bồ Tát, liền phát tâm Bồ Tát.

5. Phát tâm Bồ Tát và bố thí.

6. Gặp người khác phát tâm Bồ Tát, liền phát tâm Bồ Tát theo.

7. Nghe Phật có ba mươi hai tướng đoan chánh, mọi người đều hướng đến ca ngợi, liền phát tâm Bồ Tát.

Này Di Lặc! Đó là bảy việc. Trong đó, ba hạng Bồ Tát đầu, có thể phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Các Bồ Tát này giữ gìn pháp không để diệt hết. Các Bồ Tát vì thương xót nhân và phi nhân mà phát tâm Bồ Tát. Những tam muội này có khả năng giữ tâm Bồ Tát mau đắc địa vị không thoái chuyển. Còn bốn hạng phát tâm Bồ Tát sau, đều là hạng Bồ Tát hời hợt.

Đức Phật lại bảo Bồ Tát Di Lặc:

Có năm pháp trụ, mau đắc quả vị không thoái chuyển:

1. Tâm bình đẳng đối với nhân, phi nhân trong mười phương.

2. Không ham thích đến tiền tài châu báu của người khác.

3. Nếu có người nói khinh pháp, sau khi người ấy chết không được nói lỗi của người ấy.

4. Có người cúng dường y phục, mùng mền, giường chõng, đồ ngồi, thuốc thang chữa bệnh, nếu thấy đáng nhận thì đến nhưng không vì chỗ mến mộ gì cả.

5. Thâm nhập pháp nhiệm màu.

Đó là năm pháp. Nếu Bồ Tát trụ, thì biết đó là tướng của Bồ Tát thoái chuyển.

Lại có năm pháp, Bồ Tát trụ hạng hời hợt:

1. Mặt mày xấu xí.

2. Làm việc gì cũng đều nhút nhát.

3. Bỏn sẻn, tham lam.

4. Dụ dỗ, dua nịnh.

5. Miệng chỉ nói suông.

Đó là năm pháp trụ, là tướng của Bồ Tát hời hợt.

Lại có năm pháp, Bồ Tát trụ, biết là pháp không thoái chuyển.

1. Không có ngã.

2. Không có nhân.

3. Không ở trong pháp có hai.

4. Không chấp vào địa vị Bồ Tát.

5. Không dùng tưởng để gần Phật.

Đó là năm pháp trụ của Bồ Tát mau đắc không thoái chuyển.

Lúc ấy, Đức Phật liền nói kệ:

Không nên cao ngạo

Cũng không ganh ghét

Làm dối, nói quấy

Tìm xấu, tốt người.

Nói không chân thật

Và hay khiếp nhược

Hạng người như thế

Không thể giữ pháp.

Nếu có hành giả

Ở nơi vắng lặng

Rất hay nhẫn nhịn

Không chỉ nói suông.

Ví như Tê Giác

Thích sống một mình

Những hạng như thế

Giúp được sau này.

Thường thích sống riêng

Thích nơi thanh tịnh

Như chim nhút nhát

Thích ở rừng sâu.

Chẳnh thích cúng dường

Ví như hư không

Hạng người như thế

Giữ được tôn pháp.

Thân thể thọ mạng

Đều chẳng màng đến

Huống gì trân bảo

Có ở thế gian.

Nỗ lực tinh tấn

Không chấp vào đâu

Pháp khí như thế

Giữ pháp sau này.

Ở đời vị lai

Có hạng người này

Sẽ tự khoe khoang

Tôi hành Bồ Tát.

Ý chí mê loạn

Đắm nhiễm thế gian

Không thể phụng hành

Giữ gìn minh pháp.

Ta nhớ quá khứ

Đề hòa kiệt Phật

Quá hơn thế nữa

Tám mươi ức kiếp

Lúc ấy có Phật

Hiệu là Quang Minh

Vì cả mọi người

Nói tam muội này.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần