Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Tám - Pháp Hội Hộ Quốc Bồ Tát - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI TÁM
PHÁP HỘI
HỘ QUỐC BỒ TÁT
PHẦN TÁM
Bấy giờ Diệm Ý Đại Vương sau đêm ấy nghe tiếng khóc của các Đồng Tử liền vội chạy đến thành Thắng Hỷ Lạc hỏi các Đồng Tử thể nữ tại sao kêu khóc. Mọi người tâu rằng Vương Tử Phước Diệm trong đêm rồi bỗng mất tích. Đại Vương nghe tâu té xỉu xuống đất, giây lát đứng lên khóc than thê thảm đi vòng quanh thành trăm ngàn vòng.
Thiên Thần hộ thành bảo Vua Diệm Ý rằng: Cách đây về phương Đông có Phật Hiệu Cát Lợi Ý, Vương Tử Phước Diệm hiện ở tại đó đảnh lễ cúng dường. Vua Diệm Ý nghe Thiên Thần báo cáo xong liền đem các Đồng Tử thể nữ và bộ tùng tám vạn bốn ngàn câu chi và trăm ngàn na do tha đại chúng đi về phương Đông đến chỗ ngụ của Phật Cát Lợi Ý Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đến rồi Vua đảnh lễ chân Phật ở qua một bên nói kệ ca tụng Đức Phật:
Kính lễ biển công đức trí huệ
Đấng đại trượng phu không ai bằng
Hơn hết các cõi không ai sánh
Thiên Vương Thích Phạm đều cúng dường
Đấng tối thượng đặc thù trong chúng
Nhìn sắc tướng Phật không chán đủ
Thân ba mươi hai tướng trang nghiêm
Như tòa Tu Di bảo thanh tịnh
Thân Phật vi diệu màu Tử Kim
Người thấy không nhàm nên tôi lạy
Vô lượng trăm ngàn ức số kiếp
Như Lai khổ hạnh không nhàm mỏi
Vô lượng số kiếp cúng dường Phật
Trăm ngàn câu chi đếm không hết
Thuở xưa bố thí khó nghĩ lường
Thế nên sắc thân rất nghiêm tịnh
Bố thí trì giới thiền định huệ
Nhẫn nhục tinh tấn thiện phương tiện
Sắc thân của Phật rất thanh tịnh
Sáng hơn mặt nhật nguyệt Ma Ni
Thích Phạm quang minh ẩn chẳng hiện
Phật Hiệu diện sắc vì thế gian
Hoặc hiện ở tại Đâu Suất Thiên
Hoặc lại thị hiện muốn Hạ Sanh
Hoặc hiện thanh tịnh bạch tượng vương
Trong mộng vào thai hông hữu mẹ
Thân Phật hiện ở như hư không
Như bóng Trăng như mộng ảo hóa
Thân Phật ứng hiện cũng như vậy
Và lại thị hiện thuở sơ sanh
Hoặc đi bảy bước thị trượng phu
Xướng to Trời người ta trên hết
Ta cứu thoát được khổ chúng sanh
Ở trong các pháp không nghi hoặc
Vì chúng thị hiện mới học sách
Thành tựu thiền định ở tịch tịnh
Thị hiện ở trong chúng thể nữ
Rời bỏ cha mẹ và vợ con
Quyến thuộc tôn thân luyến mộ khóc
Bỏ nhà ở rừng thường độc bộ
Câu chi Chư Thiên luôn vây quanh
Luôn luôn tán thán không mỏi chán
Từ lâu hành phục bốn thứ ma
Cõi này thị hiện mới hành phục
Từ lâu đã chuyển tịnh pháp luân
Nay vì từ bi thị sơ chuyển
Xem người thế gian họ chấp thường
Ở giữa chúng xướng ta Niết Bàn
Thấy người thế gian thích sanh tử
Thế Tôn dạy họ pháp tịch diệt
Phước trí phương tiện không tỉ dụ
Thân phóng quang minh chiếu nhiều cõi
Bồ Tát các phương tìm đến Phật
Đảnh lễ Thế Tôn bất tư nghì
Pháp Vương vì nói Pháp vi diệu
Sanh lòng hoan hỉ chúng thanh tịnh
Vì chúng hiện thân đồng thế gian
Thân Phật không lai cũng không khứ
Như Lai trụ pháp không ảo hóa
Nên tôi đảnh lễ đại trượng phu
Lành thay Thế Tôn nói đạo mầu
Vì người hiển bầy đường Chánh Giác
Vì tôi chỉ dạy thắng pháp môn
Vì thế nay tôi chứng pháp ấy
Thế tôn vì tôi mà thị hiện
Tôi chứng đều vì chúng sanh nói
Phật Trí vô não tối vô thượng
Nay tôi khen Phật các công đức
Nguyện cùng thế gian các chúng sanh
Mau chứng tịch diệt đạo vô thượng.
Bấy giờ đức Cát Lợi Ý Như Lai biết lòng thâm tín của Vua Diệm Ý rồi, Phật theo chỗ đáng dạy mà thuyết pháp cho Vua được chẳng thối chuyển đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Vương Tử Phước Diệm bạnh Phật Cát Lợi Ý rằng: Nay tôi muốn thỉnh Đức Phật vào trong thành của tôi, mong Đức Phật thương xót nhận cho. Vì xót thương nên Đức Phật Cát Lợi Ý yên lặng thọ thỉnh.
Biết Đức Phật đã nhận lời, Vương Tử Phước Diệm tâu cùng Vương Phụ Vương Mẫu và quyến thuộc rằng: Nay tôi đem thành Thắng Hỉ Lạc và đồ trang nghiêm đều phụng cúng cả cho Phật và Tỳ Kheo Tăng trọn không hối tiếc. Mong cha mẹ và quyến thuộc sanh lòng vui mừng.
Vua cha và quyến thuộc đồng thanh xướng rằng: Lành thay, lành thay chúng tôi đều tùy hỷ. Vương Tử Phước Diệm về trang nghiêm thêm đẹp thành Thắng Hỷ Lạc rồi dâng cúng cho Phật và Tỳ Kheo Tăng. Mỗi ngày Vương Tử sắm năm trăm thức ăn uống dâng Phật và Tăng.
Vương Tử lại vì Chư Tăng mà tạo Tăng Già Lam, đều trang nghiêm với bảy báu, trong mỗi phòng trải năm ngàn lớp nệm gấm lụa nhiều mầu, lại may sắm y mới sạch cho Chư Tỳ Kheo tùy sở thích, lại kiến tạo chỗ kinh hành đều trang nghiêm với các thứ báu, trên giăng lưới báu, hai bên trồng các loại cây bông trái thơm đẹp.
Cúng dường Phật Tăng như vậy trải qua ba ức câu chi năm, Vương Tử Phước Diệm chưa bao giớ ngủ nghỉ, chẳng tiếc thân mạng chỉ lo việc cúng dường, không lòng tham dục, không lòng sân hại, không thích ngôi Vua, chẳng luận chỗ nào đều có thể vứt bỏ thân mạng huống là những vật khác.
Lại ở nơi pháp của Như Lai tuyên nói đều thọ trì cả không hề quên mất chưa từng hỏi lại Phật dầu là một câu. Trong thời gian ba ức câu chi năm ấy, Vương Tử cũng chẳng tắm gội, chẳng xoa dầu, chẳng rửa chân, chẳng ngồi chẳng nằm chỉ trừ lúc ăn, lúc đại tiểu tiện, không hề có ý tưóng mỏi mệt.
Lúc đức Cát Lợi Ý Như Lai nhập Niết Bàn, Vương Tử lấy gỗ xích Chiên Đàn chất đống trà tỳ thân xác Như Lai, rồi tại nơi trà tỳ ấy dùng các thứ cúng dường thượng diệu để cúng dường Xá Lợi, mọi nơi trong Diêm Phù Đề cũng thiết lập cúng dường Xá Lợi như vậy.
Lại tạo riêng chín mươi chín câu chi Tháp bảy báu, trên giăng màn lưới chân châu tạp bảo, mỗi Tháp có năm trăm lọng bảy báu, trăm ngàn thứ âm nhạc, quanh Tháp trồng những loại cây hoa đẹp, trưóc mỗi Tháp thắp trăm ngàn ngọn đèn đựng ngàn hộc dầu, lại thường dâng cúng các thứ hương các thứ hoa.
Sau khi cúng dường như vậy trải qua nhiều câu chi năm rồi, Vương Tử Phước Diệm xuất gia. Sau khi đã xuất gia chỉ chứa ba y thường đi khất thực thích hạnh Đầu Đà ngồi luôn chẳng nằm, chẳng hề ngủ nghỉ, chẳng đòi cầu nơi người, thí xả tất cả chẳng mong báo, thường thuyết pháp cho mọi người, như vậy trải qua bốn câu chi năm, nhẫn đến chẳng thọ lãnh một lời hay khen tặng huống là thọ lãnh vật lợi dưỡng của người. Nếu lúc nghe pháp không hề có ý tướng mỏi nhọc. Thường được Chư Thiên đến hầu cúng.
Trong nước ấy, Vương Phụ Vương Mẫu, các đại thần thể nữ nhơn dân và các quyến thuộc đều theo Vương Tử học xuất gia hành đạo.
Bấy giờ Chư Thiên Tịnh Cư thấy sự việc như vậy nghĩ rằng: Nay trong nước ấy tất cả nhơn dân đều học theo Vương Tử Phước Diệm xuất hành gia đạo, trọn cả nước ấy đều là Tam Bảo cả, nay chúng ta nên làm Đàn Việt cúng dường họ để lợi ích thế gian.
Sau khi đức Cát Lợi Ý Như Lai nhập Niết Bàn, chánh pháp trụ thế sáu vạn bốn ngàn câu chi năm đều do sức nhiệm trì của Vương Tử Phước Diệm Tỳ Kheo.
Từ thuở ấy về sau, Phước Diệm Tỳ Kheo thường cúng dường như vậy, thứ đệ cúng dường chín mươi bốn câu chi Chư Phật.
Này Hộ Quốc! Thuở ấy, Vua Diệm Ý chính là đức Vô Lượng Thọ Như Lai hiện nay, Vương Tử Phước Diệm chính là thân ta Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Thiên Thần thủ hộ thành tức là Đức A Súc Như Lai hiện nay.
Này Hộ Quốc! Do cơ ấy nên Chư Bồ Tát muốn được vô thượng bồ đề phải nên học theo Vương Tử Phước Diệm mà thâm tâm chí thành tu tập các công hạnh, rời bỏ tất cả lòng thương ghét. Thuở trước do thường siêng tu khổ hạnh như vậy nên ta được thành Vô Thượng Bồ Đề.
Đời vị lai sau này, có các Tỳ Kheo ái trọng danh lợi tham luyến quyến thuộc, nơi các pháp lành tự nhiên tổn giảm, thường bị oán tặc ngã mạn nó làm tổn hại, thật rất đáng thương.
Vì tham lợi mà họ xa rời chánh pháp, luống xuất gia làm ô uế hạnh Sa Môn, chỉ có miệng nói tôi là Bồ Tát mà nội tâm thì thuần là siểm khúc, thân tâm hôn trược, chìm trong bùn phiền não, chỉ có hình tướng mà trái chánh đạo. Bỏ chỗ mình đã thệ nguyện tham trước y phục ẩm thực phòng xá ngọa cụ thuốc men không có lòng hổ thẹn, chẳng biết sỉ nhục, không có oai nghi, rời xa cảnh giới Phật.
Đây là những ác tri thức cầu danh tham lợi chẳng nên thân cận.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ:
Nhiều làm các phóng dật
Xa rời chỗ thập lực
Lòng luôn tham lợi dưỡng
Và các hàng quyến thuộc
Vứt bỏ Phật bồ đề
Ngàn vạn thứ công đức
Dối Thánh cầu danh lợi
Tánh ác không hổ thẹn
Gian siểm không tu sỉ
Họ chuyên vì lợi danh
Mà vào trong Phật Pháp
Tùy thuận các phiền não
Mau chóng đọa ác đạo
Miệng nói ta đại đức
Hơn ở A Lan Nhã
Lòng họ nhớ tụ lạc
Chúng ấy vì tham luyến
Nên tâm nhiều giác quán
Chúng ấy xa giải thoát
Như Trời xa mặt đất
Người tu phải xa họ
Như sợ rắn độc dữ
Họ chẳng ưa Phật Pháp
Chẳng ưa công đức Tăng
Vứt bỏ lìa đạo lành
Thường đi nơi đường tà
Mất cả vô lượng thiện
Bị các cõi che đậy
Nghe ta thuở xưa làm
Tâm chân thiệt thành tín
Phải học theo hạnh ta
Nhiều câu chi kiếp số
Pháp như vậy khó được
Phải phát tâm đại nhẫn
Chỗ được ta nói ra
Phải siêng gắng phục hành
Nếu muốn được thành Phật
Trong Đại Thừa diệu thắng
Phải nhớ hạnh Vương Tử
Các công đức vô lượng
Suy nghĩ chân thiệt rồi
Phải an trụ trong ấy
Đạo Bồ Đề như vậy
Sẽ thấy như Phật nói
Gẫm kỹ các công đức
Chỗ chúng tánh Thánh Nhân
Phải làm đúng như lời
Nếu bỏ giáo pháp ấy
Thì mất vị công đức
Sẽ sanh trong ác đạo
Ngu si không có lợi
Sanh ác đạo sẽ hối
Khuyên người tu núi rừng
Cẩn thận chớ tự khen
Cũng chớ chê bai người
Phải thường tự chê trách
Xưa trái ức Chư Phật
Do vì tâm ngã mạn
Chớ tiếc thân mạng mình
Chỗ ân ái đều bỏ
Như Phật nói Kinh này
Sanh lòng kính chánh pháp
Nếu làm đúng như pháp
Được Bồ Đề chẳng khó
Thừa này của Phật nói
Nghe rồi chớ sanh nghi
Vì thế trong Phật Pháp
Phải làm như Phật dạy
Siêng năng bỏ thân mạng
Như lời dạy chớ trái
Nếu chẳng tin pháp này
Về sau hối vô ích.
Này Hộ Quốc! Nếu có Bồ Tát thường hành năm Ba La Mật không thôi nghỉ, nếu có Bồ Tát ở nơi Kinh này có thể làm đúng pháp có thể an trụ đúng pháp, cũng tự xướng tôi có thể làm có thể an trụ đúng pháp này, muốn đem công đức tu năm Ba la mật trước so sánh công đức này thì chẳng bằng một phần trăm.
Chẳng bằng một phần trăm ngàn, chẳng bằng một phần trăm ngàn câu chi, chẳng bằng một phần toán số thí dụ, cho đến chẳng bằng một phần Ưu Ba Ni Sa Đà. Lúc Đức Phật nói Kinh này, có ba mươi na do tha thiên nhơn A Tu La v.v… chưa từng phát tâm vô thượng bồ đề, đều phát tâm và đều được chẳng thối chuyển. Lại có bảy ngàn Tỳ Kheo lậu tận tâm được giải thoát.
Hộ Quốc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp này tên là gì, chúng tôi phụng trì thế nào?
Đức Phật phán: Này thiện nam tử! Pháp này vốn tên là bất không thệ thanh tịnh hạnh, nên thọ trì như vậy. Cũng tên là thiện trượng phu du hí Bồ Tát hạnh quyết định tì ni, nên thọ trì như vậy. Cũng lại có tên là chân thiệt nghĩa Cụ Túc, nên thọ trì như vậy. Cũng tên là Phước Diệm Bồ Tát Đại Sĩ vãng tích bổn hạnh, nên thọ trì như vậy.
Đức Phật nói Kinh này rồi, Trưởng Lão, Hộ Quốc, Bồ Tát và Chư Thiên, Nhân, A Tu La, Càn Thát Bà v.v... nghe lời Phật dạy vui mừng phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tứ Quả
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Một - Phẩm Tứ đế
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai - Phẩm Dục - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Bảy Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Năm - Pháp Hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký - Phần Hai