Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Ba - Phẩm Năm - Phẩm Ba Bài Kệ Số Ba - Chuyện Chê Bai Lợi Nhuận Tiền Thân Làbha Garaha

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BA  

PHẨM NĂM

PHẨM BA BÀI KỆ SỐ BA  

CHUYỆN CHÊ BAI LỢI NHUẬN

TIỀN THÂN LÀBHA GARAHA  

Kẻ cuồng si, kẻ chuyên lời phỉ báng. Chuyện này được bậc Ðạo Sư kể tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo bằng hữu của Trưởng Lão Xá Lợi Phất.

Tỳ Kheo này đến chào Trưởng Lão rồi ngồi xuống một bên, hỏi Trưởng Lão nói cho biết làm cách nào để được lợi nhuận, làm sao để ông ta thâu được y phục vật dụng v.v...

Trưởng Lão đáp: Này Hiền hữu, có bốn cách khiến cho một người thành công trong việc đạt lợi nhuận. Người ấy phải từ bỏ lòng khiêm tốn, phải từ bỏ hội chúng, phải làm ra vẻ điên khùng dù mình chẳng điên khùng, người ấy phải nói ngang ngược, người ấy phải cư xử như phường múa hát, người ấy phải dùng lời ác độc ở khắp nơi.

Trưởng Lão giảng cách thức khiến người thu đạt nhiều như vậy. Vị Tỳ Kheo kia không đồng ý với cách này và bỏ đi. Trưởng Lão đến thuật chuyện cùng bậc Ðạo Sư.

Ngài dạy: Ðây không phải là lần đầu tiên vị Tỳ Kheo kia chê bai lợi nhuận. Trước kia ông ta cũng đã chê bai như thế. Rồi do yêu cầu của Trưởng Lão, Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa, khi Brahmadatta là Vua xứ Ba La Nại, Bồ Tát sinh ra trong một gia đình Bà La Môn. Khi lên mười sáu tuổi Ngài đã tinh thông ba Bộ Kinh Vệ Đà và mười tám học thuật.

Ngài trở thành vị thầy lừng danh, dạy dỗ một đám năm trăm thanh niên.

Một thanh niên kia mới học đạo, một hôm đến hỏi thầy: Những người này đạt lợi nhuận như thế nào?

Vị thầy trả lời: Con ạ, có bốn cách thâu lợi nhuận cho những người này.

Rồi Ngài đọc bài kệ thứ nhất:

Kẻ cuồng si, kẻ chuyên lời phỉ báng,

Kẻ tinh ranh như những bọn phường chèo.

Kẻ nói ác, đều thu lợi thật nhiều,

Châm ngôn ấy, giữa đám người điên loạn.

Sau khi nghe lời thầy dạy, người học trò bày tỏ sự phản đối của mình về việc thâu lợi nhuận bằng hai bài kệ sau:

Hổ thẹn thay kẻ nào

Thâu đạt lợi danh vào

Bằng hủy diệt tàn hại,

Bằng tội lỗi gắt gao.

Trong tay một bình bát,

Theo cuộc đời không nhà

Còn hơn theo kiếp sống

Tham lam và ác tà.

Chàng thanh niên ca ngợi đặc tính cuộc đời đạo hạnh như thế, rồi ngay sau đó, trở thành một ẩn sĩ, và ước mong của bố thí bằng cách chính đáng. Chàng tu tập thiền định cho đến khi tái sanh vào cõi Phạm Thiên.

Khi kể xong pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Bấy giờ, vị Tỳ Kheo phản đối lợi nhuận là người thanh niên kia, còn thầy của người ấy chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần