Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Tám - Pháp Hội Pháp Giới Thể Tánh Vô Phân Biệt - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ TÁM
PHÁP HỘI
PHÁP GIỚI THỂ TÁNH VÔ PHÂN BIỆT
PHẦN MỘT
Như vậy, tôi nghe một lúc nọ Đức Phật ở tại nước Xá Vệ trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cùng tám ngàn đại Tỳ Kheo câu hội.
Có một muôn ngàn hai ngàn Đại Bồ Tát từ vô lượng Phật Độ đến. Lại có ba muôn hai ngàn vị Thiên Tử, tất cả đều hướng về đại thừa.
Trong đại chúng ấy có Đại Bồ Tát tên là Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử và vị Thiên Tử tên là Bảo Thượng. Lúc ấy Thiên Tử Bảo Thượng nghĩ rằng hôm nay nếu Đức Thế Tôn bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thuyết pháp, làm cho cung ma đều tối tăm mất cả oai đức, khiến Ma Ba Tuần lo sầu, khiến chúng ma khéo điều phục, những kẻ tăng thượng mạn thì phá trừ tăng thượng mạn.
Người tự ghi nhớ sở đắc khéo tu hành thì được quả Sa Môn, người đã được quả lại càng tăng thượng, khiến chủng tử Phật, Pháp và Tăng nối luôn chẳng dứt, khiến nhiều chúng sanh phát tâm Bồ Đề làm cho Bồ Đề của Đức Như Lai chứa nhóm từ vô lượng A tăng kỳ kiếp được còn lâu, lúc Đức Như Lai tại thế hoặc sau khi diệt độ thường được nghe pháp ấy tùy theo thừa của họ xu hướng chóng được diệt độ.
Biết tâm niệm của Bảo Thượng Thiên Tử, Đức Thế Tôn bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: Văn Thù Sư Lợi! Ở trong đại chúng này, ông nên tuyên nói một ít pháp. Nay trong đại chúng này muốn được nghe pháp nơi ông.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi nên nói pháp gì?
Đức Phật phán: Ông nên nói về pháp giới thể tánh nhân duyên.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả pháp giới là pháp giới thể tánh. Ra ngoài pháp giới không có được nghe.
Sao Đức Thế Tôn bảo nhân nơi pháp giới ma nói pháp?
Đức Phật phán: Này Văn Thù Sư Lơị! Chúng sanh kiêu mạn nếu nghe pháp ấy tất sanh lòng kinh quái.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp giới thể tánh không có kinh quái. Sư kinh quái ấy tức là pháp giới thể tánh.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi Ngài Văn thù Sư Lợi Bồ Tát: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Nếu tất cả pháp đều là pháp giới thể tánh, thì chúng sanh chỗ nào có ô nhiễm tịnh?
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Các chúng sanh ấy thân kiến điên đảo chấp ngã và ngã sở. Hàng phàm phu ấy phát khởi ngã tưởng, chấp trước ngã tưởng và chấp trước tha tưởng mà phát khởi tâm và tâm sở. Những tâm và tâm sở ấy tạo tác các nghiệp thiện hoặc các nghiệp bất thiện.
Do hành nghiệp ấy làm nhân mà các chúng sanh ấy có được quả báo. Nếu đã có sanh thì có nhiễm ô. Chính nhiễm ông ấy là Pháp giới thể tánh.
Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu biết nhiễm ô là pháp giới thể tánh thì gọi là bạch tịnh vậy. Nhưng nơi đệ nhất nghĩa không có nhiễm ô, không có hoặc pháp nhiễm hoặc pháp tịnh. Lúc Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói pháp ấy, có năm trăm Tỳ Kheo dứt hết phiền não được tâm vô lậu.
Ngài Xá Lợi Phất nói với Ngài Văn thù Sư Lợi Bồ Tát: Pháp giới được nói ấy không có sai lầm. Ngài nói pháp ấy rồi có hơn trăm Tỳ Kheo đều dứt phiền não được tâm vô lậu.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Pháp giới ấy có phải trước kia hệ phược mà nay được giải thoát chăng?
Ngài Xá Lợi Phất nói: Thưa Ngài Văn thù Sư Lợi! Pháp giới ấy, chẳng phải trước hệ phược mà nay được giải thoát.
Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Chư Tỳ Kheo ấy, nay ở chỗ nào tâm được giải thoát?
Ngài Xá Lợi Phất nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Hàng Thanh Văn điều phục như vậy rất đúng, đều dứt phiền não được tâm giải thoát.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Ngài có phải là đệ tử Thanh Văn của Đức Phật chăng?
Ngài Xá Lợi Phất nói: Đúng như vậy. Tôi là đệ tử Thanh Văn của Đức Phật.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Có phải là Ngài dứt phiền não mà được tâm vô lậu giải thoát chăng?
Ngài Xá Lợi Phất nói: Tôi được tâm vô lậu giải thoát.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Ngài dùng những tâm nào để được giải thoát?
Là tâm quá khứ, là tâm vị lai hay tâm hiện tại?
Thưa Đại Đức! Tâm quá khứ đã diệt, tâm vị lai chưa đến, tâm hiện tại chẳng an trụ.
Đại Đức dùng tâm nào để được giải thoát?
Ngài Xá Lợi Phất nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Chẳng phải tâm quá khứ được giải thoát, chẳng phải tâm vị lai, tâm hiện tại được giải thoát.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức! Sao Ngài lại nói Tâm được giải thoát?
Ngài Xá Lợi Phất nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Ở nơi thế đế mà nói là tâm được giải thoát. Trong đệ nhất nghĩa đều không có tâm hệ phược tâm giải thoát.
Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Có phải Ngài muốn khiến pháp giới thể tánh có thế đế và đệ nhất nghĩa đế chăng?
Ngài Xá Lợi Phất nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Pháp giới thể tánh không có thế đế và đệ nhất nghĩa đế.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức! Sao Ngài nói ở nơi thế đế tâm được giải thoát?
Ngài Xá Lợi Phất nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Phải chăng không có tâm được giải thoát ư?
Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: Thưa Đại Đức Xá Lợi Phất! Nếu tâm có nội, ngoại và trung gian thì có được giải thoát. Nhưng tâm không có nội ngoại và trung gian nên không có hệ phược và giải thoát.
Lúc đó trong đại chúng có hai trăm Tỳ Kheo nghe lời của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói liền rời chỗ ngồi rồi nói rằng nếu không có giải thoát, không có tâm giải thoát, sao chúng tôi lại xuất gia tu hành?
Nếu không có xuất thế sao lại phải tu hành?
Nói thô ngữ ấy xong, hai trăm Tỳ Kheo bỏ chúng mà đi. Muốn điều phục nhóm Tỳ Kheo ấy, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hóa một Tỳ Kheo đón trước đường.
Nhóm Tỳ Kheo ấy đến chỗ Hoá Tỳ Kheo hỏi rằng: Đại Đức từ đâu đến đây?
Hóa Tỳ Kheo nói: Thưa Chư Đại Đức! Tôi ở nơi chỗ nói của Ngài Văn Thù Sư Lợi không hiểu không biết chẳng tin chẳng hướng. Vì thế nên tôi bỏ chúng mà đi đến đây.
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Chúng tôi cũng vậy. Vì chẳng hiểu chẳng biết chẳng tin chẳng hướng nên chúng tôi bỏ chúng mà đi đến đây.
Hóa Tỳ Kheo hỏi: Chư Đại Đức ở trong chỗ nói của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát có chỗ nào chẳng thích mà bỏ đi?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Thưa Đại Đức! Vì Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói không có hướng quả, không có chứng quả lại không có giải thoát.
Chúng tôi tự nghĩ nếu không có hướng quả không có chứng quả không có giải thoát thì có nghĩa gì để chúng tôi tu hành phạm hạnh, nếu không có xuất thế cớ chi lại tu hành?
Vì nghĩ như vậy mà chúng tôi bỏ đi.
Hóa Tỳ Kheo hỏi: Có phải vì không hiểu, vì phỉ báng, vì mắng nhiếc mà Chư Đại Đức bỏ đi chăng?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Thưa Đại Đức! Chúng tôi không có phỉ báng mắng nhiếc. Chỉ vì chẳng thấy giải thoát mà chúng tôi bỏ đi.
Hóa Tỳ Kheo liền khen rằng: Lành thay, lành thay! Thưa Chư Đại Đức! Nay chúng ta nên cùng nhau suy luận. Nếu chẳng phải mắng nhiếc thì chẳng phải tránh tụng. Chẳng phải tránh tụng là pháp đệ nhất Sa Môn vậy.
Tâm của Chư Đại Đức la tướng dạng gì?
Là màu xanh vàng đỏ trắng hay màu tím màu pha lê?
Là thiệt là chẳng thiệt?
Là thường là vô thường?
Là sắc là phi sắc?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Thưa Đại Đức! Tâm chẳng phải sắc, chẳng thấy được, không có hình bóng cũng không có xúc đối, không nơi chỗ, không chỉ bày.
Hóa Tỳ Kheo nói: Thưa Chư Đại Đức! Tâm đã chẳng phải sắc, không thấy được, không có hình bóng cũng không xúc đối, không nơi chỗ, không chỉ bày.
Nhưng tâm ấy ở trong ở ngoài hay ở chặng giữa của trong ngoài ư?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Không phải vậy.
Hóa Tỳ Kheo nói: Thưa Chư Đại Đức! Tâm các Ngài đã không hình sắc, không có xúc đối, không nơi chỗ không chỉ bày, chẳng phai nội ngoại trung gian, mà nó có chánh thành tựu chăng?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Không phải vậy.
Hóa Tỳ Kheo nói: Thưa Chư Đại Đức! Nếu tâm chẳng thiệt không thành tựu, thì thế nào giải thoát?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Chẳng phải vậy.
Hóa Tỳ Kheo nói: Thưa Chư Đại Đức! Vì nghĩa ấy nên Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói pháp giới thể tánh không có nhiễm tịnh.
Thưa Chư Đại Đức! Vì các Ngài là phàm phu điên đảo chấp ngã và ngã sở mà phát khởi tâm đi trong các cảnh giới mà sanh khởi tâm phân duyên. Đây là tất cả những pháp phân duyên sanh diệt chẳng trụ biếng đổi mà diệt đế có thể dứt diệt.
Nếu tâm duyên nơi xuất gia thọ giới Cụ Túc tu đạo đắc quả, thi thể tánh của tâm ấy rỗng không chẳng có thiệt, chỉ từ vọng tưởng phát khởi.
Nếu là vọng tưởng chẳng thiệt thì là chẳng sanh chẳng trụ chẳng diệt. Nếu đã là chẳng phải sanh trụ diệt thì không có hệ phược cũng không có giải thoát, không hướng quả không chứng quả.
Vì nghĩa ấy nên Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói pháp giới thể tánh không nhiễm không tịnh, cũng không hướng không chứng, không có giải thoát. Nghe Hóa Tỳ Kheo giải bày, nhóm Tỳ Kheo ấy được vô lậu giải thoát.
Được giải thoát rồi, nhóm Tỳ Kheo ấy liền trở về chỗ Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, đều tự cởi y Uất Đa La Tăng dâng cúng cho Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát mà thưa rằng: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Ngài khéo thủ hộ chúng tôi. Chúng tôi vì chẳng tín hướng pháp điều phục thậm tâm ấy mà rời lìa bỏ đi.
Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Chư Đại Đức! Các Ngài được những gì, giác ngộ những gì, mà đều tự cởi y Uất Đa La Tăng để cúng dường Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát?
Nhóm Ty Kheo ấy nói: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nay chúng tôi không được không giác, nên chúng tôi cúng dường Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Trước đây vì có ý tưởng hữu sở đắc nên chúng tôi bỏ chúng mà đi. Nay chúng tôi đã bỏ được ý tưởng hữu sở đắc nên chúng tôi trở lại.
Ngài Tu Bồ Đề nói: Cớ sao các Ngài nói như vậy?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Chấp trước nơi danh là động lay ái trước. Nếu người có động lay có ái trước thì không hướng không đắc.
Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Nếu không hướng đắc thì ở chỗ ấy có thể dứt được tất cả động lay ái trước.
Ngài Tu Bồ Đề nói: Ai điều phục các Ngài?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Thưa Đại Đức Tu Bồ Đề! Người không có sở đắc không có sở giác là người điều phục chúng tôi. Người ấy sanh cũng chẳng diệt độ, chẳng phải thiền định cũng chẳng loạn tâm.
Ngài Tu Bồ Đề nói: Ai điều phục các Ngài?
Nhóm Tỳ Kheo ấy nói: Ngài nên hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Bấy giờ Ngài A Nan hỏi Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: Chư Tỳ Kheo ấy được ai điều phục?
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức A Nan! Người không cấm giới nhập, cũng chẳng phải phàm phu, chẳng phải Thanh Văn, chẳng phải Duyên Giác, chẳng phải Bồ Tát, chẳng phải Như Lai, chẳng phải tương ưng với thân, chẳng phải tương ưng với ngữ, chẳng phải tương ưng với ý.
Ngài A Nan nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Ngài nói ai vậy?
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức A Nan! Nếu Đức Như Lai biến hóa ra hóa nhân, thì hóa nhân ấy có tương ưng chăng?
Ngài A Nan nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Hóa nhân không có pháp gì để có thể cùng tương ưng hay chẳng tương ưng.
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức A Nan! Tất cả pháp thể tánh là hóa. Chính hóa ấy điều phục nhóm Tỳ Kheo ấy.
Thưa Đại Đức A Nan! Như hóa điều phục, tất cả Thanh Văn cũng như vậy. Điều phục như vậy chánh là điều phục. Nếu người chẳng hiểu điều phục như vậy, nên biết đó là người tăng thượng mạn vậy.
Ngài A Nan nói: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Tỳ Kheo tăng thượng mạn ấy có thể biết được chăng?
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức A Nan! Giới tụ thanh tịnh tức là động lay, nên biết đó là tăng thượng mạn. Định tụ, huệ tụ, giải thoát tụ và giải thoát tri kiến tụ thanh tịnh tức là động lay, nên biết đó là tăng thượng mạn. Tôi được tôi chứng, suy nghĩ như vậy là động lay vọng tưởng, nên biết đó là tăng thượng mạn.
Kinh sợ thân kiến, cũng không như hư không, nhập nhất đạo cũng không, lời nói trên đây là chánh thuyết, nên biết đó là tăng thượng mạn.
Nếu Tỳ Kheo nói: Thân kiến là không nhẫn đến nhập nhất đạo không, không như vậy là bình đẳng không, nên biết đó là tăng thượng mạn.
Tại sao vậy?
Thưa Đại Đức A Nan! thân kiến khác với không, vì khác nên thân kiến tức là không. Không với khác cùng nói, chẳng nói khác tức là không.
Thưa Đại Đức A Nan! Nếu có kinh sợ vô minh hữu ái và mừng được minh giải thoát, nên biết đó là tăng thượng mạn.
Tại sao vậy?
Vì nếu có hai tướng thì chẳng phải giải thoát.
Thưa Đại Đức A Nan! Nếu có Tỳ Kheo kinh sợ tham sân si mà mừng ba giải thoát, sợ bốn đảo mà mừng bốn tướng, sợ ngũ cái ma mừng ngũ căn, sợ lục nhập mà mừng Lục Thông, sợ bảy thức trụ mà mừng bảy pháp trợ đạo, sợ bát tà mà mừng Bát Thánh Đạo.
Sợ chín chỗ ở của chúng sanh mà mừng chín thứ đệ định, sợ mười bất thiện mà mừng mười vô lậu thiện, sợ hữu vi giới mà mừng pháp vô vi, nên biết đó là người tăng thượng mạn.
Tại sao vậy?
Vì tất cả đều là động lay, đều là hí luận.
Thưa Đại Đức A Nan! Nếu có động lay nếu có hí luận thì tâm liền tự cao tự tại nhiếp lấy dựa theo vọng tưởng bằng lòng với chỗ thành tựu. Những thứ như vậy gọi là tự tại. Vì tự tại nên sanh ra kiêu mạn. Tỳ Kheo như vậy thì gọi là có tăng thượng mạn.
Tại sao vậy?
Thưa Đại Đức A Nan! Sao lại hữu vi giới không?
Đó là đem không vào không. Nên biết Tỳ Kheo ấy có tăng thượng mạn.
Ngài A Nan hỏi: Thưa Ngài Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Tỳ Kheo không tăng thượng mạn?
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức A Nan! Nếu có Tỳ Kheo tịch tịnh nơi trong thì ngoài cũng tịch tịnh.
Tất cả cảnh giới: Bình đẳng hay chẳng bình đẳng, có hay không, hữu vi hay vô vi đều không có vọng lay cũng không có vọng tưởng không chẳng vọng tưởng, không hai không một, không trang nghiêm không chẳng trang nghiêm, chẳng có hí luận.
Chẳng chấp trước chỗ thấy biết ban đầu, đối với tất cả pháp đều bình đẳng, cũng không có bình đẳng không chẳng bình đẳng, không có một pháp có thể làm được bình đẳng chẳng bình đẳng.
Chẳng động chẳng lay như vậy, không có vọng tưởng không chẳng vọng tưởng, lại chẳng chấp trước, cũng chẳng thấy vọng tưởng, huống là hướng đến giải thoát được quả trí chứng, không bao giờ có động lay vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba