Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BA  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO  

PHẦN BỐN  

Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu cũng như vậy, đi đâu, đến đâu thì năm Ba la mật đa: Bố thí v.v… và các pháp phần bồ đề khác đều đi theo, hoàn toàn đạt đến trí nhất thiết trí. Giống như người điều phục giỏi, điều phục xe tứ mã tránh xa đường hiểm, đi vào đường chánh, đều theo ý muốn mà đi đến nơi đến chốn.

Cũng vậy, bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này điều phục rất giỏi về tất cả Ba la mật đa và tất cả pháp phần bồ đề khác, để tránh xa con đường nguy hiểm sanh tử Niết Bàn, mà đi trên con đường chân chánh, tự lợi, lợi tha để đạt đến trí nhất thiết trí đã cầu.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm sao biết được đạo hay phi đạo?

Phật dạy: Thiện Hiện! Đạo của Thanh Văn, Ðộc Giác, đạo của phàm phu chẳng phải là đạo của Đại Bồ Tát, vì nương vào đó không thể đến trí nhất thiết trí. Nên bát nhã Ba la mật đa thâm sâu phát sanh tất cả pháp phần bồ đề. Đạo của Đại Bồ Tát ấy dựa vào đây, nhất định đạt đến trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa thâm sâu xuất hiện trên thế gian là một đại sự.

Gọi đó là thị hiện tướng đạo, phi đạo của chúng Đại Bồ Tát, để các Đại Bồ Tát ấy biết đạo hay phi đạo mà mau chóng chứng đắc trí nhất thiết trí?

Phật dạy: Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu xuất hiện trên thế gian là một đại sự. Gọi đó là thị hiện tướng đạo, phi đạo của các Đại Bồ Tát, để các Đại Bồ Tát ấy biết đạo hay phi đạo mà mau chóng chứng đắc trí nhất thiết trí.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu xuất hiện ra đời là một việc lớn. Nghĩa là độ thoát vô lượng, vô số, vô biên hữu tình để đạt được lợi ích an lạc thù thắng.

Thiện Hiện nên biết! Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu mặc dù làm ra vô lượng việc lợi lạc cho người, nhưng không chấp thủ vào đó.

Thiện Hiện nên biết! Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu mặc dù thị hiện làm sự nghiệp nhưng không chấp lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến không chấp lấy trí nhất thiết trí. Cũng lại không chấp lấy những sự nghiệp của Thanh Văn, Ðộc Giác làm ra.

Thiện Hiện nên biết! Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu mặc dù dẫn đầu tất cả chúng Đại Bồ Tát để hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề, xa lìa địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác, nhưng đối với các pháp thì không sanh, không diệt, vì lấy tánh của pháp trụ làm định lượng.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa thâm sâu, đối với tất cả pháp không sanh, không diệt.

Vậy thì tại sao khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu vì các hữu tình phải hành bố thí, giữ tịnh giới, chịu an nhẫn, siêng năng tinh tấn, nhập tịnh lự, tu bát nhã?

Phật dạy: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu duyên với trí nhất thiết trí, vì các hữu tình nên hành bố thí, giữ tịnh giới, chịu an nhẫn, siêng năng tinh tấn, nhập tịnh lự, tu bát nhã. Đại Bồ Tát ấy đem căn lành này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề.

Đại Bồ Tát ấy đem căn lành này hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề, tức là tu sáu pháp Ba la mật đa mau được viên mãn, cũng tu từ, bi, hỉ, xả của Bồ Tát mau được viên mãn. Nhờ vậy, mau đắc trí nhất thiết trí, cho đến ngồi tòa bồ đề không bao giờ xa lìa sáu pháp Ba la mật đa tức là không xa lìa trí nhất thiết trí.

Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí thì phải siêng năng tinh tấn tu học sáu pháp Ba la mật đa, phải siêng năng tinh tấn tu hành sáu pháp Ba la mật đa. Nếu Đại Bồ Tát thường siêng năng tinh tấn tu hành sáu pháp Ba la mật đa như vậy, thì tất cả căn lành mau được viên mãn, mau chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề.

Cho nên, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát luôn luôn tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa không được tạm rời.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để Đại Bồ Tát luôn luôn tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa không được tạm rời?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ tát như thật quán sắc chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng, như thật quán thọ, tưởng, hành, thức chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Nói rộng cho đến như thật quán trí nhất thiết trí chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Đại Bồ Tát ấy luôn tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa không bao giờ tạm rời.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát luôn nghĩ: Ta không nên trụ vào sắc, cũng không nên trụ vào phi sắc. Nói rộng cho đến ta không nên trụ vào trí nhất thiết trí, cũng không nên trụ vào phi trí nhất thiết trí.

Vì sao?

Vì sắc chẳng phải trụ, chẳng phải được trụ. Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí cũng chẳng phải trụ, chẳng phải được trụ. Đại Bồ Tát ấy luôn tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa không bao giờ tạm rời.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát dùng phương tiện vô trụ ấy tu hành sáu pháp Ba la mật đa thì Đại Bồ Tát ấy mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề.

Thiện Hiện nên biết! Như người muốn ăn quả xoài, quả na, trước tiên phải lấy hạt của nó trồng ở ruộng đất tốt, theo thời gian chăm bón, săn sóc, sửa sang, lần lần nó phát triển mầm chồi, thân, cành, lá. Gặp thời tiết hòa hợp nó trổ hoa, kết trái. Sau khi quả chín, hái ăn.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát muốn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề, trước tiên phải học sáu pháp Ba la mật đa. Lại đem bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự để giúp đỡ các hữu tình.

Giúp đỡ họ rồi, dạy bảo họ an trụ vào bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, khiến họ an trụ vào pháp phần bồ đề như bốn niệm trụ v.v… sau khi an trụ, được giải thoát tất cả khổ lớn sanh tử, chứng đắc an lạc thường trụ tịch tĩnh. Bồ Tát ấy sẽ đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề, đến tận đời vị lai luôn làm lợi ích cho tất cả.

Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát đối với các pháp không muốn nhờ vào duyên khác mà là tự khai ngộ, muốn thành thục các hữu tình, muốn trang nghiêm thanh tịnh được Cõi Phật, muốn an ổn ngồi tòa bồ đề vi diệu.

Muốn chinh phục ác ma, muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, muốn chuyển pháp luân độ chúng hữu tình thì nên học sáu pháp Ba la mật đa, dùng bốn nhiếp pháp làm phương tiện để hộ trì các loài hữu tình, giúp họ giải thoát các khổ sanh tử. Khi Bồ Tát siêng năng tinh tấn tu học như vậy thì nên luôn tu học bát nhã Ba la mật đa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phật dạy Bồ Tát nên siêng năng tinh tấn tu học bát nhã Ba la mật đa ư?

Phật dạy: Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Ta nói Bồ Tát nên siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa.

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp muốn được tự tại thì nên học bát nhã Ba la mật đa.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa thâm sâu có đầy đủ oai lực lớn, có thể làm cho các Đại Bồ Tát được tự tại đối với tất cả pháp.

Thiện Hiện nên biết! Bát Nhã Ba la mật đa thâm sâu là cửa mà các pháp lành hướng đến. Ví như biển lớn là cửa của tất cả dòng nước chảy về.

Cho nên, này Thiện Hiện! Hoặc thiện nam Thanh Văn Thừa, hoặc thiện nam Ðộc Giác thừa, hoặc thiện nam Bồ Tát thừa, đều phải siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này.

Thiện Hiện nên biết! Khi các Đại Bồ Tát siêng năng tinh tấn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này thì cũng phải siêng năng tinh tấn tu học bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa. Cho đến siêng năng tinh tấn tu học trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện nên biết! Ví như người bắn giỏi, mặc áo giáp kiên cố, cầm cung tên tốt không sợ kẻ thù. Cũng vậy, các Đại Bồ Tát giữ gìn phương tiện thiện xảo bát nhã Ba la mật đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí, làm cho quân ma, ngoại đạo và những luận phái khác không thể nào thắng được.

Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề, chuyển diệu pháp luân độ chúng hữu tình thì phải siêng năng tinh tấn tu học bát nhã Ba la mật đa. Nếu Đại Bồ Tát thường siêng năng tinh tấn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, thì được Chư Phật Thế Tôn ở quá khứ, vị lai, hiện tại luôn luôn hộ niệm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát thường siêng năng tinh tấn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, được Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại cùng hộ niệm?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát thường siêng năng tinh tấn tu học bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, tức là tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí, nên được Chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại cùng hộ niệm.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát ấy tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí như thế nào để được Chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại cùng hộ niệm?

Phật dạy: Thiện Hiện! Khi Đại Bồ Tát ấy tu hành bố thí Ba la mật đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí. Quán bố thí Ba la mật đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí đều bất khả đắc, nên được Chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại cùng hộ niệm.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại mặc dù thường hộ niệm Đại Bồ Tát ấy nhưng không lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí để phát sanh hộ niệm, vì sắc cho đến trí nhất thiết trí bất khả đắc.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát mặc dù nhiều học xứ nhưng không có học xứ.

Phật dạy: Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Các Đại Bồ Tát mặc dù nhiều học xứ nhưng không có học xứ.

Vì sao?

Vì thật sự không có pháp nào để chúng Đại Bồ Tát tu học.

Thiện Hiện bạch Phật: Phật giảng nói pháp tóm lược hay sâu rộng tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa cho chúng Đại Bồ Tát?

Nếu Đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề, chuyển diệu pháp luân độ chúng hữu tình, đối với pháp tương ưng với sáu pháp Ba la mật đa này, dù tóm lược hay sâu rộng, phải đều lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, để được thông suốt. Thông suốt rồi tư duy đúng lý. Sau khi tư duy phải quán sát rõ ràng, đúng đắn. Quán sát làm cho tâm và tâm sở đối với tướng sở duyên đều không bị lay động.

Phật dạy: Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Đối với các pháp tương ưng với sáu Ba la mật đa mà Phật Thế Tôn đã nói dù tóm lược hay sâu rộng, các Đại Bồ Tát đều phải siêng năng tu học, phải như thật biết rõ về tướng rộng hẹp của các pháp.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát làm thế nào để như thật biết rõ về tướng rộng hẹp của các pháp?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát như thật biết rõ tướng chân như của sắc, như thật biết rõ tướng chân như của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến như thật biết rõ tướng chân như của trí nhất thiết trí thì Đại Bồ Tát ấy như thật biết rõ về tướng rộng hẹp của các pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng chân như của sắc?

Thế nào là tướng chân như của thọ, tưởng, hành, thức?

Nói rộng cho đến thế nào là tướng chân như của trí nhất thiết trí để các Đại Bồ Tát như thật biết rõ mà học, như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp?

Phật dạy: Thiện Hiện! Chân như của sắc không sanh, không diệt, không trụ, cũng không thay đổi nhưng mà có thể thành lập, đó gọi là tướng chân như của sắc.

Chân như của thọ, tưởng, hành, thức cũng không sanh, không diệt, không trụ, cũng không thay đổi nhưng có thể thành lập, đó gọi là tướng chân như của thọ, tưởng, hành, thức.

Nói rộng cho đến chân như của trí nhất thiết trí không sanh, không diệt, không trụ, cũng không thay đổi nhưng có thể thành lập, đó gọi là tướng chân như của trí nhất thiết trí. Các Đại Bồ Tát nên như thật biết rõ để học, phải như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát như thật biết rõ tướng thật tế của sắc, như thật biết rõ tướng thật tế của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến như thật biết rõ tướng thật tế của trí nhất thiết trí. Đại Bồ Tát ấy như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp như vậy.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng thật tế của sắc?

Thế nào là tướng thật tế của thọ, tưởng, hành, thức?

Nói rộng cho đến thế nào là tướng thật tế của trí nhất thiết trí để các Đại Bồ Tát như thật biết rõ mà tu học, để như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp?

Phật dạy: Thiện Hiện! Không có biên giới của sắc, gọi là tướng thật tế sắc.

Không có biên giới của thọ, tưởng, hành, thức, gọi là tướng thật tế thọ, tưởng, hành, thức.

Nói rộng cho đến không có biên giới của trí nhất thiết trí, gọi là tướng thật tế trí nhất thiết trí.

Các Đại Bồ Tát như thật biết rõ để học, như thật biết rõ về tướng rộng hẹp của các pháp.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát như thật biết rõ tướng pháp giới của sắc, như thật biết rõ tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến như thật biết rõ tướng pháp giới của trí nhất thiết trí. Đại Bồ Tát ấy như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng pháp giới của sắc?

Thế nào là tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức?

Nói rộng cho đến thế nào là tướng pháp giới của trí nhất thiết trí để các Đại Bồ Tát như thật biết rõ mà học, để như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp?

Phật dạy: Thiện Hiện! Sắc như hư không, không chướng ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn không liên tục nhưng không thành lập, gọi đó là tướng pháp giới của sắc.

Thọ, tưởng, hành, thức như hư không, không chướng ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn không liên tục mà có thể thành lập, gọi đó là tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức.

Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí như hư không, không chướng ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn, không liên tục có thể thành lập, gọi đó là tướng pháp giới của trí nhất thiết trí.

Các Đại Bồ Tát như thật biết rõ để học, như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm thế nào để biết tướng rộng hẹp của tất cả pháp?

Phật dạy: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát như thật biết rõ về tất cả pháp không hợp, không tan thì Đại Bồ Tát ấy sẽ biết tướng rộng hẹp của tất cả pháp.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp không hợp, không tan là những pháp nào?

Phật dạy: Thiện Hiện! Sắc không hợp, không tan. Thọ, tưởng, hành, thức không hợp, không tan.

Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí không hợp, không tan.

Tham dục, sân giận, ngu si không hợp, không tan.

Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới không hợp, không tan.

Cảnh giới hữu vi, cảnh giới vô vi không hợp, không tan.

Vì sao?

Vì các pháp ấy không có tự tánh. Nếu không có tự tánh thì không sở hữu. Nếu không sở hữu thì không thể nói có hợp có tan.

Các Đại Bồ Tát biết rõ tất cả pháp như vậy thì biết rõ tướng rộng hẹp của tất cả pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần