Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười Một - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhì - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM MƯỜI MỘT
PHẨM KỆ TỤNG PHẦN THỨ NHÌ
PHẦN MỘT
Nếu những bậc tu hành
Không khởi các phân biệt
Không lâu được tam muội
Lực, thông, và tự tại
Kẻ tu hành không nên
Vọng chấp nhân, vi trần
Thời, thắng tính, tác giả
Duyên sinh ra thế gian
Thế gian do phân biệt
Các thứ tập khí sinh
Kẻ tu hành hãy quán
Các hữu như mộng huyễn
Xa lìa kiến chấp thường
Phủ định và xác định
Thân, tài sản, chỗ ở
Không phân biệt ba cõi
Không nghĩ việc ăn uống
Chính niệm đoan thân trú
Luôn luôn cung kính lễ
Chư Phật và Bồ Tát
Khéo giải nghĩa Kinh Luật
Pháp lý thú chân thật
Năm pháp, hai vô ngã
Lại tư duy tự tâm
Pháp nội chứng thanh tịnh
Các địa cùng Phật Địa
Hành giả tu như thế
Ngồi đài sen, được quán đảnh
Du hành khắp các nẻo
Chán ghét tất cả hữu
Đến gò mả, chỗ tịnh
Tu tập các quán hạnh
Có vật không nhân sinh
Vọng nói lìa đoạn, thường
Lại nói lìa hữu, vô
Vọng chấp là trung đạo
Vọng chấp vô nhân luận
Vô nhân là đoạn kiến
Vì không rõ ngoại vật
Phá hoại lý trung đạo
Sợ sa vào đoạn kiến
Không xả pháp sở chấp
Vừa xác định phủ định
Vọng nói là trung đạo
Khi đã rõ duy tâm
Xả lìa hết ngoại pháp
Lại lìa vọng phân biệt
Như thế hợp trung đạo
Duy tâm, không có cảnh
Không cảnh, tâm không sinh
Ta và Chư Như Lai
Nói đó là trung đạo
Dù sinh hay không sinh
Tự tính, không tự tính
Hữu và vô đều không
Không nên phân biệt hai
Không thể khởi phân biệt
Kẻ ngu nói giải thoát
Tâm không biết trí sinh
Sao đoạn được nhị chấp
Vì hiểu rõ tự tâm
Đoạn được hai sở chấp
Hiểu rõ nên đoạn được
Không phải không phân biệt
Biết rõ do tâm hiện
Phân biệt sẽ không khởi
Vì phân biệt không khởi
Tâm chân như chuyển y
Nếu thấy pháp khởi ra
Lìa các lỗi ngoại đạo
Niết Bàn của bậc trí
Không phải là diệt hoại
Ta và Chư Phật nói
Biết vậy sẽ thành Phật
Nếu lại thêm phân biệt
Tức là luận ngoại đạo
Không sinh mà hiện sinh
Không diệt mà hiện diệt
Biến khắp muôn ức chỗ
Liền hiện như trăng nước
Một thân làm nhiều thân
Đốt lửa cùng rưới mưa
Tùy cơ hiện trong tâm
Cho nên nói duy tâm
Tâm cũng là duy tâm
Phi tâm cũng tâm khởi
Thông đạt các sắc tướng
Tất cả đều duy tâm
Hình tướng Phật, Thanh Văn
Cùng hiện tướng Duyên Giác
Và các hình sắc khác
Đều nói là duy tâm
Từ nơi Vô Sắc Giới
Cho đến trong địa ngục
Vì chúng sinh hiện khắp
Đều do tâm làm nên
Các tam muội như huyễn
Cùng với thân ý sinh
Mười địa và tự tại
Đều do chuyển y thành
Kẻ ngu bị tưởng chuyển
Theo thấy nghe hay biết
Tự phân biệt điên đảo
Bị hý luận làm động
Hết thảy không, vô sinh
Ta thật không Niết Bàn
Hóa Phật ở các cõi
Nói tam thừa, nhất thừa
Phật có ba mươi sáu
Mỗi loại có mười hạng
Tùy tâm khí chúng sinh
Mà hiện ở các cõi
Pháp Phật ở thế gian
Cũng như tính vọng kế
Tuy thấy có đủ thứ
Kỳ thực không có gì
Pháp Phật là chân Phật
Ngoài ra đều là Hóa Phật
Tùy chủng tử chúng sinh
Thấy hiện thân của Phật
Vì mê hoặc các tướng
Nên khởi ra phân biệt
Phân biệt không khác chân
Tướng bất nơi phân biệt
Tự tính cùng thọ dụng
Hóa thân cùng hiện hóa
Ba mươi sáu vị Phật
Đều do tự tính thành
Do giống tập huân ngoài
Mà sinh ra phân biệt
Không giữ cái chân thật
Mà giữ cái vọng chấp
Mê hoặc do nội tâm
Cùng duyên ở ngoại cảnh
Chỉ hai thứ ấy khởi
Không có duyên thứ ba
Mê hoặc nương trong ngoài
Mà có ra sinh khởi
Sáu mươi hai, mười tám
Nên ta nói là tâm
Biết chỉ có căn, cảnh
Tất lìa nơi ngã chấp àtmagràha
Rõ tâm không cảnh giới
Liền lìa được pháp chấp
Do nương nơi bản thức àlaya
Mà có các thức sinh
Do nương vào nội xứ
Mà tợ hình hiện ngoài
Kẻ ngu thường phân biệt
Hữu vi cùng vô vi
Đều là bất khả đắc
Như hoa đốm, mao luân
Như thành Càn Thát Bà
Như huyễn như ảo tượng
Không có mà thấy có
Duyên khởi pháp cũng thế
Ta do ba thứ tâm
Giả lập căn, cảnh, ngã
Mà tâm, ý, thức kia
Tự tính thật không có
Tâm ý cùng với thức
Vô ngã có hai thứ
Năm pháp và tự tính
Ấy là cảnh giới Phật
Nhân tập khí là một
Mà thành ra ba tướng
Như lấy một màu hòa
Tường vẽ thấy các hình
Năm pháp hai vô ngã
Tự tính, tâm, ý thức
Ở trong chủng tính Phật
Đều là bất khả đắc
Xa lìa tâm, ý, thức
Lại lìa nơi năm pháp
Và lìa nơi tự tính
Đấy là chủng tính Phật
Nếu nghiệp thân ngữ ý
Không tu pháp bạch tịnh
Chủng tính tịnh của Phật
Tất lìa nơi hiện hạnh
Thần thông lực tự tại
Tam muội, tịnh trang nghiêm
Các thứ ý sinh thân
Ấy chủng tính Phật Tịnh
Chỗ nội chứng vô cấu
Xa lìa các tướng nhân
Bát Địa và Phật Địa
Do Như Lai tính thành
Viễn hành cùng thiện thệ
Dùramgamà, Sàdhumatì
Pháp vân và Phật Địa
Đều là chủng tính Phật
Ngoài ra đều nhị thừa
Tâm Như Lai tự tại
Nhưng vì hàng ngu phu
Tướng tâm có sai biệt
Mà nói bảy thứ địa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Chín - Phẩm âm Hưởng - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bà Tẩu
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Du Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hỷ Lạc Sắc
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Già Ma