Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BA  

PHẨM HAI MƯƠI SÁU

PHẨM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO  

PHẦN NĂM   

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như vậy, gọi là bát nhã Ba la mật đa được thâu nhiếp tóm lược. Các Đại Bồ Tát học trong đó có thể làm được nhiều việc.

Bát Nhã Ba la mật đa được thâu nhiếp tóm lược như vậy, chúng tân học Bồ Tát cần nên học, cho đến Đại Bồ Tát trụ địa thứ mười cũng phải siêng năng tinh tấn tu học. Nếu Đại Bồ Tát luôn siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa được thâu nhiếp tóm lược như vậy thì có thể như thật biết tướng rộng hẹp của tất cả pháp.

Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa thâu nhiếp tóm lược là pháp môn vi diệu, chỉ có chúng Đại Bồ Tát lợi căn mới có thể ngộ nhập được.

Phật dạy: Thiện Hiện! Pháp Môn ấy, hàng Đại Bồ Tát căn lanh lợi, căn trung bình, căn ám độn v.v… đều có thể ngộ nhập pháp môn ấy không bị chướng ngại. Các Đại Bồ Tát căn định hay không định, nếu chuyên tâm tu học thì cũng đều ngộ nhập.

Thiện Hiện nên biết! Pháp Môn ấy rất vi diệu thanh tịnh. Những người biếng nhác, ít tinh tấn, mất chánh niệm, tâm tán loạn, tu tập ác tuệ thì không thể ngộ nhập được. Còn những ai không giải đãi, luôn tinh tấn, đầy đủ chánh niệm, khéo nhiếp tâm, tu tập diệu tuệ mới có thể ngộ nhập.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát muốn trụ vào hàng Bồ Tát bất thối chuyển, lần lượt đến địa thứ mười thì phải siêng năng phương tiện nhập vào pháp môn này. Nếu Đại Bồ Tát muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, phải siêng năng phương tiện nhập vào pháp môn này.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát theo học những gì đã nói trong Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa này thì Đại Bồ Tát đó có thể học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Cũng có thể học pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Cũng có thể học chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Cũng có thể học Thánh đế khổ cho đến Thánh Đế đạo.

Cũng có thể học bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Cũng có thể học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Cũng có thể học pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Cũng có thể học tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Cũng có thể học Cực Hỷ địa cho đến Pháp Vân địa. Cũng có thể học pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa. Cũng có thể học năm loại mắt, sáu phép thần thông.

Cũng có thể học mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng. Cũng có thể học đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Cũng có thể học pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Cũng có thể học trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Cũng có thể học tất cả hạnh của Đại Bồ Tát.

Cũng có thể học quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật. Cũng có thể học trí nhất thiết trí. Sau khi Đại Bồ Tát ấy đã học như vậy rồi có thể chứng đắc bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát học theo những gì đã nói trong Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa này thì tất cả ma sự Đại Bồ Tát ấy đều giác tri, nên vừa sanh khởi liền diệt ngay.

Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát muốn mau diệt trừ tất cả nghiệp chướng, muốn gìn giữ phương tiện thiện xảo thì phải học bát nhã Ba la mật đa.

Thiện Hiện nên biết! Có lúc Đại Bồ Tát siêng năng tu tập bát nhã Ba la mật đa thì lúc ấy Đại Bồ Tát liền được tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác hiện tại đang nói chánh pháp ở vô lượng, vô biên Thế Giới cùng hộ niệm.

Vì sao?

Vì Chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại đều từ bát nhã Ba la mật đa sâu xa này mà sanh ra.

Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa nên nghĩ như vậy: Pháp mà Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đã chứng đắc, ta cũng sẽ chứng đắc.

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát phải siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Nếu siêng năng tu học bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Cho nên, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát không nên xa lìa tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí mà hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát đối với bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tùy thuận tu hành, dù trong khảy móng tay, thì Đại Bồ Tát ấy đạt được phước đức rất nhiều.

Giả sử có người dùng phương tiện thiện xảo giáo hóa tất cả hữu tình trong ba ngàn đại thiên Thế Giới đều khiến họ an trụ vào bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Hoặc khiến họ an trụ vào thanh tịnh giải thoát, giải thoát trí kiến.

Hoặc khiến họ an trụ vào quả Dự Lưu cho đến A La Hán, hoặc khiến họ an trụ vào Ðộc Giác Bồ Đề. Người ấy mặc dù được phước đức nhiều vô lượng, nhưng vẫn không bằng phước đức của người tùy thuận tu hành Kinh Điển Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa chỉ trong khảy móng tay.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa sâu xa có thể sanh tất cả bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Có thể sanh tất cả thanh tịnh giải thoát, giải thoát trí kiến. Có thể sanh tất cả quả Dự Lưu cho đến A La Hán, có thể sanh tất cả Ðộc Giác Bồ Đề. Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều từ bát nhã Ba la mật đa sâu xa mà được xuất hiện, độ thoát vô lượng, vô biên hữu tình.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát không lìa tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí mà hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa trong chừng chốc lát, hoặc trải qua nửa ngày, một ngày, nửa tháng, một tháng, một mùa, một năm, trăm năm, một kiếp, trăm kiếp, cho đến vô số đại kiếp.

Thì phước đức Đại Bồ Tát ấy đạt được nhiều hơn phước đức của người giáo hóa các loài hữu tình trong hằng hà sa Thế Giới khắp mười phương, khiến họ an trụ vào bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.

Hoặc khiến họ an trụ vào thanh tịnh giải thoát, giải thoát trí kiến. Khiến họ an trụ vào quả Dự Lưu cho đến A La Hán. Khiến họ an trụ vào Độc Giác Bồ Đề đạt được.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật đa sâu xa sanh ra tất cả Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại, vì các hữu tình đưa ra bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa không điên đảo.

Đưa ra sự thanh tịnh giải thoát, giải thoát trí kiến không điên đảo. Đưa ra quả Dự Lưu cho đến A La Hán không điên đảo, đưa ra quả Ðộc Giác Bồ Đề không điên đảo, đưa ra quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề không điên đảo, phước đức này hơn hẳn phước kia.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát trụ sống theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa đã nói, thì nên biết, Đại Bồ Tát ấy đã trụ vào địa vị bất thối chuyển, thường được Chư Phật hộ niệm, thành tựu phương tiện thiện xảo tối thắng. Vị ấy đã từng gần gũi cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen vô lượng triệu ức Phật.

Đã gieo trồng vô lượng căn lành thắng diệu đối với Chư Phật. Ðã được vô lượng thiện hữu chơn tịnh bảo vệ. Từ lâu đã tu tập sáu pháp Ba la mật đa như bố thí v.v…, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy trụ vào địa vị Ðồng chơn, tất cả sự nguyện cầu đều được viên mãn, luôn gặp Chư Phật không bao giờ tạm rời, không bao giờ xa lìa các căn lành, luôn thành thục các hữu tình, thường trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật. Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác luôn cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen Chư Phật Thế Tôn, nghe và thọ trì tu hành giáo pháp của Bồ Tát thừa.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy đã đắc vô đoạn vô tận biện tài, đã đắc pháp môn Đà La Ni thù thắng, thành tựu sắc thân vi diệu tối thượng. Ðã được Chư Phật thọ ký viên mãn, tùy theo sở thích mà vì các hữu tình thọ các loại thân, đều được tự tại.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy khéo nhập sở duyên, khéo nhập hành tướng.

Khéo nhập tất cả môn của chữ, hoặc chẳng phải chữ, khéo nhập pháp nghĩa của hữu ngôn, vô ngôn.

Khéo nhập một, hai và nhiều khái niệm.

Khéo nhập nữ, nam, chẳng phải hai khái niệm.

Khéo nhập các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại.

Khéo nhập các văn, khéo nhập các nghĩa.

Khéo nhập các uẩn, khéo nhập các xứ, khéo nhập các giới.

Khéo nhập duyên khởi và chi duyên khởi.

Khéo nhập thế gian, khéo nhập Niết Bàn.

Khéo nhập tướng pháp giới, khéo nhập tướng hữu vi, khéo nhập tướng vô vi.

Khéo nhập hành tướng, khéo nhập phi hành tướng.

Khéo nhập tướng của tướng, khéo nhập tướng của phi tướng.

Khéo nhập hữu tánh, khéo nhập vô tánh, khéo nhập tự tánh, khéo nhập tha tánh.

Khéo nhập trói buộc, khéo nhập tháo bỏ, khéo nhập trói buộc tháo bỏ.

Khéo nhập tương ưng, khéo nhập không tương ưng.

Khéo nhập tương ưng không tương ưng.

Khéo nhập chân như, khéo nhập tánh chẳng hư vọng, khéo nhập tánh chẳng đổi khác.

Khéo nhập pháp tánh, khéo nhập pháp giới, khéo nhập pháp định, khéo nhập pháp trụ.

Khéo nhập tánh nhân, khéo nhập tánh phi nhân.

Khéo nhập tánh của duyên, khéo nhập tánh phi duyên.

Khéo nhập Thánh Đế.

Khéo nhập Tịnh Lự, khéo nhập vô lượng, khéo nhập vô sắc.

Khéo nhập bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa.

Khéo nhập bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo.

Khéo nhập pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện.

Khéo nhập tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Khéo nhập tất cả pháp môn Đà La Ni, khéo nhập tất cả pháp môn Tam Ma Địa.

Khéo nhập năm loại mắt, khéo nhập sáu phép thần thông.

Khéo nhập địa vị Đại Bồ Tát.

Khéo nhập mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Khéo nhập đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả.

Khéo nhập các tướng, khéo nhập tướng tốt.

Khéo nhập pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Khéo nhập trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

Khéo nhập cảnh giới hữu vi, khéo nhập cảnh giới vô vi.

Khéo nhập cảnh giới, khéo nhập phi cảnh giới.

Khéo nhập không, khéo nhập bất không.

Khéo nhập tác ý sắc cho tác ý đến thức, nói rộng cho đến khéo nhập tác ý trí nhất thiết trí.

Khéo nhập sắc tướng không cho đến thức tướng không, nói rộng cho đến khéo nhập trí nhất thiết trí tướng không.

Khéo nhập đạo khinh an, khéo nhập đạo không khinh an.

Khéo nhập vào sanh, khéo nhập vào diệt, khéo nhập vào trụ, dị.

Khéo nhập chánh kiến, khéo nhập tà kiến.

Khéo nhập kiến, khéo nhập phi kiến.

Khéo nhập tham, sân, si.

Khéo nhập vô tham, vô sân, vô si.

Khéo nhập kiến chấp tùy miên kiết sử, khéo nhập sự đoạn diệt của chúng.

Khéo nhập danh, khéo nhập sắc, khéo nhập danh sắc.

Khéo nhập sở duyên duyên, khéo nhập tăng thượng duyên, khéo nhập nhân duyên, khéo nhập đẳng vô gián duyên.

Khéo nhập hành tướng, khéo nhập nhân quả.

Khéo nhập Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Khéo nhập năm đường, khéo nhập đạo của năm đường.

Khéo nhập quả Dự Lưu và đạo của quả Dự Lưu.

Khéo nhập quả Nhất Lai và đạo của quả Nhất Lai.

Khéo nhập quả Bất Hoàn và đạo của quả Bất Hoàn.

Khéo nhập quả A La Hán và đạo của quả A La Hán.

Khéo nhập Ðộc Giác Bồ Đề và đạo của Ðộc Giác Bồ Đề.

Khéo nhập quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề và đạo của quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Khéo nhập trí nhất thiết và đạo của trí nhất thiết, khéo nhập trí đạo tướng và đạo của trí đạo tướng, khéo nhập trí nhất thiết tướng và đạo của trí nhất thiết tướng.

Khéo nhập căn và căn viên mãn, khéo nhập căn thắng liệt.

Khéo nhập trí tuệ nhanh chóng, trí tuệ lanh lợi, trí tuệ may mắn, trí tuệ thông đạt, trí tuệ quảng đại, trí tuệ thâm sâu, trí tuệ lớn, trí tuệ không chướng ngại.

Khéo nhập quá khứ, vị lai, hiện tại.

Khéo nhập phương tiện.

Khéo nhập ý lạc, ý lạc tăng thượng.

Khéo nhập văn nghĩa.

Khéo nhập phương tiện an lập của Tam thừa.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì đạt được vô lượng, vô biên công đức thù thắng như vậy.

Thiện Hiện bạch Phật: Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế nào?

Đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế nào?

Tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế nào?

Phật dạy: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nên quán sắc uẩn cho đến thức uẩn là tịch tĩnh, có thể phá hoại, chẳng tự tại, thể nó là hư ngụy, không bền chắc, để hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Nói rộng cho đến nên quán trí nhất thiết trí là tịch tĩnh, có thể phá hoại, chẳng tự tại, thể nó là hư ngụy, không bền chắc, để hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Này Thiện Hiện! Ông hỏi các Đại Bồ Tát đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế nào?

Các Đại Bồ Tát đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa như theo hư không của hư không.

Này Thiện Hiện! Ông hỏi các Đại Bồ Tát tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa như thế nào?

Các Đại Bồ Tát tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa như tu hạnh trừ bỏ.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa và tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa phải mất bao lâu?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến lúc ngồi tòa Bồ Đề, nên hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát trụ vào những tâm nào để không gián đoạn việc hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến cứu cánh không dung chứa những tác ý nào khác dù chỉ tạm thời, chỉ luôn luôn an trụ vào tác ý tương ưng với trí nhất thiết trí, nên hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ Tát ấy cho đến khiến tâm và tâm sở pháp không lay chuyển đối với cảnh, mới được gọi là hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, đi theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát hành, đi theo, tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa có đắc trí nhất thiết trí không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Không.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát không hành, không đi theo, không tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa, có đắc trí nhất thiết trí không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Không.

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát hành, đi theo, tu, và không hành, không đi theo, không tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì đắc trí nhất thiết trí không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Không.

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát không hành, không đi theo, không tu, chẳng phải không hành, không đi theo, không tu bát nhã Ba la mật đa sâu xa thì đắc trí nhất thiết trí không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Không.

Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát làm sao đắc trí nhất thiết trí?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát đắc trí nhất thiết trí phải như chân như.

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là phải như chân như?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Phải như thật tế.

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là phải như thật tế?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Phải như pháp giới.

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là phải như pháp giới?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Phải như ngã giới cho đến Bổ đặc già la giới.

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là phải như ngã giới cho đến Bổ đặc già la giới?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Ngã cho đến Bổ đặc già la có thể đắc không?

Thiện Hiện thưa: Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu ngã cho đến Bổ đặc già la đã bất khả đắc, thì làm sao ta đưa ra cảnh giới ngã cho đến cảnh giới của Bổ đặc già la?

Như vậy, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát không đưa ra bát nhã Ba la mật đa, cũng không đưa ra trí nhất thiết trí, cũng không đưa ra tất cả pháp, thì Đại Bồ Tát ấy nhất định sẽ chứng đắc trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ có bát nhã Ba la mật đa không thể đưa ra, hay các Ba la mật đa như tịnh lự v.v… cũng không thể đưa ra?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Không những bát nhã Ba la mật đa không thể đưa ra mà Ba la mật đa như tịnh lự v.v… cũng không thể đưa ra. Hoặc pháp của Thanh Văn, pháp của Ðộc Giác, pháp của Bồ Tát, pháp của Chư Phật, pháp hữu vi, pháp vô vi v.v… tất cả pháp ấy đều không thể đưa ra.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều không thể đưa ra, vậy tại sao đưa ra đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là ngạ quỷ, đây là người, đây là Trời, đây là Dự Lưu, đây là Nhất Lai, đây là Bất Hoàn, đây là A La Hán, đây là Ðộc Giác, đây là Bồ Tát, đây là Chư Phật, đây là tất cả pháp?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông thế nào?

Hữu tình được đưa ra và pháp được đưa ra thật có thể đắc không?

Bạch Thế Tôn! Không.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nếu hữu tình được đưa ra thật bất khả đắc, thì tại sao ta có thể đưa ra đây là địa ngục, nói rộng cho đến đây là tất cả pháp?

Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học tất cả pháp đều không thể đưa ra, để hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, chẳng lẽ không nên học sắc, chẳng lẽ không nên học thọ, tưởng, hành, thức.

Nói rộng cho đến chẳng lẽ không nên học trí nhất thiết trí?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa nên học sắc không tăng, không giảm, nên học thọ, tưởng, hành, thức không tăng, không giảm. Nói rộng cho đến nên học trí nhất thiết trí không tăng, không giảm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần