Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Năm - Phẩm Hiện Bảo Tháp - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BA
PHẨM NĂM
PHẨM HIỆN BẢO THÁP
PHẦN BA
Lúc bấy giờ, Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào không xa lìa tâm trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với Kinh Điển thậm thâm bát nhã Ba la mật đa, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý.
Vì các hữu tình tuyên thuyết lưu truyền, hoặc viết chép, dùng các vật báu trang sức, lại đem các tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, trân kỳ, kỹ nhạc, đèn sáng v.v… dù chỉ trong chốc lát để cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen thì các thiện nam, thiện nữ v.v… này được bao nhiêu phước đức?
Phật dạy: Kiều Thi Ca! Ta hỏi lại ông, tuỳ theo ý ông mà đáp. Có các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với chư Như Lai sau khi Niết Bàn, vì cúng dường Xá Lợi Phật nên dùng bảy báu xây tháp, trang sức các loại trân kỳ hòa lẫn, tháp đó cao lớn một du thiện na, rộng bằng nửa chiều cao.
Lại dùng các loại tràng hoa thượng diệu, hương bột, hương xoa, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, các ngọc lạ quý, kỹ nhạc, đèn sáng v.v… trọn đời cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.
Theo ý ông, các thiện nam, thiện nữ v.v… này nhờ nhân duyên đó mà được phước báu nhiều không?
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phước đức đó rất nhiều!
Bạch Thiện Thệ! Phước đức đó rất nhiều!
Phật dạy: Kiều Thi Ca! Các thiện nam, thiện nữ v.v… đó đạt được phước đức nhiều hơn việc làm kia vô lượng, vô biên.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Tạm gác việc này lại. Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đối với chư Như Lai sau khi Niết Bàn, vì muốn cúng dường Xá Lợi Phật nên dùng bảy báu để xây tháp, trang sức bằng các loại trân kỳ hòa lẫn, tháp đó cao lớn một du thiện na, rộng bằng nửa chiều cao.
Như vậy, cho đến đầy khắp một Châu Thiệm Bộ, Bốn Đại Châu, Tiểu Thiên Giới, Trung Thiên Giới, hoặc ba ngàn đại thiên Thế Giới, đều dùng các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, trọn đời cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.
Theo ý ông thì các thiện nam, thiện nữ v.v… này nhờ nhân duyên ấy được phước nhiều không?
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phước đức đó rất nhiều!
Bạch Thiện Thệ! Phước đức đó rất nhiều!
Phật dạy: Kiều Thi Ca! Các thiện nam, thiện nữ v.v… đó được phước đức hơn vô lượng, vô biên.
Kiều Thi Ca! Lại như một ba ngàn đại thiên Thế Giới, giả sử các hữu tình ở ba ngàn đại thiên Thế Giới, mỗi người đều đối với chư Như Lai sau khi Niết Bàn, cúng dường Xá Lợi Phật, dùng bảy báu để xây tháp, trang sức bằng các loại trân kỳ hòa lẫn, tháp đó cao lớn một du thiện na, rộng bằng nửa chiều cao.
Đầy khắp trong ba ngàn đại thiên Thế Giới không chỗ nào trống, rồi đem các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, trọn đời cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.
Theo ý ông thì các hữu tình trong ba ngàn đại thiên Thế Giới như vậy nhờ nhân duyên ấy được phước có nhiều không?
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phước đức đó rất nhiều!
Bạch Thiện Thệ! Phước đức đó rất nhiều!
Phật dạy: Kiều Thi Ca! Các thiện nam, thiện nữ v.v… kia phước đức đã đạt được nhiều hơn vô lượng, vô biên.
Trời Đế Thích lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy!
Bạch Thiện Thệ! Đúng vậy! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen bát nhã Ba la mật đa sâu xa, nên biết đó là cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen Chư Phật Thế Tôn ở đời quá khứ, vị lai, hiện tại.
Giả sử tất cả hữu tình trong mười phương hằng hà sa Thế Giới đều đối với Như Lai sau khi Niết Bàn, vì muốn cúng dường Xá Lợi Phật, nên dùng bảy báu để xây tháp, trang sức bằng các loại trân kỳ hòa lẫn, tháp đó cao lớn một du thiện na, rộng bằng nửa chiều cao, đầy khắp trong mười phương hằng hà sa v.v…
Thế Giới Chư Phật không chỗ nào trống, mỗi người đều dùng các loại tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, trải qua một kiếp, hoặc hơn một kiếp, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen.
Bạch Thế Tôn! Các hữu tình này nhờ nhân duyên ấy mà được phước đức có nhiều không?
Phật dạy: Rất nhiều.
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào không xa lìa tâm trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đối với Kinh Điển thậm thâm bát nhã Ba la mật đa này mà chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết rộng rãi cho hữu tình.
Hoặc có người viết chép, dùng nhiều vật quí báu để trang sức, lại đem các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng, dù chỉ trong khoảnh khắc để cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen thì các thiện nam, thiện nữ v.v… này do nhân duyên đây mà thành tựu nhiều phước đức hơn người kia vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì bát nhã Ba la mật đa này có thể thâu nhiếp, tổng hợp, cất chứa tất cả thiện pháp. Đó là mười thiện nghiệp đạo. Hoặc bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Hoặc ba mươi bảy pháp phần Bồ Đề, hoặc ba môn giải thoát.
Hoặc tám giải thoát, chín định thứ đệ. Hoặc năm loại mắt, sáu phép thần thông. Hoặc bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa. Hoặc pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Hoặc chân như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Hoặc Cảnh giới đoạn cho đến cảnh giới vô vi.
Hoặc quán bốn Thánh đế, hoặc quán mười hai duyên khởi. Hoặc Tịnh quán địa cho đến Như Lai địa. Hoặc Cực Hỷ địa cho đến Pháp Vân địa. Hoặc tất cả pháp môn Đà La Ni, pháp môn Tam Ma Địa.
Hoặc mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng. Hoặc pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Hoặc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Hoặc vô lượng, vô biên các Phật Pháp khác, đều thâm nhập vào bát nhã Ba la mật đa sâu xa này.
Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa như thế là pháp ấn chơn thật của chư Như Lai, cũng là pháp ấn chơn thật của tất cả Thanh Văn, Độc Giác. Tất cả Như Lai Ứng chánh Đẳng Giác nhờ việc học này nên đã chứng, sẽ chứng, đang chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Tất cả Thanh Văn, Độc Giác nhờ việc học này nên đã chứng, sẽ chứng, đang chứng đến bờ Niết Bàn.
Do nhân duyên này, nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… này không xa lìa tâm trí nhất thiết trí, dùng vô sở đắc làm phương tiện đối với Kinh Điển bát nhã Ba la mật đa sâu xa này, chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết rộng rãi cho hữu tình, hoặc viết chép với trang sức bằng vật quý báu.
Lại dùng các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng mà cung kính, cúng dường, tôn trọng, ngợi khen, sẽ được vô lượng, vô biên phước báo, không thể nghĩ bàn, không thể tính kể, các phước báo khác không thể sánh bằng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Hai Mươi Sáu - phẩm Tín Thọ
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Tội Chướng
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Ca Diếp Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba Mươi Tám - Kinh Uống Nước ống Máng
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Hai Mươi Sáu - Sự Sai Khác Của Lục Giới - Phần Một