Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bảy - Phẩm Mạn Thù Thất Lợi - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BẢY  

PHẨM MẠN THÙ THẤT LỢI  

PHẦN HAI   

Mạn Thù Thất Lợi! Nói thật tế ấy là khái niệm nào?

Bạch Thế Tôn! Thật tế phải biết đó là khái niệm của thân hư giả.

Mạn Thù Thất Lợi! Vì sao thân hư giả được gọi là thật tế?

Bạch Thế Tôn! Vì thật tế không đi không đến, chẳng phải chơn, chẳng phải ngụy, tướng thân đều bất khả đắc. Thân hư giả cũng vậy, thế nên thân hư giả tức là thật tế.

Khi ấy, Xá Lợi Tử liền thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như thế mà tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì các Đại Bồ Tát này nhất định sẽ tới bồ đề, không còn thối lui.

Bồ Tát Từ Thị lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát nào nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như vậy mà tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, nên biết các Bồ Tát này đã gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Vì sao?

Vì các Bồ Tát này đã hiểu rõ pháp tánh, lìa tất cả sự phân biệt như đại bồ đề vậy.

Mạn Thù Thất Lợi cũng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì các Bồ Tát này như Phật Thế Tôn, có thể nhận sự cúng dường cung kính của thế gian.

Vì sao?

Vì đã Giác Ngộ thật tánh của tất cả pháp.

Khi đó, có người nữ tên Vô Duyên Lự chấp tay cung kính thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì các hữu tình này đối với pháp phàm phu, hay pháp Thanh Văn, hay pháp Độc Giác, hay pháp Bồ Tát hay pháp của Như Lai đều chẳng duyên lự.

Vì sao?

Vì đã thấu rõ tất cả pháp hoàn toàn vô sở hữu, duyên lự và bị duyên lự đều bất khả đắc.

Bấy giờ, Phật Bảo Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông nói, nếu Thiện Nam, Thiện Nữ v.v… nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, thì phải biết các Thiện Nam, Thiện Nữ v.v… này đã trụ Bậc bất thối chuyển, chắc chắn sẽ đến bồ đề không thối lui.

Xá Lợi Tử! Các hữu tình nào nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này, tâm không chìm mất, cũng chẳng kinh sợ, lại hoan hỷ tin ưa, lắng nghe thọ trì, vì người khác thuyết giảng, tâm không nhàm chán.

Các hữu tình này có thể làm tất cả những vị thí chủ chơn thật, rộng rãi hơn hết, có thể bố thí tất cả của cải quí báu, đầy đủ bố thí Ba la mật đa.

Các hữu tình này viên mãn tịnh giới, đủ chơn tịnh giới, đủ thắng tịnh giới, công đức tịnh giới đều đã viên mãn, đầy đủ tịnh giới Ba la mật đa.

Các hữu tình này viên mãn an nhẫn, đủ chơn an nhẫn, đủ thắng an nhẫn, công đức an nhẫn đều đã viên mãn, đầy đủ an nhẫn Ba la mật đa.

Các hữu tình này viên mãn tinh tấn, đủ chơn tinh tấn, đủ thắng tinh tấn, tinh tấn công đức đều đã viên mãn, đầy đủ tinh tấn Ba la mật đa.

Các hữu tình này viên mãn tịnh lự, đủ chơn tịnh lự, đủ thắng tịnh lự, công đức tịnh lự đều đã viên mãn, đầy đủ tịnh lự Ba la mật đa.

Các hữu tình này đều đã viên mãn trí tuệ, đủ chơn trí tuệ, đủ thắng trí tuệ, công đức trí tuệ đều đã viên mãn, đầy đủ trí tuệ Ba la mật đa.

Các hữu tình này thành tựu chơn thắng từ, bi, hỷ, xả, cũng có thể vì người khác tuyên thuyết, khai thị bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, ông phải quán nghĩa nào?

Mạn Thù Thất Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, con còn không có tâm trụ, huống hồ muốn chứng. Đối với bồ đề con không mong cầu chứng đắc.

Vì sao?

Vì bồ đề tức là con, con tức là bồ đề thì cầu cái gì?

Phật dạy: Ðồng Tử! Hay thay! Hay thay! Ông đã nói được nghĩa lý sâu xa một cách hoàn hảo. Đời trước ông gieo trồng nhiều căn lành với Đức Phật, phát đại nguyện lâu dài, thường nương vào vô đắc, tu hành các phạm hạnh thanh tịnh.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật: Đối với các pháp có sở đắc, nếu người nào có thể dựa vào vô đắc mà tu phạm hạnh thanh tịnh, con hoàn toàn chẳng thấy có pháp khả đắc và vô sở đắc, thì làm sao nói được dựa vào vô đắc mà tu phạm hạnh thanh tịnh?

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Hôm nay, ông có thấy đức Thanh Văn của ta không?

Bạch Thế Tôn! Con thấy.

Phật dạy: Ðồng Tử! Làm sao ông thấy.

Bạch Thế Tôn! Nay con thấy các Thanh Văn chẳng phải phàm phu, chẳng phải thánh giả, chẳng phải hữu học, chẳng phải vô học, chẳng phải có thể thấy, chẳng phải không thể thấy, chẳng phải người thấy, chẳng phải chẳng có người thấy, chẳng phải nhiều, chẳng phải ít, chẳng phải nhỏ, chẳng phải lớn, chẳng phải đã điều phục, chẳng phải chưa điều phục. Con thấy như vậy nhưng không có tưởng thấy.

Khi ấy, Xá Lợi Tử liền hỏi Mạn Thù Thất Lợi: Ðối với Thanh Văn Thừa mà thấy như vậy thì làm sao Ngài thấy Chánh Đẳng Giác thừa?

Ðại Đức! Nay tôi chẳng thấy Bồ Tát, cũng chẳng thấy pháp của các Bồ Tát, chẳng thấy bồ đề, cũng chẳng thấy pháp hướng tới bồ đề, cũng chẳng thấy có hạnh hướng đến bồ đề, cũng chẳng thấy có pháp chứng đắc bồ đề, chẳng thấy có người chứng được bồ đề. Tôi thấy Chánh Đẳng Giác thừa như vậy, nghĩa là ở trong đó hoàn toàn không thấy chi cả.

Xá Lợi Tử lại hỏi: Đối với Như Lai, Ngài thấy thế nào?

Ðại Đức! Thôi thôi! Chớ khởi lên ngôn luận đối với Như Lai là Bậc Long tượng vương.

Mạn Thù Thất Lợi! Theo như Ngài nói thì Phật là khái niệm thế nào?

Nay hỏi Đại Đức! Như Đại Đức đã nói thì ngã có khái niệm ra sao?

Xá Lợi Tử đáp: Ngã chỉ là giả lập danh tự, là khái niệm về không.

Ðại Đức nên biết! Khái niệm về Phật tức là khái niệm về ngã. Ngã và Phật đều rốt ráo không, chỉ tùy theo thế gian mà giả lập danh tự. Danh từ bồ đề cũng là giả lập, không thể tìm chỗ này để cầu quả bồ đề thật. Tướng của bồ đề là không, không thể biểu thị.

Vì sao?

Vì bồ đề và danh tự cả hai đều không. Vì danh tự là không, nên lời nói cũng không. Không thể lấy không để biểu thị pháp không. Vì bồ đề là không nên Phật cũng là không, nên nói Phật là khái niệm của không.

Lại nữa, Đại Đức! Nói Phật ấy là không đến, không đi, không sanh, không diệt, không có sự chứng đắc, không có sự thành tựu, không danh, không tướng, không thể phân biệt, không ngôn ngữ, không nói năng, không thể biểu thị, chỉ có trí tuệ nhiệm mầu tự chứng biết bên trong.

Nghĩa là các Như Lai đã biết được tất cả pháp rốt ráo là không, là vắng lặng nên chứng đại bồ đề, tùy thuận thế gian giả lập danh tự, nên xưng là Phật, chẳng phải thật có, vì có hay không đều bất khả đắc.

Lại nữa, Đại Đức! Như Lai đã chứng trí tuệ nhiệm mầu gọi là bồ đề, thành tựu bồ đề nên gọi là Phật. Vì bồ đề không, nên Phật cũng là không. Do đây, nên danh từ Phật chỉ là khái niệm của không.

Xá Lợi Tử liền bạch Phật: Pháp thâm sâu mà Mạn Thù Thất Lợi đã nói, kẻ sơ học không thể hiểu rõ được.

Đồng tử Mạn Thù Thất Lợi liền thưa Cụ thọ Xá Lợi Tử: Những điều tôi nói chẳng phải chỉ có kẻ sơ học không thể hiểu rõ được, mà những vị A La Hán với các việc làm đã xong cũng không thể hiểu nổi. Chẳng phải lời tôi nói ra có người hiểu được.

Vì sao?

Vì tướng bồ đề chẳng phải nhận biết hay được nhận biết, không thấy, không nghe, không chứng đắc, không nhớ nghĩ, không sanh, không diệt, không thể nói rõ, không thể nghe nhận, tánh tướng của bồ đề này là Không, là vắng lặng. Các Đại Bồ Tát còn chưa hiểu được, huống gì sự hiểu biết của Nhị Thừa mà hiểu nổi. Tánh tướng của bồ đề còn không thể nắm bắt, huống chi có người thật chứng bồ đề.

Xá Lợi Tử nói: Mạn Thù Thất Lợi! Đối với pháp giới, lẽ nào Phật không chứng ư?

Ðại Đức! Không phải vậy.

Vì sao?

Vì Phật tức pháp giới, pháp giới tức Phật. Pháp giới chẳng lẽ lại chứng pháp giới.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Tất cả pháp không mà nói là pháp giới. Tức pháp giới này nói là bồ đề. Bồ đề và pháp giới đều lìa tánh tướng. Do đó nên nói tất cả pháp không.

Tất cả pháp không hoặc bồ đề, pháp giới đều là cảnh giới của Phật, không hai, không khác. Vì không hai, không khác nên không thể hiểu rõ. Vì không thể hiểu rõ nên không có lời lẽ. Vì không lời lẽ nên không thể thiết lập hữu vi hay vô vi, có hay chẳng phải có v.v…

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Tánh của tất cả pháp cũng không hai, không khác. Vì không hai, không khác nên không thể hiểu rõ. Vì không thể hiểu rõ nên không lời lẽ. Vì không lời nói nên không thể thiết lập.

Vì sao?

Vì bản tánh các pháp hoàn toàn không có sở hữu, không thể thiết lập ở đây, ở kia, vật này, vật nọ.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Nếu tạo vô gián, nên biết tức là tạo ra bất khả tư nghì, cũng là tạo ra thật tế.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì bất khả tư nghì và ngũ vô gián đều là thật tế, tánh không sai khác. Đã không có người tạo thật tế, nên vô gián, bất khả tư nghì đều không thể tạo. Do nghĩa này nên kẻ tạo nghiệp vô gián chẳng đọa vào địa ngục. Kẻ tạo nghiệp bất tư nghì chẳng được sanh lên Trời. Kẻ tạo vô gián chẳng phải chìm đắm trong đêm dài sanh tử. Kẻ tạo bất tư nghì cũng chẳng phải rốt ráo chứng được Niết Bàn.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì bất khả tư nghì và năm vô gián đều trụ thật tế, tánh không sai khác, không sanh, không diệt, không đến, không đi, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, chẳng phải thiện, chẳng phải ác, chẳng phải chiêu lấy cảnh giới ác, chẳng phải cảm nhận Cõi Trời người, chẳng phải chứng Niết Bàn, chẳng phải chìm đắm trong sanh tử.

Vì sao?

Vì chơn pháp giới chẳng phải thiện, chẳng phải ác, chẳng phải cao, chẳng phải thấp, không có trước, không có sau.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Bí Sô phạm trọng tội chẳng đọa địa ngục, người trì giới thanh tịnh chẳng được sanh lên Trời. Bí Sô phạm trọng tội chẳng chìm sanh tử, người giữ giới thanh tịnh chẳng chứng Niết Bàn. Bí Sô phạm trọng tội chẳng bị mắng chửi, người giữ giới tịnh chẳng được khen ngợi.

Bí Sô phạm trọng tội chẳng bị khinh miệt, người giữ giới thanh tịnh chẳng được cung kính. Bí Sô phạm trọng tội chẳng bị chống trái, người giữ giới thanh tịnh chẳng được hòa hợp.

Bí Sô phạm trọng tội chẳng nên xa lìa, người giữ giới thanh tịnh chẳng nên thân cận. Bí Sô phạm trọng tội chẳng bị tổn giảm, người giữ giới thanh tịnh chẳng được tăng ích.

Bí Sô phạm trọng tội chẳng phải không đáng cúng dường, người giữ giới thanh tịnh chẳng phải đáng cúng dường. Bí Sô phạm trọng tội chẳng phải tăng trưởng lậu hoặc, người giữ giới thanh tịnh chẳng phải tổn giảm lậu hoặc. Bí Sô phạm trọng tội chẳng phải không thanh tịnh, người giữ giới thanh tịnh chẳng phải chắc chắn thanh tịnh.

Bí Sô phạm trọng tội chẳng phải không có tịnh tín, người giữ giới thanh tịnh chẳng phải có tịnh tín. Bí Sô phạm trọng tội chẳng phải không nên thọ của tín thí thanh tịnh, người giữ giới thanh tịnh chẳng phải nhất định nên nhận của tín thí thanh tịnh.

Vì sao?

Xá Lợi Tử! Vì trong chơn pháp giới, tánh của giữ giới và phạm giới đều bình đẳng không sai khác vậy.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các loại phàm phu gọi là người hòa hợp. Bí Sô đã hết lậu gọi là chẳng hòa hợp.

Mạn Thù Thất Lợi! Ngài dựa vào nghĩa nào mà nói như vậy?

Ðại Đức!  Phàm phu cùng với chúng sanh hợp nên gọi là người hòa hợp. Còn các A La Hán không có nghĩa này nên gọi là chẳng hòa hợp. Tôi dựa vào nghĩa này mà nói như vậy.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các loại phàm phu gọi là kẻ vượt qua sự sợ hãi, còn Bí Sô hết lậu hoặc gọi là chẳng vượt qua sợ hãi.

Mạn Thù Thất Lợi! Ngài dựa vào nghĩa nào mà nói như vậy?

Ðại Đức! Hàng phàm phu chẳng sợ hãi đối với pháp đáng sợ nên gọi là vượt qua sợ hãi. Các A La Hán biết pháp đáng sợ ấy thật không có sở hữu, không có sự sợ hãi để vượt qua. Tôi dựa vào nghĩa này mà nói như vậy.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các hàng phàm phu đạt được Vô diệt nhẫn, còn các chúng Bồ Tát đạt được vô sanh nhẫn.

Mạn Thù Thất Lợi! Ngài dựa vào nghĩa nào mà nói như thế?

Ðại Đức! Phàm phu chẳng ưa tịch diệt gọi là đạt vô diệt nhẫn, các chúng Bồ Tát chẳng thấy pháp sanh, gọi là được vô sanh nhẫn. Tôi dựa vào nghĩa này mà nói như vậy.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các hàng phàm phu gọi kẻ điều phục, còn Bí Sô đã hết lậu hoặc gọi là người chẳng điều phục.

Mạn Thù Thất Lợi! Ngài dựa vào nghĩa nào mà nói như vậy?

Ðại Đức! Vì hàng phàm phu chưa điều phục cần điều phục nên gọi là kẻ điều phục. Còn các A La Hán đã hết lậu hoặc, kiết sử, không cần điều phục nên gọi là chẳng điều phục. Tôi dựa vào nghĩa này mà nói như vậy.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Hàng phàm phu gọi là kẻ tăng thượng tâm, vượt khỏi sự tu hành. Bí Sô hết lậu hoặc tâm hạ liệt chẳng phải vượt khỏi sự tu hành.

Mạn Thù Thất Lợi! Ngài dựa vào nghĩa nào mà nói như vậy?

Ðại Đức! Tâm của phàm phu cất cao, hành động trái pháp giới, gọi là kẻ có tâm tăng thượng, vượt khỏi sự tu hành. Các A La Hán thì tâm khiêm hạ, hành nghiệp thuận với pháp giới, gọi là tâm hạ liệt chẳng phải vượt khỏi sự tu hành. Tôi dựa vào nghĩa này mà nói như vậy.

Xá Lợi Tử khen Mạn Thù Thất Lợi: Hay thay! Hay thay! Ngài đã giải thích cho tôi một cách hoàn hảo ý nghĩa sâu xa này.

Mạn Thù Thất Lợi trả lời: Đúng vậy! Đúng vậy! Ðại Đức! Chẳng những tôi giải thích nghĩa của mật ngữ này, mà tôi cũng chính là chơn A La Hán đã hết tất cả lậu hoặc.

Vì sao?

Vì tôi vĩnh viễn không khởi lên ưa muốn đối với Thanh Văn và Độc Giác, nên gọi là chơn A La Hán đã hết lậu hoặc.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Có lý do nào mà nói Bồ Tát ngồi tòa bồ đề, chẳng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Mạn Thù Thất Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Cũng có lý do Bồ Tát ngồi tòa bồ đề nhưng chẳng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Nghĩa là trong bồ đề không có chút pháp nào gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Nhưng tánh của chơn bồ đề vẫn không sai khác, chẳng phải hễ ngồi là có thể chứng còn chẳng ngồi được liền bỏ. Do yếu tố này nên có thể nói Bồ Tát ngồi tòa bồ đề, nhưng chẳng chứng bồ đề, vì bồ đề không có tướng nên không thể chứng.

Mạn Thù Thất Lợi lại thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề tức là năm vô gián. Năm vô gián kia tức là bồ đề này.

Vì sao?

Vì bồ đề và vô gián đều là giả thiết lập, chẳng phải chơn thật có tánh của bồ đề, chẳng phải có thể chứng được, chẳng phải có thể tu tập, chẳng thể hiện thấy. Năm vô gián kia cũng lại như vậy.

Vả lại, bản tánh của tất cả pháp rốt ráo không thể hiện thấy, ở trong ấy không có sự giác ngộ, không có người giác ngộ. Không thấy, không có người thấy. Không biết, không có người biết.

Không có sự phân biệt, không có người phân biệt. Bình đẳng, lìa tướng nên gọi là bồ đề. Tánh của năm vô gián cũng lại như vậy, do đây bồ đề chẳng thể chứng được. Kẻ nào nói có thể chứng được, tu tập và hiện thấy rõ đại bồ đề là kẻ tăng thượng mạn.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Nay ông gọi Ta là Như Lai ư?

Bạch Thế Tôn! Chẳng phải.

Bạch Thiện Thệ! Chẳng phải. Con chẳng gọi Phật là Như Lai thật.

Vì sao?

Bởi Như Lai dùng trí vi diệu chứng được chân như. Diệu trí và chân như cả hai đều lìa tướng. Chân như lìa tướng chẳng gọi là chân như. Diệu trí cũng vậy, chẳng gọi là diệu trí. Ðã không có diệu trí và không có chân như cho nên Như Lai cũng chẳng phải chân như.

Vì sao?

Vì chân như và diệu trí chỉ là giả thiết lập. Như Lai cũng vậy, chẳng phải là hai, chẳng phải không hai. Thế nên diệu trí, chân như hay Như Lai chỉ có giả danh mà không một sự thật nào, nên chẳng gọi Phật là thật Như Lai.

Phật Bảo Đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông không nghi ngờ về Như Lai ư?

Bạch Thế Tôn! Không.

Bạch Thiện Thệ! Không phải vậy.

Vì sao?

Con quán Như Lai thật bất khả đắc, không sanh, không diệt nên không có sự nghi ngờ.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Chẳng lẽ Như Lai không xuất hiện ở thế gian?

Bạch Thế Tôn! Không.

Bạch Thiện Thệ! Không phải vậy. Nếu chơn pháp giới xuất hiện ở thế gian, thì có thể nói Như Lai xuất hiện ở thế gian. Vì chẳng phải chơn pháp giới xuất hiện ở thế gian, cho nên Như Lai cũng chẳng xuất hiện.

Mạn Thù Thất Lợi! Ông cho rằng hằng hà sa số Chư Phật đã nhập Niết Bàn rồi chăng?

Bạch Thế Tôn! Lẽ nào chẳng thấy Chư Phật Như Lai đồng một tướng, cảnh giới bất tư nghì.

Mạn Thù Thất Lợi! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông nói, Chư Phật Như Lai đồng một tướng, cảnh giới bất tư nghì.

Mạn Thù Thất Lợi bạch Phật: Nay Đức Phật Thế Tôn đang trụ ở đời chăng?

Phật dạy: Đúng vậy!

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Đức Phật Thế Tôn đang trụ ở đời thì hằng hà sa số Chư Phật Thế Tôn cũng đang trụ ở đời.

Vì sao?

Vì tất cả Như Lai đồng một tướng, cảnh giới bất tư nghì. Tướng bất tư nghì không sanh không diệt thì như thế nào là Chư Phật có nhập Niết Bàn?

Thế nên, bạch Thế Tôn! Nếu đời vị lai sẽ có Phật ra đời thì tất cả Như Lai đều sẽ ra đời. Nếu Đức Phật quá khứ đã nhập Niết Bàn thì tất cả Như Lai đều đã diệt độ. Nếu Đức Phật hiện tại đang chứng bồ đề thì tất cả Như Lai đều đang chứng.

Vì sao?

Trong cảnh giới bất tư nghì tất cả Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều không khác nhau. Nhưng vì thế gian mê lầm chấp trước các thứ hý luận nên cho rằng Đức Phật Thế Tôn có sanh, có diệt, có chứng bồ đề.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Pháp mà ông nói chỉ có Như Lai hoặc Bồ Tát bất thối chuyển hay đại A La Hán mới hiểu rõ được, ngoài ra chẳng ai hiểu nổi.

Vì sao?

Vì chỉ Như Lai v.v… nghe pháp sâu xa này, như thật hiểu rõ, chẳng khen, chẳng chê, biết tâm hay phi tâm đều bất khả đắc.

Vì sao?

Vì tánh của tất cả pháp đều bình đẳng, tâm và phi tâm đều bất khả đắc. Do đây nên không khen, không chê pháp này.

Mạn Thù Thất Lợi liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ðối với pháp này, ai sẽ khen chê?

Phật dạy: Ðồng Tử! Đối với kẻ phàm phu ngu si kia, tâm này chẳng phải thật là tánh của tâm, đồng với tánh tâm của Phật không thể nghĩ bàn.

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với hàng phàm phu ngu si, tánh tâm và phi tâm đồng với tánh của tâm Phật bất tư nghì phải không?

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông nói.

Vì sao?

Vì Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp đều bình đẳng và bất khả tư nghì.

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp thảy đều bình đẳng, bất khả tư nghì, khiến cho các Bậc Thánh hiền cầu Niết Bàn, siêng tu tinh tấn, há chẳng uổng công?

Vì sao?

Vì tánh bất khả tư nghì và tánh Niết Bàn không sai khác thì cầu làm gì! 

Nếu có kẻ nói: Pháp phàm phu này và pháp của Thánh giả đây có tướng khác nhau, thì nên biết kẻ ấy chưa từng gần gũi bạn lành chơn tịnh, nói như vậy làm cho hữu tình chấp vào hai pháp khác nhau, đắm chìm trong sanh tử, chẳng chứng Niết Bàn.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông muốn Như Lai là Bậc tối thắng đối với loài hữu tình chăng?

Bạch Thế Tôn! Nếu thật có hữu tình thì con nguyện Như Lai sẽ là Bậc tối thắng. Nhưng vì loài hữu tình thật bất khả đắc.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông muốn Phật thành tựu pháp Bất tư nghì không?

Bạch Thế Tôn! Nếu thật có pháp Bất tư nghì để thành tựu thì con nguyện Như Lai thành tựu pháp ấy, nhưng không có việc ấy.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông muốn Như Lai thuyết pháp điều phục các đệ tử không?

Bạch Thế Tôn! Nếu có sự thuyết pháp mà điều phục được chân như pháp giới, thì con nguyện Như Lai thuyết pháp điều phục các chúng đệ tử. Nhưng Đức Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời hoàn toàn không có ân đức đối với loài hữu tình.

Vì sao?

Vì các loại hữu tình trụ chân như pháp giới, không có tạp nhiễm. Ở trong đây, phàm phu hay Thánh giả, được nói hay được nghe đều không thể nắm bắt.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông muốn Như Lai là ruộng phước chơn chánh vô thượng của thế gian không?

Mạn Thù Thất Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu các ruộng phước là thật có thì con cũng muốn Phật là Bậc vô thượng của họ. Nhưng các ruộng phước thật bất khả đắc. Thế nên Chư Phật đều chẳng phải ruộng phước, chẳng phải phi ruộng phước. Vì tánh của phước, chẳng phải phước và tất cả pháp đều bình đẳng.

Nhưng người làm ruộng phước cho thế gian có khả năng vô tận nên thế gian nói chung gọi vị ấy là ruộng phước vô thượng. Chư Phật Thế Tôn chứng được phước vô tận, thế nên có thể nói Ngài là ruộng phước vô thượng.

Vả lại, người làm ruộng phước cho thế gian không có sự chuyển biến, nên đời gọi chung người ấy là ruộng vô thượng. Chư Phật Thế Tôn chứng được phước không biến chuyển cho nên có thể nói Ngài là ruộng phước vô thượng.

Lại nữa, người làm ruộng phước cho thế gian khó nghĩ, nên đời gọi chung vị ấy là ruộng vô thượng. Chư Phật Thế Tôn chứng được phước khó nghĩ này, cho nên gọi là ruộng phước vô thượng. Chư Phật tuy thật là ruộng phước vô thượng nhưng người gieo trồng phước thì không bớt, không thêm.

Phật Bảo đồng tử Mạn Thù Thất Lợi: Ông dựa vào nghĩa nào mà nói như vậy?

Mạn Thù Thất Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Tướng ruộng phước của Phật không thể nghĩ bàn, nếu có người gieo trồng vào trong đó thì hiểu rõ ngay pháp tánh bình đẳng, thông suốt tất cả pháp không tăng, không giảm, nên Phật thật là ruộng phước vô thượng.

Bấy giờ, nhờ Thần lực và pháp lực của Phật làm cho đại địa biến động sáu cách. Khi đó, trong chúng hội có mười sáu ức chúng đại Bí Sô dứt sạch các lậu, tâm được giải thoát. Bảy trăm Bí Sô Ni, ba ngàn cư sĩ nam, bốn vạn cư sĩ nữ, sáu mươi muôn ức chúng Trời Cõi Dục xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.

Khi ấy, A Nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính thưa: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà hôm nay đại địa biến động sáu cách như vậy?

Phật Bảo A Nan Đà: Do Diệu Cát Tường nói về tướng ruộng phước. Nay Ta ấn chứng nên hiện điềm này. Chư Phật quá khứ cũng nói tướng ruộng phước tại nơi này, khiến cho đại địa biến động, nên lúc này hiện lên sự việc như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần