Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Ca Diếp Bồ Tát - Phần Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

PHẨM HAI MƯƠI BỐN

PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT  

PHẦN TÁM  

Này thiện nam tử! Tất cả thế gian không gì chẳng phải hư không đối với hư không.

Bạch Thế Tôn! Thế gian cũng không gì chẳng phải là đối với tứ đại, mà còn được gọi tứ đại là có, hư không chẳng có đối cớ sao chẳng được gọi đó là có.

Này thiện nam tử! Nếu cho rằng Niết Bàn chẳng nhiếp trong ba đời, hư không cũng như vậy. Lời nói này chẳng đúng nghĩa.

Vì Niết Bàn là có thấy được chứng được, là dấu vết của sắc của sắc pháp, là có chương cú, là tướng, là duyên, là chỗ quy y, là bờ kia, tịch tịnh sáng suốt an ổn, do đây nên được gọi là nhiếp trong ba đời.

Tánh hư không chẳng có những pháp như vậy, nên gọi là không. Nếu có cái gì lìa những pháp như vậy mà lại là có thời nhiếp trong ba đời. Hư không nếu đồng là pháp có thời chẳng được chẳng nhiếp trong ba đời.

Này thiện nam tử! Như người đời cho rằntg hư không là không sắc, không đối không thể thấy thời chính là tâm sở pháp. Hư không nếu đồng tâm sở pháp, thời chẳng được chẳng nhiếp trong đời. Nếu nhiếp trong ba đời tức là bốn ấm. Do đây nên rời bốn ấm thời không có hư không.

Này thiện nam tử! Những nhà ngoại đạo nói rằng: hư không chính là quang minh. Nếu là quang minh thời là sắc pháp hư không, nếu là sắc pháp như vậy bèn là vô thường. Vì là vô thường nên nhiếp trong ba đời.

Sao ngoại đạo lại nói là chẳng phải ba đời. Nếu đã nhiếp trong ba đời thời chẳng phải là hư không. Sao lại nói rằng hư không là thường.

Này thiện nam tử! Lại có người cho rằng: Hư không là chỗ an trụ. Nếu có chỗ an trụ thời là sắc pháp. Tất cả chỗ đều là vô thường nhiếp trong ba đời, hư không cũng là thường chẳng phải nhiếp trong ba đời. Nếu nói là chỗ thời biết rằng không phải hư không.

Lại có người nói rằng hư không là thứ đệ. Nếu là thứ đệ thời là pháp số.

Nếu đã là có thể tính đếm được thời nhiếp trong ba đời, nếu nhiếp trong ba đời sao lại gọi rằng thường?

Này thiện nam tử! Lại có người nói rằng luận về hư không thời lìa ba pháp, một là không, hai là thật, ba là không thật.

Nếu nói là không thời nên biết rằng hư không là pháp vô thường, vì không có trong phạm vi thật.

Nếu nói là thật thời nên biết hư không cũng là vô thường, vì không có trong phạm vi không.

Nếu nói là không thật thời nên biết rằng hư không cũng là vô thường, vì không có trong phạm vi không. Do những nghĩa này nên trong phạm vi không là không có.

Này thiện nam tử! Có người nói hư không là pháp bị làm ra, như nói bỏ cây, bỏ nhà mà làm hư không, san bằng cho trống không, che hư không, lên hư không, cùng tận hư không như nước biển cả, đo đây nên hư không là pháp bị làm ra.

Tất cả pháp làm ra đều là vô thường, dường như ngói bình v.v… hư không nếu như vậy thời phải là vô thường.

Này thiện nam tử! Người đời nói trong tất cả pháp chỗ không chướng ngại gọi đó là hư không.

Chỗ không chướng ngại này nơi tất cả pháp là có tất cả hay có từng phần?

Nếu là có tất cả thời những chỗ khác không có hư không. Nếu có từng phần thời là pháp kia và pháp đây có thể tính đếm. Nếu đã là tính đếm được thời là vô thường.

Có người cho rằng hư không gồm hiệp không chướng ngại cùng có chướng ngại. Và lại nói rằng hư không ở nơi sự vật như trái đựng trong bình chậu. Hai thuyết trên đều chẳng đúng.

Nếu nói gồm cả hai thời có ba thứ:

Một là nghiệp khác nhau mà cùng hiệp, như chim bay đậu trên cây.

Hai là cộng nghiệp cùng hiệp, như hai con dê đụng nhau.

Ba là đã hiệp rồi lại cùng hiệp như hai đôi ngón tay hiệp ở một chỗ.

Nếu nói nghiệp khác nhau cùng hiệp, khác nhau đây có hai: Một là nghiệp sự vật, hai là nghiệp hư không. Nếu nghiệp hư không hiệp với vật thời hư không là vô thường. Nếu nghiệp sự vật hiệp với hư không, sự vật thời chẳng cùng khắp, đã chẳng cùng khắp thời chẳng là vô thường.

Nếu nói hư không là thường, tánh của nó chẳng lay động mà cùng với động vật hiệp, thời không đúng nghĩa. Vì nếu hư khônglà thường thời vật lẽ ra cũng là thường. Nếu vật là vô thường thời hư không cũng là vô thường. Không thể nói rằng hư không cũng là thường cũng là vô thường.

Thuyết cộng nghiệp hiệp nhau cũng không đúng nghĩa. Vì hư không gọi là cùng khắp, nếu hiệp với nghiệp thời lẽ ra nghiệp cũng cùng khắp, nếu là cùng khắp thời phải khắp tất cả, nếu khắp tất cả thời lẽ ra hiệp với tất cả, chẳng nên nói rằng có hiệp cùng chẳng hiệp.

Thuyết đã hiệp rồi lại cùng hiệp như hai đôi ngón tay hiệp nhau cũng không đúng nghĩa. Vì trước không có hiệp về sau mới hiệp, trước không sau có là pháp vô thường. Nên chẳng được nói rằng hư không đã hiệp rồi lại cùng hiệp. Như các pháp trong đời trước không sau có là vô thường, nếu hư không như vậy thời cũng phải là vô thường.

Thuyết hư không ở nơi sự vật như trái đựng trong bình chậu cũng không đúng nghĩa.

Vì lúc chưa có bình chậu hư không kia ở chỗ nào?

Nếu có chỗ ở thời có nhiều hư không. Đã là nhiều sao lại nói là thường, là duy nhất, là cùng khắp. Giả sử hư không rời hư không có chỗ ở, thời sự vật lẽ ra cũng rời hư không có chỗ ở, do đây nên biết rằng không có hư không.

Này thiện nam tử! Nếu cho rằng chỗ ngón tay ở gọi là hư không, theo thuyết này thời hư không là pháp vô thường, vì ngón tay có bốn phương hướng, hư không cũng phải có bốn phương, tất cả pháp thường trụ đều không có phương sở.

Nếu có phương sở thời hư không là vô thường. Nếu là vô thường thời chẳng rời năm ấm. Nếu muốn rời năm ấm thời thành ra không chỗ có.

Này thiện nam tử! Nếu có pháp nào do nhân duyên mà tồn tại thời pháp đó là vô thường. Như tất cả chúng sanh cùng cây cối do nơi đất mà tồn tại. Vì đất là vô thường, nên những vật trên đây cũng là vô thường. Như đất nhân nơi nước, vì nước vô thường nên đất cũng vô thường.

Như nước nhân nơi gió vì gió vô thường nên nước cũng vô thường. Gió nương nơi hư không, vì hư không vô thường nên gió cũng vô thường.

Sao lại nói rằng hư không là thường khắp tất cả chỗ?

Vì hư không là không chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, cũng như sừng thỏ là vật không có nên chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại. Do đây nên ta nói Phật Tánh thường trụ chẳng nhiếp trong ba đời. Vì hư không là không nên chẳng nhiếp trong ba đời.

Này thiện nam tử! Ta trọn chẳng trái cãi với thế gian. Vì người trí nói có thời ta cũng nói có, vì người trí nói không thời ta cũng nói không.

Bạch Thế Tôn! Bồ Tát có đủ mấy pháp thời chẳng trái cãi với thế gian, chẳng bị pháp thế gian làm ô nhiễm?

Này thiện nam tử! Bồ Tát có đủ mười pháp thời được hai điều trên: Một là tín tâm, hai là có giới, ba là gần gũi bạn lành, bốn là trong tâm khéo tư duy, năm là có tinh tấn, sáu là có chánh niệm, bảy là có trí huệ, tám là có chánh ngữ, chín là thích chánh pháp, mười là thương xót chúng sanh.

Bồ Tát có đủ mười pháp này thời chẳng trái cãi với thế gian, chẳng bị pháp thế gian làm ô nhiễm, như hoa Ưu Bát La.

Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói: Người trí trong đời nói có Phật cũng nói có, người trí trong đời nói không Phật cũng nói không.

Những gì là có với không?

Này thiện nam tử! Người trí trong đời nói sắc là vô thường khổ không vô ngã, nhẫn đến thức cũng như vậy. Đây là người trí trong đời nói có, ta cũng nói có. Người trí nói sắc chẳng có thường, lạc, ngã, tịnh, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Đây là người trí trong đời nói không ta cũng nói không.

Bạch Thế Tôn! Người trí trong đời chính là Phật và Bồ Tát tất cả Thánh Nhân. Nếu sắc ấm của các Thánh Nhân là vô thường khổ không vô ngã, tại sao Đức Như Lai nói sắc thân của Phật là thường hằngkhông biến đổi. Người trí trong đời nói chẳng có thường, lạc, ngã, tịnh, tại sao Đức Như Lai nói là có.

Đức Thế Tôn nói những lời như vậy sao lại nói rằng chẳng tranh cải với thế gian, chẳng bị pháp thế gian làm nhiễm ô.

Đức Như Lai đã lìa ba thứ điên đảo: Tưởng đảo, tâm đảo, và kiến đảo. Lẽ ra nên nói rằng sắc thân của Phật thiệt là vô thường.

Nay lại nói là thường, thế nào đặng gọi là xa lìa điên đảo chẳng tranh cãi với thế gian?

Này thiện nam tử! Sắc thân của phàm phu từ phiền não mà sanh, nên người trí nói săc thân là vô thường khổ không vô ngã. Sắc thân của Như Lai xa lìa phiền não, nên nói là thường hằng không biến đổi.

Bạch Thế Tôn! Sắc ấm do phiền não sanh ra như thế nào?

Này thiện nam tử! Phiền não có ba thứ: Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Người trí phải quán sát tội lỗi của ba thứ lậu này. Vì có biết tội thời có thể xa lìa. Như y sư coi mạch biết bệnh rồi mới cho thuốc.

Như dắt người mù đến trong rừng gai rồi bỏ đó mà về, người mù này rất khó ra khỏi rừng dầu được ra khỏi nhưng thân thể phải bị trầy trụa.

Phàm phu trong đời cũng như vậy, vì không biết được tội lỗi của ba món lậu nên đi theo nó. Nếu người nào thấy được tội lỗi của ba món lậu thời có thể xa lìa. Người đã biết tội lỗi dầu có thọ quả báo nhưng quả báo cũng nhẹ nhàng.

Này thiện nam tử! Có bốn hạng người: Một là lúc tạo nghiệp thời nặng, lúc thọ báo thời nhẹ, hai là lúc tạo nghiệp thời nhẹ, lúc thọ báo thời nặng, ba là lúc tạo nghiệp thời nặng, lúc thọ báo cũng nặng, bốn là lúc tạo nghiệp thời nhẹ, lúc thọ báo cũng nhẹ.

Này thiện nam tử! Nếu người có thể quán sát tội lỗi của phiền não thời tạo nghiệp cùng thọ báo đều nhẹ.

Này thiện nam tử! Người có trí nghĩ rằng: Ta nên xa lìa ba thứ lậu như vậy, chẳng nên gây tạo những nghiệp xấu xa như vậy, vì ngày nay ta chưa được giải thoát lục đạo. Nếu ta tu hành phải nương sức này để phá hoại các sự khổ. Suy nghĩ như vậy rồi thời tham sân si của người này kém yếu.

Người này thấy phiền não của mình nhẹ nên lòng họ vui mừng, lại nghĩ rằng ta được như vậy đều do công đức tu hành, làm cho ta lìa đặng pháp ác, gần gũi pháp lành, nên hiện tại ta được thấy Thánh đạo, vậy ta phải nên siêng năng tu tập thêm.

Do công đức siêng năng tu hành, người này xa lìa vô lượng phiền não và thoát khỏi lục đạo luân hồi.

Do đây nên trong Khế Kinh Phật nói phải quán sát tất cả phiền não hữu lậu và nhân của hữu lậu. Vì người trí nếu chỉ quán hữu lậu mà chẳng quán nhân của hữu lậu thời không thể dứt các phiền não.

Vì người trí quán sát hữu lậu do nhân này mà sanh, nay ta dứt nhân này thời lậu chẳng còn sanh. Như y sư trước từ nhân của bệnh thời bệnh chẳng còn.

Do đây nên người trí phải trước quán sát nhân, kế đó quán sát quả báo, biết rằng từ nhân lành sanh ra quả lành, từ nhân ác sanh quả ác. Khi rõ biết quả báo rồi thời xa lìa nhân ác. Lại phải quán phiền não nhẹ hay nặng, trước lìa phiền não nặng thời phiền não nhẹ tự mất.

Này thiện nam tử! Người trí nếu biết phiền não, biết nhân của phiền não, biết quả báo của phiền não, biết phiền não nhẹ hay nặng, bấy giờ người này siêng năng tu hành chẳng ngừng nghỉ, chẳng hối tiếc, thường gần gũi bạn lành chí tâm nghe pháp để dứt trừ những phiền não như vậy.

Như người bệnh tự biết bệnh nhẹ có thể trị lành, nên dầu uống thuốc đắng vẫn không ăn năn. Người trí siêng tu Thánh đạo thường vui mừng chẳng sầu, chẳng nghĩ, chẳng ăn năn.

Này thiện nam tử! Nếu người biết được phiền não, nhân của phiền não, quả báo của phiền não, biết phiền não nhẹ nặng, vì trừ phiền não mà tu Thánh đạo, người này chẳng do phiền não sanh sắc thân, cũng chẳng do phiền não sanh thọ, tưởng, hành, thức. Nếu chẳng biết được phiền não v.v… chẳng siêng tu tập, người này từ phiền não sanh thân ngũ ấm.

Này thiện nam tử! Người rõ biết phiền não v.v…vì dứt trừ phiền não mà tu hành Thánh đạo, đây chính là Đức Như Lai do nhân duyên này nên sắc thân của Như Lai cùng thọ, tưởng, hành, thức, đều là thường trụ.

Kế chẳng biết phiền não v.v…, chẳng tu hành Thánh đạo, đây là phàm phu. Do nhân duyên này nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức của phàm phu đều là vô thường.

Này thiện nam tử! Người trí trong đời: Tất cả Thánh Nhân, Bồ Tát, Chư Phật đều nói hai nghĩa trên đây, ta cũng nói hai nghĩa như vậy, do đây nên ta nói rằng chẳng tranh cãi với người trí trong đời, chẳng bị thế pháp làm nhiễm ô.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu?

Này thiện nam tử! Do trong tâm có giác quán chẳng lành, nhân nơi duyên ngoài mà sanh ra dục lậu.

Ngày trước lúc ở Thành Vương Xá, ta bảo A Nan rằng: Nay ông thọ lấy bài kệ tụng của cô gái này nói. Bài kệ đây là lời của Chư Phật quá khứ. Do đây nên tất cả giác quán chẳng lành trong tâm cùng những nhân duyên ngoài gọi đó là dục, đây là dục lậu.

Trừ dục lậu ở Cõi Dục, những á pháp nơi trong cùng các nhân duyên nơi ngoài của Cõi Sắc và vô sắc gọi là hữu lậu.

Chẳng thể rõ biết ngã cùng ngã sở, chẳng biện biệt được trong cùng ngoài, đây gọi là vô minh lậu.

Này thiện nam tử! Vô minh là cội gốc của tất cả các lậu, vì tất cả chúng sanh do vô minh nên ức tưởng chấp trước nơi ngũ ấm, thập nhị nhập, thập bát giới, đây gọi là chúng sanh, cũng gọi là tưởng đảo, tâm đảo, kiến đảo. Do nhân duyên này sanh ra tất cả các lậu. Vì thế nên trong mười hai Bộ Kinh, ta nói vô minh là nhân của tham sân si.

Bạch Thế Tôn! Trước kia Đức Như Lai nói rằng do chẳng khéo tư duy mà có tham, sân, si.

Nay duyên cớ gì mà nói do vô minh?

Này thiện nam tử! Hai pháp đây làm nhân quả lẫn nhau, tăng trưởng lẫn nhau: Chẳng khéo tư duy sanh vô minh, do vô minh nên chẳng khéo tư duy.

Này thiện nam tử! Những gì có thể sanh trưởng các phiền não thời đều gọi là nhân duyên của phiền não. Gần gũi những nhân duyên của phiền não như vậy thời gọi là vô minh.

Chẳng khéo tư duy dụ như hột giống lên mọng: Hột giống là cận nhân, nước đất là viễn nhân. Phiền não cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Như lời Phật nói vô minh tức là lậu, sao lại nói rằng nhân nơi vô minh mà sanh các lậu?

Này thiện nam tử! Vô minh lậu là nội vô minh. Nhân nơi vô minh sanh ra các lậu là nội ngoại nhân.

Nếu nói vô minh lậu thời gọi là nội đảo: Chẳng biết vô thường, khổ, không và vô ngã. Nếu nói nhân duyên của tất cả phiền não, đây gọi là chẳng rõ biết ngoài ngã và ngã sở.

Nếu nói vô minh lậu, đây gọi là vô thỉ vô chung: Từ nơi vô minh sanh ra ấm nhập giới v.v…

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là biết nhân của các lậu?

Này thiện nam tử! Người trí nên quán sát rằng:

Nhân duyên gì sanh ra phiền não này?

Làm hạnh nghiệp gì sanh ra phiền não này?

Lúc ở chung với ai sanh ra phiền não này?

Ở chỗ nào sanh ra phiền não này?

Quán sát việc gì sanh ra phiền não này?

Thọ lãnh đồ ăn đồ dùng của ai sanh ra phiền não này?

Duyên cớ gì chuyển hạ làm trung, chuyển trung làm thượng?

Hạ nghiệp làm trung, trung nghiệp làm thượng?

Bồ Tát lúc quán sát như vậy thời xa lìa được nhân duyên sanh ra các lậu. Lúc quán sát như vậy những phiền não chưa sanh ngăn ngừa làm cho chẳng sanh, những phiền não đã sanh thời trừ diệt được.

Do đây nên trong Khế Kinh ta nói rằng người trí phải quán sát nhân duyên sanh ra phiền não.

Bạch Thế Tôn! Chúng sanh có một thân làm sao có thể khởi ra các thứ phiền não?

Này thiện nam tử! Như trong một cái chậu đựng nhiều thứ hột giống, lúc có nước mưa thời mỗi hột giống đều tự mọc lên. Chúng sanh cũng như vậy, thân dầu chỉ có một, do nhân duyên tham ái mà có thể sanh trưởng các thứ phiền não.

Bạch Thế Tôn! Người trí quán sát quả báo như thế nào?

Này thiện nam tử! Người trí nên quán sát nhân duyên của các lậu có thể sanh thân tam đồ, nhân duyên của các lậu được thân nhân thiên, đều là vô thường, khổ, không, vô ngã. Trong thân này có ba thứ khổ, ba thứ vô thường.

Nhân duyên của các lậu này có thể làm cho chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thọ lấy ác báo, có thể dứt mất căn lành, phạm bốn tội trọng, hủy báng Tam Bảo.

Người trí lại nên quán sát ngày nay ta đã có thân như vậy, chẳng nên sanh khởi những phiền não như vậy để khỏi mang lấy những ác quả.

Bạch Thế Tôn! Có quả vô lậu. Lúc người trí dứt những quả báo, quả báo vô lậu này có ở trong số bị dứt đây chăng?

Những người đắc đạo có quả vô lậu. Người trí kia cầu quả vô lậu. Tại sao Đức Phật nói rằng tất cả người trí nên dứt quả báo.

Nếu dứt quả báo thời ngày nay làm sao có các bậc Thánh Nhân?

Này thiện nam tử! Có lúc Đức Như Lai trong nhân mà nói quả, có lúc trong quả mà nói nhân.

Như người đời nói đất sét, chính là cái bình, những sợi chỉ chính là cái áo, đây gọi là trong nhân mà nói quả.

Như người đời nói con bò chính là nước và cỏ, người chính là đồ ăn, đây là trong quả mà nói nhân. Ta cũng ở trong nhân mà nói quả như vậy.

Như trong Khế Kinh trước kia ta từng nói rằng: Ta từ nơi tâm mà thân đến Cõi Phạm Thiên, đây gọi là trong nhân mà nói quả. Lục nhập này là nghiệp quá khứ, đây gọi là trong quả mà nói nhân.

Này thiện nam tử! Thật ra tất cả Thánh Nhân không có quả báo vô lậu. Tất cả Thánh Nhân tu hành Thánh đạo được quả báo chẳng còn sanh các lậu do đây nên gọi là quả báo vô lậu.

Này thiện nam tử! Người trí lúc quán sát như vậy liền dứt hẳn được quả báo của phiền não.

Vì dứt quả báo phiền não này mà tu tập Thánh đạo: Không vô tướng và vô nguyện. Tu tập Thánh đạo này có thể dứt tất cả quả báo của phiền não.

Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sanh đều do phiền não mà có quả báo. Phiền não chính là ác. Từ phiền não ác sanh ra phiền não cũng gọi là ác.

Phiền não như vậy có hai thứ: Nhân và quả. Vì nhân ác nên quả ác, vì quả ác nên nhân ác.

Như trái nhâm bà vì hột nó đắng, nên bông trái cây lá tất cả đều đắng. Như cây độc vì hột nó độc nên trái cũng độc.

Nhân là chúng sanh quả cũng chúng sanh. Nhân là phiền não quả cũng phiền não. Nhân quả phiền não chính là chúng sanh. Chúng sanh chính là nhân quả phiền não.

Nếu cứ theo nghĩa này, cớ sao Đức Như Lai trước kia nói dụ núi Tuyết cũng có cỏ độc, cũng có cây thuốc hay?

Nếu nói phiền não là chúng sanh, chúng sanh là phiền não, sao Phật lại nói trong thân chúng sanh có thuốc hay?

Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Vô lượng chúng sanh đều đồng nghi như vậy. Nay ông vì chúng sanh mà thưa hỏi. Ta cũng có thể giải thích để trừ nghi.

Ông nên lắng nghe khéo suy nghĩ và ghi nhớ đó.

Này thiện nam tử! Núi Tuyết kia dụ cho chúng sanh, cỏ độc là nói phiền não, cây thuốc hay là chỉ cho phạm hạnh thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh tu tập phạm hạnh thanh tịnh như vậy, thời gọi là trong thân có thuốc hay.

Bạch Thế Tôn! Thế nào chúng sanh có phạm hạnh thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Như trong đời, từ hột sanh ra trái. Trái này có thứ sanh ra hột, có thứ chẳng sanh. Thứ có thể sanh hột thời gọi là quả tử. Thứ không thể sanh chỉ được gọi là quả chẳng được gọi là tử.

Tất cả chúng sanh cũng như vậy, có hai hạng: Một là có quả phiền não là nhân phiền não, hai là có quả phiền não chẳng phải nhân phiền não. Hạng sau đây gọi là phạm hạnh thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Chúng sanh quán sát thọ ấm, biết nó là cận nhân của tất cả lậu. Vì thọ ấm làm nhân duyên nên không thể dứt tuyệt tất cả các lậu, cũng không thể ra khỏi ngục Tam Giới.

Nhân nơi thọ mà chúng sanh chấp ngã và ngã sở, sanh ra tâm đảo, tưởng đảo và kiến đảo. Do đây nên chúng sanh trước phải quán sát thọ ấm, thọ này là cận nhân của tất cả ái. Do đây nên người trí muốn dứt tham ái, trước phải quán sát thọ.

Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, mười hai nhân duyên chỗ gây tạo nghiệp thiện ác đều nhân nơi thọ.

Do đây nên ta từng bảo A Nan rằng: Tất cả chúng sanh tạo nghiệp thiện ác đều do nơi thọ. Nên người trí trước phải quán sát thọ.

Đã quán sát thọ rồi lại phải quán sát thọ này do nhân duyên gì mà sanh?

Nếu do nhân duyên sanh, thời nhân duyên đó lại từ đâu mà sanh?

Nếu không nhân duyên mà sanh, thời không nhân kia cớ sao chẳng sanh không thọ?

Lại quán sát thọ này chẳng phải do Tư Tại Thiên sanh, chẳng do sĩ phu sanh, chẳng do vi trần sanh, chẳng phải thời tiết sanh, chẳng do tưởng sanh, chẳng do tánh sanh, chẳng phải tự sanh, chẳng phải tha sanh, chẳng phải vô nhân sanh.

Thọ này từ các duyên hòa hiệp mà sanh, duyên đây chính là ái. Trong sự hòa hiệp này chẳng phải có thọ chẳng phải không thọ. Do đây nên ta phải dứt sự hòa hiệp này. Vì dứt hòa hiệp nên chẳng sanh ra thọ.

Này thiện nam tử! Người trí quán sát nhân rồi kế quán sát quả báo: Chúng sanh do nơi thọ mà thọ báo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nhẫn đến thọ vô lượng sự khổ não trong Tam Giới. Do nơi thọ mà thọ lấy sự vui hư huyễn vô thường. Do nơi thọ mà dứt căn lành. Do nơi thọ mà được giải thoát. Lúc quán sát như vậy thời chẳng làm nhân cho thọ.

Thế nào gọi là chẳng làm nhân cho thọ?

Chính là phân biệt thọ: 

Những thọ gì có thể làm nhân cho ái?

Những ái gì có thể làm nhân cho thọ?

Này thiện nam tử! Nếu chúng sanh có thể quán sát rành rẽ ái nhân và thọ nhân như vậy, thời có thể dứt ngã và ngã sở.

Này thiện nam tử! Nếu người nào có thể quán sát những điều như vậy, thời nên biện biệt ái cùng thọ dứt tại chỗ nào?

Bèn thấy ái và thọ có chỗ diệt phần ít, do đây nên biết rằng cũng phải có diệt hoàn toàn. Bấy giờ ở nơi giải thoát người này sanh tín tâm, quán sát chỗ giải thoát này do đâu mà được. Quán sát rồi biết rõ từ bát chánh đạo nên liền tu tập.

Thế nào gọi là bát chánh đạo?

Đạo này quán sát thọ có ba tướng: Một là khổ, hai là lạc, ba là bất khổ bất lạc. Ba tướng này đều có thể làm cho thân tâm tăng trưởng.

Nhân duyên gì mà có thể tăng trưởng?

Vì xúc làm nhân duyên.

Xúc này có ba: Một là vô minh xúc, hai là minh xúc, ba là phi minh phi vô minh xúc. Minh xúc đây chính là bát chánh đạo. Hai xúc kia thời tăng trưởng thân tâm và ba món thọ. Do đây nên phải dứt hai món xúc này. Xúc đã dứt nên chẳng sanh ba món thọ.

Này thiện nam tử! Thọ này cũng gọi là nhân cũng gọi là quả.

Người trí phải quán sát cũng nhân cũng quả này: Nhân thọ sanh ra ái gọi đó là nhân. Thọ nhân nơi xúc mà sanh đây gọi là quả.

Người trí quán sát thọ như vậy rồi, kế lại quán sát ái. Quả báo của thọ gọi là ái. Quán sát ái có hai thứ một là tạp thực, hai là vô thực.

Tạp thực ái làm nhân sanh ra già bệnh chết tất cả những cõi hữu lậu. Vô thực ái thời dứt sanh gìa bệnh chết tất cả các cõi mà tham ưa đạo vô lậu.

Lại nên nghĩ rằng: Nếu ta sanh tạp thực ái này thời không thể dứt được sanh lão bệnh tử. Nay dầu ta tham đạo vô lậu, nếu chẳng dứt thọ nhân, thời không thể được đạo quả vô lậu. Do đây nên phải dứt xúc này trước. Xúc đã dứt thời thọ tự diệt. Thọ đã diệt thời ái cũng mất theo. Đây gọi là bát chánh đạo.

Này thiện nam tử! Nếu có chúng sanh nào quán sát như vậy, dầu hiện tại có thân ác độc, nhưng trong đó cũng có cây thuốc hay. Như trong núi Tuyết dầu có cỏ độc nhưng cũng có cây thuốc tốt.

Những chúng sanh này dầu do phiền não mà có quả báo, những quả báo này chẳng còn lại sanh phiền não, đây gọi là phạm hạnh thanh tịnh.

Này thiện nam tử! Người trí phải quán sát hai thứ thọ và ái do nhân duyên gì sanh ra?

Biết do nơitưởng mà sanh. Vì chúng sanh lúc thấy sắc cũng chẳng sanh tham. Đến lúc quán thọ cũng chẳng sanh tham. Nếu ở trong sắc mà sanh tưởng điên đảo, cho rằng sắc là thường, lạc, ngã, tịnh. Thọ là thường hằng không biến đổi. Do tưởng điên đảo này mà sanh tham, sân, si. Do đây nên người trí phải quán sát.

Và phải suy nghĩ rằng: Tất cả chúng sanh lúc chưa được chánh đạo đều có tưởng điên đảo: Ở trong chẳng phải thường, lạc, ngã, tịnh mà nhận là thường, lạc, ngã, tịnh. Nơi pháp chẳng phải nam, nữ, lớn, nhỏ, ngày, đêm, năm, tháng, y phục, nhà cửa v.v… mà tưởng là nam, là nữ v.v…

Tưởng này có ba thứ: Tiểu, đại và vô lượng. Vì nhân duyên nhỏ nên sanh tưởng nhỏ. Vì nhân duyên lớn nên sanh tưởng lớn. Vì vô lượng duyên nên sanh tưởng vô lượng.

Lại có tưởng nhỏ chính là chưa nhập định, tưởng lớn là nói đã nhập định, vô lượng tưởng là nói mười nhất thiết nhập.

Lại có tưởng nhỏ là tất cả tưởng ở Cõi Dục, tưởng lớn là tất cả tưởng ở Cõi Sắc, vô lượng tưởng là tất cả tưởng ở Cõi Vô Sắc.

Vì ba thứ tưởng này diệt nên thọ cũng tự diệt. Vì tưởng thọ diệt nên gọi là giải thoát.

Bạch Thế Tôn! Diệt tất cả pháp gọi là giải thoát, sao Đức Như Lai nói tưởng thọ diệt gọi là giải thoát?

Này thiện nam tử! Như Lai có lúc nhân chúng sanh mà thuyết pháp, người nghe hiểu được pháp.

Như trước kia ta bảo Đại Ca Diếp: Lúc chúng sanh diệt thời pháp lành diệt. Hoặc có lúc ta nhân nơi pháp mà nói chúng sanh, người nghe cũng hiểu là nói chúng sanh.

Như trước kia ta bảo A Nan rằng: Đức Phật cũng chẳng nói gần gũi tất cả pháp, lại cũng chẳng nói chẳng gần gũi tất cả pháp. Nếu đã gần nơi pháp mà pháp lành kém suy, pháp ác lừng thạnh, thời chẳng nên gần pháp đó. Nếu đã gần nơi pháp nào mà điều ác suy diệt, điều lành thêm lớn, thời nên gần gũi pháp đó.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần