Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Cứu Cánh Kiên Cố Và Mật Nhân Của Như Lai Về Chư Bồ Tát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa - Phần Hai Mươi Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH
KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI
VỀ CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU
CHỨNG LIỄU NGHĨA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Lạt Mật Đế, Đời Đường
PHẦN HAI MƯƠI BA
Này Khánh Hỷ! Nếu ai tu hành nhưng chẳng đoạn trừ dâm dục và sát sanh mà vẫn có thể ra khỏi ba cõi thì quyết không có việc ấy. Họ nên quán sát dâm dục tựa như rắn độc hoặc như gặp oán tặc.
Họ hãy giữ thân không lay động bằng cách thọ trì bốn giới cấm hoặc tám giới cấm của hàng Thanh Văn, rồi sau đó hãy tu hành luật nghi thanh tịnh của Bồ Tát và giữ tâm không sanh khởi. Những ai thành tựu giới luật thì đời đời sẽ vĩnh viễn lìa khỏi nghiệp giết hại lẫn nhau ở thế gian. Những ai không trộm cắp thì sẽ không mắc nợ lẫn nhau và cũng không phải trả nợ đời trước.
Khi những người thanh tịnh tu hành chánh định như thế, dù với thân máu thịt từ cha mẹ sanh và không phải cần dùng thiên nhãn, họ tự nhiên vẫn có thể nhìn thấy các Thế Giới trong mười phương. Họ sẽ thấy Phật nghe pháp và đích thân phụng trì thánh giáo. Họ đắc đại thần thông và du hành các Thế Giới trong mười phương. Họ nhớ biết việc đời trước rất rõ ràng và sẽ không gặp nguy hiểm. Đây gọi là bước thứ nhì để dần dần thứ tự tăng tiến trong việc tu hành.
Sao gọi là nghiệp hiện ra?
Này Khánh Hỷ! Những vị thọ trì giới cấm thanh tịnh và lòng chẳng ham muốn dâm dục như thế, họ sẽ không có nhiều hữu lậu đối với sáu trần. Nhân bởi không có hữu lậu, họ có thể xoay ngược sự chú ý của các căn để trở về gốc.
Do căn của họ chẳng duyên nơi các trần nên căn và trần sẽ không còn phối hợp với nhau nữa. Một khi xoay ngược dòng chảy thì các căn sẽ hợp thành một và sáu công dụng riêng rẽ sẽ ngừng. Bấy giờ các Quốc Độ trong mười phương sẽ thanh tịnh trong suốt tựa như mặt trăng tỏa sáng lơ lửng trong báu lưu ly. Thân tâm của họ sẽ an nhiên, vi diệu viên mãn bình đẳng, và được an ổn quảng đại.
Giữa lúc ấy, tất cả Như Lai đều sẽ hiện ra với thần lực bí mật viên mãn và thanh tịnh vi diệu. Người ấy liền đắc vô sanh pháp nhẫn. Từ đó họ tu tập lần lần và tùy theo sự phát tâm tu hành nên sẽ được an lập vào những quả vị của Bậc Thánh. Đây gọi là bước thứ ba để dần dần thứ tự tăng tiến trong việc tu hành.
Này Khánh Hỷ! Khi ái dục của Thiện Nam Tử đó khô kiệt, các căn sẽ không còn phối hợp với trần cảnh và tập khí còn sót lại của họ sẽ không tiếp tục sanh khởi. Những chấp trước sẽ rỗng không, tâm ý sáng suốt, và chỉ còn trí tuệ tinh thuần. Tuệ tánh viên minh của họ oánh triệt các Thế Giới trong mười phương. Có được trí tuệ đó là do ái dục của họ đã khô cạn. Giai đoạn này gọi là Can Tuệ Địa. Mặc dù tập khí ái dục của họ mới vừa khô cạn nhưng họ vẫn chưa vào dòng Pháp thủy của Như Lai.
Bấy giờ người ấy liền dùng tâm đó để vào dòng trung đạo và sự viên mãn vi diệu được mở bày. Từ sự nhiệm mầu viên mãn chân thật đó, một vi diệu chân thật khác lại hiện ra và họ có được một lòng tin nhiệm mầu thường trụ. Đến đây, tất cả vọng tưởng của họ đều diệt sạch chẳng sót và chỉ còn trung đạo chân thật. Giai đoạn này gọi là tín tâm.
Từ tín tâm chân thật đó phát huy trí tuệ minh liễu. Mọi thứ đều viên thông và uẩn xứ giới không thể làm chướng ngại nữa. Như vậy cho đến việc xả thân thọ thân và tất cả tập khí trong vô số kiếp ở quá khứ cùng vị lai, đều hiện ra ở trước. Thiện Nam Tử đó đều có thể ghi nhớ và không hề quên sót. Giai đoạn này gọi là niệm tâm.
Khi chỉ còn lại chân diệu viên mãn, tinh nguyên của chân thật đó bắt đầu chuyển hóa tập khí từ vô thỉ của họ để khai thông thành một tinh nguyên minh liễu. Duy chỉ với tinh nguyên minh liễu đó, họ sẽ tiến bước vào thanh tịnh chân thật. Giai đoạn này gọi là tinh tấn tâm.
Khi tinh nguyên minh liễu hiện tiền, tâm của họ hoạt động hoàn toàn bằng trí tuệ. Giai đoạn này gọi là tuệ tâm.
Khi chấp trì trí minh đó, tâm của họ sẽ chu biến tịch tĩnh trạm nhiên và tịch diệu thường trụ. Giai đoạn này gọi là định tâm.
Khi quang minh của định càng phát sáng, minh tánh của họ vào sâu trong định và chỉ có tiến chứ không thoái. Giai đoạn này gọi là bất thoái tâm.
Khi tâm tiến vào sâu thì càng được an nhiên, họ bảo trì và không để mất cảnh giới đó. Bấy giờ họ có thể giao tiếp với nguồn khí của chư Như Lai trong mười phương. Giai đoạn này gọi là hộ pháp tâm.
Khi thành tựu bảo trì giác minh, họ có thể dùng năng lực vi diệu để chuyển quang minh từ bi của Chư Phật hướng vào bên trong nơi Chư Phật an trụ. Đây ví như ánh sáng phản chiếu lẫn nhau giữa hai tấm gương và những hình ảnh vi diệu ở trong đó trùng trùng tương nhập. Giai đoạn này gọi là hồi hướng tâm.
Khi ánh sáng của tâm ẩn mật phản chiếu, họ được kiên định và thanh tịnh vi diệu vô thượng của Chư Phật. Họ an trụ trong vô vi và không còn quên mất. Giai đoạn này gọi là giới tâm.
Khi đã an trụ tự tại trong giới luật, họ có thể du hành khắp mười phương và nơi đến tùy ý. Giai đoạn này gọi là nguyện tâm.
Này Khánh Hỷ! Khi Thiện Nam Tử đó đã dùng phương tiện chân chánh để vào mười cảnh giới của tâm, thì tâm tinh nguyên của họ sẽ phát huy rực rỡ. Công dụng của mười cảnh giới của tâm kết hợp vào nhau và thành tựu một tâm viên mãn. Giai đoạn này gọi là phát tâm trụ.
Từ ở trong cảnh giới của tâm đó sẽ phóng ra ánh sáng. Nó tựa như vàng ròng hiện ra ở trong lưu ly báu thanh tịnh. Hành giả nương vào cảnh giới vi diệu của tâm đó để tu chỉnh bản thân. Đây ví như việc san bằng đất đai. Giai đoạn này gọi là trị địa trụ.
Ở giai đoạn của tâm địa này, trí tuệ của họ kết hợp vào nhau và mọi thứ đều được minh liễu. Họ có thể du hành khắp mười phương mà chẳng hề bị chướng ngại. Giai đoạn này gọi là tu hành trụ.
Khi ấy họ đi chung với Chư Phật và cùng thọ nguồn khí của Chư Phật. Như thân trung uẩn âm thầm tự tìm cha mẹ, hành giả vào nhà của Như Lai thì cũng vậy. Giai đoạn này gọi là sanh quý trụ.
Bây giờ họ đã vào nhà của Như Lai nên sẽ thừa hưởng đặc tánh của bậc giác ngộ. Đây ví như khi bào thai đã hình thành thì nhân tướng hiện ra không thiếu sót. Giai đoạn này gọi là phương tiện cụ túc trụ.
Dung mạo của họ đồng như Chư Phật và tâm tướng của họ cũng vậy. Giai đoạn này gọi là chánh tâm trụ.
Thân tâm của họ hợp thành và ngày càng tăng trưởng lợi ích. Giai đoạn này gọi là bất thoái trụ.
Thân của họ cùng một lúc có thể hiện ra đầy đủ mười tướng thần diệu. Giai đoạn này gọi là đồng chân trụ.
Một khi thân tướng hình thành đầy đủ, họ ra khỏi thai và làm con của Phật. Giai đoạn này gọi là Pháp Vương tử trụ.
Khi đã thành nhân, họ ví như Thái Tử được Đại Vương ủy nhiệm việc nước. Rồi khi trưởng thành, Thái Tử được Vua cha làm lễ quán đảnh. Giai đoạn này gọi là quán đảnh trụ.
Này Khánh Hỷ! Khi Thiện Nam Tử đó đã trở thành con của Phật, họ đầy đủ vô lượng diệu đức của Như Lai và tùy thuận chúng sanh khắp mười phương. Giai đoạn này gọi là hoan hỷ hành.
Tiếp đến, họ khéo có thể lợi ích tất cả chúng sanh. Giai đoạn này gọi là Nhiêu Ích Hành.
Trong tiến trình của giác ngộ chính mình và giác ngộ người khác, họ được khả năng không vi phạm hay kháng cự. Giai đoạn này gọi là vô sân hận hành.
Cho đến tận cùng biên tế của vị lai, họ sanh ra giữa muôn loài chúng sanh với ba đời bình đẳng và thông đạt khắp mười phương. Giai đoạn này gọi là vô tận hành.
Khi tất cả muôn loại Pháp Môn hợp thành đồng nhất thì họ không còn sai lầm trong việc tu tập. Giai đoạn này gọi là ly si loạn hành.
Ở trong sự đồng nhất hiển hiện những dị biệt, nhưng đối với mỗi tướng sai khác đó, họ đều thấy giống nhau. Giai đoạn này gọi là thiện hiện hành.
Như vậy cho đến số vi trần đầy khắp mười phương hư không và trong mỗi vi trần hiện ra các Thế Giới trong mười phương, nhưng họ chẳng thấy vi trần và Thế Giới hiện ra mà có sự chướng ngại nào. Giai đoạn này gọi là vô trước hành.
Họ quán sát muôn cảnh giới hiện tiền đều là pháp đệ nhất đến bờ kia. Giai đoạn này gọi là tôn trọng hành.
Khi tất cả viên dung như thế, họ có thể thành tựu quy tắc của mười phương Chư Phật. Giai đoạn này gọi là thiện pháp hành.
Mỗi Pháp thực hành đều là thanh tịnh vô lậu, do bởi tánh bổn nhiên của chúng là một vô vi chân thật. Giai đoạn này gọi là chân thật hành.
Này Khánh Hỷ! Bây giờ Thiện Nam Tử đó đã đầy đủ thần thông và thành tựu Phật sự, tâm họ thuần khiết tinh chân và rời xa những hoạn nạn. Tuy họ cứu độ chúng sanh nhưng diệt trừ tướng cứu độ chúng sanh. Họ xoay chuyển tâm vô vi để hướng đến con đường tịch diệt cho chúng sanh. Giai đoạn này gọi là cứu nhất thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng.
Họ hoại trừ những gì đáng hoại trừ và rời xa những gì đáng rời xa. Giai đoạn này gọi là bất hoại hồi hướng.
Bổn giác của họ trạm nhiên và bằng như sự giác ngộ của Chư Phật. Giai đoạn này gọi là đẳng nhất thiết phật hồi hướng.
Khi tinh nguyên chân thật phát huy sáng rực, họ đứng cùng một nơi với Chư Phật. Giai đoạn này gọi là chí nhất thiết xứ hồi hướng.
Khi đi vào các Thế Giới và trở thành đồng cảnh giới với chư Như Lai, họ trải nghiệm sự kết hợp cả hai mà chẳng bị ngăn ngại. Giai đoạn này gọi là vô tận công đức tạng hồi hướng.
Khi trở thành đồng với cảnh giới của chư Như Lai, họ đều sanh khởi nhân thanh tịnh ở trong mỗi tiến trình tu tập. Nương vào nhân đó, họ phát huy rực rỡ và hướng đến đạo tịch diệt. Giai đoạn này gọi là tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng.
Do căn lành đã thành lập nơi thật tướng, họ quán sát như vậy, tất cả chúng sanh trong mười phương đều đồng bổn tánh với mình. Bây giờ tánh của ta thành tựu viên mãn và biết rằng không một chúng sanh nào mất chúng vĩnh viễn. Giai đoạn này gọi là tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng.
Mặc dù trải nghiệm một với hết thảy pháp, nhưng họ lìa tất cả tướng. Ý niệm về một với hết thảy pháp và lìa tất cả tướng, cả hai họ đều không chấp trước. Giai đoạn này gọi là chân như tướng hồi hướng.
Khi đạt đến chân như thật sự, họ không gặp bất cứ sự cản trở nào ở khắp mười phương. Giai đoạn này gọi là vô phược giải thoát hồi hướng.
Khi họ thành tựu viên mãn công đức của chân tánh, mọi giới hạn đến pháp giới đều diệt trừ. Giai đoạn này gọi là pháp giới vô lượng hồi hướng.
Này Khánh Hỷ! Khi Thiện Nam Tử đó đã hoàn toàn thanh tịnh tâm của mình qua bốn mươi mốt giai đoạn, họ tiếp đến cần thành tựu thêm bốn loại tu hành vi diệu viên mãn.
Đến đây, họ dùng tâm của mình để tu hành và đang ở ranh giới đạt đến giác ngộ của Phật. Họ được ví như người dùi lửa và mong phát lửa để đốt miếng cây đang dùi. Giai đoạn này gọi là noãn địa. Họ lại dùng tâm của mình để tu hành, gần hoàn thành những gì mà Phật đã trải qua và sắp không còn lệ thuộc trên đất. Họ được ví như người đứng trên đỉnh núi cao, gần như toàn thân vào hư không và chỉ có một chút nhỏ ngăn ngại ở phía dưới. Giai đoạn này gọi là đảnh địa.
Bây giờ tâm của họ và tâm của Phật đồng nhau. Họ khéo chứng đắc trung đạo. Họ được ví như người nhẫn nhịn những việc mà không thể ôm trọn, nhưng cũng không thể bày tỏ. Giai đoạn này gọi là nhẫn địa.
Khi mọi số lượng tiêu diệt, họ không còn phân biệt giữa mê với giác và trung đạo. Giai đoạn này gọi là thế đệ nhất địa.
Này Khánh Hỷ! Khi Thiện Nam Tử đó ở trong đại giác mà khéo được thông đạt, họ giác ngộ như chư Như Lai và thông đạt tất cả cảnh giới của Phật. Giai đoạn này gọi là hoan hỷ địa.
Khi tánh dị biệt trở thành tương đồng và tánh tương đồng cũng diệt mất, giai đoạn này gọi là ly cấu địa.
Khi thanh tịnh đến tột cùng thì sáng rực phóng ra. Giai đoạn này gọi là phát quang địa.
Khi sáng rực đến tột độ thì tuệ giác viên mãn. Giai đoạn này gọi là diễm tuệ địa.
Khi họ hoàn toàn vượt qua tất cả những điểm tương đồng và dị biệt ở những giai đoạn trước, giai đoạn này gọi là nan thắng địa.
Khi tánh thanh tịnh của chân như vô vi hiển lộ sáng ngời, giai đoạn này gọi là hiện tiền địa.
Khi họ đến tận cùng ranh giới của chân như, giai đoạn này gọi là viễn hành địa.
Khi mọi thứ đều là một tâm chân như, giai đoạn này gọi là bất động địa.
Khi họ có thể phát khởi công dụng của chân như, giai đoạn này gọi là thiện tuệ địa.
Này Khánh Hỷ! Đến đây, sự tu tập và công đức của những vị Bồ Tát ấy đã viên mãn. Cho nên, giai đoạn này cũng gọi là tu tập vị.
Khi bóng râm của mây từ nhiệm mầu che phủ biển tịch diệt, giai đoạn này gọi là pháp vân địa.
Khi chư Như Lai xoay ngược hướng để trở lại độ chúng sanh và những vị Bồ Tát đó thuận hướng trên con đường tu tập, họ gặp gỡ ở ranh giới giác ngộ của Phật. Giai đoạn này gọi là Đẳng Giác.
Này Khánh Hỷ! Từ Can Tuệ Địa đến Đẳng Giác, họ được tuệ giác đó, là do làm khô kiệt vô minh ở trong tâm kim cang. Như vậy khi đã trải qua mười hai giai đoạn, bảy quả vị đơn lập và năm nhóm của mười quả vị, họ cuối cùng mới đạt đến Diệu Giác và thành đạo vô thượng.
Ở mỗi giai đoạn, họ đều dùng tâm kim cang để quán sát như huyễn về mười loại thí dụ thâm sâu. Với pháp tu chỉ để diệt trừ vọng tưởng trong tâm và dùng Pháp tu Quán của Như Lai, họ lần lần thứ tự vào sâu và thanh tịnh tu chứng.
Này Khánh Hỷ! Do bởi vị ấy đã dùng ba bước để dần dần thứ tự tăng tiến như thế, nên họ khéo có thể thành tựu năm mươi năm quả vị chân thật trên con đường giác ngộ.
Người khởi quán tưởng này gọi là chánh quán. Nếu ai quán khác thì là tà quán.
Lúc bấy giờ Diệu Cát Tường Pháp Vương Tử đang ở giữa đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì?
Con và chúng sanh phụng trì như thế nào?
Phật bảo Ngài Diệu Cát Tường: Kinh này tên là Vô Thượng Bảo Ấn của Đại Bạch Tản Cái Thần Chú Được Tuyên Thuyết ở Trên Đại Phật Đảnh, là Thanh Tịnh Hải Nhãn của Mười Phương Như Lai.
Cũng tên là Cứu Hộ Em Họ Khánh Hỷ và Độ Thoát Bhikṣuṇī Tánh ở trong Pháp Hội nơi đây được đạo tâm để vào biển Chánh Biến Tri.
Cũng tên là Mật Nhân của Như Lai Để Tu Chứng Liễu Nghĩa.
Cũng tên là Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương và Mười Phương Phật Mẫu Tổng Trì.
Cũng tên là Quán Đảnh Chương Cú và Cứu Cánh Kiên Cố Vạn Hạnh của Chư Bồ Tát. Ông hãy theo đó mà phụng trì.
Khi Phật nói lời ấy xong, Ngài Khánh Hỷ cùng các đại chúng do nhờ được Như Lai khai thị mật ấn diệu nghĩa của Đại Bạch Tản Cái Thần Chú và lại nghe được danh mục liễu nghĩa của Kinh này nên lập tức giác ngộ phương pháp tu hành tĩnh lự để thăng tiến đến những quả vị của Bậc Thánh. Họ tăng tiến đến nghĩa lý vi diệu, tâm tư rỗng không và ngưng lại. Họ đoạn trừ sáu loại phiền não vi tế trong ba cõi đã ảnh hưởng đến tâm của người tu hành.
Bấy giờ Tôn Giả Khánh Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật, rồi chắp tay cung kính và bạch Phật rằng: Thế Tôn là bậc đại uy đức. Với âm thanh từ bi không ngăn ngại, Ngài đã khéo khai thị về si mê chìm sâu vi tế cho chúng sanh. Nhờ đó, thân tâm của con hôm nay an nhiên và được sự lợi ích lớn.
Bạch Thế Tôn! Nếu diệu minh chân tâm thanh tịnh nhiệm mầu này xưa nay vốn viên mãn cùng khắp, như vậy cho đến cỏ cây đất đai và loài sâu bọ đều có bổn nguyên chân như. Đó chính là thể tánh chân thật để thành Phật của chư Như Lai.
Vậy thì tại sao lại có địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, phi thiên, nhân gian, và thiên thượng?
Bạch Thế Tôn! Những cõi giới ấy là xưa nay tự có, hay là chúng do tập khí hư vọng sanh khởi của chúng sanh mà có?
Bạch Thế Tôn! Như trường hợp của Bhikṣuṇī Bảo Liên Hương, là người trì giới Bồ Tát nhưng lại lén lút hành dâm, rồi sau đó vọng ngữ mà bảo rằng hành dâm không có nghiệp báo, bởi vì nó không liên quan đến việc giết hại hay trộm cắp. Khi vừa dứt lời thì nữ căn của cô ta phun ra lửa hừng hực. Mỗi đốt xương của cô ta đều bị lửa dữ lan đến đốt cháy, rồi sau đó cô ta đọa địa ngục Vô gián.
Ngoài ra còn có Vua Lưu Ly và Bhikṣu Thiện Tinh. Vua Lưu Ly tru diệt chủng tánh Cam Giá, và Bhikṣu Thiện Tinh vọng thuyết về không của tất cả pháp. Hai người đó cũng rơi vào địa ngục Vô Gián đương lúc còn sống.
Những địa ngục này có nơi cố định chăng?
Hay là chúng tự nhiên hình thành tùy theo nghiệp tạo của từng người và mỗi người phải tự lãnh thọ?
Kính mong Như Lai đại từ mà khai thị cho các đệ tử trẻ non nớt, và cũng làm cho tất cả chúng sanh trì giới khi nghe về nghĩa quyết định thì sẽ hoan hỷ đội mang lời dạy trên đỉnh đầu của họ, cẩn thận gìn giữ thanh tịnh và không vi phạm.
Phật bảo Ngài Khánh Hỷ: Lành thay! Câu hỏi này sẽ làm cho các chúng sanh không rơi vào tà kiến. Ông nay hãy lắng nghe! Ta sẽ thuyết giảng cho ông.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Vô Cực Bảo Tam Muội - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Hai - Uất ðan Viết
Phật Thuyết Kinh Tam Tuệ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bên Bờ Sông
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Sáu Mươi Năm