Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đảnh Vương - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẢNH VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BA  

Bồ Tát dốc chịu khổ

Không cầu đạo an ổn

Nên không đạo giác ngộ

Hai việc không giống nhau.

Ý thường theo sở thích

Cho là lời Phật thuyết

Như vậy là thế nào?

Chấp vào nghiệp điên đảo.

Nếu người vượt khổ não

Vào sâu pháp vi diệu

Phát ra âm thanh lớn

Của Phật không nghĩ bàn.

Phật bảo Đồng Tử Thiện Tư: Người học pháp này nên tu tập theo Kinh Điển vi diệu, chớ nắm bắt những nghĩa lý không lợi ích, những câu từ lộn xộn, sẽ không thành tựu được pháp sâu xa. Trí tuệ rộng lớn của Bậc Chánh Giác mới gọi là thâm diệu, mới là hợp với pháp. Đó gọi là không chứng đắc.

Chúng sinh do rơi vào tà kiến nên không thể làm như thế được, không dùng Tam Muội để hiểu rõ nghĩa lý. Trí tuệ không cảnh giơi, không trí tuệ cũng như thế, phải hiểu trí này tức chẳng phải nẻo hành của trí. Phật từ đời xa xưa nghe pháp sâu xa ấy, do hiểu tâm luôn vắng lặng nên không có chấp trước.

Nếu nghe Kinh Điển này mà có được sự an vui thì biết là đã từng ở nơi vô số Đức Phật tạo hạnh nghiệp, lập công đức. Thọ trì Kinh này tâm luôn nhớ nghĩ, đọc tụng, đem thuyết giảng cho mọi người khắp mười phương.

Đức Phật lại bảo Đồng Tử Thiện Tư: Bồ Tát nên tu tập với thệ nguyện lớn như vậy. Người đời thường ở trong lo sợ, nên Bồ Tát khuyến khích họ tu học đạo giác ngộ để không còn sợ hãi. Đối với người sợ khó khăn lùi bước thì phải làm cho họ hiểu rõ, khuyên bảo thực hành mới hội nhập nơi trí tuệ của đạo.

Đồng Tử Thiện Tư bạch Phật: Thưa vâng, con xin vui vẻ tin theo, người đời thì không dốc lòng tin. Tâm ý vốn rộng lớn như hư không nên vĩnh viễn không còn đối tượng được ưa thích.

Đức Phật lại bảo Thiện Tư: Nếu có Bồ Tát nào đạt được pháp sâu xa vi diệu thì vị ấy dùng phương tiện này để thích hợp với lời dạy của Chư Phật, nên đối với đạo pháp không có sự tranh cãi. Do không tranh cãi nên đối với các pháp tức không còn sợ hãi, đều không thể bị gián đoạn.

Hết thảy các pháp hiểu rõ về nguồn gốc là không, tâm ý không còn sự ưa thích, nên hội nhập vào đạo tuệ. Nếu có người nghe nói tất cả các pháp là có thì không chút sợ hãi. Nếu nghe nói các pháp là không, thì cũng không hề lo sợ.

Đối với pháp có, không, không cho là thêm bớt, biết các pháp tương ưng và các pháp không tương ưng, các pháp siêng năng, các pháp lười biếng, hiểu rõ tất cả các pháp khắp mười phương, chỗ hướng đến của trí tuệ, hoặc chỗ không hướng đến. Hoặc lại không hiểu các pháp có ý niệm, các pháp không ý niệm, không biểu hiện sự kinh sợ.

Đối với các pháp hữu vi, các pháp vô vi, các pháp có cảnh giới, các pháp không cảnh giới, các pháp hoan hỷ, các pháp không hoan hỷ, không lấy đó để phải sợ hãi. Đối với hết thảy các pháp chẳng phải là hữu vi, cũng chẳng phải là vô vi. Hết thay các pháp vốn có sở hữu, vốn không sở hữu, các pháp vắng lặng, các pháp loạn động, không lấy đó để sợ hãi.

Đối với các pháp điên đảo, không điên đảo, các pháp hư dối, chân thật, vô vi, không lấy đó để phải sợ hãi. Đối với các pháp có giới luật, không giới luật, sáng suốt, ngu tối, có tên gọi, không tên gọi, có hưng khởi, không hưng khởi, có lo sợ, không lo sợ, có sinh, không sinh, có chết, không chết, không lấy đó để phải sợ hãi.

Đối với các pháp có đạo, các pháp không đạo, các pháp có diệt độ hoặc không diệt độ, các pháp phải trái, không lấy đó để phải sợ hãi.

Vì sao?

Vì các pháp đều rỗng lặng, không thật đều như huyễn hóa, như bọt nước, thân chuối, hình ảnh, tiếng vang, dợn nắng, đối tượng được thấy trong mộng, vốn không từ đâu đến cũng không đi về đâu.

Giống như giữa hư không bỗng hiện ra mây mù, khói bụi… giả hiện ra nên hư không chẳng thể bị nhơ bẩn, rồi bỗng nhiên diệt đi nên hư không tự nhiên cũng không trong sạch. Có đạo, không đạo, thế gian, xuất thế gian, hiểu rõ tánh như nhiên nên không còn chấp trước, hiểu mà không hiểu mới ứng hợp với đạo Chánh Chân Vô Thượng, không còn sợ hãi, tâm dứt mọi lo buồn.

Đức Phật liền nói kệ:

Các pháp không thật có

Tự nhiên không chân thật

Tự nhiên là rỗng lặng

Tướng này liền diệt mất.

Các pháp không chống trái

Thế nên không thật có

Hiểu các pháp là không

Không tự nhiên mà có.

Chỗ các pháp chống đối

Cũng là không thật có

Hiểu các pháp rỗng lặng

Thì biết không chống trái.

Các pháp không thật có

Thanh tịnh không hình tướng

Không thể nắm bắt được

Cũng không chỗ quên mất.

Đoạn được tất cả pháp

Nên gọi là trí sáng

Pháp này luôn hủy hoại

Cũng hiện không chỗ hoại.

Các pháp không chỗ diệt

Cũng không chốn sinh khởi

Phần nhiều không bị hoại

Pháp không thể nắm bắt.

Các pháp vốn rỗng lặng

Cũng không thể thấy được

Giả sử không thể chứng

Phương tiện hiện chỗ có.

Các pháp không thật có

Từ nhân duyên mà sinh

Thật có, không thật có

Giảng nêu các Kinh Điển.

Các pháp cùng tương ưng

Thị hiện không chống trái

Chẳng trái là tự nhiên

Hoàn toàn không hình tướng.

Các pháp không tương ưng

Không tạo tác, diệt độ

Như thế không thủ đắc

Thường xa lìa số lượng.

Các pháp khong chứng đạt

Cũng không có quá khứ

Hoàn toàn không có thật

Gọi là chân bản tế.

Các pháp đều hoan hỷ

Cũng không phải hoan hỷ

Hoặc pháp không thủ đắc

Pháp đó không thể nêu.

Các pháp không buông lung

Cả hai không thật có

Tự nhiên không chấp giữ

Đó là tướng thâm diệu.

Các pháp không thể biết

Vô ngã mà tự nhiên

Do hiểu không mong cầu

Nên được tên tự nhiên.

Vô vi không chỗ thích

Thích ấy không thật có

Do có nghiệp vô minh

Nhân đó gọi vô vi.

Hoặc nhớ nghĩ các pháp

Hoàn toàn không thể thấy

Đây là lời chân thật

Nên gọi là ý niệm.

Không nhớ nghĩ các pháp

Không trú, không quay về

Hiểu được không chúng sinh

Nghĩa là pháp trong pháp.

Tất cả pháp như huyễn

Huyễn này không thật có

Do vì pháp vô minh

Nên giảng nói sinh tử.

Các pháp không tướng mạo

Đó là nghĩa như nhiên

Nếu không có các pháp

Giải thoát, chẳng giải thoát.

Giả gọi là cảnh giới

Tự nhiên không cảnh giới

Chỗ ngu si chấp trước

Gọi là từng cảnh giới.

Đức Phật lại bảo Đồng Tử Thiện Tư: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là rỗng lặng, vốn chẳng thật có. Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý là rỗng lặng, vốn không thật có. Đất, nước, gió, lửa là rỗng lặng, vốn cũng không hiện bày. Chúng do nhân duyên hòa hợp mà thành, giống như làm ngôi nhà cần có năm yếu tố.

Những gì là năm?

Một là cây, gỗ.

Hai là ngói, cỏ.

Ba là nền đất.

Bốn là nhân công.

Năm là đất bùn.

Nhờ năm yếu tố này mới làm thành ngôi nhà. Khi tách riêng từng yếu tố thì chẳng có tên ngôi nhà. Nhân duyên hòa hợp sinh ra thân cũng như thế.

Năm ấm hòa hợp liền có bốn đại, nhân đây gọi là thân, do các duyên đất, nước, gió, lửa hòa hợp. Như bốn cây cột, bốn bức vách của ngôi nhà, do bốn duyên hợp thành, tan hoại đều không nơi chốn.

Giống như ở trong giấc mộng, thấy nhà cửa, thành ấp, cây cối, hoa quả, nước chảy, ruộng đất, trâu bò cày, các hạt giống, năm loại lúa thóc, mỗi loại đúng mùa theo thời tiết mọc lên. Dụng ý của người chủ là thu hoạch để tự nuôi thân.

Do tâm ý bị vô minh nên không hiểu rõ tất cả ba cõi đều là rỗng lặng. Do nương vào mong cầu liền sinh ý thức, mười hai nhân duyên dẫn dắt, đưa đẩy luân chuyển, xoay vần không giới hạn, quấy nhiễu thần thức chìm đắm trong năm đường chẳng có lúc dừng nghỉ.

Không biết nguồn gốc là rỗng lặng như đối tượng được thấy trong mộng, tỉnh giấc không biết nơi chốn là gì?

Chỗ nào quay về. Đạt thành đạo quả Chánh Giác mới biết năm đường vốn không nơi chốn, một mình không còn sợ hãi.

Đức Phật nói kệ:

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức

Mắt, tai, mũi, miệng, ý

Vắng lặng không thật có

Khác đất, nước, gió, lửa.

Rõ cảnh giới tự tại

Thuyết giảng tất cả Kinh

Chỗ nói về cõi Phật

Cảnh kia tưởng diệt độ.

Các pháp có hình tướng

Vốn cũng không hợp thành

Chẳng hiểu biết vắng lặng

Gốc pháp không có thân.

Không thủ đắc, không đạt

Từ nhân duyên hợp thành

Không thể chứng nắm bắt

Hiện mong cầu được sinh.

Ở đó không giữ giới

Lại cũng không phạm giới

Không hành, không có giới

Đấy là tướng các pháp.

Các pháp không thật có

Nhân vô minh mà sinh

Do có pháp vô minh

Mới thấy biết trí tuệ.

Các pháp giả có tên

Tên ấy không thật có

Giả nêu không có pháp

Mới gọi là diệt độ.

Sinh mà không chốn sinh

Thị hiện có năm ấm

Ấm kia không chỗ thấy

Nhân có tên mà hiện.

Có mà không chốn có

Nhân biến hiện có pháp

Pháp lìa nghiệp sinh tử

Chẳng có nạn sinh tử.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần