Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Ba Mươi Bảy - Tăng Trưởng - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

CHƯƠNG BA MƯƠI BẢY

TĂNG TRƯỞNG  

TẬP BA  

Này thiện nam! Giống như đại bảo tụ có ngọc lưu ly xanh, màu sắc thanh tịnh, hễ ai nhìn vào không sinh lòng hồ nghi. Vị Đại Bồ Tát kể từ lúc được trụ vào tam muội ấy trở đi tức thấy Phật tánh một cách rõ ràng, không còn sự hồ nghi.

Vì sao?

Khi đã thấy rõ ràng mà còn hồ nghi, điều ấy không thể nào có được. Cảnh giới của Như Lai là không thể nghĩ bàn.

Thiện nam! Bồ Tát trụ vào tam muội này thì thành tựu đầy đủ công đức của Chư Phật.

Bạch Thế Tôn! Vị Đại Bồ Tát trụ vào tam muội này có được rốt ráo không?

Này thiện nam! Ông không nên hỏi vị Bồ Tát này có được rốt ráo không?

Vì sao?

Vì tất cả chúng sinh đắc tam muội này thảy đều thành tựu rốt ráo tận cùng quả vị bồ đề vô thượng rồi, sao lại hỏi Bồ Tát này có được rốt ráo hay không?

Bạch Thế Tôn! Như vậy, tam muội ấy thật là hiếm có. Nếu các chúng sinh không được nghe nhận, thật là đáng tiếc. Nếu ai được nghe thì nên biết người ấy đạt được lợi ích lớn lao.

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Nếu ai nghe tên tam muội này thì nên biết người ấy là bậc trên trong loài người. Ví như Vương Tử Tộc Tánh đoan nghiêm, uy nghi dũng mãnh, hào phóng, trì giới thanh tịnh, không thể chê trách, mọi người đều yêu mến, quyến thuộc kính trọng, thống lãnh đất nước, dân chúng quy thuận. Vị Đại Bồ Tát trụ vào tam muội này cũng như vậy, đều thành tựu công đức của Chư Phật.

Này thiện nam! Giống như hàng Chiên Đà La hoàn toàn không thể làm Vua. Nếu họ làm Vua, việc ấy không thể có.

Vì sao?

Vì họ sẽ bị các tộc họ trên chê cười, chế nhạo. Cũng vậy, nếu có chúng sinh không hay thọ trì, đọc tụng, biên chép tam muội này, mà muốn thành tựu mọi công đức vi diệu của Chư Phật thì không thể có được.

Vì sao?

Vì người ấy sẽ bị tất cả Chư Bồ Tát chê cười.

Này thiện nam! Nay ông nên quán các vị Bồ Tát an trụ vào tam muội này, có khả năng biết được Như Lai thường hằng bất biến. Nếu ai không thể trụ vào tam muội ấy thì không thể biết được Như Lai thường hằng không biến đổi. Vị Đại Bồ Tát nào vì các chúng sinh mà thọ trì, đọc tụng tam muội này thì sẽ đạt được đầy đủ Đàn Ba la mật.

Vì sao?

Vì Bồ Tát này thấy ai cầu xin thì tùy theo sự yêu cầu mà ban cho, hoặc đầu, mắt, tủy, não, các bộ phận tay chân, hoặc quốc thành, vợ con, nô tỳ, hầu bộc, voi, ngựa, bảy thứ châu báu… cả đến thân thể còn cho huống gì là những của báu bên ngoài. Khi cho thì vui vẻ, cho rồi không hối tiếc.

Đối với quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng dù đắc hoặc không đắc tâm không nghi ngờ, lo lắng, hoàn toàn không vì quả báo mà hành bố thí, nên nếu nói: Vì quả báo mà bố thí, thì không thể có được. Không vì tham mà hành bố thí, trái lại, vì thương xót mà ban ơn, bố thí, vì Như Lai là thường hằng, vì hộ pháp, vì muốn đầy đủ Đàn Ba la mật, diễn nói sự thường hằng bất biến của Như Lai mà ban ơn, bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Vị Bồ Tát nào trụ vào tam muội ấy rồi thì có thể biết tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, Như Lai thường hằng, không có biến đổi.

Khi trụ vào tam muội ấy, vị Đại Bồ Tát thường quán như vậy: Nay thân này của ta là không, là không thật có, đã đạt lợi ích lớn lao vô thượng. Nay ta đem mọi bộ phận tay, chân, đầu, mắt, tủy, não, da trong, da ngoài, máu, thịt… bố thí cho người để đời sau đạt được quả vị bồ đề vô thượng.

Bạch Thế Tôn! Vị Đại Bồ Tát trụ vào tam muội ấy, tại sao lại quán thân như vậy?

Này thiện nam! Vị Đại Bồ Tát ấy không thấy thân này có tới lui, ngồi nằm, chỉ giống như bình rỗng. Thế nên Bồ Tát quán thân là vắng bặt, máu thịt, xương tủy gọi là thân không. Chư Bồ Tát trụ vào tam muội ấy, đạt được thân phi máu thịt xương tủy, thành tựu pháp thân không gọi là thực thân.

Bạch Thế Tôn! Pháp thân của Như Lai không gọi là thực thân, nghĩa ấy là sao?

Pháp Thân không hình dáng, không thể nhìn thấy, thế làm sao giáo hóa được chúng sinh?

Như Lai thường nói trong các Kinh ví như chim bay trong hư không, không để lại dấu vết. Pháp thân của Như Lai cũng như vậy, không tới, không lui, không chuyển, không nói, không thể hủy hoại.

Đức Phật dạy: Này thiện nam! Ông chớ nói như vậy.

Như Lai thường hóa ra thân chúng sinh nên gọi là hóa thân, nghĩa ấy như thế nào?

Bạch Thế Tôn! Như Ngài đã nói: Trụ vào tam muội này thì đạt được Pháp thân, thế tại sao lại nói là thân biến hóa?

Pháp thân của Như Lai nếu vì giáo hóa mà làm thân tạp thực, tại sao thân này chẳng phải là hư vọng?

Chân pháp thân tại sao làm thân tạp thực?

Nếu nói là thân tạp thực, nghĩa ấy thật chẳng phải vậy.

Phật đáp: Thôi, thôi! Chớ nói thế.

Nếu Đại Bồ Tát nào trụ vào tam muội ấy mà có hóa thân thì thân ấy được gọi là huyễn thân.

Bạch Thế Tôn! Tại sao điên đảo đem thân chẳng phải thân này gọi là thân?

Gọi vật không phải vật là huyễn?

Nếu nói là thân huyễn, tại sao lại được làm thân chúng sinh không lừa dối?

Phật đáp: Này thiện nam! Chớ quán như vậy. Trụ vào tam muội ấy vị Đại Bồ Tát không có thân trụ. Tuy không thân trụ nhưng cũng như cây thuốc chúa, như cây cỏ, gạch ngói. Thân ta cũng vậy.

Vì sao?

Vì thân ta không ngã, không ngã sở, không mạng, không ngữ, không tâm, không thật, không ấm, giới, nhập. Giống như cây thuốc có khả năng tiêu trừ tất cả bệnh khổ của chúng sinh, thân ta cũng vậy, trừ diệt vô lượng bệnh khổ của chúng sinh.

Vì sao?

Vì thân như huyễn không thật.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như cây thuốc hoàn toàn không sinh ý niệm: Ngắt lá, đừng bẻ cành của tôi.

Đại Bồ Tát cũng như vậy, hoàn toàn không sinh tâm niệm: Lấy tay, chớ lấy chân của tôi.

Vì sao?

Vì tam muội này có năng lực trừ dứt tất cả bệnh tham dục, sân hận, ngu si của chúng sinh. Trụ vào tam muội ấy, vị Đại Bồ Tát không có thân bên trong, không có thân bên ngoài, không thân trong ngoài, không thân sinh tử mà đạt được thân cam lồ. Thân cam lồ có năng lực dứt trừ bệnh tham, sân, si của chúng sinh.

Lại nữa, này thiện nam! Trụ vào tam muội ấy, Đại Bồ Tát biến ra hóa thân, là vì đoạn tất cả các loại chim muông ác, cùng ba nẻo ác, giống như cây thuốc. Nếu có ai nói các loài chim muông ác gặp thân Bồ Tát mà bị đọa vào ba đường ác thì điều ấy không thể có. Nếu nói xả thân chuyển đến Cõi Trời, người, gặp được Chư Phật, điều ấy thật sự là có.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu nói bốn bộ chúng trụ vào tam muội ấy, được thân gần vô lượng Chư Phật, điều đó là đúng.

Lại nữa, này thiện nam! Các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nếu muốn tu tập tam muội ấy, trước hết nên tư duy: Như Lai thường hằng, không có biến đổi, pháp Phật không diệt, không có rốt ráo nhập vào Niết Bàn.

Lại nghĩ như vậy: Tất cả chúng sinh cần những thứ gì, ta sẽ cung cấp cho những thứ ấy, hoặc là chân, hoặc là tay, hoặc đầu, hoặc mắt… vì chánh pháp, ta đều xả bỏ tất cả. Khi xả bỏ thì vui vẻ, không hối tiếc.

Vì sao?

Vì thân này của ta giống như cây thuốc.

Nếu ai có khả năng khởi một niệm tư duy như vậy thì nên biết, không bao lâu người ấy đạt được tam muội này.

Lại nữa, này thiện nam!

Ví như tuấn mã bờm đuôi mịn dài, vào ngày mười lăm bố tát, ở trong đại hải cất lên ba tiếng kêu đầy tình thương: Ai muốn qua biển, ai muốn qua biển?

Hoặc có những người cỡi trên lưng, hoặc nắm đuôi, bờm, trán, cổ, đầu, cẳng v.v… tất cả đều đến được bờ kia của biển cả.

Kinh Đại Vân này cũng như vậy. Nếu ai có khả năng thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép cho đến chỉ một câu, một chữ, thì tất cả đều vượt qua bờ kia của biển ba ác, hoàn toàn được giải thoát.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào được nghe tên tam muội này thì đời đời thường được làm Chuyển Luân Thánh Vương, Đế Thích, Phạm Vương, hoàn toàn không thoái chuyển, thường được thân gần Phật, Pháp, Tăng. Đối với tâm bồ đề vững chắc không lay động, không rời bỏ Kinh Điển Đại Thừa Phương Đẳng.

Bạch Thế Tôn! Tại sao Bồ Tát trụ vào tam muội này đối với tất cả pháp có được nhận thức chân chánh?

Này thiện nam! Nếu có ai thành tựu được tam muội này, thấy Như Lai vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, rốt ráo Niết Bàn, thì không được gọi là sự thấy biết chân chánh.

Nếu thấy Như Lai thường, lạc, ngã, tịnh, trọn không rốt ráo nhập vào Niết Bàn, như vậy mới gọi là sự thấy biết chân chánh.

Bạch Thế Tôn!

Như Ngài đã nói: Nếu thấy Như Lai thường, lạc, ngã, tịnh, ý nghĩa ấy như thế nào?

Này thiện nam! Thường, lạc, ngã, tịnh tức là tánh chân thật của Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Nếu như vậy, tất cả phàm phu cũng có thể thành tựu thật tánh như vậy.

Vì sao?

Vì kẻ phàm phu cũng chấp vào thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam! Nay ông không nên nói như thế.

Ta nói: Bồ Tát đạt đủ tam muội ấy mới có thể thấy được thường, lạc, ngã, tịnh. Vì vậy, chớ nên nói chỗ chấp điên đảo của hàng phàm phu về thường, lạc, ngã, tịnh.

Bạch Thế Tôn!

Như Ngài nói: Nếu ai thấy các pháp vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh thì người ấy thấy được thượng đạo, hạ đạo, đắc quả Tu Đà Hoàn, cho đến đắc quả vị bồ đề vô thượng. Nếu như thấy các pháp thường, lạc, ngã, tịnh thì không thể nào đạt được quả Tu Đà Hoàn, cho đến quả vị bồ đề vô thượng.

Thế tại sao Thế Tôn nói: Bồ Tát thành tựu tam muội này thì thấy được thường, lạc, ngã, tịnh?

Lại như Phật nói: Giải thoát đích thật giống như hư không.

Như vậy, giải thoát tức là Niết Bàn, tại sao Như Lai nói: Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh?

Tất cả chúng sinh cũng như hư không, không trăng dưới nước, mộng huyễn, như cây chuối, mây, ánh chớp, không, vô tánh, tướng, không được tạm trụ, giống như vẽ trong nước, vẽ đâu hợp đó, thấy hiểu vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Thấy tướng như vậy gọi là cái thấy chân chánh.

Người thấy chân chánh đạt được quả vị Tu Đà Hoàn cho đến quả vị bồ đề vô thượng, tại sao Như Lai lại nói: Bồ Tát thành tựu tam muội này mới thấy được thường, lạc, ngã, tịnh?

Như Ngài đã nói ở trước, Chư Phật Như Lai quán tất cả pháp vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, không có thọ mạng, sĩ phu, chúng sinh, hoàn toàn không có gì cả. Đó gọi là tánh chân thật của các pháp.

Thế mà nay Ngài lại nói: Thấy tất cả pháp thường, lạc, ngã, tịnh.

Vậy nghĩa là sao?

Này thiện nam! Thôi, thôi! Chớ nói như vậy.

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát nào thành tựu đầy đủ tam muội này thì không còn hòa hợp với các pháp nữa. Không hòa hợp nên gọi là hộ giới, tu tập tam muội.

Đại Bồ Tát không thấy tướng đoạn, tướng thường của các pháp. Không thấy đoạn nên không sinh vui vẻ. Không thấy thường nên không sinh lo buồn. Vì biết pháp ấn chẳng là hộ giới, cũng không được gọi là tu tập tam muội.

Như Lai không chấp trước nơi hộ giới hay hủy giới, thường hay vô thường, hiểu hay không hiểu, làm hay không làm, tịnh hay không tịnh, không hay bất không, giới hay chẳng phải giới, biết hay chẳng phải biết, danh hay chẳng phải danh.

Lấy hay chẳng phải lấy, sợ hay chẳng phải sợ, hãi hay chẳng phải hãi, nhân hay chẳng phải nhân, diệt hay chẳng phải diệt, bồ đề hay chẳng phải bồ đề, giải thoát hay chẳng phải giải thoát, Niết Bàn hay chẳng phải Niết Bàn…

Tất cả các pháp không có sợ hãi, vì giải thoát nên hộ trì giới cấm, tu tập tam muội. Tất cả các pháp không có lui mất. Bồ Tát biết vậy, tâm tư an vui, tu tam muội này, giảng nói cho các chúng sinh. Phật Như Lai là thường hằng, bất biến, chánh pháp không diệt mất, thế nên hộ giới, tu tập tam muội.

Lại nữa, này thiện nam! Nếu ai muốn đạt được tam muội này phải nên tu tập tưởng về thường, tưởng về ngã, thường về mạng, tưởng về nhân. Tu tập những tưởng này thì thành tựu đầy đủ tam muội ấy. Do đó, nếu nói không đạt được thì không có chuyện đó.

Bạch Thế Tôn! Như Lai hoặc nói vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, hoặc có khi lại nói thường, lạc, ngã, tịnh.

Nghĩa ấy như thế nào?

Này thiện nam! Đạo thế tục lầm thấy các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh nên ta mới nói là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh.

Bạch Thế Tôn! Pháp xuất thế có thường, lạc, ngã, tịnh không?

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát trụ vào tam muội này, khi muốn nói về ngã thì trước hết phải nói năm việc:

1. Hạt cốc tử.

2. Cây thọ tử.

3. Vị béo phì vị.

4. Ẩn núp phục tàng.

5. Da rắn xà bì.

Này thiện nam! Như hạt, khi nẩy mầm, khi ra thân, khi ra lá, khi trổ hoa, gọi là vô thường. Nếu thu lấy quả, hạt, chúng sinh thọ dụng được, gọi là thường.

Đại Bồ Tát nào nếu chưa thành tựu tam muội này thì gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu đã thành tựu thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Chưa có khả năng độ thoát tất cả chúng sinh, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng độ thoát thì được gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả năng phá trừ tất cả tà kiến, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng phá trừ tất cả tà kiến gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Không có khả năng dứt hẳn mọi phiền não, gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Còn nếu có khả năng thì gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

Này thiện nam! Đó gọi là hạt hạt thóc, lúa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần