Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH NHƯ LAI HƯNG HIỂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN SÁU  

Lại nữa, này Phật Tử! Như trong biển lớn có tạng Lưu ly đại bảo châu gọi là Đẳng diễn chư quang. Nếu thấy ánh sáng, gặp được hình thủ sắc mạo của bảo châu này thì nó cũng luôn biến hiện như lưu ly tạng. Giả như, có người nhìn thấy màu sắc đại ngọc báu ấy thì mắt liền thanh tịnh, được mọi sự an ổn.

Cho đến ánh sáng uy thần của đại ngọc báu chiếu sáng Cung Điện, chúng sinh thì tất cả đều nhờ ánh sáng này mà mãi mãi không có hoạn nạn. Như có đại ngọc báu tên là An chúng, chỗ nó ở lúc có mưa xuống thì chúng sinh đều được an ổn, chấm dứt mọi bệnh phiền muộn.

Ánh sáng Như Lai cũng như vậy, Như Lai có châu báu tuệ tạng lớn, phước lành hội đủ vô lượng. Giả sử chúng sinh nào gặp được ánh sáng Thánh tuệ của Như Lai thì liền được năm thứ mắt, tất cả những kẻ nghèo nàn sẽ gặp được pháp quý trân bảo, liền được của cải giàu có vô cùng, cho đến được an trú trong đạo mà Như Lai đang trú.

Này Phật Tử! Hãy quán oai dung của bậc Chánh Giác không thể diễn bày mà luôn dẫn dắt và đem lại lợi ích rộng khắp chúng sinh. Đó là cửa vào thứ chín.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Như người không ngọc quý

Đến biển sâu tìm báu

Được tất cả minh châu

Ánh sáng ấy chiếu khắp

Người nào gặp ngọc ấy

Liền đạt đến tự nhiên,

Mắt nhìn thấy ngọc ấy

Liền được mắt thanh tịnh.

Ngọc báu Phật cũng vậy

Diễn xuất ánh sáng tuệ

Người gặp ánh sáng này

Thì được dung mạo Phật.

Nếu quán Bậc Tối thắng

Liền thành tựu năm mắt

Dứt sạch các trần cấu

Liền trú nơi Phật Đạo.

Lại nữa, này Phật Tử! Có đại ngọc báu tên là Nhất thiết tịnh niệm tạng vương. Công đức uy thần của đại ngọc báo này chẳng phải do trăm ngàn nhân duyên mà hợp lại.

Nếu đại ngọc báu ấy ở chỗ nào thì chúng sinh ở nơi ấy không có mọi bệnh khổ, cũng không có các hoạn nạn. Giả như chúng sinh nào có bảo ma ni này thì mọi ý niệm và thệ nguyện đều được viên mãn như ý, vả lại bảo châu này không thể chiếu đến người nào không có gốc đức. Bảo châu Nhất thiết tịnh niệm tạng vương này cũng có nghĩa là Như Lai làm an vui cho tất cả phẩm loại chúng sinh.

Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác thị hiện thân chánh định tam muội ngợi khen và độ rốt cùng nơi chốn hàng Thanh Văn và tất cả chúng sinh đang ở trong sinh tử, trong năm đường khổ đều được siêu vượt thù thắng.

Này Phật Tử! Thân Như Lai không trước không sau, chúng sinh thọ hình trong tất cả Thế Giới có phước ở đời trước đều nhất tâm, không loạn trí, vâng tu chánh niệm, thuần thục các hạnh, chí hướng tinh tấn, đối với Đấng Như Lai đều được nguyện như pháp một cách đầy đủ.

Nếu người nào tội nặng không có gốc đức, không thể thấy được ánh sáng Như Lai thì Như Lai kiến lập cho họ, nhờ sự kiến hóa ấy nên họ hiển bày gốc đức. Đó là cửa vào thứ mười. Vì hạnh Bồ Tát nhập vào Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đến chốn niệm của vô lượng tâm, tâm ấy châu biến khắp tất cả mười phương hành dụng không ngăn ngại.

Lại nữa, Pháp Giới là sự quán khắp các giới mà không trú ở bản tế. Như Lai thì không hề sinh diệt, bình đẳng ba đời, trong tất cả tưởng mà không chỗ tưởng, dẫn dắt tâm tế của quần mê vị lai nhập vào đạo này chứ không ra ngoài chỗ ấy. Tất cả Thế Giới Chư Phật biến khắp, đầy đủ pháp thân thanh tịnh của tất cả Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Ví như ngọc Như ý

Tất cả nguyện ban cho

Giả như có sở cầu

Thì đều được Như ý,

Kẻ không có công đức

Không được thấy châu báu

Lại ngọc tôn quý ấy

Mãi không tưởng tham tiếc

Thân an trú như vậy

Ban cho tất cả nguyện

Nếu thấy có chỗ đi

Ban cho tất cả nguyện

Kẻ mang tâm ác hiểm

Người ấy chẳng thấy Phật

Như Lai không tưởng tiếc

Cũng không có tham ganh.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Hiền: Này Phật Tử! Sao gọi là Bồ Tát thuận theo âm thanh Như Lai mà bình đẳng tuyên đạt âm thanh Chánh Giác không hề hạn hữu?

Các ngôn từ âm hưởng tùy theo chỗ sở thích của tâm ý chúng sinh, vì họ thuyết pháp, khiến cho mỗi mỗi người trong chúng hội đều được vui thích. Bồ Tát tùy theo chí nguyện của họ mà hiện sự hóa độ. Tùy thời, tùy tâm niệm khởi mà vào, không mất tam muội, không cạn, không chìm, không khởi, không diệt.

Cũng vậy, quán sát tiếng vang vốn không có chủ thể, cũng không có ngã. Chỗ hành nghiệp tích chứa của tội phước chúng sinh làm trái mất chỗ thâm diệu nên đường về xa tít, khó cứu độ.

Chúng sinh hưng khởi sự bất tịnh, phân biệt pháp giới nên âm thanh Như Lai tùy theo đó mà không hề đoạn mất, không pháp hoại xả, không sân, không giận, không mất nẻo cứu cánh. Vì trú nơi đối tượng duyên nên cũng không có chủ thể, cũng không phải không có chủ thể, cũng không giáo hóa, cũng không phải không có sự giáo hóa. Đó là Bồ Tát tùy theo âm hưởng của Như Lai.

Vì sao?

Ví như Thế Giới lúc gặp đại tai biến, tự nhiên có bốn đại âm thanh nên làm cho chúng sinh biết được pháp vốn không có chủ thể và không còn nghiệp tham.

Những gì là bốn?

1. Lúc đời tai biến tự nhiên có một âm thanh lớn phát ra: Các Thánh Hiền hãy lắng nghe! Sơ Thiền tức là sự an tâm của thiền thứ nhất, lìa sự sân hận, lo sợ, vượt qua Cõi Dục, đã được vượt qua nên được tự tại. Lúc chúng sinh nghe âm thanh này thì được thành tựu Sơ Thiền, vượt qua Cõi Dục, liền sinh lên Cõi Phạm Thiên.

2. Vừa đạt được pháp ấy rồi thì được nghe đại âm thanh thứ hai: Các Hiền thánh hãy lắng nghe! Đệ Nhị Thiền là được sự an ổn tức là hành vô tưởng, vượt hẳn Phạm Thiên mà được tự tại. Lúc chúng sinh được nghe đại âm thứ hai này liền thành Nhị Thiền, vô tưởng vô hành, tịch tĩnh nơi ấy, tâm không chấp trước, thành tựu đệ Nhị Thiền và liền được sinh lên Cõi Trời Quang Âm.

3. Vừa nghe pháp ấy rồi thì liền được nghe đại âm thứ ba: Chư Hiền thánh hãy lắng nghe! Đệ Tam Thiền là tối an lạc, xa lìa cái vui của dục, tâm thường tịch định, không chỗ niệm khởi. Đệ Tam Thiền là đi theo sự dạy dỗ của Thánh Hiền, vượt qua Cõi Trời Quang Âm. Lúc chúng sinh nghe đại âm thứ ba ấy thì vượt lên Cõi Trời Quang Âm, sinh lên Cõi Trời Ly quả.

4. Vừa được pháp sinh lên Cõi Trời này thì liền được nghe đại âm thứ tư: Chư Thánh Hiền hãy lắng nghe! Đệ Tứ Thiền là sự tịch nhiên, dứt trừ khổ vui, lo buồn, hoan hỷ, không khổ, không vui, thanh tịnh đủ đầy. Đệ Tứ Thiền vượt trên Cõi Trời Ly quả. Lúc chúng sinh được nghe đại âm thứ tư rồi thì liền xả Cõi Trời Ly quả siêu sinh lên Cõi Trời Thanh tịnh nan cập.

Này Phật Tử! Lúc cõi đời bị tai biến mà được nghe bốn đại âm thì đạt đến âm thanh tự nhiên hoằng dương pháp điển, không có chủ thể. Công đức của Đại Thánh cao vời vô lượng, âm thanh tự nhiên nhu hòa vi diệu, vang xa khắp nơi. Âm thanh như vậy vốn không có chủ thể, cũng không chỗ tạo ra, vô ứng bất ứng, không cất lên, không hạ xuống. Nếu kiến lập pháp Như Lai thì tự nhiên có bốn đại âm thanh, bốn đại ngôn giáo.

Những gì là bốn?

Tiếng thứ nhất phát ra: Không tạo công đức thì bị khổ nạn ở ba đường. Chấp nơi ngã nhân, tham vướng tất cả sở hữu vạn vật và cho đó là ngã sở cũng là khổ nạn. Nếu gieo trồng gốc đức thì được sinh nơi Cõi Trời, người. Thọ nhận lời dạy của Thánh Hiền, bỏ đi tám thứ trói buộc làm cho đời sống gian nan, phụng hành mười thiện thì các ách nạn mới được tiêu trừ và thường gặp được Phật Pháp.

Tiếng thứ hai phát ra: Chư Thánh Hiền hãy lắng nghe! Vạn vật đều là khổ, thiêu đốt phừng phực, bức bách lẫn nhau, tư tưởng lo sợ, thân thì vô thường, pháp thì vô ngã, vô hình tịch diệt. Nếu tâm không lợi dưỡng thì không bị thiêu đốt, lìa xa các hoạn nạn. Lúc mọi người nghe được đại âm này thì liền phụng trì hành tập, dần dần tinh tấn, đắc Thanh Văn thừa, dùng độ nhẫn nhục để vượt đến bờ giác.

Đại âm thứ ba phát ra: Qua khỏi quả vị A La Hán thì sẽ có thừa an lạc vi diệu gọi là Duyên Giác thừa, không có thầy mà tự giác ngộ Độc Giác. Lúc mọi người nghe âm thanh này rồi thì liền tin vui, tinh tấn đạt đến Duyên Giác thừa.

Đại âm thứ tư phát ra: Vượt qua Thanh Văn và Duyên Giác thừa thì có nẻo hành của Đại Thừa Bồ Tát. Đó là thuyền lớn, dung chứa và nơi quay về của tất cả các thuyền bè nhỏ để đưa sang bờ kia.

Đại Thừa Bồ Tát làm cho tánh Phật không bao giờ mất và chỗ cứu độ của nó vô lượng, vô biên. Nó sẽ hộ trì rốt ráo cho những chúng sinh chán sợ mà hiện ra Thanh Văn và Duyên Giác thừa. Đại Thừa là thừa tối tôn, là thừa tối thù thắng, là thừa chánh chân siêu tuyệt mà tất cả chúng sinh đều phải kính ngưỡng và tín lạc.

Nghe đại âm này rồi thì những người ấy các căn thông đạt, họ là những người từ xưa đã vun trồng gốc đức. Như Lai chánh chân kiến lập oai thần Thánh chỉ khiến cho chí tánh của họ hàm chứa ánh sáng rộng lớn, tự tại chí thành, được phát sinh đạo ý.

Âm thanh ấy nói: Các Đức Như Lai không thân, không tâm, cũng không diễn thuyết, không chỗ khai hóa mà làm cho chúng sinh được sự an ổn.

Này Phật Tử! Đó là duyên sự thứ nhất, vì các Bồ Tát được thuận theo âm thanh Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Như bốn âm vô lượng

Tuyên thuyết khắp thế gian

Thanh tịnh chúng sinh giới

Phát ra không bờ mé

Tức có bốn trí tuệ

Thiền an trú tịch nhiên

Chúng sinh nghe âm ấy

Liền rời bỏ Dục Giới.

Bậc mười lực cũng vậy

Tròn đầy khắp pháp giới

Chỉ vì độ chúng sinh

Tuyên dương vô lượng âm

Ai đạt đến ấn ấy

Thì vượt tướng hữu vi,

An trú âm thanh ấy

Chưa từng có nghi tưởng.

Lại nữa, này Phật Tử! Ví như khoảng giữa trong hang đá của núi sâu, vì có hai mặt đối diện nhau nên lúc nói lớn thì sẽ có tiếng vang. Cuộc đời giả hợp cũng như vậy, những gì gọi là phương tục, ngôn ngữ, sắc thân đều không thật có.

Nghe có tiếng vang trong hang núi là do nói lớn và do hai mặt đối nhau của hang núi mà có tiếng vang. Tất cả âm thanh, ngôn ngữ sinh ra đều là do duyên đối đãi mà có. Quán nghĩ sâu xa như vậy thì vĩnh viễn không còn vọng tưởng.

Như vậy thưa Đại Sĩ! Âm thanh của Như Lai chẳng hề ngôn giáo, cũng không xứ sở. Có chúng sinh nào tâm mang niệm đạo, nhân duyên phát tâm, cứu xét rốt cùng lý của âm thanh thì đều không thể thủ đắc, không thật có âm thanh.

Này Phật Tử! Đó là duyên sự thứ hai mà Chư Bồ Tát thuận theo âm thanh của Như Lai.

Bồ Tát lại nói kệ rằng:

Giống như trong núi sâu

Nhân duyên có âm hưởng

Do mọi người gọi to

Đáp lại tất cả âm.

Phật khuyến hóa chúng sinh

Dùng âm thanh khai mở

Tuy thuyết có ngôn âm

Chưa từng có nghĩ tưởng.

Âm hưởng của mười lực

Pháp giới không chấp trước

Phân biệt, dắt dẫn người

Điều phục các căn nguyên.

Các chúng sinh vi tế

Khiến cho được vui lòng

Có các Đấng mười lực

Không mong cầu, vọng tưởng.

Lại nữa, này Phật Tử! Như tiếng sấm lớn phát ra âm thanh gọi là Chư Thiên thành đế pháp.

Giả như Chư Thiên rong chơi buông thả, lúc ấy, sấm pháp vang lên chấn động phát ra âm thanh ở hư không: Tất cả ái dục đều về với vô thường, khổ não, cuồng hoặc và chỉ là khoảnh khắc nhất thời. Vì do ngu mê huân tập, nên giác ngộ thì không còn buông thả và chẳng còn rong ruổi. Nếu tự phóng túng thì sẽ rơi vào đường ác nên chớ có mê lầm.

Chư Thiên phóng túng nghe lời dạy này rồi liền buồn rầu và mỗi một đều tự xả bỏ cái vui của ái dục, đi đến Cung Điện Thiên Vương, vui với Kinh Điển và tuân phụng pháp hành vô tận của Thiên Vương. Lại quán âm thanh chấn động của sấm pháp mà vẫn tự nhiên không hề thay đổi. Vì Chư Thiên và mọi người mà hưng khởi nhân duyên này.

Cũng vì muốn kiến lập chúng sinh mà có âm thanh này. Âm thanh của Như Lai cũng như vậy, đều không thể thủ đắc, đều tùy chỗ hành của mỗi người mà có âm thanh diễn bày đại pháp ấy. Âm thanh này không có tham ái, không huân tập nghiệp, không tạo phóng dật.

Đó là âm thanh vô thường, khổ, không, vô ngã. Âm thanh này đều dạy bảo khắp pháp giới đạt đến trọn vẹn khắp cùng mọi chúng sinh. Tùy theo sở thích của mỗi một mà khuyến hóa làm cho họ được vui lòng. Dùng tam thừa dẫn dắt làm cho tất cả mỗi một đều được lợi ích. Dùng trí tuệ tự tại vô lượng và nẻo hành của Bồ Tát mà làm cho họ hội nhập vào chỗ chẳng thể nghĩ bàn.

Lại nữa, tuệ thí Như Lai không có của cải, cũng không xứ sở, mà chỉ dùng dẫn dụ để dạy bảo cho tất cả chúng sinh. Nghe âm thanh này rồi thì vô số phẩm loại chúng sinh không thể kể xiết tinh tấn phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần