Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Một - Nói Về đại Chúng - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG VÔ TƯỞNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Đàm Vô Sấm, Đời Bắc Lương  

CHƯƠNG MỘT

NÓI VỀ ĐẠI CHÚNG  

TẬP NĂM  

Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại trí hội nhập vào thần túc vương không thể nghĩ bàn của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại thần túc vương không sinh, không thể nghĩ bàn, thông đạt mật tạng của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười trí sâu rộng hội nhập nơi hạnh tinh tấn của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười trí đại vân tạo các pháp hòa hợp nơi thần túc vương của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn đại vân với nhãn mục quang minh của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm đủ mười thứ ánh chớp tỏa sáng của đại vân hội nhập nơi hạnh của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn đại vân xiển dương Kinh đại thừa của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn thần túc biến hiện đèn sáng của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn giảng nói mười loại mưa pháp nhập vào thần túc vương của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười trí Kim Cang hội nhập nơi tạng pháp của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại tánh chánh hạnh là chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười hạnh vô tận hội nhập nơi thần thông vương của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại hành nghiệp vô cùng vi diệu là nẻo hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại Sư Tử hống là nơi chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười hạnh sinh khởi hòa hợp hội nhập nơi tâm hộ trì nghiệp thế gian của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười thần thông báu là chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười thần thông của chim cánh vàng là chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười đại thí vi diệu vương của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười đại lực thần thông vô sở úy là nẻo hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười hạnh rộng lớn như biển lớn là chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại chí tâm là nơi chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười đại lực vi diệu, dũng mãnh vương là chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười loại thiện hành đại thần thông vương, là chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười hai tạng thần thông được khai thị của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười trí tạng báu của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mọi hành nơi cảnh giới mười trí là chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười chánh trí vi diệu nơi tạng báu của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm hạt giống nơi mười thứ ruộng phước của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn gồm mười thứ thần thông chân thật Vua của mọi sự An Lạc, là chốn hội nhập của Chư Phật, Bồ Tát.

Này thiện nam! Ông quán Kinh này là không thể nghĩ bàn, cảnh giới của công đức cũng là không thể nghĩ bàn. Đây chính là tạng pháp không thể lường, không thể nghĩ bàn của Chư Phật, Bồ Tát. Cũng là tạng báu vô tận, không thể nghĩ bàn của chúng sinh.

Lại nữa, này thiện nam! Cảnh giới của Kinh này là không thể nghĩ bàn.

Này thiện nam! Kinh này lại có pháp môn là tạng Đà La Ni của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai tạng vi diệu bí mật của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai đại hải biển lớn của Như Lai của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai thời tạng pháp tạng thời gian của Như Lai của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai thế tạng tạng thế gian của Như Lai của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai nhật tạng tạng Mặt Trời của Như Lai của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai nguyệt tạng tạng Mặt Trăng của Như Lai của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai cảnh giới cảnh giới của Như Lai của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn hết mực sâu xa của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai vô sở úy của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai dũng kiện của Chư Phật,Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai địa của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là A Lê Ha của Chư Phật, Bồ Tát.

Kinh này lại có pháp môn là Như Lai tụ của Chư Phật, Bồ Tát.

Này thiện nam! Ông quán xét về đại pháp Đà La Ni của Kinh này, chính là tạng phước vô tận của tất cả chúng sinh, là pháp môn Đà La Ni, Tam Muội giải thoát không thể nghĩ bàn của Chư Phật. Đây chẳng phải là cảnh giới mà các ông có thể nhận biết được. Chư Phật Thế Tôn tùy theo thế gian mà nói, nghĩa lý hết mực sâu xa, khó có thể thấu đạt, chỉ có Như Lai mới thấy biết được.

Từ xưa tới nay, đối với những việc như vậy, ông chưa từng được nghe, thậm chí đến cả một câu, một chữ. Vì thế, hôm nay ta sẽ giảng nói về cảnh giới vô cùng sâu xa này của Như Lai. Ông phải chí tâm lắng nghe, ghi nhận.

Đại Bồ Tát đại vân Mật tạng thưa: Thật đúng như lời của Bậc Thánh dạy.

Bạch Thế Tôn! Con khác nào loài nhặng, loài kiến, thường bị vô minh bao phủ tối tăm. Cúi xin Như Lai mở lòng thương xót, hãy vì khắp tất cả chúng sinh mà giảng nói rõ về một câu, thậm chí một chữ. Như Lai là đấng Pháp Vương không thể nghĩ bàn.

Bạch Thế Tôn! Các hàng Thanh Văn, Duyên Giác giống như loại bò già mù, điếc, câm, ngọng, khác nào như đứa trẻ nhỏ. Con cũng như vậy, xưa nay con thật chưa từng nghe được một câu, thậm chí đến chỉ một chữ. Cúi mong Như Lai hãy vì chúng sinh mà mở rộng lòng thương lớn.

Mọi cảnh giới hiện có của Chư Phật Như Lai là không thể nghĩ bàn, thường trụ không đổi, thông đạt các pháp. Cúi xin Như Lai hãy vì chúng con cùng các chúng sinh mà giảng nói rõ về tạng bí mật ấy, thậm chí chỉ cần nghĩa lý của một câu hay một chữ, khiến cho chúng con cùng các chúng sinh thấy biết được sự thường hằng bất biến của Như Lai.

Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Hôm nay ông đã khéo lãnh hội những lời bí mật hiện có của Chư Phật.

Thiện Nam! Kinh Phương Đẳng này là không thể nghĩ bàn. Những thệ nguyện của ông cũng là không thể nghĩ bàn.

Pháp Đà La Ni của Chư Phật Như Lai là không thể nghĩ bàn. Cảnh giới của Kinh này cũng là không thể nghĩ bàn. Ánh sáng của trí thâm diệu cũng không thể nghĩ bàn.

Thiện Nam! Theo như ông nói: Đối với Kinh này, mình giống như hạng bò già, đứa trẻ mù, điếc, câm, ngọng, không thể nào hiểu rõ. thiện nam, ông chớ nên sinh lòng hồ nghi, sầu muộn.

Thiện Nam! Trong mọi trường hợp, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi, ông thường phải luôn nhớ nghĩ tới Kinh Điển này.

Hoặc giả gặp các nạn: Nước, lửa, trộm cướp… cũng nên kiên trí cẩn thận, chớ buông bỏ.

Vì sao?

Vì trong Kinh Điển này có năm văn tự, nghĩa lý rất sâu xa:

1. Như Lai.

2. Thường.

3. Lạc.

4. Ngã.

5. Tịnh.

Đây được gọi là công đức vô thượng của Như Lai không thể nghĩ bàn.

Lại nữa, này thiện nam! Giả sử trong lửa dữ bùng cháy khắp Hằng hà sa Thế Giới trong mười phương, có người nhớ nghĩ tới Kinh này, thì lửa dữ không thể thiêu đốt họ, vậy nên luôn cúng dường, tôn trọng Tam Bảo, đừng khiến tâm quên mất.

Nay ông có được mọi công đức vi diệu, đó là do ông đã từng tán thán Chư Phật, đã hay hỏi về chỗ chưa từng nghe nơi nghĩa lý sâu xa của một câu, một chữ. Không bao lâu, các ông cũng sẽ đạt được sự thấy biết về diệu nghĩa ấy.

Nếu muốn biết sự thường hằng bất biến của Như Lai, ông phải nên thọ trì Kinh này, đọc tụng biên chép, giảng nói nghĩa Kinh.

Vì sao?

Vì những điều được nói trong Kinh ấy là không thể nghĩ bàn. Như Lai thường hằng, không có biến đổi, trọn không rốt ráo nhập vào Niết Bàn. Ông nên trình bày giảng nói về thường, lạc, ngã, tịnh cho khắp tất cả chúng sinh. Chư Phật Như Lai không có vị nào rốt ráo nhập vào Niết Bàn. Pháp Bảo, Tăng Bảo thường trụ cũng không diệt tận.

Khi ấy, Tỳ Lam Đại Tỳ Lam Phong Vương người được thọ hưởng quả báo vui sướng giống như Cõi Trời phóng ra cơn gió mát suốt thời không đổi, khiến cho hoa quả thường có, không lúc nào tạm ngừng. Rồi ông đem đầy đủ những đồ cúng dường đến chỗ Phật, đầu mặt đảnh lễ, chấp tay cung kính, nhiễu bên phải ba vòng và lui ra ngồi một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng sức thần thông cho nổi lên bốn đám mây đen, nước ngọt tuôn khắp, phát lên ba thứ sấm, nghĩa là cả tầng trên, tầng giữa, tầng dưới đều phát ra âm thanh cam lồ giống như kỹ nhạc ở Cõi Trời, tất cả chúng sinh đều vui thích nghe.

Lúc đó, Đức Thế Tôn liền nói chú:

Kiệt đế, ba ly kiệt đế, tăng kiệt đế, ba la tăng kiệt đế, ba la ty la diên để, tam ba la ty la diên để, bà la bà la, ba ta la, ba bà la, ma văn xà, ma văn xà, giá la đế, giá la để, ba giá la để, tam ba la giá la để tỳ đề hy ly hy lê, tát lệ ê, tất lệ ê, phú lô phú lô sa ha.

Nếu có các vị rồng nào nghe thần chú này mà không cho mưa ngọt xuống, đầu sẽ bị vỡ ra làm bảy mảnh.

Cùng lúc mười vạn ức na do tha A tăng kỳ Thế Giới Chư Phật đều chấn động đủ sáu cách. Bấy giờ, nhân nơi đại địa chấn động các chúng sinh khắp chốn mỗi mỗi đều thấy nhau, lần lượt cùng nhau giao động, cho đến Cõi Trời Tịnh Cư. Trời Tịnh Cư động rồi thì Long Vân đều động. Khi Long Vân động thì mưa xuống cơn mưa lớn, chín vạn tám ngàn dòng sông lớn hiện có trong Cõi Diêm Phù Đề đều chứa đầy bảy báu.

Tất cả ao, suối có đủ các vị thượng dược. Mặc dù mưa suốt bảy ngày nhưng không làm thương tổn ai. Chúng sinh vui sướng như được uống cam lồ.

Các con sông chứa đầy nước tám công đức, đó là: Ngon, lạnh, nhẹ, mềm, trong sạch, thơm tho, khi uống lan khắp cơ thể, uống rồi không bệnh. Những loại trùng trong nước đều phát ra âm thanh vi diệu.

Tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, bảy báu trải kín khắp mặt đất, từ nơi không trung lại mưa xuống bảy báu, kết thành những loại hoa: Hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi. Những loài thủy tộc đều phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.

Những chúng sinh thuộc hàng súc sanh thì ham thích Đại Thừa, khao khát Đại Thừa, lòng từ hướng nhau, xem nhau như một, đều cùng phát tâm cúng dường Đức Phật.

Lúc đó, đại chúng và các chúng Trời, rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, đem đầy đủ những đồ cúng dường như: Hoa, hương, kỹ nhạc v.v… cúng dường Đức Phật. Từ không trung lại mưa xuống các loại hương, hoa, y báu, kỹ nhạc, cờ phướn v.v… cúng dường Đức Thế Tôn.

Thiện Nam! Kinh này chính là chỗ thành tựu của vô lượng công đức, thế nên, có khả năng hiện bày những điềm như vậy.

Bấy giờ, cả đại chúng cùng thưa: Bạch Thế Tôn! Hôm nay con mới biết được thường, lạc, ngã, tịnh của Chư Phật Như Lai. Cúi xin Như Lai hãy từ bi thương xót nhận Y Ưu Đa La Tăng của chúng con dâng cúng.

Sau đó toàn thể đại chúng dùng kệ tán thán:

Như Lai chân thật thường

Thành từ vô lượng đức

Nay con vì thường lạc

Nên cúi Đầu Đảnh lễ.

Chư Phật bỏ vô thường

Mới đạt thân vô biên

Thiên Trung Thiên Vô Thượng

Đại lực khó nghĩ bàn.

Như Lai thường không đổi

Dốc tiến thân vô biên

Vì chúng mưa pháp vũ

Giống như đại vân vương.

Phật tự đạt an lạc

Vì chúng nói an lạc

Tự đạt các công đức

Khuyên bảo đại chúng theo.

Như Lai, tuệ vô thắng

Thường trụ như hư không

Vì chúng làm ruộng phước

Thường hành hạnh Bậc Thánh.

Thương xót các chúng sinh

Biết được nghiệp của họ

Mở bày tạng bí mật

Mát mẻ như trăng non.

Nay nói Kinh đại vân

Đoan nghiêm như trăng tròn

Định biết vô lượng chúng

Phát khởi tâm bồ đề.

Thế Tôn bậc Pháp Vương

Đối pháp, đạt tự tại

Nên mệnh danh chân ngã

Thành tựu lạc vô thượng.

Như Lai lên tòa báu

Cất tiếng Sư Tử gầm

Tuyên nói các chúng sinh

Tất cả có Phật tánh.

Ví như trong núi Hương

Thường sinh cỏ nhẫn nhục

Như Lai với sức thần

Khiến cho khắp cả chúng.

Thấy núi Thứu Đầu này

Đều do bảy báu thành

Bấy giờ, trong chúng hội

Thấy rồi rất vui thích.

Giống như Tứ Thiên Vương

Ưa trụ núi Tu Di

Như Lai đại phước điền

Thần lực không thể lường.

Phá trừ chúng sinh kiết

Phiền não, mọi u ám

Tất cả các chúng sinh

Không thoái tâm bồ đề.

Giống như chư Thế Tôn

An Lạc không lay động

Chúng sinh đoạn nghiệp ác

Thành tựu giới thiện diệu.

Tu hành hạnh bồ đề

Quyết định thấy Phật tánh

Nếu được nghe Kinh này

Chỉ đến nghĩa một chữ.

Tức đắc đạo bồ đề

Tùy thuận hành phạm hạnh

Cúi mong đấng vô thượng

Diễn nói cho một câu.

Khiến khắp tất cả chúng

Đều được hiểu nghĩa lý

Các chúng sinh chúng con

Chậm lụt, không trí tuệ.

Như Lai hãy thương xót

Khai mở, khiến được hiểu

Tất cả các chúng sinh

Nghèo thiếu đói pháp thực.

Cúi mong đại từ bi

Ban bố khiến đủ đầy khắp

Chúng con được nhận rồi

Lại sẽ chuyển cho người.

Cũng khiến tất cả chúng

Thảy đều được đầy đủ

Tất cả các chúng sinh

Nghèo nàn không phước đức.

Không thường, không có ngã

Cũng không chỗ quy y

Như Lai đã thành tựu

Đaị công đức vô thượng.

Cúi mong đấng đại từ

Ban con cùng tất cả

Như Lai là Pháp Vương

Như biển, Vua các sông.

Chúng sinh không biết dựa

Nay con được nương tựa

Vì chúng làm nương tựa

Giống như cha mẹ lành

Ban chúng vị cam lồ

Khiến khắp dứt phiền não.

Thế Tôn Như Lai Chánh Giác không thể nghĩ bàn, sự thương xót chúng sinh cũng không thể nghĩ bàn, nhưng lời nói bí mật khó thể lường tính.

Chư Phật Thế Tôn là Tam Muội Vương, là đại thuyền sư vương, không thể xưng kể, không thể tính lường.

Cảnh giới như vậy chẳng phải là nơi mà các hàng Thanh Văn, Duyên Giác biết được.

Như Lai là đấng Nguyệt Vương, thường không có sự tăng giảm, là tướng đại mãnh của các công đức, là nơi tích tụ vô lượng phước báo chân thật, là Nhật vương vô thượng đại quang minh, xem các chúng sinh ngang đồng La Hầu La, sức mạnh đạt được đều đem ban bố cho tất cả.

Tự mình không còn sự sợ hãi, lại khiến cho chúng sinh cũng đạt được vô sở úy. Tự bản thân phá tan vô minh, lại trừ bỏ cho chúng sinh sự tối tăm, u ám của vô minh.

Bạch Thế Tôn! Con bị vô minh ngăn chận nên cũng không biết, không biết được thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai. Tất cả chúng sinh bị vô minh che lấp nên vọng cho Như Lai là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Vì thế họ mới chịu sự trôi lăn trong ba nẻo ác. Nếu ai cho Như Lai diệt độ hoàn toàn nơi Niết Bàn, nên biết kẻ ấy ắt phải đọa vào địa ngục.

Bạch Thế Tôn! Hôm nay con mới biết được Chư Phật Như Lai không rốt ráo diệt độ. Biết được vậy, con đạt được vật báu lớn vô thượng. Dựa vào Phật lực, con lại biết được bản tánh thật sự của Chư Phật, lại được uống pháp cam lồ vô thượng, dứt hẳn tất cả mọi ràng buộc của phiền não.

Những người xưa nay bị cuồng điếc, câm, ngọng, ngày nay thảy đều được chữa lành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần