Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm Nhập Pháp Giới - Phần Ba Mươi Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG
QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM BA MƯƠI CHÍN
PHẨM NHẬP PHÁP GIỚI PHẦN BA MƯƠI BẢY
Bạch Ðại Thánh! Tôi đã phát tâm vô thượng bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh, thế nào tu Bồ Tát đạo?
Ðức Như Lai thọ ký cho Ðại Thánh một đời sẽ chứng quả Vô Thượng Chánh Giác.
Nếu là một đời sẽ được Vô Thượng Chánh Giác thời là đã siêu việt tất cả chỗ sở trụ của Bồ Tát, thời đã xuất quá tất cả bậc ly sanh của Bồ Tát, thời đã viên mãn tất cả Ba La Mật, thời đã thâm nhập tất cả nhẫn môn, thời đã đầy đủ Bồ Tát địa, thời đã du hí tất cả giải thoát môn.
Thời đã thành tựu tất cả pháp tam muội, thời đã thông đạt tất cả Bồ Tát hạnh, thời đã chứng được tất cả Đà La Ni biện tài, thời đã ở trong tất cả Bồ Tát tự tại mà được tự tại, thời đã chứa nhóm tất cả pháp trợ đạo của Bồ Tát, thời đã du hí trí huệ phương tiện.
Thời đã xuất sanh trí đại thần thông, thời đã thành tựu tất cả học xứ, thời đã viên mãn tất cả diệu hạnh, thời đã đầy đủ tất cả đại nguyện, thời đã lãnh thọ tất cả ký biệt của Phật, thời đã biết rõ tất cả các thừa môn, thời đã kham thọ chỗ hộ niệm của tất cả Chư Phật.
Thời đã có thể nhiếp tất cả Phật Bồ Đề, thời đã có thể trì pháp tạng của tất cả Phật, thời đã có thể trì tạng bí mật của tất cả Chư Phật và Bồ Tát, thời đã có thể làm thượng thủ trong tất cả chúng Bồ Tát, thời đã có thể làm đại mãnh tướng phá phiền não ma quân.
Thời đã có thể làm đại Đạo Sư ra khỏi đồng hoang sanh tử, thời đã có thể làm đại y vương trị những bệnh nặng phiền não, thời đã có thể làm bậc tối thắng trong tất cả chúng sanh, thời đã có thể được tự tại ở trong tất cả Thế Chủ, thời đã có thể tối đệ nhất trong tất cả Thánh.
Thời đã có thể tối tăng thượng trong tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật, thời đã có thể làm lái thuyền trong biển sanh tử, thời đã có thể bủa lưới điều phục tất cả chúng sanh, thời đã có thể quán căn của tất cả chúng sanh.
Thời đã có thể nhiếp tất cả chúng sanh giới, thời đã có thể thủ hộ tất cả chúng Bồ Tát, thời đã có thể luận nghị tất cả Bồ Tát sự, thời đã có thể qua đến tất cả chỗ Như Lai, thời đã có thể ở trong hội của tất cả Như Lai, thời đã có để hiện thân ở trước tất cả chúng sanh, thời đã có thể không nhiễm trước tất cả thế pháp, thời đã có thể siêu việt tất cả cảnh giới ma.
Thời đã có thể an trụ tất cả cảnh giới Phật, thời đã có thể đến cảnh vô ngại của tất cả Bồ Tát, thời đã có thể tinh cần cúng dường tất cả Chư Phật, thời đã đồng thể tánh với tất cả Phật Pháp, đã cột lụa diệu pháp, đã thọ Phật quán đảnh, đã trụ nhất thiết trí, đã có thể khắp sanh tất cả Phật Pháp, đã có thể mau lên bậc nhất thiết trí.
Bạch Ðại Thánh! Bồ Tát thế nào học Bồ Tát hạnh?
Thế nào tu Bồ Tát đạo?
Thế nào tùy chỗ tu học mau được đầy đủ tất cả Phật Pháp, đều có thể độ thoát chúng sanh đã nhớ đến, có thể thành mãn những đại nguyện đã phát, có thể khắp rốt ráo những hạnh đã khởi, có thể an ủi tất cả thiên nhân, chẳng phụ tự thân, chẳng dứt Tam Bảo, chẳng hư tất cả phật chủng Bồ Tát chủng, có thể gìn pháp nhãn của tất cả Chư Phật?
Những sự trên đây xin Ðại Thánh chỉ dạy cho.
Di Lặc Bồ Tát quán sát tất cả chúng hội nơi Đạo Tràng, chỉ dạy Thiện Tài rằng: Này đại chúng! Các Ngài thấy Ðồng Tử này hiện đương hỏi tôi về công đức của Bồ Tát hạnh đây chăng?
Ðồng Tử này dũng mãnh tinh tấn, chí nguyện không tạp, thâm tâm kiên cố hằng chẳng thối chuyển, đủ những hi vọng thù thắng như chữa dầu cháy không hề nhàm đủ, mến chư thiện tri thức thân cận cúng dường, tìm cầu khắp nơi để kính thờ thỉnh pháp.
Trước đây, Ðồng Tử này thọ giáo nơi đức Văn Thù, rồi lần lượt đi qua phương Nam cầu thiện tri thức. Trải qua một trăm mười vị thiện tri thức, nay mới đến đây gặp tôi. Ðồng Tử này chưa từng có một niệm lười mỏi.
Ðồng Tử này rất là khó có.
Ðồng Tử này xu hướng đại thừa, đi nơi đại huệ, phát đại dũng mãnh, choàng giáp đại bi, dùng tâm đại từ cứu hộ chúng sanh, khởi đại hạnh đại tinh tấn Ba La Mật, làm đại thương chủ hộ trợ các chúng sanh, làm thuyền pháp lớn vượt qua biển hữu lậu, trụ ở đại đạo, chứa họp Pháp Bảo lớn, tu những pháp trợ đạo rộng lớn.
Người như thế rất khó được nghe, rất khó được thấy, rất khó được gần gũi, cùng ở cùng đi.
Tại sao vậy?
Vì Ðồng Tử này phát tâm cứu hộ tất cả chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh thoát khổ, khỏi ác thú, rời hiểm nạn, phá vô minh, khỏi sanh tử, dứt các loài, khỏi cảnh ma, chẳng nhiễm thế pháp.
Ra khỏi ái dục, dứt tham, hết kiến chấp, phá tưởng, tuyệt mê, xô kiêu mạn, trừ phiền não, triệt ngủ nghỉ, xé lưới ái, diệt vô minh, qua khỏi dòng hữu lậu, lìa siểm nịnh, tịnh tâm cấu ra khỏi sanh tử.
Ðồng Tử này vì những người bị bốn dòng hữu lậu cuốn trôi mà tạo thuyền đại pháp.
Vì những người bị sình lầy kiến chấp lún chìm mà lập cầu đại pháp.
Vì những người bị si tối làm hôn mê mà thắp đèn đại trí.
Vì những người đi trong đồng hoang sanh tử mà khai thị Thánh đạo.
Vì những người mang bệnh nặng phiền não mà điều hòa pháp dược. Cho người bị khổ sanh Lão Tử uống Cam Lộ để được an ổn.
Vì người vào trong lửa tham sân si mà tưới định thủy cho họ được Thanh Lương.
Với người nhiều lo sầu thời an ủi cho họ được an.
Với người bị nhốt trong ngục hữu lậu thời khuyên bảo họ thoát ra.
Với người vào lưới kiến chấp thời mở lưới bằng kiếm trí huệ.
Với người ở trong thành tam giới thời chỉ cửa giải thoát.
Với người ở chỗ hiểm nạn thời dắt họ đến chỗ an ổn.
Với người sợ giặc kiết sử thời cho họ pháp vô úy.
Với người đọa ác thú thời trao cho họ tay từ bi.
Với người bị hại về ngũ uẩn thời chỉ cho họ thành Niết Bàn.
Với người bị ràng buộc trong thập bát giới thời dùng thánh đạo để mở.
Với người đắm nơi trong tụ lạc lục xứ trống rỗng thời dùng ánh sáng trí huệ để dẫn họ ra.
Người ở nơi đạo tà thời dùng chánh đạo cứu họ.
Người gần ác hữu thời chỉ thiện hữu cho họ.
Người ưa phàm pháp thời dạy cho Thánh pháp.
Người ham sanh tử thời làm cho họ xu hướng thành nhất thiết trí.
Ðồng Tử này hằng dùng những công hạnh như vậy để cứu hộ chúng sanh, phát bồ đề tâm chưa từng thôi dứt, cầu Đại Thừa đạo chưa từng lười mỏi, uống những pháp thủy không lòng nhàm đủ, hằng siêng chứa nhóm hạnh trợ đạo.
Thường thích tịnh tu tất cả pháp môn, tu hạnh Bồ Tát chẳng bỏ tinh tấn, thành mãn đại nguyện, khéo thật hành phương tiện, luôn muốn được thấy thiện tri thức, kính thờ thiện tri thức thân không lười mỏi, nghe thiện trí thức dạy bảo thời luôn tùy thuận thật hành chưa từng trái nghịch.
Này đại chúng! Nếu chúng sanh nào có thể phát tâm vô thượng bồ đề thời là rất hi hữu. Nếu đã phát tâm lại có thể tinh tấn phương tiện chứa nhóm những Phật Pháp như vậy thời lại càng hi hữu hơn.
Lại có thể cầu Bồ Tát đạo như vậy, tịnh Bồ Tát hạnh như vậy, thờ thiện tri thức như vậy, như chữa dầu cháy như vậy, thuận theo lời dạy của thiện tri thức như vậy.
Kiên cố tu hành như vậy, chứa nhóm bồ đề phần như vậy, chẳng cầu tiếng tăm lợi dưỡng như vậy, chẳng bỏ tâm Bồ Tát thuần nhất như vậy, chẳng thích nhà cửa như vậy, chẳng ham dục lạc, chẳng luyến cha mẹ thân thích tri thức.
Chẳng thích theo cầu Bồ Tát bạn lữ, lại có thể chẳng đoái đến thân mạng mà chỉ nguyện siêng tu đạo nhất thiết trí như vậy, thời nên biết đó là lần lượt càng khó hơn.
Này đại chúng! Chư Bồ Tát khác trải qua vô lượng trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp mới có thể đầy đủ Bồ Tát Hạnh Nguyện, mới có thể gần Phật Bồ Đề.
Ðồng Tử này trong một đời có thể tịnh phật độ, có thể hóa chúng sanh, có thể dùng trí huệ thâm nhập pháp giới, có thể thành tựu các môn Ba la mật, có thể thêm rộng tất cả hạnh, có thể viên mãn tất cả đại nguyện, có thể siêu xuất tất cả ma nghiệp, có thể thừa sự tất cả thiện hữu, có thể thanh tịnh Bồ Tát đạo, có thể đầy đủ những hạnh Phổ Hiền.
Di Lặc Bồ Tát khen ngợi công đức của Thiện Tài làm cho vô lượng trăm ngàn chúng sanh phát tâm bồ đề, rồi bảo Thiện Tài rằng: Lành thay! Lành thay!
Này thiện nam tử! Ngươi vì lợi ích tất cả thế gian, vì cứu hộ tất cả chúng sanh, vì siêng cầu tất cả Phật Pháp, nên phát tâm vô thượng bồ đề.
Này thiện nam tử! Ngươi được lợi lành, khéo được thân người, khéo trụ thọ mạng, khéo gặp đức Như Lai xuất hiện, khéo thấy Văn Thù Sư Lợi đại thiện tri thức, thân của ngươi là thiện khí được những thiện căn đượm nhuần, được pháp lành nuôi lớn, bao nhiêu giải dục đều được thanh tịnh, đã được Chư Phật đồng hộ niệm, đã được thiện hữu nhiếp thọ.
Tại sao vậy?
Vì tâm bồ đề như chủng tử, vì có thể sanh tất cả Phật Pháp.
Bồ đề tâm như ruộng tốt, vì có thể sanh trưởng bạch tịnh pháp cho tất cả chúng sanh.
Bồ đề tâm như đại địa, vì có thể giữ gìn tất cả thế gian.
Bồ đề tâm như tịnh thủy, vì có thể rửa sạch phiền não nhơ nhớp.
Bồ đề tâm như gió lớn, vì vô ngại khắp ở thế gian.
Bồ đề tâm như lửa mạnh, vì có thể đốt tiêu củi kiến chấp.
Bồ đề tâm như tịnh nhật, vì chiếu khắp tất cả thế gian.
Bồ đề tâm như mặt nguyệt sáng, vì những pháp bạch tịnh đều viên mãn.
Bồ đề tâm như đèn sáng, vì có thể phóng những pháp quang minh.
Bồ đề tâm như mắt sáng, vì thấy khắp tất cả chỗ an nguy.
Bồ đề tâm dường như con đường lớn, vì dẫn vào thành đại trí.
Bồ đề tâm như con đường chánh, vì làm cho rời khỏi tà pháp.
Bồ đề tâm như cỗ xe lớn, vì có thể chuyên chở Chư Bồ Tát.
Bồ đề tâm như cửa nẻo, vì khai thị tất cả hạnh Bồ Tát.
Bồ đề tâm như cung điện, vì an trụ tu tập pháp tam muội.
Bồ đề tâm như khu vườn vì, ở trong đó dạo chơi hưởng pháp lạc.
Bồ đề tâm như nhà cửa vì an ổn tất cả chúng sanh.
Bồ đề tâm là chỗ về, vì lợi ích tất cả thế gian.
Bồ đề tâm là chỗ dựa, vì là dựa nương của những Bồ Tát hạnh.
Bồ đề tâm như từ phụ, vì dạy dỗ tất cả Chư Bồ Tát.
Bồ đề tâm như từ mẫu, vì sanh trưởng tất cả Bồ Tát.
Bồ đề tâm như nhũ mẫu, vì dưỡng dục tất cả Chư Bồ Tát.
Bồ đề tâm như thiện hữu, vì thành tựu lợi ích cho Chư Bồ Tát.
Bồ đề tâm như vua chúa, vì vượt hơn tất cả hàng nhị thừa.
Bồ đề tâm như Đế Vương, vì được tự tại trong tất cả nguyện.
Bồ đề tâm như đại hải, vì tất cả công đức đều vào trong đó.
Bồ đề tâm như núi Tu Di, vì bình đẳng nơi tâm các chúng sinh.
Bồ đề tâm như Thiết Vi vì nhiếp trì tất cả thế gian.
Bồ đề tâm như Tuyết Sơn, vì sanh lớn tất cả cây thuốc trí huệ.
Bồ đề tâm như Hương Sơn, vì xuất sanh tất cả hương công đức.
Bồ đề tâm như hư không, vì những diệu công đức rộng vô biên.
Bồ đề tâm như Liên Hoa, vì chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian.
Bồ đề tâm như voi thông minh thuần thục, vì tâm ấy thuận lành chẳng ngang trái.
Bồ đề tâm như ngựa hiền hay, vì xa lìa tất cả những tánh ác.
Bồ đề tâm như điều ngự sư, vì thủ hộ tất cả pháp đại thừa.
Bồ đề tâm như thuốc hay, vì trị được tất cả bậnh phiền não.
Bồ đề tâm như hố sâu, vì có thể làm sụp đổ tất cả những ác pháp.
Bồ đề tâm như Kim Cang, vì đều có thể xuyên thấu tất cả các pháp.
Bồ đề tâm như thấp hương, vì có thể đựng tất cả hương công đức.
Bồ đề tâm như Diệu Hoa, vì tất cả thế gian đều ưa thấy.
Bồ đề tâm như bạch Chiên Đàn, vì trừ những nóng tham dục làm cho mát mẻ.
Bồ đề tâm như hắc Trầm hương, vì có thể xong khắp Pháp Giới.
Bồ đề tâm như Thiên Kiến Dược Vương, vì phá được tất cả bệnh phiền não.
Bồ đề tâm như thuốc Tỳ Cấp Ma, vì nhổ được tất cả hoặc tiễn.
Bồ đề tâm như Ðế Thích, vì là tối tôn trong tất cả vua chúa.
Bồ đề tâm như Tỳ Sa Môn, vì dứt được tất cả khổ nghèo cùng.
Bồ đề tâm như Công Ðức Thiên, vì trang nghiêm với tất cả công đức.
Bồ đề tâm như đồ trang nghiêm, vì trang nghiêm tất cả Chư Bồ Tát.
Bồ đề tâm như kiếp hỏa đốt cháy, vì có thể cháy tiêu tất cả hữu vi.
Bồ đề tâm như thuốc Vô Sanh Căn, vì trưởng dưỡng tất cả Phật Pháp.
Bồ đề tâm như Long Châu, vì tiêu được tất cả độc phiền não.
Bồ đề tâm như thủy Thanh Châu, vì có thể thanh tất cả phiền não trược.
Bồ đề tâm như châu Như Ý, vì châu cấp cho tất cả kẻ nghèo thiếu.
Bồ đề tâm như bình Công Đức, vì làm cho tâm chúng sanh được thoả mãn.
Bồ đề tâm như cây Như Ý, vì có thể mưa tất cả đồ trang nghiêm.
Bồ đề tâm như áo lông ngỗng, vì chẳng dính bụi sanh tử.
Bồ đề tâm như chỉ Bạch Điệp, vì bổn lai tánh thanh tịnh.
Bồ đề tâm như lưỡi cày bén, vì có thể dọn tất cả ruộng chúng sanh.
Bồ đề tâm như na la diên, vì có thể dẹp tất cả kẻ địch ngã kiến.
Bồ đề tâm như mũi tên đi mau, vì phá được tất cả đích khổ.
Bồ đề tâm như ngọn mâu nhọn, vì có thể xuyên thủng giáp phiền não.
Bồ đề tâm như giáp cứng, vì có thể hộ tâm như lý.
Bồ đề tâm như dao bén, vì có thể chặt tất cả đầu phiền não.
Bồ đề tâm như gươm bén, vì có thể chặt đức tất cả giáp kiêu mạn.
Bồ đề tâm như dũng tướng tràng, vì có thể dẹp phục tất cả ma quân.
Bồ đề tâm như cưa bén, vì có thể cưa đứt tất cả cây vô minh.
Bồ đề tâm như búa bén, vì có thể chặt những cây khổ.
Bồ đề tâm như binh khí, vì có thể đề phòng nạn khổ.
Bồ đề tâm như cánh tay giỏi, vì phòng hộ tất cả những pháp độ thân.
Bồ đề tâm như đôi chân tốt, vì an lập tất cả những công đức.
Bồ đề tâm như thuốc chữa mắt, vì diệt trừ tất cả bệnh lòa vô minh.
Bồ đề tâm như kìm nhiếp, vì có thể nhổ tất cả gai thân kiến.
Bồ đề tâm như ngọa cụ, vì dứt trừ những lao khổ sanh tử.
Bồ đề tâm như thiện tri thức, vì có thể mở tất cả dây trói sanh tử.
Bồ đề tâm như tài bảo, vì trừ tất cả sự nghèo cùng.
Bồ đề tâm như đại Đạo Sư, vì khéo biết đạo xuất yếu của Bồ Tát.
Bồ đề tâm như phục tạng, vì xuất sanh của công đức không thiếu.
Bồ đề tâm như nước suối trào, vì sanh nước trí huệ không cùng tận.
Bồ đề tâm như gương sáng, vì hiện khắp tất cả Tượng Pháp Môn.
Bồ đề tâm dường như Liên Hoa, vì chẳng nhiễm tất cả tội cấu.
Bồ đề tâm như sông lớn, vì chảy dẫn ra tất cả nhiếp pháp độ pháp.
Bồ đề tâm như đại Long Vương, vì có thể mưa tất cả diệu pháp.
Bồ đề tâm dường như mạng căn, vì nhậm trì thân đại bi của Bồ Tát.
Bồ đề tâm như Cam Lộ, vì có thể làm cho an trụ nơi cõi bất tử.
Bồ đề tâm như tấm lưới lớn, vì nhiếp khắp tất cả những chúng sanh.
Bồ đề tâm như lưới chài, vì nhiếp lấy tất cả kẻ đáng được hóa độ.
Bồ đề tâm như câu mồi, vì bắt những kẻ ở trong vực hữu lậu.
Bồ đề tâm như thuốc A Già Đà, vì có thể làm cho người vô bệnh vĩnh viễn được an ổn.
Bồ đề tâm như thuốc trừ độc, vì có thể tiêu hết độc tham ái.
Bồ đề tâm như người Trì Chú giỏi, vì có thể trừ tất cả độc điên đảo.
Bồ đề tâm như gió mạnh, vì có thể thổi cuốn tất cả sương mù che chướng.
Bồ đề tâm như xứ châu bảo, vì xuất sanh tất cả báu giác phần.
Bồ đề tâm như chủng tánh tốt, vì xuất sanh tất cả pháp bạch tịnh.
Bồ đề tâm như nhà ở, vì là chỗ ở của những pháp công đức.
Bồ đề tâm như trị tứ, vì là chỗ đỗi chác cũa thương gia Bồ Tát.
Bồ đề tâm như thuốc luyện vàng, vì có thể trị tất cả căn phiền não.
Bồ đề tâm như mật tốt, vì viên mãn tất cả vị công đức.
Bồ đề tâm như chánh đạo, vì khiến Chư Bồ Tát vào trí thành.
Bồ đề tâm như chậu tốt, vì có thể đựng tất cả pháp bạch tịnh.
Bồ đề tâm như mưa phải thời, vì có thể trừ tất cả bụi phiền não.
Bồ đề tâm là chỗ ở, vì là chỗ ở của tất cả Bồ Tát.
Bồ đề tâm là hạnh vô tận, vì chẳng chứng lấy quả giải thoát của Thanh Văn.
Bồ đề tâm như tịnh Lưu ly, vì tự tánh sáng sạch không nhơ.
Bồ đề tâm như châu Ðế Thanh, vì hơn hẳn trí của thế gian và Nhị Thừa.
Bồ đề tâm như tiếng trống tan canh, vì đánh thức chúng sanh say ngủ bởi phiền não.
Bồ đề tâm như nước trong sạch, vì tánh vốn thuần sạch không nhơ đục.
Bồ đề tâm như vàng Diêm Phù Đàn, vì che chói tất cả pháp lành hữu vi.
Bồ đề tâm như Đại Sơn Vương, vì siêu xuất tất cả thế gian.
Bồ đề tâm là chỗ về, vì chẳng chối từ tất cả ai trở về.
Bồ đề tâm là nghĩa lợi, vì có thể trừ tất cả sự suy não.
Bồ đề tâm là diệu bảo, vì có thể làm cho tất cả tâm sanh hoan hỉ.
Bồ đề tâm chư hội đại thí, vì sung mãn tất cả tâm chúng sanh.
Bồ đề tâm là tôn thắng, vì tâm chúng sanh không tâm nào bằng.
Bồ đề tâm như phục tạng, vì có thể nhiếp tất cả Phật Pháp.
Bồ đề tâm như lưới nhân Đà La, vì có thể phục A tu la phiền não.
Bồ đề tâm như gió Bà Lâu Na, vì có thể chấn động những kẻ đáng được hóa độ.
Bồ đề tâm như lửa nhân Đà La, vì có thể đốt cháy tất cả hoặc tập.
Bồ đề tâm như Phật Chi Đề, vì tất cả thế gian nên cúng dường.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Năm Mươi Chín - Phẩm Tập Cận
Phật Thuyết Kinh Pháp Bí Yếu Trị Bệnh Thiền - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Hai - Hai Pháp - Phẩm Mười - Phẩm Kẻ Ngu
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Phú Lâu Na Xuất Gia
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Ba - Phẩm Thậm Thâm Tướng