Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG

QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM LY THẾ GIAN  

PHẦN HAI  

Bấy giờ Phổ Hiền Bồ Tát bảo Phổ Huệ và Chư Bồ Tát rằng: Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười chỗ y chỉ:

Dùng bồ đề tâm làm y chỉ, vì hằng chẳng quên mất.

Dùng thiện tri thức làm y chỉ, vì hòa hiệp như một.

Dùng thiện căn làm y chỉ, vì tu tập tăng trưởng.

Dùng Ba la mật làm y chỉ, vì tu hành đầy đủ.

Dùng nhất thiết pháp làm y chỉ, vì rốt ráo xuất ly.

Dùng đại nguyện làm y chỉ, vì tăng trưởng bồ đề.

Dùng các hạnh làm y chỉ, vì khắp đều thành tựu.

Dùng tất cả Bồ Tát làm y chỉ, vì đồng một trí huệ.

Dùng cúng dường Chư Phật làm y chỉ, vì tín tâm thanh tịnh.

Dùng tất cả Như Lai làm y chỉ, vì như từ phụ dạy răn chẳng dứt.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ nơi pháp y chỉ này thời được là chỗ sở y đại trí vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ tưởng kỳ đặc:

Nơi tất cả thiện căn tưởng là tự thiện căn.

Nơi tất cả thiện căn tưởng là chủng tử bồ đề.

Nơi tất cả chúng sanh tưởng là căn khí bồ đề.

Nơi tất cả nguyện tưởng là tự nguyện.

Nơi tất cả pháp tưởng xuất ly.

Nơi tất cả hạnh tưởng là tư hạnh.

Nơi tất cả pháp tưởng là Phật Pháp.

Nơi tất cả pháp ngữ ngôn tưởng là đạo ngữ ngôn.

Nơi tất cả Phật tưởng là từ phụ.

Nơi tất cả Như Lai tưởng không hai.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ nơi mười pháp tưởng này thời được tưởng thiện xảo vô thượng.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ hạnh:

Tất cả chúng sanh hạnh, vì làm cho khắp được thành thục.

Tất cả cầu pháp hạnh, vì tu học tất cả.

Tất cả thiện căn hạnh, vì đều khiến tăng trưởng.

Tất cả tam muội hạnh, vì nhất tâm bất loạn.

Tất cả trí huệ hạnh, vì không chi chẳng biết rõ.

Tất cả tu tập hạnh, vì không chi chẳng tu được.

Tất cả phật sát hạnh, vì thảy đều trang nghiêm.

Tất cả thiện hữu hạnh, vì cung kính cúng dường.

Tất cả Như Lai hạnh, vì tôn trọng thừa sự.

Tất cả thần thông hạnh, vì biến hóa tự tại.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ nơi mười hạnh này thời được hạnh đại trí huệ vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười bậc thiện tri thức:

Thiện tri thức khiến an trụ bồ đề tâm.

Thiện tri thức khiến sanh thiện căn.

Thiện tri thức khiến thật hành các môn Ba la mật.

Thiện tri thức khiến giải thoát tất cả pháp.

Thiện tri thức khiến thành thục tất cả chúng sanh.

Thiện tri thức khiến được quyết định biện tài.

Thiện tri thức khiến chẳng nhiễm trước tất cả thế gian.

Thiện tri thức khiến trong tất cả kiếp tu hành không nhàm mỏi.

Thiện tri thức khiến an trụ hạnh Phổ Hiền.

Thiện tri thức khiến nhập nơi trí của Chư Phật đã nhập.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười sự siêng tinh tấn:

Siêng tinh tấn giáo hóa tất cả chúng sanh.

Siêng tinh tấn thâm nhập tất cả pháp.

Siêng tinh tấn nghiêm tịnh tất cả Thế Giới.

Siêng tinh tấn tu hành tất cả sở học của Bồ Tát.

Siêng tinh tấn diệt trừ tất cả ác của chúng sanh.

Siêng tinh tấn ngăn dứt tất cả ba ác đạo khổ.

Siêng tinh tấn dẹp phá tất cả quân ma.

Siêng tinh tấn nguyện vì tất cả chúng sanh làm mắt thanh tịnh.

Siêng tinh tấn cúng dường tất cả Chư Phật.

Siêng tinh tấn khiến tất cả Như Lai đều hoan hỷ.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ nơi mười pháp siêng tinh tấn này thời được đầy đủ tinh tấn Ba la mật vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ tâm được an ổn:

Mình trụ bồ đề tâm cũng phải khiến người trụ bồ đề tâm, nên tâm được an ổn.

Mình rốt ráo rời giận hờn đấu tranh cũng phải khiến người rời giận hờn đấu tranh, nên tâm được an ổn.

Mình rời pháp phàm ngu cũng khiến người rời pháp phàm ngu, nên tâm được an ổn.

Mình siêng tu thiện căn cũng khiến người siêng tu thiện căn, nên tâm được an ổn.

Mình trụ đạo Ba la mật cũng khiến người trụ đạo Ba la mật, nên tâm được an ổn.

Mình sanh tại Nhà Phật cũng phải khiến người sanh tại Nhà Phật, nên tâm được an ổn.

Mình thâm nhập pháp chân thật không tự tánh cũng khiến người nhập pháp chân thật không tự tánh, nên tâm được an ổn.

Mình không phỉ báng tất cả Phật Pháp, cũng khiến người không phỉ báng tất cả Phật Pháp, nên tâm được an ổn.

Mình viên mãn nhất thiết trí bồ đề nguyện cũng khiến người viên mãn nhất thiết trí bồ đề nguyện, nên tâm được an ổn.

Mình thâm nhập trí tạng vô tận của tất cả Như Lai cũng khiến người nhập trí tạng vô tận của tất cả Như Lai, nên tâm được an ổn.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ nơi tâm an ổn này thời được sự an ổn đại trí vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười cách thành tựu chúng sanh:

Dùng bố thí để thành tựu chúng sanh.

Dùng sắc thân để thành tựu chúng sanh.

Dùng Thuyết Pháp để thành tựu chúng sanh.

Dùng đồng hạnh để thành tựu chúng sanh.

Dùng không nhiễm trước để thành tựu chúng sanh.

Dùng khai thị Bồ Tát hạnh để thành tựu chúng sanh.

Dùng thị hiện rõ ràng tất cả Thế Giới để thành tựu chúng sanh.

Dùng thị hiện oai đức lớn của Phật Pháp để thành tựu chúng sanh.

Dùng những thần thông biến hiện để thành tựu chúng sanh.

Dùng những phương tiện vi mật thiện xảo để thành tựu chúng sanh.

Bồ Tát dùng mười pháp này để thành tựu chúng sanh giới.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười loại giới:

Giới chẳng bỏ bồ đề tâm.

Giới xa lìa bậc nhị thừa.

Giới quán sát lợi ích tất cả chúng sanh.

Giới khiến tất cả chúng sanh an trụ nơi Phật Pháp.

Giới tu tất cả sở học của Bồ Tát.

Giới nơi tất cả pháp vô sở sắc.

Giới đem tất cả thiện căn hồi hướng bồ đề.

Giới chẳng tham trước tất cả thân Như Lai.

Giới tư duy tất cả pháp lìa nhiễm trước.

Giới chư căn luật nghi.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ nơi giới này thời được giới Quảng Đại Ba la mật vô thượng của Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp thọ ký, Bồ Tát do đây mà biết mình thọ ký:

Dùng ý thù thắng phát bồ đề tâm, tự biết thọ ký.

Trọn chẳng nhàm bỏ hạnh Bồ Tát, tự biết thọ ký.

Trụ tất cả kiếp thật hành hạnh Bồ Tát, tự biết thọ ký.

Tu tất cả Phật Pháp, tự biết thọ ký.

Nơi tất cả Phật Giáo một bề thâm tín, tự biết thọ ký.

Tu tất cả thiện căn đều khiến thành tựu, tự biết thọ ký.

Ðặt tất cả chúng sanh nơi Phật bồ đề, tự biết thọ ký.

Với tất cả thiện tri thức hòa hiệp không hai, tự biết thọ ký.

Nơi tất cả thiện tri thức tưởng là Phật, tự biết thọ ký.

Hằng siêng thủ hộ bổn nguyện bồ đề, tự biết thọ ký.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp nhập Bồ Tát:

Nhập bổn nguyện.

Nhập hạnh.

Nhập tụ.

Nhập Ba la mật.

Nhập thành tựu.

Nhập sai biệt nguyện.

Nhập các thứ tri giải.

Nhập trang nghiêm Phật Độ.

Nhập thần lực tự tại.

Nhập thị hiện thọ sanh.

Bồ Tát dùng mười pháp này nhập khắp Tam Thế tất cả Bồ Tát.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp nhập Như Lai:

Nhập vô biên thành Chánh Giác.

Nhập vô biên chuyển pháp luân.

Nhập vô biên pháp phương tiện.

Nhập vô biên âm thanh sai biệt.

Nhập vô biên điều phục chúng sanh.

Nhập vô biên thần lực tự tại.

Nhập vô biên những thân sai biệt.

Nhập vô biên tam muội.

Nhập vô biên lực vô úy.

Nhập vô biên thị hiện Niết Bàn.

Bồ Tát dùng mười pháp này nhập khắp Tam Thế tất cả Như Lai.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp nhập chúng sanh hạnh:

Nhập tất cả chúng sanh quá khứ hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh vị lai hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh hiện tại hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh thiện hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh bất thiện hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh tâm hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh căn hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh giải hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh phiền não tập khí hạnh.

Nhập tất cả chúng sanh giáo hóa điều phục thời phi thời hạnh.

Bồ Tát dùng pháp này vào khắp hạnh của tất cả chúng sanh.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười cách nhập Thế Giới:

Nhập Thế Giới nhiễm.

Nhập Thế Giới tịnh.

Nhập Thế Giới nhỏ.

Nhập Thế Giới lớn.

Nhập Thế Giới trong vi trần.

Nhập Thế Giới vi tế.

Nhập Thế Giới úp.

Nhập Thế Giới ngửa.

Nhập Thế Giới có Phật.

Nhập Thế Giới không Phật.

Bồ Tát dùng đây vào khắp tất cả Thế Giới ở mười phương.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ nhập kiếp:

Nhập kiếp quá khứ.

Nhập kiếp vị lai.

Nhập kiếp hiện tại.

Nhập kiếp đếm được.

Nhập kiếp không đếm được.

Nhập kiếp đếm được tức là kiếp không đếm được.

Nhập kiếp không đếm được tức là kiếp đếm được.

Nhập tất cả kiếp tức là phi kiếp.

Nhập phi kiếp tức là tất cả kiếp.

Nhập tất cả kiếp tức một niệm.

Bồ Tát dùng pháp này vào khắp tất cả kiếp.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười pháp nói Tam Thế:

Quá khứ thế nói quá khứ thế.

Quá khứ thế nói vị lai thế.

Quá khứ thế nói hiện tại thế.

Vị lai thế nói quá khứ thế.

Vị lai thế nói hiện tại thế.

Vị lai thế nói vô tận.

Hiện tại thế nói quá khứ thế.

Hiện tại thế nói vị lai thế.

Hiện tại thế nói bình đẳng.

Hiện tại thế nói Tam Thế tức một niệm.

Bồ Tát dùng pháp này nói khắp Tam Thế.

Ðại Bồ Tát có mười pháp biết Tam Thế:

Biết những an lập.

Biết những ngữ ngôn.

Biết những luận nghi.

Biết những quy tắc.

Biết những xưng tán.

Biết những chế lịnh.

Biết kia giả danh.

Biết kia vô tận.

Biết kia tịch diệt.

Biết tất cả không.

Bồ Tát dùng đây biết khắp tất cả những pháp Tam Thế.

Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát phát mười thứ tâm không mỏi nhọc nhàm chán:

Cúng dường tất cả Chư Phật tâm không mỏi nhàm.

Gần gũi tất cả thiện tri thức tâm không mỏi nhàm.

Cầu tất cả pháp tâm không mỏi nhàm.

Nghe chánh pháp tâm không mỏi nhàm.

Tuyên nói chánh pháp tâm không mỏi nhàm.

Giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh tâm không mỏi nhàm.

Ðặt tất cả chúng sanh nơi Phật bồ đề tâm không mỏi nhàm.

Nơi mỗi mỗi Thế Giới trải qua bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp thật hành Bồ Tát hạnh tâm không mỏi nhàm.

Du hành tất cả Thế Giới tâm không mỏi nhàm.

Quán sát tư duy tất cả Phật Pháp tâm không mỏi nhàm.

Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được đại trí vô thượng không mỏi nhàm của Như Lai.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần