Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Dũng Vương - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHÁP DŨNG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống   

PHẦN HAI  

Này Xá Lợi Phất! Pháp giới của Chư Phật Thế Tôn là không thể nghĩ bàn. Hết thảy phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác không thể tin hiểu được.

Này Xá Lợi Phất! Do Như Lai thấy rõ các nhân duyên như vậy, cho nên yên lặng không nói.

Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất, ba lần thưa thỉnh mà Đức Như Lai vẫn yên lặng, không đồng ý giảng nói.

Lúc này, Xá Lợi Phất lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trong đại chúng này, đã có vô lượng, vô biên Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các Trời. Rồng, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ca Lầu La, Ma Hầu La Già, Người và không phải người… đã rất lâu, đối với Đức Phật, trong tâm, phát sinh niềm tin trong sạch. Cúi xin Như Lai, thương xót các chúng sinh này, phân biệt diễn nói ý nghĩa đó.

Rồi trước Đức Phật, mà nói kệ:

Lành thay! Đấng Vô Thượng

Xin nguyện rủ lòng thương

Rộng vì các Bồ Tát

Nói công đức cao tột.

Có đủ loài chúng sinh

Rất mong cầu giác ngộ

Đã ở trong pháp này

Tâm muốn dày lợi lành.

Khi ấy, Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát nên thọ hết thảy sự cung kính cúng dường của các hàng Trời, Người, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người và không phải người…

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát đâu cần phải báo ân sự ban cho ấy.

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát mà tâm vốn trong sạch là đã báo ân sự ban cho đó rồi.

Này Xá Lợi Phất! Giả sử Đại Bồ Tát ngày ngày lãnh nhận thứ ban cho của tất cả chúng sinh. Cứ mỗi một chúng sinh ban cho, thì thức ăn sẽ nhiều như núi Tu Di, các thứ y áo có thể che cả bốn thiên hạ.

Trong một ngày mà lãnh nhận đồ ăn mặc của tất cả chúng sinh như vậy, các vị cũng phải trong sáng báo đáp hết ân ban cho đó sao!

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất! Các hàng Bồ Tát, đối với chúng sinh là ruộng phước cao tột, là vị đáng được lãnh nhận sự cúng dường của thế gian.

Này Xá Lợi Phất! Ông có thấy ở thế gian. Nào là người giàu có lớn, có nhiều ngọc báu, vàng, bạc, lưu ly, pha lê, ngọc báu, xa cừ, mã não, đủ các vật mềm mại, mịn tốt. Nào là dòng dõi lớn như Sát Đế Lợi, dòng Bà La Môn, Cư Sĩ giàu có, các Tiểu Vương, Chuyển luân Thánh Vương đầy đủ bảy sáu, quyền lực nhất trong loài người.

Hoặc bốn cõi Thiên Vương, Trời Tam Thập Tam, Thích Đề Hoàn Nhân, Diệm Ma Thiên Tử, Đâu Suất Thiên Tử, Hóa Lạc Thiên Tử, Tha Hóa Tự Tại Thiên Tử, Phạm Tự Tại Thiên Vương và ngoài ra còn các Trời ở Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc. Hoặc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, quả Bích Chi Phật hoặc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Xá Lợi Phất! Những chúng như vậy, đều do nhân duyên của Bồ Tát giáo hóa, mới có thể xuất hiện ở đời.

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát, trước là bậc đã phát tâm thực hành đạo giác ngộ, thứ đến sẽ đạt thành đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, rồi sau đó chuyển bánh xe pháp mà tất cả chúng sinh trong thế gian, hoặc Sa Môn, Bà La Môn hoặc Phạm Thiên Vương, Ma Vương Ba Tuần, không thể nào chuyển vận được.

Khi Bồ Tát nói pháp, sẽ có vô lượng chúng sinh nghe pháp, rồi sẽ được đạo quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, có người phát tâm Duyên Giác và có người phát tâm thành tựu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Nếu có người nghe nói về pháp ban phát, rồi siêng năng thực hành. Do nhân duyên ấy được sinh vào dòng dõi Sát lợi, dòng Bà La Môn, nhà Cư Sĩ giàu lớn. Hoặc sinh trong cung Vua, cung điện của Chuyển luân Thánh Vương có bảy báu đầy đủ, tự tại trong loài người.

Nếu nghe giảng pháp trì giới thì kiên trì giữ giới. Do nhân duyên này, sẽ sinh vào Cõi Trời Tứ Thiên Vương, Trời Tam Thập Tam, Trời Diệm Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại.

Nếu nghe giảng pháp về bốn vô lượng tâm, rồi tùy thuận mà tu hành, do nhân duyên như vậy, sẽ sinh lên các tầng Trời Cõi Sắc.

Nếu nghe giảng pháp về bốn không định, rồi tùy thuận tu hành, do nhân duyên này, sẽ sinh lên Cõi Trời Vô Sắc.

Này Xá Lợi Phất! Với ý nghĩa này, cho nên phải biết, tất cả đều do Bồ Tát làm nhân duyên, mà hết thảy pháp lành mới xuất hiện ở đời.

Này Xá Lợi Phất! Ví như năng lực công đức của Vua Rồng A Nậu Đạt Đa, nên ao của họ đang ở, là nơi phát xuất ra nước của bốn sông lớn: Phương Đông có sông Hằng, phương Nam có sông Tân Đầu, phương Tây có sông Bát Xoa, phương Bắc có sông Tư Đà. Bốn sông lớn này, chảy khắp bốn phương, đổ về biển cả.

Sông Hằng và năm trăm nhánh sông phụ, chảy về biển Đông. Sông Tân Đầu và năm trăm nhánh sông phụ, chảy về biển Nam. Sông Bát Xoa và năm trăm nhánh sông phụ, chảy về sông biển Tây. Sông Tư Đà và năm trăm nhánh sông phụ, chảy về biển Bắc.

Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao?

Bốn sông lớn này chảy khắp bốn phương, tuần tự trước sau chảy vào bốn biển.

Chúng sinh trong bốn phương ấy, có được lợi ích không?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thật sự có lợi ích rất lớn, cho vô lượng chúng sinh, nào là loài chim bay, thú chạy, nào là người cùng với chẳng phải người.

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Ở hai bên bờ sông, các thứ lúa, đậu, các loại ruộng đất, cũng được thấm ướt. Như vậy, ở ruộng đất sẽ thu hoạch được các thứ lúa tốt, đem lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh, cho cả chim bay, thú chạy, cho con người và chẳng phải người.

Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?

Nước trong bốn biển lớn, do đâu mà có?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Nước trong bốn biển lớn đều do bốn sông lớn đổ vào.

Đức Phật lại bảo Xá Lợi Phất: Ý ông nghĩ thế nào?

Nước trong bốn biển, đối với chúng sinh, có lợi ích gì không?

Xá Lợi Phất thưa: Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Nước trong bốn biển thật rất có lợi ích, cho vô lượng, vô biên chúng sinh. Nghĩa là, các loại chúng sinh ở trên đất hay ở dưới nước, các loài cá lớn, nhỏ.

Các loài thú chạy như cá sấu, rùa, ba ba, tôm, ếch, ngỗng, chim nhạn, chim uyên ương, cũng đều có liên quan với biển nước ấy. Ngoài ra, còn có vô lượng, vô biên chúng sinh, thuộc về loài dưới nước, nhờ biển nước làm hang ổ để trú ẩn.

Này Xá Lợi Phất! Như vậy, ở trong biển lớn, lại còn làm chỗ nương ở, cho một số chúng sinh, như các loài Rồng, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La.

Biển cũng tạo ra vô lượng, vô biên ngọc báu lợi ích cho loài người và không phải người như là ngọc trân châu, ngọc kha, ốc quý, ngọc bích, san hô, lưu ly xanh, tỳ lưu ly. Ngoài ra, còn có đủ các thứ ngọc báu, dùng làm đồ sử dụng rồi lợi ích cho chúng sinh.

Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?

Bốn biển lớn này, do đâu mà có?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Biển này đều do từ ao của A Nậu Đạt.

Khi ấy, Đức Phật khen ngợi Xá Lợi Phất: Lành thay, lành thay! Này Xá Lợi Phất! Vua rồng A Nậu Đạt Đa được xa lìa ba điều lo sợ, ba điều ấy là gì?

1. Sợ chim Kim sí.

2. Sợ cát nóng.

3. Loài rồng khi hành dục, liền biến thành thân rắn. Vua rồng A Nậu Đạt không có việc ấy.

Này Xá Lợi Phất! Cung điện, nơi ở của Vua Rồng A Nậu Đạt Đa, cũng là nơi, các vị có thần thông, đến ở, tọa thiền.

Này Xá Lợi Phất! Nếu có người được ở chỗ ấy, nên biết, những người này, cũng đều không phiền não.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Đúng là ít có. Cung điện của Vua rồng A Nậu Đạt Đa thành tựu được công đức lành như vậy. Đối với ba việc lo sợ muốn có một còn không được, huống nữa là có đủ cả ba.

Nếu có chúng sinh nào, ở trong cung điện này, cũng đều được khỏi lo sợ ba việc nêu trên. Nếu các vị có thần thông, khi trụ ở nơi đó mà biết suy nghĩ khéo léo, đó là nơi phát xuất ra bốn sông lớn, nó đối với các chúng sinh sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.

Do nhân duyên này mà các chúng sinh, như loài sinh trứng, các loài chim, các loài cầm thú, người và loài không phải người, đều dùng nước trong bốn biển đó làm nơi hang ổ, nhà cửa để nương ở.

Bạch Thế Tôn! Ao A Nậu Đạt này đã thành tựu được vô lượng công đức như vậy.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Cũng như Vua rồng A Nậu Đạt Đa xa lìa được ba việc sợ hãi, Bồ Tát cũng như vậy, cũng xa lìa ba thứ sợ hãi.

Những gì là ba?

1. Sợ đọa địa ngục.

2. Sợ đọa ngạ quỷ.

3. Sợ đọa súc sinh.

Này Xá Lợi Phất! Cũng như do nơi ao A Nậu Đạt phát xuất ra bốn sông lớn, nên đem được vô lượng, vô biên lợi ích cho chúng sinh. Bồ Tát cũng vậy.

Dùng bốn nhiếp pháp, tóm thu và giữ lấy chúng sinh:

1. Sự ban phát.

2. Nói lời yêu thương.

3. Cùng làm điều ích lợi.

4. Cùng làm những công việc.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát dùng bốn nhiếp pháp làm lợi ích cho chúng sinh.

Này Xá Lợi Phất! Cũng như do nơi ao A Nậu Đạt chảy về bốn biển lớn, Bồ Tát cũng vậy, do nơi tâm Bồ Đề mà phát xuất biển nhất thiết trí.

Này Xá Lợi Phất! Cũng như do nơi biển lớn, làm cho các chúng sinh có chỗ nương ở, an ổn sướng vui.

Này Xá Lợi Phất! Nhất thiết chủng trí cũng lại như vậy. Vì chúng sinh trong ba cõi, mà làm chỗ nương tựa, an ổn, sướng vui. Ba cõi là Cõi Dục, Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc.

Này Xá Lợi Phất! Do Bồ Tát xoay vần giáo hóa, khiến cho tam thiên đại thiên Thế Giới, tất cả chúng sinh đều được lãnh nhận sự an vui.

Vì sao?

Này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát xuất hiện ở đời, hành đạo Bồ Tát. Do tu hành đạo Bồ Tát, nên được thọ ký, đã được thọ ký. Liền được thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chuyển vận bánh xe chánh pháp, mà biết hết thảy thế gian, Sa Môn, Bà La Môn, Phạm Thiên Vương, Ma Vương Ba Tuần đều không thể chuyển được.

Chúng sinh nghe pháp, theo Phật quy y, mới có bốn chúng là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Do nhân duyên này, bốn chúng được ở trong Trời, Người, lìa được dục lạc nhưng vẫn thọ tất cả những sướng vui tốt đẹp nhất.

Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?

Những pháp thành tựu như vậy, do đâu mà có?

Xá Lợi Phất thưa: Đều do nhân duyên tu hành của Bồ Tát mà có.

Này Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ thế nào?

Những pháp tu hành, lưu truyền trong ba cõi này, do đâu mà có?

Xá Lợi Phất thưa: Cũng do nhân duyên của Bồ Tát mà có.

Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: Ý ông nghĩ thế nào?

Trong những pháp ấy, có một pháp nào, chúng ta có thể báo đáp ân đức của Bồ Tát không?

Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Không thể có được.

Vì sao?

Vì đối với Bồ Tát, đó chỉ là pháp xuất hiện ở đời mà thôi.

Bạch Thế Tôn! Ví như người có rất nhiều của báu, lại có lòng lành, lấy trong kho tàng của mình vô lượng của cải quý báu, trăm ngàn vạn ức na do tha vật quý, ban phát cho người nghèo, cứ như vậy, lần lượt cấp cho hai người, ba người, bốn người, năm người, mười người, hai mươi người, ba mươi, bốn mươi, năm mươi, trăm người, ngàn người, trăm ngàn vạn người.

Như vậy cấp cho đến vô lượng chúng sinh, loại có hình sắc và không có hình sắc, người ấy xả bỏ tất cả tiền tài, vật báu, cấp cho vô lượng chúng sinh.

Và cũng vì họ mà trừ bỏ được hết sự sợ sệt, sự trói buộc, sự đánh đập, la trách và các nẻo ác… lại còn dẫn dắt họ được hưởng niềm vui của Trời, Người. Có một người, trong chúng sinh đó, chỉ dùng một phần trăm của đồng tiền, đem phần tiền nhỏ ấy, để báo đáp cái ân của người ban cho kia.

Bạch Thế Tôn! Vị đại thí chủ này, đối với chúng sinh, có nhiều lợi ích, còn người này, chỉ mới dùng một phần đồng tiền, để báo đáp ân kia, thì có báo đáp được không?

Phật bảo: Này Xá Lợi Phất! Không thể được.

Xá Lợi Phất thưa: Đại Bồ Tát cũng lại như vậy.

Như người giàu kia, vì lợi ích vô lượng chúng sinh và còn vì họ, đoạn trừ hết thảy việc ác, mà chỉ đem một phần tiền nhỏ để báo ân kia sao được?

Bạch Thế Tôn! Người thực hành pháp đại thừa, cũng lại như vậy. Với vô lượng chúng sinh như vậy, tùy theo ý muốn mà thọ nhận các thứ sướng vui. Người phát sinh ý nghĩ muốn báo ân Bồ Tát, cũng như người kia, muốn đem một phần trăm đồng tiền để báo ân người đã ban cho vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần