Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Thiện Xảo Phương Tiện - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

THIỆN XẢO PHƯƠNG TIỆN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẦN HAI  

Bồ Tát Quang Tụ Vương cùng ngồi một chỗ rồi nắm tay phải của người nữ kia, nói kệ:

Phật không khen ngợi pháp dục nhiễm

Ngu si mê chấp nên đeo đuổi

Có thể dứt trừ tâm ái dục

Phật nói người ấy là tối thượng.

Này Tôn Giả A Nan! Người nữ kia nghe kệ rồi tâm rất vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính đảnh lễ nơi chân Bồ Tát Quang Tụ Vương rồi nói kệ:

Tâm con vốn không thật cầu dục

Con biết Phật không khen pháp dục

Có thể dứt trừ tâm ái dục

Phật gọi người ấy là tối thượng.

Nói kệ này xong, lại tiếp:

Nên biết tâm con đã suy nghĩ

Lời nói chân thật không sai khác

Nếu người thích cầu Bồ Đề Phật

Tất cả chúng sinh được lợi lạc.

Này Tôn Giả A Nan! Người nữ ấy được Bồ Tát Quang Tụ Vương dùng phương tiện thiện xảo mở bày, hướng dẫn, liền phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Bấy giờ, Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi ra khỏi nhà ấy.

A Nan, ông nên biết! ta xem thấy người nữ kia tâm sâu xa đã được thanh tịnh, dũng mãnh, cao tột, nên ta thọ ký cho người ấy được đạo quả Bồ Đề.

A Nan! Người này sau khi qua đời, sẽ chuyển được thân nữ thành thân nam, từ nay về sau trải qua chín mươi chín trăm ngàn vô số kiếp, sẽ được thành Phật hiệu là Cận Sự Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác, xuất hiện ở đời.

Này Tôn Giả A Nan! Do duyên cớ ấy nên biết, Đại Bồ Tát đã xa lìa sự trói buộc của ân ái, quyến thuộc, tất cả những phi pháp hoàn toàn không sinh hại.

Khi ấy, Đại Bồ Tát Quang Tụ Vương nghe Đức Phật Thế Tôn nói như vậy, liền từ trên hư không hạ xuống, đầu mặt đảnh lễ nơi chân Phật, rồi chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát đạt đủ phương tiện thiện xảo, trụ nơi hạnh đại bi luôn tạo được lợi ích.

Bạch Thế Tôn! Con cũng được hạnh này.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát có thể làm cho một chúng sinh phát khởi một căn lành, thì đối với các thứ sắc ái không phát sinh tâm tạo tội. Nếu như đã sinh khởi tội lỗi cấu uế tức phải ở trong trăm ngàn kiếp chịu khổ nơi địa ngục.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát ấy sinh tâm tạo tội chịu khổ nơi địa ngục, nên biết Bồ Tát này liền lìa bỏ chúng sinh đã phát khởi thiện căn, làm cho thiện căn không thể thành tựu.

Lúc đó, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Quang Tụ Vương: Lành thay! Lành thay! Đúng vậy! Này Bồ Tát! Đúng như lời ông nói. Nếu người trụ ở tâm đại bi thì có thể làm cho tất cả chúng sinh dứt trừ tất cả tội cấu uế.

Này Thiện Nam! ta nhớ vô số kiếp về thời quá khứ, có một Ma Noa Phược Ca nho đồng tên là Quang Minh, ở trong bốn vạn hai ngàn năm, tu giữ phạm hạnh, lìa các lỗi lầm. Quá bốn vạn hai ngàn năm rồi, vào một lúc nọ có việc cần nên đi vào một thành của Vua, tên là Thần Thông, gặp một người nữ tên là Già Thác, người nữ ấy thấy Ma Noa Phược Ca đẹp đẽ nên sinh tâm yêu thích, liền đến trước làm lễ.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Lúc ấy, đồng tử liền hỏi người nữ kia: Cô có điều gì mong cầu?

Người nữ đáp: Tôi muốn cùng làm vợ chồng với Ma Noa Phược Ca.

Ma Noa Phược Ca đáp: ta không sinh tưởng dục đối với người nữ.

Người nữ lại nói: Hôm nay, nếu tôi không được cùng với ông làm vợ chồng thì không lâu nữa tôi sẽ chết.

Khi ấy, Ma Noa Phược Ca liền suy nghĩ: ta ở trong bốn vạn hai ngàn năm, tu giữ phạm hạnh, không phạm giới cấm. Bây giờ, ta không nên làm việc ái nhiễm phi pháp. Vậy đối với người nữ này, ta nên xa lìa. Nghĩ rồi, liền đi cách xa người nữ bảy bước.

Quá bảy bước thì dừng lại một chút, phát sinh tâm đại bi với người nữ kia, nghĩ: Lúc này, ta nên phát tâm dũng mãnh. Nếu phạm giới cấm thì thà chịu khổ báo nơi địa ngục chứ không nên tránh xa, khiến cho cô ta bị chết.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! 

Lúc đó Ma Noa Phược Ca Quang Minh liền nắm tay người nữ Già Thác nói: ta sẽ tùy theo ý muốn của cô.

Khi nghe nói xong, người nữ rất vui mừng, thỏa mãn sự mong cầu nên không chết.

Ma Noa Phược Ca Quang Minh cùng với Già Thác làm vợ chồng trong mười hai năm. Quá mười hai năm, Ma Noa Phược Ca lại tinh tấn tu hành phạm hạnh. Sau khi chết sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Ma Noa Phược Ca Quang Minh thời ấy, chính là thân ta ngày nay. Người nữ Già Thác nay là Da Thâu Đà La.

Vì sao?

Vì lúc ấy, ta chỉ vì một niệm sinh tâm khởi đại bi rồi trở lại tu phạm hạnh, được sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên, do vậy trong mười ngàn kiếp ta phải thọ thân luân hồi, nhưng ta vẫn không sinh mệt mỏi, nhàm chán.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Có các chúng sinh không đủ phương tiện thiện xảo ở trong luân hồi chịu khổ nơi địa ngục. Bồ Tát nhờ đủ phương tiện thiện xảo, nên được sinh ở Cõi Trời Phạm Thiên.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Ví như các Tôn Giả Xá Lợi Tử, Mục Kiền Liên là Đại A La Hán, dù là trí tuệ thần thông bậc nhất trong các Thanh Văn, cũng chưa thể có đủ phương tiện thiện xảo.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Trong pháp của ta có một Bí Sô tên là Câu Ca Lê Câu, bị đọa nơi địa ngục, việc ấy là thế nào?

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Ta nhớ về đời quá khứ, trong pháp của Phật Câu Lưu Tôn có một Bí Sô tên là Vô Cấu. Khi ấy, Bí Sô này trụ nơi A Lan Nhã tu một mình tại hang núi. Cách chỗ đó không xa có mot vị Tiên Nhân đạt ngũ thông, tu tập ở riêng một chỗ.

Hôm ấy, bỗng có nhiều mây đen ùn ùn kéo đến, rồi mưa to trút xuống, lúc này người cận trụ nữ của vị Tiên Nhân ngũ thông kia đi đến chỗ ở của Bí Sô Vô Cấu muốn não hại để phá phạm hạnh của Bí Sô này.

Khi vị Tiên Nhân bước vào, Bí Sô vừa mới đi ra, vị Tiên Nhân thấy thế bèn sinh tâm tội lỗi, khinh chê hủy báng, liền suy nghĩ: Bí Sô Vô Cấu này đã thoái thất phạm hạnh, muốn lam việc phi pháp. Bí Sô Vô Cấu biết ý nghĩ của vị Tiên Nhân, liền bay lên hư không cao bảy cây Đa la.

Vị tiên thấy Bí Sô này ở trong hư không, nên nói: Tôi mang dao bén đến nơi hang này để phá phạm hạnh của ông.

Sao ông nay vẫn ở nơi hư không?

Tiên Nhân nói xong, Bí Sô liền từ hư không hạ xuống làm lễ Tiên Nhân, không bay lên nữa.

Trong khoảnh khắc, Tiên Nhân kia liền bị đọa vào địa ngục lớn.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Ý ông thế nào?

Bí Sô Vô Cấu thời ấy nay chính là Bồ Tát Từ Thị, còn Tiên Nhân ngũ thông nay chính là Bí Sô Câu Ca Lê Câu.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Do nhân duyên ấy, nên biết điều đó chẳng phải là cảnh giới của hàng nhị thừa, mà đều là nẻo hành theo phương tiện quyền xảo của Đại Bồ Tát có đủ trí tuệ.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Lại như ở đời có người Nga Ni Ca, biết đầy đủ sáu mươi bốn loại nghề. Người này ưa thích của báu, đến nơi nào cũng thi thố tài nghệ của mình nên tất cả vật dụng đều đạt được. Lấy được vật báu của mọi người rồi, sau lại quên đi, nên đều muốn từ bỏ. Đại Bồ Tát đạt đủ phương tiện thiện xảo cũng như vậy.

Đối với tất cả nơi chốn đều hiện bày phương tiện cứu độ chúng sinh, nơi mỗi mỗi chỗ hướng tới đối với các chúng sinh đều không có sự mong muốn giữ lấy. Thấy các chúng sinh đã có căn lành thì khuyên làm cho tăng thêm.

Do sức của căn lành đã tạo, khiến cho chúng sinh phát sinh được thắng hạnh. Bồ Tát cũng không có tham đắm, chấp trước, cho đến các việc đùa vui, dù là thuận làm nhưng rồi lìa bỏ, trong tâm không có sự trói buộc.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Lại như loại bàng sinh khác ở thế gian, thấy các thứ hoa đẹp đầy đủ sắc hương, đều không thể phát sinh ý nghĩ vui thích. Bồ Tát đạt đủ phương tiện thiện xảo cũng lại như vậy. Tuy thọ nhận tất cả các việc vui đùa nhưng chưa từng sinh một ý niệm ưa thích, không tự mình làm, không bảo người khác làm, không chấp trước gì cả.

Lại như gieo các hạt giống nơi ruộng đất phì nhiêu, chắc chắn là sinh được mầm cây, hoa quả. Đại Bồ Tát có đủ phương tiện thiện xảo cũng như vậy. Tu tập pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, chắc chắn là lìa bỏ các pháp nhiễm. Dù thọ nhận tất cả việc vui thích nhưng cũng không hủy hoại việc tu hành, được Phật khen ngợi, tán thán về chỗ thành tựu công đức.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Lại như người đánh cá ở đời, dùng lưới lớn giăng trong ao to, tùy theo ý muốn mà bắt được hết thảy cá, không để rớt xuống nước. Đại Bồ Tát có đủ phương tiện thiện xảo cũng lại như vậy.

Tu Pháp Môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, đã được sự hộ trì của tâm nhất thiết trí vững chắc, nên rốt ráo không còn rơi vào chốn bùn lầy sinh tử, ở bất cứ chỗ nào, thân này diệt rồi, đều sinh vào Cõi Trời Phạm Thiên.

Lại nữa, này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Lại như người trì minh chú, tu Pháp Môn Du Già Tất Địa, chịu buộc mình vào trong năm pháp trói buộc bí mật, theo chỗ tác pháp mà không vượt khỏi Tam Muội. Người này dùng năng lực của một câu đại minh chú, có thể dứt trừ được tat cả trói buộc, được an trụ trong hành môn bí mật, tuy ở trong trói buộc mà thường không lìa Tam Muội.

Đại Bồ Tát có đủ phương tiện thiện xảo cũng như vậy, ở trong cảnh của năm dục, vui vẻ thuận hành, tùy theo việc làm, không hủy hoại hạnh chân chánh. Bồ Tát này dùng năng lực sáng suốt của trí tuệ làm cho tất cả pháp nhiễm đều được thanh tịnh. Dù thọ cái vui năm dục nhưng thường an trụ nơi tâm nhất thiết trí, thường sinh vào Cõi Trời Phạm Thiên.

Này Bồ Tát Quang Tụ Vương! Lại như người giỏi sử dụng kiếm ở thế gian, đối với kiếm pháp đã thuần thục, tinh vi, người ấy một lúc nọ giấu kiếm bén, một mình đi qua vùng đồng trống vắng hiểm nạn. Trên đường bỗng gặp một người chỉ có một mình, không bè bạn, lại không có khí giới.

Người luyện kiếm thấy người ấy rồi nên thương xót, liền đến gần nói: Ông chỉ đi một mình, không bè bạn, lại không có khí giới thì sao có thể hộ vệ thân?

Ông hãy luôn đi với tôi cùng đến chỗ kia, tôi sẽ giúp đỡ hoàn toàn cho ông. Nói rồi cùng nhau đi tiếp, bỗng gặp bọn cướp. Khi đó, người cùng đi không biết người luyện kiếm trước đã giấu kiếm bén, thấy bọn cướp liền sinh sợ hãi.

Lúc ấy, người luyện kiếm rất dũng mãnh, không chút sợ sệt, liền rút kiếm ra đánh đuổi bọn cướp, đã tự giữ được thân, lại cứu giúp người đồng hành đều được an ổn qua nơi hiểm nạn.

Đại Bồ Tát đạt đủ phương tiện thiện xảo cũng như vậy, đã có thể tạo đầy đủ các thứ phương tiện, cầm gươm trí tuệ, tuy thuận hành vui chơi trong năm dục nhưng thân hoàn toàn không sinh các việc buông lung, có thể phòng giữ thân căn.

Giả như ở lúc khác, gặp ma phiền não, Bồ Tát cũng không bị loạn động, luôn mặc áo giáp tinh tấn, không sinh sợ hãi, dùng kiếm trí tuệ, chặt đứt lưới phiền não khiến được thanh tịnh. Bồ Tát thường sinh vào cõi Phật thanh tịnh.

Lúc đó, trong chúng hội có một Bồ Tát tên là Tác Ái, vào sáng sớm, vị ấy đi vào thành Xá Vệ khất thực, lần lượt đến nhà của một Trưởng Giả, đứng bên cửa nói lời xin. Trưởng Giả có người con gái tên là Thượng Tài, dung mạo đoan trang, được mọi người yêu mến.

Người con gái ấy nghe tiếng của Bồ Tát, liền mang thức ăn ra cúng dường. Trao thức ăn rồi, lại sinh tâm yêu mến Bồ Tát, đối với hình dáng và âm thanh của Bồ Tát, cô ta sinh tâm tham đắm, do nhân duyên này mà sinh tâm cấu nhiễm.

Bồ Tát Tác Ái biết được ý nghĩ của cô gái, bấy giờ không tác ý đối với pháp tham nhiễm, trong khoảnh khắc liền suy nghĩ: Nếu người sinh một tâm ý tham nhiễm là tội lỗi lớn.

Vì sao?

Ví đối với cô gái này ta yêu mến về điểm nào?

Nếu mắt của cô ta là đáng yêu thì mắt chỉ là cục thịt tròn, không sạch, vô thường, tan hoại, tự tánh là không thì yêu thích điều gì?

Nếu tai mũi lưỡi thân ý là đáng yêu thì các căn kia cũng như vậy, tự tánh đều là không, không có pháp thật, thì yêu thích ở điểm nào?

Từ đầu xuống chân, cho đến trong ngoài, ở giữa, mỗi mỗi đều quan sát hết thảy đúng như thật, trong đó không có chút pháp nào có thể thủ đắc. ta nay xem thấy đúng như thật như thế rồi, đối với tất cả pháp thảy đều không sở hữu. Vì pháp không có nên pháp không sinh. Lúc Bồ Tát suy nghĩ như vậy liền chứng được pháp nhẫn vô sinh.

Bồ Tát được được lợi ích, tâm rất vui mừng, liền ở chỗ ấy vọt bay lên hư không cao một cây Đa La, đi quanh bên phải thành Xá Vệ bảy vòng rồi ra khỏi thành ấy, nương hư không đến chỗ Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, thấy Bồ Tát Tác Ái với oai đức hiển bày như ngỗng chúa, theo hư không thông thả tự tại mà đến, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Này Tôn Giả A Nan! Ông thấy Bồ Tát Tác Ái từ hư không đến chăng?

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã thấy.

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông nên biết! Bồ Tát này đối với các pháp đã lìa tâm tham ái, chứng pháp vô sinh, hoàn toàn không chỗ thủ đắc nên có thể hàng phục tất cả quân ma, rộng vì chúng sinh chuyển bánh xe pháp.

Khi Phật nói xong, Bồ Tát đó liền trụ trên hư không, nghe Phật giảng nói pháp. Lúc này, Thượng Tài, con gái của Trưởng Giả đang ở trong nhà bỗng nhiên mạng chung được sinh vào Cõi Trời Ba Mươi Ba, chuyển tướng người nữ thành thân Thiên Tử. Lúc Thiên Tử sinh, có cung điện trang nghiêm đẹp đẽ bằng bảy báu đồng thời hiện ra, rộng dài đến mười hai do tuần. Lại có một vạn bốn ngàn Thiên Nữ quyến thuộc cùng sinh đồng thời.

Trong khoảnh khắc, các Thiên Nữ này suy nghĩ: Chúng ta có căn lành gì mà được sinh đến nơi này?

Họ liền biết đời trước ở nơi thành Xá Vệ có con gái của Trưởng Giả sinh tâm ái nhiễm với một vị Bồ Tát, do nhân duyên này, khi người ấy qua đời sinh vào Cõi Trời, chuyển tướng người nữ thành thân Thiên Tử, được vô lượng thần thông quả báo tốt đẹp. Chúng ta, do nhân duyên thù thắng của Thiên Tử ấy, nên cũng được sinh vào cõi này. Nghĩ vậy rồi nên hoan hỷ ở đấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần