Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bất Không, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP NHỮNG ĐIỀU
BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG HỎI PHẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bất Không, Đời Đường
PHẦN BẢY
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát hãy nên thọ trì tự tánh của các pháp mà chư Như Lai đã giác ngộ.
Thế nào la tự tánh của các pháp mà chư Như Lai đã giác ngộ?
Nghĩa là nhận biết rõ tự tánh của pháp thảy đều như huyễn, nên không có tướng thành tựu, đều như mộng nên không có tướng cảnh giới, đều như dợn nắng nên hoàn toàn không có tướng sinh, như bóng sáng nên không có tướng di động, cũng như ảnh tượng nên không có tướng của tự tánh.
Lại nhận biết tự tánh của không, rốt ráo như sương, biết tự tánh của vô tướng nên không còn phân biệt, biết tự tánh của vô nguyện nên tâm không trụ chấp, biết tự tánh của lìa dục nên xa lìa tất cả tham dục, biết tự tánh của vô vi nên vượt trên các tướng về số lượng.
Này thiện nam! Nói như vậy là để vì người khác mà phân biệt rõ ràng. Như Lai đã hiện chứng tự tánh của pháp ấy, nhưng tướng tánh của pháp kia cũng không thể nào diễn nêu.
Nếu muốn thọ trì tạng pháp của Chư Phật, Bồ Tát nên thấu rõ tự tánh của các pháp giống như Thế Tôn, rồi dùng ngôn ngữ văn tự, mà thuyết giảng pháp như vậy cho các chúng sinh. Đó là Bồ Tát có thể giữ gìn kho báu chánh pháp của Chư Phật.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát biết rõ hữu tình xưa nay vốn thanh tịnh mà làm cho họ được thành tựu đầy đủ?
Này thiện nam! Cảnh giới của chúng sinh xưa nay thường thanh tịnh, nhưng họ không thể đạt được bản tánh vốn có của mình. Nếu muốn làm cho chúng sinh được thành tựu đầy đủ, Bồ Tát nên biết rõ về nguồn gốc thanh tịnh của họ, lại nên nghĩ chúng sinh không có kiến chấp về ngã, không có kiến chấp về chúng sinh, về thọ mạng.
Lại nữa, chỗ nói về tên gọi của chúng sinh chỉ là do kiến chấp điên đảo, bị vô minh, ái dục trói buộc, phân biệt hư vọng về các phiền não, không hiểu biết đúng đắn về thật tánh. Bồ Tát nên đoạn trừ tất cả phiền não hư dối, điên đảo và nói pháp như vậy cho các chúng sinh, làm cho họ không bị mất bản tánh, khiến họ hiểu rõ về bản tánh không và giải thoát của mình. Bồ Tát nên làm cho chúng sinh được thành tựu đầy đủ như vậy.
Này thiện nam! Đó là Bồ Tát biết rõ chúng sinh xưa nay vốn thanh tịnh, mà làm cho họ được thành tựu đầy đủ.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tu tập Pháp Phật khế hợp đúng như lý?
Như lý tức là hợp với duyên sinh.
Vì sao?
Vì nhờ các nhân duyên như thế mà thọ nhận các quả báo như thế. Chẳng hạn như nhờ nhân bố thí mà đạt được quả là giàu có lớn.
Vì thế, Bồ Tát thực hành bố thí xong thì nên hồi hướng về trí nhất thiết trí để thành tựu viên mãn bố thí Ba la mật. Nhờ giữ giới là nhân để được sinh vào Cõi Trời, Người. Bồ Tát làm cho hết thảy các chúng sinh còn nhiễm ô về giới đều được an trú trong giới thanh tịnh. Làm như vậy xong, Bồ Tát cũng nên hồi hướng về trí nhất thiết trí để thành tựu hoàn hảo trì giới Ba la mật.
Thân, miệng, y được trang nghiêm là nhờ nhu hòa, nhẫn nhục. Bồ Tát thường thực hành tư lợi, lợi tha, không gây não hại là an trụ nơi nhẫn nhục. Hồi hướng về nhất thiết trí rồi, là Bồ Tát đã thành tựu trọn đủ nhẫn nhục Ba la mật. Có thể thâu tóm được tất cả Pháp Phật là nhờ tinh tấn.
Bồ Tát nên siêng năng dũng mãnh, chứa nhóm tất cả căn lành, thảy đều hồi hướng về trí nhất thiết trí rồi, tất được thành tựu trọn vẹn tinh tấn Ba la mật. Có tri kiến đúng đắn là nhờ vào thiền định. Vì mong cầu sự hiểu biết chân chánh mà Bồ Tát tu tập Xa ma tha làm hành trang. Hồi hướng trọn vẹn về trí nhất thiết trí rồi, Bồ Tát tất thành tựu đầy đủ thiền định Ba la mật.
Có trí tuệ lớn là nhờ học rộng, hiểu nhiều. Bồ Tát không chấp giữ vào những điều đã học hỏi. Hồi hướng về trí nhất thiết trí rồi, Bồ Tát tất thành tựu viên mãn trí tuệ Ba la mật. Đối với tất cả pháp lành như thế, Bồ Tát biết rõ về nhân như vậy nên dẫn đến quả như vậy. Đó là nhân duyên nơi tác ý đúng như lý.
Lại nữa, tác ý đúng như lý là gì?
Chẳng hạn như tác ý đúng như lý đối với ngã và tất cả các pháp, biết ngã và tất cả các pháp đều không có chủ tể, biết ngã và tất cả các pháp đều là không, là chỉ có giả danh. Bồ Tát tác ý đúng như lý như vậy nên đối với tất cả các pháp đều khế hợp bình đẳng, tức đạt đầy đủ hết thảy Pháp Phật.
Này thiện nam! Đó là Bồ Tát tu tập Pháp Phật khế hợp đúng như lý.
Này thiện nam! Thế nào là thần thông không thoái chuyển của Bồ Tát?
Nghĩa là Bồ Tát tự tại đối với tất cả các pháp.
Này thiện nam! Nếu có Sa Môn, Bà La Môn nào không từ bỏ kiến chấp về thân mà khởi thần thông thì các vị ấy liền bị thoái lui. Còn Bồ Tát đã phá trừ kiến chấp về thân và bỏ hết sáu mươi hai thứ tà kiến để thực hành thần thông nên gọi là đầy đủ trí tuệ, đầy đủ sự giác ngộ, bố thí, trì giới và thiền định, cũng gọi là thân tâm và trí tuệ đều hoàn toàn giải thoát.
Bên trong thì luôn tịch tĩnh, ngoài thì không hề tạo tác, tâm biết khắp tất cả, đạt được mọi mong cầu, khéo quyết định, lựa chọn, tuệ được thanh tịnh hoàn toàn, không còn phiền não nhơ uế, trí sáng suốt không còn bị che lấp, chứa nhóm hành trang về phước, về trí về thiền định chỉ và quán.
Nhờ dùng pháp bố thí và trì giới làm trang nghiêm, mặc áo giáp tinh tấn và nhẫn nhục, nương vào thiền định để tu tập trí tuệ, tùy thuận đại từ, an trú nơi tâm bi lớn, siêu việt ra ngoài phương tiện để thành tựu pháp như vậy, khởi hiện thần thông vi diệu, bay cao vô ngại, cho đến an tọa nơi Đạo Tràng Bồ Đề, nhờ thần thông nên tự tại đối với tất cả các pháp.
Hiện bày tất cả các sắc, nghe hết thảy mọi âm thanh, hiểu rõ tất cả tâm, nhớ nghĩ về vô lượng kiếp, đạt được tất cả các thần thông diệu dụng, đoạn trừ các lậu, cho đến tùy ý biến hóa đều được tự tại và không hề chịu sự chi phối của các pháp.
Này thiện nam! Đó là thần thông không thoái chuyển, tự tại đối với tất cả các pháp của Bồ Tát.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát hiểu rõ về nghĩa lý sâu xa của Pháp Phật mà hàng Thanh Văn, Duyên Giác rất khó lường xét.
Này thiện nam! Sâu xa là nghĩa lý của pháp duyên khởi. Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu bi khổ não, do tập làm nhân, lam duyên nên sinh ra khối lượng khổ lớn và khiến các chúng sinh mãi bị luân hồi, cấu nhiễm. Bồ Tát đối với pháp này biết rõ như vậy. Đó là nghĩa lý của pháp sinh.
Thế nào là ý nghĩa của nhân duyên diệt?
Nghĩa là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, ưu bi khổ não cũng diệt. Do nhân duyên diệt nên khối lượng khổ lớn diệt, khiến các chúng sinh đều được thanh tịnh. Đó là ý nghĩa của nhân duyên diệt.
Bồ Tát đối với y nghĩa ấy đã hiểu rõ như vậy. Đó là Bồ Tát hiểu rõ về nghĩa lý sâu xa của Phật Pháp, chẳng phải như các hàng Thanh Văn, Duyên Giác chỉ có thể đạt được thanh tịnh nơi cõi nhiễm ô. Ở trong cảnh giới của Chư Phật, Như Lai, nhờ diệu lực nơi oai thần của Chư Phật gia hộ, Bồ Tát có thể ở nơi đó mà giác ngộ từng phần. Lại nữa, ý nghĩa sâu xa còn gọi là thân. Thân thanh tịnh nên tất cả các pháp thanh tịnh.
Vì sao?
Vì muốn suy tìm về nguồn gốc của thân thì không thể nắm bắt được. Do không thể nắm bắt được nên gọi là sâu xa. Chư Phật không hề chấp thủ đối với ngã. Ngã vốn thanh tịnh, như ngã thanh tịnh nên tất cả các pháp cũng thanh tịnh.
Vì sao gọi là thanh tịnh?
Vì các pháp xưa nay không sinh nên cũng chẳng diệt, nên gọi là thanh tịnh. Lại nữa, không si ám, không sáng tỏ cũng chẳng có A lại da chứa giữ, là thắng nghĩa chân thật nên gọi là sâu xa. Không có nhãn diệt, không có ý diệt, cho đến không có cảnh giới. Không có cảnh giới tức là chân thật, là đệ nhất nghĩa đế tức là sâu xa. Cũng không có tâm ý chấp giữ.
Ý nghĩa thù thắng vì rất khó lường, khó thấy, nên không thể hiểu rõ. Tất cả các nghĩa lý sâu xa này của pháp cũng chỉ là giả danh, tùy thuận theo thế tục và vì các chúng sinh mà phân biệt hiển bày. Đó là Bồ Tát hiểu rõ về nghĩa lý sâu xa của Phật Pháp mà tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác khó có thể xét lường.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát có trí thiện xảo, thông đạt lý duyên khởi nên xa lìa tất cả biên kiến?
Này thiện nam! Duyên khởi là không có đối tượng được duyên chính là duyên khởi. Không co sự việc, không có thành tựu là duyên khởi. Vô thường, khổ, vô ngã, tịch tĩnh là duyên khởi.
Không ngã, không chúng sinh, không thọ mạng, không nuôi dưỡng, không có phàm phu, không có người, không nho đồng là duyên khởi. Không sinh, không khởi là duyên khởi. Không chỗ có, không công dụng, không, vô tướng, tịch tĩnh, không chốn tạo tác, không bàn luận cho nên gọi là pháp không hý luận. Sinh như vậy gọi là sinh, diệt như vậy gọi là diệt.
Lại nữa, không có ngã, không chúng sinh, không thọ mạng, không nuôi dưỡng, không phàm phu, không người, không nho đồng tức không có pháp nào có thể là duyên sinh. Đối với các pháp ấy, không có ngã, không có chủ tể. Ví như cỏ cây tường vách, hình ảnh tất cả pháp cũng như vậy.
Như khi các pháp bên ngoài được sinh ra thì cũng chẳng có sự sinh, khi diệt đi thì cũng chẳng có sự diệt. Pháp bên trong cũng thế, khi sinh ra cũng chẳng co sự sinh, khi diệt đi cũng không có sự diệt. Chỉ trừ pháp duyên khởi chỗ sinh là không thật thiếu duyên nên không diệt. Do khế hợp như vậy nên tất cả biên kiến đều được tiêu trừ.
Thế nào là biên kiến?
Biên kiến là chấp đoạn, chấp thường. Bồ Tát đối với pháp khi sinh chẳng thấy sinh, khi diệt chẳng thấy diệt, do không sinh không diệt nên đối với chỗ chấp đoạn, chấp thường tự nhiên thanh tịnh. Vì tự thanh tịnh nên đối với các biên kiến đều được thanh tịnh.
Này thiện nam! Đó là Bồ Tát có trí thiện xảo, thấu đạt lý duyên khởi nên xa lìa tất cả biên kiến.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát dùng ấn của Như Lai để ấn chứng pháp chân như, đạt trí tuệ thien xảo không gián đoạn?
Này thiện nam! Ấn của Như Lai tức là ấn không gián đoạn, không sinh, không chuyển dời, không chấp giữ, không lay động, không có đối tượng bị lay động. Tất cả hàng Trời, Người, A Tu La ở thế gian đều không thể làm cho lay động.
Vì sao?
Vì các hàng Trời, Người, A Tu La ở thế gian dùng ấn của họ để in dấu, còn ấn của Như Lai là ấn hoàn toàn không sinh, là ấn tánh không rốt ráo, là ấn trọn vẹn không có tướng, ấn hoàn toàn không nguyện, hoàn toàn không tạo tác, hoàn toàn xa lìa tham dục, ấn chân như rốt ráo, chân thật trọn vẹn, ấn hoàn toàn như hư không.
Này thiện nam! Ví như trong không trung, dấu ấn không thể hiện bày, ấn của Như Lai đối với năm mắt cũng không hiện bày tướng ánh sáng, chỉ dùng ấn tự tướng để ấn chứng.
Nên, cho đến Thế Tôn diễn nói tất cả các pháp cũng đều dùng ấn của Như Lai để ấn chứng các pháp ấy. Đó là sự nêu bày. Tat cả thức và cảnh giới nơi các pháp đều là pháp tạo tác, tuy có sự sắp đặt nhưng đối với các pháp ấy không hề có các tướng về sự sắp đặt. Bồ Tát dùng ấn chân như để ấn chứng không hề gián đoạn đối với các pháp.
Thế nào là gián đoạn đối với chân như?
Nếu phân biệt các pháp, thấy có thượng, trung, hạ gọi là gián đoạn. Nếu không phân biệt đối với các pháp, gọi là không gián đoạn. Lại nữa, nếu từ nhiều sự khác nhau mà sinh ra phân biệt thì pháp chân như cũng chẳng bị hư hoại và rối loạn.
Ví như chúng sinh có đi được trong hư không thì hư không cũng chẳng bị hư hoại. Như vậy, tất cả chúng sinh có tạo tác trong pháp chân như thì chân như ấy cũng không bị hư hoại. Đó là Bồ Tát dùng ấn Như Lai để ấn chứng pháp chân như, đạt trí tuệ thiện xảo không gián đoạn.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thâm nhập nơi nghĩa lý sâu xa của pháp giới?
Bồ Tát thấy tất cả pháp và các pháp giới đều cùng khắp, đều cùng một tánh bình đẳng. Pháp giới cũng gọi là cảnh giới lìa dục vì lìa hết mọi trần cảnh. Cũng gọi là cõi chúng sinh vì không có chứa nhóm, gọi là cõi không chống trái vì vốn không sinh, gọi là cõi không đi vì không gì làm tương quan.
Là cõi không đến vì không gì làm ngăn ngại, là cõi không trụ vì không có sinh khởi, là cõi như như vì ba đời đều bình đẳng, là cõi vô ngã vì xưa nay luôn thanh tịnh, là cõi không thọ giả do nghĩa lý sâu xa vượt hẳn thế tục, là cõi không phân biệt vì không có chỗ trụ.
Là cõi không có A lại da vì không nhiễm ô, là cõi không sinh khởi vì tánh thường quyết định, là cõi như hư không vì tánh nó thanh tịnh, là cõi như Niết Bàn vì không có hý luận. Đó gọi là thâm nhập nơi nghĩa lý của pháp giới.
Nếu Bồ Tát vào sâu nghĩa lý ấy thì mọi lời giảng nói đều cùng với nghĩa lý của pháp giới bao trùm khắp. Vì thế liền biết Cõi Dục và pháp giới là không hai, không khác. Lại nữa, pháp giới nơi tánh của tham dục, pháp giới nơi tánh của sân là không hai.
Tánh của sân hận, tánh của si mê và pháp giới là không khác. Tánh của si, tánh của phiền não và pháp giới là không hai. Tánh của phiền não, tánh của Cõi Dục và pháp giới là không khác. Tánh của Cõi Dục, tánh của Cõi Sắc và pháp giới là không hai. Tánh của Cõi Sắc, tánh của Cõi Vô Sắc và pháp giới là không khác. Tánh của Cõi Vô Sắc, tánh không và pháp giới là không hai.
Tánh của không, tánh của nhãn giới và pháp giới là không khác. Tánh của nhãn giới, tánh của sắc và pháp giới là không hai. Tánh của sắc, tánh của nhãn thức giới và pháp giới là không khác. Tánh của nhãn thức giới, cho đến tánh của ý giới và pháp giới là không khác. Tánh của ý giới, ý thức giới và pháp giới là không khác. Tánh của ý thức giới, uẩn giới và pháp giới là không hai.
Tánh của uẩn giới, địa, thủy, hỏa, phong giới và pháp giới là không khác cho đến uẩn, hành của tám vạn bốn ngàn pháp, tất cả các pháp và pháp giới đều là không hai, không khác. Nếu Bồ Tát dùng trí bình đẳng nhập vào pháp giới với tánh của tất cả pháp như thế thì sẽ thấy ý nghĩa nơi tánh bình đẳng của tất cả các pháp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba