Phật Thuyết Kinh đại Tập Pháp Môn - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI TẬP PHÁP MÔN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thi Hộ, Đời Tống
PHẦN HAI
Lại nữa, có Bốn tâm vô lượng do Phật giảng nói là: Nếu có thầy Tỳ Kheo phát khởi tâm từ, trước ở phương Đông thực hành hạnh từ. Ở các phương Nam, Tây, Bắc bốn phía trên dưới cũng thực hành hạnh từ, như vậy, phát khởi lòng từ ở tất cả mọi nơi, khắp cả Thế Giới, với tất cả chủng loại chúng sanh rộng lớn vô lượng không có giới hạn, cũng không phân biệt giới hạn. Đó gọi là tâm từ vô lượng.
Ba pháp bi, hỷ, xả cũng lại như vậy. Đây gọi là Bốn tâm vô lượng.
Lại nữa, có bốn định Vô Sắc do Phật giảng nói là: Nếu có thầy Tỳ Kheo lìa tất cả cảnh sắc, không đối đãi, không ngăn ngại mà cũng không có tác ý, quán hư không là vô biên. Hành tướng của quán này gọi là định Không vô biên xứ.
Lại lìa Không xứ, không còn quán sát, chỉ quán sát thức là vô biên. Hành tướng của pháp quán này gọi là định Thức vô biên xứ.
Lại lìa Thức xứ, không còn quán sát, chỉ quán tất cả đều không thật có. Hành tướng của pháp quán này gọi là định Vô sở hữu xứ.
Lìa hành tướng của Vô sở hữu xứ, gọi là định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy gọi là bốn định vô sắc.
Lại nữa, có bốn trí do Phật giảng nói là pháp trí, vô sanh trí, đẳng trí, và tha tâm trí.
Lại nữa, có bốn an trú do Phật giảng nói là an trú nơi tất cả hạnh, an trú nơi hạnh xả, an trú nơi hạnh vắng lặng và an trú nơi hạnh trí tuệ.
Lại nữa, có bốn Thánh đế do Phật giảng nói là Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về sự diệt trừ khổ và Thánh đế về con đường tu tập để diệt khổ.
Lại nữa, có bốn thứ bố thí thanh tịnh do Phật giảng nói:
Có bố thí, người bố thí thanh tịnh, vì chẳng thấy có người thọ.
Hoặc có bố thí, người thọ nhận thanh tịnh, vì chẳng thấy có người thí.
Hoặc có bố thí, chẳng thấy có người thí, cũng chẳng thấy có người thọ nhận, nghĩa là bố thí thanh tịnh.
Hoặc có bố thí, người thí và người thọ nhận cả hai đều thanh tịnh.
Lại có bốn loại sanh, do Phật giảng nói là sanh từ thai, sanh từ trứng, sanh từ chỗ ẩm thấp và sanh từ sự biến hóa.
Lại nữa, có bốn việc trong thai mẹ, do Phật giảng nói là:
Có thể biết rõ việc vào thai mẹ, việc trú trong thai mẹ và việc ra khỏi thai mẹ. Đây gọi là việc thứ nhất trong thai mẹ.
Có thể biết rõ việc vào thai mẹ, việc trú trong thai mẹ, không thể biết rõ việc ra khỏi thai mẹ. Đây gọi là việc thứ hai trong thai mẹ.
Có thể biết rõ việc vào thai mẹ, không thể biết rõ việc trú trong thai mẹ và việc ra khỏi thai mẹ. Đây gọi là việc thứ ba trong thai mẹ. Không thể biết rõ việc vào thai mẹ, việc trú trong thai mẹ và việc ra khỏi thai mẹ. Đây gọi là việc thứ tư trong thai mẹ. Như vậy gọi là bốn việc trong thai mẹ.
Lại nữa, có bốn chỗ trú của thức do Phật giảng nói là:
Do sắc, thức sanh. Do sắc, thức duyên. Do sắc, thức trú. Hoan hỷ hành động tăng trưởng rộng lớn là chỗ trú của thức.
Do thọ, thức sanh. Do thọ, thức duyên. Do thọ, thức trú. Hoan hỷ hành động tăng trưởng rộng lớn là chỗ trú của thức.
Do tưởng, thức sanh. Do tưởng, thức duyên. Do tưởng, thức trú. Hoan hỷ hành động tăng trưởng rộng lớn là chỗ trú của thức.
Do hành, thức sanh. Do hành, thức duyên. Do hành, thức trú.
Hoan hỷ hành động tăng trưởng rộng lớn là chỗ trú của thức. Như vậy gọi là bốn chỗ trú của thức.
Lại nữa, có bốn pháp cú do Đức Phật giảng nói là:
Pháp cú thần thông.
Pháp cú lìa sân hận.
Pháp cú bình đẳng.
Pháp cú Tam Ma Địa bình đẳng.
Lại nữa, có bốn pháp Sa ma na tương do Đức Phật giảng nói là:
Nếu hiện tại vui, đây là quả báo khổ.
Nếu hiện tại khổ, đây cũng là quả báo khổ.
Nếu hiện tại khổ, đây là quả báo vui.
Nếu hiện tại vui, đây cũng là quả báo vui.
Đây gọi là bốn pháp Sa ma na tương.
Lại nữa, có bốn hướng tâm do Đức Phật giảng nói là: Vô tâm, nhẫn nhẫn, điều phục và tịch tĩnh.
Lại nữa, có bốn con đường dùng thần thông do Đức Phật giảng nói là:
Dùng thần thông trì hoãn nỗi khổ.
Dùng thần thông qua nhanh nỗi khổ.
Dùng thần thông trì hoãn niềm vui.
Dùng thần thông qua nhanh niềm vui.
Lại nữa, có bốn Dự lưu thân do Đức Phật giảng nói là:
Có một hạng Dự lưu, đối với Đức Như Lai tín tâm không mất, không phỉ báng Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Người, Ma, Phạm, biết rõ pháp thế gian.
Có một hạng Dự lưu, tâm được thanh tịnh, chứng được pháp Phật, thấy chân chánh, hành chân chánh, tất cả đều biết rõ pháp tu hành của mình.
Có một hạng Dự lưu, tâm sanh an vui, thấy người tại gia và hàng xuất gia, người trì giới thanh tịnh tâm sanh tôn kính.
Có một hạng Dự lưu, tự tu hành tịnh giới, đầy đủ không mất, trí tuệ thông minh, lanh lợi, hình tướng khéo vắng lặng.
Như vậy gọi là bốn Dự lưu thân.
Lại nữa, có bốn quả Sa Môn do Đức Phật giảng nói là quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm và quả A La Hán.
Lại nữa, có bốn chấp thủ do Đức Phật giảng nói là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã ngữ thủ.
Lại nữa, có bốn tưởng Tam Ma Địa do Đức Phật giảng nói là:
Nếu có thấy pháp được vui, tu hành chuyển đổi, đây là tưởng Tam Ma Địa.
Nếu có tri kiến chuyển đổi, đây là tưởng Tam Ma Địa.
Nếu có trí tuệ phân biệt để chuyển đổi, đây là tưởng Tam Ma Địa.
Nếu có thân được dứt sạch lậu chuyển đổi, đây là tưởng Tam Ma Địa.
Lại nữa, có bốn lực do Đức Phật giảng nói là tuệ lực, tinh tấn lực, vô ngại lực, và nhiếp lực.
Lại nữa, có bốn Bổ Đặc Già La do Đức Phật giảng nói là:
Có Bổ Đặc Già La: Ta có thể tu hành, ta trì giới, ta như pháp tương ưng, chẳng phải người khác có thể tu hành, chẳng phải người khác trì giới, chẳng phải người khác như pháp tương ưng.
Có Bổ Đặc Già La: Người khác có thể tu hành, người khác trì giới, người khác như pháp tương ưng, chẳng phải ta có thể tu hành, chẳng phải ta trì giới, chẳng phải ta như pháp tương ưng.
Có Bổ Đặc Già La: Ta có thể tu hành, người khác cũng hay tu hành. Ta trì giới, người khác cũng trì giới. Ta như pháp tương ưng, người khác cũng như pháp tương ưng.
Có Bổ Đặc Già La: Ta không thể tu hành, người khác cũng không thể tu hành. Ta không trì giới, người khác cũng không trì giới. Ta không như pháp tương ưng, người khác cũng không như pháp tương ưng.
Như vậy gọi là bốn Bổ Đặc Già La.
Lại nữa, có bốn việc tùy chúng do Đức Phật giảng nói là cùng chúng đồng một chỗ ở, cùng chúng đồng ăn uống, cùng chúng đồng sám hối và cùng chúng đồng thọ dụng.
Lại nữa, có bốn chuyển vận lớn do Đức Phật giảng nói là khéo giảng nói diệu pháp, nương tựa bậc chân chánh, tâm nguyện bình đẳng và trước tu hành trí tuệ.
Lại nữa, có bốn nhiếp pháp do Đức Phật giảng nói là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Lại nữa, có bốn sự hiểu biết thông suốt do Đức Phật giảng nói là hiểu biết thông suốt về ý nghĩa, hiểu biết thông suốt về pháp, hiểu biết thông suốt về sự ưa thích giảng nói và hiểu biết thông suốt về biện tài.
Lại nữa, có bốn phiền não do Đức Phật giảng nói là phiền não do tham dục, phiền não do chấp có, phiền não do kiến chấp và phiền não do vô minh.
Lại nữa, có bốn hành do Đức Phật giảng nói là hành động tham dục, hành động chấp có, hành động kiến chấp và hành động do vô minh.
Lại nữa, có bốn kết tụ nơi thân do Đức Phật giảng nói là vô minh kết tụ nơi thân, sân hận kết tụ nơi thân, giới cấm thủ kết tụ nơi thân và tất cả chấp trước kết tụ nơi thân.
Lại nữa, có bốn việc sanh ra tham muốn do Đức Phật giảng nói là:
Có Tỳ Kheo nhân nơi y phục mà sanh tâm mến thích. Do tâm mến thích sanh khởi nên liền sanh chấp trước.
Có Tỳ Kheo nhân nơi ăn uống mà sanh tâm ưa thích. Tâm ưa thích sanh khởi nên liền sanh chấp trước.
Có Tỳ Kheo nhân ngồi trên đồ nằm mà sanh tâm mến thích. Do tâm mến thích sanh khởi nên liền sanh chấp trước.
Có Tỳ Kheo nhân nơi các thứ thọ dụng sanh tâm mến thích. Tâm mến thích sanh khởi nên liền sanh chấp trước.
Đây gọi là bốn việc sanh ra tham muốn.
Lại nữa, có bốn cách ăn do Đức Phật giảng nói là đoàn thực, xúc thực, tư thực và thức thực.
Lại nữa, có bốn việc không cần phòng hộ do Đức Phật giảng nói là:
Như Lai không phòng hộ thân nghiệp, thân vẫn xa lìa các lỗi lầm.
Như Lai không phòng hộ ngữ nghiệp, ngôn ngữ vẫn xa lìa các lỗi lầm.
Như Lai không phòng hộ ý nghiệp, ý vẫn xa lìa các lỗi lầm.
Như Lai không phòng hộ thọ mạng, mạng vẫn không tổn giảm.
Lại nữa, có bốn thứ điên đảo do Đức Phật giảng nói là:
Vô thường cho là thường, vì vậy sanh khởi tư tưởng điên đảo, tâm điên đảo, nhận thức điên đảo.
Lấy khổ cho là vui, vì vậy sanh khởi tư tưởng, tâm và nhận thức điên đảo.
Vô ngã cho là ngã, vì vậy sanh khởi tư tưởng, tâm và nhận thức điên đảo.
Bất tịnh cho là tịnh, vì vậy sanh khởi tư tưởng, tâm và nhận thức điên đảo.
Như thế gọi là bốn thứ điên đảo.
Lại nữa, có bốn ngôn ngữ xấu ác do Đức Phật giảng nói là nói dối, nói lời trau chuốt, nói hai lưỡi và nói lời thô ác.
Lại nữa, có bốn ngôn ngữ hiền thiện do Đức Phật giảng nói là lời nói như thật, lời nói ngay thẳng thật thà, lời nói không hai lưỡi và lời nói dựa theo pháp.
Lại nữa, có bốn thứ chẳng phải hạnh A Duệ La do Đức Phật giảng nói là:
Không thấy nói thấy.
Không nghe nói nghe.
Không nhớ nói nhớ.
Không biết nói biết.
Lại nữa, có bốn hạnh A Duệ La do Đức Phật giảng nói là:
Thật thấy nói thấy.
Thật nghe nói nghe.
Không bị thất niệm, nói là ghi nhớ.
Thật biết nói biết.
Lại nữa, có bốn điều ghi nhớ do Đức Phật giảng nói là:
Một mực ghi nhớ.
Phân biệt để ghi nhớ.
Hỏi ngược lại để ghi nhớ.
Yên lặng để ghi nhớ.
Những pháp như vậy, do Đức Phật có lòng từ bi thương xót, rộng vì chúng sanh giảng nói đúng như lý, khiến chúng sanh theo đúng như lời dạy tu tập, thực hành các hạnh thanh tịnh, đem lại lợi ích, an vui cho hàng Trời, Người trong khắp thế gian.
Lại nữa, các Tỳ Kheo nên biết, có năm thủ uẩn do Đức Phật giảng nói là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn.
Lại nữa, có năm tham muốn do Đức Phật giảng nói là: Mắt thấy sắc, tâm ham muốn vui thích, do tâm vui thích nên chấp trước sắc trần.
Tai nghe tiếng…
Mũi ngửi mùi thơm…
Lưỡi nếm rõ vị…
Thân có cảm giác nơi xúc… cũng lại như vậy.
Lại nữa, có năm điều chướng ngại do Đức Phật giảng nói là:
Chướng ngại vì lòng ưa muốn.
Chướng ngại vì sân hận.
Chướng ngại vì ngủ nghỉ.
Chướng ngại vì làm ác.
Chướng ngại vì nghi hoặc.
Lại nữa, có năm phần phiền não câu kết do Đức Phật giảng nói là:
Phần phiền não do ưa muốn câu kết.
Phần phiền não do sân hận câu kết.
Phần phiền não do thân kiến câu kết.
Phần phiền não do giới cấm thủ câu kết.
Phần phiền não do nghi hoặc câu kết.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Khen Ngợi Công đức Của Chư Phật - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy - Phẩm Hồi Hướng
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Tám - Phẩm Vô Sở đắc - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Ba Mươi Bảy - Tăng Trưởng - Tập Bốn