Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Hai - Phẩm Mười Ba La Mật - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM HAI

PHẨM MƯỜI BA LA MẬT  

TẬP BA  

Thiện nam! Như vậy Bồ Tát hoàn thiện đầy đủ mười pháp tinh tấn Ba la mật.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đầy đủ mười pháp thiền định Ba la mật viên mãn.

Những gì là mười?

1. Phước đức trợ giúp.

2. Khởi nhiều tưởng chán lìa.

3. Dũng mãnh tinh tấn.

4. Đầy đủ đa văn.

5. Tâm không điên đảo.

6. Tương ưng với lời giáo huấn.

7. Như pháp tu hành.

8. Tự tánh là lợi căn.

9. Thông hiểu tâm địa.

10. Thông tỏ về Xa Ma Tha, Tỳ Bà Xá Na, không có ý dừng nghĩ.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát phước đức trợ giúp?

Đối với pháp Đại Thừa, Đại Bồ Tát đã từng trồng sâu gốc đức. Sinh tử lưu chuyển bất cứ nơi đâu, Bồ Tát cũng được các hàng tri thức thiện thâu nhận, tùy nguyện thọ sinh, hoặc nơi nhà thuộc tộc họ phú quý, hoặc nơi đại gia cư sĩ, hoặc nơi nhà tín lạc. Ý đã muốn thọ sinh nơi ấy, liền tạo nhân duyên của nghiệp ấy, khiến được sinh đến nơi chốn ấy, đời đời kiếp kiếp luôn được gặp, gần gũi tri thức thiện chân chánh.

Thế nào là tri thức thiện chân chánh?

Nghĩa là các Đức Phật và Bồ Tát, làm cho nhân duyên của sự tu tập nghiệp thiện, có từ đời trước được tăng trưởng.

Bồ Tát thường nghĩ: Thế gian khổ lụy, thế gian thống khổ! Hết thảy thế gian đều không an ổn, từ lâu vướng phải trọng bệnh là vô minh si ám.

Vì sao?

Vì nhân duyên của dục. Do đó, nay đối với thế gian khốn ách như vậy, ta không nên cầu thọ năm dục, xét dục chỉ là vọng tưởng, điên đảo, ở trong ba khổ lầm sinh tưởng cho làm lạc.

Do vậy, trong các Kinh, Như Lai nói đủ các loại nhân duyên của dâm dục, gây nhiều tội lỗi, cần phải dứt sạch. Vì vậy mà nói dâm dục như cách nướng thịt, thịt quay bị cháy đều. Như lưỡi tham liếm vị hư giả trên dao bén nhọn. Như đầu rắn độc đủ bốn loại độc. Như heo trong chuồng hôi thối bất tịnh.

Như chó ngu si gặm xương khô, miệng tiết ra dịch vị, cho đó là ngon. Cũng như khỉ, vượn bị dính chặt vào keo. Do vậy, Bồ Tát phải nên nhàm chán, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, như pháp xuất gia ở trong chánh pháp, sống nơi không nhà, mến mộ tinh tấn.

Chưa đắc làm cho đắc, chưa chứng khiến cho chứng, chưa đến khiến được đến. Vì nhân duyên này mà chọn lấy ba tuệ. Đối với thế đế và đệ nhất nghĩa đế đã được nêu giảng cần thông hiểu lý thâm diệu của nhị đế. Luôn tùy theo sự giáo huấn, lìa các điên đảo, tu hành như pháp.

Thế nào gọi là tu hành như pháp?

Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Do có khả năng thông đạt đạo đế nên thành tựu lợi căn, thấu rõ về các căn, ưa thích tịch tĩnh, lìa bỏ hết thảy đồ chúng hỗn tạp, huyên náo, đa ngôn, dâm, nộ, si… tất cả ác kiến. Hoàn toàn lìa xa, mọi kiến chấp, bà con, lợi dưỡng, thanh danh khiến thân tâm an vui, điều hòa, thuận hợp.

Lại tư duy quán sát tâm này, sự hoạt động của nó như thế nào là pháp thiện, pháp bất thiện, pháp vô ký?

Nếu làm việc thiện làm sinh hoan hỷ. Nếu sinh giác dục gọi là bất thiện.

Dục có ba loại là thượng, trung, hạ.

Thế nào là dục bậc thượng?

Đó là dục hiện bày khắp thân ăn sâu trong tâm làm mê loạn điên cuồng, chẳng thể tu hạnh nhân duyên của xa lìa, vì bị đắm nhiễm.

Vì sao đắm nhiễm?

Vì người ấy chẳng thể sinh tâm hổ thẹn trọn vẹn, nên tuy ở một mình nơi vắng vẻ nhưng vẫn nhớ nghĩ tới việc ấy, không lúc nào quên. Khởi quán giác ác quả quyết rằng dâm dục là hơn hết, ca vịnh, tán thán, vọng tưởng điên đảo, cho là việc hay tốt. Như khỉ, vượn ngu si, thấy trăng trong nước liền muốn chộp bắt, chẳng biết thấy như vậy là lầm, không có tâm hổ thẹn.

Do nhân duyên là dục nên có thể tranh giành cùng với cha mẹ, tôn trưởng, chẳng kiên nể thân sơ. Phàm phu ngu si mê say ái nhiễm, chẳng thể xả bỏ nhân duyên dục nên chết rồi bị đọa vào địa ngục, súc sanh, thọ các khổ báo. Đây gọi là dục bậc thượng.

Thế nào là dục bậc trung?

Như người tập hành động, gần gũi sự dâm dục, trước chưa giao tiếp, chỉ mới chuẩn bị, việc ấy đang diễn tiến nửa chừng liền sinh tâm hổ thẹn chán bỏ, biết dục là bất thiện, tự hối hận quở trách. Đây gọi là dục bậc trung.

Thế nào là dục bậc hạ?

Như gặp nhân duyên dục thì nắm tay, xúc chạm, nói chuyện, mắt nhìn có tình ý. Đây gọi là dục bậc hạ. Cho đến nói rộng về dâm dục, thì ngay cả việc trang điểm nơi thân thể, hoặc ái luyến về thọ mạng cùng các tài sản hay sinh tham đắm, tất cả đều là dâm dục.

Thế nào gọi là sân?

Sân cũng có ba loại: Thượng, trung, hạ.

Sân bậc thượng là hay sinh tâm phẫn hận, oán thù, hung hăng, ác độc, ganh ghét, có thể gây tạo đủ năm trọng tội vô gián, hoặc hủy báng chánh pháp. Do hủy báng chánh pháp nên bị trọng tội, năm tội ngũ nghịch trước không bằng một phần, cho đến chẳng thể lấy gì để tính đếm nếu ví dụ.

Do nhân duyên này nên khi chết bị đọa vào đại địa ngục, thọ các quả báo khổ, mãi mãi không ngừng trong vô lượng kiếp. Sau đó được sinh làm người, ánh mắt đỏ kè, tánh tình hung hăng, dối trá, bạo ngược, nói lời hung dữ, sinh nơi nhà hạ tiện, nhà Chiên Đà La. Vì nhân duyên này nên bị sinh tử lưu chuyển không có kỳ hạn vượt thoát. Đây gọi là sân bậc thượng.

Thế nào là sân bậc trung?

Người tuy phát khởi sân, tạo các nghiệp ác nhưng liền sinh tâm hối cải, phát lồ sửa đổi tội vừa mới tạo, sớm tu pháp đối trị. Đây gọi là sân bậc trung.

Thế nào là sân bậc hạ?

Đương lúc sân phát khởi, nói lời thô ác, không ái ngữ, hoặc nhìn một cách hờn giận. Tuy tạo nghiệp bất thiện, nhưng không sân lâu, chỉ trong một niệm sớm biết tu tập pháp đối trị. Đây gọi là sân bậc hạ.

Si cũng có ba loại: Thượng, trung, hạ.

Thế nào là si bậc thượng?

Như trước đã nói, những việc làm như vậy là mê hoặc, ngu si. Vậy mà không lo buồn, không biết hối cải. Đây gọi là si bậc thượng.

Thế nào là si bậc trung?

Trong lúc bất giác tạo các nghiệp ác, liền sớm hối cải, biết tội đã phạm chẳng ích lợi nên đối trước bạn đồng học phát lồ sám hối, chẳng dám che đậy. Đây gọi là si bậc trung.

Thế nào là si bậc hạ?

Đối với giới đã thọ, giả như bị phạm hoặc hai, ba giới đều là tội khai chế, chứ trọn chẳng dám phạm tánh trọng giới. Đây gọi là si bậc hạ.

Trong đây, Bồ Tát khéo dùng phương tiện thiện xảo chế ngự tâm mình, chớ để tạo tội. Chế ngự tâm như vậy làm cho nhân duyên của dâm dục trói buộc không còn sinh lại.

Vì sao?

Vì khéo hàng phục tâm như thế nên tâm như vô ký. Khi ấy ức niệm chuyên chú quán sát khiến cho tánh tâm ấy cùng thiện tương ứng.

Thế nào gọi là tâm vô ký?

Tâm này chẳng phân tán theo bên ngoài, chẳng trụ ở trong, chẳng trụ nơi thiện, cũng chẳng trụ nơi bất thiện, chẳng thuộc định, chẳng thuộc quán, chẳng thể thu nhiếp để được tịch tĩnh. Tâm này bị sự mê ngủ bức bách, khiến rơi vào trạng thái gần như hôn mê. Như người ngủ mới dậy, sự ngái ngủ chưa tan nên tâm không rõ biết.

Khi ấy, Bồ Tát dùng phương tiện chế phục tâm ấy, làm cho phát khởi sự hoan hỷ, an trụ nơi thiền định. Như vậy là Bồ Tát khéo giải được tâm này. Sau khi giải tâm này rồi, Bồ Tát quán sát các pháp như mộng huyễn, đây là pháp bất thiện, đây là pháp xuất ly, đây là pháp không xuất ly…

Quán như vậy rồi, Bồ Tát biết các pháp này đều nương nơi tâm, do tâm sinh ra, tâm là ông chủ. Nếu có thể điều phục, thu nhiếp, tâm được ngưng bặt, hoặc thông đạt được tánh của tâm thì có khả năng thâu hóa được tất cả các pháp, có khả năng điều phục tất cả các pháp, có khả năng thông đạt tấc cả các pháp.

Nếu thấy tất cả các pháp như vậy thì có khả năng tu tâm, dùng tâm buộc tâm, khiến được an tĩnh. Nếu tâm tánh loạn, liền phải chế ngự, khiến tâm an tĩnh trên tâm. Nếu tâm tương ưng với sự tịch tĩnh như vậy, gọi là nhất tâm.

Được nhất tâm rồi, tức nhập vào định. Được nhập định rồi, tịch tĩnh sinh ra một hướng hoan hỷ. Tâm đã hoan hỷ, tham dục liền diệt. Sau khi tham dục diệt thì tất cả pháp bất thiện cũng diệt theo. Có giác, có quán, tịch tĩnh phát sinh, đắc hoan hỷ lạc, nhập định sơ thiền. Khi ấy vì diệt trừ giác quán nên Bồ Tát cần hành tinh tấn, không nhiễm chấp nơi hương vị của hoan hỷ lạc.

Vì sao?

Vì nó vô thường. Chuyển tâm hành nơi Sơ Thiền, lìa sự giác quán, tâm không nhiễm vướng. Không giác không quán, tam muội phát sinh, đắc hoan hỷ lạc, nhập Đệ Nhị Thiền. Bấy giờ, thấy sự an lạc này, Bồ Tát quyết cho là khổ.

Vì sao?

Vì thuộc về ba khổ. Khi ấy Bồ Tát trụ vào tâm xả. Trụ vào tâm xả rồi Bồ Tát nhớ nghĩ chân chánh, rõ biết thân đang thọ lạc. Tất cả Thánh Nhân gọi lạc này là xả. Ức niệm trụ lạc, nhập Đệ Tam Thiền.

Khi đó, vì thấy Đệ tam thiền chưa rốt ráo, nên Bồ Tát cầu Tứ Thiền, liền khiến tâm ấy nhập vào Tứ Thiền, làm cho các ngã kiến đều hồi chuyển. Lạc cũng diệt theo, các khổ cũng diệt. Khổ, lạc diệt, nên vui buồn từ trước đến nay cũng diệt. Không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập Đệ tứ thiền.

Lại khởi quán hành, tự thấy thân cùng với hư không chỉ là một tướng. Quán như vậy rồi thì hoàn toàn siêu việt mọi sắc tướng, không còn tưởng ngăn ngại.

Vì sao?

Vì đã vượt qua được sắc tưởng nên không còn chướng ngại. Đối với tất cả tưởng chỉ thấy vô ngại, vô biên như hư không, nên liền nhập vào hư không vô biên. Khi đó, lại thấy thức tương ưng cùng với hư không vô biên nên tự cho thức đây không có biên vực liền nhập vào thức vô biên. Vượt qua thức ấy rồi, trong đó chỉ còn cái tâm vô tướng. Tất cả các hành diệt, không còn công dụng của tâm. Đậy gọi là diệt.

Tâm như vậy diệt, Bồ Tát phải nên biết nhập định trở lại, tấn tu không ngừng nghĩ. Lúc này khởi lòng từ tương ưng cùng tâm ấy, đầy đủ như trước đã nói, cho đến tu chứng đắc sáu thông tự tại, ở đây cũng lại tinh tấn không ngừng, cần cầu tu viên mãn pháp hạnh bồ đề.

Thiện nam! Như vậy là Bồ Tát đầy đủ mười pháp Thiền Ba la mật.

Này thiện nam! Bồ Tát lại có đầy đủ mười pháp bát nhã Ba la mật.

Những gì là mười?

1. Thông hiểu chân lý vô ngã.

2. Thông hiểu quả báo của các nghiệp.

3. Thông hiểu pháp hữu vi.

4. Thông hiểu sự sinh tử tương tục.

5. Thông hiểu sự sinh tử không tương tục.

6. Thông hiểu đạo Thanh Văn, Bích Chi Phật.

7. Thông hiểu đạo đại thừa.

8. Thông hiểu pháp xa lìa nghiệp ma.

9. Trí tuệ không điên đảo.

10. Trí tuệ không ai bằng.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu chân lý vô ngã?

Này thiện nam! Đại Bồ Tát khéo dùng chánh tuệ quan sát sắc ấm, cho đến khéo quan sát thọ, tưởng, hành thức. Quan sát như vậy chẳng thấy sắc sinh, chẳng thấy sắc tập, chẳng thấy sắc diệt. Cho đến đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng không thấy sinh, cũng không thấy tập, cũng không thấy diệt.

Vì sao?

Vì bản chất thật của nó là vậy, chẳng do thế tục chỉ là giả danh. Tánh chân thật ấy cùng tánh thế tục, hai loại tánh này văn tự, chương cú chẳng thể diễn nói. Do nhân duyên này nên tinh tấn không ngừng, như cứu lửa cháy đầu. Tinh tấn dũng mãnh làm lợi ích cho chúng sinh. Đây là Bồ Tát thông hiểu chân lý vô ngã.

Thế nào là Bồ Tát thông hiểu quả báo của các nghiệp?

Bồ Tát nên quán sát như vậy: Các thức quả báo thế gian cho là có, tự tánh vốn là không, tựa như kỹ nhi, thành Càn Thát Bà.

Cái được gọi là chúng sinh thì chẳng phải chúng sinh. Vậy mà cứ chấp chặt các tướng, gắn chặt vào ngã kiến. Do nhân duyên này nên chẳng đạt chân lý. Vì không thể thấu đạt lý chân đạo nên thấy như vậy.

Nếu nói không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, không sĩ phu, không dưỡng dục, không nam nữ, cho đến khi có các nghiệp báo nhân quả, thiện ác, vậy thì ai sinh, ai tử?

Khi ấy Bồ Tát tuy biết không có chúng sinh nhưng lại có nghiệp, có quả báo. Bồ Tát cũng biết phi chúng sinh, phi nghiệp báo, nhân quả thiện ác, là chánh tuệ chân thật. Đây là Bồ Tát thông hiểu nghiệp báo nhân quả.

Thế nào là Bồ Tát thông hiểu các pháp hữu vi?

Đối với tất cả các pháp hữu vi, Đại Bồ Tát nhờ khéo dùng trí tuệ quan sát mà thông đạt.

Bồ Tát nên khởi quán như vậy: Các pháp hành này dao động không ngừng, như giọt sương buổi sáng, khi mặt trời lên liền tiêu tan. Như thác nước chảy xuống mà không trở về.

Đối với pháp hành như vậy, người có trí ai lại sinh tâm tham chấp, luyến mộ?!

Nếu có thể quán thấy chân thật như vậy, thấy nhân duyên một cách như thật thì liền sinh tâm tịch diệt, chán bỏ. Đây là Bồ Tát thông hiểu pháp hữu vi.

Thế nào là Bồ Tát thông hiểu sự sinh tử lưu chuyển?

Bồ Tát khéo dùng trí tuệ thông đạt các pháp hữu vi, suy lường như vậy: Con mắt tuệ của khắp cả thế gian bị vô minh tối tăm che đậy. Như người mù tối không thấy đường đi.

Do đâu có thể thoát ly được sinh tử?

Do đắm, vướng sinh tử, bị ràng buộc vì sợi dây thừng tham ái liền giữ lấy bốn Thủ, đi vào Ba Cõi. Sinh tử chìm đắm do nhân duyên thủ nên tạo tác nghiệp thiện, bất thiện. Do các hành nghiệp thiện, bất thiện, nên có nhân duyên sinh, thọ sinh trong ba cõi. Do nhân duyên sinh nên có già, có chết.

Nhân duyên già chết, ưu bi, khổ não vô lượng bất tận, lưu chuyển như vậy giống như bánh xe sinh tử luân hồi lại không chấm dứt. Đây gọi là Bồ Tát thông hiểu sự sinh tử lưu chuyển.

Thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thông hiểu sự chấm dứt sinh tử?

Đại Bồ Tát khởi quán như vậy: Do vô minh diệt nên không còn đắm nơi sinh tử. Do không chấp trước nên tham ái không sinh. Do tham không sinh nên thủ chẳng sinh. Do thủ chẳng sinh nên hữu không còn tương tục. Do không tương tục nên sinh tức là chẳng sinh.

Do sinh tức bất sinh nên các khổ não, già chết, ưu bi… đều bi đoạn diệt, hoàn toàn rốt ráo. Đại Bồ Tát nương vào đạo lý ấy, khéo dùng trí tuệ nên được thông đạt. Đây gọi là Bồ Tát thông hiểu sự chấm dứt sinh tử.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần