Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Năm - Phẩm An Lạc Hạnh - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM NĂM

PHẨM AN LẠC HẠNH  

TẬP BỐN  

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp hành tâm bình đẳng đối với các chúng sinh.

Những gì là mười?

Đó là: Hành nghiệp bình đẳng đối với các chúng sinh.

Tâm không sân hận đối với các chúng sinh.

Vì lợi ích bình đẳng đối với các chúng sinh mà hành bố thí, thọ trì giới cấm, tu nhẫn nhục, tinh tấn dũng mãnh, khéo nghĩ thiền định, tu trí bát nhã.

Không nương theo nhị biên mà tu theo tâm ấy.

Duyên các chúng sinh khởi tâm bình đẳng.

Tự mình thoát được các khổ thiêu đốt trong nhà lửa sinh tử, lại hay cứu người khác cũng được thoát khỏi.

Dùng tâm bình đẳng, không sinh tưởng ngăn cách đây kia, không có thương ghét.

Thiện nam! Ví như nhà trưởng giả kia rất giàu sang, chỉ có sáu đứa con. Ông luôn yêu mến thương tưởng chúng một cách bình đẳng. Những đứa con này còn nhỏ dại, khờ khạo, đối với sự việc thì chẳng rõ, chỉ biết bò, trườn, vui chơi. Một hôm, nhà trưởng giả này bị cháy, ngọn lửa hừng hực cháy mạnh, những đứa nhỏ này mỗi đứa một nơi.

Thiện nam! Ý ông nghĩ sao?

Khi ấy trưởng giả có nghĩ thiên vị rằng: Ta cứu đứa này trước, sau đó mới cứu đứa khác không?

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Không, bạch Thế Tôn! Vì sao?

Vì trưởng giả này đối với những đứa con của mình, ông đều cứu giúp bình đẳng, không có tâm thiên vị. Tùy theo đứa nào gần ông thì được cứu ra trước.

Phật bảo: Thiện nam! Tất cả loại chúng sinh như vậy đều là con nhỏ của Bồ Tát, chưa rõ khổ vui, không hiểu biết nhà lửa sinh tử, trụ ở các nơi trong sáu đường. Tùy theo chúng sinh nào có căn lành thành thục, Đại Bồ Tát liền cứu thoát ra trước, đem đặt nơi pháp thanh tịnh ngoài Thế Giới sinh tử.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp hành tâm bình đẳng đối với các chúng sinh.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp ân cần cung kính cúng dường Chư Phật.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Cúng dường pháp là cúng dường Phật.

2. Không đem tài vật cúng dường Như Lai.

3. Vì làm an lạc, lợi ích chúng sinh.

4. Vì muốn thâu nhận tất cả chúng sinh.

5. Vì muốn thành tựu thiện căn cho chúng sinh, nên không bỏ giới cấm thanh tịnh đã thọ.

6. Không bỏ tất cả hạnh nghiệp cùa Bồ Tát.

7. Như pháp đã nói, thân khéo hành trì.

8. Tu hành như vậy, tâm không mệt mỏi.

9. Không bỏ tâm vô thượng bồ đề.

10. Cung kính cúng dường Chư Phật như vậy, không dùng của cải, vật báu.

Nếu hay tu hành chánh pháp của Chư Phật tức là cúng dường Phật.

Vì sao?

Vì cúng dường pháp tức là cúng dường hết thảy Như Lai. Pháp này phát sinh lợi ích cho muôn loài, khiến thoát khỏi thế gian. Nếu trái bỏ hạnh nghiệp của Bồ Tát tức là thân khẩu trái nhau. Nếu đã thệ nguyện mà không được viên mãn thì tâm mệt mỏi, liền bỏ Bồ Đề, chẳng có khả năng làm lợi ích cho chúng sinh.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát cầu đạo quả vô thượng bồ đề chỉ vì lợi ích cho chúng sinh. Nếu không có chúng sinh thì cũng không có Bồ Tát chứng đạt ngôi vị Chánh Giác.

Thiện nam! Nên quán như vậy, pháp tức là Phật. Tất cả Chư Phật lấy pháp làm thân.

Này thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp ân cần cung kính cúng dường Chư Phật.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát lại có đủ mười pháp đoạn trừ kiêu mạn.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Nhờ bỏ nhà xuất gia, cần khổ cầu đạo, không còn quan hệ với tất cả quyến thuộc, bạn bè thân hữu, chẳng khác nào người chết nên không kiêu mạn.

2. Nhờ cải đổi hình tướng, mặc y hoại sắc, ngày nay ta đã có sở cầu riêng nên không kiêu mạn.

3. Nhờ cạo tóc, mang bát khất thực nhà nhà để nuôi sống thân này nên không kiêu mạn.

4. Nhờ khất thực, sinh tâm khiêm cung như Chiên Đà La nên không kiêu mạn.

5. Nay thân mạng ta nhờ người nuôi sống, thọ thực người khác cho, giống như chó đói bị người khinh chê nên không kiêu mạn.

6. Ta phải thừa kế, tôn trọng phước điền nên không kiêu mạn.

7. Nay các bậc đồng học thấy ta sinh tâm hoan hỷ, nên không kiêu mạn.

8. Vì giữ các oai nghi tinh tường, tề chỉnh nên không kiêu mạn.

9. Vì pháp chưa đắc, ta sẽ chứng đắc nên không sinh kiêu mạn.

10. Đối với tánh tệ ác trong các chúng sinh, vì tu nhiều nhẫn nhục nên không sinh kiêu mạn.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp đoạn trừ kiêu mạn.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát có đủ mười pháp tâm thường thanh tịnh.

Những gì là mười?

Đó là:

1. Đã hành trì phước nghiệp thiện căn quá khứ.

2. Túc nhân đầy đủ, chánh kiến đầy đủ.

3. Không chấp trước theo tà luận, không thể dời đổi, không thờ thầy khác.

4. Trong giữ thanh tịnh, không có quanh co.

5. Ý không cao ngạo, cũng không huyễn hoặc. Tâm tính ngay thẳng, đủ các trí tuệ.

6. Các căn sáng suốt, nhạy bén, lìa các sự ngăn che.

7. Tâm hành tinh khiết, thân cận bạn lành, xa tri thức ác.

8. Bẽ gãy kiêu mạn, siêng cầu đạo lý vi diệu.

9. Trong khi nghe pháp, không tán tâm, thất niệm.

10. Biết rõ tất cả công đức Chư Phật.

Thiện nam! Đó là Bồ Tát đầy đủ mười pháp tâm thường thanh tịnh.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Bạch Thế Tôn! Công đức Chư Phật chẳng thể nghĩ bàn.

Đối với pháp như vậy, làm sao con được nghe, hiểu rõ?

Phật bảo: Thiện nam! Ông khéo lắng nghe.

Ta nay vì ông mà nói về ít phần công đức của Như Lai.

Bồ Tát thưa: Dạ vâng, bạch Thế Tôn! Con muốn được nghe.

Phật nói: Thiện nam! Như Lai luôn đầy đủ viên mãn tâm đại từ, bình đẳng đối với các chúng sinh. Như từ bi bình đẳng đối với một người, đối với tất cả chúng sinh khắp Pháp Giới, tâm ấy cũng vậy. Như cõi hư không hiện bày khắp trong tất cả cảnh giới của chúng sinh, từ bi của Như Lai khắp mọi nơi chốn, vô lượng, vô biên cũng lại như vậy, khác với Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát.

Thiện nam! Chư Phật Như Lai giảng nói pháp vô tận, trong vô lượng kiếp chẳng thể tận cùng. Ta vì vô lượng chúng sinh mà nói pháp đủ loại danh tự, đủ loại nghĩa lý, bằng một loại âm trong cùng một lúc đối với vô lượng các loài. Tùy theo âm thanh của mỗi loài mà được hiểu, không có hạn lượng, không có tận cùng.

Thiện nam! Chư Phật Như Lai luôn có hỏi đáp đầy đủ. Giả sử có tất cả đủ loại chúng sinh đem các loại câu hỏi, hỏi Như Lai, tùy theo các loại âm, các loại danh tự mỗi loài, chỉ trong một sát na, một niệm, một thời, Như Lai giải đáp thông suốt, không có chướng ngại.

Thiện nam! Cảnh giới thiền định của Chư Phật không có chướng ngại.

Thiện nam! Giả sử có tất cả các loại chúng sinh đều ở quả vị Thập Địa, trong một thời, một niệm, cùng lúc nhập vào trăm ngàn vạn ức thiền định tam muội. Vô lượng các loại tam muội ấy đều chẳng thể bằng vô biên cảnh giới tam muội của Như Lai.

Thiện nam! Như Lai có đầy đủ vô lượng sắc thân.

Thiện nam! Giả sử có chúng sinh cần nhận sự giáo hóa từ thân Như Lai, chỉ trong một niệm Như Lai hiện bày khắp trong chúng sinh, đối trước mặt người ấy mà hiện thân Phật, tùy theo sở nguyện của họ, chỉ trong một niệm hiện đủ loại thân.

Thiện nam! Như Lai đầy đủ vô lượng cảnh giới thiên nhãn.

Thiện nam! Có các chúng sinh được thiên nhãn, thấy các sắc tướng vô lượng, vô biên trong các cảnh giới, Như Lai đều thấy việc ấy trọn vẹn như xem quả A ma lặc trong bàn tay.

Thiện nam! Như Lai có vô lượng cảnh giới thiên nhĩ.

Thiện nam! Giả sử có các chúng sinh được thiên nhĩ đầy khắp trong vô lượng, vô biên Thế Giới, tùy theo chỗ nghe của mình mà nghe được các loại âm thanh. Chỉ trong một niệm, Như Lai có khả năng nghe được tất cả các âm thanh ấy.

Thiện nam! Như Lai đầy đủ trí nhận biết tâm kẻ khác, vô biên, vô tận, đồng với hư không.

Thiện nam! Giả sử có các loại giác quán, các loại tư duy, đủ loại hạnh nghiệp của tất cả các cõi chúng sinh. Chỉ trong một niệm, Như Lai đều biết rõ vô lượng, vô biên hết thảy các tâm, chỗ tạo nghiệp cùng quả báo của nghiệp. Như Lai dùng trí vô ngại biết rõ tất cả trong ba đời.

Thiện nam! Như Lai hằng trụ thiền định chưa từng xao lãng.

Vì sao?

Vì Phật không thất niệm, các căn bất động, nội tâm không loạn. Do tất cả phiền não cùng tập khí phiền não đã được chết sạch, rốt ráo, nên luôn ở trong tịch tĩnh.

Thiện nam! Có người phiền não, nội tâm mê loạn, chẳng đắc thiền định, Như Lai thì không như vậy. Như Lai nghĩa là không còn phiền não, không còn lụy trần, vô lậu, vô vi, đắc tất cả pháp, tự tại hiện bày diệu dụng ở tất cả cảnh giới tam muội sâu xa.

Thiện nam! Giả sử Như Lai tùy nghi trụ trong một oai nghi, trong một tam muội cho đến Niết Bàn, thường trụ trong ấy không có dao động nên luôn hành trì tam muội.

Thiện nam! Trong vô lượng kiếp, Chư Phật Như Lai tu đủ các hạnh, đắc thành Chánh Giác, chẳng thể nghĩ lường, chẳng thể nghĩ bàn, không có biên vực giới hạn.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Kính bạch Thế Tôn! Trong vô lượng kiếp Như Lai không có công đức chăng?

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Chớ nói như vậy.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát chẳng nên nghĩ lường về cảnh giới của Như Lai. Cảnh giới của Như Lai là chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ vì các chúng sinh nơi tu học nên ta nói ba tăng kỳ tu tập chứng đắc. Nhưng thật ra Bồ Tát từ lúc phát tâm cho đến nay, thời gian ấy chẳng thể tính đếm.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Thật may mắn! Thưa Đức Thế Tôn!

Những chúng sinh này tu các thiện căn, đã diệt nghiệp chướng, sinh nhiều tín giải, gần nơi Bồđề, nghe công đức của Phật tâm sinh hoan hỷ, huống nữa là nghe rồi lại hết lòng thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép, cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Những chúng sinh này không lâu sẽ đạt được công đức như Đức Thế Tôn ngày nay không khác.

Đức Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Như Lai thâu nhận những chúng sinh này, ở chỗ Chư Phật đã trồng thiện căn, cung kính phụng sự vô lượng Đức Phật. Những chúng sinh ấy nghe công đức của Phật không sinh nghi hoặc.

Này thiện nam! Nếu có thiện nam, Thiện Nữ nào trong bảy ngày bảy đêm không nghĩ tưởng khác, nội tâm không loạn, niệm niệm tương tục, luôn nhớ tới công đức sâu xa vi diệu của Như Lai như vậy. Mặc áo sạch sẽ, thiết lễ cúng dường, tâm tâm thành kính thì trong bảy ngày liền thấy sắc thân Như Lai đầy đủ ba mươi hai tướng. Nếu có loạn tâm, việc ấy không thành. Nhưng luôn nhất tâm thì khi lâm chung, Như Lai hiện thân đứng trước người ấy.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại thưa: Bạch Thế Tôn! Có chúng sinh nào nghe Phật nói về công đức của Như Lai mà không tin chăng?

Đức Phật nói: Này thiện nam! Có những chúng sinh nghe Phật nói công đức của Như Lai, họ dùng ác khẩu nói năng thô lỗ, sinh tâm sân hận, sinh tưởng oán ghét người thuyết pháp. Do nhân duyên ấy nên sau khi xả thân liền bị đọa vào địa ngục, thọ khổ vô lượng.

Thiện nam! Có các chúng sinh nghe công đức Phật liền sinh hoan hỷ. Họ tưởng người nói pháp như bạn lành, tưởng như Đức Như Lai.

Thiện nam! Những chúng sinh này tin đạo lý tối cực, ở đời quá khứ đã từng nghe công đức như vậy của Như Lai.

Những chúng sinh này ở trong đại chúng nói rằng: Nơi đời quá khứ ta đã từng nghe Như Lai nói công đức Phật, không khác ngày nay trong Kinh đã nói.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đưa tướng lưỡi dài che khuôn mặt mình. Che mặt xong, lại che đảnh đầu. Che đảnh đầu xong lại che thân. Che thân xong, lại che Tòa Sư Tử. Che Tòa Sư Tử xong, lại che Bồ Tát và chúng Thanh Văn. Che chúng Thanh Văn xong lại che các chúng Thích, Phạm, Tứ Thiên.

Phủ khắp đại chúng như vậy rồi thu tướng lưỡi lại, hỏi đại chúng: Như Lai Thế Tôn có tướng lưỡi này, lại có thể vọng ngữ sao?

Thiện nam! Các ông nên tin điều Như Lai nói là chắc chắn, chẳng hư vọng. Đời vị lai, nếu ai tin Kinh này thì những người ấy đời đời được lợi ích, an lạc vô tận.

Khi Như Lai giảng nói điều ấy, có tám vạn bốn ngàn Đại Bồ Tát chứng đắc pháp nhẫn vô sinh. Vô lượng, vô biên các loại chúng sinh lìa xa trần cấu, đạt pháp nhãn thanh tịnh ở trong pháp Phật. Vô lượng chúng sinh chưa phát tâm bồ đề, khi ấy đều phát tâm cầu đạo quả bồ đề vô thượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần