Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Mười Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN
TẬP MƯỜI MỘT
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền nói kệ rằng:
Vì không căn bản không trụ pháp
Hiện chứng bồ đề Phật đã nói
Như đã biết rõ cũng như vậy
Vì các chúng sinh tuyên chỉ dạy
Biết nội nhãn căn gọi là không
Biết ngoại sắc pháp không cũng vậy
Tịch tĩnh cận tịch diệu pháp môn
Phật chứng bồ đề nói như vậy
Các chúng sinh ấy không hiểu biết
Tỳ Bát Xá Na, Xa Ma Tha
Khai giác cú nghĩa vì chúng sinh
Tâm Phật đại bi phương tiện chuyển
Tự tánh các pháp vốn sáng suốt
Bồ đề thanh tịnh bằng hư không
Do các chúng sinh không biết rõ
Tâm Phật đại bi phương tiện chuyển
Tất cả chúng sinh nhiều chấp thủ
Không thể tương ưng với như lý
Không vào, không ra môn diệu pháp
Phật chứng bồ đề nói như vậy
Do các chúng sinh không hiểu biết
Như Lai mới khởi tâm đại bi
Các pháp không tướng, không sở duyên
Đây là cảnh giới của các Thánh
Không phải cảnh giới của kẻ ngu
Phật chứng bồ đề phương tiện nói
Nhưng các dị sinh không hiểu biết
Muốn chúng giác ngộ Phật nói ra
Như Lai vì các chúng sinh đó
Tùy theo trình độ khởi đại bi
Tự tánh vô vi pháp vi diệu
Xưa nay không sinh cũng không diệt
Nên biết pháp ấy không chỗ trụ
Trong đó tương ưng với ba tướng
Nhưng các kẻ ngu không hiểu biết
Về tự tánh các pháp hữu vi
Tùy theo trình độ khởi đại bi
Khiến chúng sinh rõ lý pháp này
Bồ đề không phải thân giác tri
Không phải tâm giác cũng như vậy
Tự tánh của thân vốn không biết
Tâm như pháp huyễn cũng như vậy
Nhưng kẻ ngu si không thể biết
Tự tánh thân tâm là như vậy
Tùy sự thích ứng khởi đại bi
Khiến chúng sinh biết lý pháp này
Phật chứng bồ đề thật tối thắng
Bậc trí tự nhiên ngồi bồ đề
Ngồi rồi quán khắp chúng sinh giới
Tất cả quay tròn trong nẻo ác
Thấy vậy Phật sinh tâm thương xót
Trong vòng sinh tử chuyển đại bi
Chấp trước vào các pháp kiêu mạn
Lưới khổ trói buộc chấp là vui
Vô thường, bất tịnh, ngã, chúng sinh
Điên đảo chấp vào các thứ ấy
Phật thấy vậy rồi sinh thương xót
Đối kẻ chấp trước chuyển đại bi
Si mê bao phủ cả ba cõi
Tối tăm không được ánh sáng chiếu
Như mặt trời sáng bị mây che
Trí sáng vô cấu đều che khuất
Phật thấy vậy sinh tâm thương xót
Trong vòng sinh tử chuyển đại bi
Tham ái nên sinh các nẻo ác
Phá hoại chánh đạo bị tàn hại
Địa ngục, bàng sinh cùng ngạ quỷ
Chúng sinh tạo nghiệp nên đọa lạc
Như trước Phật nói các chánh đạo
Khai sáng chỉ bày các chúng sinh
Thấy vậy Phật sinh tâm thương xót
Trong vòng sinh tử chuyển đại bi
Biết rõ các pháp tánh như thật
Bỗng nhiên chiếu sáng bằng hư không
Như Phật đã nói các thế gian
Không biết pháp thanh tịnh tối thượng.
Này Xá Lợi Tử! Như vậy là ta đã nói pháp đại bi chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai. Các Bồ Tát trụ tín nghe pháp này rồi, nên sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và phát sinh ý tưởng hy hữu.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai có mười tám pháp bất cộng. Các Bồ Tát trụ tín nghe lời này rồi, nên sinh lòng tin thanh tịnh, không còn phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu.
Như Lai do đầy đủ mười tám pháp này, nên biết rõ thắng xứ, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư Tử, chuyển phạm luân vi diệu. Các Sa Môn, Bà La Môn khác không thể chuyển. Tất cả thế gian, Trời, Người, Ma, Phạm không có pháp nào bằng với pháp của Như Lai.
Sao gọi là mười pháp của Như Lai?
Một là, ba nghiệp của Như Lai không có các lỗi lầm.
Thân Như Lai không có lỗi lầm, dù người trí, hay người ngu không có ai bằng pháp của Như Lai nói.
Vì sao?
Vì thân nghiệp của Thế Tôn thanh tịnh không có các lỗi lầm, thân tướng Như Lai ngay thẳng, các cử chỉ oai nghi đáng chiêm ngưỡng. Hoặc cúi, hoặc ngữa, hoặc co, hoặc duỗi, mỗi mỗi cử chỉ không có khiếm khuyết sai lầm.
Mặc Tăng già lê, tay cam bình bát, Y Tăng Già Lê cách đất bốn ngón tay, gió Tỳ Lam Bà không thể thổi lay động. Bước chân, hạ chân, đi, đứng, ngồi, nằm, oai nghi như pháp. Ở trong thành ấp, xóm, làng, hoặc vào, hoặc ra, mỗi bước chân không tổn hại tướng Thiên bức luân, trong hư không mưa các loại hoa sen và các nước hương thơm.
Lại nữa, khi Như Lai bước đi, các chúng sinh trong đường bàng sinh được vui sướng trong bảy đêm, sau khi mạng chung được sinh lên Cõi Trời. Thân Phật sáng chói chiếu sáng tất cả, dưới đến Địa Ngục A Tỳ, các chúng sinh ở trong Địa Ngục nhờ tiếp xúc ánh sáng đều được thọ vui. Đây gọi là thân Như Lai không có các lỗi lầm.
Lại nữa, lời của Như Lai không có các lỗi lầm. Lời nói không có lỗi lầm này dù người trí hay người ngu, không có ai bằng pháp Phật nói.
Vì sao?
Này Xá Lợi Tử! Vì Như Lai nói ra đều biết thời. Đây là lời nói chân thật, lời nói thành tín chắc chắn, lời noi bình đẳng, lời nói như với việc làm, lời nói không xen tạp, lời nói làm cho chúng sinh vui, lời nói không trùng lập, lời nói văn hay nghĩa tốt trang nghiêm vi diệu. Như Lai chỉ dùng một tiếng, tùy ý các chúng sinh mỗi moi đều vui, lời nói đều sinh hoan hỷ. Đây gọi là lời nói của Như Lai không có các lỗi lầm.
Lại nữa, tâm Như Lai không có các lỗi lầm. Tâm không có lỗi lầm này dù người trí hay kẻ ngu, không có ai bằng pháp ngữ của Như Lai.
Vì sao?
Này Xá Lợi Tử! Vì tâm Như Lai thường trụ thiền định, nhưng không bỏ các Phật sự, tuy luôn thi tác, nhưng tâm không sở quán, đối với tất cả pháp tri kiến vô ngại thường vận chuyển. Đây gọi là tâm Như Lai không có lỗi lầm. Với tâm như vậy, Như Lai dùng pháp không lỗi lầm vì các chúng sinh tuyên nói cũng vậy, khiến tất cả đoạn trừ các lỗi lầm. Đó là pháp bất cộng thứ nhất của Như Lai.
Này Xá Lợi Tử! Tâm Như Lai không có ai trước. Tất cả ma, chúng ma và các tà dị ngoại đạo khác không thể tìm thấy sơ hở của Như Lai.
Vì sao?
Vì Như Lai đã xa lìa sự thuận nghịch, tôn trọng hay tổn hại. Tất cả chúng sinh nếu khởi lên tâm tôn trọng thì tâm Như Lai cũng không cao. Nếu không tôn trọng thì tâm ấy cũng không giận. Tất cả việc Như Lai làm hoặc thấy đều không lưu tán, không khởi ái trước, nhưng lại không trái với thế gian.
Do tâm Như Lai không ái trước, nên tu hạnh không tranh cãi. Như Lai không ngã, không chấp, không dính mắc, lìa mọi trói buộc, thế nên Như Lai không ái trước. Do không ái trước đó, cho nên mới vì chúng sinh tuyên nói pháp đoạn ái trước. Đây là pháp bất cộng thứ hai của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai không thất niệm. Nếu có thất niệm thì có si ám. Do Như Lai không có si ám, nên đối với thiền định, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí không có chướng ngại. Như Lai quán sát tất cả tâm hạnh động chuyển của chúng sinh rồi, tùy theo trình độ thích ứng tuyên nói pháp yếu.
Do không quên mất, cho nên đối với nghĩa các pháp biện tài thuyết giảng, nhưng lại không quên mất Vô ngại giải. Như Lai ở trong quá khứ, vị lai, hiện tại đầy đủ tri kiến vô ngại, tự hiểu rồi liền vì chúng sinh khai triển tuyên nói pháp quá khứ, vị lai, hiện tại tri kiến vô ngại giải không quên mất. Đây là pháp bất cộng thứ ba của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai thường trụ Tam Ma Hê Đa, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc ăn, ăn rồi hoặc im lặng, tâm không sở đắc. Như Lai đã được pháp Tam Ma Địa thậm thâm và Ba la mật đa tối thượng. Năng quán, sở quán đều không chướng ngại.
Tất cả chúng sinh và chúng sinh tụ đều không thể quán tâm của Như Lai, chỉ trừ khi nhờ sức gia trì của Như Lai. Tâm Như Lai thường trụ Tam Ma Hê Đa rồi, liền vì chúng sinh tùy theo thích ứng tuyên nói pháp xả thanh tịnh trong Tam Ma Địa. Đây là pháp bất cộng thứ tư của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai không có các tưởng, không đối với các tưởng và các cảnh giới mà trụ tâm.
Vì sao?
Vì Như Lai ở trong cõi nước không có các tưởng, cõi nước như hư không, không có cùng tận, đối với các chúng sinh không có các tưởng.
Vì tự tánh của chúng sinh không có các thứ, nên đối với Chư Phật không có các tưởng. Pháp giới không sai biệt là vì trí bình đẳng, nên đối với các pháp không có các tưởng là vì lìa tham lam. Như Lai đối với các chúng sinh giữ giới đầy đủ không khởi kính tâm, thấy người hủy giới không khởi mạn tâm. Người không nhiêu ích hiện khơi nhiêu ích, không đâu không nhiêu ích, nhiêu ích khắp tất cả.
Người không điều phục, điều phục bình đẳng. Người tà định cũng không khinh mạn, đối với tất cả pháp Như Lai khởi hạnh bình đẳng. Đó là Như Lai không có các tưởng. Như Lai dùng pháp này vì các chúng sinh tuyên nói đoạn trừ các tưởng. Đây là pháp bất cộng thứ năm của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai đối với pháp xả đều phải lựa chọn.
Vì sao?
Vì Như Lai đối với người tu đạo cũng hành xả pháp, người không tu đạo cũng không xả bỏ. Đối với người có tâm tu cũng hành xả pháp, người không có tâm tu cũng không xả bỏ. Đối với người thọ trì giới cũng hành xả pháp, người không trì giới cũng không xả bỏ. Đối với người tu tuệ cũng hành xả pháp, người không tu tuệ cũng không xả bỏ. Đối với trí hành xả không bỏ ngu si, xả xuất thế gian chứ không bỏ thế gian.
Đối với Bậc Thánh xuất ly lại hành xả pháp, không phải Thánh xuất ly cũng không xả bỏ. Như Lai chuyển phạm luân vi diệu lại hành xả pháp, đối với chúng sinh không xả tâm đại bi. Như Lai tự chứng pháp bình đẳng xả, không mượn đối trị, nhưng có thể tùy thuận.
Này Xá Lợi Tử! Lại nữa, Như Lai đối với pháp xả không cao không thấp, cũng không chỗ trụ, đạt được bất động, lìa hai pháp, không ra không vào, dựa thời mà xả, không vượt qua thời, không lay động, không sai khác, không phân biet, không sở quán, không hòa hợp, không biểu thị, không thật, không hư, không thành, không vọng cũng không lãnh nạp.
Như vậy, Như Lai đầy đủ xả pháp. Như Lai dùng pháp này vì các chúng sinh triển khai rộng rãi, khiến cho ai nấy đều đầy đủ xả pháp. Đây là pháp bất cộng thứ sáu của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sở dục của Như Lai không giảm.
Sao gọi là dục?
Là thiện pháp dục.
Sao gọi là không giảm?
Là đại bi tâm dục của Như Lai không giảm, đại bi tâm dục không giảm, thuyết pháp dục không giảm, hóa độ chúng sinh dục không giảm, thành thục chúng sinh dục không giảm, quán sát dục không giảm, chỉ dạy Bồ Tát dục không giảm, khiến hạt giống Tam Bảo không đoạn dục không giảm.
Sở dục của Như Lai hướng đến trí tuệ là con đường trước nhất. Như vậy sở dục của Như Lai đều vì khiến tất cả chúng sinh viên mãn quả nhất thiết trí vô thượng, tùy theo trình độ thích ứng tuyên nói pháp yếu. Đây là pháp bất cộng thứ bảy của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Tinh tấn của Như Lai không giảm. Như Lai dùng sức tinh tấn hóa độ tất cả chúng sinh, không bỏ tinh tấn, khiến người nghe pháp không biết mệt mỏi. Đối với người chấp nhận nghe pháp, Như Lai cũng không coi họ có phải là pháp khí hay không, tùy theo trình độ thích ứng mà Như Lai nói pháp yếu, không sinh mệt mỏi, không có gián đoạn.
Lúc thuyết pháp không nghĩ đến an uống, trong khoảng thời đó không bỏ chúng sinh. Như Lai qua hằng hà sa số các Cõi Phật, trong đó nếu có một chúng sinh chưa được hóa độ thì thân, miệng, tâm của Như Lai không biết mệt mỏi, ba nghiệp khinh an, phát khởi tinh tấn, cần hành như lý, khiến các chúng sinh được giải thoát của Bậc Thánh. Đó là Như Lai vì các chúng sinh phát đại tinh tấn. Đây là pháp bất cộng thứ tám của Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai đối với nhất thiết xứ, nhất thiết chủng, nhưng các niệm không giảm, chánh niệm của Như Lai đều không quên mất.
Vì sao?
Vì Chư Phật Như Lai liên tục hiện chứng quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Các tâm của tất cả chúng sinh trong quá khứ, hiện tại, vị lai Như Lai đều có khả năng nắm giữ quán sát, rốt ráo không có quên mất, tùy theo tất cả tâm hạnh của các chúng sinh mà biết rõ.
Như Lai không suy nghĩ quán sát, chánh niệm không giảm, trụ ba tụ pháp, rõ căn chúng sinh, hiểu tất cả ý vui của chúng sinh, quán hạnh chúng sinh, nhưng Như Lai cũng không suy nghĩ quán sát, thuyết pháp không gián đoạn.
Vì sao?
Vì tùy theo đó niệm của Như Lai không giảm, niệm liền tịch tĩnh, không có quên mất. Như Lai dùng pháp này triển khai rộng rãi cho các chúng sinh. Đây là pháp bất cộng thứ chín của Như Lai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Phương Quảng - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Sứ Giả Của Cái Bụng
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Năm - Phẩm Vương Luận - Tập Một