Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Năm - Phẩm Vương Luận - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI TÁT GIÀ NI

KIỀN TỬ SỞ THUYẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM NĂM

PHẨM VƯƠNG LUẬN  

TẬP MỘT  

Bấy giờ, Quốc Vương Nghiêm Sí nghe Đại Tát Già Ni Kiền Tử nói chánh pháp rồi, rất vui mừng tin nhận.

Ngay lúc đó, nhà Vua hỏi Đại Tát Già Ni Kiền Tử: Đại Tát Già từ nơi xa xôi đến giáo hóa chúng sinh, trên đường nhiều hiểm trở, không biết Đại Sư thân thể, khí lực có an ổn không?

Chúng sinh dễ giáo hóa không?

Các đại đệ tử có thực hành theo lời dạy của Đại Sư không?

Hân hạnh, nhờ Đại Sư không chê đất nước của con nên được phụng kiến và được nghe chánh pháp, trong lòng vô cùng vui sướng. Như được gặp mẹ hiền, như đói được thức ăn, như khát gặp nước, như trần truồng gặp y phục, như người nghèo gặp của báu, như lúc nóng gặp mát, như lạnh gặp lửa, như mù được thấy, như điếc được nghe, như kẻ ngồi tù được phóng thích, như bần tiện được tôn quý, như kẻ lạc đường được trở về, như người học trò gặp được thầy. Lòng con vui sướng cũng như thế.

Thưa Đại Sư! từ xưa tới nay, con cứ nghĩ rằng: chánh pháp khó được nghe, thầy giỏi khó gặp, thân người khó được, các căn khó vẹn toàn, chánh kiến khó sinh, lòng tin khó phát, khó được hội họp, tự do khó được, thái bình khó gặp. Như thế, những điều khó khăn ấy con đã vượt cả. Hôm nay gặp được Đại Sư, như người vào biển muốn nhặt trân bảo liền gặp được một vùng báu lớn.

Hôm nay con có sự nghi ngờ, xin được hỏi, cúi mong Đại Sư thương xót giải quyết cho con!

Lúc ấy, Tát Già Ni Kiền Tử bảo Vua Nghiêm Sí: Nay nhà Vua có điều gì nghi ngờ hãy cứ hỏi, ta sẽ phân biệt giải nói, khai thông, trừ hết sự nghi ngờ để nhà Vua được hiểu rõ.

Bấy giờ, Vua Nghiêm Sí thấy Tát Già Ni Kiền Tử đã cho phép mình hỏi, trong lòng rất vui mừng rồi đưa ra điều nghi vấn: Thưa Đại Sư! Những gì là sinh pháp?

Những gì là trụ trì?

Ở trong những pháp nào mà có tên này?

Đại Tát Già Ni Kiền Tử đáp: Đại Vương nên biết! Gọi là sinh nghĩa là các chúng sinh. Nói trụ trì nghĩa là các Quốc Độ Thế Giới. Nói chúng sinh nghĩa là năm thủ ấm.

Như vậy, những pháp nào gọi là năm thủ ấm?

Đó là sắc thủ ấm, thọ thủ ấm, tưởng thủ ấm, hành thủ ấm và thức thủ ấm.

Đại Vương! Dựa vào năm pháp này gọi là chúng sinh, gọi là khí thế gian.

Nói đến chúng sinh nghĩa là bao gồm bốn loại sinh: Noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh. Nói khí thế gian nghĩa là bao gồm hư không, đất, nước, gió và lửa.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Ai có khả năng che chở cho tất cả chúng sinh và ai có thể giữ gìn giới này?

Đáp: Này Đại Vương! Tất cả đều do quả báo nghiệp của chúng sinh và năng lực của nhà Vua làm chủ quốc gia, với khả năng đó có thể giữ gìn.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vì sao do quả báo nghiệp chúng sinh có thể bảo hộ chúng sinh?

Đáp: Này Đại Vương! Do năng lực báo tăng thượng của nghiệp mình cho nên sinh ở nơi tốt đẹp. Nhưng những chúng sinh ấy đối với các vật không có tâm nuối tiếc, giữ gìn. Không sinh tâm đây, kia, ta, người. Bởi thế, tất cả các vật để sinh sống, không cần phải thêm công sức mà chỉ tùy theo ý nghĩ là được đầy đủ, đến trọn đời thường sống ở nơi an ổn, hưởng lạc.

Lìa khỏi những đau khổ về bệnh thô như lạnh, nóng, đói khát và các thứ đau đớn hành hạ. Họ cũng không có ác tâm xâm lấn, gây thêm sự thiệt thòi cho nhau. Cũng không có tâm lường gạt, dối trá nhau.

Những thôn xóm, thành ấp đều có bảy báu trang nghiêm, họ thường đi lại ở trong cảnh giới thù thắng vi diệu. Sống thọ đến một ngàn tuổi. Khi thọ mạng của họ hết, liền xả thân sinh lên Cõi Trời hưởng lạc trong đường thiện. Như thế, những chúng sinh này được nghiệp Uất Đơn Việt hộ trì.

Đại Vương nên biết! Lại có chúng sinh nhờ năng lực quả báo nghiệp của chính mình, nên được sinh ở nơi thù thắng, thân có ánh sáng, bay trên hư không, lấy niềm vui ở trong thiền định làm món ăn ngon bổ, không sinh vào thai, tuổi thọ vô lượng, sống ở thế gian mãi mãi. Đây gọi là kiếp đầu của chúng sinh.

Đại Vương nên biết! Lại có chúng sinh nhờ vào nhân năng lực nghiệp báo của họ trong quá khứ, có công đức thù thắng nên sinh ở trong thế gian, có tâm kính trọng cha mẹ và những bậc trưởng thượng trong gia tộc, cùng các Sa Môn, người tu tịnh hạnh, lấy đó làm ruộng phước.

Họ thường làm các việc thiện, làm điều đáng thì nên làm, bỏ hạnh ác, thường thọ trì tốt năm giới và tám giới, thực hành bố thí, tích chứa phước đức. Đây là những chúng sinh có thiện căn ở kiếp thứ hai.

Đại Vương! Bấy giờ, chúng sinh thiện căn đầy đủ, không khởi lên những điều ác, cho nên thế gian chưa lập vương pháp. Vì thế, gọi là tự nghiệp quả báo có thể che chở chúng sinh.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Được nghiệp bảo hộ như thế con đã biết rồi.

Vì sao gọi là năng lực của một người làm chủ đất nước có thể bảo hộ chúng sinh?

Đáp: Này Đại Vương! Các Vua chúng sinh là người làm chủ của chúng sinh mà năng lực của các vị ấy có thể che chở cho chúng sinh.

Nhà Vua hỏi: Những vị ấy, sao gọi là Vua?

Đáp: Đại Vương nên biết! Vua là cha mẹ của dân. Vì dựa vào phép tắc để bảo hộ chúng sinh, khiến cho họ được sống an lạc, nên gọi là Vua.

Đại Vương! Nhà Vua nuôi dưỡng dân như con đỏ, đưa họ từ nơi ẩm ướt đến chỗ khô ráo, không chờ họ kêu gọi.

Vì sao?

Đại Vương nên biết! Vua được đứng vững là nhờ lấy dân làm nền tảng. Tâm nhân dân một khi đã không yên ổn thì nước ắt sẽ diệt vong. Vì thế, nhà Vua phải nghĩ đến nhân dân như con đỏ, không bỏ tâm niệm ấy. Phải biết khổ, vui của người dân trong nước, làm việc kịp thời. Biết lũ lụt, khô hạn, biết gió, mưa. Biết nóng và không nóng. Biết thời thịnh vượng, biết nơi thiếu thốn, biết có, biết không.

Biết buồn, biết vui. Biết già, biết trẻ. Biết bệnh, biết không bệnh của người dân. Nhà Vua phải biết đúng các việc kiện tụng, biết có tội, hay không tội. Biết nhẹ hay nặng. Đối với các Vương Tử, đại thần và các quan, phải biết người có công và người không có công. Người biết như vậy gọi là không lìa tâm.

Đại Vương! Người làm Vua khi đã biết trong nước như thế, rồi đem khả năng giúp đỡ. Người nên cho thì cấp cho kịp thời, người nên thu thì phải suy nghĩ kỹ. Sai khiến biết đúng thời, không đoạt danh lợi, phải nghiêm ngặt đối với kẻ tham nhũng để nhân dân được yên ổn. Đó là người giúp đỡ, cũng gọi là Vua.

Đại Vương nên biết!

Vua có bốn hạng:

1. Vua Chuyển Luân.

2. Vua của từng Quốc Độ.

3. Vua chư hầu.

4. Vua biên địa.

Vua Chuyển Luân nghĩa là Vua Sát lợi có quán đảnh, quán xuyến bốn châu thiên hạ, là bậc Pháp Vương độc tôn tối thắng cao quý nhất giữ gìn pháp.

Vua Chuyển Luân ấy có đầy đủ bảy báu:

1. Báu phu nhân.

2. Báu Ma ni.

3. Xe báu.

4. Voi báu.

5. Ngựa báu.

6. Đại thần báu.

7. Chủ kho báu.

Vua Chuyển Luân ấy đã có đầy đủ bảy báu, đi khắp mọi nơi không có ai đối địch, không có người oán ghét, không có điều buồn phiền, không dùng các loại binh khí. Chỉ dựa vào chánh pháp, bình đẳng không thiên vị để an ủi và thu phục.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vì sao gọi Chuyển Luân Thánh Vương là người thống lãnh bốn cõi?

Đáp: Này Đại Vương! Vì Vua ấy có quyền lực khắp bốn châu thiên hạ vậy!

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vì sao gọi Vua ấy là bậc cao quý tối thắng nhất?

Đáp: Đại Vương! Vì lệnh của Vua Chuyển Luân Thánh không ai dám chống lại.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vì sao gọi Vua ấy là vị hộ pháp?

Đáp: Đại Vương! Vì Vua ấy tu theo mười pháp thiện, không làm theo tà pháp, giết hại… nên gọi là hộ pháp.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Tại sao gọi là Pháp Vương?

Đáp: Này Đại Vương! Vua Chuyển Luân Thánh dùng mười pháp thiện giáo hóa bốn châu thiên hạ, khiến cho tất cả đều giữ gìn, xa lìa mười nghiệp ác, thực hành mười pháp thiện đầy đủ và thành tựu, nên được gọi là Pháp Vương.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua Chuyển Luân Thánh nhờ nhân duyên gì mà được đệ nhất phu nhân, và vì sao được thành tựu?

Đáp: Này Đại Vương! Vua Chuyển Luân Thánh nhờ từ bỏ tâm giận dữ nghiệp bất thiện, cho nên được báu phu nhân cùng ở bên mình thọ hưởng niềm vui tối thắng, đó gọi là thành tựu.

Vì sao gọi là thọ hưởng niềm vui tối thắng?

Đại Vương! Phu nhân của Vua Chuyển Luân Thánh ấy trong thân toát ra hương Chiên đàn vi diệu vô giá. Hơi trong miệng thường bay ra hương vô giá của loài hoa Ưu bát la.

Thân thể mềm mại như chim Ca Lăng Già. Nếu có loài chúng sinh khác xúc phạm vào thân chim Ca Lăng Già ấy thì thân thể vĩnh viễn không còn mỏi mệt nữa, xa lìa sự đói khát cùng với những nỗi lo âu, buồn phiền. Được thọ hưởng sự vui sướng vô cùng tối thắng. Cũng vậy, Vua Chuyển Luân Thánh gặp phu nhân ấy cũng thọ hưởng vui sướng.

Đại Vương nên biết! Thân thể phu nhân ấy, lúc thời tiết lạnh có thể làm cho ấm áp, khi thời tiết nóng có thể làm cho mát mẽ. Tay của những người trong thế gian không thể đụng chạm đến thân của phu nhân.

Vì sao?

Vì nhờ thiện căn, xa lìa tâm tham dục và nghiệp bất thiện. Tất cả chúng sinh chỉ quan sát, kính trọng, như mẹ, như con gái, như chị em.

Nhưng phu nhân ấy phát sinh ba tâm đối với Vua Chuyển Luân Thánh:

1. Tâm thường tôn trọng Vua, không sinh tâm khác.

2. Tâm thường cung kính Vua.

3. Tâm thường nghĩ đến Vua Chuyển Luân.

Vì sao thế?

Vì đã xa lìa tâm tham dục cấu bẩn.

Lại nữa, này Đại Vương!

Phu nhân báu của Vua Chuyển Luân đã xa lìa năm loại pháp ác của người nữ:

1. Lìa tâm hời hợt không có chí hướng của người nữ.

2. Lìa tâm ham muốn người nam khác.

3. Xa lìa tâm keo kiệt, ghen ghét.

4. Đối với chỗ phi xứ xa lìa tâm dâm dục điên đảo.

5. Khi Vua Chuyển Luân Thánh lâm chung thì người ấy cũng đi theo.

Đại Vương!

Phu nhân báu ấy có năm công đức:

1. Biết nghĩ đúng với tâm của nhà Vua.

2. Có thể sinh đầy đủ ngàn người con.

3. Tự nhiên dòng họ được tôn quý.

4. Làm cho chỗ ở đầy đủ tất cả vật dụng.

5. Nếu khi nhà Vua cùng với người nữ khác thụ hưởng dục lạc thì không phát sinh tâm ghen ghét, sân hận.

Đại Vương! Phu nhân của Vua Chuyển Luân Thánh ấy đã thành tựu ba công đức.

1. Không nói lời ác.

2. Không tà kiến.

3. Nếu Vua đi nơi khác thì không ở trong cảnh giới ngũ dục và không động tâm.

Đại Vương! Phu nhân của Vua Chuyển Luân Thánh khi xả thân sẽ sinh lên Cõi Trời.

Vì sao?

Vì đã lìa khỏi tham dục, ghen ghét, đó gọi là công đức của phu nhân Vua Chuyển Luân Thánh là như vậy, khiến cho nhà Vua hưởng vui tối thắng hơn hết.

Nhà Vua hỏi: Thưa Đại Sư! Vua Chuyển Luân Thánh nhờ nhân duyên gì được báu Ma ni ấy?

Đáp: Này Đại Vương! Vua Chuyển Luân Thánh nhờ từ bỏ tâm giận dữ, nghiệp bất thiện, nên được ngọc báu Ma ni thứ hai, được thọ hưởng ánh sáng tối thắng và vật dụng an lạc tối thượng.

Vì sao tối thắng?

Đại Vương nên biết! Vì ngọc báu Ma ni của Vua Chuyển Luân Thánh có tám công đức:

1. Ngọc báu Ma ni ấy, khi trong đêm tối thì phóng ra ánh sáng lớn, như trăng rằm vào mùa thu. Ánh sáng có thể chiếu đến một trăm do tuần. Đến mùa hè chúng sinh bị nóng bức, nhờ ánh sáng báu Ma ni chiếu đến, thân thể khi tiếp xúc thì được mát mẽ.

2. Nếu Vua Chuyển Luân Thánh đi ở trong đồng vắng, chỗ không có nước, lại gặp các chúng sinh đói khát, báu Ma ni ấy sẽ phóng ra nước công đức có đầy đủ tám vị thì không còn đói khát.

3. Khi Vua Chuyển Luân Thánh cần điều gì thì tất cả đều phát ra từ báu Ma ni.

4. Báu Ma ni có tám cạnh, trong mỗi cạnh phát ra các thứ ánh sáng, như xanh, vàng, đỏ, trắng, pha lê, hồng, tía.

5. Báu Ma ni kia đặt ở đâu thì chúng sinh ở xung quanh trong khoảng một trăm do tuần đều được xa lìa những khổ đau, bệnh tật, thường định tâm, làm những điều thiện đều có kết quả.

6. Báu Ma ni ở cảnh giới nào thì không có các loài rồng phóng ra khí độc, sấm chớp, gió dữ, mưa lâu ngày làm tổn hại chúng sinh.

7. Khi nước ở tất cả núi, sông, khe, hang, rãnh, suối khô cạn, ngọc ma ni làm cho nó được hồi phục trở lại. Khi rừng cây, hoa quả bị khô héo, có thể khiến cho tươi tốt phồn thịnh, hoa ở trong ao và rừng tất cả đều đầy đủ.

8. Báu Ma ni ở chỗ nào thì chỗ đó người dân không có đau ốm, bệnh tật, bị những chất độc hay chết, và cho đến không bị các loài súc sanh cọp, chó sói, sư tử, rắn, chuột, mèo, hồ ly, chim cắt, diều hâu cùng ăn chung một thức ăn, không sinh tâm hại nhau.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần