Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN
TẬP SÁU
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:
Tất cả chúng sinh ở thế gian
Đều nương vào tất cả cảnh giới
Cảnh giới hướng đến cũng như vậy
Phật Vô Thượng Tôn đều biết rõ
Phước, không phước và hạnh bất động
Các giới xuất ly nghĩa như vậy
Hướng đến các giới tâm an trụ
Niết Bàn không động tâm vắng lặng
Tất cả nhãn giới và Sắc Giới
Nhãn thức giới kia cũng như vậy
Nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý giới
Như Lai đều biết rõ như thật
Đối pháp giới ấy biết rõ rồi
Ý thức giới kia cũng như vậy
Biết rõ các pháp trong ngoài không
Là đại trí lực của Năng Nhân
Địa giới, thủy giới và hỏa giới
Cùng với phong giới cũng như vậy
Biết rõ các giới cũng như thế
Cũng như hư không không khác gì
Tất cả Dục Giới và Sắc Giới
Vô Sắc Giới kia cũng như vậy
Như Lai biết rõ hết tất cả
Và sự phân biệt nó khởi lên
Nhưng hư không kia không biên tế
Các giới vô biên cũng như vậy
Tuy Phật biết hết khắp tất cả
Không khởi ngã tâm hay hiểu rõ
Biết rõ các giới không sở sinh
Cũng biết các giới không sở diệt
Các giới như vậy tâm vắng lặng
Trượng Phu vô thượng đều biết rõ
Như hư không không có biên tế
Trí Phật vô biên cũng như thế
Dùng trí vô ngại đều biết rõ
Mỗi mỗi tin hiểu đều giải thoát
Biết tâm khởi lên tin hiểu rồi
Vô số chúng sinh đều điều phục
Như Lai viên thành lực thứ tư
Phật tử nên sinh tin thanh tịnh.
Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực thứ tư của Như Lai, nói rộng cho đến không có pháp nào ngang bằng với Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực thắng liệt căn của Như Lai?
Nghĩa là các chúng sinh có căn tánh hoặc thù thắng, hoặc thấp kém, Như Lai đều biết rõ một cách như thật.
Sao gọi là năng tri?
Nghĩa là hạ căn, trung căn và lợi căn, cũng lại biết hết các căn thù thắng. Cho đến tích tập, phân biệt từ tham mà khởi lên các căn tánh nghiệp. Từ sân mà khởi lên các căn tánh nghiệp. Từ si mà khởi lên các căn tánh nghiệp, Như Lai đều biết rõ như thật.
Như vậy, do phân biệt các nghiệp hư vọng mà khởi lên tham, sân, si tất cả Như Lai đều biết rõ như thật. Như vậy, phân biệt các căn từ tham, sân, si ít mà khởi lên, Như Lai đều biết như thật. Phân biệt các căn từ tham, sân, si nhiều mà khởi lên, Như Lai cũng đều biết như thật.
Phân biệt các căn từ tham, sân, si, chấp trước mà khởi lên, Như Lai cũng biết như thật. Hoặc thiện nhân căn tánh, hoặc không thiện nhân căn tánh, hoặc bất động nhân can tánh, hoặc xuất ly nhân căn tánh, Như Lai đều biết như thật.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai biết hết tất cả nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn của chúng sinh. Nữ căn, nam căn, mạng căn, khổ căn, lạc căn, ưu căn, hỷ căn, xả căn, tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn, hai mươi hai căn như vậy, Như Lai đều biết rõ như thật.
Lại nữa, trong các căn, hoặc nhãn căn nhân thông với phần vị nhĩ căn, không phải tỷ căn, thiệt căn, thân căn, Như Lai đều biết như thật. Hoặc nhĩ căn nhân thông phần vị tỷ căn. Hoặc tỷ căn nhân thông phần vị thiệt căn. Hoặc thiệt căn nhân thông phần vị thân căn. Hoặc thân căn nhân thông phần vị nhãn căn. Như vậy, các căn nhân và phần vị Như Lai đều biết như thật.
Nếu các chúng sinh có căn tánh bố thí, tu trì giới hạnh, Như Lai đều biết rõ căn tánh của người ấy, liền vì nói pháp bố thí. Nếu các chúng sinh có căn tánh trì giới, tu hạnh bố thí, Như Lai biết rõ căn tánh người ấy, liền vì nói pháp trì giới.
Nếu các chúng sinh có căn tánh nhẫn nhục, tu hạnh tinh tấn, Như Lai biết rõ căn tánh của người ấy, liền vì nói pháp nhẫn nhục. Nếu các chúng sinh có căn tánh tinh tấn, tu hạnh nhẫn nhục, Như Lai biết rõ căn tánh của nười ấy, liền vì nói pháp tinh tấn.
Nếu các chúng sinh có căn tánh thiền định, tu hạnh tuệ thù thắng, Như Lai biết rõ căn tánh của người ấy liền noi pháp thiền định. Nếu các chúng sinh có căn tánh tuệ thù thắng, tu hạnh thiền định, Như Lai biết rõ căn tánh của người ấy, liền vì nói pháp tuệ thù thắng.
Tóm lại, cho đến các pháp bồ đề cũng nói như vậy. Nếu các chung sinh đầy đủ căn tánh Thanh Văn, tu hạnh Duyên Giác thừa, Như Lai biết rõ căn tánh của người ấy, liền vì nói pháp Thanh Văn thừa.
Nếu các chúng sinh đầy đủ căn tánh Duyên Giác, tu hạnh Thanh Văn thừa, Như Lai biết rõ căn tánh của người ấy, liền vì nói pháp Duyên Giác thừa. Nếu các chúng sinh đầy đủ căn tánh đại thừa, tu hạnh Thanh Văn, Duyên Giác thừa, Như Lai biết rõ như thật, liền vì nói pháp đại thừa.
Nếu các chúng sinh đầy đủ căn tánh Tối thượng thừa, tu hạnh đại thừa, Như Lai biết rõ căn tánh của người ấy, liền vì nói pháp Tối thượng thừa. Nếu các chúng sinh đầy đủ căn tánh không kham nhậm phi pháp, Như Lai biết rõ người ấy không thể kham nhậm phi pháp, liền khuyên bỏ pháp đó đi. Nếu các chúng sinh có thể kham nhậm, là bậc pháp khí, Như Lai liền vì nói chánh pháp.
Này Xá Lợi Tử! Như Lai đối với tất cả chúng sinh, hoặc quán sát các căn mà biết rõ, hoặc khong quán sát các căn cũng biết rõ. Hoặc người có căn xuất ly, Như Lai đều biết rõ, người không có căn xuất ly, Như Lai cũng biết rõ. Sau khi biết rõ như vậy rồi, tùy theo các chúng sinh có những căn tánh gì, hoặc các hanh pháp hoặc ý thích nhân, hoặc duyên, hoặc chướng, hoặc chỗ rốt ráo, mỗi mỗi Như Lai đều biết rõ như thật.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:
Các căn tánh hướng đến bờ kia
Biết tánh chúng sinh và ý vui
Các căn thế gian đều biết hết
Nhân Trung Sư Tử nói chánh pháp
Quán khắp hạ, trung và thượng căn
Trí chưa từng có chuyển khắp cả
Biết các chúng sinh căn giải thoát
Trí nói thắng pháp khiến hiểu rõ
Quyết định phiền não nó khởi lên
Tùy căn chúng sinh nhiều hay ít
Biết rõ các căn tánh như vậy
Tùy thuận tuyên nói pháp trí hành
Nếu các chúng sinh đủ thiện căn
Hoặc người đủ căn tánh bất thiện
Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn
Căn tánh khổ, vui, buồn, hỷ xả
Và căn tín, tấn, niệm, định, tuệ
Nam, nữ mạng căn cũng như vậy
Vì họ tuyên nói tín căn ấy
Các căn khác thắng nghĩa cũng vậy
Căn tánh sở hành và các tướng
Tùy ý chúng sinh mà cảm hóa
Ứng căn tuyên nói pháp thù thắng
Trí khéo biết rõ các pháp khổ
Thanh Văn các căn khó giải thoát
Chỉ Phật Bồ Đề mới xuất ly
Thanh Văn không biết nhân Phật trí
Vì nói bồ đề lực tối thắng.
Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực thứ năm của Như Lai, cho đến rộng nói thì không có pháp nào bằng Như Lai.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực chí xứ đạo của Như Lai?
Nghĩa là, con đường hướng đến Biến nhất thiết xứ của Như Lai, Như Lai đều biết như thật.
Sao gọi là năng tri?
Nếu các chúng sinh giới trụ chánh định tụ, trụ bất định tụ, trụ tà định tụ, mỗi mỗi Như Lai đều biết rõ. Nếu chúng sinh giới trụ chánh định tụ, đã có nhân lực và nghiệp đời trước, lợi căn thông minh sáng suốt, Như Lai biết chúng sinh ấy có khả năng kham nhậm, là pháp khí giải thoát, tùy theo nhân lực đời xưa mà vì nói pháp.
Nếu chúng sinh giới trụ Bất định tụ, do duyên lực đã thành thục, tùy theo căn cơ thích ứng của chúng sinh đó, Như Lai nói pháp dạy dỗ liền được giải thoát. Nếu duyên lực chưa thành thục, thì không được giải thoát, Như Lai đợi đến khi nhân duyên hòa hợp, gặp Phật ra đời, liền vì nói pháp. Chúng sinh ấy nghe Phật nói pháp rồi, siêng năng thực hành kiên cố mới được quả thù thắng.
Nếu chúng sinh giới trụ tà định tụ, không tu chánh nghiệp, căn tánh tối tăm, không phải là chánh khí, Như Lai không nói pháp cho người ấy, vì người ấy không có khả năng kham nhậm, không phải là pháp khí giải thoát, Như Lai biết rồi liền bỏ. Thế nên, các Bồ Tát phải siêng năng tu hành mặc giáp tinh tấn.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử!
Như Lai biết rõ ba thứ tham: Có thứ tham khởi lên tướng thiện, lại có loại tham khởi lên tướng biên tế, lại có thứ tham khởi lên nhân đời trước.
Như Lai biết rõ ba loại sân: Có loai sân khởi lên tướng não hại, lại có loại sân khởi lên ý tham không biết đủ, lại có loại sân khởi lên tập nghiệp đời trước.
Như Lai biết rõ ba thứ si: Có thứ si khởi lên nhân vô minh, lại có thứ si khởi lên nhân hữu thân kiến, lại có thứ si khởi lên nhân nghi hoặc, mỗi mỗi Như Lai đều biết rõ như thật.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai đối với các khổ, dùng thần thông nhanh chóng để biết, là vì lợi căn. Hoặc đối với khổ dùng thần thông chậm rãi để biết, là vì căn nhu nhuyến.
Lại nữa, Như Lai đối với các thứ vui, dùng thần thông nhanh chóng để biết, là vị lợi căn. Hoặc đối với các thứ vui dùng thần thông chậm rãi để biết, là vì căn nhu nhuyễn. Lại đối với chỗ chậm rãi, dùng thần thông chậm rãi để biết, là vì chướng đạo.
Đối với chỗ chậm rãi dùng thần thông nhanh chóng để biết khiến được khinh an. Đối với điều nhanh chóng, dùng thần thông chậm rãi để biết, vì không có rốt ráo an ổn. Đối với điều nhanh chóng, dùng thần thông nhanh chóng để biết, là vì không có sai khác.
Lại có chỗ được sức quyết trạch không phải sức tu tập. Hoặc có sức tu tập viên mãn, nhưng không phai sức quyết trạch. Cả sức tu tập và sức quyết trạch đều được viên mãn. Sức tu tập và sức quyết trạch cả hai không viên mãn, mỗi mỗi Như Lai đều biết như thật.
Lại nữa, có chỗ ý vui đầy đủ, hạnh không đầy đủ, có hạnh đầy đủ, ý vui không đầy đủ. Có ý vui đầy đủ, hạnh cũng đầy đủ, ý vui không đầy đủ, hạnh cũng không đầy đủ, mỗi mỗi Như Lai đều biết như thật.
Lại nữa, có chỗ thân nghiệp thanh tịnh mà ngữ nghiệp và ý nghiệp không thanh tịnh. Lại có chỗ ý nghiệp thanh tịnh mà thân, ngữ không thanh tịnh. Lại có chỗ thân, ngữ, ý nghiệp đều không thanh tịnh. Lại nữa, có chỗ thân, ngữ, ý nghiệp đều thanh tịnh, mỗi mỗi Như Lai đều biết như thật.
Này Xá Lợi Tử! Tất cả chúng sinh đối với tất cả chỗ, tạo ra nghiệp nhân, hoặc động, hoặc tịnh, Như Lai dùng trí vô ngại tùy theo chúng sinh mà hóa độ.
Này Xá Lợi Tử! Như vậy, trí lực chí xứ đạo của Như Lai không có biên tế, ngang bằng với hư không. Các Bồ Tát trụ tín nghe rồi phát lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và sinh ý tưởng hy hữu.
Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:
Phật khéo biết rõ lực chí xứ
Biết rõ nhân các chánh định tụ
Và các chúng sinh Bất định tụ
Tướng thành thục kia đều biết rõ
Ba loại tham Phật đều biết cả
Sân, si ba loại Phật cũng biết
Ba thứ phiền não có sai khác
Phật đều biết rõ nhân duyên xứ
Biết rõ khổ xứ, tánh lợi căn
Thần thông chậm rãi căn nhu nhuyến
Lại xứ lợi căn cũng như vậy
Phật đều biết rõ tướng chậm rãi
Có chỗ chậm rãi sức chậm rãi
Hoặc chỗ chậm rãi tánh lợi căn
Hoặc chậm, hoặc nhanh căn chậm chạp
Thần thông nhanh chóng tướng không khác
Có sức quyết trạch không sức tu
Hoặc có sức tu không quyết trạch
Sức quyết trạch, tu đều đầy đủ
Cả hai đều không, đều biết rõ
Có chỗ ý vui hoặc đầy đủ
Nhưng mà hành nghiệp chưa đầy đủ
Đều có, đều không cả hai thứ
Phật quán sát khắp đều biết rõ
Có chỗ thân nghiệp được thanh tịnh
Không phải ngữ, ý tịnh cũng vậy
Hoặc lại ngữ, thân đều thanh tịnh
Ý không thanh tịnh nghĩa cũng thế
Hoặc là ý nghiệp được thanh tịnh
Ngữ, thân không thanh tịnh cũng thế.
Hoặc lại ngữ, ý đều thanh tịnh
Thân không thanh tịnh nghĩa cũng vậy
Thân, ngữ, ý nghiệp đều thanh tịnh
Phật quán sát khắp đều biết rõ
Như vậy thành tựu môn vắng lặng
Thắng trí lực thứ sáu của Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì - Phần Sáu - Giảng Rộng
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bánh Xe - Phần Tám - Tránh Né
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi Ba - Phẩm Vô Sự
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Giáo Giới La Hầu La
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bảy Mươi Bốn - Phật Thuyết Kinh Di Lặc Làm Thân Nữ Nhân