Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Tinh Tấn Ba La Mật đa - Tập Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM CHÍN
PHẨM TINH TẤN BA LA MẬT ĐA
TẬP TÁM
Khi Đức Thế Tôn ấy nói kệ rồi, Chuyển Luân Thánh Vương sinh đại giác ngộ, liền xả bỏ tất cả đất nước, vợ, con, cha, mẹ, quyến thuộc, Đại Thần, nô tỳ, các nước ấp nhỏ, tất cả thứ dân, tiền tài châu báu, kho tàng ở thế gian, đứng trước Phật nói kệ rằng:
Giả sử thịt thân đều khô cằn
Cho đến chết bỏ ngoài đồng hoang
Thề bỏ đất nước các cung điện
Mong cầu Phật Bồ Đề tối thượng.
Lại nữa phát khởi đại tinh tấn
Lợi lạc tất cả các hữu tình
Ở nơi đồng hoang rất xa xăm
Bỏ nhà xuất gia thích tu hành.
Vĩnh viễn xả bỏ các dục lạc
Xa lìa tội nghiệp và si mê
Nếu còn chấp trước nơi các nhiễm
Thì là trái với đạo bồ đề.
Tất cả các dục và vương vị
Thệ nguyện vứt bỏ hết tất cả
Con đối với giáo pháp Thế Tôn
Nguyện thích xuất gia hành chánh hạnh.
Người trí xa lìa các cảnh dục
Chí thích tu hành đạo bồ đề
Nên phát tâm tinh tấn dũng mãnh
Nếu đắm tạp nhiễm trái Phật đạo.
Nay con đối với các cảnh dục
Vương vị dục lạc đã vứt bỏ
Khát ngưỡng pháp Phật cầu xuất ly
Tinh tấn nguyện mau thành bồ đề.
Khi Chuyển Luân Thánh Vương nói kệ rồi, ở chỗ Đức Phật ấy thân cận cúng dường, phát lòng kính tín, bỏ nhà xuất gia, cạo bỏ râu tóc thường mặc pháp phục. Vua xuất gia rồi, đồng thời lại co sáu mươi trăm ngàn câu chi na do tha người cũng phát lòng kính tín, bỏ nhà xuất gia.
Khi ấy, Đức Như Lai Dũng Mãnh Tinh Tấn hóa độ đã xong, liền nhập Bát Niết Bàn. Thấy Phật diệt độ, Chuyển Luân Thánh Vương buồn rầu áo não, gom lấy Xá Lợi phụng thờ cúng dường, cúng dường rồi mạng chung sinh lên Cõi Trời Đâu suất đà.
Khi thọ mạng ở cõi đó hết lại hạ sinh vào Cõi Diêm Phù Đề. Lúc đó mới được thành Phật hiệu là Thiện Hạnh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Đức Phật ấy trụ thế một câu chi năm, lại có câu chi na do đa đại chúng Thanh Văn đến tập hội, đều là đại A La Hán, đã hết các lậu, không còn phiền não, hoàn tất việc lợi mình, tâm được tự tại, đã đến bờ giác ngộ. Lại có mười vạn chúng Đại Bồ Tát, không còn thoái chuyển, trụ địa không thoái, thệ cầu Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Đức Phật ấy nói pháp giáo hóa vô lượng A tăng kỳ hữu tình, làm các việc thiện lợi rồi mới vào Bát Niết Bàn. Sau khi Đức Phật ấy diệt độ, chánh pháp tồn tại ở thế gian mãn một kiếp, rồi sau đó mới phân bố Xá Lợi Phật, cung kính cúng dường, cũng như sau khi ta diệt độ phân bố Xá Lợi không khác.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát Tịnh Trụ thực hành hạnh tinh tấn Ba la mật đa của Bồ Tát, thường luôn theo học không có biếng nhác mệt mỏi. Do thuở xưa dựa vào một loại tạo ra kho báu, hữu tình lại khởi lên ganh ghét.
Này Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát khi cầu đại bồ đề mà lại khởi lên ganh ghét dòng họ người khác, nên biết, lúc đó có ba thư sợ:
1. Ở chỗ phi lý mà đi khất thực.
2. Điều không nên nói mà lại cùng nhau nói.
3. Thấy các Bí Sô khác lại sinh ganh ghét. Do ba điều này cho nên càng tăng trưởng lỗi lầm ganh ghét. Vì lý do đó cho nên ở trong địa ngục coi như là nhà của mình. Như vậy, đối với người hành tinh tấn, cũng như người mù đối với các hiểm nạn biến địa, thọ sinh tà kiến, bị nó nhiếp thọ.
Này Xá Lợi Tử! Lại thấy các Bí Sô khác tâm sinh giận dữ không muốn nhìn, khởi tâm ganh ghét, khiến người khác phải nổi giận tranh cãi, nổi lên tướng cực ác, nói lời thô lỗ. Vì lý do đó, nên đọa vào địa ngục như nhà của mình, từ đó thọ sinh kiến lập chủng tử.
Dẫu được thân người, nhưng lại sinh ra các hiểm nạn biên địa tà kiến, bị nó nhiếp thọ, tâm không thương xót, thích gây nhiều tổn hại, dối trá với người khác rất thích tùy thuận.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát đối với chủng tộc khác sinh ra ganh ghét, thì nên nhớ nghĩ ba thứ sợ hãi như vậy.
Đức Thế Tôn vừa nói xong, Tôn Giả Xá Lợi Tử bạch Phật: Thật hy hữu! Thưa Thế Tôn! Đại Bồ Tát mới có thể lắng nghe hành tướng của Đức Như Lai như vậy, đối với dòng họ người khác không sinh ganh ghét, đạt thiện lợi lớn nên được xuất ly.
Xá Lợi Tử nói tiếp: Hay thay! Thưa Thế Tôn! Các chúng Thanh Văn chúng con cũng thích muốn nghe pháp yếu này.
Thưa Thế Tôn! Làm thế nào để khỏi sinh ganh ghét đối với dòng họ người khác, mà được xuất ly và giải thoát địa ngục, các đường ác hiểm nạn tối tăm?
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Do không có nhân duyên nên không nói việc này.
Xá Lợi Tử thưa: Thưa Thế Tôn! Chúng con làm thế nào để lìa mọi phỉ báng, không sinh tà kiến, thường sinh giữa thành phố, thấy Phật nghe pháp, tu hạnh Thanh Văn?
Xá Lợi Tử vừa thưa xong, Đức Phật dạy: Hay thay, hay thay!
Này Xá Lợi Tử! Ông có thể hỏi Như Lai về pháp nghĩa như vậy.
Này Xá Lợi Tử! Nếu các hữu tình thích học tập theo các điển tích của ngoại đạo thế gian, thì không nên nói cho họ. Nếu hữu tình cung kính tin hiểu pháp Phật, chí thích tu học thì nên nói cho họ.
Vì sao?
Vì nếu người không xa lìa điển tích ngoại đạo thế tục, mà ta đem diễn nói thì đó là nền móng của đấu tranh, là nạn của Phật Pháp.
Này Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát tin hiểu kiên cố, không sinh buông lung, trong nhiều kiếp tầm từ quán sát, tâm sinh cứu hộ các loài hữu tình, thì mới có khả năng đến chỗ Như Lai thưa hỏi pháp nghĩa, nghe pháp này rồi, vui thích hoan hỷ, như thuyết tu hành.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu các hữu tình tinh tấn yếu kém mà cầu Niết Bàn thì thật là khó, trái lại càng tăng thêm ba thứ lỗi lầm. Đó là lợi dưỡng, tôn trọng, danh xưng, nhưng lại ham thích bạn bè chủng tộc và các quyến thuộc, để tự nuôi sống nên thường tham cầu làm lợi bất nghĩa.
Do ba việc này cho nên thường tìm cầu, không thể thoát khỏi ba đường ác. Vì tinh tấn yếu kém, nên đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Diệm Ma La giới, chướng ngại đường sinh Thiên, lại ở trong đường ngạ quỷ, thường sinh đấu tranh.
Này Xá Lợi Tử! Các hữu tình ấy không tin thọ các thiện pháp, lại thân cận các bạn ác, không ham thích sống chỗ vắng lặng, nhưng lại thích sống nhà bạch y.
Nghe các Trưởng Giả nói lời như vậy: Nếu các vị sống ở đây, tôi xin cung cấp các món ăn uống, y phục, ngọa cụ, thuốc thang, thân cận cúng dường.
Lúc đó, các Bí Sô trao đổi với các trưởng giả: Nếu chúng ta ở đồng hoang, thì ai thân cận nay ta nên mến mộ cung kính các vị.
Các Bí Sô nhân đó càng sinh tham trước ở nhà bạch y. Ở được thời gian lâu, cùng với chủng tộc và dòng họ, sinh tham ái lẫn nhau. Bỗng nhiên có Bí Sô khác từ phương xa đến vào nơi dòng ấy.
Lúc đó, các Bí Sô cũ do vì tham trước, sinh ra ganh ghét nói với Bí Sô mới đến: Ta vốn thanh tịnh, đa văn, đã chứng Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Các Bí Sô cũ buông ra những lời ác dối trá hư vọng như vậy.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử!
Lúc đó các Bí Sô khác cũng nói như vậy: Tôi nay không cần ở lâu trong nhà bạch y này.
Các Bí Sô cũ cùng nhau ganh ghét làm lợi bất nghĩa.
Này Xá Lợi Tử! Lại có một hạng người đối với pháp đại thừa buông lời gian ác, canh tranh lẫn nhau, hủy báng hành tướng như thật của các Khế Kinh.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu ai đối với Khế Kinh, thanh, danh, cú, văn, chánh pháp của Như Lai nói ra mà tạm thời nghe rồi đều được hiểu biết thù thắng, còn đối với hữu tình mà sinh hủy báng, hành tướng như vậy nhất định đọa vào đường ác.
Này Xá Lợi Tử! Lại nữa, đối với Đại Bồ Tát tinh tấn không thoái chuyển mà sinh oán ghét, hành tướng như vậy cũng đọa đường ác.
Khi nghe Đức Thế Tôn nói như thế, Xá Lợi Tử và các hữu tình không sinh ganh ghét đối với người làm thiện.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát như vậy đối với tinh tấn Ba la mật đa, thực hành tinh tấn, không thoái chuyển, sinh ý tưởng cứu hộ các hữu tình. Tất cả hữu tình thường bị ba thứ bệnh thiêu đốt. Đó là tham, sân, si.
Ta nên đối với các hữu tình ấy đem chánh pháp của Phật tích tập hòa hợp, làm đại lương dược, chữa trị chứng bệnh tham, sân, si nhiệt não các hữu tình này. Ta cho rằng, đây là Đại Bồ Tát thực hành hạnh tinh tấn Ba la mật đa không thoái chuyển.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Tất cả hữu tình thường sinh nhiệt não.
Vì sao?
Vì ba thứ bệnh độc lúc nào cũng bộc phát. Nếu sinh lên Cõi Trời và cõi người cho đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Diệm Ma La giới, đều bị độc tham, sân, si thiêu đốt. Đại Bồ Tát thấy hữu tình bị nhiệt não khổ sở nên phát khởi ý tưởng cứu hộ.
Lại suy nghĩ rằng, ba thứ bệnh này thuốc hay thế gian không thể trị hết, làm sao trừ được ba thứ bệnh này?
Chỉ có Phật Như Lai được đại Pháp Thân, là Đại Y Vương mới có thể cứu hộ trị liệu ba thứ bệnh nặng nhiệt não của tất cả hữu tình. Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, thân là pháp dược, là Đại Y Vương mới có thể cứu hộ trị liệu tất cả hữu tình diệt trừ ba thứ độc nhiệt não.
Này Xá Lợi Tử! Nếu các thứ y dược ở thế gian không thể trị liệu được ba thứ bệnh độc, chỉ có Như Lai và Đại Bồ Tát làm Đại Y Vương thí đại pháp dược mới có thể diệt trừ ba độc nhiệt não của các hữu tình.
Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu thì Như Lai đã nói các cõi hữu tình, ý Thế Tôn nghĩ sao?
Không phải như địa, thủy, hỏa, phong không giới, trong mấy giới ấy hữu tình giới là rộng vô lượng vô biên?
Đức Phật khen: Đúng vậy, đúng vậy!
Này Xá Lợi Tử! Thật đúng như lời ông nói. Các chúng hữu tình ấy đồng phần giới, Thanh Văn, Duyên Giác không thể thấy, chỉ có thiên nhãn của Phật mới có thể chiếu khắp.
Này Xá Lợi Tử! Trong tam thiên đại thiên Thế Giới Trời, Người, A Tu La, cho đến vô lượng vô biên noãn, thai, thấp, hóa, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, không phải có tưởng, không phải không tưởng, kiến lập hữu tình giới như vậy, Thiên nhãn của Phật đều chiếu thấu tận. Hoặc một sát na, hoặc một lạp phược, một mâuhô lật đa, trong thời gian đó không được thân người, hôm nay mới được.
Này Xá Lợi Tử! Những người như vậy, giả sử đều như Y Vương Hoặc Mạng khéo trị các bệnh, muốn chữa trị tham, sân, si, các bệnh khổ nhiệt não cho một người cũng không thể được.
Lại nữa, có thể hòa hợp các thứ lương dược tối đại chất cao như núi Tu Di, để trị bệnh tham, sân, si cho một người cũng không thể được. Giả sử đều như Y Vương Hoặc Mạng, sống ở thế gian tuổi thọ một kiếp, giã trộn hòa hợp các đại lương dược lượng hơn Tu Di, mọi người làm cho đến khi mệt mỏi, muốn chữa trị bệnh tham, sân, si cho một người, dù chỉ hết một phần nhỏ cũng không thể được.
Này Xá Lợi Tử! Chỉ có Như Lai đầy đủ phương tiện, pháp dược thanh tịnh, mới có thể tùy theo bệnh cho thuốc chữa trị ba độc. Nếu các hữu tình có bệnh thiêu đốt nhiệt não, Như Lai vì nói pháp quán bất tịnh, hòa hợp làm thuốc.
Thuốc này có khả năng trị liệu hết bệnh trong vô lượng trăm ngàn câu chi na do đa A tăng kỳ, cho đến không thể nói hết, không thể ghi hết số hữu tình có bệnh tham nhiệt não.
Lại các hữu tình có bệnh sân nhiệt não, Như Lai vì hữu tình ấy nói pháp đại từ, hòa hợp thành thuốc. Thuốc ấy có khả năng trị liệu hết bệnh trong vô lượng, cho đến không thể nói, không thể ghi nhớ số hữu tình có bệnh sân nhiệt não.
Lại các hữu tình có bệnh si nhiệt não, Đức Như Lai vì hữu tình ấy nói pháp duyên sinh, hòa hợp thành thuốc. Thuốc ấy có thể chữa trị hết bệnh trong vô lượng, cho đến không thể nói hết, không thể ghi nhớ hết số hữu tình bị bệnh si nhiệt não.
Cần nên biết rõ ví dụ này. Đại Bồ Tát có thể đem pháp dược của Như Lai cứu hộ chữa trị hết bệnh vô lượng vô biên cho đến không thể nói hết, không thể ghi nhớ hết số hữu tình bị bệnh ba độc nhiệt não. Làm được như vậy là thành tựu Pháp Thân của Như Lai.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát trụ pháp thân như vậy, lại nhờ sức gia trì của pháp thân, nên khiến vô lượng vô biên, cho đến không thể nói hết, không thể ghi nhớ số hữu tình bị bệnh ba độc quấy nhiễu não hại, thảy đều trừ diệt không còn tái sinh, thảy đều trừ diệt không còn tái sinh.
Này Xá Lợi Tử! Thuở xưa ta ở trong vô lượng A tăng kỳ kiếp, biết rõ được pháp này. Lại cũng ngay thời điểm đó có Phật ra đời, hiệu là Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Đức Phat thọ ký cho ta: Quá vô lượng A tăng kỳ kiếp, ngươi được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Ta ở chỗ Đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác, được đầy đủ Pháp Thân, sinh lên Cõi Trời Tam Thập Tam, hiệu là Quang Minh Thiên Tử, làm chủ Thước Ca La, có đại oai đức, đầy đủ đại thần thông, tiếng tăm vang khắp, tự tại vô ngại.
Thời điểm ấy, trong Châu Diêm Phù Đề có tám vạn bốn ngàn thành lớn, lại có nhiều thành ấp xóm làng. Trong các xóm làng ấy, có trăm ngàn câu chi na do đa các loại hữu tình.
Lại cũng trong thời điểm ấy kiếp tật bệnh nổi lên, hữu tình ác nghiệp bệnh duyên thành thục, trên thân mang đủ các chứng bệnh, nào là ghẻ lỡ, ung thư, mụt nhọt, hắt lào lan tràn, phong huỳnh đàm ấm… Lúc đó, có trăm ngàn Y Vương, hòa hợp lương dược trị liệu cho các hữu tình tật bệnh được thuyên giảm.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Lúc đó hữu tình không nơi nương tựa, không người cứu hộ.
Người chưa hết bệnh lớn tiếng than: Nếu Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, La Sát Bà, nhân phi nhân có thể khiến cho tôi giải thoát tất cả bệnh khổ não thì tôi cúng dường hết tất cả tài vật, nguyện làm kẻ nô tỳ tùy ý sai sử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Ngũ Vương - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Ba Mươi - Phẩm An Lạc
Phật Thuyết Kinh đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Phẩm Ba - Phẩm trừ Chướng
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Tám